Bài ca đi cùng năm tháng đối với nhiều người có lẽ là một bài hát mang ý nghĩa bao trùm những cảm xúc chung nhất của những con người sống qua nhiều thế hệ. Tuy nhiên, đối với tôi, bài hát đã đi cùng tôi từ thời sinh viên đến nay vẫn là bài “First of May” do ban nhạc Bee Gees thể hiện, với giọng ca chính là Barry Gibb, được phát hành đĩa đơn vào năm 1969. Bài hát này cũng do ông Barry Gibb sáng tác.
Mỗi người cảm nhận ý nghĩa của bài hát này khác nhau, nhưng tôi cảm nhận ý nghĩa bài hát theo cách của riêng mình:
Hồi tôi còn nhỏ, thậm chí thấp hơn cây Giáng Sinh
Mấy đứa trẻ khác thì mê chơi, còn chúng ta thì dành thời gian để bày tỏ niềm thương mến nhau
Rồi thời gian thấm thoát trôi qua đến nỗi tôi không ngờ tới
Mỗi đứa một phương trời
Bây giờ chúng ta ai cũng lớn, thậm chí cao hơn cây Giáng Sinh
Tôi chẳng thể cảm nhận được thời gian trong ngày làm việc bận rộn
Nhưng tôi tin chắc rằng tình cảm của chúng ta sẽ không bao giờ tàn lụi
Chúng ta sẽ khóc vì nhớ nhau trong ngày 1 Tháng Năm
Chúng ta ví như cây táo rồi ai cũng lớn lên
Tôi nhìn từng trái táo rụng xa cành
và liên tưởng đến sự xa cách của chúng ta trong lúc này
Rồi tiếc nuối về nụ hôn lên đôi má dành cho em như “đặt cọc” cho tình yêu…
Bài hát được thể hiện bằng nhịp độ thong thả 61 nhịp/phút như một thước phim quay chậm, chiếu lại từng kỷ niệm trong quá khứ. Hai đoạn đầu của bài hát được thể hiện bằng giọng ca với âm vực vừa phải, lấy hơi chậm nhất so với các đoạn khác trong bài hát như từ từ đưa người nghe vào sự hồi tưởng về thời ngây thơ êm đềm tuyệt vời gắn bó với những cây Giáng Sinh, những trò chơi trẻ con, tình cảm trong sáng của đôi trẻ, và rồi kết thúc bằng sự chia cách mỗi người một nơi.
Khi đôi trẻ trưởng thành, cho dù họ đã chia cách nhưng có những ngày an bình đứng bên cây Giáng Sinh sau chuỗi ngày làm việc bận rộn, họ lại nhớ về tình cảm đẹp đã dành cho nhau.
When I was small, and Christmas trees were tall
We used to love while others used to play
Don’t ask me why, but time has passed us by
Someone else moved in from far away
Now we are tall, and Christmas trees are small
And you don’t ask the time of day
But you and I, our love will never die
But guess we’ll cry come first of May
Đến đoạn kế tiếp, sự tiếc nuối vì ngày xưa ấy đã trôi qua, tiếc nuối về những phút giây hạnh phúc đó, tiếc nuối về nụ hôn đầu đời, được ca sĩ thể hiện bằng cách lấy hơi nhanh hơn, giọng ca nghe chừng thổn thức và khắc khoải.
The apple tree that grew for you and me
I watched the apples falling one by one
And I recall the moment of them all
The day I kissed your cheek and you were mine
Đoạn điệp khúc được lặp lại bằng âm vực cao nhất trong bài hát, đó cũng chính là lúc ca sĩ không còn kiềm chế được nỗi nhớ về những kỷ niệm đẹp, ông đã cố vói cao để mong “chạm được” lại khoảng thời gian đẹp đẽ không thể nào quên.
Now we are tall, and Christmas trees are small
And you don’t ask the time of day
But you and I, our love will never die
But guess we’ll cry come first of May
Cuối cùng thì ca sĩ cũng đã gửi thông điệp đến người nghe rằng kỷ niệm đẹp cũng chỉ mãi thuộc về quá khứ, chi bằng tiếp tục cuộc sống, và để cho những phút giây êm đềm đó lắng đọng trong lòng.
When I was small, and Christmas trees were tall
Do-do-do-do-do, do-do do-do
Don’t ask me why, but time has passed us by
Someone else moved in from far away
Ngày 1 Tháng Năm thật ra là sinh nhật con chó mang tên Barnaby của Barry Gibb, điều này đã truyền cảm hứng cho ông sáng tác và thể hiện bài hát “First of May”, với những dòng ký ức hồn nhiên trong sáng như viên pha lê.
Ngày 1 Tháng Năm cũng là sinh nhật của tôi. Vì cớ này mà tôi đi tìm hiểu xem có bài hát tiếng Anh nào nói về ngày này hay không. Và thật là thú vị khi tôi tìm được bài hát “First of May”. Ngày 1 Tháng Năm của tôi gắn liền với cái hầm.
Ngược lại với “cuốn phim” về thời niên thiếu ngọt ngào như mơ như mộng gắn liền với hình ảnh cây Giáng Sinh đầy màu sắc vui tươi rực rỡ của Barry Gibb, quãng đời thơ ấu của tôi gắn liền với chiếc hầm tăm tối ẩm mốc nằm sâu trong lòng đất có cả gián, nhền nhện, và rác. Đó là nơi ẩn náu của cả nhà tôi thời chiến tranh, trong những trận pháo kích từ chiến trường Tây Nam, và cũng là nơi tôi bị đe dọa đến tính mạng. Chiến trường Tây Nam diễn ra từ năm 1975 đến năm 1979, tuy nhiên trên thực tế bộ đội Việt Nam rút toàn bộ quân vào ngày 26 Tháng Chín năm 1989. Người người đứng hai bên lề con lộ 22, tỉnh Tây Ninh, để xem cuộc rút quân rầm rộ này. Lúc này, tôi, 14 tuổi, chứng kiến hàng đoàn xe nhà binh chở hàng ngàn người rần rần kéo dài không ngớt.
Đến khi những chiếc xe tăng thưa dần, những tiếng rít của bánh xe tăng cà trên mặt đường nhựa cũng bớt đi, chừa lại những khoảng lặng yên ắng, bỗng ba tôi rút một điếu thuốc không đầu lọc từ bao thuốc hiệu Apsara đưa tôi rồi nói:
“Tao nói cho mày nghe điều này. Thật ra, mày không được sinh ra vào ngày xx/xx/1975 mà là ngày 1 Tháng Năm 1975. Hồi đó, có pháo kích, má mày đang mang bầu mày chạy xuống hầm trốn. Cà nông (cannon) thụt lựu đạn rớt xuống một cái “uỳnh” nghe rất gần. Bả sợ quá té sấp trước cửa hầm. Tao thò tay ra kéo bả xuống, vừa kịp kéo nắp hầm đậy lại thì nó (lựu đạn) nổ một cái “bùm”. May mà má mày không sao. Tối đó, bả chuyển dạ. Tao đưa bả vô nhà thương. Sáng 1 Tháng Năm thì bả đẻ mày. Bả đẻ mày xong thì lâm bệnh rồi chết. Thời đó loạn lạc, tao sợ khai đúng ngày sinh thì khi mày lớn lên sẽ bị kêu đi quân dịch sớm nên tao khai ngày sinh của mày trễ… ”
Đó là lần đầu tiên tôi biết ngày sinh thật sự của mình. Lời kể của ba tôi gợi lại hình ảnh cái hầm. Cái hầm có miệng lỗ chui vào bự bằng cái thùng phuy. Từ miệng hầm có những bậc thang bằng đất theo hình vòng cung chừng vài mét dẫn xuống một cái khoang rộng đủ chứa khoảng tám người. Nắp đậy hầm là một tấm sắt dày. Bề mặt phía trên hầm được gia cố bằng những bao bố đựng cát. Trên bề mặt đó là một chiếc giường.
Lớn lên tôi đã thấy cái hầm ở đó. Mỗi lần nghe tiếng bom nổ từ chiến trường Tây Nam thì cả nhà tôi liền chui xuống hầm. Pháo kích diễn ra vô chừng. Có khi vào giờ trưa, có khi vào giờ chiều, có khi vào giờ đang nấu cơm chiều, có khi đang ăn cơm, có lúc đang ngủ. Nếu pháo kích dứt vào ban ngày thì chúng tôi chui lên, tiếp tục sinh hoạt…
Sau pháo kích, tôi ra đầu ngõ ngóng. Người ta chở người bị thương do trúng pháo bằng xe lôi (loại xe gắn thùng sau xe máy) để đưa đến nhà thương. Có những người bị thương phải nằm trên sàn thùng, có những người còn ngồi được trên sàn xe, mặt mũi bê bết máu. Rồi một lúc sau, có những chiếc xe lôi chạy ngược lại từ nhà thương. Trên xe là những xác chết được phủ mền hay chiếu ló đôi bàn chân xám ngoét.
Hết pháo kích, nhà tôi tiếp tục bữa cơm dang dở. Gọi là “ăn cơm” chứ thật ra đó là những bữa có khi là củ mì, mít non luộc, chuối non luộc, măng luộc, thân chuối non luộc, vỏ củ mì luộc, cháo loãng, có khi là hột mít v.v.. Hiếm khi nào là cơm đúng nghĩa vì sau ngày 30 Tháng Tư 1975, cả miền Nam chìm vào cơn đói.
Những tiếng bom rền vang đinh tai nhức óc, những thây ma cứng đờ xám xịt trên sàn xe lôi, những hình hài lấm lem máu, những cơn đói hoành hành. Mỗi khi say rượu, ba tôi lại lên cơn hành hạ, lôi tôi xuống căn hầm tối tăm dí dao, hù họa giết. Ông uống rượu be bét, viện cớ: “Tao chán chế độ. Chế độ mới không có đủ thuốc men, thiết bị để điều trị cho vợ tao nên vợ tao mới chết”. Mỗi lần dọa tôi, ông luôn thòng thêm câu: “Tao giết mày thì ngoài kia chẳng có ai quan tâm đến cái chết của mày đâu”. Má tôi đẹp và hiền như tiên sa. Còn tôi lại giống hệt ba tôi. Người ta ví tôi mang hình hài của một con quỷ. Cho dù thế nào, tôi nợ ba tôi một hình hài. Hình hài quỷ Satan.
Có những hoài niệm đẹp khiến cho ta tiếc nuối, muốn có được lại một lần nữa, nhưng cũng có những hoài niệm khơi gợi lại ác mộng mà ta chỉ muốn quên đi, muốn nhổ tận gốc nó ra khỏi dòng ký ức! Cho dù tôi muốn chối bỏ cơn ác mộng của chính mình nhưng thời gian cứ thế trôi đi, vòng tuần toàn ngày 1 Tháng Năm lại đến. Tôi có cảm giác tôi bị kẹt lại ở giữa khe hẹp của quá khứ và tương lai. Hậu quả là dù tôi không bị nổ tung thành từng mảnh vì lựu đạn hay cà nông thì cũng bị “cháy rụi thành đống tro tàn” bởi cơn ác mộng của tuổi thơ.