Cuốn sách tuồng cũ kỹ “Mạnh Lệ Quân chẩn mạch Đông Bình vương” này, ông ngoại tôi mua ở nhà xuất bản Tín Đức Thư Xã số 37 đường Sabourain (nay là đường Lưu Văn Lang) khi ông gần tuổi ba mươi, đã có gia đình.
Lúc đó là năm 1927, ông làm việc ở Sở Hỏa xa Đông Dương gần nhà xuất bản đó vài chục mét nên có thể mua ngay đợt đầu, khi sách còn đang thơm mùi mực của nhà in Nguyễn Văn Của.
Một trăm năm trước, sách tuồng cải lương rất được ưa chuộng ở miền Nam. Qua các tích tuồng, tác giả dạy người ta sống theo Nho giáo, dạy đàn ông biết sống biết trung hiếu tiết nghĩa và phụ nữ thì giữ tam tòng tứ đức.
Trên tờ Đông Pháp thời báo, người ta viết quảng cáo rằng tuồng cải lương “rất có ích cho phong hóa nước nhà” và khuyên “người nào muốn cho con cháu theo đường ngay, chữa nẻo vạy thì đừng có tiếc 0,50$” (vạy là cong, không thẳng). Ở Tín Đức Thư Xã cũng có bán những cuốn khác như “Cái lụy kim tiền” của Phan Như Tiếp là tiểu thuyết xã hội, tuồng cải lương “Vương Sở phối hiệp” tiếp theo sau cuốn “Sĩ Long bội ước” của Trịnh Thiện Tư có những bài dễ ca, có vọng cổ hoài lang, hay cuốn “Mai Trần tái ngộ” có kèm năm tấm hình, bìa giấy láng. Những cuốn sách tuồng lời lẽ mộc mạc nhưng in ấn đẹp, mang đến niềm vui tinh thần cho nhiều người hồi trăm năm trước.
Ông ngoại tôi không phải là người mê xem cải lương. Cả nhà không mấy khi đi xem, nhưng ông mua cuốn này vì nhớ lại kỷ niệm khi gặp bà ngoại tôi. Câu chuyện của ông cũng từ một cuốn sách truyện viết về nhân vật Mạnh Lệ Quân. Đó là cuốn truyện “Tái sanh duyên” của ông Trần Công Đông thuật, in năm 1920. Lúc đó, ông ngoại chỉ mới hơn hai mươi. Cuốn “Tái sanh duyên” đưa ông đến duyên chồng vợ.
Mấy năm trước đó, sau khi cha mẹ mất, cô Bạch Mão tức bà ngoại tôi phải về sống với bà Mười, dì ruột mà chúng tôi gọi là bà cố Mười. Đó là những ngày cơ cực. Bà Mười không chồng, khó tính nên lâu lâu lại trút nên cháu gái những trận đòn vô cớ. Cô Bạch Mão vì miếng cơm nên chịu đựng. Riết rồi cô thu mình lại, chai lì. Thú vui duy nhất của cô là nghe cải lương.
Nhà bà Mười có cái máy hát dĩa, cô Mão mê nghe cải lương, mê đến mức có khi để cơm khét và bị ăn đòn. Tiếng trống, tiếng nhạc, những lời nói lối, tiếng ca ngâm của đào kép khiến cô chìm vào thế giới khác, tạm quên đi thực tại. Cô mê các điệu hát Bình bán vắn, Kim tiền, Phụng cầu hoàng, Xàng xê….
Nhưng nhờ cải lương, cô chuyển đổi phận số. Lúc ấy, có được cắc nào khi lễ tết có vài người bà con đến thăm giúi vào tay, cô Mão lân la đến các tiệm chạp phô có cho thuê truyện của người Hoa, mang một cuốn về xem và săm soi hình ảnh trong đó, mơ có dịp đi xem trên sân khấu.
Thời may lúc đó gần nhà cũng có mở tiệm cho thuê sách, chính là tiệm của cậu Bình, tức ông ngoại tôi. Cô Mão tuy sống cực nhọc nhưng đã trổ mã thành cô gái tươi tắn, đặc biệt có làn da rất trắng của người lai Việt – Hoa. Vài lần đến thuê sách, nói chuyện vài câu, cậu Bình hỏi thăm và biết nơi cô ở gần đó. Cô thầm quý mến anh thanh niên nho nhã ở tiệm.
Một hôm, cô thuê cuốn “Tái sanh duyên” rồi không thể quay trở lại tiệm trả sách vì không biết vì sao, bà Mười biết chuyện cô thường ghé anh hàng sách. Không muốn có chuyện ngoài tầm kiểm soát của mình, bà Mười cấm cửa không cho cháu gái ra khỏi nhà. Đợi mãi lâu không thấy cô gái kia đến trả, quý sách lại nhớ người, anh Bình đánh liều đến nhà tìm cô và may gặp được cô khi bà Mười đi vắng.
Hai người tìm cách gặp nhau những lần khác dù chịu nhiều cản trở từ bà Mười. Sau nhiều lần tìm cách can thiệp không thành, lại gặp phải gia đình cậu Bình có thế lực, rốt cuộc bà Mười bằng lòng gả cô cháu gái. Cuốn “Tái sanh duyên” được coi là ông mai se duyên cho hai người, lúc đó đã bị lạc mất.
Khi đã có hai mặt con, ông ngoại còn mua cuốn “Mạnh Lệ Quân chẩn mạch Đông Bình vương” cho bà ngoại tôi đọc vì thấy hình ảnh in trong đó quá đẹp, rõ ràng sắc sảo. Câu chuyện trong sách chỉ là một phần của truyện “Tái sanh duyên”. Dù sao, nó đủ để gợi nhớ chuyện hai người đến với nhau hồi trước.
Trước khi ông ngoại tôi mất năm 1945, ông dặn bà giữ kỹ cuốn sách kỷ niệm này. Bà ngoại cất sách trong một cái tráp đen cẩn ốc, cùng với mấy món khác là hộp đựng thuốc lá bằng đồng của mẹ bà để lại, ống ngoáy trầu cũng bằng đồng, một đôi bông tai mù u kỷ niệm ngày cưới.
Đến năm 1966, bà mất. Trước đó bà đã giao sách lại cho anh Nhâm của tôi. Năm 1975, gia đình tôi bị mất trộm, kẻ gian vét sạch những món có giá trị của gia đình, kể cả cái tráp cẩn ốc mà chúng tưởng là hộp đựng nữ trang, nhưng quăng lại cuốn sách.
Anh Nhâm mất, tôi tiếp tục giữ cuốn sách, nay đã mất bìa và vài trang rách nát. May là nhiều trang còn nguyên và hình ảnh có thể xem được. Anh tôi còn kịp ghi lại câu chuyện trên, do bà ngoại kể. Dì út của tôi bổ sung thêm vài chi tiết mà anh Nhâm không biết.
Qua trang web Thư viện quốc gia Việt Nam, tôi tìm được tông tích cuốn sách tuồng cải lương “Mạnh Lệ quân chẩn mạch Đông Bình vương” này. Soạn giả – thời đó gọi là “người đặt” – là ông Trương Quang Tiền. Sách có 12 ảnh in trên giấy láng, diễn tả các cảnh khác nhau trong tuồng.
Vở tuồng có 9 màn, 70 bài ca theo 29 điệu như Tứ đại oán, Lưu thủy trường, Văn thiên tường, Xuân tình, Tây Thi, Cổ bản, Bình bán vắn, Kim tiền, Vọng cổ, Khốc Hoàng thiên… Nhìn bộ ảnh trong sách, thấy ngay diễn viên Phùng Há trong vai Mạnh Lệ Quân, ngoài ra không nhìn thêm được diễn viên nào.
Cảnh trí trên sân khấu, trang phục của diễn viên và nét diễn xuất do ảnh chụp bắt động tác khá sinh động và biểu cảm. Kỹ thuật in của nhà Nguyễn Văn Của, nay vẫn còn dấu tích trên đường Nguyễn Du, từ gần trăm năm trước đã khá tốt, tốt hơn nhiều so với các ấn phẩm báo chí cùng thời, kể cả so với các giai phẩm xuân ra đời sau đó vài thập niên.
Cuốn sách gợi nhớ những ngày gia đình bên ngoại tôi sống ở Khánh Hội, nay thuộc quận 4. Đó là thời vùng đất ấy còn hiền hòa, cảnh trên bến dưới thuyền chỉ cách căn nhà của ông cố tôi vài chục bước chân từ cái sân rộng bao quanh nhà đi ra bến Vân Đồn. Ngày nay, căn nhà nơi ông ngoại tôi nằm võng đọc truyện Tàu hồi đầu thế kỷ 20 đã thu hẹp lại chỉ còn một căn phố nhỏ.