Tác giả “Nhật thực” lâm bệnh nặng

Ghi nhanh của thông tín viên SGN
Nhạc sĩ Viễn Chinh trên giường bệnh

Nhạc sĩ Viễn Chinh, tác giả các ca khúc nổi tiếng như Nhật thực, Mùa xuân trong thư em, Thư xuân, Tình bậu muốn thôi… đang nằm ở phòng hồi sức của bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức, sau đợt giải phẫu khối u đại tràng. Nhiều năm nay, do không cảm thấy hợp với thời thế nên ông cùng người vợ sống yên lặng và ít giao tiếp tại ngôi nhà nhỏ ở thành phố Thủ Đức, không tham gia các sinh hoạt văn nghệ của xã hội.

Nhạc sĩ Viễn Chinh là thế hệ nhạc sĩ cuối của miền Nam sau 1975 còn sống ở Việt Nam, bao gồm những tên tuổi quen thuộc như Mặc Thế Nhân, Hàn Châu, Đài Phương Trang, Giao Tiên, Đynh Trầm Ca… Những vị này hầu hết đều trên 70. Và tuy là những người thuộc “văn hóa chế độ cũ” nhưng các tác phẩm của họ vẫn được công chúng yêu thích và trình bày trên các phương tiện truyền thông tự do, lẫn của chính nhà nước.

Khi đại diện của báo Saigon Nhỏ ghé thăm, nhạc sĩ Viễn Chinh vẫn đang trong tình trạng rất yếu. Bác sĩ ở bệnh viện đã mổ lấy một khối u ung thư khoảng 5 cm ở đại tràng. Nhiều ngày trước đó, ông liên tục bị các cơn đau hành hạ nên phải nhập viện gấp. Câu chuyện vào bệnh viện của nhạc sĩ Viễn Chinh cũng rất trớ trêu. Hơn hai năm trước, khi đi khám ở bệnh viện nhà nước gần nơi cư ngụ thì một tay bác sĩ người miền Bắc, tên Huân phát hiện ông có những dấu hiệu ung thư nhưng từ chối không mổ, và nói “ông già rồi, trước sau gì cũng chết, mổ làm gì”. Có vẻ như tay bác sĩ này biết ông là một nhạc sĩ của chế độ cũ.

Một người hâm mộ đến thăm hỏi nhạc sĩ Viễn Chinh

Sau đó, ông cùng vợ lên Sài Gòn và xin khám, mổ ở Bệnh viện Ung Bướu, tưởng rằng mọi chuyện êm xuôi, nhưng giờ thì tái phát. Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức phát hiện khối u vẫn còn phần sót lại hoặc đã phát triển thêm. May mà phẫu thuật cũng thành công, nhưng do tuổi già sức yếu, nhạc sĩ Viễn Chinh khó có thể hồi phục lại được thể trạng như trước. Bồi hồi nắm tay, nhạc sĩ Viễn Chinh nằm trên giường bệnh, run run nói “Chú mừng lắm, vì tụi con có lòng đến thăm những người nhạc sĩ cũ, mà giờ chắc cũng ít người còn nhớ”.

Nhạc sĩ Viễn Chinh tên thật là Nguyễn Quốc Việt, sinh ngày 26 Tháng Mười Hai 1946 tại Bình Đức, Long Xuyên, An Giang. Thuở nhỏ ở bên ngoại tại Chợ Mới, An Giang và bên nội là Châu Thành, Vĩnh Long. Đến năm 16 tuổi (1961) mới được về ở lại cùng cha mẹ ở Vũng Tàu. Ông học nhạc với một ma soeur dòng nữ tu ở Vũng Tàu. Ông cũng tự học guitar và sáng tác và mày mò bước chân vào làng âm nhạc sôi động Sài Gòn từ năm 1965-1966, với bài hát đầu tiên là Tóc thề người yêu, được ca sĩ Thanh Vũ trình bày nhiều lần trên Đài phát thanh Sài Gòn. Nhưng lúc đó, với sáng tác này, ông chưa có bút danh, chỉ để tên thật là Quốc Việt.

Cuối năm 1969 đầu 1970, bút danh Viễn Chinh hình thành từ tên ghép của hai người bạn thân lúc đó. Từ đó, nhạc sĩ Viễn Chinh bắt đầu tạo được sự chú ý của giới nhạc sĩ Sài Gòn bằng những bài nhạc vui, nhịp điệu nhanh… mà lúc ấy hay gọi là “nhạc kích động”. Nhiều bài hát ông viết riêng cho đôi song ca Hùng Cường và Mai Lệ Huyền thịnh hành thời đó như Hiểu lầm, Chuyện dài hai đứa, Phân trần và Ông mai bà mối.

Năm 1971, một trong những người bạn sáng tác thân thiết là nhạc sĩ Anh Việt Thu có khuyên ông nên đi thêm vào lĩnh vực sáng tác nhạc tình sâu lắng. Lời khuyên đó đã tác động đến nhạc sĩ Viễn Chinh, với sự ra đời những tình khúc gắn liền với đời ông, vẫn được hâm mộ lâu nay, trong đó, phải nói đến là bài Nhật thực được trình bày thành công bởi giọng hát nữ hoàng sầu muộn Giao Linh.

Vì sao là Nhật thực? Đây là ca khúc mà nhạc sĩ Viễn Chinh viết về một cuộc tình chia lìa có thật (do nhạc sĩ Anh Việt Thu kể lại). Chuyện đôi trai gái yêu nhau ở miền quê nhưng cô gái bị gia đình ép gả cho người ở làng bên. Sống bên chồng không hạnh phúc nên không lâu sau người con gái đã tự chấm dứt đời mình…

Nhạc sĩ Viễn Chinh có hai người con gái, một người sống tại tiểu bang Colorado (Mỹ) và một người sống tại Đức. Hai vợ chồng già của ông lâu nay sống chủ yếu nhờ vào trợ cấp của các con. Hơn hai năm trải qua đại dịch, nhạc sĩ Viễn Chinh rơi và cảnh khó khăn như hàng triệu người khác ở Việt Nam.

Yêu âm nhạc miền Nam Việt Nam tự do, yêu những người đã tạo ra những tác phẩm góp thành di sản của nền văn hóa Việt Nam Cộng Hòa thì không còn gì có ý nghĩa hơn là quan tâm đến họ, vào lúc ngày tháng tuổi già và khó khăn ập đến. Ai có lòng muốn thăm hỏi thêm, có thể gọi điện qua hiền thê của ông, bà Thanh Loan, số +84 917 073623.

 

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Hình như là…
Người bạn nàng, bạn thời trung học, tha thiết rủ rê nàng sang Mỹ chơi một chuyến. Hắn bảo, nhà cửa hắn rộng rãi thoải mái, không việc gì phải…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: