Bức ảnh gia đình

Minh họa: Niranjan _ Photographs/Unsplash

Ba má có bảy người con. Tới giờ này ở tuổi ngoài 80, ba má vẫn khỏe mạnh, minh mẫn. Vậy mà một bức ảnh chung cả nhà chưa từng chụp được…

Hồi trước 75, ba đi làm tới đâu cũng có hình chụp ở đó. Mỗi năm vài lần, ba đưa cả nhà ra hiệu ảnh chụp. Những bức ảnh phần nhiều với bố cục, kiểu cách giống nhau, cứ đông người dần lên qua từng năm tháng. Không bao lâu sau khi má sinh con Út, tin tức thời cuộc dội về mỗi ngày khiến việc chụp một bức ảnh cả nhà trở nên xa xỉ, không còn là mối bận tâm nữa.

Sau năm 75, gia đình ly tán. Ba bị đưa đi trại cải tạo chưa có ngày về, đến lượt anh cũng vô tù vì tội vượt biên, những người anh khác bỏ học rời xứ đi làm thuê tận các nông trường cao su trên cao nguyên. Rồi, cũng như bao gia đình “ngụy quân, ngụy quyền” khác, trong cái đói nghèo khốn khổ ấy, một bức ảnh gia đình còn hơn cả điều xa xỉ.

Ở quê nội – nơi má dắt bầy con chạy về nương tựa khi bị ông anh ruột tập kết về hù gạt lấy mất nhà ở phố, thi thoảng những ngày Tết có ông thợ chụp ảnh ngang qua làng. Nhà nào muốn chụp ảnh phải chuẩn bị sẵn sàng áo xống, chờ trước sân, ông thợ ảnh vô từng nhà chụp. Khoảng tháng sau về lại làng trả ảnh. Những bức ảnh đen trắng, chụp không đẹp, nước ảnh không bền, con cái đứa mặc quần đùi, đứa đi chân không, nhưng vẫn rất quý giá. Mà thật ra cả làng chỉ vài gia đình cố gắng giữ truyền thống chụp ảnh kỷ niệm, không phải nhà nào cũng dành dụm được tiền để chụp. Việc chính của ông thợ là chụp ảnh thờ cho những nhà có người già, nên chỉ Xuân Thu nhị kỳ mới qua làng.

Cả nhà chụm đầu coi album là một thú vui. Bức ảnh nào cũng có câu chuyện để kể. Khi người lớn trầm tư thì đám con coi ảnh để chọc ghẹo nhau là chính. Trong cuốn album đặc biệt của gia đình, vài bức ảnh cũ với nước ảnh rất đẹp, sang trọng được kể đi kể lại nhiều nhất. Má cũng không biết ai đã giấu được khi cả nhà chạy về quê. Cùng với lệnh bắt ba đi cải tạo tập trung lúc rạng sáng là một cuộc khám xét và đốt sạch những gì có hình, có chữ.

Minh họa: Mathilde Langevin/Unsplash

Vài bức ảnh giấu được về quê cũng không dám treo, sợ làm liên lụy ba. Khi được đi định cư diện HO, con cái có đứa còn kẹt ở trại tị nạn, có đứa thành gia lập thất phải rớt lại, ba má dẫn những đứa nhỏ đi trước. Cứ vậy mà trong vô số lần đưa tiễn và đoàn tụ một gia đình bé nhỏ cho tới mãi về sau này vẫn không thể có đủ thành viên để chụp một bức ảnh gia đình. Nhiều năm qua, bức ảnh gia đình dù có thêm những đứa cháu, nhìn đông vui hơn nhưng vẫn cứ thiếu. Những khoảng trống của định mệnh quốc gia và thân phận lưu vong. Những khoảng trống vì khoảng cách địa lý và cả sự thay đổi tâm tính của mỗi người. Ngày càng khó lấp đầy.

Có lúc tôi từng nghĩ đến chuyện ghép ảnh. Photoshop thôi là được chớ gì. Cầu kỳ thì chọn đúng khoảng thời gian, góc ảnh, thế người rồi ghép, không thì phiên phiến cũng được, miễn sao có được bức ảnh đủ các thành viên. Nhưng rồi thấy nó vô nghĩa, lại treo những bức ảnh thiếu người ấy trên tường nhà để nhắc nhớ ngày tháng chưa xa…

Mấy bữa nay ba lại muốn chụp ảnh. Con cái giờ đứa ở bang bờ Đông, đứa bờ Tây, đâu có kêu về chỉ để chụp ảnh gia đình được. Ba muốn chụp với má, với những đứa cháu mới vừa tốt nghiệp đại học, trung học đang ở gần. Bây giờ chụp ảnh có khó khăn gì, chỉ cầm điện thoại rồi bấm thôi, thêm một thao tác nữa là những tấm ảnh được in ra đẹp đẽ, giao tận nhà. Nhưng má sợ, không chịu chụp, sao khi không ông cứ đòi ăn mặc trang trọng rồi chụp ảnh. Tôi biết má sợ gì. Ngày xưa má từng nói, cứ nhà nào kêu thợ vô chụp ảnh thờ là sau đó người “đi” nhanh lắm. Ba cười cười, nếu đúng như vậy thì có bức ảnh chuẩn bị đẹp đẽ để thờ vẫn tốt hơn. Má vẫn không chịu chụp.

Những bức ảnh gia đình luôn thiếu người cũng là câu chuyện dài khi cả nhà chưa từng có một bữa cơm đủ người từ sau 75. Năm tháng đã qua, không thể kéo lại để sắp xếp như một bức ảnh ghép. Nhiều chuyện rồi có thể nhớ, có thể quên, nhưng tất cả lại hiện về rõ ràng trong một khoảnh khắc bất chợt, khi đưa tay phủi lớp bụi mờ trên bức ảnh ngày xưa…

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: