Nhạc sĩ Y Vũ (1940-2023) ra đi thanh thản

Nhạc sĩ Y Vũ (1940-2023)

Chỉ vài ngày sau, khi giới mộ điệu vẫn còn chưa hết bàng hoàng trước tin nhạc sĩ Quốc Dũng qua đời thì lại nghe tiếp tin nhạc sĩ Y Vũ ra đi. Những ngày tháng này, quả là tin dữ nối tiếp, nó cũng báo hiệu những nhân vật tài hoa cuối cùng của nền văn nghệ Việt Nam đang lần lượt ra đi, để lại một khoảng trống bao la chưa có người kế thừa.

Nhạc sĩ Y Vũ mất lúc 4 giờ sáng, ngày 28 Tháng Chín. Hưởng thọ 84 tuổi (1940-2023). Một năm trước, thấy đau và đi khám, thì bác sĩ cho biết ông bị ung thư tá tràng. Ông được khuyên là nên phẫu thuật, có thể kéo dài được mạng sống thêm vài năm. Nhưng sau cùng, nhạc sĩ Y Vũ chọn không phẫu thuật, chấp nhận cuộc sống lẽ thường của mình bên người vợ, bà Hồng Loan, cho đến khi nhắm mắt.

Cuộc đời của nhạc sĩ Y Vũ không đến với âm nhạc một cách chuyên nghiệp, mà ngẫu nhiên sáng tác khi tìm thấy một nguồn cảm hứng nào đó. Rồi bất ngờ những bài hát của ông xuất hiện, thành công khiến ông trở thành nhạc sĩ một cách bất đắc dĩ (theo lời ông kể). Y Vũ đã trải qua cuộc đời đi làm đủ thứ nghề tự do, chỉ có một đoạn là làm việc cho Biệt đoàn Văn nghệ Trung ương. Sau 1975, ông mất hết nhà cửa, tiền bạc, nên phải đi làm rừng, xin vào làm công trường xây dựng, phụ hồ, sau lại đi bán ve chai… cuộc sống vô cùng vất vả. Cực nhất là đi làm công nhân hứng mủ cao su ở Bù Đăng, Bù Đốp ở Sông Bé (nay thuộc Bình Phước), rồi đi làm phụ hồ cho công trường xây dựng Tân Quy Đông 2. Về sau thấy mình yếu không làm nổi việc nặng, Y Vũ bỏ về Sài Gòn đi bán ve chai trong nhiều năm.

Khi được hỏi, ông có ngại ngùng gì khi nhắc đến thời gian sống cùng cực, làm nghề bán ve chai không, nhạc sĩ Y Vũ nói “Ở thời đó, có nhiều nghệ sĩ rơi vào hoàn cảnh bỗng một ngày mọi thứ mất hết, phải bắt đầu lại từ hai bàn tay trắng. Không phải ai cũng học được cách chấp nhận số phận. Nhiều khi đang buôn ve chai trên đường, gặp người quen cũ, họ tỏ ra thương cảm, ái ngại nhưng tôi thấy bình thường. Có gì đâu phải xấu hổ, ai cũng phải sống, phải ăn. Lúc đó, tôi phải cáng đáng cả gia đình, không làm việc, những người thân của mình sẽ chết đói”.

Đầu năm 1990, ông quay lại với âm nhạc, do vô tình gặp nhạc sĩ Nhật Bằng. Thấy ông cực quá, nhạc sĩ Nhật Bằng đề nghị ông về vừa đánh đàn, vừa hòa âm cho câu lạc bộ âm nhạc Bến Nghé. Lúc đó, là lúc đời sống có chút cởi mở hơn, các tụ điểm ca nhạc, phòng trà… dần xuất hiện lại ở Sài Gòn. Về sau, một người bạn ông – Lê Văn Danh – mở nhà hàng ca nhạc Arnold ở Sài Gòn, gọi ông về làm ở đây, để cho ông ở trú tạm trong một căn phòng nhỏ phía sau nhà hàng.

Nhạc sĩ Y Vũ tên thật là Trần Gia Hội, sinh năm 1942 tại Hà Nội. Từ nhỏ ông được anh là nhạc sĩ Y Vân dạy kèm môn âm nhạc. Đó là lý do khi sáng tác bài đầu tiên, ông chọn tên Y Vũ, để cho có vẻ gần gũi người anh của mình. Năm 1954, Y Vũ cùng Y Vân, và cả gia đình di cư vào Nam cùng hàng triệu người Công giáo lẫn không Công giáo không muốn thay đổi chế độ chính trị. Tháng 11-1962, nhạc sĩ Y Vũ cho ra mắt bài hát đầu tiên của mình Tôi Đưa Em Sang Sông, gây xôn xao giới mộ điệu với phong cách tưởng chừng là một bài slowrock cổ điển, nhưng ẩn chứa những làn điệu trẻ, mạnh mẽ của phong trào âm nhạc Việt đổi mới lúc bấy giờ.

Y Vũ từng kể – được nhạc sĩ Trịnh Hưng ghi lại – về nhạc phẩm này, cũng là chuyện mối tình đầu của ông. Lúc đó, ông còn là học sinh trường trung học tư thục Hàn Thuyên ở phố Cao Thắng, và thầm yêu một nữ sinh cùng lớp tên là Thanh. Đó là mối tình học trò trong trắng. Nhưng đó là một mối tình trắc trở theo tình huống quen thuộc thời gian đó, là chuyện gia cảnh và gia thế khác biệt.

Dù có đôi lần hẹn hò, nhưng mối tình này chỉ đi đến chỗ bế tắc: Cô gái đó là con của một nhà giàu, có cây xăng ở ngã bảy Lý Thái Tổ, còn chàng thanh niên Y Vũ thì nghèo, gia tài lớn nhất chỉ có chiếc xe gắn máy hiệu Bromic do người anh Y Vân mua cho.

Hẹn nhau gặp đôi lần (cũng ở tại cây xăng), rồi bất chợt nhạc sĩ Y Vũ được tin cô gái ấy phải nhận lễ hỏi cưới, do cha mẹ ấn định gả cho một ông bác sĩ lớn tuổi. Mối tình thơ mộng của tuổi học trò chấm dứt từ đó. Đó là lần đầu nhạc sĩ Y Vũ uống say cho quên sầu. Gần sáng, chợt thức giấc nhìn ra thấy mưa rơi hiu hắt bên ngoài, ông cầm guitar và bật ra những giai điệu đầu tiên của bài hát Tôi Đưa Em Sang Sông.

Ca khúc Tôi Đưa Em Sang Sông in ra nhạc bản, được ca sĩ Lệ Thu chọn ca, đã xuất hiện liên tục trên Đài phát thanh Sài Gòn theo yêu cầu khán giả. Mặc dù tác giả viết trong bản in hát chậm, nhưng nhạc phẩm này cứ cuốn hút, khiến người ta như muốn hát nhanh hơn, sôi động hơn. Nhạc bản ngay sau lần phát hành đầu tiên được yêu cầu in lại để bán, và được yêu cầu ở khắp các đại nhạc hội.

Trong một bài phỏng vấn vào năm 2006, nhạc sĩ Y Vũ có tâm sự rằng “Tôi sinh ra ở Hà Nội nhưng lớn lên tại đất Sài Gòn náo nhiệt. Những ngày tháng thơ ngây tại trường trung học có lẽ không bao giờ phai mờ trong trí nhớ của tôi, bởi ở đó tôi đã để trái tim mình rung động trước cô bạn chung lớp tên Thanh. Tình yêu học trò trong sáng lắm, chỉ cảm nhận qua ánh mắt, nụ cười chứ đâu có dám ngồi gần, dám nắm tay. Những khi tan trường sóng bước bên nhau cũng không biết nói câu gì, chỉ biết… đá cái lon sữa bò khua vang đường phố”.

Nhạc sĩ Y Vũ, trong những ngày quay về Sài Gòn, trở lại với âm nhạc.

Nhạc sĩ Y Vũ có bài Tôi Đưa Em Sang Sông 2 mà ít ai biết, mà ông đặt tựa là Ngày Cưới Em trong văn bản phát hành. Cũng câu chuyện tình ấy, khi ông nhận được thiệp mời dự đám cưới – mà ông đến cũng như để nhìn mặt người yêu lần cuối – trở về buồn bã, ông viết lên trong bài hát này, với ý như phần nối dài của câu chuyện tình dang dở.

“Ngượng ngùng tôi mới ca rằng:
Ngày xưa đưa em sang sông
Ngày nay đưa em bước sang ngang….“

Nhạc sĩ Y Vũ nói bài hát đầu tay này như vận vào đời mình, khiến ông trải qua rất nhiều mối tình, đến hơn 30 người, nhưng tất cả đều dang dở. Nhưng một trong những mối tình nằm mãi trong di sản của ông, được nhắc tên, đó là bài hát Kim.

“Cớ sao buồn này Kim
Cớ sao sầu này Kim
Ai thương em hơn anh mà tìm
Cớ sao hoài này Kim
Có biết cho lòng anh
đã mơ từng phút vui buồn cùng em…”

Nhạc sĩ Y Vũ kể vào năm thập niên 1960, ông làm việc ở Vũng Tàu, buổi tối thường ghé vào vũ trường Blue Star, rồi quen cô Kim ở đó. Ông kể rằng hoàn cảnh của cô gái làm nghề vũ nữ này rất đáng thương, khiến ông viết lên bài hát lấy tên cô, lại dùng theo nhịp điệu agogo lúc đó đang thịnh hành như một lời an ủi. Bài Kim ra mắt khán giả năm 1965, gây một tiếng vang lớn trong dòng kích động nhạc của miền Nam Việt Nam bấy giờ. Một năm sau, cô Kim qua đời vì bệnh tim.

Nhạc sĩ Y Vũ không có nhiều bạn thân. Trong đời, ông chỉ tụ tập với hai người bạn là nhạc sĩ Mạnh Phát và Huỳnh Anh. Sau năm 1975, cuộc sống đảo lộn, mãi lo kiếm sống để nuôi gia đình nên ông cũng gần như khép kín. Tuổi 66 về già, ông mới tìm được nguồn an ủi và bình yên với người vợ, là bà Hồng Loan.

Năm 2015, báo chí tìm đến ông phỏng vấn, được ông tâm tình, “năm 66 tuổi, tôi mới tìm thấy người phụ nữ của đời mình. Chúng tôi đã sống với nhau được 10 năm, cô ấy là người gốc Bắc nhưng nấu món Nam rất giỏi. Vợ cũng không biết gì về âm nhạc nhưng thích nghe tôi chơi đàn và đưa ra khá nhiều nhận xét khách quan về các sáng tác sau này của tôi”.

Bà Hồng Loan bị bệnh tim, nên nhạc sĩ Y Vũ rất lo lắng chăm sóc, ngại mọi thứ nhọc nhằn cho bà. Có lẽ, việc chọn không giải phẫu và nằm bệnh lâu ngày, cũng là cách ông suy tính, chỉ muốn vợ mình thật sự thảnh thơi. Và như thế, ông cũng chọn cách ra đi của mình thật nhẹ nhàng, thanh thản.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: