Ngày ấy, coi “xinê” ở Sài Gòn

Viết để tưởng nhớ một người anh, người đã dắt dìu tôi vào đời...
Một góc Sài Gòn, 1961 (ảnh: Roger Viollet Collection/Getty Images)

Từ những ngày đẹp nhất của tuổi thơ, một buổi sáng được cùng nhau đi dạo trên đường phố Hà Nội, nếm thử que kem, chia nhau một nắm xôi và lần đầu tiên được xem ông Robert Taylor đấu kiếm trong một bộ phim La Mã, “Quo Vadis”; cho đến cái tuổi mới lớn lên, khi hai đứa cùng còng lưng đạp xe đạp, chở nhau rong ruổi khắp Sài Gòn, Gia Định, Chợ lớn, dưới cái nắng chói chang, hay trong cơn mưa bão sập sùi, chỉ là để gom nhặt những tờ program phim ảnh, đem về cắt dán tỉ mỉ thành bộ sưu tập.

Đây là một niềm đam mê của bọn trẻ thời mới lớn, một thời đã rất xa, với đầy ắp những kỷ niệm mà cho đến nay chỉ còn lại trong tâm trí để nhớ về nhau, nhớ về một người anh em thương mến nhất, mà nay đã lìa xa.

Những ngày ấy, một hôm, không có tiền mua vé đi xem phim, hai anh em chở nhau trên chiếc xe đạp cũ kỹ, với chiếc porte-bagage gẫy gọng, một đứa phải ngồi lên cây ngáng phía trước, nên lúc nào cũng lấm lét, chỉ sợ bị “phú lít” phạt vi cảnh, và thật là khổ, nếu mà bị bắt giam.

Hai đứa đạp xe lòng vòng quanh các đường phố, đến các rạp hát để thu thập các tờ quảng cáo có cho đăng tải hình ảnh và cốt truyện phim, đôi khi mải mê theo dõi tin tức về các tài tử, minh tinh mà mình “mê” đến quên cả việc học hành.

Đi ngang qua rạp Đại Nam trên đường Trần Hưng Đạo, chạy vào hỏi xin tờ chương trình miễn phí, nhưng không hiểu sao hôm nay người bán vé lại không cho, mà chỉ dành để phát cho những người có mua vé vào xem phim. Hai đứa buồn bã đành lang thang, dán mắt vào những poster trên tường, lóng ngóng đứng đợi xem có ai vứt đi tờ quảng cáo thì lượm lại, nhưng bất chợt người soát vé chạy ra đuổi đi vì sợ làm phiền khán giả.

Lúc này, hai anh em đã thấm mệt, mồ hôi đầm đìa và đói khát, trong túi chỉ có vài đồng bạc. Đạp xe một vòng qua khu Dân Sinh gần đó, nơi giống như một khu chợ trời, ghé gánh hàng rong mua mẩu bánh mì chia cho nhau ăn, lòng vòng tìm một vòi nước công cộng uống nước, rồi lại mò mẫm vào khu rạp chiếu bóng bình dân, để nghỉ ngơi và xem phim “chùa”, cho đỡ ghiền.

Rạp Dân Sinh này quả thật là “bình dân”, cho chiếu liên tục những phim ngắn “tạp nham”, chắp vá từ nhiều đoạn phim khác nhau, đại để như là “ò e, Rô-be đánh đu, thằng Tây nhảy dù, Zorro bắn súng…” (*). Phim chiếu không cần cốt chuyện, không đầu, không đuôi, cảnh các chàng cao bồi cưỡi ngựa, bắn súng, Zorro đấu kiếm, Tarzan đu dây, xe tăng, tầu bò bắn nhau loạn xạ không theo trình tự hay tiêu chuẩn nào cả. Nó là dành cho các khán giả lao động dễ tính và trẻ em nghèo bụi đời, lang thang vừa xem phim vừa đùa rỡn cho qua ngày.

Rạp không có bán vé, vào cửa tự do, chỉ cần bỏ vào cái hộp thiếc đặt trên chiếc bàn nhỏ ở lối vào, có khi là năm chục xu, một đồng, hai đồng. Thùng tiền này không có người trông coi, lâu lâu lại có một hai “trưởng lão” đến lấy tiền đi, nhưng xin đừng ai dại dột mà “tí hoáy” đụng đến một xu.

Nếu chẳng may đang xem mà phim bị đứt bóng, bọn nhỏ sẽ chia nhau chạy đi tìm anh chàng phụ trách máy chiếu, chắc là đang nhâm nhi cà-phê hay nhậu nhẹt gì đó ở góc đường, về sửa hoặc ráp nối lại phim, nên đôi khi phải mất hàng giờ mới lại được xem tiếp.

Trong khi chờ đợi, mọi người được thưởng thức những màn trình diễn trực tiếp, miễn phí. Những đứa trẻ bụi đời chạy nhẩy, la hét, bắt chước các nhạc cảnh trong phim, tự biên tự diễn hoạt cảnh các kỵ binh phi ngựa, đến giải cứu cho các chàng cao bồi đang bị thổ dân da đỏ vây hãm, hoặc chúng hò la, đấu súng, đấu kiếm, chạy như ngựa vòng quanh rạp, tạo nên một hoạt cảnh náo nhiệt đầy thích thú.

Nơi này rất ồn ào, nhưng cũng không thiếu những người vô gia cư, ngủ cuộn tròn dọc theo các bờ tường, những công nhân bên chợ Cầu Muối làm việc cả ngày đêm, nhiều người nghỉ ngơi để rồi trở lại làm việc bốc dỡ hàng ban đêm. Đây cũng là nơi tụ tập của những đứa trẻ bụi đời, trong đó đa phần là những đứa trẻ đánh giày, chúng thường chia phiên nhau, tỏa đi khắp phố phường để phục vụ giới ẩm thực hoặc trong các nơi ăn chơi giải trí.

Nơi đây gần như là một xã hội tách biệt, hầu như không ai để ý đến ai, dù quen hay lạ, không ai tỏ ra thiếu ánh nhìn thân thiện, đôi khi chỉ là vài cụ già mắng mỏ một cậu bé nghịch ngợm, hay một đứa trẻ bất cẩn phá phách.

Hai anh em chúng thường lang thang ở đây khi chúng không có đủ tiền để mua vé xem phim. Chúng chưa bao giờ cảm thấy xa lạ, bất an giữa đám đông. Lâu lâu có người nhìn thấy hai đứa trẻ mặt mày sáng sủa, ăn mặc bảnh bao đi loanh quanh, họ chỉ ngước nhìn, khẽ lắc đầu, tỏ vẻ ngại ngùng không nói một lời. Người dân ở đây không lạ gì khi thấy những thanh thiếu niên con nhà khá giả nhưng lại thích ra đường, lang thang vô định, và coi đó như là cát bụi cuộc đời.

_______

(*) Hát chế từ bài hát phổ thông Auld Lang Syne

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Khúc nhạc buồn trong ký ức
            Nếu ví cuộc đời của mỗi người như một bản trường ca có nhiều đoản khúc khác nhau, mỗi đoản khúc biểu tượng cho những diễn tiến buồn hay…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: