“Con người sống không có tình yêu thương cũng giống như vườn hoa không có ánh mặt trời, không có gì đẹp đẽ và hữu ích có thể nảy nở trong đó được”
(Nhà văn Victor Hugo)
Nếu bạn có thể kể chuyện, tạo nhân vật, nghĩ ra các sự cố xảy ra và có sự chân thành và đam mê thì việc bạn viết như thế nào cũng không thành vấn đề.”
(Nhà văn Somerset Maugham)
Tác phẩm Drei Kameraden (Three Comrades) năm 1936 của văn hào Đức, Erich Maria Remarque (1898-1970) Tâm Nguyễn dịch với tựa đề Chiến Hữu, nhà xuất bản Kinh Thi ấn hành năm 1972, gồm 28 chương dày bảy trăm trang.
Đệ Nhất Thế Chiến, Remarque ở tuổi 19, bị động viên vào Quân Đội Hoàng Gia Đức, thuyên chuyển về Mặt Trận Miền Tây (The Western Front), bị thương vì các mảnh đạn bắn vào chân trái, tay phải và vào cổ, nên được tản thương về bệnh viện, điều trị cho đến khi chiến tranh kết thúc rồi được giải ngũ khỏi Quân Đội Đức. Sau khi chiến tranh chấm dứt Remarque bị ám ảnh bởi các cảnh tàn phá của chiến tranh, thân phận con người, người lính trong và sau giai đoạn bi thương của lịch sử. Đó cũng là chất liệu và đề tài qua các tác phẩm nổi tiếng của ông như Shadows in Paradise (Các Bóng Tối Của Thiên Đường), Arch of Triumph (Khải Hoàn Môn), All Quiet on the Western Front, (Phạm Trọng Khôi khi phục vụ ở Trường Đại Học CTCT Đà Lạt dịch tựa sách: Mặt Trận Miền Tây Vẫn Yên Tĩnh)… Vì vậy văn hào Remarque được nhiều độc giả ở miền Nam Việt Nam biết đến.
Với tác phẩm Chiến Hữu, kể về cuộc sống nước Đức thời kỳ hậu chiến. Phác họa nhiều khía cạnh cuộc sống cơ cực của tầng lớp nghèo hèn nhất trong xã hội, những con người bị coi là hạng cặn bã phải chịu hậu quả ghê gớm của chiến tranh, trong khi đó kẻ cầm quyền tha hồ trục lợi. Hình ảnh ba cựu chiến binh giữa bên thắng và bên thua, bạn bè đã mất, lại lâm vào nghịch cảnh như nhau trong cảnh lầm than đó đã sống bên nhau, chia sẻ từng miếng ăn. Họ sửa chữa xe cũ, sống lay lắt qua ngày. Những lúc buồn chán bù khú rượu chè an ủi cho nhau, giống như đang trong hầm trú ẩn của chiến tranh, và bên ngoài đối với họ vẫn là chiến trường ác liệt. Họ phải chịu tất cả nỗi đau, mặc cảm mà xã hội không ai hiểu và thông cảm cho họ, trừ những người cũng ở đáy của tầng lớp nghèo hèn như họ. Họ cô độc và phải sống với cái cô độc đó.
Truyện của nhà văn Phạm Tín An Ninh cũng đã đề cập nhiều đến hình ảnh chiến hữu trải dài qua những giai đoạn thăng trầm của lịch sử mà chính tác giả là nạn nhân và cũng là nhân chứng.
***
Nhà văn Phạm Tín An Ninh, sinh năm 1943 tại Khánh Hòa, theo học tại Trường Trung Học Võ Tánh Nha Trang. Nhập ngũ Khóa 18 SQ Trừ Bị Thủ Đức. Tháng 3/1965 ra trường, phục vụ tại Sư Đoàn 23 Bộ Binh, từ cấp trung đội đến trung đoàn. Tháng 3/1975 đảm trách một phần hành ở Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn 44/SĐ 23 BB. Sau biến cố tang thương năm 1975, bị 8 năm tù cho đến tháng 9/1983. Năm 1984 vượt biển, tị nạn ở Na Uy. Cuộc vượt biên của anh:
“Chiếc thuyền nhỏ chở theo 52 người, gần một nửa là đàn bà và con nít, ra khơi hai ngày thì gặp bão. Cả bầu trời phủ kín mây đen. Những ngọn sóng bạc đầu từ trên cao phủ xuống, như muốn nuốt chửng con thuyền nhỏ mong manh. Mệnh số 52 con người chỉ còn biết phó thác cho trời nước mênh mông. Bóng tối tử thần bủa vây khắp phía. Con thuyền bây giờ như cánh bướm nhỏ rơi giữa dòng thác lũ, chìm xuống ngoi lên tả tơi, thoi thóp. Chưa khi nào con người lại quá nhỏ bé và bất lực trước thiên nhiên như lúc này đây…” May mắn gặp chiếc tàu thuộc Vương Quốc Na-Uy (Kingdom of Norway) đang trên hải trình công tác chở dầu từ Nhật sang Singapore cứu vớt trước một cơn bão bắt đầu ập đến.
Hai ngày đêm trên tàu với chúng tôi là cả một thiên đường. Mặc dù bên ngoài, cơn bão cấp sáu nhiều lúc làm con tàu lắc lư, nhưng trên tàu chúng tôi cảm thấy thật yên ả hạnh phúc… Nếu không có chiếc tàu Na-Uy này cứu vớt, chắc chắn 52 người chúng tôi đã bỏ mình trên biển khơi, cũng giống như hàng trăm ngàn người bất hạnh khác, không một ai hay biết…
Chúng tôi được gởi vào trại tị nạn Hawkins Road, một doanh trại cũ của quân đội Anh tại Singapore, một thời gian được chuyển sang trại chuyển tiếp Bataan, Phi Luật Tân,… Sau tám tháng, chúng tôi lần lượt được đưa sang định cư chính thức tại Na-Uy, một đất nước thanh bình, xinh đẹp và giàu lòng nhân đạo… Gia đình tôi lúc ấy có 10 người, gồm vợ chồng tôi, 6 đứa con và 2 đứa cháu, đến phi trường Fornebu Oslo vào buổi chiều cuối hè.”
Vì muốn trốn thoát khỏi “Quần đảo ngục tù” (Quần đảo GULAG, tựa đề tác phẩm của nhà văn Nga Aleksandr Solzhenitsyn) anh chấp nhận hiểm nguy không những cho bản thân mà cả gia đình!
“Được theo học một khóa Thông Dich Viên và sau đó là Ngân Hàng Bưu Điện. Hơn 30 năm làm việc, may mắn được sắp xếp làm ở những chi nhánh rất gần nhà…”
Sau khi ổn định cuộc sống nơi xứ lạnh, anh bắt đầu sáng tác. Cuộc đời anh quá bất hạnh:
“Mẹ mất hồi tôi mới lên ba, cha tôi chết cuối năm 1976 trong trại tù cải tạo Đá Bàn, khi tôi đang ở một trại tù khác tận núi rừng Việt Bắc và mãi năm năm sau tôi mới nhận được tin buồn.”
Nhưng trong cuộc vượt biên, may mắn được sống còn để chia sẻ với nhau nỗi đau nầy! Trong gần hai thập niên qua, Phạm Tín An Ninh – là một trong những nhà văn gốc lính – sáng tác đều đặn và nhiều nhất đã ấn hành các tác phẩm Ở Cuối Hai Con Đường, Rừng Khóc Giữa Mùa Xuân, Sau Cuộc Biển Dâu, Những Nén Hương Thắp Muộn, Vệt Nắng Cuối Chiều, Vẫn Còn Vương Tơ (viết chung với GS Võ Doãn Nhẫn)…
Sự xuất hiện của nhà văn đã được nhiều cây bút đề cập khá nhiều vì anh đã viết lại quãng đời từ cố hương thuở học trò, trong quân ngũ, trong lao tù, mảnh đời tị nạn với nhiều góc cạnh của cuộc sống, tình chiến hữu, tình người, tình quê hương, đất nước…
Trích dẫn vài nhận xét: “Những câu chuyện được viết bằng một giọng văn hòa ái, giản dị nhưng không kém phần trau chuốt, cốt chuyện thì rất mạch lạc, với kết thúc bất ngờ, trọn vẹn và nhiều ý nghĩa, gợi lên trong lòng độc giả một niềm thương cảm sâu xa” (GS Nguyễn Thanh Liêm).
“Phạm Tín An Ninh nhận định về việc ông được mến mộ một cách rất khiêm nhượng. Theo ông, ở thế hệ chúng ta, ai cũng phải trải qua nhiều mất mát, thăng trầm. Vì thế khi đọc ông, hầu hết độc giả đều thấy sự đồng cảm, và do đó, đã dành cảm mến cho tác giả. Ông được coi như đã “viết hộ”, “nói ra hộ” nhiều người không có cơ hội cầm bút, hoặc năng khiếu vận dụng ngòi bút”…
“Trên một khía cạnh khác, dù có nhiều từng trải, nhưng nếu người trải qua cảnh ngộ không có một cái “tâm” đồng cảm thì câu chuyện chưa chắc được lưu ý đúng mức để có thể viết ra”. (GS Trần Huy Bích).
“Tác giả Phạm Tín An Ninh đã trở thành một nhà văn ngoài dự liệu của bản thân ông. Ông viết truyện để giải tỏa những trăn trở và gửi gắm đến độc giả một thông điệp. Thông điệp đó là chỉ có cái tình con người với nhau mới thực sự quý giá và tồn tại với thời gian… Đọc Phạm Tín An Ninh, ai cũng có thể tìm thấy mình trong đó để mà tiếc nuối, hờn tủi, trách cứ, phẫn nộ và thương xót cho đất nước, cho dân tộc, cho bạn bè, cho vợ con và cho chính bản thân mình” (Nhà báo Nguyễn Linh Giang).
“Phạm Tín An Ninh, chỉ kể chuyện thôi, những chuyện thật, liên quan đến ông, dính dáng đến ông, ông đã trải qua, hay nhìn thấy. Nhưng ông đã làm sáng lên được cái Đạo gồm các sự hy sinh, tận tâm, chí khí, tròn trách nhiệm, giữ danh dự, không vị kỷ, tận tình tận nghĩa, của những con người sống theo cung cách và phong thái của hơn 4000 Văn Hiến đã tồn tại cho đến ngày mất nước…
Những chuyện Phạm Tín An Ninh kể, là những thí dụ điển hình. Nếu không muốn nhớ tiêu đề của mỗi truyện, ta có thể hiểu tất cả chỉ là những chương trong một truyện dài: “Miền Nam Trường Hận”… (Bảo Anh Trần Tường Vi)
Nhà văn Đỗ Trường sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Sau thời gian theo học tại đại học ngoại ngữ, nghỉ học đi buôn và rồi theo lao động xuất khẩu sang CHDC Đức. Sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ, ở lại và định cư tại thành phố Leipzig, CHLB Đức. Là người không liên quan đến thời Việt Nam Cộng Hòa đã nhận định:
“Nhà văn Phạm Tín An Ninh đi lên từ một sĩ quan trẻ chỉ huy cấp trung đội. Mười một năm dài đằng đẵng lăn lộn khắp các chiến trường miền Trung, Cao Nguyên và ông trở thành một vị chỉ huy dày dạn kinh nghiệm chiến trường. Những ngày tháng gian khổ, bi thương ấy, như nhát dao đâm nát hồn người. Bởi, hằng ngày, hằng giờ ông phải chứng kiến cái chết, không chỉ của những người lính (trẻ cùng một dòng máu) ở bên kia chiến tuyến, mà còn phải vuốt mắt cho đồng đội, người thân của mình. Nỗi ám ảnh ấy, thường trực đeo bám ông. Và chỉ khi ngồi đối diện với ngòi bút và trang sách, thì dường như gánh nặng tâm hồn ông mới trút bỏ. Do vậy, ta có thể thấy, tính hiện thực xuyên suốt những tác phẩm của Phạm Tín An Ninh…
Có thể nói, đọc Phạm Tín An Ninh mở ra cho tôi nhiều kiến thức, cái nhìn (đa chiều) về cuộc chiến tàn khốc nhất của dân tộc mà ông, thế hệ ông đã đi qua. Tôi nghĩ, với lăng kính, cái nhìn khách quan như vậy, trang viết của ông không chỉ giá trị về mặt văn học, mà còn có giá trị về lịch sử. Đây là một trong những yếu tố quan trọng làm nên chân dung nhà văn Phạm Tín An Ninh”.
Đỗ Trường đã sống thời gian trong nước có lẽ đã đọc sách vở trong nước và khi ờ trời Âu đã viết nhiều bài về các nhà văn, nhà thơ thời VNCH, nhưng đặc biệt “đọc Phạm Tín An Ninh mở ra cho tôi nhiều kiến thức” nói lên giá trị và ảnh hương của tác giả Phạm Tín An Ninh.
“Truyện” của PTAN hầu hết là “hồi ký” với nhân vật tôi (tác giả) lồng vào đó những dòng hư cấu xoay quanh câu chuyện cho sống động. Vì vậy, với tôi, đây là truyện ký, tự truyện trong ký ức của anh được xây dựng từng mẩu chuyện nhỏ góp nhặt lại thật tài tình.
Vào thời tiền chiến, vài nhà văn đã thành công trong những tác phẩm truyện ký… Tiêu biểu như Đêm Sông Hương (Tam Lang), Nhà Nghèo, Cỏ Dại (Tô Hoài), Vang Bóng Một Thời (Nguyễn Tuân), Ba Người Bạn, Những Trẻ Khốn Nạn (Nam Cao), Tắt Đèn (Ngô Tất Tố), Gió Đầu Mùa, Sợi Tóc (Thạch Lam)… Với bối cảnh trong xã hội thực tại qua từng nhân vật trong cuộc sống được cảm nhận, chứng kiến để sáng tác trong hoàn cảnh “Lò cừ nung nấu sự đời. Bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương” (Cung Oán Ngâm Khúc). Và “bức tranh vân cẩu” đó đã bàng bạc trong truyện ký của PTAN.
Từ những mẩu chuyện năm 2008 như Ba Dòng Nước Mắt, Trên Chiến Trường Xưa, Những Đàn Chim Thiên Di, Ở Cuối Hai Con Đường… Năm 2009 với Lá Rụng Không Về Cội, Vĩnh Biệt Một Con Đò, Tiếng Sáo … Rừng Khóc Giữa Mùa Xuân (2010)… đến những truyện gần đây như Người Góa Phụ Giờ Thứ 25, Tuy Hòa Một Thời Gió Cát, Người Nữ Tu Trong Cô Nhi Viện Pleiku, Nỗi Buồn Cuối Đời Của Một Người Lính Già Lưu Lạc… Theo tôi biết khoảng tám mươi bài viết nhưng anh với tính tình điềm đạm, khiêm nhường, tế nhị trong những lần phát biểu ra mắt tác phẩm, trong những cuộc phỏng vấn.
Theo Quỳnh Đào, Úc Châu: “Trong những cuộc phỏng vấn, Phạm Tín An Ninh nói rằng anh không hề muốn là một nhà văn, mà chỉ muốn viết để vơi bớt những đớn đau dằn vặt trong lòng mình, đặc biệt là để chia sẻ những nỗi đau thương mất mát với đồng đội của mình. Thế nhưng anh đã đạt được những thành công vượt ra ngoài dự tính trong những buổi ra mắt sách tại Hoa Kỳ cũng như tại Úc Châu.
Các truyện ngắn của anh đã tạo nên tiếng vang tại nhiều nơi trên thế giới, và được sự đón nhận và cảm thông đến từ mọi thành phần độc giả, kể cả thế hệ trẻ, bao gồm thế hệ một rưỡi ở nước ngoài như cá nhân người soạn bài viết này, và ngay cả nhiều độc giả rất trẻ ở trong nước. Điều này cho thấy ngòi bút của Phạm Tín An Ninh có sức rung động vượt ra khỏi giới hạn của những hồi tưởng dành riêng cho những người lính, vì`nó đã phản ảnh được những gì rộng lớn hơn, đó là số phận bi thảm của cả một đất nước và một dân tộc từ sau ngày miền Nam thất thủ, và những long đong của thân phận con người”.
Ngoài tình chiến hữu huynh đệ sống chết một thời, PTAN cũng luôn nặng lòng với thầy cũ, bạn xưa của thời cắp sách. Tập truyện Vẫn Còn Vương Tơ anh đã viết chung với cựu GS Võ Doãn Nhẫn, vị thầy dạy Triết lớp Đệ Nhất C của anh thời trung học ở trường Võ Tánh Nha Trang, trong một trường hợp đặc biệt rất cảm động, như “Lời Thưa” anh đã viết ở trang đầu tập truyện:
“Thầy Võ Doãn Nhẫn là giáo sư dạy môn Triết khi tôi đang học lớp Đệ Nhất C trường trung học Võ Tánh – Nha Trang. Khi ấy thầy còn rất trẻ, có lẽ cũng vừa tốt nghiệp sư phạm từ Viện Đại Học Đà Lạt. Còn tôi là một đứa học trò không có gì đặc biệt. Học lực trung bình, kể cả môn Triết của thầy, và cũng không nghịch ngợm phá phách lắm. Vì vậy mà sau này thầy không còn nhớ.
Rời trường một vài năm, tôi vào lính. Cuộc chiến càng lúc càng khốc liệt, cuốn tôi theo như cơn lốc xoáy.
Mùa Hè năm 2008, từ Bắc Âu sang Cali ra mắt tập truyện Ở Cuối Hai Con Đường, tôi bất ngờ gặp một cô bạn học cũ, cho biết thầy đang sống ở thành phố San Diego. Tôi gởi biếu thầy tập truyện với lòng biết ơn của một đứa học trò xưa, mà những bài viết hôm nay ít nhiều đã được thừa hưởng từ sự chỉ dạy của Thầy.
Tôi nhận được lá thư với nét chữ run run, không thẳng hàng, lời lẽ thật cảm động, ngợi khen và khích lệ. Thầy cho biết trước đó cũng đã có đọc qua một số truyện ngắn của tôi, nhưng không biết tác giả là học trò của mình ngày trước.
Điều làm tôi cảm động hơn khi biết sức khỏe của thầy không mấy tốt. Thầy bị tai biến mạch máu não cách đây gần mười năm. Bây giờ liệt nửa người, chỉ quanh quẩn trong nhà với chiếc xe lăn. Bao dự tính, ước mơ có lẽ vĩnh viễn không còn thực hiện được.
Chúng tôi, một nhóm bạn cùng lớp rủ nhau xuống thăm thầy. Một buổi trưa hè cháy nắng, thầy ra ngồi trước hiên nhà hơn một tiếng đồng hồ để đợi đón đám học trò xưa. Lòng tôi thật cảm động. Nói năng hơi khó khăn, nhưng thầy rất thích bàn luận về triết học, văn chương. Những lúc như thế, tôi thấy đôi mắt của thầy sáng lên rồi bỗng dưng trở nên u uẩn. Tôi nghĩ là thầy đang tiếc nuối những chữ nghĩa, những tình tự văn chương vẫn còn lãng đãng ở đâu đó trong ký ức của thầy. Thầy đang sống những tháng ngày buồn bã. Trường lớp, đồng nghiệp, học trò cùng phấn trắng bảng đen đã là một quá khứ mịt mờ xa – một quá khứ mơ hồ như thuộc về ai đó chứ không phải của thầy.
Tôi năn nỉ xin thầy viết lại. Dù thầy chỉ còn một bàn tay hoạt động được, và tất nhiên trí óc thầy cũng khá nặng nề, mệt mỏi, nhưng tôi tin là ký ức của thầy sẽ trỗi dậy mãnh liệt, trái tim của thầy sẽ rung động hơn khi thầy viết ra những gì đang còn đè nặng trong lòng. Và dù thầy có viết được như ngày xưa, khi thầy còn mạnh khỏe hay không, tôi hình dung những lúc ngồi trước máy vi tính, đưa một ngón tay chậm chạp gõ từng mẫu tự trên bàn phím sẽ là những giây phút hạnh phúc nhất của thầy.
Để có người đồng hành trên con đường có nhiều bông hoa nhưng cũng khá gập ghềnh ấy, tôi xin hứa sẽ cùng đi theo thầy, viết với thầy, và in chung thành một một tác phẩm kỷ niệm. Và đó là lý do để tập truyện ra đời, mang ý nghĩa Vẫn Còn Vương Tơ, như cái tựa mà chính thầy đã chọn.
Bên cạnh những bài viết mang ít nhiều tính triết học sâu sắc của một vị thầy là những câu chuyện kể bình dị, với văn phong non nớt của một đứa học trò. Ước mong được độc giả đón nhận với sự cảm thông và lòng độ lượng.”
Nhà thơ Quan Dương khi viết về nhà văn đồng hương PTAN cho biết: “Bà xã anh Phạm Tín An Ninh tên Trương Gia Thức và tôi là bạn học cùng lớp cùng trường thời trung học tại trường Trần Bình Trọng Ninh Hòa”… Hai anh em tôi vốn đã thân lại càng thân nhau hơn. Từ sự thân thiết này nên cũng chính tôi là người xúi giục anh cho ra đời tác phẩm đầu tay Ở Cuối Hai Con Đường mà hiện nay đã từng lấy nhiều nước mắt của người đọc. Có một điều hơi tiếu lâm là mặc dù tôi và bà xã anh Ninh đã lên chức nội ngoại hết rồi nhưng nói chuyện với nhau tôi vẫn gọi bạn tôi bằng bà xưng tui giống như 50 năm về trước khi còn đi học… Bà xã anh Ninh tiến bộ hơn không gọi tôi bằng mày xưng tao như lúc xưa nữa mà cũng đã gọi tôi bằng ông xưng tui cho đúng phép lịch sự… Truyện nào của anh cũng đầy tính nhân bản không chứa hận thù nhưng không quỵ luỵ và nhất là không có sự thoả hiệp với cái ác mà đám cộng sản trong nước đang nhân danh để khủng bố người dân. Bên cạnh trong những tác phẩm của anh viết về đời lính, tình chiến binh, tình đồng đội sẵn sàng hy sinh cho nhau mà chúng ta thường bắt gặp vẫn còn có những câu chuyện anh kể về một nửa kia của đời mình”.
Một điều đặc biệt khác, là tất cả các tác phẩm ra mắt tại Hoa Kỳ và Úc Châu, anh Phạm Tín An Ninh đều ủy quyền cho Ban Tổ Chức gây quỹ yểm trợ anh em Thương Binh đang còn khốn khổ ở trong nước, và anh cũng không nhận lại bất cứ một chi phí nào.
Với riêng tôi, sau khi ra trường, thời gian phục vụ ở Tiểu Đoàn 20 CTCT (Pleiku), cuối năm 1970 thuyên chuyển về Nha Trang và lập gia đình ở nơi chốn nầy. Bà xã di cư từ Hà Nội vào Nha Trang năm 1954, niên khóa 1965-1966 theo học lớp Đệ Nhất A tại Trường Trung Học Võ Tánh (học Triết với thầy Võ Doãn Nhẫn), coi anh Phạm Tín An Ninh như lớp đàn anh, Khóa Nguyễn Trãi I Trường ĐH.CTCT, tốt nghiệp vào tháng 5/1969, có 12 tân sĩ quan (Thiếu Úy hiện dịch) về phục vụ tại Trung Đoàn 44 ở Sông Mao, cùng đơn vị với anh, tuy chỉ trong 2 năm (sau đó đa số đã chuyển ngành) nhưng tình “huynh đệ chi binh”, tình chiến hữu vẫn có biết bao hình ảnh đẹp từ đó đến hôm nay.
Trong bài viết của anh PTAN: “Trung Đoàn 44 BB đồn trú tại trại Lý Thường Kiệt, Sông Mao. Bản doanh của Sư Đoàn 5 BB, từ thời Đại Tá Tư Lệnh Voòng A Sáng, bàn giao lại để di chuyển vào Vùng 3 Chiến Thuật. Sông Mao là một thị trấn nhỏ nằm phía Bắc Phan Thiết khoảng 70 cây số, cách Quốc Lộ 1 về hướng Tây gần 2 cây số. Hầu hết dân chúng ở đây là người Nùng, đã từng theo chân Đại Tá Voòng A Sáng và Sư Đoàn 3 Dã Chiến từ vùng Mống Cái vào đây sau Hiệp Định Genève năm 1954, để sau đó biến cải thành SĐ5 BB, một trong những sư đoàn đầu tiên và thiện chiến của thời Đệ Nhất Cộng Hòa.
Phía dưới, về hướng Đông, nằm dọc theo Quốc Lộ 1 là quận Phan Lý Chàm (Chợ Lầu). Dân chúng đa số là người Chàm. Có cả dinh cơ của bà công chúa cuối cùng của vương quốc Chiêm Thành, với đền thờ vua, cờ xí, long bào, và ấn tín. Cách đó không xa là mật khu Lê Hồng Phong rộng lớn nổi danh của VC. Phía trên là dãy Trường Sơn với mật khu Bá Ghe, nơi trú ẩn của một số đơn vị VC địa phương, đặc biệt có cả một đại đội nữ…
Đây là một vùng khô cằn sỏi đá. Mùa hè, nắng cháy, thỉnh thoảng có vài ngọn gió Nam thổi đến, xoáy theo những đám bụi mù trời… Nhưng một hôm bỗng dưng như có những cơn gió mát làm dịu bớt cái không gian rất “lính” này. Không phải gió từ biển thổi lên, mà từ cao nguyên Lâm Viên và từ tận thủ đô Sài Gòn mang tới. Cùng lúc với mười hai chàng trai tuấn tú từ trường Đại Học CTCT Đà Lạt khăn gói về đây trình diện, là một bông hoa tài sắc từ trường Xã Hội Quân Đội: Thiếu Úy Đinh Thiên Kim (mẩu chuyện nầy được kể tiếp rất thú vị). Trung Đoàn đón tiếp những chàng “Nguyễn Trãi 1” và vị nữ lưu này với niềm vui đặc biệt: hy vọng sẽ có những luồng gió mới trong sinh hoạt của đơn vị hầu mang lại những thành quả, chiến công, trước nhất là thực thi hoàn hảo Kế Hoạch Chân Trời Mới được Quân Lực tin tưởng giao phó”.
Anh đánh giặc cũng thuộc loại “cừ”, dạn dày trong lửa đạn từ khi ra trường với cấp bậc Chuẩn Úy (3/1965) Trung Đội Trưởng đến khi sĩ quan Khóa NT I gặp anh đã mang cấp bậc Đại Úy, trong Ban Tham Mưu Trung Đoàn (tháng 6/1969).
Từ trước đến nay, chỉ có nhà văn PTAN nhắc đến Kế Hoạch Chân Trời Mới với các sĩ quan CTCT ra trường được áp dụng tại đơn vị nầy. Năm 1971, trong cuộc hội thảo của Khóa NT I tại Tổng Cục CTCT, có sự phê bình, phản đối vì sau 28 tháng quân trường, được đào tạo rất công phu, chu đáo trong ngành nhưng không được sử dụng đúng mức ở các đơn vị tác chiến, nên sau đó đa phần được đặc biệt thuyên chuyển về phục vụ trong ngành CTCT ở các Quân chủng Hải Quân và Không Quân. (Khóa NT I về 4 Sư Đoàn BB: SĐ 2 có 13 sĩ quan, SĐ có 13 sĩ quan, SĐ 23 có 13 sĩ quan và SĐ 5 với 39 sĩ quan trong tổng số 168 sĩ quan tốt nghiệp).
Có dip gặp anh tôi hỏi “Sao anh không viết về những chiến công đã từng tham dự?”. Anh tế nhị trả lời “Là người lính xông pha ngoài trận mạc phải làm tròn bổn phận và có những chiến hữu đã dũng cảm hy sinh cho Tổ Quốc đáng trân trọng và vinh danh hơn bản thân mình”. Trong bài Một Thoáng Pleiku, anh viết: “Ba năm hành quân ở Kontum và Pleiku, nhiều đồng đội, bạn bè tôi đã nằm lại nơi này. Võ Anh Tài, Đặng Trung Đức, Trần Công Lâm, Dương Đình Chính, Đỗ Bê… những tiểu đoàn trưởng nổi danh, những người anh, người bạn thân thiết như tình huynh đệ cùng một đơn vị từ ngày tôi vừa mới ra trường, đã vĩnh viễn ở lại với Kontum, với Pleiku… Ngày ấy, tôi là thằng lính bộ binh, một thứ lính “hạng bét”, chỉ có khốn khổ gian truân và chết chóc. Tháng năm lặn lội trong núi rừng, chỉ còn biết có súng đạn và mục tiêu trước mặt”.
Không phải chỉ với những người bạn chỉ huy, mà anh cũng luôn nhắc nhớ đến chiến công hào hùng của những người lính.
Trong bài Chuyện Một Người Lính Trinh Sát, anh viết: “Trong số này có một anh rất trẻ, đã lập khá nhiều chiến công lẫm liệt, luôn được vị đại đội trưởng đề nghị cấp trên khen thưởng sau mỗi cuộc hành quân. Thành tích xuất sắc nhất là khi anh tình nguyện một mình ôm lựu đạn bò vào tiêu diệt cái chốt của địch gồm nhiều ổ súng phòng không, nằm trong một hốc đá kiên cố trên đỉnh núi Chư Pao. Chính cái chốt quỷ quái này đã gây cho các đơn vị ta nhiều thiệt hại và đe dọa không nhỏ đối với các phi cơ bao vùng, đổ quân và chiến đấu”.
Anh đúng là một cấp chỉ huy luôn gần gũi yêu thương đồng đội dưới quyền, nên luôn nhận được sự kính mến, ngay cả lúc đã tan đàn rẽ nghé. Mở đầu tác phẩm “ Những Nén Hương Thắp Muộn” anh đã có những lời bộc bạch:
“Ra trường, được bổ nhậm về một đơn vị tác chiến lưu động. Trải qua nhiều chức vụ, tôi cũng chẳng phải là một cấp chỉ huy đảm lược, những chiến công hầu hết là nhờ vào máu xương của anh em binh sĩ. Không nhớ tôi đã hướng dẫn họ được những gì, nhưng chắc chắn tôi đã học được ở họ sự trung thành, lòng can đảm và nhiều kinh nghiệm chiến trường. Trong hơn mười năm chiến trận, tôi từng được thăng cấp đặc cách ngoài mặt trận và nhận một số huy chuơng tưởng thưởng. Nhiều lúc trầm tư, tôi phân vân không hiểu đó có phải thực sự là công trạng của mình, khi hình dung đến khá nhiều khuôn mặt đồng đội dưới quyền đã hy sinh, trong lúc mình vẫn đang còn sống? Tôi không bao giờ quên được những ánh mắt của họ đã nhìn tôi trước khi trút hơi thở cuối cùng. Không biết họ muốn trăng trối, gửi gắm hay oán trách điều gì. Tôi thường dành phần để được vuốt mắt họ khi tình hình có thể, như muốn thay một lời tạ lỗi, ít nhất là đã không bảo vệ được họ. Lời người xưa bao giờ cũng đúng “Nhất tướng công thành vạn cốt khô”. Tôi không hề dám mơ tưởng đến chuyện làm tướng bao giờ, nhưng dù chỉ là một sĩ quan cấp nhỏ, tôi cũng đã mắc nợ khá nhiều xương máu của đồng đội anh em, mà chắc chắn sẽ không bao giờ còn trả được.”
Năm 2008, khi đảm trách nguyệt san Chiến Sĩ Cộng Hòa, đọc bài viết của PTAN tôi rất thích. Khi họp khóa, Nguyễn Mạnh Vỹ cho biết về anh và từ đó những bài viết của anh đều đăng trên trang báo nầy. Và những tác giả viết về nhà văn PTAN đều được đăng trong mục Văn Nghệ của tờ báo. Với Nha Trang, trước đó là nhà văn Điệp Mỹ Linh (tự nhận người lính không có số quân), kế tiếp là nhà văn PTAN, gây được nhiều thiện cảm của độc giả qua nhiều sáng tác.
Nhà văn PTAN có trí nhớ rất tốt từ tuổi thơ ở quê nhà, bạn học, bạn cùng đơn vị, những vị thầy khả kính, bạn tù, những hiền thê của người lính, cấp chỉ huy… cả những mẩu đối thoại với nhau cho đến nơi chốn, địa danh được ghi lại rất tường tận. Nhà văn PTAN với cái tâm, nhân bản và đạo lý của người cầm bút nên nhiều sáng tác của anh khi đọc xong cảm thấy xúc động.
Với tình chiến hữu không những ở đơn vị mà sau khi ra tù tìm đường vượt biên. Trong bài viết Bạn Tôi – Những Người Lính Biệt Động Quân: “Nói về bạn bè Mũ Nâu, thì tôi có khá nhiều, từ quan tới lính. Ngay anh em trong gia tộc tôi cũng có hơn một trung đội (đầy đủ theo bản cấp số), đa số đã nằm lại ở các chiến trường. Bạn cùng khóa thì cũng trên bảy mươi chàng chọn Biệt Động….
Một anh bạn gốc BĐQ, trước 75 là một Hạ sĩ 1, tài xế, nhưng về sau này mới bất ngờ gặp và quen nhau lúc tôi vừa ở tù ra với cuộc đời vô cùng khốn khó, còn anh là tài xế của một chiếc xe đò nhỏ chạy đường Nha Trang – Ban Mê Thuột . Biết tôi cũng từng là một cấp chỉ huy nên anh luôn gọi tôi là ông thầy, và hết lòng giúp tôi những gì có thể. Anh đã để lại trong tôi nhiều cảm xúc và một niềm ân hận khôn nguôi, vì nghĩ mình đã không xứng đáng với tấm lòng của anh, không giữ được lời hứa với anh trước khi anh mất…
Gia đình anh gồm vợ và 2 đứa con nhỏ sống ở Ban Mê Thuột. Biết tôi có ý định vượt biên, anh ngỏ ý tha thiết cùng đi với vợ con.Tôi tổ chức chuyến vượt biên cùng với một nhóm bạn cùng tù. Chuyến đi khó khăn sắp thực hiện, tôi ra bến xe mấy lần tìm anh, không gặp. Tôi lên Ban Mê Thuột, và rất bất ngờ được biết xe anh vừa bị tai nạn trên đèo M’Drak, anh bị thương nặng đang nằm trong bệnh viện. Tôi đến thăm, mình mẩy còn quấn đầy băng trắng, cả hai chân bị gãy, vừa mới được giải phẫu, còn treo lên thành giường. Nước mắt tôi ứa ra, chỉ ôm nhẹ vai anh mà không nói được lời nào…
Khi đưa vợ con và bạn bè xuống tàu vượt biển, lòng tôi rất buồn vì thiếu gia đình anh, người bạn BĐQ rất có lòng và chí tình với tôi”.
Bài viết Về Cái Chết Oan Khuất Của Nhạc Sĩ Minh Kỳ với tình người bạn tù đã in sâu vào tâm khảm: “Người viết bài này, có cái cơ duyên được ở chung cùng một trại tù với ông, và cũng đã được tâm sự cùng ông một vài ngày trước khi ông chết…
Trại tù An Dưỡng Biên Hòa, cũng chính là nơi tôi đã gặp nhạc sĩ Minh Kỳ, và đã tâm tình cùng ông một ngày trước khi ông chết…
Một đêm, cuối tháng 8/75… Khi ấy chúng tôi mới biết tiếng nổ tối hôm ấy đã xảy ra tại Nhà 3, làm chết và bị thương khá nhiều. Mọi dấu tích đã được thu dọn sạch sẽ, như chưa hề có việc gì xảy ra…
Lòng tôi nhói lên đau đớn như vừa bị một nhát chém hư vô nào đó. Trong tôi vừa mới mất thêm một điều gì, mà với tôi nó trở thành thiêng liêng hơn là kỷ niệm. Nhiều đêm sau đó tôi trằn trọc cả đêm không ngủ. Dư âm những bài hát Nha Trang của anh lúc nào cũng văng vẳng bên tai tôi. Tâm tư lúc nào cũng mơ màng đến thành phố Nha Trang, đến ngôi trường Võ Tánh, nhớ da diết những kỷ niệm ấu thơ, của những ngày đi học, và hình dung đến từng khuôn mặt bè bạn thân quen…”
Ngoài ra với tình gia đình, anh thiếu tình mẹ từ nhỏ nên rất trân trọng tình mẹ của người vợ lính, người vợ tù, góa phụ nên khi đọc cảm thấy bùi ngùi, xúc động
Không thể nào trích hết những đoạn văn trong các bài viết của anh PTAN. Các bài viết đã lưu trữ trên blog cá nhân của anh, nhiều websites và trong các tác phẩm của anh đã được ấn hành. Đất nước trải qua thời kỳ đen tối của lịch sử ảnh hưởng đến những hệ lụy của thế hệ chúng tôi “sinh bất phùng thời” từ khi sinh ra, lớn lên và cả tuổi già!
Bài thơ Ba Kiếp Lang Thang của thi bá Vũ Hoàng Chương với hai câu cuối: “Ba kiếp lang thang, ngồi chụm lại. Chúng ta mất hết, chỉ còn nhau”. Nay sống trên xứ người, nhờ những sáng tác của các văn thi hữu coi như “chứng tích” của một thời, một đời người nổi trôi theo vận nước cho thế hệ hiện tại và tương lai, trong đó có nhà văn Phạm Tín An Ninh.
(Little Saigon, January 2025)