Ngày nào cánh Thiên Đường
Đã mở hé tình yêu là trái táo thơm.
Ta ghé răng cắn vào,
Miệng môi ngọt đắng…
(Bao giờ biết tương tư – của Phạm Duy và Ngọc Chánh)
Trái Táo trong Thánh kinh thật thơm tho đầy quyến rũ, nhưng lại là “trái cấm” mà Adam và Eva khi ghé răng cắn vào đã mắc tội tổ tông: Đàn ông có cục bứu ở cổ và đàn bà thì phải khổ với bụng mang dạ chửa rồi sinh con đẻ cái. Adam và Eva phạm tội bị đuổi khỏi vườn Địa đàng về sống nơi trần gian, đời đời con cháu phải sống trong sinh, lão, bịnh, tử, cùng với mọi thiên tai, hiểm họa.
Trái Táo trong chuyện cổ tích “Công chúa Bạch Tuyết và bảy chú lùn” là một trái táo bị tẩm độc bởi bà phù thủy, khiến nàng Bạch Tuyết ghé răng cắn vào đã lăn ra chết. Vì những ham muốn huyền hoặc, phù du, mộng ảo về quyền lực, danh vọng, tiền tài, sắc đẹp mà bà phù thủy, tượng trưng cho kẻ độc ác, xấu xa, đầy lòng ganh ghét đã không từ bỏ thủ đoạn làm hại người hiền lành, lương thiện.
Trái Táo trong thần thoại Bắc Âu là một loại táo thần tiên ăn vào sẽ bất tử, trẻ mãi không già. Iduna là vị nữ thần của mùa Xuân và tuổi trẻ, có nhiệm vụ chăm sóc vườn táo vàng ở phía Đông của Thiên đàng Valhalla. Một hôm nữ thần Iduna bị bắt nhốt tại vương quốc của gã khổng lồ Thiassi. Các vị thần tiên không được ăn táo bất tử nên đã trở nên già nua, vì thế họ tìm cách cứu Iduna. Thần Loki giỏi đánh lừa nên đã tự biến mình thành con chim Ưng bay đến xứ của gã khổng lồ, biến nữ thần Iduna thành hạt Hazel nut rồi cắp hạt ấy bay về Valhalla.
Và…
Trái Táo trong thần thoại Hy Lạp không bị ghé răng cắn miếng nào. Trái táo còn nguyên vẹn, quý giá này lại là nguyên nhân đưa đến những bất hạnh khủng khiếp cho một kinh thành và một dòng tộc vua chúa đã bị diệt vong trong máu và nước mắt.
*****
Minerva, vị nữ thần thông thái, nhưng có một lần đã làm một việc dại khờ là tranh giành ngôi vị hão huyền về sắc đẹp với Juno, vợ của thần vương và Venus, nữ thần tình ái.
Trên thiên đình, đỉnh Olympus có đám cưới của Peleus và Thetis, tất cả các thần nhân đều được mời ngoại trừ Eris, nữ thần bất hòa. Eris bất mãn, bực tức ném vào bàn tiệc một trái táo vàng với dòng chữ: “Tặng người xinh đẹp nhất”. Ba vị nữ thần: Juno, Venus và Minerva đầy cao ngạo và háo thắng nên đều muốn đoạt trái táo. Thần vương Jupiter bối rối không biết xử lý sao cho vẹn tình giữa vợ và các nữ thần xinh đẹp. Thần vương bèn sai một nữ thần đến mời Paris, hoàng tử của thành Troy làm người chấm giải vì chàng có uy tín là phán xét rất công bằng.
Nhưng ba vị nữ thần đã vội vã xuất hiện trước mặt Paris để hối lộ. Juno hứa cho quyền lực và giàu có, Minerva hứa ban sức mạnh và tài năng, Venus hứa tặng cho một người vợ xinh đẹp tuyệt trần, đó là nàng Helen. Paris đưa trái táo vàng cho Venus để được vợ đẹp, vì thế Paris đã trở thành kẻ thù địch của Juno và Minerva. Cuộc chiến tranh khởi đầu từ mối bất hòa của ba vị nữ thần và đó cũng chỉ là một cuộc tranh chấp “vô nghĩa” giữa các thần nhân đầy quyền lực mà khiến thường nhân phải gánh chịu một hậu quả quá bi thương…!
Với sự trợ giúp của nữ thần Venus, Paris dong thuyền đến Hy Lạp, gặp người đẹp Helen, vợ của Menelaus, vua xứ Sparta. Vì lời hứa, Venus đã khiến cho nàng Helen yêu mê Paris và bị dụ dỗ bỏ chồng trốn theo người tình. Vua Menelaus giận dữ, chiêu mộ đồng minh vây đánh thành Troy để đòi lại người vợ yêu quý.
Achilles là một dũng sĩ trong trận chiến thành Troy. Mẹ của Achilles là Thetis, nữ thần của biển khơi và cha là Peleus, vua của xứ Myrmidons. Mẹ là thần nhân, nhưng cha chỉ là một thường nhân, vì muốn con bất tử nên bà mẹ đã nhúng baby Achilles vào nước sông Styx, một dòng sông ma quái nằm sâu dưới lòng âm ty địa phủ. Cầm nhúng con vào nước sông, Thetis đã bỏ sót gót chân, vì thế gót chân trở thành điểm yếu của Achilles.
Với diệu kế “dụ hổ rời núi”, Achilles đưa cho Patrolus, người bạn thân thiết nhất mặc bộ áo giáp và giả làm Achilles, thống lĩnh quân tấn công một mặt của thành Troy để đánh lừa. Nhưng Patrolus đã bị Hector, con trai của vua Priam giết chết. Đau đớn sau cái chết của người bạn thân yêu, Achilles quyết chiến và giết Hector để trả thù. Achilles kéo lê xác của Hector sau chiếc xe ngựa chạy quanh thành Troy để làm nhụt chí chiến đấu của quân lính.
Trong khi thương lượng trả lại xác Hector cho dân quân thành Troy, Achilles tình cờ gặp Polyxena, con gái của vua Priam. Yêu thích vẻ đẹp duyên dáng của nàng công chúa, Achilles muốn cưới Polyxena để mang lại một cuộc đàm phán hòa bình cho thành Troy và quân Hy Lạp. Trong khi bàn tính về hôn lễ, Paris đã bắn một mũi tên độc, được định hướng bởi thần Apollo trúng ngay vào gót chân, Achilles bị ngộ độc mà chết.
Cuộc đánh chiếm thành Troy kéo dài mười năm với biết bao đau thương, tang tóc. Các thần nhân mệt mỏi và buồn chán nên quyết định phải chấm dứt. Nữ thần Miverva nhờ thần Odysseus làm một con ngựa gỗ. Thuyền của quân Hy lạp mang con ngựa gỗ đặt trước cổng thành Troy, rồi các chiến thuyền dong buồm trở về quê quán, giả vờ rút quân. Dân chúng tin rằng con ngựa gỗ là quà tặng của các vị thần linh và cũng là biểu tượng chiến thắng của thành Troy sau mười năm dài bị vây hãm. Vì thế họ hoan hỉ mang con ngựa gỗ vào thành và ăn mừng.
Con ngựa gỗ được coi như một món quà quý giá nhưng bên trong chứa đầy quân lính do nữ thần Minerva tuyển chọn. Nửa đêm quân trốn trong ngựa gỗ lẻn ra mở cửa thành cho quân mai phục tràn vào đánh chiếm, phá hủy thành Troy.
Vua Priam đau đớn chứng kiến cảnh sụp đổ của thành Troy trước khi bị giết. Hoàng hậu và các công chúa bị bắt đem về Hy Lạp làm nô lệ hay tì thiếp. Công chúa Polyxena, người được Achilles yêu mến muốn cưới làm vợ, đã bị đem hiến tế trước mộ của Achilles. Đứa con trai duy nhất của Hector bị ném vào vách thành, dòng tộc của vua Priam không người nối dõi.
Paris bị trúng mũi tên độc, tìm đến cầu cứu thần sông Oenone là người vợ bị Paris ruồng bỏ để theo đuổi người đẹp Helen. Oenone vẫn còn hờn ghen nên từ chối không cứu chữa, Paris trở về thành Troy bị phát độc rồi chết. Ngay sau đó, Oenone cảm thấy ân hận nên vội vã đem thuốc giải đến cứu nhưng đã quá muộn màng, nàng buồn khổ treo cổ chết theo Paris.
Thành Troy đã bị hủy diệt và người tình Paris đã ra người thiên cổ, nàng Helen được chồng là vua Menelaus cho phục hồi ngôi vị hoàng hậu và trở về Sparta chung sống.
Một số nhà khảo cổ và viết sử cho rằng thành Troy trong thần thoại Hy Lạp là thành phố Hisarlik của Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay. Ở thành phố này, người ta còn tìm thấy những kho báu của vua Priam và những tàn tích của đền đài trong kinh thành Troy, một trung tâm của nền văn minh cổ.