Như đã kể, nhạc sĩ Phạm Duy chọn cuộc sống mới ở tiểu bang Florida. Mọi thứ đều chán chường đối với ông và ông thấy mình luôn có cảm giác là người khách lạ. Ông không ngờ rằng ông gắn một phần đời khá dài (suốt 15 năm) của mình ở nơi này. Như một phần trong bài hát mà ông viết:
“Một ngày bảy lăm, con bỏ nước ra đi
Hai mươi năm là hai lần ta biệt xứ
Giờ cha lưu đày ở ngay trên đất ta
Và giờ con lưu đày ở đây trên xứ lạ!”
Nhạc sĩ Phạm Duy kể rằng những ngày đầu định cư, ông gửi gắm suy nghĩ và sự gắn bó của mình với bưu điện gần nhà, nơi ông hàng ngày nghĩ sẽ viết gì, hỏi gì… với những đứa con đang bị kẹt ở Việt Nam. Với bốn đứa con đi cùng sang Mỹ với ông, duy có Thái Hiền là tham gia văn nghệ. Thiếu vắng Duy Quang (lúc đó Duy Cường chưa tham gia văn nghệ), ông mất một phần nội lực quan trọng trong việc trình bày những ca khúc của mình.
Mãi đến năm 1979, Duy Quang mới hội ngộ cùng ông ở Mỹ, và tự mình thu bài hát Một Ngày 54, Một Ngày 75. Năm 2005, sau khi chính thức về Việt Nam, Phạm Duy kể với đôi mắt nheo, đầy hài hước: Khi nhân viên nhà nước đến “làm việc” với ông, họ kể rằng nhiều năm trước, câu hát “Giờ nơi nước mình, niềm đau thay nỗi vui. Sài Gòn đã chết rồi, phải mang tên xác người” chính là một trong những điều gây khó nhất cho ông, chứ không phải là tổng thể tập Ngục ca hay Tỵ nạn ca gì cả.
Rất nhiều người Việt ở Mỹ, như Phạm Duy lúc đó, ngày ngày trông chờ những lá thư hồi âm từ Việt Nam để biết quê mình và gia đình mình ra sao. Phạm Duy nói, ông sống thẩn thờ như người mất hồn, và mỗi khi gửi thư đi, chỉ ngóng xe phát thư ghé qua. “Chỉ có một người tình mà ngày ngày tôi mong đợi, đó là người đưa thư vào mỗi buổi sáng”, ông kể.
Tâm trạng buồn chán và cảm thấy mình chỉ là một người tạm dung trên đất Mỹ, được biết đến kèm theo sự thương hại, khiến nhạc sĩ Phạm Duy mất đi cả sự kiêu hãnh ngày thường. Cho nên, ông cũng không thấy vui thú gì khi người ta nhận ra mình, như có lần một giáo sư dạy nhạc của Trường trung học Fort Walton tại Florida tìm đến ông để xin được trình diễn bài Giọt Mưa Trên Lá. Bản chép lời Mỹ bài hát đó có tựa The Rain On The Leaves, từng được Phạm Duy trình bày vào năm 1966 trên chương trình truyền hình Rainbow Quest, hát lời Việt và Anh cùng với các nhạc sĩ, ca sĩ nổi tiếng lúc bấy giờ là Pete Seeger, Steve Addiss và Bill Crofut.
Suốt những ngày đầu ở Mỹ, Phạm Duy quên mình là một nhạc sĩ. Ông gần như cắt đứt với âm nhạc mà chỉ nghĩ đến việc đánh điện tín và viết thư cho các con. Tin tức lan đi từ những người vượt biển đến sau cho biết, đủ mọi giới đều bị bắt đi tù cải tạo, bị đuổi khỏi nhà, bị đưa đi lao động… làm cho ông và bà Thái Hằng sầu muộn không dứt. Thư từ lúc đó gửi từ Mỹ về Việt Nam hay ngược lại – nhanh thì một tháng, lâu thì hai tháng – là sự mong mỏi ngày đêm của ông.
“Trầm mình trong đau khổ khi ngồi im trong sáu tháng (từ Tháng Năm tới Tháng Mười Một 1975), từ đầu 1976 trở đi, hạnh phúc của tôi là ngồi viết thư cho con hay nằm đọc thư của các con. Và từ đó, sự thống khổ chống gậy ra đi dần dần, niềm tin yêu từ từ khập khiễng trở về lòng tôi… cho tới ngày tôi thét to như vỡ tung lồng ngực (chữ của Hoàng Cầm) khi ôm các con vào lòng, đầu tháng ba năm 1979”, Phạm Duy kể lại.
Khi chạy hối hả đến máy bay ra khỏi Sài Gòn, gia đình nhạc sĩ Phạm Duy bị thất lạc hành lý. Ông kể khi đến Mỹ, ông chỉ có vỏn vẹn $20 trong túi và phải nghĩ đến chuyện đi làm để nuôi gia đình. Ở Việt Nam ông có thể dễ dàng sống với âm nhạc nhưng nơi đây thật bế tắc. Chính vì vậy mà ông đành phải cho đứa con gái cưng là Thái Hiền đi làm thêm ở một quán ăn, từ 11 giờ đêm đến 4 giờ sáng.
Phạm Duy nhớ lại, thời gian đó, nước Mỹ tỉnh giấc với chiến thắng của quân Bắc Việt. Khắp nơi báo chí đều đánh giá lại cuộc chiến Việt Nam. Đặc biệt là vấn đề tị nạn Đông Dương đang nóng bỏng. Phóng viên báo chí, truyền hình tới tấp đi tìm người tỵ nạn làm phóng sự. Vốn là cái tên quen thuộc với làng văn nghệ Hoa Kỳ, Phạm Duy cũng được nhiều tờ báo tìm đến. Một trong câu nói nổi tiếng của ông sau này được nhiều người nhắc lại: “Tôi sinh ra để hát về nước tôi! Nước tôi đâu rồi?”. Nhắc lại chuyện này, nhạc sĩ Phạm Duy nói ông đã thốt ra với sự buồn bã tột cùng. Là một nghệ sĩ tự do nhưng giờ đây Phạm Duy cảm thấy, có hát hay mơ về tự do cũng vô nghĩa, khi ông cùng hàng triệu người Việt Nam khác đã bị bứng khỏi gốc rễ của mình.
Muốn gửi tiền về cho bốn đứa con đang kẹt trong nước cũng như trang trải cho đời sống gia đình ở Mỹ, Phạm Duy dù không muốn dính líu âm nhạc nhưng cuối cùng phải quay lại. Đó là nghiệp, là đời của ông, dù có lúc ông nghĩ đến chuyện lưu ẩn và chọn nghề bán nhà hàng kiếm sống. Khởi đầu với số vốn nhỏ $200 do một người Mỹ gửi tặng, nhạc sĩ Phạm Duy in các album nhạc của mình ra băng cassette và quảng bá bán trên báo.
Mỗi cuốn băng giá $5 ông gửi bán qua bưu điện đã giúp ông có những đồng tiền dư dả đầu tiên. Nhờ vào số người Việt tỵ nạn ngày càng nhiều, cùng với nỗi nhớ nhà muốn nghe lại những âm điệu quen thuộc, Phạm Duy bắt đầu có thể sống bằng nghề nhạc. Đó là thời gian ông soạn tập tự học guitar, kèm băng cassette hướng dẫn, được nhiều người Việt gửi thư đặt mua.
Nhạc sĩ Phạm Duy gọi cuộc đời ở Mỹ là tạm dung. Những chương trình lưu diễn của ông sau này cũng được đặt tên là “Hát trên đường tạm dung”. Trong trái tim ông, nước Mỹ bình yên và tự do vẫn là nơi để ngồi chờ một ngày được thấy lại quê hương, được thấy lại Sài Gòn và những kỷ niệm yêu dấu. Sau khi gia đình người Mỹ bảo trợ cho nhạc sĩ Phạm Duy tổ chức vận động với chính quyền để ông được trả tiền cho các buổi diễn phục vụ tại các trại tỵ nạn người Việt, Phạm Duy bắt đầu ôm đàn hát, và dần dà lấy lại cảm hứng sáng tác để cho ra đời nhiều tập ca khúc lưu danh. Ông vẫn là ngọn cổ thụ kiêu hãnh của âm nhạc người Việt, vẫn vươn cao ở vùng đất mới, vẫn là “Bố già” – từ mà nhà báo Trường Kỳ đặt cho ông – được kính trọng và mến yêu…
___________