Người Việt vốn ít thương súc vật. Khi nuôi một con vật nào thường có mục đích: Như chó để giữ nhà, mèo bắt chuột, gà vịt heo… để ăn thịt. Tuy nhiên cũng có người nuôi chúng lâu ngày tình cảm nảy sinh, trong số đó có tôi. Nhưng tôi không cưng chìu chúng quá độ như người Âu, Mỹ mặc dù tình cảm đều như nhau.
Thanh Hà là tên con mèo tam thể tôi đặt cho nó, khi nó còn nhỏ xíu mới tập ăn và chập chững đi. Hôm tôi bế nó về, dứt sữa bất ngờ, xa mẹ và các anh em, nó buồn bỏ ăn và khóc mêu mêu suốt ngày. Tôi sợ nó chết, chiều hôm đó lẳng lặng ra phố mua ngay cho nó một lon sữa bò. Lúc tôi loay hoay pha sữa cho mèo, bố tôi thắc mắc hỏi:
-Con mua sữa cho ai thế? Bố dạo này có uống sữa nữa đâu. Uống vào bố cứ đau bụng đi tiêu chảy.
Tôi lắc đầu đáp:
-Không. Con mua sữa cho Thanh Hà.
Bố tôi chau mày:
-Thanh Hà nào?
-Thanh Hà là con mèo tam thể của con đó.
Bố tôi cao giọng gắt:
-Ối giời, khiếp thật. Con mèo thì cứ bảo là con mèo. Chứ Thanh Hà, Thanh Hải gì!
Quả như tôi phỏng đoán, Thanh Hà thèm sữa thật. Vừa đặt đĩa sữa xuống đất, nó ăn chùn chụt. Tôi nhìn nó, chép miệng than:
-Còn bé thế, xa mẹ, tội nghiệp quá!
Như hiểu được ý tôi, nó quay đầu nhìn tôi, rồi lại cúi xuống ăn tiếp. Tôi vuốt đầu nó, vỗ về:
-Ngoan nhé, ngoan nhé. Rồi cô thương.
Chỉ trong mười ngày, Thanh Hà đã quên hẳn mẹ và quen dần cuộc sống nhà tôi. Khi thấy nó đã biết ăn, biết hiểu, tôi bắt đầu dạy bảo. “Dạy con từ thuở còn thơ…” Ca dao đã nói như vậy. Và tôi bắt chước để áp dụng dạy mèo của tôi.
Hằng ngày, mỗi khi đến giờ ăn, tôi bế Thanh Hà đến dĩa cơm đặt ở góc bếp và nói:
-Thanh Hà này, đây là phòng ăn của con. Con phải ăn uống cho đàng hoàng, không được vung vãi xuống đất nghe chưa.
Rồi tôi bế nó đặt vào thau cát để gần thùng rác sau nhà:
-Còn đây là nhà vệ sinh, con không được đi bừa bãi ra ngoài nhé.
Cuối cùng, tôi chỉ một thùng giấy bên trong có một ít giẻ vụn, nằm dưới gầm bếp:
-Và đây là phòng ngủ của con, con vừa ngủ vừa canh chuột cho cô.
Tôi dặn dò thật kỹ mỗi ngày, với thời gian, Thanh Hà quen vào nề nếp, tôi không phải khó nhọc nhiều vì sự chăm sóc cho nó nữa. Mỗi khi Thanh Hà đại tiện xong, nó lấy chân bươi cát lấp lại, nên mùi hôi không thoát ra ngoài. Thỉnh thoảng, tôi chỉ việc xúc phân bỏ vào thùng rác và thay cát mới cho nó.
Có một điều làm tôi hài lòng nhất về Thanh Hà, là nó không biết ăn vụng như bao con mèo khác. Ban đầu tôi không tin tưởng cho lắm nên mỗi khi sắp thức ăn như thịt kho, cá chiên… trên bàn, hoặc lúc đi chợ về, thịt cá lấy từ giỏ ra còn ngổn ngang, thấy bóng Thanh Hà đi qua, tôi thường hét thị uy: “Meo! Meo! Meo!” để ngăn chặn nó. Thanh Hà chỉ quay lại đưa mắt nhìn tôi, rồi lẳng lặng bỏ đi, không chụp giựt một món nào. Cho dù những lần sau, tôi không hét thị uy nữa, Thanh Hà vẫn ngoan.
Suốt thời gian dài như thế, Thanh Hà đã chiếm trọn niềm tin yêu trong lòng tôi. Càng ngày tôi càng mến thích Thanh Hà hơn, liền mua thưởng cho nó một trái ping pong. Thanh Hà thích lắm, làm tôi cũng vui lây. Hằng ngày chúng tôi nô giỡn nhau, cười sằng sặc.
Tôi hay ném trái ping pong xuống đất, Thanh Hà vừa vồ tới thì trái banh lại búng lên cao, nó lại nhướng người đưa tay lên chụp. Cứ thế… nó nhảy tưng tưng. Chơi chán cái trò ping pong, tôi lại chế ra trò khác để đùa với Thanh Hà. Tôi cột con cá gỗ vào một sợi thun nhỏ thả tòng teng xuống đất, đầu kia tôi cầm nhún nhún, xoay tròn. Vô tình, Thanh Hà phải múa theo, hai tay quờ quạng, thân hình uốn éo, trông rất đẹp mắt. Coi thế mà Thanh Hà ghiền… nhảy! Hôm nào tôi mê đọc sách, không để ý đến nó, là nó mon men lại gần lấy chân khều khều tôi.
Thanh Hà dễ thương thế, không chê một điểm nào. Thế mà có một lần, không hiểu vì đau bụng hay Thanh Hà đổ đốn, nó đi bậy dưới gầm giường của tôi. Buổi sáng thức dậy, ngửi thấy mùi hôi nồng nặc, tôi biết ngay là Thanh Hà. Tôi tìm roi mây, nhưng nhà không có sẵn, tìm cây thước kẻ cũng chẳng thấy đâu, tôi vớ ngay cái xe điếu hút thuốc lào của bố tôi rồi tìm Thanh Hà cho nó một trận đòn. Nhìn vẻ mặt giận dữ của tôi, Thanh Hà biết có chuyện. Nó run sợ núp dười gầm tủ. Tôi lôi ra. Thanh Hà vùng vẫy, liên tục kêu meo meo cố thoát khỏi bàn tay tôi, nhưng làm sao thoát được. Tôi dí đầu nó sát đống phân, rồi vừa quất vào đít nó vừa hét:
-Hư này! Hư này! Hư này! Lần sau không đi bậy nghe chưa!
Vừa lúc đó, bố tôi đi trờ tới, thấy vậy, la oai oái:
-Giời ơi là giời, cái xe điếu của ông, mà đem đập đít con mèo, làm sao ông hút thuốc!
Nói xong, bố tôi giựt phăng xe điếu lại, xuống bếp, mở nước dội xối xả.
Sau trận đòn gần như nhừ tử đó, Thanh Hà bỏ nhà đi mất biệt, mãi vài ba hôm mới về, gặm theo một con chuột nhắt. Nó hí hửng đem khoe công trạng với tôi. Con chuột đã chết từ lúc nào. Thanh Hà không ăn nhưng vờn mãi, cứ nhởn nhơ trước mắt tôi làm như thể lấy công chuộc tội. Nhìn thấy chuột, tôi kinh hãi hét lên:
-Khiếp quá! Khiếp quá! Hà ơi!
Rồi tôi tìm cây gắp con chuột bỏ vào thùng rác. Kể từ lần đó, Thanh Hà ngoan lại như xưa. Tôi ôm Thanh Hà vào lòng, vuốt ve đầu nó, nhỏ nhẹ nói:
-Thanh Hà dạo này giỏi quá, giỏi quá. Ngoan thì cô thương. Hư thì ăn đòn nghe chưa!
Thanh Hà dường như hiểu ý, nó kêu lên một tiếng “meo” đáp lời.
Thấm thoát Thanh Hà ở nhà tôi, Xuân qua, Hè lại, Thu tới, Đông tàn… mới đó mà Thanh Hà lớn như thổi. Thanh Hà đã được 14 tuổi (tuổi do tôi phỏng đoán theo người). Nó bắt đầu biết la cà rong chơi khắp xóm. Ít ở nhà. Hễ ăn cơm xong là nó đi chơi. Tôi thông cảm chẳng la rầy. Con nít mà, như tôi hồi tuổi của nó vậy. Cũng đi chơi, phá phách dữ lắm, chứ vừa sao! Với lại cũng cho nó ra đời tiếp xúc làm quen dần với cuộc sống cho vững vàng, dạn dày ra. “Đi cho biết đó biết đây…”. Ca dao đã dạy thế.
Một hôm nó bị chú chó đầu ngõ rượt chạy có cờ, lúc về tới cửa, Thanh Hà quay lại phùng mang trợn mắt, gồng lưng cao như lạc đà, bốn cái chân giương thẳng, miệng khạc khạc rất dữ tợn làm chú chó hoảng sợ khựng lại tru mõm sủa gâu gâu rồi rút lui. Phải thế chứ. Thanh Hà của tôi cũng khôn ngoan đáo để. Bề ngoài trông dễ thương hiền lành, nhưng đâu phải vì thế mà bắt nạt đè đầu dận cổ được nó. Sau ngày đó, Thanh Hà vẫn không ngán, vẫn tính nào tật nấy, ưa la cà đó đây.
Rồi Tháng Tư đen 1975, Cộng sản thôn tính miền Nam, cuộc sống cả nước xáo trộn. Gia đình tôi cũng sa sút như bao gia đình khác, phải cầm cự lắm mới có đủ miếng cơm không độn để ăn. Nhưng thịt, cá hầu như không bao giờ dám nghĩ tới. Họa hoằn lắm lâu lâu mới có nửa ký thịt do cửa hàng quốc doanh nhà nước phân phối nhưng phải xếp hàng gần bốn tiếng mới đến lượt mình. Nản, tôi bỏ luôn.
Sống trong giai đoạn xã hội khó khăn như vậy, Thanh Hà cũng chịu chung số phận với con người. Hằng ngày, Thanh Hà chỉ còn cơm với rau muống luộc. Đó là món ăn chủ lực thường nhật của gia đình tôi. Dường như Thanh Hà cũng gốc Bắc như tôi thì phải, nên xem nó chiếu cố rau muống cũng tận tình. Tuy nhiên lâu quá, không có miếng thịt cá nào, nét mặt nó cũng hơi buồn.
Tôi tội nghiệp nó hết sức, thường vuốt đầu nó vỗ về: “Thanh Hà cũng là cháu ngoan của bác Hồ nhỉ. Cháu ngoan thì không được đòi hỏi nha”. Như hiểu được câu nói đó, nó vùng vằng “ngao” lên một tiếng nhảy ra khỏi lòng tôi, bỏ chạy. Thì ra Thanh Hà cũng phản đối chính sách quái lạ như vậy. Nó có vẻ cũng chẳng thích “bác Hồ”. Chế độ trói buộc chứ Thanh Hà nào muốn làm đứa trẻ ngoan kiểu đó.
Nghĩ cho cùng, Thanh Hà nhỏ bé, ăn bao nhiêu mà tốn. Nhưng gia đình tôi không đào đâu ra thịt, cá để cho Thanh Hà. Lối xóm cũng chả thua gì, ai nấy càng ngày càng đói nghèo, bệ rạc. Cơm còn không đủ ăn, phải độn khoai, độn bo bo. Thức ăn không có, lấy đâu tôi nhờ vả để xin cho Thanh Hà? Sống trong cảnh túng bấn, kham khổ ấy, Thanh Hà càng lúc càng ốm đi, nhưng dù cơm rau, canh cặn, tới tuổi dậy thì, Thanh Hà vẫn trổ mã, đẹp ra. Lông nó mượt hơn. Tóc nó óng ả hơn. Và trên thân thể rõ nét ba màu vàng, đen, trắng không lẫn lộn nhau, Thanh Hà trông mặn mà duyên dáng lạ. Thanh Hà bắt đầu có người yêu. “Bạn trai” của nó là chú mèo của chị bạn hàng xóm với tôi, nhà chỉ cách vài căn.
Chú mèo đó chả… đẹp trai gì. Cái mặt chú đen thui. Ánh mắt dữ tợn. Hai hàng ria mép dê xồm. Đã thế, chú lại có cái bụng nước lèo. Dáng đi nặng nề, lười biếng, nhưng hễ thấy thức ăn, chú nhanh như chớp, mắt sáng rực lên, vồ miếng mồi bỏ chạy.
Trong xóm, thỉnh thoảng tôi vẫn nghe tiếng hét, chửi đổng của chị Tình, bạn tôi, về chú mèo của chị. Nhiều lần chị phàn nàn với tôi, chú mèo của chị… mất dạy quá, chả nên tích sự gì, chỉ ăn hại không. Hằng ngày, chú lêu lổng chơi bời, chỉ biết về nhà khi bụng đói. Đêm thì lo ve vãn… gái, sống trác táng bê tha, chỉ mãi hưởng thụ quên hẳn nhiệm vụ của bản thân chú trên đời. Có chú, mà chuột trong nhà chị chả nể nang tí nào. Lũ chuột tha hồ phá phách cống rãnh, thỉnh thoảng bị nghẹt luôn, chị phải tốn một mớ tiền sửa chữa.
Đã thế, lũ chuột còn cả gan cắn nát cái chạn chứa thức ăn nhà chị. Đôi lần giận trước sự thiệt hại nặng nề, chị trút hết mọi tội lỗi lên chú mèo đó, và muốn tống khứ chú đi cho khuất mắt, cái thứ sống thừa xã hội, nhưng nghĩ chú sẽ bơ vơ đói khổ, lòng nhân hậu trong chị trỗi dậy, không cho phép chị làm thế. Và cũng đôi lần chị muốn nuôi thêm con mèo khác, nhưng nghĩ đến chú mèo hiện tại, chị ngán ngẩm, lại thôi.
Tôi vẫn thường qua chơi thăm chị, vì cả hai là đôi bạn cùng sở thích mê… mèo (xin bị chú rõ ràng: Mèo bốn chân!). Thấy tình cảnh đáng thương của chị, tôi tìm lời an ủi. Nuôi mèo, chị nên nuôi từ thuở nhỏ. Dạy nó từ tấm bé. Mèo cũng như người, hễ luyện kỹ thì cũng nên. Có con còn biết ngồi thiền, ăn chay nữa. Tôi còn dẫn chứng, cọp dữ, chúa tể sơn lâm ở trong rừng, dưới sự huấn luyện của con người vẫn trở nên hiền lành, biết nghe lời, ngoan ngoãn diễn xiếc thật ngoạn mục, thật lạ kỳ.
Như câu chuyện tại “Chùa Cọp” (Wat Pha Luang Ta Bua) thuộc tỉnh Kanchanaburi ở Thái Lan; chính với tấm lòng từ bi vô hạn của các nhà sư cùng phương pháp nuôi cọp cho ăn chay hoặc thịt nấu chín, xa hẳn mùi thịt sống và máu, dần dà cọp không còn thú tính hoang dại của rừng xanh, sống gần gũi với người như những thành viên trong gia đình, du khách đến thăm có thể thân thiện, vuốt ve như đối với mèo. Tất cả đều do sự giáo dục mà thôi. Giáo dục là nền tảng vững chắc để xây dựng luân lý, đạo đức nề nếp gia đình, xã hội, đất nước nhưng nó lại đòi hỏi sự quyết tâm, nỗ lực của chính mình, của mọi người cơ.
Chị Tình tiu nghỉu:
-Thì tôi cũng nuôi nó từ tấm bé, nhưng nó vẫn hư đốn biết làm sao.
Tôi cãi:
-Chị nuôi, nhưng chị không dạy nó, nên nó mới hư. Như Thanh Hà của em, nó hiền ngoan hết sức. Đó cũng do em dốc công đào luyện.
Chị Tình thở dài:
-Ôi! Âu cũng là… cha mẹ sinh con trời sinh tính. Có dạy dỗ cũng chỉ được phần nào.
Lời chị Tình, ngẫm nghĩ cũng có lý. Trên đời chả có gì tuyệt đối, được tương đối là cũng tốt lắm rồi. Đâu phải muốn là được. Chả thế mà ngài Khổng Minh, quân sư nhà Thục thời Tam Quốc, đã từng ngửa mặt lên trời não nuột than “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”.
Chị Tình nuôi mèo đã nhiều năm, thời gian dài mới đủ cho chị hiểu bản chất thật của mèo nhà chị. Còn Thanh Hà, chẳng qua mới lớn đây thôi, làm sao tôi có đủ dữ kiện để phán đoán về nó. Bằng cớ là về sau, chính Thanh Hà tốt đẹp của tôi, lại đem lòng si mê cái chú mèo vừa… xấu trai, vừa già, vừa mất nết đó được.
Tình yêu! Ôi, tình yêu! Tình yêu là cái giống gì có thể làm đảo lộn mọi thứ như thế chứ. Nó là ly rượu nồng đầy men say làm ngây ngất, là cung đàn khẩy lên tiếng nhạc du dương quyến rũ dẫn hai kẻ yêu nhau lạc bước sa chân vào thế giới hoan lạc để không còn biết trời trăng gì nữa. Phải đó, tình yêu làm mù lòa con tim, lý trí.
Thanh Hà là… gái mới lớn lên, còn ngây thơ thánh thiện, tâm hồn nó trong sáng như tấm lụa đào nên dễ bị tình yêu dụ dỗ đưa vào mê hồn trận để không phân biệt tuổi tác giàu nghèo sang hèn, nhưng ít ra, con nhà có… giáo dục, Thanh Hà phải biết câu “nồi nào úp vung nấy” chứ?! Ai đời cái nồi inox sáng choang mà đem cái vung đất sần sùi đen đủi đậy lên, coi sao đặng? Nhưng nghĩ cho cùng, hôn nhân đều phải do duyên số nợ nần từ bao đời bao kiếp, nay có nhân duyên gặp lại để trả cho nhau, kén chọn cho lắm cũng không thoát khỏi bàn tay ông tơ bà nguyệt sắp sẵn.
Say trong cuộc tình, Thanh Hà hẹn hò bỏ nhà đi suốt đêm làm chuột lại giở mòi quấy phá. Một hôm tôi bực, gọi Thanh Hà lại bảo:
-Hà này! Con là… đàn bà, con gái. Con phải “kín cổng cao tường” treo cao giá ngọc để nâng phẩm hạnh của bậc nữ nhi. Mèo mả gà đồng, bỏ nhà đi suốt đêm còn gì là… trinh tiết!
Rồi tối đó, tôi nhốt Thanh Hà lại. Cửa nẻo tôi đóng chặt không cho Thanh Hà chui cửa sổ thoát ra ngoài. Thanh Hà buồn buồn, thơ thẩn co mình trong xó bếp. Tôi an lòng về phòng, lên giường ngủ.
Nửa đêm, tôi bỗng thức giấc vì tiếng mèo ngao. Thoạt đầu nghe, cứ như giọng con nít khóc, hay những tiếng oán than của ma khóc quỉ hờn trong đêm tối nghe rờn rợn làm sao. Tôi vốn sợ ma, mặc dù chưa thấy ma bao giờ, nhưng chỉ tưởng tượng cũng đủ rợn tóc gáy. Tôi vội kéo chăn trùm kín mặt. Trong bóng đêm, tôi nghe rõ mồn một tiếng nhịp tim đập thình thịch của chính mình.
Rồi sau đó, một lát định thần, lẫn trong tiếng gió hú từng cơn, tiếng xạc xào của lá bàng nhà chị Tình len qua khe cửa, tôi nhận ra, tiếng tỉ tê của chú mèo hàng xóm. Một chặp, lại có tiếng khóc của Thanh Hà. Tiếng khóc của nó nỉ non, tức tưởi, vừa như than van vừa uất hờn. Chắc Thanh Hà đang giận tôi.
Tôi lắc đầu trong bóng tối. Chao ôi, tình chúng nó đã quá nặng, tôi nỡ nào ngăn cho được. Tôi dự định sáng ngày mai phải giải quyết việc này. Nghĩ vậy, tôi an tâm dỗ lại giấc ngủ dở dang… Trăn qua trở lại một chốc, tôi ngủ thiếp lúc nào không hay, và tiếng ngáy khò… khò… của tôi hoà trong âm thanh ma quái loang nhanh vào đêm vắng.
Sáng hôm sau, khi ánh Mặt trời chênh chếch trên những ngọn cây ngợp lá, tỏa xuống trần gian ánh sáng trong vắt, rực rỡ, ấm áp của một ngày tươi đẹp. Tiếng chim chóc cũng hót vang để chào đón một ngày mới. Tôi chọn giờ tốt rồi qua thưa chuyện với chị bạn hàng xóm của tôi:
-Này, chị Tình ơi! Chú mèo nhà chị đã đem lòng yêu thương Thanh Hà của em. Hôm nay em qua trình với chị để chúng mình làm… sui gia, tác hợp cho… đôi trẻ!
Chị Tình cười, gật đầu. Thế là tuần sau, nhân lúc nhận được thùng quà do thân nhân từ ngoại quốc gởi về, chị Tình vui mừng đem biếu nhà tôi một tô bún riêu. Nhìn tô bún hồng tươi lóng lánh nước mỡ lẫn những rún cua nâu nâu nổi trên mặt bún trắng tinh, vài cọng hành ngò xanh xanh, lác đác vài lát cà chua đỏ au xắt mỏng; đĩa rau sa lát thái nhỏ lẫn lộn với giá sống, húng quế, húng lủi, hành lá, kinh giới, tía tô, rau muống chẻ, tôi thèm chảy nước miếng nhìn chị, cười cười:
-Chà, đây là sính lễ cưới Thanh Hà đó hén?
Tôi bưng tô bún và đĩa rau đặt trên bàn ăn rồi nói tiếp:
-Tuần tới, em cho… rước dâu! Thời buổi khó khăn, nhà gái chỉ… đòi thêm một tô bún ốc.
Chị Tình không nói gì, chỉ tủm tỉm cười. Thế là từ đó, Thanh Hà chính thức có chồng. Tôi không khó dễ với Thanh Hà nữa, mặc dù tôi không ưng ý lắm khi nó vớ phải một anh chồng… mắc dịch! Thôi, kệ nó. Duyên nợ của nó, nó phải gánh. Thân gái mười hai bến nước, trong nhờ, đục chịu. Cản ngăn cho lắm chỉ khổ thêm cái đầu. Tuy vậy, thấy vợ chồng nó quấn quít thật tình yêu thương nhau, lòng tôi cũng vui vui. Nhà chồng Thanh Hà cũng chả xa xôi gì, Thanh Hà tự do đi đi, về về. Vài tháng sau, Thanh Hà có bầu. Cái bầu càng ngày càng lớn khiến Thanh Hà đi đứng uể oải, nặng nề hơn. Nó về ở hẳn nhà tôi đợi ngày sanh nở.
Hôm chuyển bụng, Thanh Hà đau đớn kêu la thảm thiết. Nó chạy tán loạn khắp nơi để kiếm nhà hộ sinh! Thấy nó quýnh quáng, tôi cũng vội vã tìm cho nó một chiếc thùng giấy trong có một ít giẻ vụn đặt dưới gầm tủ rồi rình Thanh Hà đẻ để lấy “nhau”. Thiên hạ vẫn cho rằng lấy được “nhau” mèo rất hên, nhất là phát tài về tiền bạc. Nhưng mà không dễ, vì mèo có thói quen kín đáo. Cho nên Thanh Hà thấy tôi, Thanh Hà bỏ chạy. Rồi trong đêm hôm đó, không biết vào lúc nào, Thanh Hà đã hạ sinh một trai, một gái.
Sáng hôm sau thức dậy, tôi nghe tiếng mèo kêu từ nóc tủ, tôi bắc ghế lên nhìn, thấy hai con mèo con nhỏ xíu bằng nắm tay, mắt nhắm nghiền, chân loạng choạng bước, miệng cứ kêu meo… meo… vì vắng mẹ. Không biết Thanh Hà đi đâu. Mẹ hư quá. Con khóc mà bỏ nhà đi chơi. Hay nó đi thông báo cho chồng nó?! Mãi một lát, Thanh Hà mới trở về. Thấy tôi ẵm hai con của nó, Thanh Hà lẽo đẽo chạy theo sau. Tôi đặt hai con của nó vào… nôi (thùng giấy) đã dọn sẵn rồi ngồi ngắm dung nhan chúng.
Tuy mới chào đời, lông lá còn lưa thưa chưa rõ nét, song tôi vẫn nhận ra, một con tam thể, một con nhị thể.
Con tam thể in hệt Thanh Hà. Hễ mèo tam thể luôn luôn là cái. Tôi đặt tên nó là Tam Sương. Con nhị thể hai màu đen, trắng mới ngộ nghĩnh làm sao. Khắp mình màu trắng, riêng bốn bàn chân thì đen, thoạt trông như nó mang găng. Nhưng đặc biệt hơn cả là hàng ria mép màu đen nổi bật trên khuôn mặt trắng trông oai oai như một vị tướng, tôi đặt tên là Nhị Thành.
Nhị Thành càng lớn càng… đẹp trai. Nhất là khi nó ngồi trên ghế sa-lon hóng chuyện, cặp mắt mơ màng, hàng ria mép thỉnh thoảng liến thoắng nhấp nhô, trông nó oai ra phết. Khách đến nhà chơi không ai mà không chú ý đến nó. Nhìn hàm râu kẽm của Nhị Thành, họ cười bảo trông nó oai vệ như tướng… Nguyễn Cao Kỳ! (Đây là nhận xét của khách, thật tình xin kể lại. Mong được thông cảm).
Nhị Thành ngộ như thế, Tam Sương cũng không chịu kém. Ngoài nhan sắc mỹ miều như mẹ, Tam Sương còn có khuôn mặt trội hơn. Mặt nó phân biệt rõ ràng hai màu vàng, trắng; trên đỉnh đầu có một chóp đen, thoạt nhìn, Tam Sương như đang đội mũ, thật quí phái vô cùng.
Hằng ngày anh em nó nô đùa với nhau, hoặc cùng nhau nhảy nhót tạo không khí nhà tôi vui tươi sống động hẳn lên. Ấy thế mà một hôm, bạn của bố tôi lại chơi, có ý xin một con. Tôi không muốn nhưng vì lệnh của bố tôi, tôi đành lòng bấm bụng tiễn Tam Sương ra đi. Ngày chia tay, chưa bao giờ buồn như thế. Hôm đó trời u ám, rả rích mưa, tiếng tí tách từng giọt rớt xuống mái hiên hòa với tiếng meo meo của Tam Sương làm nẫu ruột gan tôi.
Ngày đó, dù túng bấn, trước khi nó đi, tôi cũng cố gắng mua đãi Tam Sương vài con cá vụn nấu ngót với vài cọng rau muống. Bữa tiệc tiễn đưa, mẹ nó, anh nó cũng có mặt. Ba mẹ con nó châu đầu vào đĩa cơm, thỉnh thoảng đưa mắt buồn bã ngước nhìn tôi, không có giọt nước mắt nào, nhưng thay cho tiếng khóc, chỉ có tiếng mưa rơi rỉ rả, không ngớt. Khi người khách bế nó ra khỏi nhà, Thanh Hà, Nhị Thành cũng quyến luyến chạy theo. Tất cả cùng cất tiếng meo… meo như một bản nhạc buồn thay cho lời tiễn biệt.
Tam Sương đi rồi, nhà vắng hẳn đi. Mỗi lần nhìn Thanh Hà và Nhị Thành, tôi chạnh lòng nhớ Tam Sương. Không biết bây giờ nó ra sao? Có khỏe không? Có nhớ về mái ấm gia đình nơi chứa đầy kỷ niệm vui, buồn, nơi nó đã sinh ra và lớn lên, hay Tam Sương đang sung sướng rồi quên đi chốn cũ?
Không, tôi không tin như thế. Tam Sương không thể là loại vô tình, bạc bẽo, vì nó là con của Thanh Hà, một người mẹ hiền hậu, nhu mì, mẹ nào con nấy, nhất là người mẹ đó đã từng sống cả đời êm đềm bên tôi và do tôi đào luyện. Vẩn vơ, tôi nghĩ đến sự bạc đãi của chủ nhân đang nuôi nó. Nếu thế sẽ tội nghiệp Tam Sương biết chừng nào. Nó sẽ vô cùng bơ vơ, cô đơn lẫn cô độc, buồn! Thôi, nghĩ đến nó nhiều, chỉ mệt thôi, tôi chỉ biết cầu mong nó được may mắn và vui sống với cuộc đời hiện tại.
Vài tháng sau, nỗi buồn chưa vơi, biến cố mới làm chao đảo hồn tôi. Thanh Hà bị mất tích. Đã một tuần, hai tuần rồi… một tháng, Thanh Hà không thấy trở về. Tôi tìm kiếm khắp nơi, nhưng Thanh Hà vẫn biệt vô âm tín. Thất vọng, tôi nghĩ đến cuộc sống đói khổ hiện tại.
Chính sách khắc nghiệt, sai lầm của Cộng sản ngăn sông cấm chợ, quốc hữu hoá quốc doanh đã đưa cả nước vào thảm cảnh, không bảo toàn nổi cuộc sống ấm no cho con người thì súc vật cũng phải chịu chung số phận. Nạn bắt chó trộm mèo đã trở thành phong trào của xã hội. Lối xóm ai nấy đều xôn xao, đều cảnh giác mà không sao ngăn được. Thanh Hà đã trở thành nạn nhân. Người ta bắt cóc Thanh Hà để làm thịt. Thịt mèo có ngon gì cho cam, nhưng cũng đỡ lòng thay cho khoai sắn.
Chán với cuộc sống và chế độ khắc nghiệt, cũng như bao người, tôi tìm đường vượt biên. Ngày tôi đi, Nhị Thành đã khá lớn. Tôi bế nó vào lòng vuốt ve, và dặn dò nó phải tự giữ mình, đừng ra ngoài la cà để rồi sẽ bị bắt cóc. Có lẽ nó hiểu, nó không… nói gì, lặng yên ngả đầu vào cánh tay tôi, nét mặt buồn hiu, tiu nghỉu.
Khi sống ở nước ngoài, nhìn mèo ở hải ngoại mập ú, tròn vo, thịt núc na núc ních được chăm sóc một cách kỹ lưỡng, cẩn thận; sống sung sướng vương giả, chả phải làm gì vì chẳng có chuột. Hằng ngày chỉ ăn và ngủ không. Mà ngủ còn có “nhà” đẹp, thức ăn được chọn lọc, được khám bịnh hằng năm, tôi chạnh lòng, chẳng những thương cho Nhị Thành ốm o gầy còm vì thiếu dinh dưỡng, mà thương cả cho con người ở Việt Nam lúc đó, sống khốn khổ lây lất qua ngày; cho đến bây giờ, mấy chục năm rồi, dù đất nước đã có nhiều thay đổi, giàu có, dù tiếp cận với thế giới văn minh, vẫn còn người lam lũ bươi đống rác kiếm sống. Ôi, tất cả cũng do số phận, nghiệp quả của từng chúng sinh. Biết làm sao bây giờ.
Vài tháng sau ngày tôi định cư ở nước thứ ba, khi gởi quà về cho gia đình, tôi có mua cho Nhị Thành một hộp thức ăn đặc biệt để làm quà cho nó. Rất tiếc, Nhị Thành không có diễm phúc thưởng thức vì số phận của nó, cũng như Thanh Hà, mẹ nó. Nhị Thành đã bị bắt cóc. Bây giờ thân xác nó đã trở thành cát bụi. Và có lẽ giờ đây, biết đâu, linh hồn nó đang phiêu diêu miền cực lạc hoặc có thể đầu thai làm kiếp người, hay đã là chú mèo ở một nước văn minh nào đó. Không ai biết được. Thôi thì, tôi chỉ biết cầu mong cho Nhị Thành, cho Thanh Hà may mắn ở thế giới bên kia và những con người đang trên thế gian này luôn có đời sống bình yên, ấm no, hạnh phúc.