I.
Năm ba về từ trại cải tạo, cả làng bị đói. Lúa đang ngậm sữa, nước lũ đổ về ngập đồng hơn một tuần. Nước rút, đọt lúa cứ dựng thẳng lên trời. Có đám trổ sớm, bông còn chưa tách hẳn khỏi bẹ cứ giơ ra những bông lúa cụt ngủn, trắng hếu. Không lẩy được nắm nào đành thả trâu xuống ăn. Mọi người lại vào rẫy, khoai sắn bị mưa triền miên cũng không được bao nhiêu củ. Không cần mang cuốc để đào, mấy chị em tôi cứ lấy chân đạp trong đám đất nhão nhoẹt mà mót từng củ khoai đã bị sùng.
Giữa các bữa khoai sắn, má nấu cho ba món cháo đu đủ xanh, vì nghe nói giải được nước độc. Những miếng đu đủ xanh để nguyên vỏ mùi đắng xộc lên mũi mà vẫn thấy ba ăn ngon lành. Hơn một tháng rồi kể từ khi ba về vẫn chưa có một bữa cơm mừng tươm tất, ngoài bữa cơm gạo trắng chiều đầu tiên mà ba chẳng ăn gì nhiều, chỉ có chúng tôi là được một bữa no ngon lành. Hình như ba, bốn tháng gì đó rồi chúng tôi chưa được một bữa cơm không, lúc nào cũng chỉ toàn khoai với khoai, ợ hơi nóng không chịu nổi. Lâu lâu má đổi qua sắn lát khô, càng thèm hột cơm vét đáy nồi. Con Út vẫn chưa chịu nhìn ba. Nó vui vì bữa cơm, vì bỗng dưng nhà nhộn nhịp khác thường hơn là vì ba về. Ăn xong nó chạy sang nhà hàng xóm chơi. Ba nói để vài bữa cho nó quen, đừng làm nó sợ. Ngày ba bị đưa đi nó mới được ba tuổi.
Má mừng đến quên ăn quên ngủ, cười nói khắp nơi, chạy qua nhà bà Hai một chút, nhà ông Hương một chút, rổn rảng khoe chồng con đã về rồi, dù những người bà con vừa từ trên nhà tôi về. Má không nhớ gì đến nỗi lo không có cái ăn trước mắt. Chỉ cần ba được về, chỉ cần ba không bỏ xác trên chốn rừng thiêng nước độc đó.
Mấy tháng đầu mới về, ba hầu như không còn chút sức lực nào để giúp má những việc cày cuốc nặng nhọc. Năm năm bị giam cầm trong trại cải tạo đã biến một người đàn ông trung niên sung mãn thành một ông già hom hem không đứng thẳng lưng nổi. Răng ba rụng không còn một cái. Ba không kể nhiều về những tháng ngày ở tù. Nhưng liên quan đến hàm răng, có lần ba kể, ở trại người ta thường cho ăn bắp hạt. Gọi là cơm sáo bắp cho oai chớ chỉ toàn là bắp hầm sống sít. Cái thứ bắp đỏ của vùng đất cằn cứng như đá, lại nấu cho tù nhân nên không bao giờ mềm cả. Nhai trệu trạo một thời gian rồi răng ba bắt đầu rụng. Không gì khổ bằng chuyện đau răng, một cái lung lay, hai cái lung lay, nhìn chén bắp hầm trào nước mắt. Ba không nhai được bắp nữa, cố lấy muỗng cà ra rồi nuốt, được một nửa thì mọi người đã ăn xong, ba đành phải ăn theo kiểu cầm hơi như vậy.
Có hôm bạn tù thấy thương nấn ná lại chút cho ba ăn thêm vài muỗng, có khi ba được đầu bếp cũng là bạn tù xới cho chỗ mềm hơn. Nhưng cũng không được bao lâu, cán bộ nhìn thấy, ba bị phạt. Ba bắt đầu cột sợi chỉ kéo những cái răng sắp rụng ra, những cái mới bị lung lay cũng kéo bỏ, tự kéo không nổi thì nhờ bạn tù giúp. Máu, nước mắt và nỗi khốn cùng hành hạ tâm trí ba. Một năm sau cả hai hàm răng không còn cái nào, gương mặt ba cũng biến đổi theo… Không có răng đỡ phải ngày nào cũng đau đớn, nhưng hạt bắp cứng cứ thế mà nuốt khiến ba mắc thêm bệnh trĩ… Về được là may rồi. Ba nói với má như vậy. Má cũng nghĩ như vậy, quần ống xăn ống tụt, chạy khắp xóm vừa khóc vừa khoe…
II.
Má không có cái sửng sốt như những người bà con khác khi gặp ba sau năm năm. Má chứng kiến sự thay đổi của ba qua những lần thăm nuôi. Má chỉ nghĩ cách để lấy lại sức khỏe cho ba. Nhưng năm ấy là một năm mất mùa, mất trắng. Không kiếm thêm được gì ngoài đồng, má chạy chợ. Má mua đường từ những lò đường Phước Thuận, Phước Hậu rồi gánh xuống chợ Tam Giác bán lại. Thường thì khoảng 5-6 giờ chiều là má gánh đôi thúng đi. Giờ đó chưa ra đường nhưng phải đến sớm để coi nước mía, nước đường nào sẽ có đường bát tốt mà đặt mua. Ngồi chờ đến 9-10 giờ đêm đường mới được lấy ra khỏi bát. Có hôm gặp con trâu kéo chậm chạp hoặc mía xấu, lạt, nấu lâu, má phải chờ đến 12 giờ đêm.
Quãng đường từ nhà tôi xuống Phước Thuận chưa tới 10 cây số nhưng phải đi qua nhiều cánh đồng, ven các xóm, nhiều mồ mả, miếu thờ. Có nơi nổi tiếng nhiều ma với những câu chuyện rợn tóc gáy mà người quanh vùng vẫn thường hay kể. Má lầm lũi gánh gánh đường, một tay vẫn cố bấm đốt giữ cho khỏi sợ. Vậy mà có hôm đám thanh niên đi chơi khuya về tự nhiên chơi trò hù dọa, má quăng luôn gánh đường mà chạy, về được đến nhà đôi bàn chân tứa máu, má đổ bịnh mấy ngày.
Đó là lúc ba bắt đầu đi với má. Mới đầu má không cho ba đi nhưng ba cương quyết má đành chịu. Lâu dần những người buôn bán ở chợ Tam Giác không ai là không biết ông già bán đường bát. Mua đường của ba, họ không nỡ ép giá. Thi thoảng cũng có người nhìn ba ngờ ngợ, như quen đâu đó. Thi thoảng ba vẫn ngang qua khu phố ngày xưa có ngôi nhà thân thuộc, không xa chợ Tam Giác là mấy. Những thứ dù muốn quên cũng không quên được.
Nhưng cái khổ nhục của hiện tại đến từ phía khác. Có một thời những người trong sắc phục xám chặn khắp các ngả đường, bắt giữ những người chở đường xuống chợ. Họ tịch thu hoặc phạt rất nặng. Hợp tác xã cũng ráo riết chấm công. Ai không đủ ngày công trên đồng bị đưa đi cưỡng bức lao động. Một người anh tôi đi chặt mía thuê ở vùng khác nên thiếu ngày công trên đồng cũng bị đưa đi. Mất mùa, một ngày công trên đồng chưa được kí lúa. Cái đói thường trực. Má là người kiên cường nhưng có lúc phải ngồi khóc. Ba không nói gì nhưng những câu chuyện ba kể cho chúng tôi nghe trong những buổi trưa hè dưới gốc me trước ngõ, trong những đêm trăng tụ tập giữa sân ngày càng buồn hơn. Ba thuộc nhiều sử sách, nhưng thường kể đi kể lại những câu chuyện về nỗi oan khiên của đời người, về niềm đau thời thế, anh hùng mạt vận… Những câu chuyện không giống anh em tôi học trong sách giáo khoa. Trí óc non nớt của tôi cũng lờ mờ nhận ra có những dòng sử khác…
III.
Từ đồng ra chợ không thành dân chạy chợ được, má thôi không cho ba gánh đường nữa. Ba vẫn chưa hết thời gian quản thúc. Cách ngày ba ra xã trình diện, mỗi tuần lại đi bộ xuống huyện một lần. Nhà cách ủy ban huyện khoảng 20 cây số. Hôm nào xuống huyện, ba đi từ lúc 4-5 giờ sáng, tầm 2-3 giờ chiều ba về lại đến nhà, rã rời và phiền muộn, không nói gì với ai. Những ngày đó má lẳng lặng chăm sóc ba không hỏi han gì. Có hôm má mượn được chiếc xe đạp trong xóm về cho ba đi đỡ chân. Má tìm chuyện gì đó cho ba làm khuây khỏa. Hôm có mấy thương lái từ Đà Nẵng lên vùng trên này đặt đan giỏ tre. Nếu nhà không có tre thì đan cho hàng xóm, tiền công cũng không được mấy đồng nhưng má mừng như đào được vàng. Đan giỏ tre làm cả xóm nhộn nhịp hẳn lên. Già trẻ đều có việc để làm.
Đốn tre, vào vành dành cho người khỏe. Người già và trẻ nhỏ chuốt nan, đan tấm. Vui nhất là những đêm trăng, hai ba nhà chụm lại một nhà có sân rộng, vừa làm vừa kể chuyện. Lũ nhỏ xong việc rủ nhau chơi “năm mười” rộn ràng khắp xóm. Mùa đan giỏ đó cứu cả làng qua hồi đói kém, nhưng sau mấy tháng ai nấy đều thẫn thờ khi nhìn những bờ tre trống hoác. Cái ngõ nhà tôi rợp bóng tre, nắng không xuyên qua được kẽ lá, chỉ một chiều không quét là lá rụng phủ đầy mặt đất. Vậy mà giờ đứng đâu cũng nắng. Buổi trưa lũ nít trong xóm không còn trốn ngủ viện cớ đi ghim bẹ tre về chụm. Người lớn đêm nằm nhớ tiếng gió tre kẽo kẹt không ngủ được. Má chặc lưỡi, thôi đợi ít nữa măng mọc lại. Nhưng cái bờ tre cả trăm năm, có từ cái hồi ông tiền hiền khai hoang lập làng tới giờ biết khi nào có lại. Mà cái giống tre cũng lạ. Nó buồn hay sao mà tôi rời làng 15 năm sau trở lại cũng chỉ thấy loe hoe, không mọc thành bờ thành lũy như xưa được nữa.
Tre cũng đốn hết rồi, thương lái thôi về, cả xóm lại ra ruộng vô rẫy. Sức khỏe ba cũng dần phục hồi, làm cùng má những việc nặng nhọc ngoài đồng. Má đổ lúa giống ra ngâm. Nước rút lâu rồi, để lại một lớp bùn non mỏng như bánh tráng. Đất ở đây nó vậy, chút phù sa cũng hiếm như nước mắt của người quen chịu đựng. Tối má ngồi trước sân xới đều thúng mộng, nói với ba, mai sạ được rồi, rồi tự nhiên ngâm nga cây khô xuống nước cũng khô… Xóm tôi ngày ấy còn nhiều bà nhiều cô biết hát hò đối đáp, trẻ nít thì thấy chẳng có gì vui ngoài chuyện nghe mãi cũng thuộc thơ, thuộc vè, nhưng sau này nhớ lại, tôi nghĩ đó là cách để những người phụ nữ quê tôi tự ru mình, tìm chút an ủi, thêm chút sức lực mà gồng gánh gia đình trên lưng đi qua những ngày khổ ải…