Rời Bảo tàng Louvre cùng những kiệt tác

Cấu trúc Bảo tàng Louvre gồm ba cánh: Denon (phía Nam), Sully (phía Đông), và Richelieu (phía Bắc) – mỗi cánh có những gian trưng bày theo từng chủ đề, thể loại (ảnh: Patrick Langwallner/Unsplash)
Share:

André Martin và Renaud Wald lặng lẽ rời Bảo tàng Louvre, trong tay họ là những bức tranh tuyệt đẹp mà không hề bị hệ thống “báo động đỏ” phát hiện. Hệ thống báo động công nghệ cao này sẽ tự động đóng các lối ra vào, khóa tất cả cửa nối các gian trưng bày của viện bảo tàng rộng lớn chỉ trong vài phút khi phát hiện có kẻ gian. Thế nhưng, cứ thoải mái mang theo hai bức tranh, André Martin và Renaud Wald đến trạm xe điện ngầm gần đó rồi lên một chuyến tàu đi về nhà. Làm thế nào để họ có thể hành động giữa thanh thiên bạch nhật như vậy?

Phải chăng những gì vừa mô tả trên đây là hình ảnh từ một bộ phim hình sự? Hay hệ thống báo động và mạng lưới an ninh của Bảo tàng Louvre “có vấn đề”? Không, đơn giản André Martin và Renaud Wald là những người sao chép tranh (copyist), được Bảo tàng Louvre cấp giấy phép để hành nghề, căn cứ vào một điều luật đã được Chính phủ Pháp ban hành từ năm 1957.

Một họa sĩ copyist chép lại bức Une Odalisque (La Grande Odalisque) – một tác phẩm năm 1814 của họa sĩ Pháp Jean-Auguste-Dominique Ingres (1780 – 1867) (ảnh: Alain Lecocq/Sygma/Sygma/Getty Images)

Số lượng những copyist có thể lên đến 250 người và tất cả phải có tay nghề sao chép giỏi, thậm chí họ là những copyist tài năng vì có thể chép thật chính xác các kiệt tác trưng bày trong bảo tàng. Để được cấp phép hành nghề ở Louvre, ngoài khả năng chuyên môn đã được thẩm tra, copyist phải chờ có khi đến 24 tháng mới đến lượt mình. Tất nhiên có những qui định nghiêm ngặt đối với nghề này.

Điều quan trọng nhất, tranh được sao chép phải là sở hữu công cộng, không còn bản quyền của tác giả, nghĩa là đã có trên 70 năm kể từ khi được tác giả của nó thực hiện. Kích thước tranh sao chép phải lớn hơn hoặc nhỏ hơn 1/5 so với bản chính. Không được ký tên tác giả thực mà phải ký tên người sao chép cùng câu “từ tác phẩm của… (tên tác giả thực)”.

Khi copyist mang tấm canvas để sao chép tranh đến bảo tàng, nó sẽ được đóng dấu cùng chữ ký của giám đốc bảo tàng ở cả hai mặt và ghi rõ thời gian sao chép. Khi công việc chép tranh hoàn tất, bức tranh chép được bảo tàng đóng dấu, ký tên xác nhận lần nữa trước khi copyist mang tranh đi. Mỗi copyist được phép sao chép một tác phẩm nào đó do họ chọn trong thời gian tối đa ba tháng, từ 9g30 – 13g30 mỗi ngày trừ Chủ Nhật và các ngày lễ và chỉ được chép từ Tháng Chín đến Tháng Sáu (những khoảng thời gian bảo tàng không quá đông khách). Họ mang theo canvas, màu và dụng cụ vẽ. Giá vẽ và ghế ngồi vẽ được bảo tàng cho mượn. Nếu có dịp đến với Louvre, bạn dễ nhận ra những copyist ở hầu như khắp các gian trưng bày, nhưng những nơi tốt nhất để ngắm nhìn công việc của họ là khu trưng bày tranh của các họa sĩ Pháp ở tầng hai thuộc cánh Richelieu và Denon.

Một góc Louvre (Jean Carlo Emer/Unsplash)
Đây là bức Trẻ ăn mày của họa sĩ Bartolome Esteban Murillo vào thế kỷ 17. Một chi tiết liên quan thú vị: Một bức tranh chép của tác phẩm này, bị đổi tên thành Mơ về một ngày mai (Dream of the following day) để “hô biến” thành tranh… Tô Ngọc Vân, rồi đem đấu giá tại nhà Chrisite’s Hong Kong ngày 28 Tháng Năm 2017, và bán được với giá $350,000!

Viết về Mơ về một ngày mai (Dream of the following day), “chuyên gia” thẩm định tranh Việt Nam – Jean François Hubert của Christie’s – giới thiệu trong website Christie’s như sau: “Với xu hướng hiện thực và chủ nghĩa biểu tượng mạnh mẽ, bức tranh Mơ về một ngày mai khác nào là một bản tóm tắt những suy tư của Tô Ngọc Vân: Rồi sẽ có đổi thay và hi vọng. Nhà phê bình nghệ thuật nổi tiếng người Pháp Claude Mahoudeau sớm nhận ra phẩm chất của các tác phẩm của Tô Ngọc Vân và đã mua lại bức tranh đầy cảm xúc và rung động này trực tiếp từ họa sĩ”. Tay người Pháp ma giáo Jean François Hubert này cũng đứng sau lưng vụ triển lãm gian dối động trời có tên “Những bức tranh trở về từ châu Âu” hồi Tháng Mười Một 2017 tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM.

André Martin và Renaud Wald là những người tiếp nối một truyền thống đã được khởi sự từ cuộc Cách mạng Pháp (1789-1799). Số là sau khi triều đại của Vua Louis 14 cáo chung, vào Tháng Mười Một 1793, một tháng sau khi Hoàng hậu Marie Antoinette bị xử tử thì chính quyền cách mạng tuyên bố cung điện Louvre, nguyên là chỗ ở của Vua Louis 14, được mở cửa đón công chúng vào thưởng lãm kho tàng tác phẩm nghệ thuật được lưu giữ tại đây qua nhiều triều đại phong kiến. Louvre lúc đó được đặt tên là “Bảo tàng Trung tâm của nền Cộng hòa” và chính quyền lúc đó còn tiến thêm một bước xa hơn nữa trong ý tưởng dân chủ hóa kho tàng nghệ thuật này. Đó là bất kỳ họa sĩ nào, chuyên nghiệp cũng như không chuyên, đều được mời đến Louvre để sao chép bất kỳ tác phẩm nào họ thích.

Và từ đó đến nay đã có hàng ngàn người được hưởng một thành quả bất ngờ từ cuộc Cách mạng Pháp. Trong số họ, có cả những tên tuổi lớn trong lịch sử mỹ thuật phương Tây như August Renoir, Paul Cézanne, Edgar Degas, Marc Chagall, Pablo Picasso, Henri Matisse, Salvador Dalí, Mary Cassatt. Mục đích chính của họ khi sao chép tranh ở Louvre là học hỏi những bí quyết về sử dụng màu sắc, kỹ thuật và cả cách bố cục tác phẩm từ các bậc thầy hội họa của mọi thời đại. Có thể gọi đó là một trường dạy vẽ tự do, không có thầy hướng dẫn. Edgar Degas từng nói về công việc sao chép tranh như sau: “Bạn phải chép đi chép lại tranh của các bậc thầy, và chỉ sau khi chứng tỏ mình là một copyist giỏi, lúc đó mới có thể tạm chấp nhận cho bạn thử vẽ một bức tĩnh vật chỉ với một củ cải thôi”. Nhiều copyist đến Louvre chỉ để sao chép những tranh tĩnh vật với trái cây và rau củ.

Một góc Louvre (Lukas Zischke/Unsplash)

Marius Allier, một họa sĩ trẻ tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Paris đã thu hút đám đông khách tham quan khi anh chép thật cẩn trọng bức tranh nổi tiếng Những phụ nữ ở Algiers của Eugène Delacroix (1798-1863) – tác phẩm được các copyist ưa thích và cũng là thách thức đối với nhiều copyist, trong đó có cả Picasso mà sau này, vào thập niên 1950, ông đã thực hiện nhiều biến tấu từ tuyệt tác nói trên. Trong khi đó họa sĩ nghiệp dư Catherine Balpe đã sao chép bức tranh chân dung Hai chị em của họa sĩ Theodore Chasseriau  (1819-1856), được bà sáng tác năm 1843 để làm quà tặng chồng. Họa sĩ Sam Rachamin đến từ đất nước Israel thì nỗ lực để tái hiện bức Người đàn bà tắm của Jean-Auguste-Dominique Ingres (1780-1867), được tác giả vẽ năm 1808.

Bức Women of Algiers của Eugène Delacroix, khoảng 1832–34, tranh sơn dầu, 46 x 37.8 cm (Musée du Louvre, Paris)
Bức “La Paix ramenant l’Abondance”, 1780, trong Musée du Louvre, Paris (ảnh: Fine Art Images/Heritage Images/Getty Images)
Sinh viên mỹ thuật và người chép tranh tại Louvre – tranh khắc gỗ của họa sĩ Mỹ Winslow Homer (1836-1910), hiện được trưng bày tại Thư viện Quốc hội Mỹ ở Washington DC

Ở Paris, ngoài Bảo tàng Louvre còn có Bảo tàng Orsay mở rộng cửa cho các copyist hành nghề và cũng hoàn toàn miễn phí cho họ. Tại Mỹ, Bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia ở Washington D.C là nơi được các copyist tìm đến vì cũng miễn phí. Trong số đó có cả các họa sĩ chuyên nghiệp đến từ nhiều nước. Pamela Jarrett, họa sĩ chuyên nghiệp từng sống ở Ý sáu năm cho biết các bảo tàng Ý không cho phép sao chép tranh, trong khi Bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia (National Gallery of Art  – NGA) ở Washington D.C còn tổ chức các khóa dạy sao chép tranh cho người yêu thích công việc này. Cụ bà Vivian Parker, 86 tuổi, nguyên là một nhà khoa học có bằng tiến sĩ lý hóa đã làm việc chuyên môn suốt 35 năm trước khi nghỉ hưu, để rồi tìm lại tình yêu hội họa đã có từ thời niên thiếu. Trong hơn mười năm qua, sau khi theo học một khóa sao chép tranh, cụ Vivian Parker đã tham dự một chương trình dành cho các copyist ở bảo tàng, đều đặn đến chép tranh một ngày mỗi tuần tại đây.

Năm 2000, khi sang Paris, người viết bài này (áo len xám) đã đến Louvre và trực tiếp xem một copyist đang sao chép bức Thánh Anne, Đức Mẹ Maria và Chúa Hài Đồng của Léonard de Vinci

Bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia là quà tặng của nhà tư bản tài chính Andréw Mellon (1855-1937), một nhà sưu tập tác phẩm mỹ thuật lừng danh, nguyên là Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ những năm 1921-1932, dưới thời Tổng thống Warren G. Harding. Khi trao tặng cho nước Mỹ của ông món quà vĩ đại này, điều kiện của Andréw Mellon là nó phải mở cửa miễn phí cho mọi người đến thưởng ngoạn và học tập.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: