Sài Gòn trước 1975

Năm 1971 lễ khai giảng niên khóa mới được tổ chức rất trọng thể tại Đại giảng đường Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, ngoài thành phần giáo sư thực thụ của học viện còn có một số giới chức cao cấp trong các phủ, bộ, nha của chính phủ tham dự. Giáo sư thuyết trình khai giảng năm ấy là Tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo vừa được Giáo sư Viện Trưởng Nguyễn Văn Bông mời tham gia vào thành phần Ban giảng huấn của học viện.

Sau khi được giới thiệu, Tiến sĩ Hảo bước nhanh lên sân khấu có đặt bàn thuyết trình, dành cho duy nhất một diễn giả. Ngay lập tức, ông gây được sự chú ý đối với mọi người. Phong thái đĩnh đạc, dáng người còn rất trẻ, cao lớn, gương mặt đeo kính trắng gọng đen trông rất là thông thái, tươi cười rất dễ gây thiện cảm.

Đặc biệt hơn nữa là ông không mặc lễ phục áo thụng đen, đội mũ cánh vuông có đeo dây tua, tùy theo học vị tiến sĩ hay thạc sĩ của giáo sư, mà trái lại ông mặc một bộ đồ bốn túi, may theo kiểu áo ký giả, màu xanh rêu đậm. Vừa xách cặp Samsonite vừa bước lên sân khấu vừa quay nghiêng xuống hội trường chào mọi người, nên khi ngồi vào bàn là bắt đầu nói ngay không kiểu cách rườm rà, dài dòng kính thưa đủ mọi người, mọi thứ.

Học viện Quốc Gia Hành Chánh trước 1975

Tiến sĩ Hảo thuyết trình đề tài “Con Đường Phát Triển Kinh Tế Việt Nam” rất hay, cả hội trường vỗ tay nhiệt liệt hoan nghênh nhiều lần trong suốt gần 40 phút trình bày. Lần đầu biết ông, tôi hết sức ngưỡng mộ. Rồi thích thú hơn nữa khi được nghe thông báo Tiến sĩ Hảo sẽ phụ trách giảng dạy môn “Phát triển Kinh tế” trong học trình năm thứ ba của sinh viên ban Đốc Sự.

Sau đó, cũng với phong thái “rất Mỹ” ấy mỗi khi vào lớp, Tiến sĩ Hảo ít khi ngồi trên bàn mà thường hay xuống lối đi ở giữa, đi đi, lại lại vừa giảng bài vừa nói chuyện. Chỉ khi nào cần thiết ông mới lên bục để viết hay ghi chú trên bảng. Nói chung, nội dung bài giảng hoàn toàn mới lạ do ông soạn và sau đó được đưa cho đại diện lớp in ấn để phát hành định kỳ cho sinh viên làm tài liệu học tập. Đến gần hết năm, sinh viên trong lớp tự gom góp lại, trình cho ông duyệt để in thành sách “giảng văn” thật là phong phú, so với các giáo sư khác, thường hay dựa theo sách (course) đã in sẵn từ trước, có khi 5, 10 năm chưa thay đổi nội dung hay cập nhật hóa dữ liệu.

Có một hôm, tôi còn nhớ mãi, nhân lúc dừng lại để yêu cầu sinh viên phát biểu ý kiến trong đề tài giảng dạy, khi đang đứng dựa vào dãy bàn đầu của sinh viên phía trên lớp, đột nhiên, ông sững sờ trong giây lát, bèn trở về bàn ngồi trên bục giảng nói vọng xuống ngay chỗ vừa mới đứng khi nãy:

– Có phải anh là Trịnh Văn Ba không?

– Thưa thầy phải. Tôi là Trịnh Văn Ba. 

Mọi người còn đang ngạc nhiên trước sự việc vừa xảy ra. Tiến sĩ Hảo nhìn xuống cả lớp cất giọng hơi xúc động:

– Anh Ba là bạn học cùng lớp với tôi nhiều năm hồi còn nhỏ.

Từ sau sự việc ấy, bạn bè mới bắt đầu chú ý đến anh Ba và cố tìm hiểu thêm về những câu chuyện bên lề của mối quan hệ giữa anh và Tiến sĩ Hảo.

Anh Ba trúng tuyển vào học ban Đốc sự khóa 17 năm 1969 thuộc diện thí sinh công chức, anh nguyên là Lục sự Tòa Sơ thẩm tỉnh Vĩnh Long. Khi nhập học, khóa 17 chia làm hai lớp A và B, mỗi lớp có chừng hơn một trăm sinh viên, anh được xếp vào lớp B, ngồi ở đầu dãy bàn trên cùng, xếp theo thứ tự vần ABC. Đa số sinh viên công chức lớn tuổi đã có gia đình khi vào học ở đây, tất cả đều có đủ thâm niên công vụ theo qui định và được tiếp tục hưởng lương đầy đủ trong suốt thời gian theo học ở học viện.

Sau khi nhận ra người bạn thuở thiếu thời, không biết có phải vì muốn có cơ hội thăm hỏi, chuyện trò riêng tư với anh Ba hay là do cách tiếp cận sinh viên để lượng giá chương trình giảng dạy, giống như lề lối giáo dục ở phương Tây mà Tiến sĩ Hảo đề nghị với anh Ba là hằng tháng, mời độ chừng hơn 10 sinh viên trong lớp, lần lượt đến tư gia của ông ở đường Phùng Khắc Khoan để dùng cơm tối.

Thường thì trong những dịp như vậy, anh Ba luôn dành cho tôi cơ hội tham dự với danh nghĩa phụ giúp anh sắp xếp và lo thủ tục an ninh khi đến nhà Tiến sĩ Hảo, vì khu vực nầy cũng là nơi cư ngụ của Đại sứ Mỹ nên vấn đề ra vào phải trình báo với Quân cảnh Mỹ canh gác tại đây. Vài lần, họ quen mặt tôi và tin cậy nên dễ dàng thông qua, không mất thời giờ xét hỏi chi tiết từng người. 

Thế là lần nào đến nhà ông cũng có tôi và anh Ba. Thường thì câu chuyện xoay quanh các vấn đề thời sự, đặc biệt tình hình kinh tế trong nước. Ngoài nội dung liên quan, trong lúc chuyện trò cũng có những câu hỏi ngoài lề mà sinh viên thường hay tò mò muốn biết.

Sài Gòn trước 1975

Qua nhiều câu chuyện, chúng tôi được biết, Tiến sĩ Hảo thuở nhỏ rất thông minh và lanh lợi, thi đâu đậu đó, chơi gì thắng nấy, chả bù anh Ba là người hiền lành, tẩn mẩn, chân chỉ hạt bột, nhà nghèo thôi học sớm, ra đời tìm kế sinh nhai và lo phụ giúp gia đình cha mẹ. Trước tiên anh được tuyển dụng vào làm thư ký ở tòa án, sau đó học thêm, đậu được bằng tú tài toàn phần lên làm Lục sự tỉnh Vĩnh Long cho đến ngày trúng tuyển vào học viện.

Riêng Tiến sĩ Hảo xuất dương du học ở Pháp vừa đi học vừa đi làm, sau đó sang Thụy Sĩ tiếp tục học cho đến khi đậu bằng Tiến sĩ Kinh tế ở Genève. Trong suốt thời gian nầy, ông có quen biết bà Cao Thị Nguyệt, nguyên là vợ thứ của Tướng Lê Quang Vinh (Ba Cụt). Trái với dư luận đồn đãi, hôn nhân giữa bà với Tướng Lê Quang Vinh có cầu hôn đàng hoàng và được sự chấp thuận của cha mẹ bà, cũng như bản thân bà. Lúc bấy giờ bà đang là nữ sinh nội trú theo học chương trình Pháp tại Sài Gòn.

Theo bà, ông Ba Cụt được Pháp chính thức phong hàm Đại tá vào cuối năm 1953, lúc mới 30 tuổi, trong lần ông dẫn quân về hợp tác toàn diện với người Pháp và được Bộ Thuộc địa trợ cấp lương bổng giống y như các lực lượng vệ binh khác ở miền Nam. Khoảng đầu năm 1956, ông được thăng cấp hàm thiếu tướng với điều kiện phải sáp nhập toàn bộ lực lượng dưới quyền vào Quân đội Quốc Gia Việt Nam.

Bà kể lại, tướng Lê Quang Vinh là một người rất gan dạ, nhiều mưu trí, đồng thời sinh hoạt rất cởi mở và ngay thẳng. Đối với một lực lượng đông đảo nhiều thành phần như vậy, đa số là nông dân, ông có tài thuyết phục và cư xử rất “anh hùng mã thượng” mới thống lãnh được họ. Tướng Lê Quang Vinh danh trấn cả một vùng. Bà là người đại diện chính thức cho ông trong những lần liên lạc, thương thuyết với các viên chức cao cấp người Pháp.  

Sau ngày chồng bị hành quyết ở Cần Thơ năm 1956, bà xin xuất ngoại sang Pháp định cư. Mãi cho đến gần cuối năm 1960, bà mới lập gia đình với Tiến sĩ Hảo. Sau đó hai người từ Pháp quyết định trở về Sài Gòn và ông Hảo bắt đầu tham chính. Nhờ vào những mối quan hệ của bà trước đây trong lực lượng Dân Xã Đảng (Phật Giáo Hòa Hảo) mà Tiến sĩ Hảo được cất nhắc vào các vị trí lãnh đạo Ngân hàng Phát Triển Nông Nghiệp. Chỉ trong một thời gian ngắn, ông đạt được những thành tích rất đáng khâm phục trong lãnh vực nầy.

Cho đến khi Giáo sư Bông giới thiệu và mời về giảng dạy ở Học viện thì ông đã tiến rất xa trong lãnh vực điều hành nền kinh tế Việt Nam Cộng Hòa. Nổi bật nhất là ông thành lập được một “Quỹ Phát Triển Kinh Tế Quốc Gia” với số vốn huy động đầu tư trên 10 triệu đôla, một con số chưa từng có từ trước đến nay. Chính phủ cử ông làm Tổng đốc quỹ nầy. 

Lúc bấy giờ, anh Ba sinh hoạt rất có uy tín trong giới sinh viên. Anh em bầu anh làm trưởng lớp. Khác với những người trước, anh luôn giúp đỡ anh em rất chân tình khi họ gặp khó khăn về vật chất trong thời kỳ còn đi học. Anh lập ra một nhóm tranh cử ở trường; và liên danh do anh thụ ủy Chủ tịch đã đắc cử vào Ban đại diện Sinh viên Quốc Gia Hành Chánh nhiệm kỳ 1971-1972. Có hai điểm nổi bật nhất kể từ khi anh trở thành đại diện sinh viên.

Thứ nhất là cải tiến sinh hoạt ở câu lạc bộ. Chính anh đã dự vào quá trình chọn nhà thầu cho bếp ăn tập thể, có chế độ kiểm tra chất lượng các bữa ăn cho sinh viên; thứ hai là tình trạng cư trú ở các phòng trong ký túc xá, vấn đề vệ sinh và sinh hoạt buồng, ốc đi vào nề nếp ổn định, tránh các tệ nạn xảy ra như nhậu nhẹt say sưa hay cho người vào phòng cư trú bất hợp pháp. Nói chung là mọi việc nhằm nâng cao ý thức và trách nhiệm của sinh viên.

Đúng vào lúc đó thì xảy ra vụ ám sát Giáo sư Bông. Chính Tiến sĩ Hảo cùng với anh Ba đã nhiệt tình tham gia tổ chức lễ tang cho Giáo sư Viện trưởng thật chu đáo. Tiến sĩ Hảo túc trực ngày đêm trong tang lễ và ông đã xin phép gia đình cũng như đồng nghiệp, chiến hữu được gởi tặng một chiếc áo quan đặc biệt cho thầy; còn anh Ba tổ chức “Đêm không ngủ” tại sân trường Quốc gia Hành Chánh ngay sau đêm thầy tử nạn (1971).

Sài Gòn trước 1975

Năm sau, lớp Đốc sự khóa 17 tốt nghiệp ra trường. Tiến sĩ Hảo gặp gỡ sinh viên và chúc mừng anh em sớm thành đạt với lời nhắn nhủ chân tình “Sự nghiệp là hàng đầu trên tất cả mọi sự.” Anh Ba thi đậu ra trường với thứ hạng 3 và chọn nhiệm sở về “Quỹ Phát Triển Kinh Tế”, được Tiến sĩ Hảo cử ngay làm Chánh văn phòng Tổng đốc. Chỉ một ít lâu sau đó, Tiến sĩ Hảo được cử làm Phó Thủ tướng đặc trách Phát triển Kinh tế, kiêm nhiệm Tổng trưởng các Bộ Canh nông và Kỹ nghệ. Nói chung là tập trung hầu hết bộ liên ngành trực thuộc về phủ.

Khi về làm việc ở cơ quan mới, mà hầu hết đều là chuyên viên tốt nghiệp ở nước ngoài, đa số là ở Mỹ, hơn nữa khi làm nhiệm vụ Chánh văn phòng phải tiếp xúc thường xuyên qua điện thoại cũng như xã giao với các viên chức nước ngoài, anh Ba điều hành văn phòng không suôn sẻ, tất cả đều phải nhờ vào thông dịch viên nên rất trở ngại. Biết được điều đó, Tiến sĩ Hảo vốn có nhiều mối quan hệ với Mỹ nên đề nghị anh lo thu xếp gia đình để đi tu nghiệp ở Hoa Kỳ một thời gian ngắn khoảng hai năm.

Vốn hiền lành, tác phong cẩn trọng và khiêm nhường, biết khả năng hạn chế của mình cùng với nhiều lý do khác nữa mà anh em không ai biết được, anh Ba từ chối lời đề nghị của Tiến sĩ Hảo.

– Vậy anh muốn làm việc ở đâu? Tiến sĩ Hảo hỏi.

– Xin thầy cho tôi về làm việc ở Bộ Canh Nông.

Lúc bấy giờ, tôi và một số anh em biết được lấy làm tiếc lắm cho anh. Cơ hội ngàn năm một thuở, con đường rộng thênh thang mà anh không đi. Anh chọn về Bộ Canh nông làm một viên chức bình thường siêng năng, mẫn cán được mọi người kính trọng.

Chưa bao lâu thì tới ngày 30 Tháng Tư 1975. Tiến sĩ Hảo ở lại và anh Ba cũng ở lại. Có điều Tiến sĩ Hảo có công giữ lại tài sản quốc gia, trong đó có 16 tấn vàng để bàn giao cho phía bên kia nên không phải đi “cải tạo”, còn anh Ba thì trình diện đi “cải tạo” ở trại Long Thành.  

Thế rồi xã hội đổi thay, tất cả anh em thuộc viên chức chế độ cũ không còn cơ hội tiếp xúc với nhau nhiều. Mọi người sống khép kín, như bóng chìm trong các biến động nhiễu nhương của thời cuộc.

*****

Năm 2015, tôi tình cờ nhận được tin nhắn qua điện thoại của anh Ba cho biết rằng anh đã đến Mỹ và rất mong được đến thăm tôi tại nhà hoặc ra một nhà hàng nào đó gần khu Little Saigon để hàn huyên. Anh nói:

– Chỉ có tôi và bạn thôi.

– Sao vậy? Anh em cũng nhiều người cùng ở đây mà.

– Mình ngại. Không tiện để gặp nhau nhiều người.

– Anh ngại, tôi còn ngại hơn nữa nếu chỉ gặp riêng anh.

– Thôi thì tùy bạn quyết định. Tôi chỉ có một mong muốn duy nhất là thăm gặp bạn. 

Anh cho biết anh sang đây để thăm đứa con gái đang du học ở một tiểu bang miền Đông, Hoa Kỳ và sẽ ở lại chơi, thăm thân nhân khoảng hơn một tháng. Anh dự định sau khi thăm con gái xong sẽ bay qua Cali ở vài ngày trước khi trở về Việt Nam từ phi trường Los Angeles.

Sau khi nhận được tin nhắn, tôi suy nghĩ lung lắm. Gần 40 mươi năm không gặp, chuyện đời trải qua biết bao gian truân trở ngại. Tình bạn theo thời gian cũng không biết sẽ đối xử ra sao. Thà như ngày xưa, lúc còn ở chung trong một bên thua cuộc; bây giờ kẻ sang Ngô, người qui Thục, khó mà hiểu nhau. Cuối cùng, tôi đề nghị mời một số bạn mà cả anh và tôi đều chơi thân với nhau hồi còn đi học.

Tất cả sẽ gặp nhau ở nhà tôi thưởng thức món “bún mắm”, nấu theo kiểu ở Cai Lậy, mà tôi thường hay đãi bạn từ hơn 10 năm nay. Mắm “cá sặc” nấu nhừ nhuyễn, lược lấy nước bỏ xương; điểm đặc biệt là phải thêm gia vị sao cho thơm mùi mắm, sau đó cho thịt ba rọi, cá, mực, tôm tươi vào lẩu mắm đun sôi, ăn nóng với bún và rau sống đủ loại. Các bạn gốc người trong Nam thích đã đành mà ngay cả các bạn người miền Trung và nhất là người miền Bắc, cỡ như người đất Thăng Long ngàn năm văn vật, mà cũng không tiếc lời khen “vô đối.”

Ban đầu anh từ chối, không gặp bạn như lời đề nghị của tôi. Anh giải thích:

– Cũng khó lòng lắm vì anh em vẫn còn nghi ngại, nhất là đối với những ai còn ở lại Việt Nam, tham gia làm việc trong chế độ mới.

– Không gặp gỡ, liên hệ mới làm cho sự nghi ngại, dè dặt tăng lên. Cứ hãy gặp nhau bình thường, sinh hoạt cởi mở trước rồi hẵng hay. Tôi nói.

Cuối cùng anh đồng ý sau khi nghe tôi nói thật lòng là chẳng có chi quan trọng cả. Anh em gặp nhau ở nhà tôi chỉ như là chuyện “thường ngày ở huyện.”

Buổi tối hôm ấy có tất cả năm gia đình đi cả chồng lẫn vợ đến nhà tôi rất sớm. Ai cũng háo hức gặp anh Ba và đồng thời cũng muốn biết tình hình thực tế nói chung ở Việt Nam giờ ra sao, nhất là các bạn cùng khóa hiện còn sống ở quê nhà.

Sài Gòn trước 1975

Qua những câu chuyện trao đổi có tính cách riêng tư, anh kể lúc còn làm việc ở Tòa án tỉnh Vĩnh Long, vì thấy nhiều trường hợp dân lành nghèo nàn, không am tường pháp luật, nhất là các thủ tục rườm rà nên anh ra tay giúp đỡ họ. Không kể thành phần phạm nhân thuộc loại hình sự hay chính trị, anh đều thấy động lòng thương và giúp đỡ thân nhân họ một cách tận tình, được dễ dàng hơn trong việc thăm nuôi người phạm tội. Điều đáng nói ở đây là anh chỉ nhận lời cám ơn và quà biếu tượng trưng. Không nhận những lợi lộc quá với công việc của mình. 

Khi biến cố 30 Tháng Tư xảy ra, giống như các viên chức chế độ cũ, anh cũng đi trình diện “cải tạo” và may mắn được về sớm, do Ủy ban Quân Quản Sài Gòn, bộ phận kinh tài đã đề nghị danh sách xin được thả về cơ quan cũ trước đây để quản lý. Anh xác nhận là có ý kiến đóng góp của Tiến sĩ Hảo trong việc lập danh sách nầy, chứ anh không có thân nhân cách mạng nào bảo lãnh cả.

Có lần, một cán bộ cao cấp ở tỉnh Vĩnh Long tìm đến nơi cư ngụ gia đình anh, chỉ để hỏi thăm và kể cho anh biết rằng gia đình ông ấy hết sức mang ơn anh thời kỳ trước, dù chính anh cũng không còn nhớ sự việc ấy như thế nào. Ông ấy ngỏ ý nếu cần gì, anh hãy cho ông ta biết để sẵn sàng giúp đỡ. Anh chỉ cám ơn.

Trở về đời sống xã hội, anh làm đơn xin việc ở “Trung tâm Dịch thuật” thuộc Hội Trí thức thành phố để được có hộ khẩu và sinh hoạt ở nội thành. Chỉ để có hộ khẩu là chính, chứ không có việc làm chính thức hay chuyên môn gì cả. Lương bổng, trợ cấp chẳng đáng bao nhiêu, anh cùng với vợ con làm thêm những nghề mua bán, đổi chác lặt vặt để sinh sống qua ngày.

Được một thời gian, trung tâm có thông báo là thành phố sẽ mở một kỳ thi tuyển cán bộ pháp lý. Anh em nào muốn và đủ điều kiện qui định thì trung tâm sẽ giới thiệu đi thi. Anh thi đậu cùng với một số bạn khác cùng khóa 17 QGHC. Hai năm sau, anh và tất cả các bạn đều trở thành luật sư của thành phố. Anh chuyên về các vụ kiện dân sự và thương mại. Cũng giống như khi còn làm lục sự ở Tòa án tỉnh Vĩnh Long, anh bây giờ là luật sư nổi tiếng giúp người nghèo khó. Không xem đây như là một nghề kiếm nhiều tiền, anh tự thấy đời sống đỡ hơn trước nhiều, nhờ văn phòng luật của anh làm thêm các dịch vụ chứng thực và lập hồ sơ cá nhân đúng theo luật định về hôn nhân cũng như thừa tự.

Đan xen vào chuyện kể của anh là những câu chuyện râm ran, đời thường của một số bạn còn ở lại Việt Nam hay ở Mỹ. Tất cả đều là những câu chuyện cũ.

Trời đã về khuya mà anh em vẫn chưa muốn dứt chuyện, nhưng rồi cũng phải chia tay, ai cũng hẹn là sẽ còn có cơ hội gặp nhau, khi con anh ra trường. Chừng đó sẽ có đông anh em hơn và biết đâu có thể hết cả khóa 17 sẽ đi dự tiệc cưới của con anh ở tại Mỹ. Anh cười xuề xòa, nghiêng mái đầu bạc trắng nhẹ nhàng cúi xuống thật thấp. 

– Cám ơn các bạn.

Khi mọi người đã ra về hết, tôi ngồi vào bàn viết, lẩn thẩn nghĩ ngợi về anh thật nhiều.

Thiện ác đáo đầu chung hữu báo.” Chính nhờ sự hiền lành, khiêm nhường và lòng thương người của anh đã giúp anh sống sót qua những thời kỳ vô cùng nghiệt ngã trong một cuộc bể dâu, đau thương mất mát, khiến sự nghiệp đời người thoáng chốc trở thành như mây khói.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: