Bà ơi,
Hình như cứ sắp đến mùa Vu Lan thì cháu lại có điều gì đó muốn nói với bà.
Hôm qua cháu đưa mẹ cháu đi khám thường niên với bác sĩ chuyên khoa để kiểm tra tình trạng tế bào ung thư trong cơ thể của mẹ cháu. Khác với những năm về trước trong tình trạng ổn định với kích thước 4mm không thay đổi, bạn tế bào này đã lớn thêm 2mm trong 12 tháng vừa qua.
Dường như y học vẫn chưa tìm ra được căn nguyên của tất cả những yếu tố tạo nên sự tăng trưởng của những tế bào ung thư một cách toàn diện. Vì vậy, những phương pháp điều trị tân tiến nhất, các loại thuốc được bào chế từ các nghiên cứu lâm sàng mới nhất cũng chỉ có hiệu quả ở mức tương đối. Song, đối với những người có bạn tế bào ung thư trú ngụ trong cơ thể như mẹ của cháu, có một vài yếu tố mà bản thân những người này có thể kiểm soát được bên cạnh những yếu tố chưa biết hết mà các nhà khoa học vẫn đang tìm tòi nghiên cứu để có câu trả lời và cách chữa lành.
Sau khi cảm thấy lo sợ và hốt hoảng trong vòng một ngày, cháu thực hành bài tập “Hơi Thở Là Sinh Khí” theo cách mà bác sĩ nội khoa Vương Minh Nhựt và bác sĩ tâm lý Xuyến Đông hướng dẫn để trở về với nơi an trú yên bình trong trái tim mình. Ở đó, hình ảnh về bà với nếp sống giản dị ở cả cái ăn và cái mặc lại hiển lộ. Hình ảnh này làm giảm bớt nỗi lo và nỗi sợ trong tâm cháu gần như hoàn toàn. Cháu cám ơn bạn tế bào ung thư vẫn ngủ yên trong cơ thể mẹ cháu. Bạn ấy chỉ lớn thêm tí xíu để giúp mẹ cháu nhớ về nếp sống giản dị của bà, và giúp cháu hiểu được bà vẫn ở với cháu trong tiếng thở nhẹ hòa cùng tiếng chim ca.
Tuy có chút đổi thay, nhưng tình trạng sức khỏe của mẹ cháu vẫn bình ổn đến giờ này, và chưa cần đến trị liệu ở bất cứ hình thức nào. Cháu biết ơn vũ trụ cho mẹ cháu vẫn giữ được năng lượng bình an để dung hòa với bạn tế bào ung thư đôi khi ưa tinh nghịch làm thức dậy cái sợ hiển nhiên rất con người nơi mẹ cháu và cháu.
Bà ơi, khi cả nhà mình kể về bà với những sinh hoạt thường nhật không đòi hỏi nhiều cho bản thân, ai cũng cười chọc bà là “sao lạ quá”. Cháu cũng cảm thấy vậy, và cháu cũng có lần tự hỏi: “Như vậy thì đời sống này còn gì vui khi chỉ ăn bữa ăn thanh đạm và mặc hoài cái áo cũ một màu?”
Bà biết không, cháu được mặc đẹp nên có khi quên mình đang được mặc ấm. Cháu được ăn món ngon nên có ngày quên mình đang được ăn no. Khi nào nhìn thấy cảnh thiếu ăn, thiếu mặc của nhiều người ở nhiều nơi khác nhau, cháu lại nhớ đến hình ảnh giản dị của bà. Những lúc như vậy, cháu ăn gì cũng thấy ngon, mặc gì cũng thấy đẹp. Cháu biết ơn bà cho cháu một người mẹ hiền từ hết mực thương con, và càng biết ơn bà vì bà để lại cho mẹ cháu và cháu một gia tài vô giá: Nếp sống không mong cầu nhiều cho bản thân.
Ngày trước, bà sanh nhiều con, gần như năm một. Bà ít khi ăn món gì cầu kỳ, thậm chí khi các cậu dì trong nhà nài nỉ mời bà thì bà chỉ lắc đầu khước từ với lý do là con mắt bà bị ngứa nên cữ ăn thịt. Bà thích ăn cơm tấm, mà không cần phải là dĩa cơm tấm có đủ sườn ram, trứng và bì chả, miễn có cơm tấm là đúng ý thích của bà. Vào những ngày ăn chay, bà thường ăn cơm trắng với muối mè, chuối hay chè đậu xanh.
Cháu đang mỉm cười khi viết lại ký ức về bà vì cháu biết cả nhà mình sẽ cười thêm lần nữa khi đọc thư này của cháu. Bà ngồi yên lặng, ăn ngon lành chén cơm đạm bạc. Nét mặt thản nhiên của bà biểu lộ sự hài lòng với bữa ăn đủ cho nhu cầu của bà. Cháu biết, đối với nhiều người trong nhà mình, đó là lối sống kham khổ mà tội gì một người chưa đến nỗi cơ cực như bà lại chọn làm như vậy.
Kỳ thực, bây giờ cháu mới được cảm nhận sự đủ đầy ý nghĩa mỗi khi mẹ cháu và cháu đến Làng Mai, được thả lỏng tinh thần, nhai kỹ, nuốt chậm để thưởng trọn bữa cơm được nấu trong tinh thần an lạc, được có giây phút nhớ ơn người gieo mạ non, người dẫn nước vào thửa ruộng, người chăm sóc cây lúa, người gặt lúa, người phơi lúa, người xay lúa thành gạo, người vận chuyển gạo, người bán gạo… Bao nhiêu công khó để có hạt cơm thơm ngọt trên bàn ăn.
Cháu ước gì được nắm bàn tay nhăn nheo nhiều đường gân chịu thương chịu khó của bà để đưa bà đi trên con đường yên tĩnh dẫn đến thiền đường của Làng Mai, thong dong ngồi nghe buổi pháp thoại và cùng bà ăn bữa cơm với lòng biết ơn đất trời, biết ơn những người dành công, dành sức và dành tâm trồng trọt, thu hoạch, vận chuyển và nấu nướng để nuôi dưỡng thân tâm của bao con người nơi cõi tạm này.
Thân bà đã xa cháu mà tâm bà vẫn ở cùng cháu, hướng cho cháu trở về cái ăn, cái mặc giản dị với lòng biết ơn. Khi đó, toàn bộ thân mình, bao gồm các bạn tế bào tinh nghịch như bạn ung thư, cũng được chung hưởng sự lợi lạc của bữa ăn với năng lượng bình an và lòng biết ơn sâu sắc. Như vậy, các bạn ấy sẽ bớt nghịch, sẽ ngủ êm trong cơ thể của mỗi người có bệnh.
Bà ơi, cháu đã hiểu, mình thực hành ăn uống tỉnh thức thì có thể giúp tránh được phần nào nỗi lo, nỗi sợ muốn đối nghịch với bạn tế bào ung thư hay bất cứ bạn tế bào bệnh gì khác trong cơ thể của mình. Các bạn ấy với mình là một, đừng ghét các bạn ấy, đừng sợ các bạn ấy. Khi mình ăn tử tế, các bạn ấy cũng ăn tử tế. Khi mình thở từ tốn, các bạn ấy cũng thở từ tốn. Khi mình mỉm cười, các bạn ấy cũng mỉm cười.
Có ai trong nhà mình mà không nhớ bà thích nhai trầu, nhai đến tuổi không còn nhai được nữa mới thôi. Trầu cau vừa chát, vừa đắng, mà sao bà lại thích? Chắc là lúc bà ngồi nhai trầu là lúc bà được thảnh thơi, được ung dung với vị ngọt được tiết ra từ vị đắng và vị chát hòa quyện với nhau? Quần áo của bà thì gần như chỉ có ba màu. Nếu không là lam khói thì là nâu đậm hoặc đen tuyền. Xưa ơi là xưa! Cũ ơi là cũ! Bù lại, bà không vướng bận với nhiều màu, nhiều kiểu, có phải không bà? Cháu đang sống ở một đất nước mà cái ăn, cái mặc phong phú, đủ đầy.
Bà biết không, nhiều người chỉ ăn có một nửa dĩa thức ăn vì những phần ăn được dọn tại các tiệm ăn ở đây thường to bự mà kích thước của bạn dạ dày thì giới hạn hơn tầm nhìn của bạn mắt. Cháu của bà cũng đã nhiều lần bỏ lại nửa dĩa thức ăn mà quên khuấy nhiều cảnh sống thiếu ăn, thiếu mặc vẫn đang diễn ra từng ngày trên cùng một mặt đất.
Cháu của bà cũng ham vui, có nhiều đôi giày khác nhau, nhiều kiểu, nhiều màu và đôi khi phân vân không biết chọn mang đôi nào? Mang đôi này thì luyến tiếc vì bỏ lỡ dịp mang đôi kia. Chỉ là những đôi giày thôi mà cũng làm cháu bận tâm, bận lòng. Nếu bây giờ bà còn tại thế với cháu, có lẽ cháu chỉ cần tặng bà một đôi giày có đế nhẹ và êm một chút để bà có thể cùng cháu chậm bước thiền hành đến đỉnh núi có phải không bà?
Bà biết không, sự giản dị từ nếp sống của bà đang giúp cháu vững lòng cùng mẹ cháu thực hành theo tinh thần giản dị ấy để chăm sóc thân tâm, để mỗi một tế bào của thân đều là bạn của tâm. Tâm và thân hiểu nhau, thương nhau và cùng nhau nương dựa trên hành trình trở về với hơi thở quý giá thì những ốm đau bệnh tật của đời người sẽ trở thành phương tiện đưa bản ngã về với nguồn cội nguyên sơ: Hiểu và Thương.
Cháu xin nguyện cùng mẹ cháu giữ mãi hình ảnh giản dị của bà để tiếp tục cùng nắm tay nhau bước trên con đường san sẻ cảm thông và từ ái, san sẻ lòng biết ơn và ý thức biết đủ, và san sẻ sự nhớ thương vô hạn dành cho bà.
Bà ơi, cháu được yên lành ngồi bên cạnh mẹ cháu ngắm nhìn bông sen hồng thắm khai nở trên mặt hồ xanh biếc một màu rêu phong ở Làng Mai. Thi thoảng có vài chú cá thân màu trắng ngà hay cam đỏ nhẹ nhàng bơi ngang khẽ lay động mặt hồ. Chừng 45 phút sau, những cánh sen hồng dịu dàng nép lại khi ánh mặt trời dịu xuống. Khoảnh khắc bình yên ấy là điểm đến mà bàn tay bà ngày xưa đã dìu dắt cho cháu. Hơi thở của bà vẫn trú ngụ nơi lồng ngực của cháu, nơi những hơi thở của cháu đang thành kính nhớ ơn bà.
Lễ Vu Lan sắp đến rồi, cháu lại khóc vì nhớ bà, thương bà, và ước ao được một lần chính tay mình nấu bữa cơm chay như ý nguyện để mời bà, được bưng chén chè nhãn bọc hạt sen đến bên bà và nói với bà: “Bà ơi, bà cháu mình ăn chay cũng cần chú ý đến yếu tố dinh dưỡng để cơ thể không bị tình trạng thiếu chất bà nhé…”
Cháu cảm ơn bà vì bà đã để lại cho mẹ cháu và cháu ký ức tuyệt vời về nếp sống thanh giản ở cái ăn, cái mặc. Sự thanh giản ấy như một chiếc cầu vững chải bắc ngang qua dòng sông cuộc đời mà mỗi bước chân qua cầu là một bước dẫn đến hiểu và thương.
Cháu sẽ thường xuyên đặt nhẹ lòng bàn tay mình lên lồng ngực để lắng nghe hơi thở, để được ôm bà trong niềm nhớ của miền tỉnh thức mà bà là người dắt dìu đầu tiên trong tiềm thức của cháu từ tấm bé.
Cháu luôn thương nhớ bà.
Cháu của bà,
Tâm Nguyên
(Tháng 7 năm 2023)