Hình gia đình chụp tại Columbia University, New York 2015. (Hình: tác giả cung cấp)

Trên suốt đoạn đường từ thành phố Mỹ Tho về tới làng quê Long Bình Điền hơn 7 cây số (kí-lô-mét) chỉ có mỗi một cua quẹo ở ngã ba lộ Xoài là có chỗ nghỉ mát tạm, đó là phòng Thông tin xã Song Bình lợp ngói đỏ giống như một căn nhà ga xe lửa vuông vức, mỗi bề chừng ba, bốn mét nằm sát bên lộ cái. Nắng chang chang như đổ lửa tôi ghé vào đây để che nắng nghỉ chân một chút trước khi cỡi xe đạp đi tiếp chừng hơn hai cây số nữa là về tới nhà của Nội.

Nhìn ra xa hai bên đường là những cánh đồng lúa chín vàng óng chạy tít tận chân trời, con lộ Xoài đất đỏ từ ngã ba như vệt mực loang tới sâu trong đồng, không biết dừng lại ở nơi đâu, đi vô chút xíu, bên phải sát bờ rào trường tiểu học Song Bình có căn nhà ngói đỏ duy nhất đang in hình bóng ngã trên con lộ, tạo thành một bức tranh rực rỡ màu đỏ quạch. Cặp theo lộ là con kinh nhỏ, nước đục ngầu, vậy mà có một số người đang xuống tắm lội hay té nước, nhất là mấy đứa nhỏ nhà ở quanh ngã ba.

Về tới bờ Rạch Chiếu, đã thấy mát rượi với hàng dừa, lá che rậm rạp ở trên cao tạo thành bóng mát phủ dài xuống con đường đất phẳng lì. Đi sâu vào phía trong kinh chừng vài trăm mét là tới nhà Nội, Bà ở nhà riêng cách nhà Từ đường khoảng năm liếp dừa, tôi về xin ở chung với Bà để đi học vì gia đình tứ tán, Ba đổi ra làm việc ngoài miền Trung, Má dẫn hết các em về ngoại ở Cai Lậy để sinh sống nên tôi nếu muốn tiếp tục đi học ở Mỹ Tho thì chỉ còn có cách là về quê Nội tá túc. Từ đó một Bà, một cháu sống hiu quạnh trong vườn dừa rộng mênh mông, bát ngát.

Lúc bấy giờ, tôi chỉ biết lo học hành và luôn nhìn xa xôi về những chân trời viễn mộng chứ chưa biết gì về chuyện yêu đương, tuy vẫn biết có nhiều cô gái trong xóm thường hay liếc nhìn mình với ánh mắt đầy tinh nghịch, nhưng tôi cố tảng lờ đi như không để ý, nhưng càng lơ thì người đẹp càng săn đón hơn. Có một hôm đi học chiều mưa về trễ, nhà có nồi cá kho mà không có canh rau nên Nội bảo tôi ra tiệm đầu xóm trên, mua ít đồng dưa cải chua đem về chấm cá kho. Bà chủ tiệm có cô con gái trạc chừng 15, 16 tuổi từ nhà dưới nói vọng lên:

-Yến, con vắt kha khá cho nó đủ bữa ăn.

Đứa con gái xốc khạp cải chua, lựa vắt cải thật vàng ươm cười bẻn lẻn, má ửng hồng. Tôi hơi mắc cỡ, cắm đầu chạy riết về nhà ăn món dưa cải chua chấm cá kho ngon vô cùng.

Sở dĩ trong làng xã có nhiều người để ý đến mình là vì thời buổi chiến tranh ở thôn quê, thanh niên trai tráng trong những năm ấy, lớn lên đa phần đều tản cư ra phố chợ, đi làm ăn xa hay giữ một chân lính ở địa phương cho nên người ở lại tiếp tục đi học rất ít, hầu như chỉ có một vài thanh niên độ tuổi 17, 18 tuổi là còn theo học ở bậc Trung học Đệ nhị cấp.

Còn mấy đứa con gái trong xóm chừng hơn mười đứa, đi học lên cao cũng ít lắm, mà cũng chỉ học tới lớp Đệ Tứ (lớp 9) là hết cỡ. Có con Út chiều nào tan trường từ Chợ Gạo về, áo dài trắng dắt xe đạp thay vì rẽ vô bờ bộ An đi thẳng về nhà, nó lại quẹo vô bờ Rạch Chiếu quanh co ngang nhà tôi, chầm chậm liếc xem tôi có quanh quẫn trước nhà hay không. Chỉ có bấy nhiêu thôi mà chiều nào cũng vậy.

Con Trà dạn hơn, một buổi tối trời có trăng sáng, vậy mà nó cũng ghé tạt ngang nhà xin Bà Hai một bó đuốc để về nhà, Nội bảo tôi ra sau hè lấy bó đuốc lá dừa, đem cây đèn chong ra trước sân đốt đưa cho nó, thấy nó hơi run tôi nói “Để tao cầm đuốc đưa đi một khúc đường” Nó gật đầu rồi đi sánh đôi qua khỏi cây cầu dừa, tôi đưa đuốc cho nó cầm rồi dặn chừng:

-Đi cẩn thận coi chừng vấp  té.

Nó riu ríu nói cám ơn “anh”. Tôi hơi ngỡ ngàng, thường thì là mầy tao thôi chứ có bao giờ mà gọi nhau bằng anh em. Nhưng tôi nghe trong lòng mình cũng thấy hơi thinh thích vậy thôi.

Nhưng thật ra thì trong lòng, tôi thích cô gái thường hay tắm dưới kinh ở Song Bình hơn, có một buổi chiều khi trời chưa tắt nắng, tôi có dịp đi ngang qua lộ Xoài đã nhìn thấy cô ấy ngâm mình bơi lội dưới nước, vừa lên bờ, áo quần còn ướt sũng đi vào căn nhà ngói đỏ mà còn ngoảnh mặt lại nhìn tôi bâng quơ với ánh mắt đầy e thẹn, nhoẻn miệng cười, tóc phủ đầy hai bên má. Tôi nhớ hoài hình ảnh ấy suốt mấy năm trời ở quê.

Nhất là kể từ khi biết được cô ấy thường hay đi xe đò dành riêng đưa rước học sinh từ Chợ Gạo lên Mỹ Tho tới tận trường nên tôi không đi xe đạp nữa mà cùng theo chuyến xe đưa rước học sinh ngày hai bận đi về. Chỉ để gặp nhau trên xe mỗi ngày, liếc nhìn nhau thôi chứ chưa bao giờ dám nói với nhau một lời nào vì trên xe còn có nhiều đứa khác nên cũng rất ngại ngùng khi tỏ ra thân thiện hay là có tình ý.

Lần sau hết, khi tôi đã thi đậu Tú tài II, chuẩn bị đi Sài Gòn vào Đại học, nhờ người bà con học chung lớp với cô ta cho biết là cô ấy đang đi học thêm ở Mỹ Tho vì mùa hè không có xe đưa rước học sinh nên cô ấy thường đi xe Lam lên trường có dạy hè. Sau khi biết được ngày giờ chính xác, tôi cùng canh đón xe Lam trùng giờ học của cô ấy, may ra được đi cùng chuyến thì hay, còn nếu không thì tôi chịu khó chờ ở bến xe Lam cũng được, miễn là được gặp và nói vài lời từ giã cho có vẻ hơi lãng mạn một chút.

Quả tình đúng như dự tính, tôi đang ngồi trên xe Lam khi tới ngã ba lộ Xoài thì thấy thấp thoáng bóng người đứng đón xe bên vệ đường, hôm ấy cô ta mặc chiếc áo bà ba trắng vải mỏng, quần lãnh đen đang giơ tay ra đón xe. Cùng gật đầu chào nhau như mọi khi, nhưng hôm nay có khác vì mình đã thi đậu rồi và cô ta cũng biết nên hai đứa cũng rất tự tin khi gặp gỡ.

Từ bến xe Lam ở Chợ Cũ, xuống xe hai đứa đi bộ, sánh đôi trò chuyện đủ điều, nhưng cũng chỉ là chuyện học hành, cũng như dự tính tương lai sẽ theo học ngành nghề gì và cũng chỉ có vậy thôi, không hơn không kém. Cho đến khi tới trường, cô hỏi tôi có gì muốn nói thêm nữa không. Tôi hơi bối rối trong im lặng rồi nói “Thôi em vào lớp đi”. Cô hơi dỗi “ai cho phép gọi bằng em hứ!

Kể từ sau đó, thời cuộc đổi thay, chiến tranh ngày càng bộc phát dữ dội nhất là sau Tết Mậu Thân, lệnh tổng động viên ban hành trên toàn quốc, thanh niên đa số nhập ngũ ra tiền tuyến, số còn lại rất hạn chế được hoãn dịch vì lý do học vấn từng năm một, rất căng thẳng vì thi rớt sẽ không đủ điều kiện về tuổi tác để tiếp tục ở lại học, mà phải nhập ngũ. Có một số sinh viên lo xa nếu thi rớt sẽ phải vào trường Bộ Binh Thủ Đức nên đã tự động nộp đơn dự tuyển vào các binh chủng đặc biệt về kỹ thuật như bên không quân hoặc thi tuyển vào trường sĩ quan Hải quân.

Tôi theo học ở trường Luật Sài Gòn cũng giống như các anh em khác, nhưng tin rằng cố gắng học thì sẽ thi đậu nên rất yên tâm, cuối cùng tôi đã thi đậu vào trường Quốc Gia Hành Chánh, theo học ở đây có nhiều ưu đãi về học bỗng cũng như về tình trạng quân dịch nên không có gì đáng lo, chỉ có mỗi một việc là cố gắng học cho đến khi tốt nghiệp, thứ nữa vì tình hình an ninh ở nông thôn cũng không yên ổn lắm nên từ đó tôi ít về quê, Long Bình Điền hay Song Bình theo thời gian cũng dần phai nhạt trong tôi.

Rồi đến khi ra trường đi làm ở nơi xa, tận miền cao nguyên thì xem như không còn gắn bó nơi xưa chốn cũ nữa. Kon Tum lại là nơi địa đầu giới tuyến, chiến sự lan tràn gần tới thành phố nên chỉ lo làm việc và an toàn bản thân là chính, không còn thời giờ để nghĩ về con Út, con Yến hay Trà, Định … gì gì nữa. Riêng cô gái ở Song Bình năm xưa, ban đầu lên Sài Gòn theo học ở trường Đại học Văn Khoa, sau chuyển qua học Sư phạm Cần Thơ rồi tốt nghiệp cũng đã lập gia đình và xin chuyển về dạy học tại Mỹ Tho, tôi cũng chỉ nghe có vậy thôi.

Cả nhà thấy tôi ít về quê, nhất là bà Nội cứ nhờ người thân xem có chỗ nào được để lo gia đình cho tôi. Bà thường hay nói với Mẹ tôi:

-“Bây không khéo, người ta quyến dụ nó đi ở rể là mất luôn.”

Lần cuối cùng, Bà ưng ý khi có người mai mối giới thiệu cho cô con gái “một” xinh đẹp ở trên bờ lộ Cồn, cũng tốt nghiệp Sư Phạm Mỹ Tho và hiện đang đi dạy ở quê nhà, trường Tiểu học Tân Mỹ Chánh. Năm lần, bảy lượt, Bà bảo tôi về xem mặt cho biết. Đến khi có phép về thăm nhà, tôi cùng với Nội lên nhà cô gái ấy ở bờ lộ Cồn. Thấy cũng hiền lành xinh đẹp, nhà chỉ có một cô con gái duy nhất nên thấy đúng là con cưng hết mực. Cả làng Tân Mỹ Chánh ai ai cũng khen ngợi.

Thật tình cũng không biết tại sao, tôi chưa có ý muốn lập gia đình nên nói với cả nhà là “con chưa muốn” Chỉ vậy thôi, mặc dù Mẹ bảo tôi là con trai lớn (anh cả) phải lập gia đình cho có nề nếp đàng hoàng để các em noi theo “đầu trót, đuôi mới lọt.

Thế rồi, đùng một cái, định mệnh khiến sui, trên một chuyến bay từ Kon Tum về Sài Gòn gặp bão nên bị trễ chuyến phải đáp khẩn cấp xuống Đà Lạt, rồi sau đó khi cơn bão nhẹ qua đi, phi cơ tiếp tục bay về Sài Gòn. Từ ân nghĩa giúp nhau trên phi cơ khi ói mửa, rồi qua quan hệ với gia đình cô gái, tôi lại cảm và thương thật tình. Cũng có thể vì gia đình cô cũng đông anh em và cô cũng lại là con lớn trong gia đình như tôi nên qua tiếp xúc chúng tôi có chung một mối đồng cảm, nhưng có lẽ hơn hết là chính tôi thấy thích và muốn lập gia đình với cô ấy. Chỉ có vậy thôi.

Đầu năm 1975 tôi đi công tác sẵn dịp về quê nghỉ phép có thưa chuyện cùng với gia đình Ba Má và Nội. Bà phán ngay là không được: “Trâu đồng nào ăn cỏ đồng đó”, người ngoài đó không quen thuộc với người trong nầy, còn lại nữa là sui gia Nội Ngoại ở xa xôi quá nên cũng không được mặn mòi, đi lại thăm viếng rất khó khăn, và cuối cùng là cô ta lại thuộc gia đình công giáo nên khó mà thờ cúng, giỗ chạp như người mình. Không được điểm nào cả. Cuối cùng Bà bảo “Con chuẩn bị lên bờ lộ Cồn lo cho xong việc cưới hỏi.”

Nhưng chỉ một, hai tháng sau là đến ngày 30 tháng 4. Mọi sự đều thay đổi. Tôi đi tù cải tạo, mãi cho tới năm thứ năm mà vẫn chưa về thì xem như việc lập gia đình chỉ còn là ảo tưởng. Mất tất cả, đến như mạng sống của chính mình mà còn không biết được có còn hay không nữa, huống hồ chi là những chuyện khác.

Đến năm 1983, mặc dù cô gái ngoài Kon Tum viết thư cho tôi nói rằng vẫn chờ tôi về. Nhưng cũng chưa biết chắc là tôi có về được hay không. Rồi có khi về với thực tế “thân tàn ma dại” có làm nên tích sự gì? Thất bại thấy rõ ngay trong tầm suy nghĩ nên cũng đành thôi không nghĩ tới nữa.

Gần 2 năm sau, thật may mắn, tôi vẫn còn sống sót trở về sau gần mười năm tù cải tạo và lên Kon Tum làm đám cưới với người con gái đã chờ đợi tôi về, Năm ẩy tôi 37 tuổi, cô dâu 29 tuổi vẫn hãy còn xuân …

Chẳng bao lâu sau đó, chúng tôi vượt biên nhưng không thoát nên bị bắt lại, tôi bị kết án tổ chức “đưa người vượt biên trái phép” nên vướng vào vòng lao lý gần ba năm cải tạo, nhà tôi bị giam hơn 6 tháng thì đươc thả cho về Cai Lậy, quê chồng, mở một sạp bán guốc dép độ nhật. Khi tôi được thả ra tù lần thứ hai thì cũng là lúc Ba tôi mất.

Hôm di quan về quê chôn cất ở làng Long Bình Điền, dân làng tụ tập ra xem rất đông, có một số đến gần để phụ giúp tang gia. Khi mọi việc xong xuôi trước khi giải tán, tôi chợt nhìn qua rặng trâm bầu ở xa xa gần bờ Rạch Chiếu, có bóng dáng của một thiếu nữ mặc chiếc áo bà ba đã ngã màu, quần lãnh đen đang đứng nép mình nhìn về phía tôi … Hồi lâu, tôi nhận ra đúng là con Yến, con bà chủ tiệm tạp hóa có bán dưa cải chua năm xưa, vẫn còn ở vậy cho đến nay, mẹ đã mất, nhà một thân một bóng. Tôi chỉ nghe nói vậy thôi, chứ không có tìm hiểu thêm.

Đó là lần sau hết tôi về quê Nội rồi sau đó đi sang Mỹ định cư, không biết còn có ngày nào trở lại nữa hay không. Mỗi con người, mỗi số phận đều do đấng Tạo Hóa sắp đặt và an bài, không ai biết trước được như thế nào, cho đến khi sự việc xảy ra, lành hay dữ cũng đành chịu vậy thôi. Long Bình Điền ơi! Nhớ lắm.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: