Những cảm hứng từ một bài thơ xưa

(Hình chụp qua YouTube NhiSa)

Từ lúc bắt đầu học môn Tập Làm Văn cho đến hết năm lớp 12, tôi rất sợ môn này, bởi tôi không biết viết cái gì và viết ra làm sao.

Được cái là tôi không viết sai chính tả lắm nên thầy cô thương tình cho tôi từ bốn điểm rưỡi cho đến năm điểm rưỡi. Cộng trung bình đủ năm điểm để lên lớp mỗi năm. Còn thơ thì khỏi phải nói.  Mỗi lần thầy cô biếu viết thơ, tôi về khóc với mẹ. Mẹ làm giùm rồi, tôi đem lên nộp.

Lên lớp chín, tụi bạn thân đứa nào cũng khoe mấy bài thơ tụi nó làm. Thôi thì thơ con cóc, lục bác, bốn chữ, năm chữ … Tôi thì nửa chữ thơ cũng không có.  Tệ hơn nữa là đọc thơ chẳng biết hay chỗ nào.

Hồi đó sách báo đọc chán phèo.Tụi bạn kiếm đâu ra sách báo trước năm 75 đọc đã rồi chép tay đem khoe với nhau. Tôi chỉ mê đọc truyện nên ai có truyện là mượn đọc. Thường thì mượn một cuốn truyện hai ngày. Ráng đọc nhanh một ngày rồi đem đổi với một đứa khác. Cứ thế tôi đọc rất nhiều truyện Tuổi hoa, Tự lực văn đoàn, Quỳnh Giao. Còn thơ thì chẳng bao giờ kiếm tìm trừ phi ai đem dúi vào tay thì mới đọc. Thơ đối với tôi là chữ nghĩa kinh điển và tôi không mơ với tới.

(Hình: Thủy Như cung cấp)

Nói đến thơ thì phải nói đến nhạc. Nghe mấy cô bác trong họ hàng nói hồi con bé tí tôi hát hay và mơ làm ca sĩ. Nhưng đến khi bắt đầu đi học thì không bao giờ dám hát bởi trong lớp có mấy nhỏ hát rất hay và tụi nó có quần áo đẹp. Mẹ tôi chật vật lắm mới lo đủ cho năm miệng ăn và thăm nuôi ba tôi đi tù Tiên lãnh. Áo quần mỗi năm hai bộ vải cửa hàng trông thấy chán.  Chắc bởi vậy mà giấc mơ ca sĩ của tôi tan thành mây khói.  Bạn bè Tam kỳ đứa nào cũng tưởng tôi không biết hát.

Lúc vào Cao đẳng rồi mới bắt đầu tập tành đàn hát. Rồi nghe đài BBC, RFI và VOA trong các chương trình giới thiệu ca sĩ, nhạc sĩ, hoàn cảnh sáng tác những bài nhạc nổi tiếng.  Tôi biết có những bài thơ làm cảm hứng cho các nhạc sĩ sáng tác những bài ca bất hủ.  Nghe và ngưỡng mộ thôi chứ chẳng bao giờ nghĩ mình sẽ được tận mắt chứng kiến. Cho đến khi tôi viết bài tìm tác giả của bài hát “Thuở làm thơ yêu em.” Tôi viết gởi cho Saigon Nhỏ với hy vọng sẽ tìm được câu trả lời nhưng không ngờ lại nhận được câu trả lời chỉ trong vòng vài hôm.

Tôi rất hân hạnh được trao đổi emai với Bob Doan và nghe tác giả kể hoàn cảnh ra đời của bài hát “Thuở làm thơ yêu em.”  Bob Doan chắc hẳn lớn lên trong gia đình văn nghệ sĩ nên mới đọc được bài thơ của nhà thơ Trần Dạ Từ bởi thời bấy giờ đó là những văn phẩm bị cấm.  Bài thơ hẳn đã để lại những ấn tượng mạnh để Bob Doan có cảm hứng viết ca từ rất đẹp cho bài hát của riêng anh. Tôi cũng nhận được nhiều email của bạn bè cũng như những độc giả của Saigon Nhỏ chia sẻ những cảm nhận tương tự. Đó có lẽ là một điều mà tôi chưa bao giờ mơ đến. Niềm vui được nhận được thư độc giả còn kéo dài hơn khi hai tuần sau đó tôi nhận được email của độc giả Nhi Sa vào ngày 23 Tháng Chín, 2024.

Nhi Sa viết khi đọc bài được đăng lại trên Nhật báo Người Việt, “…nhân đọc báo Người-Việt trên mạng nên bắt gặp bài “Thuở Làm Thơ Yêu Em,” thấy lời dễ thương nên mạo muội đặt nhạc thử…” Kèm theo là YouTube video dưới dạng karaoke bài nhạc do Nhi Sa sáng tác viết cho lời của Bob Doan. Giai điệu nhẹ nhàng trong tiếng đàn ghi ta ấm áp nghe rất hay. Tôi gởi lại cho Nhi Sa bài trả lời của Bob Doan. Ba hôm sau, Nhi Sa gởi lại bốn video. Hai bài có tựa đề, “Thuở làm thơ yêu em” với lời của Bob Doan, nhưng một bài là nhạc của Nhi Sa và bài kia là nhạc của Bob Doan. Video thứ ba là “Thủa làm thơ yêu em” với lời của Trần Dạ Từ và nhạc của Nhi Sa.

Chỉ trong vòng hai tuần mà Nhi Sa viết hai bài nhạc, tập ba bài mới rồi thu âm và làm video với lời để khán giả có thể hát theo. Nhi Sa đánh phần đệm và giai điệu rồi ráp hai track lại thành video. Tôi không biết chơi đàn nhưng cũng có làm một vài video với nhạc cho các con tôi nên tôi biết mất rất nhiều thời gian để làm được một video vừa ý. Những video đàn ghi ta của Nhi Sa nghe rất thấm trong những buổi sáng chớm thu. Tôi xin để độc giả tự cảm nhận và đánh giá bởi tôi không phải dân nghệ sĩ bình luận gia chuyên nghiệp. Nhưng xin mời đọc email của Nhi Sa để thấy những cảm hứng từ một bài thơ có thể làm một người bỏ công làm được những dòng nhạc hay như thế.

“…Em chỉ phổ nhạc cho vui thôi. Em hay đọc báo thấy bài thơ nào mà mình có chút cảm giác có thể hát được thì làm chơi. Một số cũng từ đó có phiên bản khác như 2 bài vừa rồi. Em chỉ là nghiệp dư, trước có học và biết chơi guitar cổ điển sơ sơ nên có chút kiến thức nhạc lý, giờ lẹt quẹt qua loa cho cây đàn nó cũng … đỡ buồn. Đặt nhạc cho lời thơ thì lúc này lúc khác, lâu mau cũng tuỳ bài. Hai bài vừa rồi thì khá nhanh, một hai hôm gì đó. Thú thật khi thấy chị thích và muốn tìm tông tích bài hát, em nghĩ chắc là phải hay và khi đọc lời thì thấy dễ thương (như em đã nói) nên mới táy máy thử trước khi xem và nghe bản nhạc chị đăng. Làm vậy vì không muốn bị tác động hay ảnh hưởng bởi bài đã có. Làm xong rồi thì mới so sánh và thấy cũng khác nên mới tặng chị chơi như một lời cám ơn chị đã giới thiệu một bài hát cũ. Sẵn đó lục lọi luôn thì mới thấy bài kia của Trần Dạ Từ. Nói ra thấy cũng dị vì em đọc ít nên không biết bài thơ cũng khá nổi tiếng kia, lại có cả một số phổ nhạc, đặc biệt là Cung Tiến (ông này thì em hay ai nghe nhạc đều biết). Tương tự, em cũng không nghe những bản đã phổ, cho tới khi làm xong. Khi so sánh thấy khác nên sẵn tặng luôn cho chị và anh Bob. Chỉ vậy.

Video thứ tư là “Tình Thu Yếu Đuối” Nhi Sa viết nhạc cho thơ của Khê Kinh Kha. Bài này thì Nhi Sa đã làm trước đó. Tôi vô cùng cảm ơn báo Saigon Nhỏ đã đăng bài “Ai là tác giả bài hát ‘Thuở làm thơ yêu em’” vì nhờ vậy, tôi và bạn bè tôi biết được tác già và bối cảnh của bài hát.  Cũng nhờ đó tôi được quen biết Nhi Sa, một người đàn hay, sáng tác giỏi. Qua bài viết đó, tôi cũng được quen biết nhiều độc giả yêu mến thơ nhạc như tôi. Và tôi được “chứng kiến” những bài nhạc ra đời. Đó là những điều mà tôi chỉ đọc thấy thời còn trẻ. Tuyệt vời thay!

Cảm ơn báo Sàigon Nhỏ, Bob Doan, Nhi Sa và mọi người đã cho tôi những kinh nghiệm rất đặc biệt này. Mời mọi người cùng nghe và hát theo những bài “Thuở làm thơ yêu em” với tiếng đàn Nhi Sa.

 

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: