Những người quý mến nhạc sĩ Xuân Tiên, một trong những kỳ tài của nền âm nhạc Việt Nam sống ở Sydney, Úc, đã báo tin cho nhau với niềm thương tiếc về sự ra đi của ông vào ngày 2 Tháng Sáu, được gia đình ông thông báo.
Trên trang Facebook của cô Hằng Phạm, con gái của nhạc sĩ Xuân Tiên viết, “Thân phụ tôi, nhạc sĩ Xuân Tiên vừa qua đời hôm nay Thứ Sáu 2 Tháng Sáu 2023, vào lúc 4:00am tại Viện dưỡng lão Avacs, ông hưởng thọ 102 tuổi. Chương trình tang lễ sẽ thông báo nay mai.”
Ít ai biết câu chuyện cảm động về nhạc sĩ Xuân Tiên, vào nhiều năm trước, khi người vợ của ông đau yếu và cần phải được chăm sóc đặc biệt, các con đã quyết định đưa bà vào nhà chăm sóc người già ở Avacs, Smithfield, New South Wales. Nơi đây có y tá theo dõi thường trực và chăm bón từng bữa ăn cho bà. Nhưng sau đó, ông Xuân Tiên xin vào ở luôn trong đó, dù sức khỏe còn tốt, chỉ là ông muốn để gần vợ cho bà đỡ cô quạnh. Năm 2019, khi tôi đến thăm ông ở viện dưỡng lão, thấy ông mạnh khỏe và hào hứng khi nói về cuộc đời hoạt động âm nhạc của mình. Nói lý do ở trong viện sớm, ông cười “thôi, để bà ấy nằm một mình, bà ấy buồn”.
Năm ông 100 tuổi, các con và những người hâm mộ khuyên ông nên để lại ít dòng hồi ký cho đời sau đọc, tìm hiểu. Bởi nhạc sĩ Xuân Tiên có một cuộc đời du hành theo vận nước, và hoạt động không ngừng. Vì vậy, năm 2021, ông cho ra tập sách nhỏ tựa đề “Những mẩu chuyện giữa hai thế kỷ của nhạc sĩ Xuân Tiên”, với những điều được kể lại rất thú vị.
Nói nhạc sĩ Xuân Tiên là kỳ tài cũng không ngoa. Ông chạm đến nhạc cụ nào thì ít lâu sao đã chơi thành thạo nhạc cụ đó, bất kể là nhạc cụ phương Tây hay cổ truyền. Bên cạnh đó, ông luôn tìm hiểu, nghiên cứu về mọi dòng nhạc, từ pop, jazz, cho đến nhạc Chăm, cải lương, hồ quảng…
Thậm chí ông là người mày mò chế tạo ra những nhạc cụ mới cho thỏa sức tìm hiểu của mình. Đó là chưa nói, ông còn kiêm vận động viên thể thao và võ thuật. Nếu Việt Nam hòa bình và cuộc sống ổn định, có lẽ nhạc sĩ Xuân Tiên sẽ vận dụng được hết tài năng và giới thiệu lại đầy đủ cho đời sau. Viết trong hồi ký, lời tự dặn cho chính bản thân mình “người làm nhạc mà rành nhiều loại nhạc và nhạc tính từng vùng miền đất nước thì đến khi sáng tác sẽ dễ dàng phổ diễn âm điệu đi vào lòng người”.
Ông cũng kể rằng đời mình có số lớn, ba lần bị Việt Cộng đặt mìn nơi ông biểu diễn, rồi bị pháo kích, nhưng may sao đều thoát.
“Khi làm ở Catinat, tôi đang cầm kèn tenor sax thổi thì nghe nổ một tiếng thật to, tôi ngã ngồi, tay còn đang cầm kèn, thấy tối tăm mịt mù, bụi chung quanh trắng xóa. Tôi vội vàng đem kèn vào buồng để vào hộp rồi xách hộp kèn ra cửa đi lên xe Vespa. Thấy trên xe Vespa đầy mảnh kính, tôi gạt các mảnh kính leo lên chạy một mạch về nhà. Vợ tôi thấy tôi hết vía, nhìn thấy tôi tất cả từ đầu tới chân như cục bột, lúc đi tôi mặc bộ đồ đen. Hôm sau tôi nghe tin Catinat đặt mìn, nổ banh xác nhiều người, trong số đó có cô Mary, vợ nhỏ của nhạc sĩ Lê Văn Thiện. Hôm đó có mặt anh Toàn, hiện giờ anh đang làm với Bảo Văn Nghệ tại Cabramatta, Sydney.
Cũng trong tháng đó, tôi đậu chiếc xe hơi ở trước cửa nhà tôi, mé bên kia đường. Lúc đó tôi vừa bước ra khỏi cửa đến cái sân nhỏ trước nhà thì nghe nổ một tiếng thật to, cửa kính các nhà xung quanh đều vỡ tan, hóa ra xe hơi tôi bị mìn đặt dưới gầm xe. Mìn đặt theo hướng ngang, xe hơi tôi không sao, vì nổ từ gầm xe xuyên qua tường kho thuốc trước nhà. Đó là hai vụ nổ. Lại cũng tháng này, một viên đạn pháo kích rớt xuống Khánh Hội, trúng nhà hàng xóm chỉ cách nhà tôi một căn, trúng một bên mái ngói, đạn phá xuống tường nhà, cũng rung chuyển cả dãy và bể các cửa kính. Đó là ba vụ nổ trong tháng. Vợ tôi xem bởi thấy nói tháng này tôi bị tam tai. Không biết có nên tin không?”
(Trích Những mẩu chuyện giữa hai thế kỷ của nhạc sĩ Xuân Tiên, trang 67)
Là đời nhạc sĩ, đi theo tiếng gọi của sân khấu và có tính ngao du, từ năm 1942 nhạc sĩ Xuân Tiên đã vào Sài Gòn để chơi nhạc. Ngay khi vào Nam, ông nhận ra nơi này là không khí của một vùng đất tự do và dễ dàng phát triển đam mê âm nhạc của mình. Viết trong hồi ký, ông kể:
“Tôi đã từng đi và từng sống ở mọi miền đất nước, thấy miền Nam khí hậu ấm áp dân tình hiền hòa trong khi Hà Nội lạnh lắm không thích. Lòng tôi đã muốn đổi vào Sài Gòn làm ăn, có dịp sẽ vào làm trước để thăm thú công việc, rồi sẽ dời cả gia đình vào sau”.
Năm 1952, không khí chính trị miền Bắc lúc ấy hết sức căng thẳng, nên do biết trước đường đi nước bước từ năm 1942, nên ông im lặng đưa cả gia đình vào Nam theo lời mời của nhạc sĩ Ngọc Bích, người quản lý biểu diễn ở Cinema Văn Cầm. “Bấy giờ thì tôi đã có thể thuê nhà, sắm sửa đồ đạc đầy đủ sẵn sàng để đón vợ con vào, tiếp đó đón anh Xuân Lôi, rồi sau đó đón cha mẹ vào. Ông bà thân sinh tôi không chịu đi vì còn bà nội già không muốn rời xa quê hương. Các anh em tôi kẻ trước người sau đều vô Sài Gòn làm nhạc và sinh sống tại đây từ năm 1952, ngoại trừ anh cả Xuân Thư. Thế là ông bà thân sinh và anh Xuân Thư ở lại miền Bắc rồi kẹt luôn ở đó sau khi chia đôi đất nước”.
Năm 1986, nhạc sĩ Xuân Tiên đến Úc theo diện bảo lãnh. Ông háo hức quay trở lại với sinh hoạt âm nhạc của mình sau nhiều năm im lặng, kể từ tháng Tư 1975. Năm 2019, khi được hỏi là ông có nhớ Việt Nam không, và muốn về thăm không? Người nhạc sĩ già im lặng, ngập ngừng một chút rồi nói “Người Việt ai không nhớ quê hương mình, nhưng tôi không về”. Ông không giải thích lý do, mà nhìn đăm chiêu qua cửa sổ. Có thể những người Việt có cùng lời giải thích giống như nhạc sĩ Xuân Tiên sẽ hiểu và chia sớt được tâm tình khắc khoải của một thế hệ đã rời khỏi quê hương, mang theo những kỷ niệm đẹp trong trí nhớ, mà đọng lại phần nhiều là mất mát.