Thịt chó, còn gọi thịt cầy (cờ tây – cầy tơ), mộc tồn, thịt “sư tử đất”, hoặc “cẩu nhục”, “hương nhục” (thịt thơm). Đề tài về Chó, chắc hẳn có rất nhiều bài viết về con vật thân yêu, chí nghĩa chí tình trong các loài gia súc nầy. Để tránh trùng lặp, người viết chỉ bàn về “Văn hóa… ăn thịt chó”- gọi tắt là Văn hóa thịt chó ở nước ta.
Bàn về chó mà không nói đến nghệ thuật “ăn thịt chó” là một điều thiếu sót. Nhưng cũng rất bất công với con vật rất mực trung thành. Điều nầy còn nói lên cái nhìn, cách nghĩ, văn hóa của một dân tộc.
Trong lịch sử, việc ăn thịt chó đã được phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới như: Trung Hoa, Nam Dương, Hàn Quốc, Mễ Tây Cơ, Phi Luật Tân, Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam. Trong thời cận hiện đại, thịt chó vẫn là món ăn thường dùng tại Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam.
Vấn đề văn hóa
Vấn đề văn hóa có rất nhiều định nghĩa với vô số cách hiểu khác nhau. Theo thống kê của hai nhà nhân loại học người Mỹ là Alfred Kroeber và Clyde Kluckholn thì có tới 164 định nghĩa khác nhau về văn hóa trong các công trình nổi tiếng thế giới (Lương Vân Kế: Thế giới đa chiều, nxb Thế Giới, 2007). Văn hóa là sản phẩm của con người, không chỉ liên quan tới tinh thần mà bao gồm cả vật chất.
Theo nghĩa thông thường, những sản phẩm như đồ đạc, nhà cửa, đường sá, ẩm thực… thuộc về văn hóa vật chất; còn những sản phẩm như khoa học, tín ngưỡng, văn học, tư tưởng, giá trị, phong tục tập quán, v.v… thuộc về văn hóa tinh thần (còn gọi là văn hóa phi vật chất). Giữa văn hóa vật chất và phi vật chất còn có mối liên hệ mật thiết với nhau: cái nầy bổ sung cho cái kia, và ngược lại. Bất cứ cái gì tốt, xấu đều là giá trị – mà giá trị là sản phẩm của văn hóa. Như vậy, có thứ văn hóa tốt hay không tốt, có thứ văn hóa hay hoặc dở; đi xa hơn một chút, còn có văn hóa và phản văn hóa nữa.
Văn hóa thịt chó
Theo Wikipedia, cội nguồn ăn thịt chó bắt đầu từ Lễ hiến chó trong tín ngưỡng dân gian, có thể nói là một phạm trù của văn hóa ẩm thực- Văn hóa thịt chó. Người “có công” trong việc khám phá, ăn thịt chó đầu tiên là thầy cúng, thầy phù thủy (lại là bọn “thầy cúng”, “thầy phù thủy”), nhưng chỉ ăn lén lút vào đêm tối vì mặc cảm tội lỗi. Dần dà việc ăn thịt chó lan rộng ra cả nước; đầu tiên là ở các tỉnh thành phía Bắc (khoảng năm 1910-1920). Có thể nói Việt Nam là một trong những nước tiêu thụ thịt chó nhiều nhứt thế giới, với hơn 5 triệu chó bị làm thịt mỗi năm.
Tại miền Bắc Việt Nam, thịt chó là món ăn khoái khẩu được nhiều người ưa chuộng. Những vùng thịt chó nổi tiếng đến mức được định danh thương hiệu như “Thịt chó Nhật Tân” (Hà Nội), “Thịt chó Vân Đồn” (Hà Nội), “Thịt chó Việt Trì” (Phú Thọ), “Thịt chó Tiên Lãng” (Hải Phòng), “Thịt chó Cầu Vòi” (Nam Định). Đặc biệt làng Cao Hạ (xã Đức Giang, Hoài Đức, Hà Nội) là làng mổ chó “cha truyền con nối” lớn nhứt Việt Nam, với mấy chục lò mổ. Mỗi đêm, làng nầy giết tới 4-5 tấn chó, tức khoảng 300-400 con chó bị hóa kiếp.
Hiện nay, thịt chó có thể nói là món nhậu hút “bợm” nhứt Hà Nội. Dạo chơi một vòng Hà Nội, người ta sẽ thấy các quán “cầy tơ” mọc lên như nấm, hút các bợm tới “cắm rễ”. Chẳng hạn các quán thịt chó trong chợ Mỹ Đình, Thanh Hoa, Thanh Hiền, Việt Trì, Thu Hằng… Miền Nam trước kia không ăn thịt chó. Nhưng từ sau năm 1954, khi có hơn một triệu người miền Bắc (trong đó có người Công giáo) di cư vào thì người miền Nam mới biết đến thịt chó.
Có thể nói người Công giáo miền Bắc đã mang văn hóa thịt chó vào Nam. Ở đâu có đông người Công giáo di cư – như Hố Nai, Biên Hòa, ở đó có nhiều quán thịt chó. Thế rồi thịt chó theo đà Nam tiến mà “lê gót” về Đồng bằng sông Cửu Long và dừng chân tại Long An, Vĩnh Long, Cần Thơ, Long Xuyên, Cà Mau, Rạch Giá. Dân ăn thịt chó gồm đủ mọi thành phần, bất kể lương hay giáo. Riêng tại Sài Gòn, thực khách sính “cẩu nhục” có thể tìm đến các quán nhậu thịt chó ở quận Tân Bình, Gò Vấp. Rảo một vòng Hòn Ngọc Viễn Đông cũ, các “bợm” có thể tấp vào một trong các quán nhậu thịt chó nổi tiếng để “nhâm nhi tình bạn” và “trút cạn nỗi sầu” như: Cống Quỳnh, Chấn Hưng (Quận 10), Sân Bay (Tân Bình), Thanh Đa (Bình Thạnh), Trần Não (Quận 2), v.v…
Do vậy mà phong trào ăn thịt chó có lúc phát triển rộng khắp từ nông thôn tới thành thị, từ Bắc chí Nam. Hiện nay, “hiện tượng” nầy lại bùng phát một cách đáng sợ, dẫn đến nhiều tệ nạn. Người nghèo ăn thịt chó, người giàu ăn thịt chó, bình dân ăn thịt chó, trí thức cũng ăn thịt chó. Đâu đâu cũng đều có hơi hướm… chó! Người ta hạ “cờ tây”, hạ “mộc tồn” để thiết đãi bạn bè, trong các dịp lễ lạc như cưới hỏi, giỗ chạp, khao vọng nhà mới, thăng quan tiến chức. Các quán nhậu cũng quảng cáo “Nai đồng quê” để thu hút thực khách. Vế đối khó đối sau đây có lẽ bắt nguồn từ cái quảng cáo nầy:
Quê Đồng Nai có nhiều nai đồng quê.
Thậm chí một tờ báo lớn ở Sài Gòn trước năm 1975 còn có mục “Chả chó dồi chó”!
Người ta chọn giống chó để nuôi và… ăn thịt:
Lõ đầu thì bán / Lõ trán thì nuôi / Lõ đuôi ăn thịt.
Hoặc: Mắt bánh rán, trán bánh chưng, lưng tôm càng.
Nghệ thuật ăn thịt chó cũng lắm công phu. Người sành điệu ăn thịt chó phải nắm vững kinh nghiệm dân gian khi phân loại chó: “Nhứt bạch, nhị hoàng, tam khoang, tứ đốm” thì mới đúng sách vở. Tùy theo khẩu vị, tập quán mà dân tộc mỗi miền có những cách chế biến thịt chó khác nhau. Tại miền Bắc, thực đơn bữa tiệc thịt chó gồm đủ các món như: Thịt luộc, dồi nướng, thịt nướng, rựa mận, xáo măng. Gia vị gồm: chanh, sả, hành sống, lá mơ, húng chó, rau răm, ớt trái và không thể thiếu mắm tôm, củ riềng – như trong ca dao có đoạn nhắc tới:
Con gà cục tác lá chanh
Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi
Con chó khóc đứng khóc ngồi
Mẹ ơi đi chợ mua tôi đồng riềng…
Hoặc: Một trăm con chó / Một lọ mắm tôm
Một ôm rau húng / Một thúng rau răm…
Hai câu thơ sau đây đã đi vào dân gian phản ảnh rõ nét văn hóa thịt chó:
Sống ở trên đời không ăn dồi chó
Chết xuống âm phủ biết có hay không?
Đôi khi các đầu bếp còn chế biến “thịt chó bảy món”, “cầy tơ bảy món” và “tiết canh chó” để câu thực khách. Ăn thịt chó phải uống với rượu đế – rượu tăm cất ở Tây Hồ, mới đúng bài bản. Theo Vũ Bằng, một tay sành điệu ăn thịt chó miền Bắc, phải chọn “chó chanh cốm” (thứ chó nuôi từ hai năm tới hai năm rưỡi), thịt ngọt ngon như “thiếu nữ dậy thì”, “xanh lên ngọn tóc, nhựa căng vú đào.”
Theo tác giả “Miếng ngon Hà Nội”, thực đơn bữa tiệc chó gồm đủ các món chế biến từ… thịt chó đã kể trên, còn có chả nướng, rựa mận, “chuối chưa ra buồng”, dồi tươi chấm với mắm tôm. Đặc biệt món rựa mận, một “món ăn bất hủ” được Vũ Bằng ví với bản nhạc “Le Danube Bleu” của Johan Strauss: “Nó dìu dặt, khoan thai, cuồn cuộn một cách êm dịu, có đôi khi lại như nhảy nhót lên trong ánh sáng”.
Gia vị của đồng bào miền Nam, gọi là “đồ tẩm liệm”, nói lên nét đặc thù trong việc chế biến thịt chó. Đó là: Đường, tương, đậu (đậu nành, đậu xanh), sả, ớt, củ hành, đu đủ, dừa khô, bột nghệ. Nhiều bài Vè thịt chó phác họa một vài nét về Văn hóa thịt chó Nam Kỳ Lục tỉnh, như:
Nghe vẻ nghe ve / Nghe vè thịt chó
Đứa nào chịu khó / Bắc nước, cạo lông
Đứa nào ở không / Đi mua đồ nấu
(Ớt, đường, tương, đậu / Bột nghệ, củ hành…)
Đứa nào xấu xấu / Xắt sả nạo dừa
Đứa nào không ưa / Thì đi chỗ khác
Làm trong giây lát / Xúm lại cùng ăn
Chớ có lăng xăng / Người ta đàm tiếu
Con chó nhỏ xíu / Ăn chín, mười người
Thiên hạ chê cười / Tụi ăn thịt chó!…
Ngoài món chả chó dồi chó, dân sành điệu miền Nam còn chế biến nhiều món đặc thù rất… Lục tỉnh! Chẳng hạn như chó xào lăn nước cốt dừa, chó hầm “đu đủ mỏ vịt” với nước dừa nạo (hầm hon), cháo thịt chó bằm nhuyễn nấu với đậu xanh cà. Rau quả thì có lá thúi địt (khác với lá mơ), rau húng, ngò om, chuối sống. Nước chấm gồm có cơm mẻ, tương hột xay trộn đậu phộng và nước cốt dừa béo ngậy.
Ăn thịt chó mà uống với rượu đế thì thật là thống khoái. Đó là rượu đế Gò Đen (Long An) có nồng độ gốc cao 50 độ. Ở đây văn hóa thịt chó và văn hóa rượu đế đã hòa nhập tuyệt vời. Nhưng cũng sanh ra lắm điều phiền toái vì “rượu vào lời ra” (tửu nhập ngôn xuất), “rượu uống vô rồi như con chó điên giữa chợ” (Tửu nhập tâm như cẩu cuồng tại thị). Bài Vè uống rượu sau đây đã lột tả được cái hay, cái dở – thường là cái dở, của văn hóa rượu đế ở nông thôn Lục tỉnh:
Một ly nhâm nhi tình bạn / Hai ly trút cạn nỗi sầu
Ba ly mũi chảy tới râu / Bốn ly ngồi đâu gục đó
Năm ly cho chó ăn chè / Sáu ly ai nói nấy nghe
Bảy ly làm xe lội nước / Tám ly vợ rước về nhà
Chín ly đi đời nhà ma…
Như đã dẫn trên, “tụi ăn thịt chó” thường bị “thiên hạ chê cười”. Đã “ăn” phải có “uống”. Và uống “nước mắt quê hương” (rượu đế – rượu nếp rặt) mới đúng sách vở. Rượu đây là rượu mời, rượu tình, rượu nghĩa, rượu lễ. “Làm một ly” rượu mời để kết giao tình bạn. “Làm hai ly” rượu nghĩa để giãi bày tâm sự, trút hết nỗi sầu. Nhiều đệ tử Lưu Linh lúc hứng chí bèn rung đùi “xổ nho” từng chùm, “học lóm” được từ các cụ đồ lỡ vận, như:
Tửu phùng tri kỷ thiên bôi thiểu
Thoại bất đầu cơ bán cú đa.
[Âu Dương Tu (1007-1072), nhà thơ nổi tiếng thời Tống bên Trung Hoa].
Tạm dịch: Uống rượu mà gặp bạn hiểu mình thì ngàn chén cũng là còn ít; Nói chuyện mà không hợp nhau (lời nói chẳng gài máy lập mưu) thì nửa câu cũng là nhiều.
Một khi nhậu “quắc cần câu”, “mút mùa Lệ Thủy”, “xả láng sáng về sớm” thì mạnh ai nấy nói, ai nói nấy nghe, lè nhè “nói dai như chó nhai giẻ rách”, đến nỗi cho “chó ăn chè”. Có lúc văng tục, bắt bẻ “chén tạc chén thù”, “rượu mời rượu phạt” bởi cái luật lệ bất thành văn của các đấng “hũ hèm”! Chẳng hạn đến trễ phải bị phạt ba ly mới được nhập tiệc, muốn ra ngoài “trút bầu tâm sự” phải tự phạt hai ly: Ly xuất, ly nhập; nếu ai biết “xổ nho” hoặc “xuất khẩu thành thơ” (thường là thơ con cóc) thì được miễn phạt, chẳng hạn như:
-Xổ nho: Nam vô tửu như kỳ vô phong
(Đàn ông mà không có / uống rượu như cờ không có gió).
-Xuất khẩu thành thơ: Kính thưa quý vị, tôi trình
Tôi xin lấy nước trong mình tôi ra.
Đôi khi trong bữa nhậu, các bợm không ưa nhau thường sanh sự nọ kia, nói khóe nói cạnh, ai nói nấy nghe dẫn đến trận đấu khẩu kịch liệt, ồn ào như cái chợ! Đấu võ mồm chưa đủ, những “con chó điên giữa chợ” còn thượng cẳng tay hạ cẳng chưn quyết hạ gục đối phương khiến người bị lỗ đầu sứt trán, kẻ bị mạng toi. Gặp thứ rượu cực mạnh, uống đến ly thứ chín phải ra bãi tha ma mà nằm, như câu ca dao Lục tỉnh đã chế giễu:
Chim khôn lựa cành mà đậu
Gái khôn kiếm chồng nhậu mà nhờ
Mai sau nó chết bụi chết bờ
Hòm rương khỏi tốn, bàn thờ khỏi lo!
Tranh luận giữa các phe
Mấy năm gần đây, tại nước ta, vấn đề “ăn thịt chó” đã là đề tài tranh luận sôi nổi (giống như cuộc tranh luận Truyện Kiều, tranh luận Thơ cũ – Thơ mới trước kia) giữa hai phe: Phe tán thành và phe phản đối. Phe nào cũng đưa ra những lập luận để giành phần thắng về phe mình.
– Phe tán thành ăn thịt chó đưa ra sáu lý do sau đây:
1.- Ăn thịt chó là một nét văn hóa truyền thống- văn hóa ẩm thực của Việt Nam, nên cần phải bảo tồn và duy trì. Ai không ăn thịt chó là không biết thưởng thức cái tinh hoa của văn hóa ẩm thực. Ca dao còn truyền tụng:
Đàn ông biết đánh tổ tôm
Uống rượu thịt chó, xem nôm Thúy Kiều.
Nhiều người còn quan niệm: Ăn cỗ to phải có miếng dồi chó mới đúng sách vở. Để nhớ lâu, nhớ đời thịt chó lá mơ, dân miền Bắc còn lập “Hội thịt chó lá mơ” hay “Hội lá mơ”. Gần đây lại xuất hiện “Hội những người thích ăn thịt chó” nữa.
2.- “Vật dưỡng nhơn” (vật để nuôi người): Chó là một trong những con vật nuôi trong nhà. Nếu quan niệm “vật dưỡng nhơn” thì ăn thịt chó cũng giống như ăn bất cứ thịt con vật nào (trâu, bò, dê, ngựa, heo, gà) đều là chuyện bình thường. Từ cái bình thường sẽ thành thói quen, tập quán. Yêu chó thì yêu, ăn vẫn cứ ăn vì cái “thần khẩu” nó hành.
3.- Thịt chó ăn ngon, bổ dưỡng và chứa nhiều vị thuốc. Theo Đông y, thịt chó vị mặn, chua, tính nóng, không độc; có tác dụng bổ dưỡng, trợ dương, ích khí trừ hàn. Có người cho rằng, thịt chó mát trị được bịnh gan, thịt chó con sơ sanh trị được lao phổi. Đặc biệt ăn món “chân chó hầm thuốc Bắc”, cộng thêm dương vật và tinh hoàn của chú cẩu, sẽ tráng thận cường dương, “ông ăn bà khen” liền, khỏi tốn tiền mua thuốc Viagra!
4.- Ăn thịt chó là để “xả xui”, trút bỏ hết cái vận đen đủi vào cuối năm, cuối tháng. Nhiều “bợm”sau khi nhậu “mút mùa Lệ Thủy” với “cẩu nhục” thường kéo nhau tới xóm cô đầu (Hà Nội) hoặc Ngã Năm Chuồng Chó (Gò Vấp, Sài Gòn) để… “xả xú-bắp” nữa!
Một khi đã “trút sạch” cái xui quẩy rồi thì đương nhiên cái hên, cái may mắn sẽ tới. Có người còn biện minh rằng ăn thịt chó là đúng sách vở, hợp với đạo lý thánh hiền, như trong chuyện dân gian “Chiêm bao thịt chó”. Nội dung cốt chuyện đại để như sau: Có người học trò dốc chí trau giồi kinh sử, gần đến kỳ thi, nằm mơ thấy cụ già chống gậy đem đến cho miếng thịt chó, bèn ăn ngay. Kỳ thi năm đó, cậu ta thi đỗ Trạng nguyên, làm quan to, vinh hiển cả đời (Theo Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc: Truyện Cổ Nước Nam). Câu tục ngữ: “Ăn thịt chó, đỗ Trạng nguyên” phải chăng bắt nguồn từ chuyện cổ kể trên?
5.- Ăn thịt chó vì không có gì để ăn vào những lúc có chiến tranh hoặc quá đói kém. Lúc đó người ta phải ăn bất cứ loại thực phẩm nào để sống còn – đôi khi còn “khủng khiếp” hơn thịt chó. Vài ngàn năm trước, dân Gaulois, tổ tiên của người Pháp, lúc khan hiếm lương thực cũng phải ăn thịt chó để sống.
6.- Lý do sau cùng là “nạn cẩu mãn” (“lạm phát” chó). Nếu hơn 5 triệu chó không bị “thịt” mỗi năm tại nước ta thì trong vòng 5 năm, 10 năm hoặc 20 năm nữa, họ hàng nhà cẩu sẽ tăng theo mọi cấp số và “tung hoành” khắp mọi miền đất nước. Chừng ấy chó sẽ “ngồi bàn độc”, lấn chiếm những phúc lợi của người như chỗ ở, thực phẩm, chăm sóc y tế và các dịch vụ khác.
Từ đó hễ ra ngõ thì gặp toàn chó cũng như phân chó rơi vãi khắp đường phố ở một nước văn minh, như Pháp. Còn vấn đề “hậu sự” của chó thì sao? Mai táng, hỏa táng, điểu táng hay thủy táng như Ấn Độ đã làm với bò. Thôi thì chỉ còn cách “khẩu táng” ít tốn kém nhưng có lợi, là thượng sách!
– Phe phản đối ăn thịt chó cũng đưa ra sáu lý do chống lại:
1.- Ăn thịt chó là một thói quen man rợ và không phù hợp với đời sống văn minh. Gần đây các tổ chức bảo vệ động vật lên án việc giết thịt chó tại nước ta là một truyền thống dã man từ thời Trung cổ. Các tổ chức nầy còn kêu gọi người Việt Nam hãy thay đổi thói quen ăn thịt chó; đồng thời đề nghị nhà nước nên ra bộ luật cấm việc giết, mổ và ăn thịt chó giống như các nước phương Tây đã làm. Thậm chí du khách Pháp còn dọa “tẩy chay” Việt Nam vì thịt chó: “Chúng tôi sẽ không đến Việt Nam du lịch nữa nếu các bạn còn tiếp tục ăn thịt chó”.
2.- Chó là bạn của người: Chó là bạn đồng hành của nhân loại từ thời xa xưa, là con vật thân yêu nhứt bởi những đức tánh cao quý của chúng. Đặc biệt, dù có chết vì đói, chó vẫn không hề ăn thịt đồng loại. Trong tín ngưỡng của người Cơ Tu (dọc dãy Trường Sơn, Thừa Thiên, Quảng Nam), con chó chính là vật tổ của họ (?). Truyền thuyết về ông tổ chó còn thấy ở nhiều dân tộc khác như Chăm, Dao, Lô Lô (Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai). Vì muốn thỏa mãn cái “thần khẩu”, ai nỡ ăn thịt bạn mình, vật tổ (?) của mình.
3.- Bảo vệ sức khỏe: Mỗi năm Việt Nam “tiêu thụ” hơn 5 triệu chó trong đó có khoảng 200 ngàn chó nhập từ Thái Lan. Làm sao biết được (biết cũng nhắm mắt làm ngơ – biết chết liền) con nào bị ghẻ lở, xà mâu, con nào bị chết dịch, con nào bị sán lãi, bị dại mà ngừa. Có khi thịt chó bị bỏ bả (thuốc độc) cũng được bày bán la liệt ở các cửa hàng… chó. Vấn đề kiểm dịch chó sống, chó thịt, chó “tươi” có triệt để hay không. Và ai chịu trách nhiệm? Điều gì sẽ xảy ra cho môn đồ “cẩu nhục” khi ăn phải những thứ chết toi nầy? Chưa kể ăn nhằm món tiết canh chó bị (chết) dịch, phải sùi bọt mép, chờ ngày đi chầu Diêm chúa.
4.- Quy luật cung cầu: Theo quy luật cung cầu, hễ có cầu thì phải có cung; nhu cầu nhiều thì phải cung ứng ngày càng nhiều. Từ khi “văn hóa thịt chó” ở miền Bắc di cư vào Nam thì cả nước đã biết mùi thịt chó. Dần dà các hàng quán nhậu thịt chó mọc lên như nấm, thu hút số lượng rất đông đủ các loại “bợm”. Vậy thì loài người chỉ cần ngưng ăn thịt chó thì giải quyết được mọi chuyện: Không có cầu thì cung sẽ tự tiêu vong.
5.- Tiếp tay cho “cẩu tặc”: Mấy lúc gần đây do lượng tiêu thụ thịt chó ngày càng nhiều nên “nghề trộm chó” ra đời. Tệ nạn “câu” trộm chó phát triển từ Bắc chí Nam. Trước khi hành sự, bọn trộm chó thường bỏ bả cho chó ăn vào sẽ chết giấc, câm tiếng sủa, chủ chó không hay biết. Bả tức là thuốc chó giống như kẹo mút, trẻ con ăn nhầm liền bị ngộ độc phải mạng vong như trường hợp mấy đứa trẻ ở huyện Tuyên Đức, tỉnh Dak Nông thời gian gần đây.
Đôi khi người mất chó vì quá thương con vật có nghĩa, đã đến các chợ chó xin (mua) chuộc lại chính con chó của mình. Đã có nhiều “cẩu tặc” bị đánh đập dã man không cần xét xử, phải nằm viện hoặc chết tại chỗ, xe cộ phương tiện trộm chó bị đốt phá. Những mạng người bị cướp đi không phải để thực thi “công lý”, mà vì muốn bảo vệ cái tài sản… chó, cũng như thỏa mãn sở thích ăn thịt chó của con người. Ôi! Mạng người suy ra còn thua mạng chó! Như vậy nhà nước phải gấp rút đưa ra luật bảo vệ chó. Các môn đồ “hương nhục” nên vẫy tay “Buồn ơi chào mi” là vừa.
6.- Vấn đề nhân đạo-nhân quả: Suy cho cùng chúng ta nên ngừng ăn thịt chó vì lý do nhân đạo. Nếu có dịp xem những hình ảnh giết chó, mổ thịt, nhiều người yếu bóng vía sẽ rùng mình, dựng tóc gáy vì nó quá sức tàn nhẫn, phi nhân đạo: Người ta giết chó bằng nhiều cách như dùng búa đập thẳng vào đầu chó (đả cẩu), chọc tiết hoặc bỏ chó vào bao bố rồi đập đầu, trấn nước cho đến chết. Cảnh chó giãy chết cùng tiếng chó kêu gào thảm thiết trước khi sắp chết như van xin, như hờn oán, thật não lòng!
Còn về nhân quả, nếu bạn không tin vào tôn giáo nào, có lúc cũng nên tin vào vấn đề nhân quả trong đời thường (xin lỗi bạn đọc). Nói một cách nôm na, nhân quả (hột và trái) theo nghĩa đen là hột giống nào sẽ cho trái nấy (trồng đậu được đậu, trồng dưa được dưa). Theo nghĩa rộng, nhân quả là hành động và kết quả của hành động.
Con người phải chịu trách nhiệm về hành động và kết quả của hành động do mình làm. Do đó, hành động Thiện thì được phước báu an vui; hành động Ác phải thọ lấy sự đau khổ. Cổ nhân có câu: “Tích thiện phùng thiện, tích ác phùng ác”, hoặc câu tục ngữ “Gieo gió gặt bão” đều nhằm biện giải vấn đề nêu trên. Nếu chúng ta biết tin vào nhân quả và muốn tránh cái “nghiệp chướng” nặng nề, thiết tưởng nên mở rộng “đức háo sanh” bằng cách ngừng việc giết, mổ thịt chó cũng như ngừng ăn thịt chó!
Kết luận
“Ăn thịt chó” là một phạm trù của “Văn hóa ẩm thực”. Và “Văn hóa thịt chó” song song, tồn tại với các loại hình văn hóa khác. Cuộc tranh luận giữa hai phe (tán thành và phản đối) ăn thịt chó vẫn chưa ngã ngũ. Bên nào cũng có những ưu và nhược điểm. Người xưa có câu: “Thái quá cũng như bất cập” (Quá mức cũng như không kịp, không đạt yêu cầu).
Người viết xin mạn phép đề nghị: Nếu bạn thèm ăn thịt, hãy bắt đầu tránh ăn thịt chó, không nên mạt sát những người ăn thịt chó; càng không nên phán xét ai đúng ai sai. Miếng thịt chó và những giọt “nước mắt quê hương” thật ra không có tội tình gì với sự văn minh của đất nước. Tới một thời điểm nào đó, nếu công nghệ sản xuất “thịt nhân tạo” được áp dụng rộng rãi, người viết tin rằng phần thắng sẽ nghiêng về phe phản đối ăn thịt chó.
Một khi “Văn hóa thịt chó” bị chết dần chết mòn, chắc chắn những “quái thai văn hóa” khác, trong đó có cả “văn hóa vô cảm” sẽ không còn chỗ đứng!