Những ngày xưa thôn dã…

Ảnh: rosie so funny/Unsplash

Cứ mỗi dịp hè, tôi lại nôn nao được trở về quê. Ngồi bên ông tôi để nghe bao nhiêu điều về đồng nội. Chuyện về đồng nội rất nhiều, nhưng những chuyện thu hút được tôi phải sống động và nhất là có thể chuyển từ mẩu chuyện sang hành động mới thật lý thú. Ngồi bên ông, nhìn đôi môi khệu khọ vì mất răng và mẩu thuốc lá quấn vội bằng giấy lịch, tôi thấy cảnh tượng đó luôn gây hứng thú, đối với một đứa trẻ cuối cấp tiểu học như tôi, khiến tôi không sao quên được… Chuyện đồng nội nhiều lắm! Nhưng hấp dẫn nhất vẫn là nói về chuột ở đồng bằng sông Cửu Long.

Độ giáp Tết, khi nông gia bắt đầu vụ thu hoạch vụ mùa thì nhà nhà đều được ăn thịt chuột. Chuột nhiều lắm! Nó tràn về theo vụ chính để ăn những hạt lúa chắc nịch của mùa độc canh. Thời đó người nông thôn còn làm lúa một vụ. Cứ lúc trời đổ mưa thì gieo giống. Sáu tháng sau lại thu hoạch. Mùa thu hoạch bao giờ cũng rơi vào Tháng Chạp Âm lịch hằng năm. Thế là đúng hẹn lại lên. Những chú chuột ẩn nhẫn chờ thời đã đến mùa no đủ. Từ trong hang, các ngóc ngách của bờ bụi, họ hàng nhà chuột bắt đầu kéo ra tìm bữa chén. Lũ chuột rất ranh ma và quỷ quái. Chúng kéo bầy đàn tấn công vào những ruộng lúa quằn bông, trĩu hạt. Ăn không đã, bọn chúng còn to gan chui cả vào những lượm lúa đã bó thành từng bó, chờ lúc được đưa lên cộ (một loại xe do trâu, bò kéo, dùng chuyên chở lúa) kéo về nhà.

Vào mùa này, thường trên những chiếc cộ bao giờ cũng có mấy đứa trẻ men theo. Lúc chất lúa lên cũng phát hiện ra chuột. Đem lúa về đến sân nhà quây thành “bã” (đống) để trâu giậm, lại gặp chuột. Những đứa trẻ giờ đây trở thành những tay săn chuột lão luyện. Đứa thì dùng gậy, đứa vác đinh ba, ná thun… ra tay săn bắt chuột.

Có đi săn chuột mới hiểu rõ tập tính của loài gặm nhấm này. Không phải bỗng dưng mà loài chuột được đứng đầu trong 12 con giáp. Ngoài sự ranh ma, chuột còn được xếp vào loài thông minh có hạng. Chốn dân dã thường nói về câu chuyện chuột ăn cắp trứng. Nói đến đây chắc nhiều người cho rằng chuyện thật khó tin. Chuột ăn trứng thì có thể, sao nói là ăn cắp được. Một trong những chuyện được người già kể lại thật không thể tin được. Khi phát hiện ra một quả trứng, chuột bao giờ cũng tìm phụ tá trong trò chơi đạo chích có một không hai. Hai con chuột thì có một con nằm ôm lấy quả trứng. Con còn lại cắn đuôi con kia để kéo đi. Thế là thủ đoạn khéo léo đã đồng lõa với hai kẻ cắp lành nghề, bổ sung ngân khố nhà chuột thêm một món ngon…

Chuột có nhiều giống loại: Chuột cơm, chuột dừa, cống éc, cống nhum, cống ghẻ… Săn chuột cũng có lắm cách. Phổ biến nhất ở đồng bằng vẫn là: Đào hang, quây cù, đánh bẫy và ruồng cây.

Mùa cắt lúa cũng là mùa con người mang theo chài để bắt chuột. Cách bắt này được gọi là quây cù. Người đi cắt lúa cứ quây vòng mà tiến vào. Đến lúc chỉ còn lại một khoảnh lúa vừa đủ một chiếc chài úp vào thì dừng lại. Người đi săn, bắt đầu dùng chài ụp kín lấy khoảnh lúa. Cho một người chui vào để cắt những thân lúa còn sót lại. Khi những nhát liễm cuối cùng vừa hoàn tất công việc cũng là lúc lũ chuột chạy ùa ra. Có khi một thửa ruộng người ta bắt được mấy chục con chuột và cơ man nào là chim…

Lúc những bó lúa được trâu giậm tơi ra chỉ còn lại các sợi rơm vàng óng ả. Lúc hạt được phơi nắng cho khô rồi đổ vào bồ (dụng cụ dùng đựng lúa) là người ta rủ nhau đi săn chuột. Người đi thành nhóm khoảng đôi ba kẻ. Dụng cụ gồm có cuốc, xẻng, xà di, gậy gộc và cả chó nhà cùng đi theo. Khi phát hiện ra hang chuột thì chó là kẻ biết trước. Sau đó con người đi xung quanh tìm kiếm những ngách nhỏ mà chuột dùng dự phòng để thoát thân để chặn sẵn. Cửa hang thông nào lớn thì đặt xà di. Đây là loại dụng cụ được đan bằng trúc. Đường kính miệng khoảng 9-10 cm. Đuôi xà di được đan nhỏ dần rồi cho vào một đoạn trúc. Trước miệng vật này người ta đặt một cái hom hình phễu. Chuột một khi đã chui vào thì không thể nào ra được. Lúc này người đi săn chỉ việc nắm lấy đuôi, tháo đoạn trúc ra, túm lấy đầu chuột rồi cho vào giỏ…

Xà di (ảnh: TL)

Săn chuột bằng cách đào hang là một thú vui. Ai đã một lần tham gia thì không sao quên được. Khi hang được phát hiện, người ta chia nhau ra: Kẻ cuốc, người đặt xà di, đi lấy nước đổ vào hang. Những người còn lại thủ sẵn cây, chuẩn bị lúc chuột chạy ra là đập cho chết. Lúc này lũ chó đi theo sủa lên inh ỏi. Chân chúng cứ nhằm vào miệng hang cào bới liên tục. Cuối cùng với áp lực của nhiều “thế lực”, chuột tuôn chạy ra khỏi hang. Phần nhiều những con chuột chạy ra đều rơi vào xà di. Số ít con theo khe hở của đất mới thoát được ra ngoài, nhưng đều bị chó đuổi theo vật chết. Lắm lúc trúng ổ, có quá nhiều chuột, chó cũng không bắt hết.

Đây là thời khắc người đi săn phải ra tay. Thế là tiếng quát tháo, tiếng gậy đập lẫn vào tiếng chó sủa huyên náo cả cánh đồng. Có khi trong lúc vội vàng, không kịp nhặt lấy cây, người đi săn theo bản năng dùng tay vồ lấy chuột… Rồi có tiếng la lên vì bị chuột cắn. Vết cắn sâu lút chảy cả máu. Buồn cười hơn nữa là có những kẻ say cuộc, nhào vào nơi chiếc gậy đang giáng xuống. Thế là có kẻ u đầu, người sứt trán vì một buổi đi săn…

Không đi đào hang con người lại làm bẫy để bắt chuột. Bẫy có rất nhiều loại: Bẫy lồng, bẫy đập, bẫy cò ke, bẫy đè… Nhưng phần nhiều người đi đánh bẫy chọn loại lồng để bắt được nhiều hơn. Bởi một bẫy lồng nếu trúng, có khi bắt được đến hai chú chuột. Bẫy lồng được trang bị một cửa sập với hai bên có dây đàn hồi. Cửa bẫy được giữ bởi một thanh cài và một cái móc có mắc sẵn mồi. Phần nhiều mồi được sử dụng bằng cơm dừa cứng cạy (loại sắp chuyển thành khô). Khi chuột vào ăn làm động đến chiếc móc, cửa bẫy sập xuống giữ luôn chú chuột trong đó.

Săn chuột ở miền Tây là một thú vui (ảnh: TL)

Xong việc rảnh tay, người đồng nội không lúc nào chịu ở yên. Lắm lúc khách đến nhà thiếu mồi nhắm, người ta lại tụm năm, tụm ba đi ruồng dừa để bắt chuột. Cách này tương đối nhanh lại giản tiện. Một nhóm người chỉ cần cử một kẻ trèo lên thân dừa có tổ chuột, phá bỏ tổ để chuột chạy ra. Những người phía dưới cứ sẵn cây hoặc đinh ba, lao theo đập, đâm cho chuột chết. Những lúc như thế không bao giờ thiếu những tay thiện xạ bắn ná thun. Có những chú chuột vừa mới chạy theo bẹ dừa đã trúng đạn rơi xuống nước…

Chuột săn được, đem về thui vàng bằng rơm lúa mùa là đệ nhất ẩm thực nông thôn. Thịt chuột sau khi làm sạch có thể nướng, chiên, hầm hoặc xào với lá cách. Chỉ nghe mùi thôi cũng chảy… nước miếng. Đối với món chiên thì phải nhớ đến rau răm. Chuột chiên rau răm chấm với nước mắm tỏi ớt luôn là món khoái khẩu của những tay sành nhậu…

Tản mạn về chuột còn lắm chuyện vui. Chuột ở nông thôn là vậy! Nhưng chuột ở thành thị lại tinh quái hơn nhiều. Tôi ở nhà thuê nên có lắm chuột. Lắm khi bực bội phải mua keo về đánh bẫy. Vì tiếc tiền (keo bẫy chuột giá cũng khá cao), tôi chỉ tha keo thành hình vành khăn để nhử chuột. Ngày Chủ Nhật rảnh rỗi, tôi thử bỏ chút công sức rình xem lũ chuột hành động ra sao trong căn nhà chật chội của mình. Chiếc bẫy có đặt vào giữa một miếng xương gà. Lũ chuột vừa đánh hơi đã mò đến rất đông. Chúng tụm năm, tụm ba ra chiều tranh cãi với nhau. Sau đó một con đột ngột lao đến chiếc bẫy. Nhưng… nó không rơi vào chất keo mà lại nhảy vào khoảng giữa, nơi để miếng mồi ngon. Rồi… như một vận động viên lành nghề chú chuột ma mãnh đã đớp lấy miếng mồi, sau đó nhảy ra khỏi chiếc bẫy, chạy biến…

Tinh ma, quỷ quái và nhanh nhạy là tính năng của loài chuột. Chúng đục khoét, gặm nhấm tài sản của con người mà không… một lời báo trước. Dù thế nào, chúng cũng phục vụ rất đắc lực cho nền ẩm thực dân tộc… Đến giờ, nhớ lại, tôi vẫn thèm cảnh những buổi chiều săn chuột. Đồng chiều, cuống rạ bây giờ như trôi dạt mất tăm trong khung cảnh bon chen. Tôi thèm nghe văng vẳng bên tai tiếng kẽo kẹt của những chiếc cộ trâu kéo lúa về và tiếng hỗn độn đuổi bắt của mùa săn chuột… Đó là những âm thanh ngày càng rơi vào chốn xa xưa, những ngày xưa thôn dã…

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: