Về chuyện “Mở đường HCM trên không chống dịch ở Sài Gòn”

Vào lúc Sài Gòn đang mở rộng việc xét nghiệm cho hầu hết dân cư để tìm những ổ lây nhiễm coronavirus đợt 4, thì tin về một đoàn y tế từ tỉnh Hải Dương được Bộ Y tế đưa vào trợ giúp thành phố lớn và mạnh nhất nước đã khiến dư luận hoang mang về thực trạng dịch bệnh.

Việc dùng cả một chiếc máy bay đưa đoàn người cờ, loa như đi lễ hội từ phía Bắc vào thành phố, dù vẻ ngoài mang ý nghĩa hỗ trợ thì nội hàm vẫn là muốn xúc phạm, muốn áp đặt sự mang ơn. Đó là chưa kể việc nguồn dịch bắt nguồn từ Hải Dương có nguy cơ lây nhiễm thành ổ dịch ở Sài Gòn. Một chủ tài khoản Facebook, đã viết như năn nỉ “Sài Gòn mệt lắm rồi. Ai ở đâu ở yên đó giùm là yêu Sài Gòn rồi”.

Nhưng điều kích động dư luận hơn hết là việc các tờ báo lề đảng ra sức tuyên truyền tung hô với các cụm từ “chiến tranh chống dịch” được minh họa bằng các hình ảnh, trong đó đội ngũ ngành y tế Hải Dương ngồi trên Vietnam Airlines cùng tung nắm đấm “quyết tâm” rồi dùng ngôn ngữ có từ thời quân đội Bắc Việt vượt vĩ tuyến 17 xâm chiếm miền Nam như “mở đường Hồ Chí Minh trên không” vào “chiến trường miền Nam”, “vì miền Nam thân yêu”…

Có thể, đoàn 300 y bác sĩ, học viên Hải Dương vào Sài Gòn để trợ giúp đỡ đần cho ngành y tế đang căng hết sức của thành phố, nhưng sao lại tuyên truyền là “vào chiến trường”, và chiến trường nơi có các ca dương tính mà vật chủ – nạn nhân của coronavirus – là người Sài Gòn? Rồi lại phấn khởi hồ hởi với chiến lược “mở đường Hồ Chí Minh trên không”?!

Tất nhiên chế độ Hà Nội nếu thích thì đủ quyền lực làm bất cứ việc gì trong bất kỳ hoàn cảnh nào của nước Việt, ngay cả việc lồng ghép nội dung “chiến tranh” lên hình ảnh người bác sĩ, y tá, người thiện nguyện vốn là đại diện cho ý nghĩa nhân đạo phi chính kiến. Nhưng sự thật thành phố lớn nhất nước, nơi phải cống nộp ngân sách nhiều nhất, trường y các cấp, bệnh viện, phòng khám với đội ngũ y bác sĩ chuyên khoa nhiều nhất, giỏi nhất; nơi xuyên suốt mọi thiên tai dịch họa của cả nước dù nhỏ hay lớn, nặng hay nhẹ cũng ra tay cứu trợ, đô thị duy nhất trên thế giới tự gắn khẩu hiệu thành phố nghĩa tình… Vậy mà giờ đây qua tuyên truyền từ việc “biệt đội” y tế Hải Dương vào cứu giúp chống dịch, thì hình ảnh thành phố từng là niềm tự hào đó đã biến dạng, xuống cấp thê thảm. Thê thảm đến mức cần phải kêu cứu và được trợ giúp từ vài trăm sinh viên y của một tỉnh nhỏ ở phía Bắc?!

Nhưng dù sự thật của việc này là gì đi nữa, trò tuyên truyền “mở đường Hồ Chí Minh trên không” vào “chiến trường miền Nam”… cũng đã cho thấy – bất chấp cả nửa thế kỷ hòa bình, kêu gọi “hòa hợp hòa giải” thì cách nghĩ, hành vi coi bầu trời, mặt đất, con người miền Nam như là một chiến trường, mặt trận cần được hậu phương miền Bắc mở đường tiếp viện, tiếp tế để chiến đấu với kẻ thù (dù năm 2021, kẻ thù là dịch Covid-19) và tiến vào Sài Gòn để tìm chiến thắng và chiến lợi – rõ ràng là một sự mỉa mai. Mở lại lịch sử Việt Nam. Đại Việt sử ký toàn thư ghi:

Cảnh Trị năm thứ 8, tháng 5, trời không mưa, nhân dân nhiều người mắc dịch bệnh. Nhà vua đích thân cầu đảo tạ trời đất. Năm 1820 (Minh Mệnh năm thứ nhất), dịch bệnh bùng phát tại các tỉnh Hà Tiên, Vĩnh Thanh, Định Tường; sau đó lan dần ra phía Bắc đến Bắc Thành. Theo báo cáo của Bộ Hộ, “bệnh dịch phát ra từ mùa Thu sang mùa Đông, bắt đầu từ Hà Tiên, sau rốt đến Bắc Thành, tổng cộng số người chết là 206.835 người. Ước tính con số tử vong này tương đương khoảng gần 10% dân số Việt Nam thời điểm đó.

Tại Việt Nam, do điều kiện ghi chép và lưu trữ tư liệu cổ không nhiều vì vậy chúng ta khó có thể thống kê đầy đủ các đại dịch bệnh từng xảy ra trong lịch sử nước nhà. Nhưng người Việt Nam, từ vua, quan đến thường dân từ xưa đến nay luôn sáng rõ ý thức: cứu người dân bị dịch bệnh, thiên tai là trách nhiệm nhân đạo cao cả nhất.

Lịch sử ghi chép rằng ngay cả các triều đại phong kiến Việt Nam, cũng không lợi dụng dịch bệnh để tuyên truyền chính trị với ngôn ngữ chiến tranh, giọng điệu ban ơn như trường hợp chỉ với 300 cán bộ nhân viên y tế từ một trường cao đẳng y khoa Hải Dương được tuyên truyền rình rang và khoe khoang vào chống dịch Covid-19 để cứu giúp người dân Sài Gòn.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: