Thăm nhà tướng tá VNCH

Nhà cũ Tướng Dư Quốc Đống trên đường Sở Mỹ nhìn từ sân thượng nhà Đại tá Bùi Dzinh năm 1967 (ảnh gia đình)

Có thể nói, không vùng đất nào ở Nam Việt Nam trước 1975 có tỉ lệ tướng tá nổi tiếng và binh sĩ VNCH “đậm đặc” như ở vùng Ông Tạ mà khu trung tâm chỉ rộng 1,62km2.

Ngã ba Ông Tạ được tạo ra bởi hai đường thẳng góc 90 độ: Lê Văn Duyệt nối dài (đầu thập niên 1960 đổi thành Phạm Hồng Thái, nay là đường CMT8) dài gần 1,5km, chạy từ đường Bắc Hải đến ngã tư Bảy Hiền – Hương lộ 16 (giữa thập niên 1960 đổi thành Thoại Ngọc Hầu, từ giữa thập niên 1980 đến nay là đường Phạm Văn Hai).

Ít ai chú ý rằng, đây là khu vực chính của đại đồn Chí Hòa năm 1861 do tướng Nguyễn Tri Phương chỉ huy với phòng tuyến “mặt tiền” bố trí ở khu vực xung quanh đường Bắc Hải, cách cổng đại đồn nằm ngay ngã ba Ông Tạ hiện nay hơn nửa cây số. Đại đồn chạy cặp theo rạch Nhiêu Lộc lên tới gần Bà Quẹo. Theo nhà văn Sơn Nam, trong tập Bến Nghé xưa, vị trí này được chọn, vì ba lý do chính: 

-Có thể khống chế và cắt Sài Gòn – Chợ Lớn ra làm hai khu vực, không cho thực dân nhận nguồn tiếp tế từ đồng bằng sông Cửu Long.

-Quân Việt từ đồn điền Gò Công, Mỹ Tho dễ tới lui xây thành, vận chuyển lương thực và tác chiến.

-Phía Bắc của Phú Thọ – Chí Hòa, giáp kề Mười Tám Thôn Vườn Trầu, địa thế hiểm trở. Cho nên, làng Thuận Kiều của khu vực này đã được bố trí làm hậu cứ của đại đồn.

Một con đường dẫn vào cư xá sĩ quan Chí Hòa xưa (ảnh: CMC)

Nếu năm 1861, khu vực đại đồn Chí Hòa tập trung mấy vạn binh tướng Nhà Nguyễn thì trên dưới một thế kỷ sau, khu vực này cũng dày đặc mấy vạn sĩ quan, binh sĩ VNCH lẫn quân Đồng Minh – với một tỉ lệ/diện tích không thể thấy ở bất kỳ nơi nào của miền Nam trước 1975. Đặc biệt ở ba vị trí đầu hai cung đường tạo thành chữ T của ngã ba Ông Tạ, cụ thể ở đầu và cuối đường Phạm Hồng Thái và đầu đường Thoại Ngọc Hầu, bao bọc toàn vùng Ông Tạ. Tùy góc nhìn và xác định, Quân lực VNCH có khoảng trên dưới 170 tướng lãnh các binh chủng thì vùng Ông Tạ có trên dưới 50 tướng. Cấp tá ở đây thì nhiều không kể xiết, phải đến vài trăm.

Nhà cửa sĩ quan VNCH tập trung hai đầu trục đường Phạm Hồng Thái. Đầu đường Phạm Hồng Thái, một bên là trại tiểu đoàn Nhảy dù Nguyễn Trung Hiếu. Sáng 30 Tháng Tư 1975, tôi đạp xe qua đây thấy binh sĩ trại này dựng chốt chặn. Gần chốt chặn có nhà của bà cụ Xuân, trong một hẻm cụt chỉ có vài nhà, bên hông trại dù Nguyễn Trung Hiếu, đối diện đường Bắc Hải. Trước hẻm xưa có một trụ nước cứu hỏa, bà con gọi là “Phông tên bốn vòi”.

Con bà là đại úy Nguyễn Văn Đương, pháo đội trưởng Pháo đội B3 Nhảy dù, nhân vật trong nhạc phẩm Anh không chết đâu anh của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh. Cũng ở đầu đường Phạm Hồng Thái, bên kia trại dù Nguyễn Trung Hiếu, là cư xá sĩ quan Chí Hòa. Đến năm 1969, đổi thành cư xá Bắc Hải cho tới nay… 

“Từ đây về đường Bắc Hải, khu Ông Tạ thì cậu lấy bao nhiêu?” – Đó là câu hỏi của một vị khách với một thanh niên chạy xích lô trên đường tìm về nhà cũ năm 1980. Vị khách ấy vốn là một giáo dân giáo xứ Nam Hòa – Ông Tạ, tù 18 năm ở miền Bắc (1962-1980) về tội làm gián điệp cho chính quyền Sài Gòn: Đặng Chí Bình. Câu hỏi này được thấy trong tập hồi ký Thép đen của ông in ở nước ngoài, tái bản nhiều lần. 

Hẻm Bình Dân trên đường Phạm Văn Hai ở khu Ông Tạ hiện nay. Ngôi nhà bên trái (đã xây mới) xưa là nhà Đại tá Đào Bá Phước (ảnh: CMC)

Vô đường Bắc Hải, trước khi đến cổng chính cư xá sĩ quan Chí Hòa, chúng ta gặp tượng đài Đức Mẹ trên đường Bắc Hải do Đại tá Lý Trọng Song nhờ lính Quân tiếp vụ đóng ở cổng sau cư xá xây dựng. Riêng nhà thờ Tống Viết Bường – do công binh Đại Hàn xây dựng – cũng là công sức của Đại tá Song cùng Đại tá Đỗ Sinh Tứ, nhà cũng trong cư xá.

Cả hai công trình này nay vẫn còn. Anh sinh đôi với ông Song cũng là đại tá, Lý Trọng Mỹ. Em trai ông là Thiếu tá Lý Trọng Lễ. Anh rể ông Sing là Đại tá Bùi Dzinh, Tư lệnh Sư đoàn 9. Nhà Đại tá Mỹ trước trường Mai Khôi; con ông Mỹ là Mỹ Ly, Mỹ Vân. Mỹ Ly học cùng lớp Bốn trường Mai Khôi (nay là Bành Văn Trân) với tôi. Nhà Thiếu tá Lễ và nhà Đại tá Bùi Dzinh đối diện hồ tắm Cộng Hòa.

Từ cuối thập niên 1950, đây là nơi ở của nhiều sĩ quan cấp tá, hầu hết gốc Bắc, sau này trên dưới 30 vị đã lên tướng – như Đại tướng Cao Văn Viên (Tổng tham mưu trưởng Quân lực VNCH 10 năm, 1965-1975), Trung tướng Đồng Văn Khuyên (Thường vụ Tổng tham mưu trưởng Bộ Tổng tham mưu), Trung tướng Dư Quốc Đống (phụ tá Tổng tham mưu trưởng), Trung tướng Phạm Quốc Thuần (Chỉ huy trưởng Trường Hạ sĩ quan Đồng Đế), Trung tướng Nguyễn Văn Hiếu (Tư lệnh tiền phương Quân đoàn III), Thiếu tướng Phạm Văn Phú (Tư lệnh Quân đoàn II và Quân khu 2), Thiếu tướng Nguyễn Thanh Sằng (Tư lệnh Bộ tư lệnh Tiền phương Quân đoàn IV và Quân khu 4), Chuẩn tướng Nguyễn Trọng Bảo (Tham mưu trưởng Sư đoàn Nhảy dù kiêm phụ tá tư lệnh sư đoàn Đặc trách Hành quân)… 

Đại tá Trần Khắc Kính, Bắc 54 Nam Định – Phó tư lệnh Lực lượng Đặc biệt; Trung tá Nguyễn Đình Bảo (khi tử trận truy thăng đại tá); Trung tá Trần Thanh Chiêu, Tư lệnh Sư đoàn 22 bộ binh, Trung tá Lý Văn Quảng – chỉ huy trưởng Căn cứ Hoàng Hoa Thám (trại sư đoàn dù Hoàng Hoa Thám); Trung tá Hồ Văn Kiệt, làm việc trong Phủ Đặc ủy trung ương tình báo… cũng ở đây.  

Ông Nguyễn Đình Bảo là Bắc 54 Hà Đông, xa Hà Nội năm 17 tuổi, là nhân vật trong nhạc phẩm nhiều người biết Người ở lại Charlie của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh. Ông bà có ba người con tên Nguyễn Bảo Tường, Nguyễn Bảo Tú và Nguyễn Bảo Tuấn; đều học rất giỏi; có cá tính. Tuấn là “đứa bé thơ” với “tấm khăn sô bơ vơ” trong nhạc phẩm ấy. Sau 1975, Tuấn học ở khu Ông Tạ và nay là kiến trúc sư, giảng viên đại học. Người anh cả, sau 1975, bảy năm liền, từ năm lớp 11 đến năm thứ sáu y khoa, sáng sáng đạp xe từ cư xá Bắc Hải lên Gò Vấp mua bánh đậu xanh về bỏ mối cho các tiệm bánh rồi mới đi học; giờ là bác sĩ nhi khoa. Bảo Tú, chị kế Tuấn, giỏi nhiều ngoại ngữ, làm việc ở Lãnh sự quán Anh nhiều năm nay.

Nhà Thiếu tướng Sư đoàn 18 bộ binh VNCH Lê Minh Đảo, chỉ huy trưởng phòng tuyến Xuân Lộc nổi tiếng, cũng trong cư xá Bắc Hải. Chuẩn tướng Lý Tòng Bá cũng từng ở đây. Ông là tư lệnh Sư đoàn 25 Bộ binh, lực lượng phòng thủ cuối cùng của Quân lực VNCH khu vực Bắc Sài Gòn. Sáng 30 Tháng Tư 1975, ông bị bắt tại làng Tân Thạnh Đông, Củ Chi…

Thiếu tướng Trần Thanh Phong (khi mất vì rớt máy bay được vinh thăng trung tướng) có nhà cũ ở dãy SS + TT. Ông vốn là tư lệnh của nhiều đơn vị Bộ binh thiện chiến của Quân lực VNCH, đứng đầu ngành An ninh Nội chính (Cảnh sát Quốc gia) và chức vụ cuối cùng là chánh văn phòng thường trực Trung ương Đặc trách Chương trình Thị tứ của Thủ tướng. 

Con hẻm nhỏ dẫn vào nhà Đại úy Nguyễn Văn Đương ngày xưa (ảnh: CMC)

Có hai vị tướng từng ở khu này đã ra đi trong tang tóc. Thiếu tướng Phạm Văn Phú, Bắc 54 Hà Đông, tư lệnh Quân đoàn II và Quân khu 2, là một trong năm tướng lĩnh VNCH tử tiết trong sự kiện 30 Tháng Tư. Riêng Thiếu tướng Nguyễn Văn Hiếu, Bắc 54 Bắc Ninh, Tư lệnh phó Quân đoàn 3 Đặc trách Hành quân, tử nạn ngày 8 Tháng Tư 1975 ở ngay bàn làm việc Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 ở Biên Hòa, do một viên đạn từ cằm xuyên lên.

Tướng Hiếu là một trong những vị tướng được coi là tài năng, trực tính và thanh liêm. Cái chết của ông đến giờ vẫn được coi là một bí ẩn với nhiều thông tin khác nhau. Sáng 10 Tháng Tư 1975, Phó Tổng thống Trần Văn Hương đã thay mặt Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đến nhà Thiếu tướng Nguyễn Văn Hiếu trong cư xá Bắc Hải viếng tang, truy thăng ông lên trung tướng.

Dọc đường Phạm Hồng Thái về phía ngã tư Bảy Hiền có khu cư xá Tự Do. Ông sĩ quan đa tài (nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ, dịch giả) Hà Thúc Sinh, Bắc 54 Thanh Hóa ở đây. Vào cổng chính cư xá này, quẹo phải vô con hẻm đầu tiên, gần cuối hẻm bên trái có nhà Chuẩn tướng Nhảy dù Hồ Trung Hậu, Chánh thanh tra Quân đoàn III, Tư lệnh Sư đoàn 21 Bộ binh.

Nhà ông Hậu đâu lưng với phía sau nhà của nhà văn Hoàng Hải Thủy, có đứa con trai là Hoàng Hải Triều học chung tiểu học trường Mai Khôi với tôi. Nó và tôi khá thân, tôi thường đến nhà nó mượn truyện tranh về đọc. Ông Hậu có cô con gái sau này là á hậu Kim Khánh (Hồ Kim Khánh) một thời nổi tiếng. Sau 1975, khi ông Hậu đi cải tạo, cô con gái Kim Khánh mở quán cà phê “Các hoàng tử” ngay nhà mình, dưới tàng cây xoài trái rất ngọt… 

Vô cổng cư xá Tự Do, quẹo phải, cuối đường có nhà một người thân của Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ. Vài ngày trước 1975, ông Kỳ đến Lộc Hưng – Ông Tạ, phát biểu trước khoảng 6,000 bà con Ông Tạ, kêu gọi phòng thủ Sài Gòn: “Tôi sẽ ở lại Sài Gòn và chiến đấu cho tới chết, những kẻ chạy theo Mỹ là hèn nhát”. Thế nhưng sáng 29 Tháng Tư 1975, từ Bộ Tổng tham mưu cách cư xá Tự Do hơn cây số đường chim bay, ông Kỳ tự lái trực thăng UH.1 bay ra hàng không mẫu hạm Midway.

Phía sau cư xá Tự Do có một con đường nhỏ, chạy cặp hông trại dù Phạm Công Quân, có nhà riêng tự mua của Đại tướng Trần Thiện Khiêm, thủ tướng từ 1969 đến ngày 5 Tháng Tư 1975… Cuối đường Phạm Hồng Thái, sang bên kia ngã tư Bảy Hiền là nơi tử trận của Đại tá Lưu Kim Cương, người gốc Hà Nội (Tư lệnh Không đoàn 33 Chiến thuật kiêm Chỉ huy trưởng Yếu khu Quân sự Tân Sơn Nhứt), trong trận Mậu Thân đợt hai ngày 6 Tháng Năm 1968 (ông được truy thăng chuẩn tướng). Cho một người nằm xuống là nhạc phẩm mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, bạn thân của ông, viết về ông. 

Một góc cư xá sĩ quan Chí Hòa 1964 – Cậu bé bưng tô phở là con trai Thiếu tá Lý Văn Quảng. Sau lưng cậu bé là nhà Trung tá Nguyễn Đình Bảo (ảnh gia đình)

Cuối đường Phạm Hồng Thái, sang bên kia ngã tư Bảy Hiền một chút, là Căn cứ Hoàng Hoa Thám. Gần đó có một khu vực có thể coi là một cư xá “mở” dành cho một số sĩ quan Nhảy dù. Nhiều tướng tá Nhảy dù “cộm cán” từng có nhà ở đây: 

Trung tướng Dư Quốc Đống (phụ tá Tổng tham mưu trưởng, Tư lệnh Quân đoàn III), Chuẩn tướng Lê Quang Lưỡng (Tư lệnh Sư đoàn Nhảy Dù), Đại tá Đoàn Văn Nu (Chỉ huy trưởng Nha Kỹ thuật), Đại tá Phạm Ngọc Lân (Tham mưu trưởng Sư đoàn Nhảy dù)…

Ông Đống khi là trung tá tư lệnh phó Lữ đoàn Nhảy dù có mua miếng đất lớn đối diện nghĩa địa Thánh Minh (nay là chợ Phạm Văn Hai), cách nhà tôi 50m. Sau này, ông bán miếng đất cho Trung tá Huệ, xây rạp hát Đại Lợi (nay là một trung tâm hội nghị – tiệc cưới trước chợ Phạm Văn Hai). Khi xây rạp hát lẫn building, ông Huệ mua thiếu gạo nhà tôi để nấu cơm cho thợ ăn hàng ngày, cuối tuần trả một lần.

Trục đường Thoại Ngọc Hầu cũng có một loạt nhà tướng tá VIP nhất miền Nam. Khu cư xá sĩ quan Trần Hưng Đạo gần đầu đường Thoại Ngọc Hầu không có nhiều nhà như bên cư xá sĩ quan Chí Hòa. Đó là ba dãy nhà gần nhau, mỗi dãy chừng chục ngôi nhà hai tầng, lợp ngói, xây cuối thời Pháp thuộc.

Ba dãy này nằm sau cổng số 2 trại Trần Hưng Đạo, dọc theo đường Võ Tánh đến gần cổng số 1, cổng chính vào Bộ Tổng tham mưu. Hai trên ba dãy của khu cư xá này nhìn ra hàng rào có lô cốt dọc đường Võ Tánh. Mỗi căn đều có sân nhỏ ở phía trước trồng bông sứ, trứng cá; phía sau vườn đất rộng hơn làm gara hoặc xây nhà cho gia nhân ở.

Trung tướng Lữ Mộng Lan, Trung tướng Tôn Thất Đính, Thiếu tướng Trần Thanh Phong… trước 1963 cũng ở cư xá này. Sau 1963, Đại tá Nguyễn Văn Thiệu, Tư lệnh Sư đoàn 5 Bộ binh cũng về đây ở. Khi trưởng nữ Nguyễn Thị Tuấn Anh vu quy năm 1973, ông bà Nguyễn Văn Thiệu không tổ chức ở Dinh Độc Lập mà làm lễ cưới tại ngôi nhà này. Tối 25 Tháng Tư 1975, phút cuối trước khi di tản, ông Thiệu ghé nhà ông Trần Thiện Khiêm gần đó, đón đi Đài Loan.

Hai bà Thiệu và Khiêm là hàng xóm thân thiết, đi chợ Ông Tạ với nhau và rất gắn bó với Ông Tạ: Bà Thiệu xây Bệnh viện Vì Dân 1971-1972; bà Khiêm tên Đinh Thủy Yến, qua chị ruột mình là Đinh Thủy Thanh, giám thị trường Tân Sơn Hòa (nay là trường Ngô Sĩ Liên) hỗ trợ xây lại trường năm 1974, xây chùa An Quốc trong cư xá Bắc Hải (mới xong tầng trệt, công trình dang dở, thì xảy ra 1975). 

Đường Bắc Hải dẫn vào cư xá sĩ quan Chí Hòa xưa (ảnh: CMC)

Từ đầu đường Phạm Văn Hai, qua ngã tư Lê Văn Sỹ vài chục mét, bên trái có một cư xá, thông ra đường Lê Văn Sỹ hiện nay. Đầu đường là phở Phú Vương có tên trong các tour guide hiện nay, trước 1975 là nhà thứ trưởng Bộ Y tế Việt Nam Cộng hòa. Ngôi nhà này ngày xưa tôi đi qua hàng ngày, thấy chiếc cổng sắt màu xanh baby blue và giàn bông giấy tím xum xuê. 

Cư xá này chỉ vài chục nóc gia; trước 1975 hình như không có tên. Bà con quen gọi là cư xá Thoại Ngọc Hầu, do nằm trong một con hẻm đường Thoại Ngọc Hầu (từ giữa thập niên 1980 đổi thành Phạm Văn Hai cho tới nay). Trong đó có nhà Đại tá Huỳnh Văn Tồn, cựu Tỉnh trưởng Gia Định.

Ông này vốn là Tư lệnh Sư đoàn 7, thuộc đảng Đại Việt. Ngày 13 Tháng Chín 1964, ông cùng Trung tướng Dương Văn Đức, Tư lệnh Quân đoàn IV làm đảo chính. Tướng Nguyễn Văn Thiệu đang làm tham mưu trưởng liên quân ở Bộ Tổng Tham mưu gần đó nhưng không có quân trong tay nên cầu cứu Thiếu tướng Nguyễn Chánh Thi, Tư lệnh Sư đoàn 1 Bộ binh, về Sài Gòn phản công. Đảo chính thất bại. Sau này ông Tồn mở lớp dạy nhảy đầm và làm chủ vũ trường Mai ở xa lộ Biên Hòa. 

Cũng có nhà ở đây là Thượng nghị sĩ Hoàng Xuân Tửu, em ruột Trung tướng Hoàng Xuân Lãm, Phụ tá Tổng trưởng Quốc phòng (tổng trưởng là Đại tướng Trần Thiện Khiêm), chỉ huy trưởng Chiến dịch Lam Sơn 719. Các con ông Tửu đều học trường Thánh Thomas (nay là trường Hàn Thuyên) với các anh tôi. Mấy cô con gái của ông Tửu xinh đẹp, dáng tiểu thư lắm. 

Đại tá Trần Văn Trợ, Chỉ huy trưởng Trường Quân nhạc, em Trung tướng Trần Văn Trung, phụ tá Tổng Tham mưu trưởng, kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Chiến tranh Chính trị cũng có nhà ở đây. Khi ông bị bắt đi cải tạo, hai cô con gái của ông dạy piano cho những đứa trẻ trong xóm. Gần cuối đường Thoại Ngọc Hầu, còn chừng 100m tới ngã ba Ông Tạ, có nhà của Trung tá Đào Bá Phước, Chỉ huy trưởng Liên đoàn 5 Biệt động quân; khi mất được truy thăng đại tá.

Ông Phước bị máy bay Mỹ bắn rocket nhầm tại trường Phước Đức ở quận 5 trong đợt hai Mậu Thân vào chiều 1 Tháng Sáu 1968, khiến sáu sĩ quan cao cấp thiệt mạng và bốn bị thương. Sau đó, tên ông được đặt cho trại Biệt động quân trên đường Tô Hiến Thành. Nhà ông mở tiệm thuốc tây tên Bình Dân đầu một con hẻm trên đường Thoại Ngọc Hầu (tới giờ dân Ông Tạ vẫn gọi là hẻm Bình Dân). 

Ra khỏi cuối hẻm, bên phải là nhà cũ của nhà thơ Đỗ Trung Quân; bên trái, đi thêm vài chục thước là nhà của Trung tá Đặng Sĩ Vĩnh, một căn nhà khá chật với gia đình chín người, không chỗ để xe, phải gửi xe ở nhà ông Năm Châu, con rể ông chủ đất Nguyễn Văn Thêm vốn rộng nhất xóm. Ông Vĩnh từng là Trưởng Ban Binh địa Phòng Nhì Bộ Tổng tham mưu, sau biệt phái qua Tổng nha Cảnh sát. Bà con hàng xóm nói ông sống hiền lành.

Vợ ông là Trần Ánh Nguyệt, chị vợ của nhà thơ Trung tá Hà Thượng Nhân với bài thơ nổi tiếng Chiêu niệm quái thơ. Nhà Trung tá Hà Thượng Nhân cũng gần đó, bên cư xá sĩ quan Chí Hòa. Ông Hà Thượng Nhân vốn là giám đốc Đài Phát thanh Quốc gia, chủ bút rồi chủ nhiệm nhật báo Tiền Tuyến; từng làm giám khảo Giải Văn học Nghệ thuật toàn quốc. Vợ chồng ông Đặng Sĩ Vĩnh từng làm chủ một nhà in…

Cách nhà ông Vĩnh vài bước chân là nhà cụ Vũ Hữu Soạn, thuộc lớp sĩ quan đầu tiên của Quốc gia Việt Nam thời Bảo Đại. Cụ Soạn, Bắc 54 Ninh Bình, là trung tá, trưởng phòng 1 – Tổng quản trị Bộ Tổng tham mưu. Con trai cả của cụ là Trung tá Vũ Hữu San, chỉ huy chiến thuật phân đội hoạt động vùng Hoàng Sa, gồm tuần dương hạm HQ-16 và khu trục hạm HQ-4 Trần Khánh Dư; kháng cự và tấn công tàu chiến Trung Cộng trong trận hải chiến Hoàng Sa 1974 oanh liệt.

Những vị tướng tá VNCH nói chung giờ tứ tán khắp nơi, trong và ngoài nước. Hầu hết đã ra người thiên cổ. Lính tráng thời chiến, ai hay dâu bể sự đời về sau…

___________

Hai ngày sau khi bài viết đăng, ông Bùi Dzũng, con của Đại tá Bùi Dzinh (94 tuổi, hiện sống tại Pháp), đã gửi đến Saigon Nhỏ, yêu cầu đính chính một số chi tiết trong bài mà ông Bùi Dzũng cho rằng tác giả Cù Mai Công đã nhầm lẫn:

1/Tấm ảnh chụp từ sân thượng nhà Đại tá Bùi Dzinh từ đầu đường Nguyễn Văn Thoại nhìn về đường Vân Côi là nhà ông Trung tướng Ngô Dzu (không phải là Dư Quốc Đống). Thời gian chụp ảnh trên sân thượng nhìn về phía nhà Trung tướng Ngô Dzu đang xây cất là 1964, không phải 1967.

2/Đại tá Lý Trọng Song (không phải là Sinh) là anh của Trung tá Lý Trọng Lễ (không phải là thiếu tá) và là em vợ của Đại tá Bùi Dzinh.

3/Chỉ huy trưởng Quân nhạc là Đại tá Trần Văn Tín (không phải là Trần Văn Trợ) và là anh của Trung tướng Trần Văn Trung (không phải là em).

4/Trung tá Trần Thanh Chiêu là nguyên Tư lệnh Sư đoàn 21 BB, không phải là SĐ 22 BB.

5/Trung tá Lý Trọng Lễ, nguyên tỉnh trưởng Khánh Hòa là em của Đại tá Lý Trọng Song.

Saigon Nhỏ xin cám ơn sự bổ sung hiệu chỉnh của ông Bùi Dzũng.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: