Chuyện đời bèo bọt của các bà “chế độ cũ”

Ảnh minh họa: Unsplash/Bady-abbas

Mấy bà thuộc “chế độ cũ” ở quê tôi là vợ sĩ quan, con lai, nhà có của để dành trong thể chế Việt Nam Cộng Hòa. Sau năm 1975, có bà thì lặng lẽ nuôi con trong khi chồng đi cải tạo, có bà thì lầm lũi, có bà thì hóa điên vì chế độ mới tịch thâu gia sản.

Dù rời xa làng quê để lên Sài Gòn tìm kế sinh nhai đã lâu nhưng tôi vẫn còn nhớ rõ mấy bà thuộc “chế độ cũ” trong xóm. Đó là bà Mười Tiều, dì Năm Thiếu Úy, dì Tám Quyện, dì Bảy, chị Lệ. Hồi tôi khoảng 9 tuổi thì bà Mười Tiều ngoài 70 tuổi, dì Năm Thiếu Úy, dì Tám Quyện và dì Bảy ngoài 30 tuổi, chị Lệ ngoài 20 tuổi.

Trước hết là câu chuyện về bà Mười Tiều. Hàng xóm láng giềng kể lại là trước năm 1975 bà Mười Tiều giàu có lắm. Việt Cộng vô một cái, tịch thâu hết vàng bạc. Cho dầu bả giấu vàng trong cái nồi, bỏ vào cái rế, treo lên giàn bếp nhưng Việt Cộng vẫn tìm ra được.

Khi tôi lớn lên, bả đã hóa điên rồi. Ban ngày, bả đóng cửa im ỉm ở trong nhà với ông chồng; còn con cái sống ở xa, lâu lâu mới về. Thỉnh thoảng tôi nghe tiếng cãi lộn của ông bà.

Chiều xuống, bả bắt đầu ra khỏi nhà trong bộ dạng nguyên bộ đồ trắng, đi chùa. Khi bả đi chùa xong thì trời đã sụp tối. Lúc đó bả chui vô mấy cái bụi tầm vông, bụi tre, bụi trúc, canh me có ai đi ngang qua, phóng ra hù người ta cho hết hồn chơi.

Ông Chín Rô trong xóm – người làm ruộng trong hợp tác xã, kể là có hôm ổng vác cuốc ngoài ruộng về nhà, đi ngang qua bụi tầm vông thì bị bả phóng ra hù. Ổng tưởng ma nên mém xáng cán cuốc xuống đầu bả. Tức thời bả la làng lên: “Tui đây!  Mười Tiều Đây!”. Ông Chín Rô kịp dừng tay lại.

Có lần tôi đi thả diều về ngang qua bụi tầm vông ngay góc trường học, bả mặc nguyên bộ đồ trắng phóng ra hù mà hết cả hồn. Rồi chắc nhờ bả đi chùa nhiều nên một thời gian sau bả tịnh tâm lại, hết hù người ta và sống thọ hơn 100 tuổi. Tui chắc hẳn đã có khoảng thời gian dài dằng dặc bả sống trong tiếc nuối vì mất của cải một cách lãng xẹt.

Minh họa: georgia-de-lotz-unsplash

Tiếp đến là câu chuyện về dì Năm Thiếu Úy. Sở dĩ mọi người gọi dì là bà Năm Thiếu Úy vì hồi trước dì là vợ một sĩ quan thiếu úy trong chế độ cũ. Sau Tháng Tư 1975, ông thiếu úy bị đưa đi cải tạo nên dì lấy ông Phèo – một người Hoa, để nương tựa.

Ông Phèo thì không có con riêng, hơn dì khoảng 20 tuổi, tạng người bự chảng, không có hai hàm răng, cái miệng lúc nào cũng ngồm ngoàm như đang nhai một thứ gì đó.

Dì Năm Thiếu Úy có hai đứa con trai riêng với ông thiếu úy. Một đứa lớn hơn tôi vài tuổi, đứa kia thì bằng tuổi tôi. Cả hai đứa đều học chung với tôi từ năm lớp 1 đến năm lớp 3 thì tụi nó nghỉ học. Nhà dì Năm Thiếu Úy ở ven chợ. Hằng ngày dì bán gạo.

Gạo của dì có hai loại: gạo cũ và gạo mới. Gạo cũ là loại gạo khi được nấu lên thì nở tét bét cho ra nhiều cơm. Những gia đình đông con thì mua loại gạo này để nấu được nhiều cơm, đặng chia đủ cơm cho tất cả thành viên trong gia đình. Gạo mới là loại gạo khi đem nấu lên thì không nở mấy nhưng được cái là cơm dẻo và ngon hơn.

Trong khi đó, ông Phèo hằng ngày bán bánh mì. Ổng có cái tủ bánh mì đựng tùm lum thứ như là bánh mì, thịt ba rọi xắt nhỏ, ngò gai, ngò rí, dưa leo, dao rạch bánh mì, thớt để xắt thịt, nước tương, giấy báo cũ để gói bánh mì v.v.

Sáng sáng và xế xế ổng chở cái tủ bánh mì trên xe đạp lượn vòng quanh xóm. Có điều ngộ là thay vì rao hàng thì ổng dùng một cái kèn có trái bóng bóp phát ra tiếng kêu “tò tí toe”. Ai muốn ăn bánh mì thì chạy ra trước cổng kêu “ông Phèo”.

Dì Năm Thiếu Úy đếm thời gian qua từng lần đong gạo bằng cái lon 1 lít (lon 1 lít bằng ba lon sữa Ông Thọ) để bán cho dân quê, còn ông Phèo đếm thời gian qua từng lần bóp kèn “tò tí toe”.

Cho đến khi tôi 18 tuổi mà vẫn chưa thấy ông Năm Thiếu Úy về, có thể là ổng đã chết trong tù hoặc là ổng đã ra tù nhưng không về xóm tôi, vì dì Năm Thiếu Úy lúc bấy giờ đã là vợ người ta?!

Kế đến là câu chuyện về dì Tám Quyện. Tui không chắc tên dì là Quyện hay Huyện vì ở quê người ta phát âm phụ âm “h” giống như phụ âm “qu” thành ra “quờ” hết trơn hết trọi. Nhà dì Tám Quyện ở sát bên nhà dì Năm Thiếu Úy.

Dì Tám Quyện có hai đứa con gái. Đứa đầu lai Mỹ. Tui không biết tên thật của nó là gì nhưng mà mọi người cứ gọi nó là “con Mỹ”. Con Mỹ không đi học vì nó sợ đám con nít trêu chọc nó bằng những từ bậy bạ.

Sáng nào nó cũng phụ dì Tám Quyện đổ bánh kẹp để bán ở chợ. Dì Tám Quyện và con Mỹ ngồi chèm bẹp dưới đất, sát bên mấy cái thúng gạo của dì Năm Thiếu Úy.

Khi con Mỹ độ chừng đâu 12 tuổi thì dì Tám Quyện cho nó đi ở đợ xa nhà. Mấy năm sau đó tôi có thấy nó trở về xóm, đi bộ ngang qua nhà tôi vài lần. Có lần nó banh hàng rào chui qua sân nhà tôi cốt để đi tắt từ phía sau nhà tôi ra con đường lộ, hòng tránh đám con nít trêu chọc nó bằng những từ bậy bạ. Sau cái lần đó thì tôi không thấy nó nữa.

Không biết là nó có đi Mỹ theo diện con lai hay không?! Liệu rằng nó còn trốn đám con nít cho khỏi nghe những lời chọc ghẹo?!

Chị Lệ ngoài 20 tuổi cũng lai Mỹ. Mọi người thường gọi chị là “Lệ Khùng”. Thật ra chị không có hành vi nào bất thường và cũng không la hét quấy phá ai. Chỉ vì trên người chị lúc nào cũng lấm lem bùn đất, chị không bao giờ cười hay nói chuyện với bất cứ ai, có lẽ vì thế người ta gọi chị là “Lệ Khùng”?

Hằng ngày chị cùng chồng đi bộ quanh xóm để đào giếng hay vét giếng cho người ta. Vai chị vác cuộn dây thừng, tay cầm cái nón cối của lính Mỹ. Ông chồng thì vác cuốc, xẻng, xà beng.

Tui xin phép dừng chuyện của chị Lệ một chút để giải thích thêm về cách lấy nước từ giếng lên. Quê tôi thuộc vùng cao nên người ta phải đào giếng sâu xuống khoảng 20 mét thì mới có nước ngầm.

Hồi ấy, tụi tôi kéo nước từ giếng lên bằng cái thùng cột sẵn vào dây mũi (loại dây được bện bằng sợi nylon, và người ta thường dùng loại dây này để cột mũi con bò mà dắt đi).

Cứ mỗi lần muốn lấy nước, người ta dùng dây mũi cột sẵn thùng nhôm hay thùng mủ vào, thả thùng xuống giếng, kéo từng đoạn dây lên. Có khi cái thùng lên khỏi miệng giếng thì trong thùng không còn miếng nước nào, do thùng bị lủng hoặc bị lắc lư cho nên nước tạt hết ra ngoài rồi.

Đến mùa nắng, giếng bắt đầu cạn nước. Khi đó người ta phải mướn vợ chồng chị Lệ vét giếng sâu xuống nữa thì mới có nước lên trở lại. Tui chưa từng tận mắt thấy vợ chồng chị Lệ đào giếng nhưng vài lần tôi có thấy họ vét giếng cho nhà tôi.

Họ thay phiên nhau đu dây thừng xuống đáy giếng đã cạn nước. Một người ở dưới đáy giếng đào, múc đất sét bỏ vào cái nón cối lính Mỹ được cột vào dây thừng. Người ở trên miệng giếng kéo nón đất sét lên, bỏ đất qua một bên.

Người ở dưới đáy giếng được một lúc sẽ bị ngộp thở nên người kia phải thay phiên đu dây xuống đáy giếng. Họ vét từ trưa đến chiều thì mạch nước ngầm sẽ phún lên. Chị Lệ chỉ làm việc mà không nói cười, còn ai muốn nói gì thì nói với chồng của chị.

Nhà chị Lệ ở trong một con hẻm. Mà đúng hơn là chòi. Cái chòi được cất tạm bợ bằng tre trúc lá dừa. Người ta cho anh chị ở đậu trong khoảnh sân phía trước nhà. Khi anh chị sinh được một bé trai, họ lại ẵm con theo, đặt thằng nhỏ nằm trên tấm nylon ở chỗ mát trong khi họ làm việc.

Khi độ chừng đâu 8 tuổi, thằng nhỏ đi lẽo đẽo theo sau họ để phụ giúp công việc. Đến bây giờ tôi cũng không biết là chị Lệ đã thoát khỏi cái hố sâu dìm phận đời đứa con lai trong chế độ mới chưa?!

Liệu rằng chị đã gột rửa sạch lớp bùn đất lấm lem trên người và có thể cười nói để người đời không còn gọi chị bằng cái tên “Lệ Khùng”?!

Minh họa: matthew-cabret-unsplash

Khác với vẻ mặt âu sầu của chị Lệ, dì Bảy luôn luôn lúc nào cũng tươi cười nói chuyện hoạt bát. Chồng dì Bảy cũng bị đưa đi cải tạo giống như chồng của các bà vợ sĩ quan khác.

Dì Bảy có hai đứa con: thằng con trai nhỏ hơn tôi một tuổi, đứa con gái thua tôi ba tuổi. Dì Bảy mở một sạp bán bánh kẹo và đồ chơi cho con nít bên trong trường học. Con nít bên ngoài trường hay con nít học trong trường đều có thể đến sạp của dì để mua mấy thứ mà chúng thích.

Hồi thời ấy, dì Bảy có bán xổ số đồ chơi: đồ chơi được treo trên một tấm bìa giấy cứng, bên dưới là những miếng giấy nhỏ có ghi số được gấp lại, con nít muốn chơi thì đưa dì Bảy 50 xu, rồi rứt một miếng giấy, mở ra thấy số nào thì lấy món đồ chơi có đánh dấu số đó; mở ra trống trơn không có số thì coi như trật lất, mất toi 50 xu.

Hai đứa con của dì Bảy học rất giỏi, năm nào tụi nó cũng được lãnh thưởng. Có lần tụi nó khoe với tôi rằng mẹ nó nói ba nó giỏi tiếng Anh lắm, bất cứ từ vựng tiếng Anh nào mới, ba nó đều đọc được. Hồi đó tụi tôi học dở tiếng Anh lắm vì ngay cả thầy cô giáo dạy tụi tôi còn đọc sai bét thì tụi con nít chúng tôi làm gì mà đọc đúng được?

Khoảng đâu thời gian thằng con trai dì Bảy học hết lớp 9 thì ba tụi nó về. Chồng dì Bảy về trong dáng vẻ gầy guộc, nước da xanh lè xanh lét, mặt hóp xọp trơ xương hai bên gò má. Đùng một cái, tụi nó bỏ học, cả nhà nó dọn nhà đi đâu mất tiêu. Cái thời đó cho dù có học giỏi thì hai con của dì Bảy cũng không học lên cao được với lý do “con của sĩ quan ngụy không được đi thi đại học”.

Tuy mỗi bà “chế độ cũ” xóm tôi có hoàn cảnh riêng nhưng tất cả họ đều có điểm chung là chịu đựng phận đời bèo bọt trong chế độ mới sau Tháng Tư 1975. Và ngay cả con cái của họ cũng gánh chung phận đời bị chế độ mới trù dập cho te tua tơi tả!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: