Một bộ phim tài liệu về phong trào biểu tình đòi dân chủ ở Hong Kong đã giành được giải thưởng cao tại Giải Điện ảnh Kim Mã, một giải điện ảnh uy tín được coi là phiên bản của giải Oscar dành cho điện ảnh Hoa ngữ tổ chức ở Đài Loan.
Phim “Cuộc Cách mạng của Thời đại Chúng ta” (The Revolution of Our Times) của đạo diễn Kiwi Chow (Chu Quan Uy) – nhan đề đặt theo khẩu hiệu của phong trào biểu tình đòi dân chủ “Giải phóng Hong Kong, cuộc cách mạng của thời đại chúng ta” – đã được vinh danh là phim tài liệu hay nhất. Khán giả tham dự lễ trao giải vào hôm qua Thứ Bảy 27 Tháng Mười Một tại Hội trường Tưởng niệm Bác sĩ Tôn Dật Tiên ở Đài Bắc đã đồng loạt vỗ tay kéo dài và hò reo ủng hộ Hong Kong, trang tin tức Hong Kong Free Press đưa tin.
Đạo diễn Kiwi Chow đã gửi một bài diễn văn được ghi âm trước từ Hong Kong bày tỏ sự cảm ơn về giải thưởng. Ông nói ông dành tặng bộ phim cho người dân Hong Kong “có lương tâm, công lý và đã khóc vì Hong Kong”. Ông hy vọng nó sẽ mang lại cho họ một chút thoải mái. “Tôi đã khóc rất nhiều khi sản xuất bộ phim này; nhiều lần tôi tự an ủi mình là bộ phim này sẽ biểu thị nỗi tức giận, căm thù, đối mặt với nỗi sợ hãi và tổn thương của mình”, ông nói với giọng vỡ òa vì xúc động.
Kiwi Chow là một nghệ sĩ Hong Kong bản địa. Bộ phim của ông kể về một số người biểu tình và ghi lại những vụ xung đột với cảnh sát trong các cuộc biểu tình năm 2019. Trước đó ông nói với hãng tin Reuters rằng ông hy vọng bộ phim tài liệu sẽ giúp phong trào ủng hộ dân chủ tồn tại. Nó đã được trình chiếu tại Liên hoan phim Cannes năm nay dù nó chưa bao giờ được chiếu ở Hong Kong.
Trả lời phỏng vấn hãng tin Pháp AFP, đạo diễn Chow nói ông đã bán bản quyền bộ phim ra nước ngoài nhằm tránh guồng máy kiểm duyệt phim của Hong Kong và luật an ninh quốc gia khắc nghiệt mà Bắc Kinh áp đặt nhằm đàn áp những tiếng nói đối lập ở đặc khu này. Giải Kim Mã “là một lối thoát tự do đặc biệt cho các tác phẩm điện ảnh Hong Kong không thể được phát hành ở nơi sinh ra chúng”, ông Chow nói.
Trung Quốc đã ban hành luật an ninh quốc gia sâu rộng cho Hong Kong hơn một năm trước để trấn áp những hành vi mà họ cho là lật đổ, ly khai, khủng bố và thông đồng với các lực lượng nước ngoài. Kể từ đó, các rạp chiếu phim, trường đại học và phòng trưng bày nghệ thuật ở Hong Kong đã hủy các buổi chiếu phim hoặc triển lãm các tác phẩm liên quan đến cuộc biểu tình. Những người biểu tình đã giành được sự ủng hộ và thông cảm rộng rãi ở Đài Loan – một đất nước nói tiếng Hoa nhưng theo thể chế dân chủ.
Từ năm 2019, Trung Quốc đã cấm ngành công nghiệp điện ảnh của họ tham gia Giải Kim Mã – một giải thưởng điện ảnh uy tín được thành lập vào năm 1962 và diễn ra hàng năm tại Đài Loan. Hành động cấm cản của Bắc Kinh được đưa ra sau vụ náo động vào năm 2018 khi đạo diễn Đài Loan Fu Yue bình luận ủng hộ sự độc lập chính thức của Đài Loan – một điều Bắc Kinh không bao giờ chấp nhận.
Giải Điện ảnh Kim Mã gần đây đã trở thành bức tường bảo vệ điện ảnh Hoa ngữ chống lại biện pháp kiểm duyệt của Bắc Kinh và thường tôn vinh những bộ phim bị cấm đoán ở cả Trung Quốc và Hong Kong.
Đọc thêm: