Nhân đọc bài Nguyễn Đức Sơn: Chập chờn trong cõi hư vô của Đỗ Trường
Kể từ năm 1954 đến năm 1960, dân miền Nam được hưởng cảnh thái bình, sung túc dưới thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm dù cho có một biến động: ngày 22 Tháng Hai năm 1957, Hà Minh Trí ám sát tổng thống nhơn dịp ông đi kinh lý ở vùng Cao Nguyên Trung Phần.
Xuân nghĩ chắc cơ quan tình báo cũng biết ai chủ mưu của sự ám sát đó, nhưng báo chí lại loan tin theo một cách khác. Những lời bàn tán của người kháng chiến trở về thành, còn mơ ước ở một thời xưa cũ cộng thêm bất bình của những đảng phái chính trị bị chánh quyền cấm đoán hông cho hoạt động là mầm mống gây nên những xáo trộn về sau nầy? Thực ra phần đông dân chúng miền Nam còn ngây thơ, vẫn còn tin tưởng và có nhiều cảm tình với Việt Minh. Lại thêm một số lớp người đi kháng chiến chống Pháp thời Việt Minh, hông hiểu gì về Cộng Sản, vẫn còn hoang tưởng sùng bái Hồ Chí Minh. Có thể nói người miền Nam “làm chính trị theo cảm tính” hông?
Vào những năm đó, báo chí chỉ in ở Sài Gòn. Ở tỉnh hông có nhà in, ngay cả ngoài miền Trung cũng vậy. Báo cho ngày mai là ra chiều ngày hôm trước. Báo chuyển theo đường xe đò phân phối cùng khắp cả nước, phần đông là về tới quận và các làng sát tỉnh lộ. Mà những làng nầy chưa chắc có sạp nhựt trình bán đủ các loại báo ở thủ đô. Thông tin còn yếu kém. Ngay ở làng dọc đường cái cũng hông có thùng thư. Muốn gởi thư, muốn mua con cò, muốn đánh giây thép phải lên tận nhà giây thép tỉnh. Mà ít có người dân làng nào biết những thứ đó. Một cái giây thép về đến làng là cả làng quýnh quáng lên. Làm sao mà đọc được cái giây thép viết bằng thứ chữ quốc ngữ không dấu của bưu điện? Phần đông là những người có chút học vấn, ưa theo dõi thời sự, dặn các lơ xe đò mang loại báo mà họ thích đọc. Các xe đò chạy ngang làng theo đúng giờ trong ngày. Các vùng gần Sài Gòn, nhựt trình tới sớm hơn các vùng xa.
Xe đò Á Đông, chạy tuyến đường Sài Gòn – Ba Tri tới làng Lương Quới vào khoảng xế trưa, bỏ hai, ba tờ nhựt trình cho Tư Chà, Quản Cây, Tư Chúc, Hai Ngươn… Buổi xế chiều hôm đó quanh bàn nước trà thế nào cũng có các chức sắc trong làng như ông Cả Năng, ông Thôn Hai, ông thôn Bơ… hoặc là những người có “máu mặt” ngồi nhâm nhi hết bình trà nầy tới bình trà khác, bàn chuyện thời sự theo các tin sốt dẽo đăng trong báo.
Các làng mạc xa xôi tư niên không thấy mặt được tờ nhựt trình. Và tất nhiên mù tịt về tình hình đất nước. Thông tin yếu kém như thế thì có lợi cho Việt Minh. Họ tuyên truyền bằng cách rỉ tai, hoặc là mít tinh ở các làng hẻo lánh, xa cách các trục lộ giao thông chính…
Từ ngày có người con gái đầu lòng vào làm trong hãng dệt may ở Thị Nghè khoảng năm 1955, bà Bảy Mi đem cả gia đình lên Sài Gòn. Mới đầu họ mướn một chái nhà nhỏ ọp ẹp bên cạnh ruộng dâu. Sau đó, dành dụm được chút đỉnh tiền, gia đình cất được căn nhà sàn ở đám ruộng sau Ty Canh Nông.
Cánh đồng ngày gặt còn ngát mùi lúa chín, chạy dài từ con rạch Thị Nghè lên tận sau Viện Dưỡng Lão và ngã ba Hàng Xanh, với nhiều con xẻo nhỏ ngoằn ngoèo đầy cá tép. Đàn cò trắng lượn lờ ngày nắng oi ả. Tiếng chim trích, cúm núm tắc tục vào buổi hoàng hôn. Và nước lớn, ròng ngày hai buổi vẫn còn trong ngát với những bầy cá đối đớp bọt nước. Bọn Xuân ngày nào cũng bơi lội đì đùng trong những con xẻo nhỏ nầy sau những trận đá banh nơi khoảng đất đỏ rộng rãi để chuẩn bị làm xa lộ Sài Gòn-Biên Hoà. Và con đường đất nhỏ ngang qua trại gà Thanh Tâm đầy sình lầy sau cơn mưa.
Họ còn nghèo lắm. Thường thường ngày hai bữa cơm vẫn là rau muống luộc, khi thì chấm chao, chấm hột vịt dầm nước mắm, khi thì chấm cá mòi Ma Rốc. Những năm đó, một bịch mì gói của Nhựt là niềm mơ ước xa vời vợi. Với số đồng lương ít ỏi của người con lớn, người mẹ tằn tiện cho đủ nuôi sống gia đình thì làm sao có tiền mua báo hằng ngày để đọc. Ngay cả mướn báo cũng hông có nữa. Đôi ngày, Xuân đành rề rề ở các sạp báo, liếc trộm để đọc cọp nhựt trình. Xuân biết rất trễ tin nhóm người đảo chánh. Radio transitor còn mắc và ít có gia đình có máy phát thanh điện để nghe tin tức hàng ngày. Cả khu nầy làm gì có điện. Đêm đêm Xuân phải chong đèn dầu để học bài. Cả xóm Xuân ở, lẫn lộn với một số người miền Bắc di cư năm 1954, có được một vài cái radio. Họ biết được tin tức ở đâu? Chỉ có một cách duy nhứt là đọc nhựt trình. Người khá giả, công chức thì mua báo hằng ngày. Còn đọc báo của người nghèo, dân xích lô, xe ba gác, học sinh nghèo… là đọc báo cọp, hoặc báo mướn.
****
-Ê Sơn! Báo của tụi mình tính chừng nào ra vậy mậy?
-Không biết chừng nào nữa? Còn đợi mầy và Tô Trần Nguyễn lo chạy xin mấy cái vụ quảng cáo. Mầy nghĩ coi tụi mình không có tiền, đi mượn không ai cho hết thì ra tờ báo rất gian nan.
-Tao biết. Mấy hôm rày tao và thằng cận thị nầy (Tô Trần Nguyễn, Nguyễn Khắc Thiệu) đi bộ muốn rã giò đây mầy ơi! Lội vòng vòng chợ Sài Gòn và gần hết con đường Trần Hưng Đạo mà chẳng có được mấy nơi họ chịu. Hai thằng diện bộ áo sơ mi, thắt cra vát bát phố dưới nắng, tháo mồ hôi hột thiếu đều muốn đi tắm luôn.
-Ráng đi. Tờ Thế Kỷ Hai Mươi của bọn mình có bài vở đầy đủ rồi. Giấy phép cũng đã có. Bây giờ chỉ cần tiền nữa thôi.
-Thì Sơn, mầy nói với thằng Kiều Công Nhịn, làm ở nhà in Nguyễn Bá đường Phạm Ngũ Lão, cho mình nợ tiền in đi.Khi nào ra báo bán được thì lấy tiền trả lại.
-Rủi báo bán không chạy thì lấy tiền đâu ra trả. Tụi bây phải xúm lại năn nỉ nó. Nhưng chắc gì? Mình không trả thì nó nai lưng ra trả à?
-Thì mầy gánh hết. Mầy là chủ bút kiêm chủ nhiệm mà. Thằng Tô Trần Nguyễn và tao chỉ là thư ký và thủ qũy thôi. Mầy lấy bút hiệu là Sao Trên Rừng thì mầy chắc có nhiều sao và nhiều tiền lắm mà.
-Có cái con mẹ họ! Tụi mình chỉ là một nhóm học sinh vừa đậu Tú Tài xong, mon men vào ngưỡng cửa đại học, có một chút ít kiến thức, muốn tìm một con đường khác để đi, làm sao bì lại nhóm Sáng Tạo và Bách Khoa là bực thầy mình.
-Ê Thiệu! (Tô Trần Nguyễn), mầy coi cái lỗ mũi lân và cặp môi của thằng Sơn cà. Nó nói một hơi là chảy hết nước miếng ra ngoài bây giờ.
-Thì nó bao giờ chẳng vậy, phải không Xuân? Nó nói là xì bọt mép và cặp mắt lờ đờ, ra vẻ như là một thi sĩ nổi tiếng tới nơi. Ê, sao mầy lại lấy bút hiệu là Sao Trên Rừng vậy mậy?
-Nó hổng nói đâu. Bà già tao hỏi nó, nó chỉ làm thinh nuốt cuộn bánh xèo. Bả vỗ đầu nó và nói thôi cháu lấy tên khác đi. Nó lờ hai cặp mắt ra hỏi, tên gì bác? Má tao mới nói giỡn: Sao Trong ….. Nó ngẩn người một thoáng, mở to hai con mắt rồi tiếp tục ăn hết cái bánh xèo.
Phùng Xuân thoảng nhớ lại. Hông hiểu nó gặp Nguyễn Đức Sơn từ lúc nào ở cái xóm Canh Nông Thị Nghè nghèo nàn nầy, bàn chuyện văn nghệ, văn gừng, ca hát… Sơn học ở Đại Học Văn Khoa. Thằng Thiệu, học ở SPCN, lúc nào cũng hát nhạc Đoàn Chuẩn.Nó mở miệng là: “Tà áo xanh là màu anh trót yêu…” Buổi họp mặt, cùng với các người bạn gái là học sinh trường Gia Long, thường khi là dĩa trái cóc non với muối ớt.Sơn nhập bọn bàn với tụi nầy định ra tờ nguyệt san: Thế Kỷ Hai Mươi.
Xuân và Sơn đều là hai thằng rách túi, thường khi ghé ăn cơm bữa ở chợ Thị Nghè. Cái thằng lạ chưa! Nó chỉ thích ăn có mỗi món tàu hủ dồn thịt. Ở cái thời một thi sĩ chưa nổi tiếng thì nhà thơ thường nghèo mạt rệp. Hôm nào Xuân rảnh thì hay đèo nó đi đây đi đó, còn hông thì nó đi xe buýt. Có khi nó đi đâu mất tiêu hai ba bữa rồi thấy nó ló mặt về, trông vẻ bơ phờ, chui vào một góc nhà của thằng Nhịn, ngủ một giấc đến chiều chưa chịu thức dậy. Đến tối thì nó than đói bụng. Xuân phải lục nồi bới cho nó tô cơm nguội, chan vô chút cá kho rồi đem tới cho nó. Xuân nhìn Sơn ăn ngon lành mà thương cho bạn. Quê nó đâu tận ngoài Phan Thiết hay Phan Rang gì đó. Nó có cái giọng hơi pha sài gòn. Xuân thích nhứt lúc nó nói chuyện. Cái môi thười lười ra và nước miếng xì thành bọt tràn hai bên mép.
Tụi bạn bá vơ của Xuân thường tụ về nhà Kiều Công Nhịn.Toàn là một lũ học sinh chân ướt chân ráo lên đại học. Vậy mà đòi làm báo? Có máu văn nghệ hông? Xuân cũng hông biết nữa? Ai cũng có một bài thơ: Hồng Nhung, Hồng Lệ, Trois, Thanh Điệp, Kim Quang, Túy Em…. Lê Thạch Tâm (em đạo diễn Lê Dân)… Bài nào cũng na ná giọng TTKH, hơi hướm của nhóm Sáng Tạo, làm ông chủ bút hông biết đường nào mà lần. Còn Xuân thì biết làm báo biếc gì đâu. Hồi còn học đệ lục, đệ ngũ, chàng chỉ theo các thằng bạn làm mấy tờ bích báo hàng tháng.
-Ê! Sơn. Mầy liệu báo của tụi mình có sống dai hông? Sao tao thấy bài vở lằng nhằng quá. Phải tìm cho ra một hướng đi mới thì báo mới sống nổi. Thơ của mầy nhiều khi tao hông hiểu. Còn thơ của hai thằng Trường Dzạ và Linh Vũ thì lại còn bí hiểm hơn thơ của mầy. Thơ gì mà làm như viết văn xuôi, lâu lâu lại xuống hàng; rồi lại còn dùng chữ nghĩa như “phạm trù”. Tao đọc còn điếc con ráy luôn, làm sao bàng dân thiên hạ hiểu nổi? Vậy làm sao bán được, hở Sơn?
Bài vở của báo Thế Kỷ Hai Mươi chất đầy đống, vương vãi ở góc nhà. Rồi hông ai màng chăm sóc đến những trang giấy đó nữa. Sao Trên Rừng đã lâu lắm rồi hông thấy nó quay trở về. Tờ nguyệt san chắc chìm xuồng luôn. Nhưng Xuân và Nguyễn khắc Thiệu (Nguyễn Niên) còn cố gắng đi xin thêm quảng cáo mấy lần nữa, rồi cũng hông có kết quả gì cho lắm. Hai đứa về nằm chèo queo, buồn bã mấy ngày. Đôi lúc nhìn nhau cười trừ. Có lúc vùng nhau ngồi dậy, mặc quần áo lại cho tươm tất, bươn bả leo lên xe buýt tiếp tục đi xin quảng cáo…
(Trích trong Trăng Suông)