Trăng của 4.51 tỷ năm trước và mấy tỷ năm sau vẫn là trăng, không hề thay đổi. Dù trăng trong tuổi thơ của gã luôn là niềm say mê, nhưng trăng trong cuộc sống hiện tại của gã dường như đã thay đổi.
Ngày xưa gã ngắm trăng mà cứ mường tượng ra hình ảnh chú Cuội và chị Hằng trên cung trăng. Gã nghĩ rằng chú Cuội và chị Hằng cũng đang nhìn gã, vì gã đi đâu, trăng cũng theo đó. Trăng còn soi sáng cho gã vui chơi những trò chơi dân gian mà bây giờ chỉ còn trong ký ức.

Hồi năm 1938, thi sĩ Hàn Mặc Tử có lần “dọa” bán trăng với câu thơ “Ai mua trăng tôi bán trăng cho” trong bài thơ “Trăng Vàng Trăng Ngọc”. Song liền sau đó ông đã đổi ý không bán nữa. Ông giải thích rằng lời rao bán đó chỉ là trò đùa nói chơi:
“Không, Không, Không! Tôi chẳng bán hồn Trăng.
Tôi giả đò chơi, anh tưởng rằng
Tôi nói thiệt, là anh dại quá:
Trăng Vàng Trăng Ngọc bán sao đang.”
Chính vì lẽ đó mà trăng vẫn còn đó để cùng làm bạn với gã say mê trăng trong suốt thời thơ ấu.

Trăng soi sáng buổi cúng cô hồn
Gã không thể nào quên những đêm trăng tròn, ánh sáng bàng bạc dịu dàng bao trùm cảnh quê. Trăng ló lên từ những rặng cây của nhà ông Chín – đối diện nhà gã. Khi trăng mới nhú, trăng bự như vành thúng ửng hồng rất đẹp. Trăng càng lên cao thì nhỏ dần và chuyển sang màu vàng nhạt. Trăng in bóng những chiếc lá xoài xuống mặt sân đất trước nhà. Gió thổi lá reo, cũng là lúc những chiếc bóng lá xoài nhảy múa trên mặt sân.
Vào đêm trăng mười sáu, đêm trăng tròn nhất, từ lúc chiều chị Hai gã đã mua một bịch bánh men ở chợ cách nhà chừng 500 mét. Bánh men là loại bánh cúng rẻ nhất vào thời đó, thời của thập niên 80. Đợi trăng lên cao đến đỉnh cây xoài, chị Hai bày bánh men trên một cái mâm tròn, cùng chén nhỏ muối và chén nhỏ gạo, thêm vào mâm là những ly nước nhỏ. Chị đặt cái mâm trên chiếc ghế đẩu được kê ở giữa sân trước và đốt ba cây nhang khấn vái lầm rầm rồi cắm nhang vào một cái lọ.
Có lần gã tò mò hỏi chị làm gì, chị trả lời chị cúng cô hồn cát đảng. Gã hỏi tiếp “Cô hồn cát đảng là gì?”. Chị giải thích cô hồn là những vong hồn người chết bờ, chết bụi cô đơn; còn cát đảng là những vong hồn người chết cần nơi tương tựa. Do những vong hồn này không được ai thờ cúng nên chị cúng cho “người ta” có cái ăn cái uống.

Bây giờ khi nhớ đến danh từ “cát đảng”, gã nhớ đến hai câu thơ trong truyện Kiều:
“Nàng rằng: Chút phận ngây thơ.
Cũng may dây cát được nhờ bóng cây”
(câu 2279 – 2280)
Hình ảnh “dây cát” tượng trưng cho một loại cây dây leo yếu ớt, nhờ có thân cây lớn nương tựa mà vươn mình lên sống sót. Nghĩa bóng của hai câu thơ này ám chỉ thân phận liễu yếu đào tơ của Thúy Kiều nhờ có Từ Hải ra ân cứu vớt mà thoát khỏi chốn lầu xanh. Hiểu được ý nghĩa của từ “cát” là sự yếu ớt của bản thể cần nơi nương tựa, gã đinh ninh lời chị Hai giải thích “cát đảng” là những vong hồn cần nơi nương tựa hoàn toàn hợp lý.
Trở lại những đêm trăng rằm, khi cúng cô hồn cát đảng, chị Hai đợi cho đến khi ba cây nhang tàn thì vung vẩy muối và gạo tứ tung trước sân nhà. Sau cùng, chị thu dọn và lấy bánh men đem vào nhà. Đó cũng là lúc gã thích chí nhứt vì được ăn bánh men sau những giây phút chờ đợi.
Trăng soi sáng những trò chơi tuổi thơ
Những đêm trăng sáng là những đêm vui nhộn vì gã không phải đi ngủ sớm mà cùng các anh chị chơi đủ thứ trò chơi. Nào là trò chơi “Thiên đàng địa ngục hai bên”. Khi chơi trò này, đám trẻ vừa chơi vừa hát:
“Thiên đàng địa ngục hai bên,
Ai khôn thì dại, ai dại thì khôn!
Đêm nằm nhớ Chúa nhớ Cha,
Đọc kinh cầu nguyện vái Cha linh hồn.
Linh hồn phải giữ linh hồn.
Đến khi gần chết được lên Thiên Đàng.”
Nào là trò chơi “Cá sấu, cá sấu lên bờ”. Trò chơi này đơn giản lắm: sáu chị em gã chọn ra đứa chăn trò chơi bằng cách chơi “bề trắng ra bề đen”. Sáu đứa đứng thành vòng tròn, miệng đọc “bề trắng ra bề đen” trong khi hai tay lật qua lật lại với tốc độ lật tùy ý. Số bề đen (mu bàn tay) hay bề trắng (lòng bàn tay) ít hơn thì được sàng ra ngoài, còn hai đứa có cùng bề bàn tay thì ở lại, “oẳn tù tì”, xem đứa nào thua sẽ chăn trò chơi. Đứa chăn trò chơi sẽ hát câu “Cá sấu, cá sấu lên bờ” và dí bắt đứa nào chưa kịp nhảy lên bờ (bậc thềm nhà). Khi đó đứa bị bắt sẽ thế vào chỗ đứa chăn trò chơi.

Khi trăng lên cao treo chênh vênh giữa bầu trời là lúc xe cộ qua lại trên quốc lộ 22 thưa hẳn đi song thỉnh thoảng sẽ có một xe cam nhông chở mía chạy ngang. Đám trẻ rủ nhau lấy phấn vẽ ô giữa đường để chơi nhảy cò bẹp (có nơi người ta gọi là nhảy lò cò hay nhảy cò cò). Đến lượt đứa nào phải nhảy lò cò thì vào ô, trăng in bóng đứa đó và những đứa đứng bên ngoài lô nhô trên mặt đường.
Những đứa đứng bên ngoài còn có nhiệm vụ canh chừng xe cam nhông đến từ đằng xa thì gọi cả đám chạy vô lề. Nếu may mắn, các cây mía sẽ rơi từ trên xe cam nhông chở mía xuống mặt đường. Chờ xe đi qua, cả đám vội lượm mía bẻ rốp rốp chia ra cho từng đứa, rồi xước vỏ mía bằng miệng để ăn.
Trong lúc ăn mía, các anh các chị dạy gã hát bài đồng dao (có những dị bản hơi khác vài chữ):
Mồng một lưỡi trai,
Mồng hai lá lúa.
Mồng ba câu liêm,
Mồng bốn lưỡi liềm.
Mồng năm liềm giật,
Mồng sáu thật trăng.
Mười rằm trăng náu,
Mười sáu trăng treo.
Mười bảy sảy giường chiếu,
Mười tám rám trấu.
Mười chín đụn dịn,
Hăm mươi giấc tốt,
Hăm mốt nửa đêm.
Hăm hai bằng tay,
Hăm ba bằng đầu.
Hăm bốn ở đâu,
Hăm nhăm ở đấy.
Hăm sáu đã vậy,
Hăm bảy làm sao.
Hăm tám thế nào,
Hăm chín thế ấy.
Ba mươi không trăng.
Vào những dịp có nguyệt thực, đám trẻ càng vui hơn. Đám trẻ ngày ấy không gọi là nguyệt thực mà gọi theo dân gian là “mặt trời ăn mặt trăng”. Để coi cảnh nguyệt thực rõ ràng, người anh của gã lấy một thau nước rồi đặt một tấm kiếng soi mặt bự bằng bàn tay vào đáy thau, sau đó đặt thau giữa đường. Bằng cách quan sát này, gã nhìn rõ mồn một cảnh mặt trời “nuốt” mặt trăng dần dần.
Khi mặt trăng bị nuốt chỉ còn một phần nhỏ như cái lưỡi liềm thì ánh trăng cũng bớt sáng. Cảnh tượng này chỉ kéo dài trong chốc lát rồi thôi. Khi mặt trăng được “nhả” ra hoàn toàn, cũng là lúc anh chị em nhà gã tiếp tục các trò chơi dân gian dưới ánh trăng.
Đó là trò bịt mắt bắt dê, canh một canh hai (có nơi người ta gọi là trồng nụ trồng hoa), bắt kim thang, đá gà bằng đầu gối, năm mười (trò trốn tìm), nhảy dây, tạt lon, dung dăng dung dẻ, v.v.
Trong các trò chơi đó, gã thích trò dung dăng dung dẻ vì có một bài hát vui tai mà đến bây giờ gã vẫn còn nhớ. Đó là:
Dung dăng dung dẻ
Dắt trẻ đi chơi,
Đi đến cổng trời
Gặp cậu gặp mợ,
Cho cháu về quê,
Cho dê đi học,
Cho cóc ở nhà,
Cho gà bới bếp,
Ù à ù ập
Ngồi sập xuống đây.
Vào thời điểm trăng chếch về phía nửa bầu trời bên kia cũng là lúc cả đám vào nhà đi ngủ. Gã chọn nằm phía ngoài cùng gần vách để dễ dàng xem ánh trăng luồn vào những khe vách trông như những lằn sét chạy dài trên vách nhà giữa đêm khuya. Rồi gã thiếp đi lúc nào không biết trong khúc hát ru của tiếng dế gáy. Trong giấc mơ gã vẫn mơ thấy mình đang chơi vui dưới ánh trăng.

Trăng trong tình yêu của tuổi mộng mơ
Lớn lên chút nữa, gã vẫn còn thấy trăng đẹp. Trăng không chỉ đẹp để soi sáng cho những trò chơi thời thơ ấu của gã. Trăng còn đẹp trong tình người, tình yêu đôi lứa khi tình cờ gã nghe được tiếng hát ca sĩ Thanh Tuyền hát nhạc phẩm Biển Tình. Ca khúc này do nhạc sĩ Lam Phương sáng tác theo nhịp rumba chậm rãi tình tứ. Tờ nhạc xưa của bài hát này có in phần chú thích phía trên các khuông nhạc là “Kỷ niệm một đêm trăng trên bãi biển Nha Trang (66):
Nằm nghe sóng vỗ từng lớp xa
Bọt tràn theo từng làn gió đưa
Một vầng trăng sáng với tình yêu chúng ta
Vượt ngàn hải lý cũng không xa.
Biển rộng đất trời chỉ có ta
Thì dòng ngân hà mình cũng qua
Biển không biên giới như tình anh với em
Hơn cả những vì sao đêm.
Trăng nhô lên cao, trăng gác trên đầu núi
Mây xanh xanh lơ vì đắm say tình mới
Đến đây với em mà ngỡ trong giấc mơ
Mắt em âu sầu là cả một trời thơ.
Không gian im nghe nhịp đôi tim hẹn ước
Mong sao tương lai đường trăng ta cùng bước
Siết tay dắt nhau mình lánh xa thế nhân
Lánh xa ưu phiền đắng cay trần gian.
Đời anh sẽ đẹp vì có em
Ngày dài sẽ làm mình nhớ thêm
Biển xanh cát trắng, sóng hòa nhịp ái ân
Không còn những chiều bâng khuâng.

Trăng trong lời ca cũng là trăng quê song trăng không mọc từ rặng cây nhà ông Chín hay trăng treo trên đỉnh cây xoài nhà gã mà “Trăng nhô lên cao, trăng gác trên đồi núi”. Trăng trong nhạc phẩm soi sáng chốn hẹn hò yêu đương, như trong câu hát “Mây xanh xanh lơ vì đắm say tình mới. Đến đây với em mà ngỡ trong giấc mơ. Mắt em âu sầu là cả một trời thơ.”
Giờ đây khi nghe lại những lời ca “Mong sao tương lai đường trăng ta cùng bước. Siết tay dắt nhau mình lánh xa thế nhân. Lánh xa ưu phiền đắng cay trần gian, gã nghiệm ra rằng trăng đã không theo gã từng bước chân trong cuộc đời như lời mong ước của anh chàng trong ca khúc. Vì ở Sài Gòn ngày nay, mặt trăng đã bị các tòa nhà cao tầng che khuất. Nếu có vô tình nhìn thấy được thì mảnh trăng trông vô hồn vì đã bị ánh sáng đèn điện đầy màu sắc lấn át ánh trăng bàng bạc nên thơ.

Và dầu cho gã có dịp trở về quê thì cảnh vật dưới trăng đã không còn như ngày xưa. Trăng giờ đây chỉ còn là một ký ức đẹp, không thể trở lại với gã như những ngày thơ ấu.