Vài hàng khai lộ:
Trong thời gian đi dậy học, tôi rất thường tâm tình với học sinh, sinh viên về văn chương thơ phú, đó là cái thú vui văn nghệ của tôi lúc nhàn rỗi. Một lần khi tôi đề cập đến những khó khăn, nghèo hèn trong cuộc sống của tôi trong quá khứ, một sinh viên đã hỏi tôi: “Nghèo đói có phải là một tội không?” Ngẫm nghĩ tí chút rồi tôi đọc vài câu trong bài “Hàn nho phong vị phú” của Nguyễn Công Trứ cho họ nghe:
Chém cha cái khó! Chém cha cái khó!
Khôn khéo mấy ai? Xấu xa một nó .
Lục cực bầy hàng sáu, rành rành kinh huấn chẳng sai (*)
Vạn tội lấy làm đầu, ấy ấy ngạn ngạn ngôn hẳn có.
Ghi chú: (*) Lục cực: Theo kinh thư thì 6 điều khổ nhất là: Chết non; ốm đau; lo phiền; nghèo nàn; bệnh tật và yếu nhược.
Đúng như vậy, với khoảng thời gian sống rất cơ cực từ khi chào đời cho đến hết tuổi thanh niên, tôi đã phải lăn lộn với đói nghèo và chiến tranh, đã cho tôi tin rằng mình đã hiểu rất kỹ ý nghĩa của chữ nghèo hèn trong xã hội. Còn nghèo hèn có phải là cái tội đúng nghĩa đen trong phạm vi hình sự hay không thì lại khác, còn tùy thuộc vào mỗi cá nhân. Có người thấm thía nỗi khổ đau, thua thiệt vì nghèo khổ mà lấy đó làm động lực vươn lên thoát nghèo trong khuôn thước luật lệ, trong phạm vi đạo đức… khi đó cái nghèo không phải là cái tội mà là một kích thích cho người ta dựa vào mà vươn lên, khi đó cái nghèo lại là điều tự hào khi chiến thắng nó. Trái lại vì nghèo túng mà buông xuôi, lấy gian trá, lừa gạt… để mong thoát nghèo thì nghèo đúng nghĩa là cái tội, con đường thoát nghèo theo hướng tiêu cực đó không sớm thì muộn cũng dẫn đến nhà tù hay khốn khổ vì lương tâm mà thôi.
Trong bài tạp bút này tôi không đề cập đến sự đói nghèo của tôi ở tuổi ấu thơ tại miền quê tỉnh Nam Định và tại Hà Nội trước khi di cư vào Nam, mà chỉ thu nhỏ “cái nghèo” vào lãnh vực ăn uống hàng ngày trong hai giai đoạn của cuộc đời tôi mà thôi.
Những món ăn đơn sơ, nhớ đời
(Để tưởng nhớ cô Lộc, anh chị Lương và người mẹ muôn đời kính yêu của tôi)
Sinh ra, lớn lên trong hoàn cảnh của đất nước, dân tộc vào thời tao loạn, tôi đã hưởng thụ gần như tất cả mùi vị của đói nghèo và nỗi khốn cùng của chiến tranh. Ngay lúc là thằng bé lên 4, 5 tuổi tôi đã chứng kiến cảnh Tây đen, Tây trắng về làng bắn giết, hiếp dâm dân làng. Những cảnh người cháy đen rên la vì bom napal, xác người thối rữa bên bờ ruộng, bập bềnh dưới dòng sông dọc theo những con đường khi gia đình tôi tản cư lánh nạn binh đao… Tất cả là những kinh hoàng đã in sâu vào ký ức trẻ thơ của tôi. Cuối cùng vì thời thế và hoàn cảnh đã đưa gia đình tôi lên Hà Nội. Rồi di cư vào Nam với đôi bàn tay trắng trong thân phận dốt nát của giới cùng đinh trong xã hội. Tóm lại ở miền Bắc hay miền Nam gia đình tôi vẫn là thành phần của đói nghèo, bất hạnh. Nhưng may mắn thay, trong hoàn cảnh cực nhọc, đói nghèo đó, nhờ lòng hy sinh to lớn của bố mẹ và cũng nhờ cố gắng của chính cá nhân tôi, tôi đã “vượt khó” vươn lên để có được một hậu vận tàm tạm tốt trong xã hội (dù hơi muộn màng).
Ngày nay tôi thực sự đã bước vào đoạn cuối cuộc đời, với tuổi gần 80. Đôi lúc ngoái nhìn lại quá khứ lại làm tôi thẫn thờ vì những diễn biến khó tin trong cuộc đời mình. Làm sao tôi có thể quên được những vết tích không đẹp và dĩ nhiên cũng có cả những vết tích hoan ca, mỹ miều mang đến cho tôi những niềm vui, hạnh phúc trong suốt cuộc đời có tí chút gió sương của tôi.
Trong đoản bút ký này tôi không muốn lái trí nhớ của tôi về hướng của buồn bã than van mà ngược lại tôi muốn viết về một vài hoài niệm đẹp đẽ, rất đơn sơ đã có trong cuộc đời tôi. Tôi sẽ dùng văn chương, chữ nghĩa để nói về những món ăn đầy ân tình của một người nào đó đã dành cho tôi, cho gia đình tôi, giúp chúng tôi thoát được những giây phút đói nghèo. Nó có thể là một bữa cơm, một món ăn, một tô cháo, một nồi canh… Những cái đó đã đến đúng lúc bụng chúng tôi đang đói cồn cào hay lúc chúng tôi thiếu thốn. Đó là những món ăn rất đơn sơ nhưng đã làm tôi nhớ mãi. Nhớ cái mùi vị tuyệt hảo của món ăn chứa đầy tình người tốt đẹp đã cho tôi, cho gia đình tôi khi đó. Viết ra đây như là một kỷ niệm cho chính tôi và cũng là những lời nhớ ơn rất chân thành dành cho những vị ân nhân về những món ăn “nhớ đời” khi chúng tôi đang trong cơn đói nghèo.
Nồi canh chua thập cẩm của cô Lộc
Gia đình tôi cũng như nhiều gia đình khác theo chủ nhân di cư vào Nam năm 1954. Rời Hà Nội, miền Bắc với hai bàn tay trắng, đến Sài Gòn, miền Nam cũng vẫn hai bàn tay trắng. Chúng tôi tiếp tục theo chủ nhân lên Đà Lạt làm rẫy, hoàn toàn không biết gì về những quyền lợi của mình trong chương trình di cư vì nó đã được ăn chặn rất bài bản! Chúng tôi trở lại Saigon sau khoảng gần 1 năm đổ mồ hôi, sức lực tại Đà Lạt. Thời gian đó, việc sinh sống của gia đình tất cả đều trông chờ vào tiền lương hàng tháng của bố tôi, người hạ sĩ nhất trong quân đội. Với đồng lương èo ọt phải nuôi gia đình nhiều miệng ăn lại phải lo chuyện học hành cho lũ anh em chúng tôi, đã thế mẹ tôi cứ bị ốm bệnh liên miên. Đúng là một gánh nặng, một thời túng nghèo của chúng tôi.
Thời gian đó, chúng tôi sống trong ngõ hẻm 116 Tô Hiến Thành, được gọi là Xóm Tre, cư dân phần lớn là lính tráng, du đãng và đĩ điếm. Tôi còn nhớ rất rõ ràng hàng ngày tôi vẫn phải ra tiệm tạp hoá ở trong ngõ để mua từng lon gạo, bát nước mắm về cho mẹ tôi nấu cơm. Những bữa cơm đơn sơ nghèo túng, lập đi lập lại hàng ngày với món rau muống luộc hay xào với nước mắm và muối, kèm theo vài ba con tép hay cá nhỏ kho mặn chát làm mồi cho bữa ăn. Hoạ hoằn vì một ngoại lệ nào đó, có thể vào ngày bố tôi lãnh lương hay mẹ tôi may mắn mua được một miếng thịt ba rọi, vài con tôm, con cá bị ế hàng trong buổi chợ chiều… Chúng tôi mới biết mùi vị của những món ăn đậm đà bổ dưỡng đó. Trong hoàn cảnh thiếu thốn như vậy, bố mẹ tôi đã giữ được việc học cho anh em chúng tôi, dù không được như những đứa trẻ khác, đã là một điều kỳ diệu rồi. Nói đến chuyện hàng ngày có nắm xôi, khúc bánh mì thịt ăn sáng hay có tí tiền đến trường ăn quà vặt như bạn bè với chúng tôi là chuyện cổ tích, không bao giờ có thật.
Tuy nhiên có một điều rất lạ kỳ, đến nay, dù thời gian đã mang biết bao nhiêu sướng khổ buồn vui qua đi trong đời nhưng nhiều khi ngoái nhìn lại những tháng năm khổ nghèo, thua thiệt đó, tôi vẫn không tìm được lời giải thích tại sao ngày đó, mỗi buổi sáng cắp sách đến trường với bụng đói. Nhìn bạn bè cùng lứa bu đầu vào những gánh hàng rong, ngửi được những món ăn thơm tho bốc khói từ những những chiếc xe “pò pía,” bánh cuốn nóng hổi… trước cổng trường, bên đường đi với với cảm giác thèm thuồng, ước mơ, nhưng tại sao tôi vẫn bình thản đi qua, coi sự kiện và cả mơ ước của mình như một lẽ tự nhiên. Tôi hoàn toàn không than van, không ganh ghét với bạn bè, cũng chẳng bao giờ xin xỏ hay chê trách bố mẹ mình? Rất có thể những thua thiệt đó, nó quá nhỏ bé so với những dấu tích kinh hoàng lúc tôi còn ấu thơ, ngày tôi còn ngoi ngóp ở quê nhà miền Bắc hay lê lết tại Hà Nội xa xưa đã giúp tôi nhìn nó như chuyện bình thường.
Tôi nhớ rõ, thời gian gia đình tôi còn ở xóm Tre, cô Lộc, một người cùng làng quê ở miền bắc với bố mẹ tôi đã mang đến cho gia đình tôi những nồi canh thập cẩm. Đến nay dù thời gian đã qua trên 60 năm, hình như tôi vẫn không quên được khẩu vị ngon ngọt của những nồi canh thập cẩm đó. Cô Lộc làm việc nấu nướng cho một gia đình khá giả, rất thường có bạn bè, khách khứa của các con cháu đến ăn uống. Cô thu gom tất cả những món ăn thừa dư hàng ngày của gia đình chủ nhân cũng như của khách, cho vào nồi rồi nấu sôi để cho những món ăn không bị hư hỏng. Cô cứ tích góp như vậy nhiều ngày thành một nồi khá to. Cô nêm nước mắm, gia vị, kèm với vài ba trái cà chua, vài cụm dưa muối cắt nhỏ hay bất cứ loại rau nào chữa ung thối, còn ăn được, cô cho vào nấu chung với mọi thứ đã có trong nồi. Kết quả là một nồi súp canh chua thập cẩm rất to nấu rất nhừ. Những miếng thịt heo, bò, gà, cá, tôm… kể cả xương đều được nấu đi nấu lại nhiều lần, chúng mềm nhũn tạo ra một món canh đủ mùi vị của tôm cá, thịt heo, thịt bò, thịt gà, rau dưa… rất ngon.
Cứ mỗi lần thu gom đồ ăn dư thừa, tạo ra một nồi canh chua thập cẩm như vậy cô Lộc lại nhắn tôi đến chở nồi canh về cho gia đình. Bất cứ khi nào nhận được tin nhắn đó, dù có bận bịu thế nào tôi cũng dẹp qua một bên, vội vàng đạp xe đến chở món ăn “ước mơ” đó về. Đúng như vậy , đó là một món ăn trong mơ của anh em chúng tôi. Nó quá ngon vì mùi vị từ những miếng cá, con tôm, miếng thịt dư thừa trong nồi canh tiết ra khi nấu nhừ. Cứ mỗi lần đến chở nồi canh về, mẹ tôi thường cho thêm tí nước mắm, vài loại rau kèm theo vài ba trái cà chua… Lại càng làm cho món ăn ngon hơn, nhiều hơn để cho chúng tôi ăn được hai, ba ngày. Cứ như vậy, vài ba ngày hay một tuần lễ, suốt trong khoảng 2 năm chúng tôi vẫn có những nồi canh chua thập cẩm từ những sản phẩm dư thừa tuyệt ngon và nhớ mãi đó.
Cho đến khi cô Lộc không còn đi làm nữa, trở về sống với gia đình người con trai cũng ở trong xóm Tre thì món ăn ngon ngọt đó không còn nữa. Cũng từ đó chúng tôi không còn có được những cảm giác vui mừng đạp xe đến gặp cô, rồi chở nồi canh chua thập cẩm về ăn nữa. Nhưng đến nay thời gian đã qua đi hơn 60 năm rồi, cô Lộc cũng đã ra người thiên cổ từ lâu. Bố mẹ tôi cũng vĩnh viễn rời xa nhân thế còn tôi đã là một ông già sắp chớm 80… Thời gian dù đã đi qua, tẩy rửa đi rất nhiều đẹp xấu, vui buồn nhưng làm sao tôi và những đứa em của tôi quên được cô Lộc. Quên được mùi vị đậm đà, ngon ngọt của nồi canh thập cẩm đủ mùi vị mà ở thời gian nghèo túng đó, nó luôn luôn là một món ăn rất ngon, nhớ mãi, không quên trong đời chúng tôi.
Anh Lương và những bát cơm
Gia đình tôi sống trong xóm Tre (116 Tô Hiến Thành) khoảng bảy năm trời, con xóm có quá nhiều tật ách đó nhưng ít hay nhiều nơi đó cũng ghi sâu vào ký ức tôi khá nhiều kỷ niệm buồn vui của những năm đầu tiên mà chúng tôi đặt chân lên đất miền Nam xa lạ. Chính nơi con xóm nghèo khổ đầy tật ách này tôi đã xong cấp tiểu học, tôi đã được giảng dậy bởi những vị thầy cô tài năng và đạo đức. Chính họ là những người đã khơi dòng chảy cho con sông tạm gọi là ngọt ngào trong sáng của cuộc đời tôi. Đúng như vậy, khi từ Đà lạt trở lại Sài Gòn, tôi bước vào lớp tư (lớp 2 ngày nay) trường tiểu học Chí Hoà. Đó cũng là lần đầu tiên trong đời tôi biết đến trường lớp và thầy cô. Chính nơi ngôi trường đầu đời này, dù là đứa trẻ nhem nhuốc với đất bùn nhưng tôi như một tờ giấy trắng. Tờ giấy đó đã được các thầy cô những người tôi mãi mãi kính yêu, thầy Hà Mai Anh, thầy Trần Hữu Linh và cô Nguyễn Thị Mỹ Linh. Họ đã viết lên tờ giấy trắng cuộc đời tôi những bài học về công dân giáo dục, về lịch sử địa lý, về văn hóa bình dân… Chính nhờ những bài học đó, ngày nay dù tôi đã tha phương kiếm sống gần 50 năm dài, tôi vẫn giữ được cái gốc của một con người Việt Nam đúng nghĩa. Một người Việt Nam rất bình thường, không có gì vượt trội trong nhân gian. Nhưng chắc chắn những bài học của họ đã cho tôi biết thế nào là một người công dân có ích trong xã hội, hiểu rõ ý nghĩa của hai chữ quốc gia, dân tộc và tôi không được phép phản bội nó.
Tôi đã rời bỏ xóm Tre khi chớm bước lên bậc trung học vài ba năm, để đến sinh sống tại con hẻm 521 đường Lê Văn Duyệt. Con hẻm này sát cạnh, chạy song song với đường Tô Hiến Thành nơi xóm Tre hiện diện. Căn nhà mới với khoảng 36 mét vuông, khá chật chội cho một gia đình 10 người. Đây cũng là xóm lao động nhưng nó không có quá nhiều tật ách, phức tạp kinh sợ như xóm Tre. Cũng chính nơi con xóm này gia đình tôi và cá nhân tôi đã khởi đầu một không khí mới tươi sáng và thành công hơn. Tôi đã hoàn tất chương trình trung học, rồi ngạo nghễ vượt kỳ thi tuyển vào phân khoa chuyên môn của cấp đại học. Tôi cũng đã biết tìm ra những con đường kiếm tiền phụ giúp cho cho bố mẹ trong vấn đề sinh nhai. Những đứa em của tôi cũng dựa theo làn sóng trước của tôi, người anh cả trong gia đình để vươn lên thoát ra khỏi bóng đen của cuộc sống đói nghèo.
Tuy nhiên khi mới đến xóm, không thể một sớm một chiều thay đổi được những khó khăn, nghèo khổ đã theo gia đình tôi ngay được. Những năm đầu tiên gia đình tôi vẫn phải nhận chịu những khổ cực, thiếu thốn, vẫn dựa dẫm vào đồng lương quân đội èo ọt của bố tôi. Tuy nhiên sức khoẻ của mẹ tôi đã dần dần khá hơn để rồi mấy năm sau mẹ tôi đã bước vào việc buôn bán chuối bên lề đường. Tôi đã kiếm được vài ba nơi dậy kèm. Tất cả những cái đó, tụ lại một cách đồng điệu đã là những bước thăng hoa dù bé nhỏ nhưng rất cần thiết cho cái nền căn bản để gia đình tôi vươn lên sau này.
Trong đoản văn này, tôi muốn viết về khoảng thời gian ba, bốn năm đầu tiên mới đến con hẻm này, khi đó gia đình tôi vẫn còn khá nhiều cực nhọc với sinh nhai. Khoảng thời gian đầu tiên đó tôi đã may mắn có được người hàng xóm rất tốt, sát cạnh nhà tôi. Đó là một tiệm tạp hoá to lớn nhất trong xóm, bán đủ mọi vật dụng, đồ ăn, thức uống, than gạo, dầu hoả… Chủ tiệm là một cụ ông khoảng 70 tuổi mà chúng tôi thường gọi là cụ Tiệm. Trên danh nghĩa cụ Tiệm là chủ cơ sở, nhưng thật ra mọi hoạt động thương mại, bán buôn đều do vợ chồng anh chị Lương, người con trai của cụ điều hành.
Anh Lương một người rất hiền hoà, tốt bụng có trình độ văn hoá cấp tú tài, tuổi khoảng trên 30. Chính vì vậy anh chị Lương xem anh em chúng tôi như những đứa em. Đặc biệt với tôi anh Lương có sự thân tình khá đặc biệt, có thể anh đã cảm thương khi nhìn thấy cuộc sống và học hành của tôi khá cực nhọc và thiếu thốn. Nhưng cũng có thể, đôi khi đứng bên ngoài, anh đã nhiều lần nhìn xuyên qua chiếc cửa sổ rất lớn của căn nhà tôi, thấy những bữa cơm quá đạm bạc, đơn sơ nghèo túng của gia đình tôi mà có chút mủi lòng. Nhất là thấy tôi, thằng con trai đang tuổi lớn, ăn không biết no mà hàng ngày vẫn phải quần quật giúp đỡ mẹ khuân vác những quầy chuối ra chợ cho mẹ bán.
Chính vì vậy rất nhiều lần khi thấy tôi đi học về hay lúc tôi đứng bâng quơ trước nhà, anh Lương giơ tay vời tôi lại gần rồi đưa vào tay tôi một tô cơm rất lớn. Lúc thì một hai trái trứng gà, trứng vịt kèm theo ba, bốn con tôm kho mặn. Lúc thì năm, sáu miếng thịt kho, cá kho ngon lành mầu đỏ ngậy trên tô cơm… Rồi nhìn tôi mỉm cười rất hiền hoà, anh nói:
-Chú ăn đi! Chắc đói lắm phải không?
Dĩ nhiên với tô cơm quá ước mơ đó làm sao mà tôi từ chối được? Chỉ với câu cám ơn ngắn ngủi, chẳng một tí ngại ngần tôi ăn tô cơm với tất cả niềm vui và ngon miệng. Anh Lương im lặng nhìn tôi ăn hết tô cơm với vẻ rất thích thú rồi cầm lấy cái tô trống trơn, sạch sẽ như lau trên tay tôi, anh mỉm cười hỏi tôi:
-Ngon không? Chú có muốn ăn thêm, tôi bảo bà Năm làm cho chú một tô nữa nhe?
Suốt nhiều năm, câu hỏi của anh Lương cứ lập đi lập lại như thế mỗi khi anh đưa tô cơm cho tôi ăn, rồi khi nhận lại cái tô trống không, sạch bóng! Còn tôi, khi đưa chiếc tô không cho anh, kèm theo câu cám ơn:
-Cám ơn anh, rất ngon! Em đã no rồi!
Những câu đối thoại đó cứ lập đi, lập lại như một điệp khúc trong nhiều năm. Tôi không biết câu trả lời của tôi đó có làm cho anh Lương tin đó là câu trả lời thực lòng của tôi không? Hay anh dư biết là tôi ngại ngần mà trả lời cho qua bởi vì tôi không dám lợi dụng lòng tốt của anh quá mức. Anh chỉ mỉm cười, cầm lấy cái bát mà không nói gì. Nhưng có lẽ anh không biết được một điều rất thật, đó là tôi đã không có can đảm hay trơ mặt ra để nói với anh rằng:
-Anh Lương ơi, với tô cơm mơ ước của anh vừa cho em. Nó to, nó lớn thật! Nhưng có lẽ với thằng con trai đang sức lớn như em thì có thêm một hay hai tô nữa vẫn chẳng có gì khó khăn để em cho nó vào cái bao tử gần như lúc nào cũng trống rỗng, làm reo của em! Em không muốn trả lời anh thật lòng bởi vì ngượng ngùng không muốn lợi dụng lòng tốt của anh quá mức, đó mà thôi!
Gia đình tôi sống trong xóm 521 Lê văn Duyệt đó được khoảng 10 năm, đó là khoảng thời gian tôi trưởng thành, khôn lớn và đứng dậy vươn lên một cách ngạo nghễ của đời tôi. Gia đình tôi càng lúc càng vững trãi về mọi lãnh vực. Với thực tài trong chuyên môn, cũng chính trong con xóm đó, tôi đã được hai người quen biết khá giả tin tưởng, giúp đỡ và hùn vốn với tôi để xây dựng một trại chăn nuôi heo nhỏ tại quận Bà Quẹo. Đó cũng là bước thang rất chắc chắn để tôi kéo tất cả gia đình tôi tại Việt Nam đứng dậy. Những thành quả đó đến nay dù thời gian đã hơn 50 năm qua nhưng dấu tích của nó vẫn là cái nền vững chắc cho sự an định vươn lên của những đứa em của tôi. Dù con đường an định, vươn lên đó đã dẫn tôi theo một hướng khác không có gì liên hệ đến cái gốc khởi đầu của nghề chăn nuôi nữa.
Hôm nay trong cái không gian lạnh lẽo buồn tẻ chốn tha hương, tôi viết đoản văn này nói đến những tô cơm của anh Lương như để thêm một lần nữa cám ơn lòng tốt của anh và gia đình đã dành cho tôi những ân tình mà tôi luôn nhớ mãi. Đoản văn này cũng để tôi tưởng nhớ đặc biệt như một nén hương thơm dành cho linh hồn anh Lương, người anh tinh thần mà tôi mãi mãi kính trọng, mến thương khi vừa biết tin anh đã ra người thiên cổ năm vừa qua.
Nồi xí quách mỗi chiều chủ nhật
Thời gian sống tại xóm Tre, lúc học tại trường tiểu học Chí Hoà, tôi quen biết Thịnh, người bạn cùng lớp. Chúng tôi không thân nhau lắm, quen nhau chỉ vì sống gần nhau, hàng ngày gặp nhau trên đường đến trường mà thôi. Gia đình Thịnh khá giàu, chủ một tiệm phở thuộc hàng lớn nhất trên đường Tô Hiến Thành, rất gần với Đơn Vị Quản Trị của VNCH thời đó. Hàng ngày trên đường về học, thỉnh thoảng tôi và Thịnh cùng đi với nhau, đùa giỡn dọc đường. Khi đến đầu xóm Tre chúng tôi tách ra ai về nhà nấy, hiếm khi chúng tôi hẹn hò hay đến tận nhà rủ nhau đi chơi nên bố mẹ hai gia đình cũng chẳng biết gì về sự quen biết của chúng tôi.
Một hôm, vào buổi tan học trên đường về nhà lúc gần trưa ngày thứ sáu trong tuần, thay vì chia tay nhau ở đầu ngõ xóm Tre. Thịnh lại rủ tôi đến nhà để cho tôi xem một vài món đồ chơi mà Thịnh vừa được ông bà nội từ Vĩnh Long gửi cho. Tôi theo Thịnh đến quán phở, lúc đó chỉ có vài ba người khách. Bố của Thịnh đang loay hoay nhúng bánh phở cho khách, mẹ của Thịnh ngồi gần đó đang bận bịu với mấy rổ giá sống và rau gia vị. Khi tôi và Thịnh bước vào tiệm, mẹ của Thịnh ngước nhìn chúng tôi, như có chút ngạc nhiên khi thấy thằng con dẫn bạn đến chơi, đứa bạn mà bà chưa bao giờ gặp. Nhìn con trai bà nói:
-Thịnh, đã về học rồi sao? Lại còn dẫn bạn đến chơi hả?
Tôi nói vài lời chào bố mẹ Thịnh rồi tôi im lặng đứng chờ ở cửa quán như lời Thịnh dặn trước khi Thịnh vội vàng trả lời mẹ vài ba câu rồi ôm cặp sách chạy lên chiếc cầu thang phía sau cùng của quán. Thịnh lên tầng lầu mang xuống một túi đồ chơi, đổ lên trên chiếc bàn khá lớn trong cùng của quán rồi vẫy tay gọi tôi vào cùng chơi. Chúng tôi cười đùa, cùng chơi với nhau được một lúc thì bố của Thịnh bê ra một cái chậu nhỏ bằng thiếc, đầy những khúc xương nấu phở đủ loại. Những khúc xương chân bò to lớn như bắp tay mầu trắng bệch, những khúc xương heo, xương gà, nhỏ hơn mầu xám tối vẫn còn dính đầy thịt… Ông để tô xương cùng với 2 cái đĩa khá lớn, 2 đôi đũa trên một cái bàn khác nhỏ hơn sát cạnh chiếc bàn to mà chúng tôi đang mầy mò những món đồ chơi. Đưa mắt nhìn chúng tôi ông nói:
-Dẹp đồ chơi đi ! Hai đứa ăn tô xí quách này rồi hãy chơi!
Thế là may mắn đến với tôi. Đó là lần đầu tiên tôi đã có một bữa ăn vượt ra khỏi ước mơ trong cuộc đời trẻ thơ của tôi. Trong quá khứ nếu có một may mắn nào đó, bố mẹ tôi mới dám gọi chủ tiệm mang ra cho chúng tôi một đĩa xí quách với vài ba miếng xương chỉ có tí chút thịt hay gân, sụn ở đầu xương. Nhưng lần này, bố của Thịnh mang ra một cái chậu to gấp ba, bốn lần tô ăn phở với những khúc xương đủ loại, bốc khói và dính đầy thịt… làm sao mà tôi không ngẩn ngơ, mừng rỡ khi nhìn thấy món ăn khoái khẩu, mơ ước này được?!
Bố mẹ của Thịnh im lặng nhìn tôi ăn, tôi gặm, tôi mút những khúc xương với tất cả đê mê hiện rõ trên khuôn mặt, ánh mắt của tôi. Ngược lại Thịnh ăn rất chậm rãi, có tí chút uể oải, hoàn toàn không có chút cảm giác gì ham thích món ăn mà bố mang đến. Đã thế Thịnh còn lấy đũa đẩy những khúc xương to lớn, đầy thịt cho tôi nữa. Có lẽ nhìn thấy rõ sự ham thích quá mức của tôi với chậu xí quách, bố mẹ Thịnh tò mò hỏi rất nhiều về gia cảnh của tôi. Chẳng có gì phải giấu giếm, tôi trả lời rất rành mạch, rõ ràng về công việc của bố mẹ cũng như về tình trạng thiếu thốn của gia đình cho hai người nghe. Có lẽ thông hiểu được lý do tại sao tôi rất vui mừng với món ăn của ông cho, ông mỉm cười nhìn tôi và nói:
-Về nói với bố mẹ mày, cứ vào khoảng 3 hay 4 giờ chiều ngày chủ nhật, mày xách một cái sô ra đây tao bán rẻ xí quách cho. Những ngày khác thì không được vì khách mua nhiều, không có để bán. Ngày chủ nhật, các trại lính quanh đây nghỉ làm việc, ít người ăn nên còn dư nhiều, tao sẽ bán rẻ cho mày. Tuy nhiên không phải lúc nào cũng có nhiều, có khi còn nhiều nhưng cũng có khi hết sạch. Về giá cả thì bố mẹ mày khỏi lo, chỉ khoảng 3 hay 4 đồng như giá một tô phở là được.
Tôi chưa kịp trả lời thì ông nói tiếp:
-Hôm nay là thứ sáu, ngày mốt là chủ nhật, mày mang sô ra đây. Tao sẽ bán cho mày một sô mang về cho cả nhà ăn bữa tối.
Mừng rỡ, nói vài lời cám ơn ông rồi tôi hứa chắc chắn sẽ đến mua xí quách vào chiều chủ nhật sắp tới. Đúng như bố của Thịnh dặn, khoảng 3 giờ chiều chủ nhật, tôi mang cái xô nhựa có quai ra tiệm phở. Bố Thịnh nhìn tôi mỉm cười, không nói gì ông vớt từ nồi nước lèo ra những miếng xí quách to tổ chảng cho vào cái số của tôi. Không những thế ông còn đổ thêm vào một vài muỗng nước phở và một ít hành ngò cắt nhỏ rồi đậy nắp sô đưa cho tôi. Nhận chiếc xô xí quách, tôi đưa cho ông tờ giấy 5 đồng, chẳng nói gì ông mở ngăn kéo bàn, trả lại tôi 2 đồng và nói:
-Tao chỉ lấy 3 đồng mà thôi, đúng giá một tô phở. Nếu thích thì chủ nhật sau cứ đến đây nhe!
Thế là tối hôm đó, gia đình tôi đã có một bữa cơm tối thịnh soạn. Không phải chỉ nhờ những khúc xương xí quách đậm đà, dính rất nhiều thịt mà mỗi người chúng tôi còn được ăn thêm một bát bún khá to do mẹ tôi biến chế từ nước phở với cà chua, rau húng, hành tây xắt nhỏ mà ra.
Rồi cứ như lời ông bố của Thịnh dặn, gần như chiều chủ nhật nào tôi cũng mang xô ra mua xí quách của ông. Tuy nhiên không phải lần nào ra cũng có, hôm nào có nhiều thì ông lấy 3 hay 4 đồng, hôm có ít thì ông lấy 2, 3 đồng, nếu quá ít thì ông cho không. Cứ như vậy, được khoảng 2 năm trời, nhờ ông mà gia đình chúng tôi có được niềm vui ăn uống vào mỗi cuối tuần. Cho đến khi tôi và Thịnh hoàn tất xong bằng tiểu học. Tôi may mắn đậu vào đệ thất Chu Văn An, Thịnh hình như theo một người bạn khác thi vào trường Nguyễn Trãi nhưng cả hai đều trượt. Thịnh và người bạn cùng ghi tên học trường trung học tư thục Nguyễn Khuyến gần với toà đại sứ Miên trên đường Lê Văn Duyệt.
Từ đó, vì học khác trường nên chúng tôi không còn gần gũi và cũng rất hiếm khi gặp nhau như xưa nữa. Có lẽ thầy Thịnh không còn gắn bó với tôi như trước, việc mua bán xí quách của tôi và gia đình Thịnh hình như đã có phần nhạt tình thân hơn trước. Tôi cũng vậy, đã có phần ngại ngần khi xách xô đi mua, thấy người bán không còn vồn vã với mình nữa. Đã thế bố mẹ Thịnh cũng không còn rộng rãi khi bán xí quách cho tôi nữa. Việc xách xô đi mua xí quách của tôi cũng lơi dần, tôi cũng không biết chính xác từ lúc nào nó chấm dứt. Tiếp theo khoảng vài ba năm sau đó, khi gia đình tôi dọn nhà sang xóm 521 Lê Văn Duyệt thì chuyện mua xí quách và cả việc liên hệ, chơi đùa với Thịnh hoàn toàn đi vào lãng quên.
Nhưng vào khoảng sáu hay bảy năm sau khi gia đình tôi chuyển nhà đến xóm 521 Lê Văn Duyệt. Một hôm tôi có việc phải sang xóm Tre thăm họ hàng, bất chợt tôi gặp Thịnh ngay tại đầu con ngõ với khá nhiều ngạc nhiên. Trong bộ quần áo binh chủng nhẩy dù, Thịnh hiện ra trước mặt tôi với vẻ cứng cáp, oai phong của một người lính chiến chuyên nghiệp đượm đầy gió sương. Chúng tôi tay bắt, mặt mừng với những câu hỏi han, tò mò muốn biết về cuộc sống của nhau. Qua một lúc nói chuyện tôi mới biết, khi xong văn bằng trung học đệ nhất cấp, Thịnh học tiếp lên bậc tú tài, nhưng qua 2 lần thi, Thịnh không xong bằng tú tài bán phần. Đúng tuổi quân dịch nên phải nhập ngũ vào khoá hạ sĩ quan Đồng Đế tại Nha Trang. Ra trường với cấp bậc trung sĩ, Thịnh đầu quân vào binh chủng Nhẩy Dù. Khi biết tôi đang là sinh viên đại học, vẫn đang tiếp tục tiến xa hơn trong con đường học vấn, Thịnh có chút buồn buồn, đưa tay vỗ nhẹ vai tôi, Thịnh nói:
-Mày giỏi thật! Nhà nghèo mà học hành như vậy thật đáng nể!
Buông tiếng thở dài ra vẻ chán nản, không vui, Thịnh nói tiếp:
-Như tao đây, có tất cả nhưng chỉ vì ham chơi, đua đòi với chúng bạn nên việc học hành cũng chẳng ra làm sao! Đến khi bắt buộc phải ra đời, nhìn thấy mình thua kém bạn bè mới thấy mình quá dại khờ, lúc đó hối hận cũng đã muộn rồi!
Đó là lần tôi gặp Thịnh lần cuối rồi chẳng bao giờ gặp lại nhau nữa dù nhiều năm sau đó khi tôi tốt nghiệp đại học xong rồi đi làm việc tại Cần Thơ… vài ba lần khi về Sài Gòn. Tôi đến thăm họ hàng tại xóm Tre rồi đi lang thang trên khúc cuối đường Tô Hiến Thành nơi có tiệm phở của gia đình Thịnh. Tôi không thấy tiệm phở của gia đình Thịnh nữa thay vào đó là một tiệm may quần áo Âu Phục. Vài ba người bên cạnh, cho biết gia đình Thịnh đã bán tiệm phở từ lâu để trở về quê nội tại Vĩnh long sinh sống. Với cảm giác buồn nhè nhẹ khi nhớ đến Thịnh, tôi tự hỏi chẳng biết Thịnh và gia đình hiện giờ ra sao? Nhưng mỗi khi nhớ về họ, tôi có cảm giác nhớ đến mùi thơm, vị ngon ngọt của những sô xí quách của bố mẹ Thịnh bán cho tôi, nó vẫn mãi mãi hiện ra trong trí nhớ và cả trong khẩu giác của tôi.
Đúng như vậy, thế nào thì đó cũng là một “di tích“ của quãng thời gian túng nghèo của gia đình tôi, làm sao mà tôi quên được ?! Mùi thơm, vị mặn mà của món xí quách đó luôn luôn nhắc tôi rằng, đời tôi đã đi qua một giai đoạn đói nghèo, đói ăn. Tôi hãy giữ lấy cảm giác đó như là một dấu tích mà tôi không bao giờ được phép quên nó. Đó là những cái thua thiệt đáng nhớ của mình. Tôi phải nhớ nó để cảm thông và nếu cần giúp đỡ cho những người nghèo khó giống như tôi xa xưa.
Những bữa cơm ân tình
(Để tưởng nhớ Dũng, bác Bẩy, bác Quang, mẹ của Đắc, anh chị Tư và Sáu)
Ngồi trong nhà một mình, đưa mắt nhìn qua khung cửa sổ, bâng quơ dõi theo những lọn tuyết lất phất bay bay trong gió lạnh. Trí nhớ kéo tôi về với những năm tháng xa xưa, thời gian tôi còn sống và học ở Việt Nam. Ngày đó dù đã chuẩn bị rời bỏ cấp trung học để bước vào ngưỡng cửa đại học, nhưng tôi vẫn nghèo quá! Chẳng bao giờ có đủ tiền để chi dụng cho chính mình một bữa ăn thịnh soạn, mắc tiền tại các nhà hàng sang trọng mà tôi vẫn từng ước mơ. Nhưng rồi người bạn “Thời Gian“ rất thân thiết nhưng rất tàn ác và lạnh lùng đó đã đẩy tôi đứng lên.
Bắt tôi phải tìm cách thoát nghèo bằng những cố gắng, kiên trì của mình. Rồi cũng chính nhờ người bạn thời gian chân tình dễ mến đó cũng mang cho tôi những dịp may để tôi đã có được những điều kiện làm đầy nhưng ước mơ của tôi trong cuộc sống.
Đúng như vậy, đã bao lần trong nhiều chục năm qua, sau khi vượt được những nghịch cảnh trong cuộc đời. Nhờ thời thế đổi thay cùng với những may mắn đã đưa tôi ra hải ngoại định cư, làm việc sinh nhai. Trong những tháng năm tha phương kiếm sống đó, tôi đã nhiều lần được ngồi cùng bàn ăn với những người có chức vị, giầu sang trong xã hội nơi tôi định cư. Tôi cũng đã bao lần hưởng thụ những bữa tiệc đầy ắp những món ăn vương giả tại những nhà hàng sang trọng. Những món ăn đó được cung ứng bởi những người phục vụ và đầu bếp chuyên nghiệp tại những nơi tôi sinh sống, làm việc hay trong các lần công tác. Nhưng lạ kỳ thay, ngồi trước những mâm cơm, bữa tiệc đắt tiền như vậy, tôi vẫn không quên được mùi vị đê mê của những bữa cơm xa xưa, thời gian mà tôi còn nghèo túng. Những bữa cơm rất đơn sơ, rất tầm thường khi tôi còn ở tuổi cắp sách đến trường tại Việt Nam. Ngày nay khi hồi nhớ lại, tôi có cảm tưởng những bữa cơm nghèo khó đó đã được tôi thưởng thức không phải chỉ bằng khẩu vị, bằng ánh mắt nhìn thèm muốn từ món ăn mà còn cả bằng những ước mơ trong lòng tôi lúc ăn món ăn đó thì phải?
Đúng như vậy, hôm nay ngồi trong căn phòng ấm cúng dõi mắt qua khung cửa sổ ngắm tuyết rơi trong tâm trạng hoài nhớ về quá khứ của đời mình. Tôi lại muốn dành tí chút khả năng viết lách của mình để viết về vài món ăn hay những bữa cơm tuyệt vời, quá ngon mà tôi đã có được khi còn trẻ, thời gian tôi còn sống tại Việt Nam. Những món ăn mà không bao giờ quên đó. Viết ra đây cho chính cá nhân tôi thêm một lần nữa được sống lại với những vị ngon ngọt của những món ăn đơn sơ, đáng nhớ đó. Nhưng cũng để kỷ niệm, tưởng nhớ đến những người đã có công nấu những món ăn đó cho tôi và để tôi nhớ mãi mùi vị những món ăn đó suốt trong đời.
Những đĩa cơm trong phi trường Tân Sơn Nhất
Tôi và Dũng cùng học với nhau từ lớp đệ thất 7P tại trường Chu Văn An Sài Gòn. Nhưng mãi đến năm đệ tam khi gia đình Dũng dọn nhà đến đường Tô Hiến Thành, rất gần nhà tôi (khi đó tôi đã sống trong xóm 521 Lê Văn Duyệt ), chúng tôi mới thật sự thân thiết với nhau. Tình thân của chúng tôi đạt đến mức mà ít người tưởng tượng ra được. Tình thân thiết đó, anh chị em , bố mẹ của Dũng cũng như các em và bố mẹ tôi…. mọi người đều chứng kiến và biết rất rõ. Chúng tôi cùng đi học với nhau, cùng chia sẻ tiền bạc cho nhau ăn quà, nước uống… (dĩ nhiên phần rất lớn từ Dũng vì tôi nghèo hơn). Ngay cả việc hai đứa chúng tôi, nhiều năm trời đã thay nhau chở một cô bạn gái đi du lịch bụi đó đây, lê la quán cóc vào những ngày nghỉ cuối tuần, lúc chúng tôi còn là học sinh đệ nhị cấp tại trường CVA. Thời gian đó, mỗi buổi tối chúng tôi mang sách vở đến thư viện Đắc Lộ học hành, đúng 10 giờ khuya khi thử việc đóng cửa, chúng tôi lại rủ nhau lên trung tâm Sài Gòn tìm mối chở các cô gái bán bar Mỹ kiếm tiền cho cà phê, quán nhậu…
Tôi và Dũng bản tính có rất nhiều điều khác nhau. Dũng rộng rãi, dễ tha thứ, cảm thông với lỗi lầm của người khác khi thấy họ thua kém mình, cá tính của Dũng đúng nghĩa một người phóng khoáng, anh hùng. Về vóc dáng, Dũng là một thanh niên rất đẹp trai cao lớn… Còn tôi thì ngược lại, cá tính có phần tính suy hơn thiệt, chắt chiu, cố chấp, dáng hình xấu trai, lại thêm con nhà nghèo, thua thiệt về mọi lãnh vực trong xã hội. Tuy nhiên không biết vì lý do nào mà chúng tôi rất gần gũi, cảm thông nhau, chơi đùa với nhau rất hoà thuận. Chúng tôi rất thường tâm sự, kể lể cho nhau nghe tất cả những vui buồn, xấu đẹp của chính cá nhân, gia đình và cả họ hàng của mình cho nhau nghe. Chúng tôi cũng không ngại ngần, tỏ bầy sự tự hào về tình thân của hai chúng tôi với nhiều bạn bè, người thân trong gia đình của nhau.
Mẹ của Dũng, bác Bẩy gái, một người phụ nữ dưới mắt tôi là một bà mẹ tuyệt vời về mọi mặt. Dáng dấp phúc hậu, sang trọng, trí thức, tánh tình hoà nhã, lời nói êm nhẹ với mọi người kể cả các con và bạn bè của các con. Tóm lại bà không có một điểm nào, dù nhỏ nhặt để gọi là khiếm khuyết. Riêng đối với cá nhân tôi, bác Bẩy luôn luôn dành cho tôi những tình cảm rất đặc biệt. Bác coi tôi như Dũng, người con trai thứ hai của bác, đứa con trai bác rất thương yêu nhưng yểu mệnh. Người bạn thân thiết nhất của tôi , không bao giờ tôi quên được đã vĩnh viễn ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ đã để lại trong ký ức của tôi với rất nhiều kỷ niệm đẹp mà tôi nhớ suốt đời.
Cho đến ngày nay, với tuổi đời xấp xỉ 80, cuộc sống của tôi đã có chút từng trải trong xã hội. Tôi đã tham dự biết bao nhiêu tiệc tùng, họp bạn ăn uống lớn nhỏ, thân sơ nhưng tôi chưa bao giờ say rượu dù chỉ một lần. Tôi chưa bao giờ say đến mức chân đi không vững, la hét, nói cười như kẻ khùng điên. Nhưng chỉ có một lần, một lần duy nhất trong đời tôi, tôi đã say rượu! Một tên say rượu đúng nghĩa khi được tin người bạn thân thiết nhất của tôi đã ra đi vĩnh viễn vào năm 1969 tại chiến trường tỉnh Chương Thiện. Khi đó tôi chuẩn bị xong đại học.
Tôi còn nhớ khi Dũng chưa nhập ngũ, lúc đó tôi đang học năm thứ 2 đại học. Thời gian học của tôi tại giảng đường rất vi vu. Lúc có lúc không, khi giáo sư bận họp hay vì lý do nào đó mà các thầy không đến được, sinh viên lại phải nghỉ học. Trong trường hợp đó, tôi thường bê sách vở đến thư viện Đắc Lộ tại đường Yên Đổ để học bài, ôn thi cho đến tối khuya, khi thư viện đóng cửa mới về nhà. Ngày thường thì như thế, cuối tuần, tôi luôn luôn đến thư viện ngay từ sáng sớm, khi thư viện mới mở cửa để học bài lý do nhà tôi quá chật chội, không có chỗ để học. Thư viện lại là nơi có không khí học hành tốt hơn. Dũng cũng theo tôi đến đó, chính vì vậy gần như hàng ngày chúng tôi đều gặp nhau. Thời gian đó bác Bẩy, mẹ của Dũng và bác Quang em dâu của bác Bẩy (anh chị em Dũng gọi là mợ Quang) cùng kinh doanh một nhà hàng ăn ở trong khu vực cổng sau của phi trường Tân Sơn Nhất, nơi phi trường thông ra quận Gò Vấp.
Rất nhiều lần thấy tôi đến thư viện miệt mài học, Dũng biết vào buổi trưa hay chiều tối, vì nghèo túng nên tôi thường chỉ ăn qua loa một khúc bánh mì hay đĩa cơm tấm nhỏ bé rẻ tiền cho qua bữa… Nên cứ vào khoảng sau 2, 3 giờ chiều, hay 7, 8 giờ tối, Dũng thường rủ tôi đến quán ăn của mẹ Dũng vì thời khắc đó, quán ăn thường ít khách vì đã quá giờ cơm trưa hay tối. Có lẽ hai bà bác tốt bụng dư hiểu tâm ý của Dũng và cũng hiểu hoàn cảnh đói nghèo của tôi, nên hai bà thường cung ứng cho tôi những bữa cơm rất thịnh soạn. Hai bà bác thường chẳng để cho tôi chọn món ăn vì biết rất rõ, với tôi thì món ăn nào cũng ngon. Các bà thường mang cho tôi những món ăn rất đặc biệt, mắc giá trong lồng thức ăn của quán. Những miếng sườn nướng thơm tho, bóng ngậy to như bàn tay. Những con cá, đĩa tôm kho nước tương chỉ nhìn thấy đã đủ làm tôi chảy nước miếng. Những đĩa rau cải xào thịt bò, tô canh thịt bằm đủ loại, dĩ nhiên cũng có chai nước ngọt cùng với ly kem lạnh hay một vài trái chuối, miếng đu đủ tráng miệng….
Với những bữa cơm thịnh soạn như vậy, đối với tôi ngày đó, nó vẫn là một bữa cơm trong mơ, ngoài khả năng tài chánh của tôi và của gia đình tôi. Dù lúc đó gia đình tôi đã tàm tạm khá hơn xưa, anh em chúng tôi không còn phải nhai đi, nhai lại những món ăn mà mẹ tôi biến chế từ rau muống, đọt rau lang. Hàng ngày tôi cũng không còn phải mang bát đi mua từng muỗng nước mắm như trước nữa.
Dù tôi biết tình bạn với Dũng rất thân thiết, cũng như hai bà bác đều thông hiểu cho hoàn cảnh thiếu thốn của tôi, mọi người không bao giờ tính toán mà còn rất vui mùng mỗi khi thấy tôi và Dũng đến quán ăn cơm. Nhưng ngày đó tôi đã bước vào tuổi hai mươi, lứa tuổi chưa được coi là già dặn, nhưng ít ra tôi cũng biết ý nghĩa của hai chữ tự trọng để hiểu là mình không nên bước qua giới hạn của tình thân. Chính vì vậy, tôi đã khéo léo trải bầy cảm giác ngượng ngùng của tôi cho người bạn thân thiết tốt bụng đó hiểu. Mong người bạn giúp tôi không phải ngượng ngập khi đến nhà của bạn trong cảm giác tự ti của một người ăn chực. Hình như Dũng cảm thông với suy nghĩ của tôi nên sau đó Dũng đã không dẫn tôi đến quán nhiều như trước nữa. Chỉ những khi ngoại lệ nào đó, chúng tôi mới đến quán ăn cơm hay đến nhà Dũng hay nhà bác Quang ăn cơm khi có lời mời trước mà thôi. Đến quán thì đủ những món ăn trong lồng tủ của quán. Đến nhà thì món ăn lại khác, khi thì chả giò, khi thì bún thịt nướng,… Cũng lại toàn là những món ăn trong tưởng tượng, mơ ước của tôi trong xã hội ngày đó. Những món ăn tại gia đình, lại được hai bác chuẩn bị tỉ mỉ hơn không những ngon mà còn tràn đầy tình nghĩa thân thương của những người mà tôi mãi mãi không bao giờ quên!
Hôm nay trong cái không gian lạnh lẽo giữa đông của Thuỵ Sĩ, ngoái nhìn lại chính mình, tôi thực sự đã là một ông già chớm tuổi 80. Người bạn cùng lớp thân thiết nhất đời tôi và cả hai bà bác kính yêu, bác Bẩy, bác Quang, tất cả họ đã vĩnh biệt nhân gian lâu lắm rồi. Còn tôi thì vẫn phải đối diện với phong trần gió bão để sống cho trọn kiếp nhân sinh của mình. Nếu có những phút giây thư thả mà hoài nhớ đến những kỷ niệm về người bạn thân, về hai bà bác tốt bụng xa xưa thì cũng như tôi lại có thêm một lần để nói lời cám ơn và tưởng nhớ của tôi đến họ mà thôi. Trong cái không gian lạnh lẽo giữ đông hôm nay, tôi gọt giũa ngôn từ mà viết ra đoạn tạp bút này. Tôi muốn kể lể với mọi người đọc, với các anh chị, họ hàng của Dũng rằng dù thời gian đã qua đi trên 50 năm rồi. Nhưng tôi vẫn còn nhớ rất kỹ mùi vị của những món ăn và cả tình thân thương mà tôi đã được Dũng và hai bác, bác Bẩy, bác Quang cho tôi ăn ngày xưa.
Căn cứ Mỹ, Long Bình và những thức ăn dư thừa
Vào những năm cuối đại học, chúng tôi rất thường phải đến các trại chăn nuôi gia súc, phòng thí nghiệm, cơ sở khảo cứu thú y, viện vi trùng… trong thành phố Sài Gòn hay các tỉnh lỵ trong nước để thực tập về chuyên môn. Một trong các trại chăn nuôi to lớn nhất Việt Nam thời đó là trại chăn nuôi heo Phước Long, gần căn cứ Mỹ Long Bình. Chủ cơ sở này là bà thứ thiếp của cựu trung tướng Nguyễn Ngọc Lễ, trực tiếp điều hành bởi cô Hai (con gái lớn của bà cả Lễ?). Chúng tôi thường đến đó thực tập là vì bác sĩ thú y Nguyễn văn Tư, cựu viện trưởng viện vi trùng học Việt Nam, là giáo sư của môn chăn nuôi heo của chúng tôi và cũng là chuyên viên kỹ thuật, bệnh lý cho trại.
Trại chăn nuôi khá xa Sài Gòn cho nên chúng tôi thường đến đó học hỏi và làm việc từ buổi sáng cho đến chiều tối mới trở về. Gặp những ngày vì công việc nhiều hay vì lý do nào đó vài ba người chúng tôi thỉnh thoảng cũng ở lại qua đêm. Trong trường hợp ở lại thì chúng tôi có một căn phòng nhỏ khá gọn ghẽ trong dãy nhà chính để ngủ nghỉ. Một lần vì chiếc xe suzuki bạc rạc của tôi làm reo vả lại hôm sau cũng phải lên trại làm việc nên tôi đã xin ngủ lại trại. Trong trại có một thanh niên tên Sáu, khoảng 20 tuổi, là một thanh niên rất dễ mến, dễ thân cận và cởi mở. Anh ta là người theo bác sĩ Tư để xách dụng cụ, thuốc men hay phụ giúp bác sĩ Tư trong công việc chữa bệnh cho heo. Bác sĩ Tư và tất cả chúng tôi, những sinh viên đến trại thực tập cũng như mọi nhân viên của trại đều rất mến anh ta.
Ngày hôm đó, ở lại trại chăn nuôi nhưng tôi đã không ngủ đêm tại căn phòng trong khu nhà chính của trại. Vì mến tánh cởi mở cũng như lời mời của Sáu, tôi đến ngủ với anh ta tại một ngăn chuồng nuôi heo để không, diện tích khoảng 9 mét vuông. Chuồng được che khá kín bởi vài tấm ván ép và giấy các tông. Giường ngủ là những tấm ván ghép sát vào nhau được trải chiếu đơn sơ, kê trên những viên gạch xi măng… có thể nói nơi ngủ của chúng tôi như một căn phòng nhỏ ở khu cuối của trại. Cũng ở sát với ô chuồng ngủ của Sáu là một ô chuồng ngủ khác rộng hơn gấp 3 lần ô chuồng của Sáu. Ô này cũng có kiểu giường chiếu như vậy nhưng to rộng hơn. Sát góc ô chuồng này có một cái tủ nhỏ đựng bát đĩa, đũa muỗng… và một cái bếp nấu ăn bằng dầu hôi. Nhìn thoáng qua, ô chuồng này như một căn nhà nhỏ.
Sau một lúc nói chuyện, tôi mới biết ô chuồng ngủ rộng rãi này là của vợ chồng anh Tư và đứa con trai 3 tuổi. Anh Tư là anh ruột của Sáu, họ đều là nông dân từ miền Trung vì hoàn cảnh mà phải trôi dạt vào Sài Gòn kiếm sống. Vợ chồng anh Tư đã làm việc cho trại chăn nuôi từ 10 năm trước, nhờ anh Tư giới thiệu với cô Hai nên Sáu mới có dịp vào làm việc cho trại khoảng 4, 5 năm trước. Sáu cũng cho tôi biết, trong trại chăn nuôi có khoảng 40 người công nhân nam nữ. Trong đó trên một nửa là đàn ông kể cả anh em của Sáu đều là những người trốn quân dịch dưới mọi dạng thức khác nhau.
Buổi chiều tối hôm đó, nhờ sự giới thiệu rất thân tình của Sáu, tôi đã được vợ chồng anh Tư mời bữa cơm tối. Dĩ nhiên tôi rất vui mừng vì nếu không, tôi sẽ phải cuốc bộ khá xa từ trại chăn nuôi đến khu vực dân cư bên ngoài trại chăn nuôi để kiếm quán ăn. Trong bữa cơm tối hôm đó với gia đình anh chị Tư và Sáu đã làm tôi ngạc nhiên đến mức ngẩn ngơ khó tin vào thị giác của mình. Đó không phải là một bữa cơm nghèo hèn, đơn sơ của người tha phương kiếm sống như tôi tưởng tượng khi nhận lời mời của họ. Một bữa cơm có những miếng thịt nạc to như cán dao trộn với những miếng cá thu cỡ quân cờ tướng được nấu với sốt cà chua đỏ ngậy. Một bát canh khổ qua nấu thịt thái nhỏ, thêm một đĩa rau muống xào tỏi với thịt hộp, kèm theo đủ loại rau gia vị! Đó đúng nghĩa là một bữa ăn thịnh soạn.
Hình như thấy vẻ ngạc nhiên của tôi, anh chị Tư nhìn tôi cười vui cho tôi biết. Cà chua, khổ hoa, rau củ và mọi thứ gia vị… do nhân viên trong trại tự trồng, bất cứ ai muốn, cứ thoải mái ra khu vườn sau trại heo mà hái. Nơi đây được bón bởi phân heo nên rau cỏ mọc như rừng, nhiều khi còn phải nhổ bỏ vì quá nhiều, ăn không hết. Còn thịt, cá, tôm, xúc xích… thì cứ khoảng 3 hay 4 ngày một lần có xe thùng chở những đồ ăn dư thừa, thu gom từ các nhà ăn của quân đội Mỹ tại căn cứ Long Bình thải ra. Những món ăn dư thừa đó được nhà thầu thu gom lại rồi chở đến đây làm thức ăn nuôi heo. Nhân viên lao động của trại chăn nuôi, chỉ việc bới móc, thu lấy những miếng thịt, miếng cá, khúc dồi thịt… mà người ta không ăn hay chỉ ăn tí chút rồi liệng bỏ. Mọi người thu gom, mang về rửa sạch rồi biến chế, nấu nướng lại thành những món ăn ngon, bổ dưỡng mà chẳng tốn kém gì ngoài việc bỏ tí tiền ra mua gạo nấu cơm mà thôi.
Ngày hôm sau, vào khoảng gần giữ trưa khi tôi đang làm việc tại một trại heo, Sáu chạy đến báo tin cho tôi biết, chuyến xe chở cơm dư thừa đã đến, đang chuẩn bị đổ phẩm vật vào bể, nếu tôi thích thì đến xem cho biết. Chẳng có chút ngần ngại tôi bỏ công việc ra xem. Một chiếc xe camion dân sự không mui, trên thùng xe có khoảng 15, 16 thùng khối vuông bằng plastic, thể tích mỗi thùng khoảng 500 lít, có nắp đậy. Khi tôi đến, chiếc xe đang lùi dần đến sát một cái bể bằng xi măng rộng khoảng gần 2m, dài khoảng 4m, cao khoang 1m50 . Khi chiếc xe lùi sát bể xi măng thì bốn nhân viên đàn ông của trại leo lên thùng xe. Cứ 2 người vần một thùng đựng thức ăn dư thừa đến sát miệng bể xi măng rồi họ lấy sức đổ thùng thức ăn thừa vào bể.
Dưới bể có năm người đàn bà và hai người đàn ông trong đó có vợ chồng anh Tư. Mỗi người cầm một cái xô bằng plastic có quai và một khúc cây bằng gỗ to như cán xẻng. Mỗi khi thùng thức ăn dư thừa được đổ xuống bể xi măng. Họ dùng cây gỗ cào cào, xới xới tìm những miếng thịt hay cá lẫn trong thùng thực phẩm bỏ vào thùng sô của họ, kèm theo những câu nói vui mừng mỗi khi tìm được món hàng tốt. Những thùng thức ăn đổ xuống bể làm tung tóe lên quần áo, đầu tóc họ, đứng ngoài nhìn như họ đang bơi, đang đùa giỡn với nhau trong bể thức ăn nhầy nhụa mỡ.
Tôi đứng xa, đưa mắt nhìn họ, những người thuộc giới thua thiệt trong xã hội với nhiều cảm giác, suy tư. Trí nhớ kéo tôi về với những năm tháng xa xưa, mấy mươi năm trong quá khứ. Cũng vì hoàn cảnh khốn cùng của chiến tranh mà bố mẹ tôi với đàn con nheo nhóc phải lên Hà Nội kiếm sống. Thời gian đầu tiên chúng tôi cũng đã phải sống chui nhủi trong bãi rác của Hà nội tại phố Hàng Bột. Đó là một khu vực nghèo, nhếch nhác nhất của Hà Nội thời đó. Nơi chúng tôi tạm cư, chi là một căn nhà lợp lá, kèm vài tấm tôn hoen rỉ, không cầu tiêu, không giếng nước, không nhà tắm… Có lẽ so với hoàn cảnh của những người nhân viên, những người đang bơi trong bể thức ăn thừa thì chúng tôi ngày xưa cũng sống nhơ nhuốc như vậy hay nhiều hơn nữa mà thôi.
Hôm đó, tôi đứng nhìn họ, những người nghèo túng đang nhầy nhụa với thức ăn thừa cho tôi cảm giác với chút thẫn thờ, đăm chiêu! Cuộc sống tại các nơi bất hạnh, đói nghèo trong thế gian, mọi nơi đều tương tự như thế. Nếu có khác nhau thì chỉ khác về tiểu tiết và không gian mà thôi. Với những người chưa từng trải với đói nghèo, khổ đau thì đó là những điều kỳ lạ khó tin vì nó là những hiện tượng ra ngoài tưởng tượng, tính suy của họ. Nhưng họ không bao giờ biết rằng cũng chính trong những cái kỳ lạ khó tin đó có vẫn những người kiên cường, vượt khó vươn lên. Những người đó, không chịu buông xuôi với thân phận hẩm hiu mà họ đang phải chịu. Họ âm thầm chịu đựng, hy sinh cho con cháu họ để mong chúng nó thoát khỏi nghịch cảnh một cách nhanh nhất. Với những người kiên cường đó, thông thường sớm hay muộn họ cũng thoát khỏi những thua thiệt. Xin đừng bao giờ nói họ may mắn hay nhờ phúc đức tổ tiên mà thoát được nghịch cảnh. Không! Và không có chuyện thần thoại đó trong thực tế!
Những người vượt khó đi lên đó, đôi khi họ còn mang cảm giác cao ngạo, tự hào… khi họ nhìn những phấn đấu là những điều thú vị giúp cho người ta nhìn thấy cuộc sống có ý nghĩa của đấu tranh hơn. Những người đó khi đứng dậy, họ thường có ánh mắt, thái độ rộng rãi, cảm thông với nhân quần, xã hội hơn. Họ nhìn thấy những thua thiệt đói nghèo đó trong tinh thần cảm thông vì đó chính là nỗi đau, thua thiệt của chính đời họ.
Còn với những cậu ấm, cô chiêu hay những cặp vợ chồng sống trong nhung lụa, giàu sang, nếu họ nhìn thấy những miếng thịt, miếng cá dư thừa nhếch nhác bỏ đi trong thùng rác dành cho heo ăn. Rồi vì một hoàn cảnh nào đó, có người đem những thứ nhem nhuốc đó về nấu nướng biến chế cho họ ăn. Dù có ngon và hấp dẫn thế nào thì họ cũng bịt miệng, sợ hãi, ói mửa vì cho đó là dơ bẩn. Đơn giản là vì họ chưa bao giờ nếm trải khổ đau, đói nghèo. Những cái ghê sợ đó đã in sâu vào thị giác và cảm xúc của cuộc sống dư thừa sang trọng của họ.
Nhưng cuộc sống của con người, nhất là tại các quốc gia còn thấp kém, xã hội bấp bênh thì luôn luôn có những điều bất chợt xảy ra. Khi đó những con người hào hoa, phong nhã, cậu ấm, cô chiêu… giầu sang đó không may mà bị rơi vào nghịch cảnh thì đúng là hoả ngục cho họ! Họ chỉ biết la hét than van, khóc lóc hay quay lại trách mắng thượng đế là bất công vì đã chiếm mất cái huy hoàng, oai danh của họ, của gia đình họ đang có. Họ cho rằng sự giầu sang, quyền lực của họ phải là bất biến, từ thế hệ này sang thế hệ nọ! Bất cứ ai làm nó thay đổi dù đó là thượng đế thì với họ vẫn cho đó là là sai lầm, là bất công!
Mẹ của Đắc, những món ăn miền Bắc
Tôi và Đắc cùng học với nhau từ lớp đệ thất (lớp 7) tại trường Chu Văn An Sài Gòn, nhưng chúng tôi chỉ thực sự thân thiết nhau từ khi lên đại học và đi làm. Tôi vào ngành Nông Nghiệp, Đắc vào ngành Bưu Điện. Trong những năm học chuyên môn đó chúng tôi rất thường gặp nhau, Đắc đã là ông giáo dậy kèm cho em trai tôi thi đậu vào Chu Văn An. Sau khi tốt nghiệp ngành Bưu Điện, Đắc làm việc mấy năm tại Sài Gòn, thời gian đó tôi vẫn còn đi học nên chúng tôi lại càng thân thiết hơn, thường gặp nhau hơn. Khi tôi tốt nghiệp đại học rồi đi làm việc tại Cần Thơ, cũng là lúc Đắc được chuyển xuống đó làm trưởng đài phát tuyến VIBA của tỉnh. Tình thân của chúng tôi lại càng gắn bó hơn nữa, nhiều đêm buồn cô đơn vì xa nhà hay gặp những ngày nắng nóng, tôi lại đến cơ quan của Đắc ngủ qua đêm vì nơi đó có máy lạnh và tâm sự lung tung.
Tình thân của hai chúng tôi đã là cầu nối cho sự quen biết, thân tình của gia đình tôi với gia đình Đắc. Nhất là khoảng thời gian sau năm 1975, khi đó tôi đang tu học tại Nhất bản, Đắc và người anh trai đã vượt biên đến Mỹ ngay những ngày đầu tiên, nhưng gia đình còn kẹt lại. Qua bố tôi kể thì gia đình Đắc đã mấy lần vượt biên nhưng thất bại, mất nhà cửa nên đã phải phiêu bạt xuống tỉnh Mỹ Tho, để tiếp tục ra đi trong phong trào Hoa kiều rời bỏ Việt Nam. Cũng theo bố tôi kể, ông có vài ba lần kín đáo xuống dưới Mỹ tho gặp bố của Đắc để thăm hỏi và cũng có ý dò la, cách thức ra đi cho gia đình tôi. Cuối cùng vì giá cả quá cao, không trong tầm tay với của gia đình tôi nên đành bãi bỏ!
Gia đình Đắc là một gia đình trí thức, giầu có, cao danh phận tại tỉnh Thái Bình. Bố của Đắc là một thầy giáo và cũng là một nghệ sĩ đàn vĩ cầm (violine). Mọi người trong con xóm khá rộng rãi tại Bàn Cờ khi hỏi gia đình Đắc gần như mọi người đều biết. Anh em của Đắc ngoài việc học hành thành danh trong các chuyên khoa kỹ thuật, còn được ông bố truyền dạy về violin. Một người em trai của Đắc học y khoa còn có thêm nghề tay trái, chuyên môn trong lãnh vực âm nhạc.
Mẹ của Đắc một người mẹ tuyệt vời, bà rất nhanh nhẹn, tháo vát trong mọi lãnh vực, coi sóc gia đình chăm dậy các con… Dù tiếp xúc, tâm tình với bà nhiều lần nhưng tôi cũng không biết gì về nghề nghiệp, trình độ văn hoá của bà ra sao. Nhưng qua những cuộc nói chuyện với bà đã cho tôi đoan chắc bà là người rất linh hoạt và có nhiều kiến thức rất cấp tiến trong xã hội. Sau này khi toàn thể gia đình Đắc đã được đoàn tụ tại Mỹ, qua thư từ trao đổi, tôi được biết, khi sang Mỹ ở tuổi trên dưới 60 mà bà hoà nhập với xã hội rất ngoạn mục. Bà thuê xe bus, tổ chức những cuộc hành hương, du lịch thăm viếng phong cảnh cho đồng hương tại Mỹ rất bài bản.
Ngày còn ở Việt Nam, thời gian tôi và Đắc còn là sinh viên hay những năm đầu tiên khi Đắc mới ra trường, làm việc tại Sài Gòn. Rất nhiều lần tôi đến nhà tìm Đắc, cùng nhau đi chơi, tôi lại được gia đình Đắc nhất là mẹ của Đắc giữ lại, cho tôi ăn những món ăn thuần mùi vị miền Bắc, như bún riêu, bún mọc, bún thang, bún thịt nướng, phở, chả giò,…
Ngày đó dù cuộc sống của gia đình tôi đã tàm tạm khá, nhưng với những món ăn độc đáo, hương vị đúng chuẩn của miền Bắc, không dễ dàng, đơn giản để có. Dĩ nhiên với những người gốc Bắc chuẩn sống tại Sài Gòn thời gian trước 1975, có tài chánh dư thừa, biết nhiều về ẩm thực, chắc không khó lắm khi muốn tìm những món ăn đó tại Saigon. Nhưng với gia đình tôi ngày đó, kiếm đủ thức ăn ở mức trung bình, lo được việc học hành cho 7 đứa con đã đủ lụt mồ hôi rồi, làm sao mà dám nghĩ đến những ,món ăn tại nhà hàng cao sang?!
Đã thế lại thêm vào cái gốc cổ thụ nông dân gia truyền, cả đời chân lấp tay bùn của một vùng quê nghèo túng như gia đình tôi. Chuyện móc túi ra để tìm kiếm những thức ăn trong mơ đó, đúng là một chuyện không tưởng! Mà giả dụ có tiền mua phẩm vật cho món ăn nhưng vấn đề biết nấu nướng sao cho đúng gốc của món ăn, nó như một chuyện thần thoại với “bà mẹ quê mùa “ như mẹ tôi. Người mẹ mà tôi muôn đời kính yêu, quá nghèo nên chỉ có khả năng nấu cho chồng con những món ăn dân giã, đơn sơ!
Đúng như vậy những món ăn thuần Bắc của mẹ Đắc đã cho tôi ăn, phải nói là một điều rất sung sướng với tôi thời đó . Ngày nay dủ đã trên 50 năm qua đi trong dĩ vãng, nhưng hình ảnh và cả mùi vị những món ăn của bà dành cho tôi vẫn còn i nguyên trong ký ức. Những tô bún thang, bún mọc. Những đĩa chả giò, bún thịt nướng, bát phở bắc thơm lừng… kèm theo những đĩa gia vị đúng chuẩn xuất xứ của món ăn, bà đã cho tôi những khoảnh khắc ngất ngây trong ẩm thực! Làm sao tôi quên được!
Suốt nhiều năm qua, tôi vẫn về Việt Nam rong chơi. Nhiều lần tôi ra Bắc, đến Hà Nội, Thái Bình, Nam Định… la cà vào những quán ăn, nhà hàng mong tìm lại những khẩu vị tuyệt vời xa xưa của mẹ người bạn đã cho tôi ăn. Nhưng hình như chưa bao giờ tôi tìm thấy cảm giác ngon đến mức đê mê của những món ăn ngày xưa đó. Rất có thể khẩu vị của tôi đã có chút phần méo mó, chủ quan? Nhưng cũng có thể thời điểm mà mẹ của Đắc đã cho tôi ăn, lúc đó tôi đang ở tuổi thèm ăn và tôi không có điều kiện để ăn… Đã làm cho tôi nhớ mãi, một hoài niệm chủ quan chăng?
Sau này trong những lần về Việt Nam, đến Hà Nội, tôi đã phải xếp hàng cả nửa tiếng đồng hồ để vào quán bún chả Obama (tôi quên tên quán, nhưng người ta gọi tên quán như để kỷ niệm lần ông Tổng Thống Obama đã đến đó ăn món bún chả). Tôi cũng đã đến quán bánh tôm Hồ Tây, một quán lừng danh Hà Nội tại đầu đường Cổ Ngư đối diện Đền Quan Thánh và nhiều nơi ẩm thực nổi danh khác nữa của Hà Nội… Nhưng kỳ lạ làm sao, tất cả những món ăn “lừng danh” đó cũng vẫn không nơi nào đánh bạt được cái khẩu vị xa xưa mà mẹ của Đắc đã cho tôi ăn. Hình như mùi vị của nó vẫn còn trong hoài niệm và ước mơ của tôi vậy.
Mỗi khi nhớ về những món ăn của ký ức đó, lại làm tôi nhớ đến thi sĩ Tản Đà, một tín đồ của ẩm thực, trong một bài khảo luận về cái NGON của món ăn, ông đã viết như sau:
“Đồ ăn không ngon, thời không ngon. Giờ ăn không ngon, thời không ngon. Chỗ ngồi ăn không ngon, thời không ngon. Không được người cùng ăn cho ngon, thời không ngon.”
Người thi sĩ tuyệt tài đó cho rằng muốn đạt được cái NGON trong ẩm thực người ta phải có được 4 yếu tố: Đồ ăn ngon; Giờ ăn đúng lúc; Chỗ ngồi ăn và Người cùng ăn. Còn cá nhân tôi, tôi đã có được những món ăn ngon nhớ đời, không bao giờ quên từ bà mẹ của người bạn thân bởi vì tôi quá nghèo, những món ăn đó là những món ăn trong mơ của tôi! Mà khi đã là mơ trong ước muốn thì làm sao mà quên nó cho được nhỉ!? Đơn giản chỉ thế mà thôi! Ngày nay, tôi về thăm đất Bắc, cội nguồn của những món ăn xa xưa đó. Trong túi tôi đầy tiền, bao tử tôi dù có đói nhưng cũng không quá cồn cào trống không như ngày xa xưa ấy… thì món ăn đó, dù có dành cho vị tổng thống xứ Cờ Hoa nhưng làm sao mà nó có thể so sánh được cái khẩu vị ngày xưa, ngày mà tôi còn đói bụng, nghèo tiền nhưng lại đầy ước mơ và tưởng tượng.
—
(*) Giải thích của tác giả: Trong truyện Tây Hán (hay còn gọi là Hán Sở Tranh Hùng, có một anh hùng áo vải siêu hạng đo là Hàn Tín, ông ta đã diệt Hạng Bá – một người khoẻ mạnh nhất trong lịch sử Trung Quốc để giúp Lưu Bang thành lập nhà Tây Hán (một thời kỳ thịnh trị và được coi là đệ nhất của lịch sử Trung Quốc). Hàn Tín rất nghèo, làm tên câu cá để sinh sống và ông ta thường được một bà thợ nhuộm (Xiếu Mẫu) cho ăn chực. Sau này ông thành danh một vị tướng vĩ đại của triều Hán) nhưng cuối cùng cũng bị giết chết (chặt đầu) bởi bà hoàng hậu của Hán Chúa (Lưu Bang).