Người đời thường nói với nhau rằng “chết là hết” vì đa phần họ chưa nhìn thấy ma. Những ai đã từng chứng kiến câu chuyện liên quan đến ma thì sẽ không nghĩ rằng cái chết sẽ là dấu chấm hết cho một đời người.
Câu chuyện xảy ra khi tôi còn rất nhỏ nhưng vì những gì diễn ra quá ám ảnh nên tôi vẫn còn nhớ như in. Lúc ấy mùa mưa, cũng có thể là mưa ngâu Tháng Bảy âm lịch, tháng của vong hồn trở về dương gian. Đêm đó, mưa rất lớn vì tôi có thể nghe thấy tiếng mưa dội đinh tai nhức óc trên mái thiếc của căn nhà một mái của chúng tôi.
Tiếng mưa càng dữ dội khi rơi vào ngay chỗ trống mà tấm la-phông bằng lá bự khoảng 10 mét vuông đã bị ba tôi hạ xuống làm củi đốt, do nhà quá nghèo không có tiền mua củi.
Hòa vào tiếng mưa dội là tiếng gió hú bên ngoài. Gió giật làm hai cánh cửa cái nhà tôi run lên bần bật. Mỗi cánh cửa cái cao khoảng hơn hai mét, bề ngang khoảng một mét, bên trong được quét sơn màu xanh da trời, còn bên ngoài để nguyên màu gỗ khô ngả xám.
Dù cho hai cánh cửa cái được ghì chặt bằng một thanh ngang bằng gỗ bự bằng cườm tay tra vào những mấu cửa, nhưng chúng vẫn đập sầm sập như sắp đổ tới nơi.
Chúng tôi gồm sáu đứa trẻ, đứa nhỏ nhất là tôi, đứa đứng đứa ngồi cùng nhau bên chiếc bàn cũ hình chữ nhật, ngay dưới khoảng trống mất tấm la-phông, mặt bàn cong vênh đã ngả sang màu đen. Một trong ba người chị của tôi ngồi trên chiếc lu đựng gạo trống rỗng đã đậy nắp.
Trên chiếc bàn có một chiếc đèn dầu tù mù, đôi khi phựt lửa lên như muốn nổ tung cái bóng đèn thủy tinh. Tôi đang ngồi trên bàn khóc thét vì đói. Tuy nhiên, tôi nói dối với các anh chị rằng tôi khóc do nhớ Má, mà thật ra tôi có biết gì về Má để nhớ?
Hồi Má còn sống, bà là một cô giáo tiểu học ở gần nhà, còn ba là tá viên điều dưỡng của bệnh viện tỉnh thuộc miền Nam, quê của Má. Má gặp ba khi ba theo đoàn y tế tới trường nơi Má dạy học để chích ngừa cho học sinh.
Má và ba nên duyên vợ chồng từ cái lần gặp gỡ ấy. Má lấy chồng, theo ba về sống gần bệnh viện tỉnh, trong căn nhà mà chúng tôi đang ở. Sau khi lấy chồng, Má không còn dạy học nữa mà ở nhà chăm sóc con cái và may quần áo.
Sau khi Má sanh tôi ra (đứa con duy nhất sanh sau ngày miền Nam mất) thì Má đổ bệnh và đi Sài Gòn trị bệnh luôn cho đến ngày chết. Khi Má chết thì trên đầu bà không còn một cọng tóc.
Mỗi cọng tóc của Má rụng thì ba tôi nhặt lại, ông đem bó thành một nùi để trong chiếc hộp thiếc hình tròn rỉ sét. Nùi tóc cứng đờ rối bời trông xơ xác dễ sợ, thế mà khi lớn lên có đôi lần tôi lấy nùi tóc ấy ướm thử vào đầu làm sừng và soi kiếng xem mình có giống quỷ hay không.
Thử hỏi một đứa trẻ không có ký ức một ngày nào bên Má thì làm sao mà nhớ Má được? Sau khi Má tôi chết thì ba tôi cũng bỏ việc, vì không thích làm việc cho chế độ mới. Ông cho rằng chế độ mới đã “giết” Má tôi, vì không có đủ thuốc men điều trị cho bà.
Tôi chỉ nhớ sau khi Má chết là những ngày đói quằn quại, đói đến mức tôi không đi nổi nên phải lết từ chỗ này đến chỗ kia, trên nền đất trong nhà.
Cái đói của thời ấy ám ảnh tôi suốt cuộc đời, ngay cả trong những giấc chiêm bao. Cơn hoảng sợ thường làm tôi thức tỉnh nửa đêm mà cứ ngỡ rằng… đang quay trở lại cái ngày đói triền miên ấy.
Nạn đói vì “ngăn sông cấm chợ”, dẫn đến toàn miền Nam thiếu lương thực thực phẩm sau Tháng Tư 1975 mà bây giờ nhắc lại thì ai cũng sợ, nhưng có lẽ gia đình tôi sợ nhất. Thế nên, cái ngày mà tôi nói dối với các anh chị rằng tôi nhớ Má mà khóc nhưng thật ra chỉ vì tôi đang quá đói trong cơn mưa cuồng.
Giữa âm thanh hỗn độn của đất trời, từ tiếng sấm rền vang, tiếng gió rít qua khe cửa, khe vách, tiếng mưa dội rần rần, tiếng cửa khua ầm ầm, tiếng cành cây gãy răng rắc, cộng thêm tiếng khóc thét của tôi, tất cả hòa thành một “bản giao hưởng mang tính nổi giận” thì bất chợt có tiếng Má kêu cửa.
Giọng của bà vang lên như một note cao trong bản nhạc, làm cho “bản giao hưởng” đêm ấy càng khiếp đảm hơn!
Má không gọi ba vì có lẽ Má biết ba tôi đang vắng mặt. Ba đã đi ra khỏi nhà từ hồi sáng để kiếm đồ ăn mang về. Ba nói ba đi đến nhà người quen để xin gạo, nhưng mưa gió như vầy thì làm sao ba về được?
Má gọi chị hai tôi từng hồi thảm thiết: “Hồng ơi, Hồng! Mở cửa cho má con ơi!”. Hai cánh cửa không chỉ run lên theo từng cơn gió giật mà còn run lên theo từng lời kêu của Má. Tôi có cảm giác rằng Má vừa kêu, vừa giật cửa để cố vào nhà.
Sợ thót tim, tôi hoàn toàn nín khóc. Chị hai tôi thổi tắt đèn, cố để ma Má không nhìn thấy chúng tôi. Bóng tối bao trùm căn nhà gỗ. Chúng tôi chỉ nhìn thấy mặt nhau khi ánh sét lóe lên, xuyên qua khe những tấm gỗ – vách nhà.
Vẻ mặt đứa nào cũng xanh xao đờ đẫn vì khiếp sợ và vì đói. Tôi sợ quá nằm úp xuống mặt bàn, mùi gỗ cũ xông vào mũi ngai ngái. Tôi thiếp đi trong bóng tối mịt mù, giữa âm thanh giận dữ của đất trời và tiếng ma Má kêu gào thất thanh.
Khi trời tảng sáng, tôi thức dậy thấy mình đang nằm trên giường. Ba tôi vẫn chưa về mà bụng tôi càng cồn cào hơn, tôi gần như lả người.
Trời sáng tỏ, chị hai tôi mở toang hai cánh cửa cái. Mưa đã dứt. Trên nền sân đất ướt nhẹp trước nhà, còn in hằn những vết chân người lớn, quay ngược quay xuôi từ ngoài cổng đến cửa cái, rồi vết chân ấy đi về hướng cây mít.
Xin nói thêm rằng trước nhà tôi có một cây mít già, thân cây rất lớn mà không có trái nào, vì cứ mỗi khi có trái non thì chúng tôi đã hái hết đem vào nhà luộc lên ăn.
Cây mít có hai nhánh lớn xù xì. Hai nhánh nối với nhau tạo thành một hốc cây. Hốc cây bự bằng cái mâm, cách mặt đất chừng vài tấc. Tôi thường leo vào đó ngồi vào những hôm trời nắng để trốn nóng.
Chúng tôi lần theo vết chân in trên đất để đến cây mít. Chúng tôi rất ngạc nhiên vì trong hốc cây mít có một gói lá chuối thật bự được gói cẩn thận. Khi chúng tôi mở ra xem thì nhìn thấy bên trong có rất nhiều bánh bò.
Anh chị tôi bàn tán với nhau: “Hôm qua, ma Má về đem bánh bò cho tụi mình ăn mà tụi mình không dám mở cửa nên Má để lại trong hốc cây mít nè!”. Vì đang đói, chúng tôi không ngần ngại chia ra mỗi đứa vài cái bánh bò, và tất cả đều thấy rất ngon lành.
Người ta thường truyền miệng nhau rằng đồ ăn của ma sẽ biến thành sỏi đá khi ma đem chúng lên dương gian nhưng tôi không hiểu vì sao bánh bò của ma Má vẫn là bánh bò thật, màu vàng nâu ngon ngọt.
Những buổi tối sau đó trong Tháng Bảy âm lịch, đôi lần, tôi ghé mắt qua khe vách nhìn ra hướng gốc mít. Vào những đêm trăng sáng, thỉnh thoảng tôi vẫn thấy con ma mang sắc diện của Má, không có tóc, mặc bộ đồ bà ba màu nâu nhạt, lơ lửng quanh cây mít, giơ cánh tay dài trắng toát với bàn tay buông thõng vẫy vẫy gọi tôi ra, như thể ma Má muốn ở bên tôi để bù đắp lại những ngày tôi không có Má.
Vì quá sợ, tôi lật đật leo lên giường trùm mền, cái mền được vá chằng vá đụp, để trốn. Tôi trốn như cái lần người ta chở Má về nhà nằm chờ chết vì tôi sợ cái đầu không tóc của Má, sợ cái sắc da tái nhợt của Má, sợ thân hình ốm trơ xương của Má.
Lúc ấy Má thều thào ngoắc tôi lại gần, nhưng tôi sợ quá nên chui xuống gầm giường để trốn. Thỉnh thoảng, ba tôi vẫn nhắc lại cái lần tệ bạc đó của tôi. Cái lần mà Má tôi chỉ muốn nói với tôi lời vĩnh biệt mà đã bị tôi từ chối…
Hơn 40 năm vùn vụt trôi qua. Chúng tôi vẫn chưa giải thích được hiện tượng “ma sắc Má”. Còn tôi, cũng không hiểu nổi chính mình vì sao lúc đó tôi phải nói dối rằng khóc vì nhớ Má, thay vì nói lý do thật là đói. Căn nhà chứa bao nỗi ám ảnh về cơn đói của chị em tôi cuối cùng cũng đã bán sau khi ba tôi chết.
Tuy vậy, tiếng ma Má gọi thất thanh trong đêm mưa lớn, bọc bánh bò của ma Má, bàn tay vẫy gọi của ma Má, những lần tôi khóc và nói dối rằng tôi nhớ Má mà thật ra là vì cơn đói, vẫn nằm sâu thẳm trong ký ức của tôi, để tôi hiểu ra rằng người Má dịu hiền của mình đến lúc chết rồi vẫn chưa an lòng khi thấy đàn con bị đói.
Nhiều năm trôi qua, tôi luôn tự hỏi rằng ngoài ma Má của tôi trở lại dương thế vào Tháng Bảy âm lịch để đem đồ ăn cho các con, thì còn có bao nhiêu “ma Má” khác cũng không yên lòng siêu thoát giống Má tôi, phải tìm cách giúp các con, trong thời kỳ đen tối của miền Nam sau Tháng Tư 1975?