Bài và ảnh: Tuấn Khanh
Nhà thơ xứ Quảng Nguyễn Lương Vỵ đã rời cõi tạm vào đêm 17/2/2021, tại miền Nam Cali, sau nhiều tuần nhập viện điều trị…
Cuộc đời của Nguyễn Lương Vỵ tài hoa và lận đận đi kèm nhau. Ông trưởng thành ở miền Nam Việt Nam bằng những ký ức thương đau của cuộc chiến tranh tàn khốc Quốc gia – Cộng sản. Sinh tồn sau 1975 bằng lý lịch gia đình cách mạng nhưng chán ghét chủ nghĩa xã hội nên chọn định cư tại Hoa Kỳ. Sống lặng lẽ vì không muốn phải giải bày đời mình với đám đông, ông chọn thơ làm bạn đường cho đến lúc qua đời, ở tuổi 69.
Lặng lẽ, nhưng bạn bè của ông biết, đều quý mến. Như Tô Đông Khoa, bạn văn từng viết về ông “ Nhà thơ NGUYỄN LƯƠNG VỴ đối đãi với tôi như một người anh, người bạn vong niên rất chân tình, cởi mở. Mỗi sáng thứ Bảy hay Chủ Nhật, chúng tôi thường hẹn nhau ở một quán cà phê để trò chuyện tâm tình. Dáng người NGUYỄN LƯƠNG VỴ tầm thước, mái tóc đã bạc gần hết, thường được che bằng chiếc mũ bê-rê trắng. Đôi mắt ông sáng hẳn lên và giọng nói hào sảng, đầy hứng khởi mỗi khi đề cập đến Thi Ca và Phật Pháp.
Càng gần gũi và thân thiết, tôi càng quí trọng ông, một nhà thơ rất tài hoa nhưng sống ẩn dật. NGUYỄN LƯƠNG VỴ sở hữu vốn kiến thức rất từng trải và uyên thâm về triết học, tư tưởng, nhất là Phật học. Phong cách ông bình dân, giản dị đến mức xuề xòa. Ông đã ăn chay trường hơn 3 năm nay, sống kham khổ và đạm bạc ở một căn phòng nhỏ trong một mobile home với một người bạn cũng độc thân như ông và cũng là một nhà thơ nghèo. Nhớ có một lần gần đây, ông tâm sự với tôi: “Đã trên 6 bó rồi, nên sống theo kiểu tri túc là thanh thản nhất, vui nhất. Tu Chữ – Tu Thơ, giống như kiểu tu theo Phật pháp. Nói chung là để tu Tâm, dưỡng Tánh, cố gắng không dính mắc điều gì nữa. Thế là đại phước lắm rồi.” Câu nói ngắn gọn, nhưng được hàm dưỡng một nội lực, một sức sống rất thâm hậu”.
Còn nhà thơ Phan Tấn Hải thì viết về ông rằng “Nguyễn Lương Vỵ không chỉ là một nhà thơ có sức quyến rũ để đưa người đọc vào một cõi ngôn ngữ lạ lùng và độc đáo của ông, mà vẫn một cách nghịch thường, đẩy ngược chúng ta về lại trần gian để biết trân quý cuộc đời thơ mộng và đầy đau đớn này. Thi tập “Huyết Am” mới xuất bản có một cõi riêng, và một sức mạnh nghịch thường riêng như thế”.
Thơ của Nguyễn Lương Vỵ được nhìn nhận rất sớm ở Sài Gòn vào thập niên 60, khi ông chỉ vừa 17 tuổi. Các tờ Văn, Khởi Hành, Thời Tập, Văn Chương… từ 1969 tại Sài Gòn đều chọn đăng và giới thiệu thơ mới của ông. Thơ của ông, được nhiều người nhìn nhận là man mác hình bóng Bùi Giáng, người mà ông gắn bó cả một thời gian dài ở tuổi trẻ.
“ngước lên cảm tạ một đời
hàn huyên thiên địa máu rơi bên nào”
Hàng ngày ông ngồi trên máy tính, cặm cụi ghi chép, nghiền ngẫm chữ, làm thơ… như một công chức đến nơi làm việc, đến mức bạn bè gọi đùa là gã tu thơ. Sống bằng tiền cấp dưỡng cao niên (người Việt ở Mỹ quen gọi là tiền già) chỉ có 800 mỹ kim/tháng, ấy vậy mà ông vẫn chắt chiu để gửi ít quà, nhớ về, cho những đứa em, bạn văn nghệ ở Việt Nam. Ông viết và ghi chép về những người quanh thế hệ văn nghệ của ông rất nhiều, nhưng khi ông mất, mọi người mới bất ngờ nhận ra rằng không biết đủ về sự tĩnh lặng của ông.
Nguyễn Lương Vỵ ra đi với công trình còn dang dở, mà ông ao ước mang về Việt Nam chia sẻ với bạn bè, đó là tổng tập viết và dịch các bài thơ của thiền sư Trần Nhân Tông, vốn dự định ra mắt trong năm 2020.
‐——-
NỬA ĐÊM THỨC DẬY NHÌN MÂY TRẮNG
Lung linh hồn quê cũ
Mây trắng phủ khắp trời
Nhớ trăng khô hết máu
Muôn trùng dặm núi ơi!
(1969)
CÀ PHÊ VỚI TUẤN KHANH
1.
giữa đời tưởng như là vực thẳm
chẳng biết đi đâu hay về đâu
đốt thuốc nhìn nhau ngày rớt chậm
thế kỷ người-ma bóng cụt đầu
2.
giữa đời tưởng như là rất xa
chuyện trò cho đỡ nhớ bên nhà
sớm mai khô gió mùa hanh nắng
hắng giọng nhắc tháng ngày hôm qua
3.
thời của giả hình và hung hiểm
ác nhơn bá đạo lắm chiêu trò
u trầm sóng vỗ đau lòng biển
dân đen ưu uất những sầu lo
4.
giàn bông giấy đỏ nhớ hiên ngoài
sài gòn xưa quán đổ bóng dài
đường trần quốc thảo ngơ ngác gọi
bằng hữu thưa dần biết hỏi ai
5.
biết hỏi ai tiếng ồn và bụi
cây me già đứng lặng lá bay
leng keng thổ mộ rền lưng phố
em biệt tăm mà ta đâu hay
6.
nhắc dăm câu chuyện cũ vậy mà
chuyện bây giờ nhói ngực trông ra
thương bạn ngậm ngùi lau nốt nhạc
đất nước oán hờn trong tiếng ca
7.
quán cà phê bolsa đủ ấm
chút thân tình nhẩm lại dư vang
ngày rớt chậm còn ta thở chậm
cười nhẹ mà đau thấu ruột gan
8.
giữa đời tưởng như là thiên cao
không còn nghe cơ khí gầm gào
không còn biết văn minh gầm rú
thèm vút lên ghé thăm muôn sao
9.
giữa đời tưởng như là diệu tưởng
giật mình nghe bạn hỏi mấy giờ
không gian lửng bóng thực hay mộng
nắng rớt trên bàn một tứ thơ
(2016)