Một cư xá nho nhỏ, kín đáo ở Ông Tạ

Cư xá Thoại Ngọc Hầu hiện nay. (ảnh: CMC)

Từ đầu đường Phạm Văn Hai, qua ngã tư Lê Văn Sỹ – vài chục mét, bên trái có một cư xá, thông ra đường Lê Văn Sỹ hiện nay (đầu đường là phở Phú Vương có tên trong các tour guide).

Cư xá này chỉ vài chục nóc gia; trước 1975 hình như không có tên. Có người gọi là cư xá Phủ Thủ Tướng, cư xá Phủ Tổng Thống – hình như do có nhà trong cư xá làm ở mấy phủ đó (?). Sau 1975, có lúc nó được gọi là cư xá Đỉnh Thiêng do trong đây có quán cà phê Đỉnh Thiêng khá nổi tiếng một thời. Thậm chí một thời gian ngắn nó được gọi là cư xá F8615 (? – không rõ vì sao có tên này, có lẽ do một đơn vị quân quản nào đặt).

Đầu hẻm 337 Lê Văn Sỹ hiện nay. (ảnh: CMC)

Ông Thiệu, ông Kỳ, đều là dân Ông Tạ

Bà con quen gọi là cư xá Thoại Ngọc Hầu – do nằm trong hẻm 15 đường Thoại Ngọc Hầu (từ giữa thập niên 1980 đổi thành Phạm Văn Hai cho tới nay).

Khu nhà này phải nói rất yên tĩnh và đẹp. Nhà nào cũng trệt hoặc một trệt một lầu, bên ngoài là sân thượng nhỏ; tường rào và cổng có giàn bông giấy. Sân trước nhiều nhà có xích đu. Có ba đường ra vô cư xá: Trương Minh Ký (nay là hẻm 337 Lê Văn Sỹ), Thoại Ngọc Hầu và hẻm thông ra đường Bùi Thị Xuân.

Từ đầu hẻm 15 vô chừng vài chục mét là cư xá Thoại Ngọc Hầu. Trong đó có nhà đại tá Huỳnh Văn Tồn, cựu tỉnh trưởng Gia Định. Ông này vốn là tư lệnh Sư đoàn 7, thuộc đảng Đại Việt. Ngày 13 Tháng Chín, 1964, ông cùng trung tướng Dương Văn Đức, tư lệnh Quân đoàn IV làm đảo chính.

Tướng Nguyễn Văn Thiệu lúc đó đang làm tham mưu trưởng liên quân ở Bộ Tổng Tham mưu gần đó, nhưng không có quân trong tay nên cầu cứu thiếu tướng Nguyễn Chánh Thi, tư lệnh Sư đoàn 1 Bộ binh về Sài Gòn phản công. Đảo chính thất bại. Sau này ông Tồn khá “chịu chơi” khi mở Cours de danse và làm chủ vũ trường Mai ở xa lộ Biên Hòa (nay là xa lộ Hà Nội).

Đại tá VNCH Huỳnh Văn Tồn, tư lệnh Sư đoàn 7 bộ binh, cựu tỉnh trưởng Gia Định. (ảnh tư liệu)

Cũng có nhà ở đây là thượng nghị sĩ Hoàng Xuân Tửu, em ruột trung tướng Hoàng Xuân Lãm, phụ tá tổng trưởng Quốc phòng (tổng trưởng là đại tướng Trần Thiện Khiêm), chỉ huy trưởng Chiến dịch Lam Sơn 719. Các con ông Tửu đều học trường Thánh Thomas (nay là trường Hàn Thuyên). Đi học, mấy cô con gái của ông Tửu xinh đẹp, dáng tiểu thư lắm.

Trong đây, từ trước 1975 cũng có nhà của ông Tôn Thất Cẩn, thân phụ của bà Tôn Nữ Thị Ninh – một viên chức cấp cao của cộng sản (đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam bên cạnh Liên minh châu Âu và tại Bỉ; phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Việt Nam). Khi ở cư xá này hồi đầu thập niên 1970, bà Ninh là phó khoa của Phân khoa Anh ngữ (Đại học Sư phạm Sài Gòn).

Viên đại tá Trần Văn Trợ, chỉ huy trưởng Trường Quân nhạc Việt Nam Cộng hòa, em của trung tướng Trần Văn Trung, phụ tá Tổng Tham mưu trưởng, kiêm tổng cục trưởng Tổng cục Chiến tranh Chính trị cũng có nhà ở đây. Khi ông đi cải tạo, hai cô con gái của ông dạy piano cho những đứa trẻ trong xóm.

Đầu ra vô cư xá này phía bên Trương Minh Ký có một biệt thự nhỏ của luật sư Trương Đình Dzu, từng tranh cử tổng thống với ông Thiệu nhiệm kỳ 1967-1971. Trong 11 liên danh tranh cử năm đó, liên danh của ông về nhì, chiếm 17% số phiếu sau liên danh của hai ông Nguyễn Văn Thiệu – Nguyễn Cao Kỳ. Nếu ông Dzu thắng cử, ông sẽ là tổng thống nền đệ nhị Cộng hòa chứ không phải ông Thiệu. Và hai ông đều từng là dân Ông Tạ (ông Thiệu nhà trong cư xá Trần Hưng Đạo, đầu đường Thoại Ngọc Hầu cũ ngó sang và từng ngỏ ý mua khu đất sau này là building Đại Lợi của trung tá Huệ – hiện vẫn còn, đối diện chợ Phạm Văn Hai hiện nay).

Hoạt động của ông này khá phức tạp. Lập trường của luật sư Trương Đình Dzu là ngưng chiến tranh, chấm dứt oanh tạc miền Bắc và thương thuyết với Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Vì vậy, ông bị dư luận miền Nam lúc đó coi là thành phần “thân Cộng”. Thế là sau cuộc bầu cử này, ông bị bắt giam đến tận gần 30 Tháng Tư, 1975 mới được Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Trần Văn Hương ra lệnh thả.

Sau 1975, ông Trương Đình Dzu tham gia Hội Trí thức yêu nước nhưng cũng bị đi cải tạo với vợ và con trai út, từ 1978-1987, “nghe đồn” vì tội làm gián điệp cho CIA.

Lạ hơn nữa, con ông là David Trương Đình Hùng vốn du học Mỹ từ năm 1965, đến Tháng Giêng, 1978 thì bị FBI bắt, quy tội làm gián điệp cho chính quyền Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (?!). Một tòa án Mỹ tuyên Trương Đình Hùng 15 năm tù.

Cũng ở đầu này có nhà thứ trưởng Bộ Y tế Việt Nam Cộng hòa (nay là phở Phú Vương); ngôi nhà đó có cổng sắt màu xanh baby blue và giàn bông giấy tím xum xuê. Con ông tên Toại.

Cũng từ phở Quỳnh Tín đầu hẻm 337 vào, hiện nay có nhà của giáo sư Lương Duyên Trinh, cạnh là nhà ông Nguyễn Văn Ngân – giám đốc Tổng nha Kiến thiết và thiết kế đô thị. Con rể ông Ngân là thượng nghị sĩ, hai con gái đều là dược sĩ làm cho tiệm thuốc tây trên đường Công Lý (nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa).

Trong cư xá này có quán cà phê Đỉnh Thiêng nổi tiếng một thời sau 1975. Quán này tận dụng sân trước nhà như mọi căn nhà ở đây để bày cây kiểng, chậu hoa treo từ lan can phía trên xuống. Khách uống cà phê trong nhà, cao hơn sân một chút; ngồi ghế mây, nghe nhạc Trịnh Công Sơn. Thời đó có thể gọi là quán sang. Chủ quán nghe nói xưa làm ở Phủ Tổng thống, con trai có người là sĩ quan Thủ Đức, có người là sĩ quan phi công.

Cư xá của… văn nghệ sĩ

Đầu cư xá phía Thoại Ngọc Hầu, đối diện hẻm 15 Thoại Ngọc Hầu là nhà nhạc sĩ Hoài An của “Câu chuyện đầu năm”, “Trăng về thôn dã”, “Tình lúa duyên trăng”, “Thiên duyên tiền định”… Nay gia đình vẫn ở đây.

Đầu cư xá phía Trương Minh Ký, vô hẻm nay mang số 337 Lê Văn Sỹ chừng chục mét là nhà nhạc sĩ Quốc Dũng của “Mai”, “Cây cầu dừa”, “Đường xưa”, “Cơn gió thoảng”, “Chuyện ba người”… Vị nhạc sĩ này phát lộ âm nhạc khá sớm khi 15 tuổi đã trình diễn mandolin trên truyền hình trong dàn nhạc đại hòa tấu. Thậm chí, bản nhạc đầu tiên của ông được viết khi là “thằng bé” 11 tuổi – một nhạc phẩm không lời. Và đến năm 17 tuổi, chàng thiếu niên Quốc Dũng mới hoàn chỉnh bản nhạc đó thành ca khúc đầu tay “Em đã thấy mùa xuân chưa?”. Đó là năm Mậu Thân 1968.

Cư xá này như một giao nối của hẻm 15 Thoại Ngọc Hầu và hẻm 337 Lê Văn Sỹ. Cuối hẻm 337 lại thông ra đường Bùi Thị Xuân với cây cầu Sạn (nay không còn) thuộc khu vực Ông Tạ mà không dân Ông Tạ nào không biết. Tất cả đều thuộc xã Tân Sơn Hòa, nay riêng khu vực này thuộc phường 1, Tân Bình.

Nhà cũ của bà Như Ngoạn cách tiệm nem nướng một căn (sau cây cột điện). Từ đây đi thẳng tới chừng 100m là gặp đường Bùi Thị Xuân. (ảnh: CMC)

Mặt sau của cư xá này, ngay đoạn thông của hẻm 337 ra Bùi Thị Xuân là nhà bà Như Ngoạn, nhân vật bức ảnh hai thiếu nữ mặc áo dài khá nổi tiếng trên mạng gần đây. Ông bà gốc Huế nhưng thời gian ở Ông Tạ nhiều hơn ở Huế: từ 1968 đến 2016 mới bán nhà định cư ở Mỹ (giờ bà đã về lại Việt Nam); có sáu người con. Các con của ông bà có lẽ chỉ nghe nói “Huế xưa” chứ hình ảnh tràn ngập và đầy kỷ niệm của các con bà là khu Ông Tạ.

Hai chị em bà Như Ngoạn, Như Ngân trên tạp chí LIFE

Con trai đầu của ông bà tên Tôn Thất Tân, học lớp Năm (nay là lớp 1) “trường làng” Tân Sơn Hòa (nay là Ngô Sĩ Liên) từ 1968; đi chợ Ông Tạ với ba với mẹ không biết bao nhiêu lần. Tân học cùng khối lớp 8-9 Ngô Sĩ Liên với tôi; lên cấp ba Nguyễn Thượng Hiền cũng chung khối lớp.

Ông Tạ là phần quê hương không thể nào quên của mình nên dù định cư bên Mỹ từ 2013 nhưng Tân đã gia nhập group Đồng hương vùng Ông Tạ từ lâu và viết bài trên đó, rất hay và tình cảm. Xin mạn phép đăng lại bài viết này của Tân ngày 29 Tháng Mười Một, 2020:

“Xin chào các bạn Đồng hương vùng Ông Tạ! Các bạn ở vùng này chắc đều biết đến Trường tiểu học Tân Sơn Hoà nay là Trung học cơ sở Ngô Sĩ Liên. Tuổi thơ mình gắn bó với ngôi trường này. Lớp Năm (bây giờ là lớp 1), mình học với cô Tấn, niên khóa 1968-1969, lần lượt sau đó là lớp 2 – cô Nhung (niên khóa này đã đổi lại cách gọi tên lớp, không gọi lớp Tư nữa), lớp 3 – cô Hoàng, lớp 4 – cô Mai, lớp 5 – thầy Hinh.

Năm 1970, tuần báo Thằng Bờm có đăng hình mình cùng các anh chị và các bạn từ lớp 1 đến lớp 6. Lúc đó mình đang học lớp 2. Mình post tấm hình lên đây, anh chị em nhận ra thì nối lại liên lạc nhé.

Sau 1975, trường không còn cấp ba nữa, lúc đó lớp cao nhất trường là 11. Mình tiếp tục năm lớp TámChín ở đó. Kỷ niệm khó quên là thầy Nhân dạy môn Toán đang dạy ở lớp thì có xe đến chở đi. Thầy Chu dạy môn Lý với nét chữ rất đẹp trên bảng. Thầy hay ra các câu đố nhanh, viết ra mảnh giấy nộp ngay để được điểm cộng thêm. Nhớ bạn Tuyết Ánh hay làm xong sớm. Sau đó lớp 10 mình học Nguyễn Thượng Hiền (niên khóa 1977-1978), cô Túy Đại là giáo viên chủ nhiệm… 

Tuần báo “Thằng Bờm” trước 1975 giới thiệu những gương mặt học sinh giỏi của trường Tân Sơn Hòa (nay là trường Ngộ Sĩ Liên) khu Ông Tạ, trong đó có giới thiệu trò Tôn Thất Tân – con bà Như Ngoạn.

Sang lớp 11 mình chuyển về Lê Thị Hồng Gấm, quận 3. Tuy nhiên nhà mình vẫn ở cái hẻm mà sau 1975, mọi người đi lãnh đồ ở nước ngoài gửi về hay ra đó sắp hàng từ sớm. Nhà mình thì không có cơ hội ấy, chỉ đứng nhìn từ cửa sổ thấy dòng người mỗi sáng sớm. Ngay đầu hẻm nhà mình (bên trái) lúc trước là tiệm phở Quỳnh Tín. Bây giờ thì có một tiệm phở nổi tiếng Phú Vương, đầu hẻm bên phải. Tiệm phở này đã bán rất lâu đầu con hẻm nhà mình, chỉ bán từ buổi tối. Sau đó họ đổi ra mặt tiền đường như anh chị em thấy hiện nay. Phở ăn ngon, vừa miệng và rất đông khách.

Chợ Ông Tạ gắn liền tuổi thơ của những người sống quanh vùng này. Nhớ rạp hát Đại Lợi, nhớ cái nghĩa trang đối diện, nhớ nhà thờ Tân Chí Linh. Nhớ lúc mở rộng con đường Phạm Văn Hai mỗi lần đi ngang con kênh phải đi trên mấy tấm ván dắt xe đạp.

Đến năm 2017 thì cả nhà mình không còn ai ở con hẻm (377 – thuộc khu cư xá Thoại Ngọc Hầu trước 1975, nay thuộc phường 1, Tân Bình – CMC chú thích) thân thương này nữa. Căn nhà được đổi chủ quyền sau 42 gắn bó với gia đình mình. Tuy nhiên ký ức về môi trường sống vẫn mãi trong tâm khảm mình.

Qua cái post này, mình hy vọng gặp lại bạn bè thân thương trên khắp mọi nơi. (Đang cảm thấy đầy hy vọng)”.

Qua nhà Tân chừng dăm chục mét, trên lối ra Bùi Thị Xuân, gần chùa Viên Giác còn có nhà ca sĩ Trang Kim Yến, một trong “tứ đại mỹ nhân” họ Trang (Trang Thanh Lan, Trang Kim Phụng, Trang Mỹ Dung và Trang Kim Yến) của làng nhạc nhẹ Sài Gòn hồi thập niên 1980.

Con ca sĩ Trang Kim Yến là nữ diễn viên Kim Thư tài sắc vẹn toàn của nhiều phim: Thiên sứ 99, Lục Vân Tiên, Võ lâm truyền kỳ… Hồi thập niên 1980, tối tối, Tân thấy ca sĩ Trang Kim Yến đi bộ từ nhà ra đường Lê Văn Sỹ – nơi có xe đón, qua nhà Tân hoài. Hoặc được chồng chở đi hát ở 126 bằng chiếc Suzuki Dame màu đen.

Ca sĩ Trang Kim Yến và con gái là diễn viên Kim Thư tài sắc vẹn toàn, ít nhất ba đời là con dân khu cầu Sạn, xóm Chuồng Bò – Ông Tạ xưa tần tảo, không cam chịu số phận. (ảnh: Lê Nguyễn Hương Trà, tức Cô Gái Đồ Long – cũng dân Ông Tạ, nhà cạnh nhà thờ Chí Hòa, chơi thân với tôi hơn 20 năm nay, như anh em)

Cây cầu này chỉ cách cư xá Kiến Thiết vài chục mét và rất lạ là cư xá này có hai dãy, một dãy trước 1975 thuộc xã Tân Sơn Hòa, một dãy thuộc xã Phú Nhuận (sau 1975 thành quận Tân Sơn Hòa và quận Phú Nhuận).

Trước và sau 1975, theo lối cầu Sạn khu Tân Chí Linh, An Lạc, con nít lẫn người lớn khu Kiến Thiết qua lại chợ Ông Tạ, rạp Đại Lợi “như cơm bữa”, như nhà mình; như Tân với Ông Tạ…

Đọc thêm:

-Cháo sườn Ông Tạ, thơm lành một thuở gánh gồng

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Khúc nhạc buồn trong ký ức
            Nếu ví cuộc đời của mỗi người như một bản trường ca có nhiều đoản khúc khác nhau, mỗi đoản khúc biểu tượng cho những diễn tiến buồn hay…
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: