Nghệ Sĩ Diệp Lang-Con Trai của Thầy Đờn Ba Diệp

Nhân ngày mất của nghệ sĩ cải lương Diệp Lang (1941-2023)

Ngày mà Dương Công Thuấn, con trai của thầy đờn Ba Diệp được soạn giả Nguyễn Huỳnh đặt cho nghệ danh là Diệp Lang- có nghĩa là Con Trai của Ba Diệp-người nghệ sĩ đó không ngờ rằng hai chữ Diệp Lang sau nầy đã trở thành quen thuộc với nhiều ngành, nhiều giới chớ không chỉ trong giới cải lương là sinh hoạt chính của ông. Ngoài sân khấu cải lương, ông còn đóng kịch, đóng phim và là đạo diễn sân khấu…

Ông sanh ngày 4 tháng 3 năm 1941 tại làng Bình Tiên, quận Châu Thành, tỉnh Sa Đéc, nay là Đồng Tháp. Khúc ấu thời, từ 8 tuổi, theo cha ăn quán, ngủ đình, lời cha dặn không nhiều nhưng lòng hiếu đạo vẫn theo ông suốt đời cùng với tinh thần một lòng một dạ theo nghề biểu diễn.

Cha khuyên ông có quyết theo nghiệp tổ thì cố chường mặt ra sân khấu, chớ làm phận bạc của người cầm đờn trong cánh gà, có muốn cưới vợ thì phải có sự nghiệp trước đã. Suốt đời ông không quên được ngày về quê thăm cha, dù bịnh rất nặng, người thầy đờn ấy vẫn cố đàn sáu câu rồi thêm sáu câu nữa để thẩm định sức con mình, sau đó mới yên tâm buông dây vĩnh biệt cây đàn. Từ đó, ông rút ra bài học, vẻ ngoài của người nghệ sĩ có tô vẽ thế nào vẫn không so nổi với chiều sâu tâm hồn bên trong, có thể khiến lòng người nao mềm, sống chết vì nó.

Khi tuổi mới đôi mươi, kép Diệp Lang nhận vai ông lão 70 là người cha trong vở Người anh khác mẹ của soạn giả Thu An ở đoàn Kim Chưởng. Năm sau, 1963, vai này giúp ông được lãnh Giải thưởng Thanh Tâm là giải thưởng giá trị cho giới cải lương bấy giờ dựa trên ba tiêu chuẩn Ca- Diễn và Đạo Đức. Ông tự cho mình ca không bằng ai, còn về Diễn và Đạo Đức thì dù khiêm tốn mấy cũng phải nhận là mình đầu bảng.

Sau nầy ông nổi tiếng trong nhiều vai kép độc, lão. Đời nhớ ông nhiều qua các vai như vai Bát Lộ Kỳ trong Hai Chiều Ly Biệt, vai Chu Thiên Mã trong Mùa thu trên Bạch Mã Sơn, vai Hồ Diên Trúc trong Xin một lần yêu nhau, vai Chu Thiên Cát trong Máu nhuộm sân chùa, vai A Khắc Lữ trong Người tình trên chiến trận, vai Nhượng Phong trong Kiếm sĩ dơi, vai Hội đồng Dư trong Tiếng hò sông Hậu, vai Hội đồng Thăng trong Đời cô Lựu, vai Cha của cô Nguyệt trong Tô Ánh Nguyệt, vai ông Sáu trong Nửa đời hương phấn, vai Cha của Thúy Liễu trong Lan và Điệp, vai Tám trong Tìm lại cuộc đời, vai Lê Quý trong Tâm sự Ngọc Hân, vai Lê Xuân Giác trong Tiếng sóng Rạch Gầm, vai Hải Lâm trong Áo cưới trước cổng chùa…

Sau 1975, một thời gian dài, trong vai trò trợ lý đạo diễn, ông tham gia vào việc chỉ đạo diễn xuất và chỉnh sửa kịch bản, góp phần khá lớn vào sự thành công của vở diễn. Khi về đến đoàn 284 vừa làm quản lý vừa biểu diễn, ông mới chính thức đứng tên đạo diễn của riêng mình.

Trong giới rất nể phục khả năng nhìn ngắm, xếp đặt phân vai của ông, đặt sự toàn vẹn của tác phẩm lên trên, đấu tranh tới cùng, không cho thói ích kỷ, của kiểu nghệ sĩ coi cá nhân mình cao hơn người chỉ đạo diễn xuất, đi dành giựt vai với bạn diễn khác dù không thích hợp.

Với những tiền bối như Năm Châu, những ký giả tiền phong như Trần Tấn Quốc ông đặc biệt quý trọng. Ông thường nhắc hình ảnh Trần Tấn Quốc, người lập ra giải Thanh Tâm, thường bận veston khi đi xem hát để bày tỏ lòng kính trọng với vở diễn mình được thưởng thức.

Ông luôn tâm niệm lời dạy của thầy Năm Châu, rằng đồng ý đi hát là phải diễn xuất, nhưng… đừng “diễn xuất” mới hay, chính từ đó, thầy đề ra trường phái cải lương Thật và Đẹp mà Diệp Lang đã theo suốt cả đời mình. Ngoài những bầu gánh như cô Kim Chưởng hướng dẫn diễn xuất cho mình, ông cũng tự tìm tòi, học hỏi từ phim ảnh, nhìn ra đằng sau vẻ đẹp của Alain Delon, Audrey Hepburn, sự thu hút của J.P.Belmondo, Sophia Loren, Yul Brynner… còn ở khả năng hóa thân theo từng vai diễn của họ. Ông biết biển học mênh mông nên bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, từng chi tiết thú vị từ đời sống hay các tác phẩm quanh mình đều được ông cần mẫn thu gom đó, để dành bung ra cho vai hay vở diễn khi có dịp.

Ông luôn đau đáu cho một sân khấu đúng nghĩa thánh đường, luôn mơ về một thuở vàng son của cải lương, đa phần khán giả ở dưới khán phòng đều cảm nhận được khi trên sân khấu có người diễn xuất thần, thậm chí ca rớt mất nhịp. Một thời, khắp nơi đều nhắc về ông như ông thần giữ đền, không những cho một sân khấu cải lương tử tế mà ông còn có phản ứng mạnh khi có những ai lỡ lời cho là cải lương đồng nghĩa với “sến”, với rẻ tiền, với “gu” thẩm mỹ xấu…

Một lần trả lời phỏng vấn trên báo Kịch Ảnh Xuân, một trong những bạn diễn mà ông rất trân trọng là Thanh Nga đã cho biết người yêu hiện tại của mình tên Nghệ Thuật (lúc ấy cô còn độc thân) và kẻ thù của mình tên là Thời Gian. Phần ông thì sau những ngày tháng giong ruổi theo gánh hát, bao phen rã gánh ngủ đình, sau những giải thưởng, huy chương, danh hiệu có được, sức khỏe là một vấn đề lớn khiến ông phải giảm dần tới lúc gần như ngưng hẳn việc tham gia nghệ thuật.

Ông vốn ít đề cập đến giai đoạn nầy, nhưng cô Thu Phong, người bạn đời sau nầy của ông, người từng phụ ông trong lúc soạn thêm lời cho kịch bản đầy đặn hơn, đã cho biết, gia đình rất cảm ơn những ân nhân giúp đỡ trong giai đoạn này và cũng có ít nhiều buồn lòng khi có vài đồng nghiệp không thấu hiểu, lại trách ông sao không phụ một tay, khi được họ tha thiết mời vào các chương trình của họ. Cô Thu Phong cho biết một con mắt của ông là của một khán giả đã mất hiến tặng.

Sang Mỹ định cư để cháu ngoại có điều kiện chữa bệnh, cách một đại dương, ông vẫn không ngừng trăn trở trước hiện tượng khán giả xa dần sân khấu cải lương. Trái tim bệnh hoạn của ông nhói đau khi thấy một bổn tuồng tâm huyết mình từng diễn, chỉnh sửa, dàn dựng được sống trong lòng khán giả sau cả ngàn xuất lại bị mang ra bóp méo để kiếm tiếng cười.

Ông cho biết những năm sau nầy, gần như đêm nào ông cũng mơ thấy được đứng trên sân khấu với những bạn nghề cũng coi sân khấu như đạo với mình như Thanh Sang, Thanh Tòng… Thời ông sang bên kịch nói phụ một tay, chúng tôi cảm phục thái độ làm nghề và kiểu diễn nhập tâm mà như không diễn của ông.

Khi phim Song Lang chiếu ở San Diego hay ở Quận Cam, ông và cô Thu Phong không ngại đường xa đã cùng chị Kim Tuyến ghé xem và chân tình cung cấp thêm nhiều chuyện về thế giới cải lương. Leon Le, đạo diễn của Song Lang rất khâm phục sự chắc nhịp và cách chia câu, nhấn nhá, diễn trong lời ca nghe của ông khiến tiếng hát ấy dù không mượt mà như các danh ca được thu đĩa khác nhưng nghe rất “đã” tai. Có lần, chúng tôi làm được tác phẩm Tiên Nga, gởi tặng tập sách hình cho ông, từ xa, ông gọi về cho Thành Lộc để góp ý về bộ râu của cụ Đồ Chiểu do Lộc thủ diễn.

Ông rời cõi nầy vào sáng ngày 11 tháng 3 năm 2023, tại San Diego, California, US trong cơn đau tim mà theo cô Thu Phong kể, ông vốn buồn nhiều khi vài ngày trước nghe tin Vũ Linh vừa ra đi. Cô Phong nói rất ngắn gọn về người chồng ít nói của mình. Rằng đó là Một Người Tốt! Cô cũng ấm lòng vì ông mất trong vòng tay của gia đình, đủ dâu rể cháu con, trong đó có Phong Tuyền, con gái đầu và đạo diễn Diệp Tiên, con trai ông, sau mười năm xa cha cũng về sống cạnh.

Cô con gái đầu của ông và chị Phượng Liên vừa cũng ghé thăm và cũng đã thấu hiểu tình cha. Khi ông ra đi, có người nhớ tới ông vì đã thể hiện cái ác như thật một cách thuyết phục của vai Hội đồng Dư, cái tham và yêu si đến hủy hoại hạnh phúc người khác của Hội đồng Thăng, có người nhớ nhất về ông ở một vai bị oan khuất đến độ cắn lưỡi hóa câm, chỉ thể hiện bằng động tác, rồi cuối vở bật ra ba tiếng: Quân giết người!

Như ngày xưa thầy đờn Ba Diệp đã để lại chữ Diệp cho ông, phần ông, đã từng ngồi kể hết những khuất khúc đời mình cho tôi, định dành tặng đời sau nếu ai đó muốn hiểu thêm về nghệ thuật cải lương này tìm đọc, nhưng giờ chót chính ông cho là nếu không thể ghi ra hết thì thà ngưng lại tập hồi ký nầy.

Có lẽ vì ông nghĩ, mọi người sẽ nhớ về mình qua hai chữ Diệp Lang, trong đó có tên Cha mình- thầy đờn Ba Diệp, vậy cũng đã quá đủ rồi. Đó cũng là điều mà cô Thu Phong vừa nói với các con khi ông vừa khép mắt, hãy hãnh diện vì cha của các con đã để lại cho đời, Một Cái Tên: Diệp Lang- con trai của thầy đờn Ba Diệp!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: