Bà Thạch Thị Thu – vợ của nghệ sĩ Tùng Lâm – cho biết sau nhiều năm chống chọi với nhiều loại bệnh, ông đã ra đi lúc 5 giờ sáng, ngày 15 Tháng Mười tại nhà riêng ở quận Bình Thạnh, Sài Gòn.
Nhiều năm nay, ông ít giao lưu với bên ngoài do sức yếu, nên việc ra đi của ông khiến nhiều người bất ngờ và thương tiếc khi nghe tin. Tùng Lâm được coi là biểu tượng cuối cùng cho thời đại danh hài đầu tiên của Việt Nam, tung hoành trên sân khấu và điện ảnh, được biết tới ở nhiều nước Đông Nam Á lúc bấy giờ, và cũng là biểu tượng ghi dấu đến tận hôm nay ở trong nước.
Nghệ sĩ Kim Tuyến, định cư ở California, người được coi là thân thiết và gần gũi với nghệ sĩ Tùng Lâm trước năm 1975, nói với Saigon Nhỏ: “Lâu nay biết chú bệnh nhiều, đoán là rồi cũng sẽ tới ngày này, nhưng sao nghe tin, tôi chỉ biết khóc”.
Những hình ảnh cuối cùng của nghệ sĩ Tùng Lâm mà Saigon Nhỏ nhận được, nhìn ông thanh thản như mỉm cười chào từ giã mọi người. Danh hài lừng lẫy một thời của miền Nam, khi ra đi vẫn làm tròn nghiệp đời mình, bằng cách gửi lại cho những khán giả thân quen của ông, bằng một nụ cười nhẹ nhàng.
“Chú mang nhiều bệnh quá, đau nhiều, nên ra đi cũng là nhẹ cho chú, mình thương chú hơn khi biết chú qua những cơn đau ngày thường”, nghệ sĩ Kim Tuyến chia sẻ, rưng rưng.
Trong lần báo Saigon Nhỏ đến thăm và chia sẻ với gia đình của nghệ sĩ Tùng Lâm vào tháng Năm 2023, ông đang trở nặng. Mỗi cử động đều làm ông đau đớn. Thậm chí uống nước cũng khó khăn. Bà Thu, vợ của nghệ sĩ Tùng Lâm nói ông đau nhiều và chấp nhận những ngày nặng nề bằng giấc ngủ dài với thuốc giảm đau mỗi ngày, thức dậy thì lại đau. Giờ thì ông đã có thể nhẹ nhàng yên nghỉ.
Có những điều mà khi nghệ sĩ Tùng Lâm còn sống, không thể nói nhiều vì ngại gây khó cho ông. Trong bài phỏng vấn nghệ sĩ Kim Tuyến về sinh hoạt văn nghệ của nghệ sĩ miền Nam sau 1975, bà có thoáng nói tới nghệ sĩ Tùng Lâm với bộ mặt lặng buồn khi nghe những mệnh lệnh của nghệ sĩ Kim Cương, lúc chính thức tuyên bố là người của “cách mạng”.
Một đời là danh hài, sống và làm việc với tiếng cười, nhưng điều bàng hoàng của nghệ sĩ Tùng Lâm là trong những ngày đầu “học tập văn hóa” với cán bộ miền Bắc, ông bị một vị cán bộ chỉ mặt và nói “ông không được diễn hài nữa”. Tuyên bố đó không nói lý do, nhưng cũng dễ hiểu vì trong chiến tranh, hài xã hội là một loại hình không có ở miền Bắc, và sau khi chấm dứt tiếng súng, hài có thể bị coi là ám chỉ điều gì đó với những ngôn từ biểu diễn bình thường. Sau khi nghe thuyết giảng về văn hóa giải trí “độc hại” và “nhảm nhí” của chế độ Mỹ – Ngụy, vị cán bộ đó còn lấy hình quảng bá chương trình biểu diễn của ông Tùng Lâm tổ chức, chỉ vào hai cái tên được viết lớn nhất, là Tùng Lâm và Kim Tuyến, nói là cấm tiệt “Chúng tôi không có cái loại văn hóa cá nhân như thế này”. Lúc đó cả hội trường chết lặng. “Tôi còn nhớ lúc đó, là Tháng Năm 1975”, nghệ sĩ Kim Tuyến kể lại.
Phần lớn đối với các nghệ sĩ hài, khán giả chỉ nhìn thấy sự vui nhộn và những biểu hiện bề ngoài. Nhưng với nghệ sĩ Tùng Lâm, dường như ông giữ lại cho mình nhiều suy nghĩ đời thường bên ngoài nụ cười. “Thưa, chị có nghĩ là nghệ sĩ Tùng Lâm là một người im lặng chịu đựng với những đổi thay không thích hợp với mình, và cô đơn không thể bày tỏ điều mình nghĩ không?”. Saigon Nhỏ từng có câu hỏi như vậy trước đây với nghệ sĩ Kim Tuyến.
“Có lẽ vậy đó”, nghệ sĩ Kim Tuyến nói. Trong lần cuối cùng bà gọi về hỏi thăm nghệ sĩ Tùng Lâm, bà thấy ông nhắc nhiều kỷ niệm xưa, ông nói nhiều và mệt nhưng nhắc rõ từng chuyện. Thậm chí ông xài nhiều lần những chữ cấm kỵ của thời hôm nay tại Việt Nam. “Con có nhớ chương trình cuối cùng mình tổ chức, trước khi mất nước không?”, câu hỏi và cách nói của ông Tùng Lâm với nghệ sĩ Kim Tuyến làm người nghe ngạc nhiên. Những ngôn ngữ đó, dường như chôn chặt trong người, và chỉ được nói khi ông thấy đời mình đang ngắn lại.
Những người hâm mộ ngả nón từ biệt nghệ sĩ Tùng Lâm, nhưng với những người cùng thời với ông, cũng là ngả nón từ biệt những ký ức đẹp nhất của thời đại mình đã có.