Ba đại lộ đầy cây xanh, sầm uất nhất Sài Gòn đã bị “sa mạc hóa” như thế nào?

Sai Gòn hôm nay, đại lộ Nguyễn Huệ trơ trọi trong mùa nắng. (Ảnh DS Media)

Ai cũng biết đó là ba đại lộ nào: Tôn Đức Thắng, Nguyễn Huệ và Lê Lợi. Và ai cũng biết ba đại lộ giữa trung tâm Sài Gòn ấy từng đẹp đẽ ra sao; nhiều cây cối mát mẻ ra sao; buôn bán sầm uất, khách qua lại tấp nập ngày đêm ra sao.

Đại lộ Tôn Đức Thắng trước 1975 là cung đường Cường Để tạo nên “khung trời đại học” thơ mộng, lãng mạn thứ hai của Sài Gòn; cuối thập niên 1990 từng là một trong những cung đường được xếp hạng đẹp nhất Việt Nam.
Hai đại lộ Nguyễn Huệ, Lê Lợi – hai dòng kinh/đường nước đầu thời Pháp thuộc bị lấp thì sau đó cả trăm năm, luôn là cung đường “ngựa xe như nước, áo quần như nêm” tạo nên bộ mặt đô thị bậc nhất của một Sài Gòn phát triển, thay đổi từng ngày.

Dù có thay đổi thế nào thì những hàng cây trên ba đại lộ ấy vẫn đứng đó, tầng tầng lớp lớp cành lá chống nóng từ trên cao 10-15m cho các con đường. Các mái hiên nhà ở tầng trệt nhô ra một, hai thước tạo lớp chống nắng, chống mưa thứ hai. Những rèm che ở tầng một, tầng hai rủ xuống tạo lớp chống nắng, chống mưa thứ ba.

Du khách ngoài đường, cư dân trong nhà sống với thiên nhiên, thời tiết vốn ngún ngoảy của đô thị lớn nhất nước như vậy. Nên cả ba, từ xưa không ai có thể phủ nhận một điều: đều là những cung đường đẹp nhất góp phần tạo nên một “Hòn ngọc Viễn đông”. Không chỉ đẹp mà còn giàu, sầm uất, tấp nập cả ngày lẫn đêm; mang về cho cư dân sống trên đó và cho ngân sách những khoản thu khổng lồ.

Đại lộ Nguyễn Huệ Sài Gòn với hàng cây xanh đã bị bức tử.

Theo báo cáo của Sở Du lịch TP.HCM, năm 2022, tổng lượng khách du lịch đến thành phố đạt hơn 34,7 triệu lượt. Trong đó, một trong những tuyến đường khách du lịch thường xuyên lui tới nhất là đường Lê Lợi (quận 1) với hàng trăm cửa hàng dịch vụ, kinh doanh cùng với các văn phòng nằm dọc tuyến đường.

Từ góc nhìn cá nhân của mình, tôi luôn nghĩ đẹp – giàu là cặp phạm trù cần đi đôi. Truyền thống chỉ có giá trị nếu nó tạo phát triển cho hiện tại và tương lai. Tôi cũng xin mạn phép nghĩ rằng nếu chỉ đẹp mà nghèo thì đẹp làm gì vì cái đẹp đó vô nghĩa. Cư dân nơi đó chắc cũng không thích đẹp mà nghèo. Vấn đề là làm sao để cái đẹp đó tạo ra sản phẩm, tạo ra phát triển, tạo nên giàu sang.

Những ngày cũ, quá khứ của ba đại lộ ấy đã làm được điều này – đơn giản không chỉ là những khối kiến trúc chống nắng che mưa mà còn không thể thiếu những hàng cây điều hòa nhiệt độ, sinh thái môi trường. Các nhà khoa học đã khẳng định: dưới những tàng cây, nhiệt độ giảm 10-14 độ.

Thế nhưng, với đủ lý do và lý do nào cũng có vẻ hợp lý; bất chấp một câu nói quen thuộc: “Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”. Để làm cầu Thủ Thiêm 2, hàng cây trăm năm đường Tôn Đức Thắng đã không còn; có lẽ “về sau, và nhiều năm sau nữa” người Sài Gòn vẫn nhớ đến thắt ruột. Để làm phố đi bộ, hàng cổ thụ hai bên đường Nguyễn Huệ cũng không còn. Để làm Metro, một hàng cây cổ thụ hai bên đường Lê Lợi cũng bứt gốc.

Ngay sau đó, nắng Sài Gòn đã phủ chang chang trên những cung đường ấy, không bóng cây, khô khốc. Ai đi qua cũng nhận ra điều này. Nóng bức, không đẹp đã đành, việc kinh doanh ở đó đã không còn như cũ khi khách qua lại chỉ đi vội cho nhanh.

Một người đàn ông ngủ dưới bóng râm ít ỏi của trụ điện trên đường – Ảnh: Duyên Phan

May thay, những hàng cây non đã được trồng lại trên đường Tôn Đức Thắng và hình như nó trồng gần sát nơi những hàng cổ thụ cũ. Thậm chí từ ngã tư Lê Duẩn đến gần cầu, đi qua đây, tôi vẫn tự hỏi: tại sao không giữ lại những hàng cây ấy khi nó không ảnh hưởng đến cầu. Ngược lại, những hàng cây dẫn lên cầu, phủ bóng thành cầu rõ ràng đẹp và mát biết bao nhiêu.

May thay, những hàng cây non đã được trồng lại trên đường Nguyễn Huệ. Nó sẽ lớn, che mát hai bên. Còn bây giờ, “phố đi bộ” Nguyễn Huệ chỉ có người đi bộ lúc sáng sớm và đêm về. Còn khi nắng đã lên, cả cung đường trơ trọi trong nắng Sài Gòn ai cũng biết nó như thế nào. Cả trăm năm trước đây, từ khi nó lấp kinh làm đường Charner,dân gọi là đường Kinh Lấp, nó tấp nập khách bộ hành cả ngày lẫn đêm – dù chưa mang danh “phố đi bộ”.

Bài học kinh nghiệm ấy vẫn còn sờ sờ ra đó. Vậy mà không hiểu sao các vị ở Sở Quy hoạch – kiến trúc TP.HCM bỗng dưng đề xuất lên UBND TP.HCM: làm mái che vỉa hè trên đường Lê Lợi (quận 1). Cụ thể: vỉa đường Lê Lợi mỗi bên trung bình 5,5m – 6m sẽ được đề xuất bố trí mái che nắng, che mưa vươn ra 4m.

Trước đó, tháng 8-2022, khi đường Lê Lợi được hoàn trả mặt bằng sau tám năm lô cốt, Sở Quy hoạch – Kiến trúc cho biết sẽ giảm các làn xe chạy, tăng diện tích cây xanh, tiện ích công cộng… https://vnexpress.net/duong-le-loi-duoc-tra-mat-bang-sau…

Họ hứa vậy và sáu tháng sau họ lại điều chỉnh đề xuất làm mái che với lý luận rất lớn lao về mục tiêu: tăng tính hấp dẫn, tạo không gian thương mại, mua sắm dọc phố thêm sinh động. Vật liệu mái che sẽ sử dụng các chất liệu đẹp, bền vững, tiết kiệm chi phí kết hợp các loại vật tư với thiết kế màu sắc nhẹ nhàng, hài hòa với cảnh quan chung của khu vực.

“Hài hòa” một cụm từ hiện nay đang được nhiều cán bộ nói dù nó rất chung chung, không cụ thể. Còn mục tiêu của họ thì ai cũng biết nó được làm từ lâu rồi, từ thời Pháp thuộc tới lúc… làm Metro. Không mới.

Một vài chuyên gia như kiến trúc sư Khương Văn Mười – nguyên chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM – cho rằng việc lắp đặt mái che ở tuyến đường Lê Lợi là hoàn toàn hợp lý. Theo ông, với thời tiết nắng nóng và mưa bất chợt như ở TP.HCM, việc lắp đặt mái che rất hữu ích, người dân và du khách có thể đi bộ không kể nắng mưa. Họ dẫn chứng những mái che dài hàng cây số ở Singapore, Bangkok – Thái Lan…

Ông Mười và một vài chuyên gia kia chỉ dẫn chứng một nửa. Một nửa còn lại họ không thấy hay cố tình không muốn thấy: dưới những mái che ấy, vẫn là những bóng cây xanh mát. Cần trả lại, phục hồi những hàng cây nó vốn có, từng được kiểm nghiệm hiệu quả đẹp và giàu qua cả thế kỷ cho những con đường Sài Gòn.

Không ít vị nói kiên quyết lắm: “Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”. Quá hay! Mong quý vị làm. Nếu được như vậy, tôi tin đa số người dân Sài Gòn và cả khách nước ngoài sẽ biết ơn và trăm năm sau sẽ vẫn nhắc quý vị. Như tới giờ người ta vẫn nhắc những con đường Sài Gòn rợp bóng cây trăm năm trước.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Phú Quốc
Là hòn đảo lớn nhất của Việt Nam, Phú Quốc mang đến sự kết hợp giữa vẻ đẹp thiên nhiên, bãi biển và các điểm tham quan tuyệt vời. SCMP…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: