Mạc Ngôn (Mo Yan, 莫言) – một trong những nhà văn hiện đại nổi tiếng nhất Trung Quốc – đang bị đánh túi bụi bởi những kẻ theo chủ nghĩa ái quốc cuồng tín. Sự việc đang gây nhốn nháo Trung Quốc lẫn cộng đồng văn chương thế giới.
Mạc Ngôn bị cáo buộc những gì?
Cuối Tháng Hai 2024, một blogger, với tài khoản xã hội tên là “Mao Tinh Hỏa nói thật” (Thuyết Chân Thoại Đích Mao Tinh Hỏa – 说真话的毛星火), đã đệ đơn lên tòa, kêu gọi loại bỏ sách của Mạc Ngôn, buộc ông phải bồi thường 1.5 tỷ nhân dân tệ (tức một nhân dân tệ cho một người Trung Quốc), và “ngưng xúc phạm các anh hùng liệt sĩ” trong tiểu thuyết của ông.
“Bản cáo trạng” bốn trang của Mao Tinh Hỏa (Mao Xinghuo), đệ trình lên Viện kiểm sát Bắc Kinh, liệt kê tỉ mỉ tội của Mạc Ngôn, trong đó có việc miêu tả thành viên Bát lộ quân thời Chiến tranh Trung-Nhật lần thứ hai là lạm dụng tình dục, “tô hồng” (thay vì phỉ nhổ) lính Nhật, lăng mạ Mao Trạch Đông, trong khi người Trung Quốc thì được miêu tả là “không biết sự thật và không có lương tri.”
Mao Tinh Hỏa tuyên bố: “Những lời nói và hành động như vậy đã làm tổn thương rất nhiều đến cảm xúc của người dân Trung Quốc… Là một thanh niên chính trực và yêu nước, tôi cảm thấy rất tức giận. Làm sao mà đất nước lại cho phép những hành vi như vậy tồn tại?” Lời “hiệu triệu” của Mao Tinh Hỏa lập tức được những kẻ cổ xúy chủ nghĩa ái quốc cuồng tín ủng hộ, cùng “tập hợp lại để bảo vệ chính nghĩa”, chỉ ra thêm nhiều chi tiết “tồi tệ” trong “những tác phẩm khiêu dâm” của Mạc Ngôn. Vụ việc xảy ra trong bối cảnh Tập Cận Bình đang đẩy mạnh chiến dịch tuyên truyền kêu gọi tinh thần ái quốc.
Sau khi đoạt Nobel Văn chương 2012, Mạc Ngôn thường xuyên được chính phủ và các phương tiện truyền thông đảng-nhà nước ca ngợi, như một dấu hiệu cho thấy uy tín ngày càng tăng của Trung Quốc trên thế giới. Khi có tin Mạc Ngôn được Ủy ban Nobel vinh danh, Lý Trường Xuân (李长春), Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị phụ trách tư tưởng, đã gửi thư chúc mừng tới Hội Nhà văn Trung Quốc, gọi sự kiện là “biểu hiện rõ nhất cho thấy vị thế ngày càng tăng của sức mạnh quốc gia và ảnh hưởng quốc tế của đất nước chúng ta”.
Giải Nobel lập tức biến cuộc đời và di sản văn học Mạc Ngôn thành niềm tự hào dân tộc, đến mức một quan chức địa phương nói với cha của Mạc Ngôn: “Mạc Ngôn không còn là con trai ông nữa, và ngôi nhà cũng không còn là nhà của ông nữa.”
Chủ nghĩa ái quốc phiên bản Tập Cận Bình
Có vẻ như chiến dịch tấn công Mạc Ngôn được bật đèn xanh từ “đâu đó” và được thực hiện có bài bản lớp lang. Trong không khí oanh tạc không khoan nhượng của Mao Tinh Hỏa nhằm vào Mạc Ngôn, một blogger có tên tài khoản “Mẫn Mẫn quận chúa” (敏敏郡主) thực hiện tiếp một cuộc tấn công khác. Ngoài ra, “ai đó” cũng “tổ chức” một cuộc “thăm dò ý kiến” trên mạng Weibo, rằng Mạc Ngôn có nên bị truy tố hình sự không. Kết quả: có 8,000 ý kiến tán thành.
Việc sử dụng một sắc luật quốc gia liên quan việc bảo vệ các anh hùng và liệt sĩ, được đưa ra năm năm sau khi Mạc Ngôn đoạt Nobel, đã đẩy một số người lên đoạn đầu đài. Năm 2013, nhà sử học tên tuổi Hồng Chân Khoái (Hong Zhenkuai, 洪振快) đã bị tòa Bắc Kinh ra lệnh phải công khai xin lỗi về việc ông giải mã sự thật câu chuyện ngụy tạo về “Năm anh hùng núi Lang Gia” thời kháng chiến chống Nhật. Chuyện (bịp) kể rằng, có năm người lính can trường đã gan lỳ chống lại một đội quân Nhật đông hơn nhiều lần, để câu giờ cho đồng đội rút lui…
Trong vụ Mạc Ngôn, Mao Tinh Hỏa truy tố Mạc Ngôn theo Luật Bảo vệ Anh hùng và Liệt sĩ năm 2018 (英雄烈士保护法 – Anh hùng liệt sĩ bảo hộ pháp). Ngoài ra còn có một sửa đổi được bổ sung vào Bộ luật Hình sự Trung Quốc năm 2021, quy định rằng “bất cứ ai lăng mạ, vu khống hoặc xâm phạm danh dự của các anh hùng, liệt sĩ” có thể bị phạt tù tới ba năm.
Tập Cận Bình đã nhiều lần kêu gọi cả nước chống lại “chủ nghĩa hư vô lịch sử” (历史虚无主义), nêu rõ rằng Trung Quốc không chấp nhận bất kỳ cách giải thích nào về quá khứ đi ngược lại với phiên bản đã được Đảng Cộng sản tuyên truyền. Tập tin rằng phương Tây đang nỗ lực sử dụng “chủ nghĩa hư vô lịch sử” để làm suy yếu niềm tin vào những nhân vật huyền thoại lập quốc thời hiện đại, những người tạo dựng lên nền tảng cho sự cai trị Đảng Cộng sản ngày nay, và rằng chính thái độ đó đã góp phần đưa đến sự sụp đổ Liên Xô.
Kể từ năm 2021, hai đạo luật trên đã dẫn đến việc bắt giữ và truy tố một số người, trong đó có một cựu phóng viên điều tra của tờ Kinh Tế Quan Sát báo (经济观察报). Ký giả này đã bày tỏ nghi ngờ về con số thương vong của Trung Quốc trong một cuộc giao tranh biên giới với Ấn Độ hồi đầu năm đó. Một cựu phó tổng biên tập của tạp chí Tài Kinh (财经杂志) cũng bị “trừng trị” khi dám bình luận trên WeChat rằng, tại sao ngày nay có quá ít người Trung Quốc không đặt câu hỏi về việc Trung Quốc dựa vào lý lẽ nào khi can thiệp cuộc chiến Triều Tiên.
Trong vụ Mạc Ngôn, ở trang ba “bản cáo trạng”, Mao Tinh Hỏa nhắc lại nhận xét của Chủ tịch Ủy ban Văn học Giải Nobel năm 2012 khi giới thiệu về Mạc Ngôn, đặc biệt câu nói rằng người Trung Quốc đang sống trong “chuồng lợn”. Tuy nhiên, Mao Tinh Hỏa đã lờ tịt nhiều đoạn trong bài phát biểu nhận giải Nobel của Mạc Ngôn, trong đó ông nói nếu không có sự phát triển “vượt trội” của Trung Quốc kể từ giai đoạn cải cách và mở cửa, thì “hôm nay tôi đã không thể trở thành nhà văn.”
Với không ít người, chiến dịch tấn công nhằm vào những nhân vật văn hóa như Mạc Ngôn là dấu hiệu cho thấy sự lan rộng của chủ nghĩa phản trí thức. Và không phải điều này luôn được đón nhận. Mới đây, phản ứng với “hiện tượng Mao Xinghuo” (毛星火现象), Lao Đông Yên (Lao Dongya, 劳东燕), giáo sư Trường Luật Đại học Thanh Hoa, gọi những cuộc đấu tố như vậy là “ngu ngốc”, rằng tất cả chỉ cho thấy “một văn hóa phản trí thức đang lan rộng, gợi nhớ đến thời Khmer Đỏ.” Nêu ra các “cơn co giật bạo lực chống trí thức” như Phong trào chống cánh hữu và Cách mạng Văn hóa trong lịch sử Trung Quốc, Lao Đông Yên cho rằng những sự việc tương tự vụ Mạc Ngôn đã đi quá xa. Bài viết của Lao Đông Yên, sau đó không lâu, đã bị xóa!
___________
Sinh trong một gia đình nông dân ở vùng nông thôn tỉnh Sơn Đông, Mạc Ngôn lớn lên trong cảnh nghèo đói và sóng gió thời Mao Trạch Đông. Giai đoạn Cách mạng Văn hóa, Mạc Ngôn bỏ học tiểu học và trải qua tuổi thiếu niên làm lụng cực nhọc ngoài đồng áng. 21 tuổi, ông nhập ngũ; vài năm sau, khi trở thành một sĩ quan quân đội, ông bắt đầu viết tiểu thuyết.
Tiểu thuyết Mạc Ngôn thường lấy bối cảnh Trung Quốc hiện đại, từ cuộc xâm lược của Nhật, Nạn đói thời Mao đến cuộc Cách mạng Văn hóa “long trời lở đất”. Truyện của ông mô tả cuộc đấu tranh, đau khổ và kiên cường của những con người bình thường. Ông cũng đề cập đến lối sống tham lam và văn hóa tham nhũng.
“Văn học không bao giờ nên là một công cụ để ca ngợi. Văn học và nghệ thuật nên vạch trần bóng tối và bộc lộ sự bất công xã hội, trong đó, nhà văn cần vẽ ra mặt tối của tâm hồn con người và bản chất của cái ác,” Mạc Ngôn nói trong một bài phát biểu tại Hong Kong năm 2005.
Các tác phẩm và những bài viết đôi khi đưa Mạc Ngôn đến tình thế nguy hiểm bởi vượt qua ranh giới đỏ của Đảng. Tuy nhiên, hầu hết tác phẩm của Mạc Ngôn, được sáng tác trong thời kỳ tương đối cởi mở, đều vượt qua được lưới kiểm duyệt, và một số thậm chí giành được các giải thưởng văn học lớn trong nước. Bản thân Mạc Ngôn cũng đủ “khôn” để thể hiện sự cân bằng, cẩn thận tránh những phát ngôn có thể khiến chính quyền khó chịu. Năm 2011, ông được bổ nhiệm làm phó chủ tịch Hội Nhà văn Trung Quốc – một cơ quan do nhà nước điều hành. Nếu không có sự ủng hộ của Đảng, Mạc Ngôn không thể “leo” lên chiếc ghế này.
Vị thế của Mạc Ngôn bắt đầu gây tranh cãi sau khi ông đoạt Nobel. Một số người chỉ trích Mạc Ngôn vì ông đã không lên tiếng cho người đồng hương Lưu Hiểu Ba, nhà bất đồng chính kiến bị bỏ tù và đoạt Nobel Hòa bình 2008 (Lưu chết trong tù năm 2017). Những người khác đặt câu hỏi rằng liệu Mạc Ngôn có xứng đáng với Nobel Văn học, một giải thưởng thường được trao cho những nhà văn mạnh mẽ và can đảm phản đối đàn áp chính trị.
Tại Trung Quốc, sau khi đoạt Nobel, Mạc Ngôn bắt đầu bị giám sát chặt chẽ hơn; và ông cũng bắt đầu “ngoan” hơn. Suốt nhiều năm sau đó, Mạc Ngôn – từng tự hào về việc nói sự thật – dần trở thành cái loa của Đảng. Trong những dịp nói chuyện trước công chúng, Mạc Ngôn luôn nhấn mạnh sự đúng đắn “đường lối của Đảng”. Năm 2013, vài tháng sau khi Tập Cận Bình lên nắm quyền, Mạc Ngôn lên tiếng bảo vệ Mao, chỉ trích rằng những kẻ tìm cách “phủ nhận, bôi nhọ và châm biếm” vị lãnh tụ tối cao Mao chẳng khác gì “những con giun đất đang cố lay chuyển một cái cây lớn”.
Năm 2016, tại một hội nghị do Hội Nhà văn Trung Quốc tổ chức với sự tham dự của gần như tất cả nhà văn nổi tiếng nhất Trung Quốc qui tụ về Bắc Kinh, Mạc Ngôn tán dương Tập Cận Bình lên mây xanh, mô tả Tập là “một người vĩ đại, đọc nhiều, một người biết đánh giá cao về nghệ thuật và một chuyên gia thực sự”. “Tổng Bí thư Tập là độc giả của chúng tôi, là bạn của chúng tôi, và – tất nhiên – là người hướng dẫn tư tưởng cho chúng tôi,” Mạc Ngôn nói.
Tuy nhiên, việc nịnh Tập cũng không chắc mang lại an toàn. Người ta thấy cần phải chọn ra một nhân vật để đánh, để nhắc, để cảnh báo. Có vẻ như Mạc Ngôn là “ứng cử viên” thích hợp. Năm 2022, Tư Mã Nam (Sima Nan,司马南) – một trong những chiến sĩ hung hăng và cực đoan nhất trong binh đoàn “sói lang” ái quốc của Trung Quốc ngày nay, kẻ luôn bảo vệ Đảng trên mặt trận tư tưởng, một chiến binh chống Mỹ đến hơi thở cuối cùng – nói rằng việc Mạc Ngôn được chọn trao Nobel là một thủ đoạn tinh vi, một nỗ lực của phương Tây nhằm bôi nhọ Trung Quốc. Tín hiệu đã được đưa ra. Mao Tinh Hỏa chỉ là một công cụ để giúp làm giàn hỏa thiêu cháy mạnh hơn lên.