Trong hồn nhiên thứ nhất

Minh họa: minh-anh-nguyen-unsplash

For if I lose myself in the world, I am then ready to treat myself as a thing of the world (Paul Ricoeur)*

Phố cổ Hội An. Buổi chiều ở phố Cổ đã tàn. Phố đông đầy du khách. Bên dòng sông An Hội – Thu Bồn đầy nước là các quán café vỉa hè treo nhiều lồng đèn đỏ. Từ bên kia sông là đảo Cẩm Nam vang tiếng hát của một thanh niên trên một sân khấu bên bờ sông trong chương trình văn nghệ “Phát huy đạo đức HCM.” Anh đang cao giọng ca bài “HCM đẹp nhất tên người.”

Tiếng ca tràn qua mặt sông, vang dội vào vách tường cũ màu vôi bạc cổ kính như là âm hưởng của lời ca, tiếng nhạc. Du khách hầu hết là người Âu châu, thêm số người Trung Hoa và Hàn, Nhật. Họ nhìn ra bờ sông, nghe tiếng hát như là một thể điệu dân ca nào đó chắc phải là để tăng thêm hương vị cho những chai bia đang uống.

Ngay dưới sân khấu có độ ba mươi người ngồi trên ghế nhựa chăm chú nghe. Khoảng mươi người khác ngồi trên xe gắn máy hút thuốc và trò chuyện. Hầu hết là phụ nữ và trẻ con. Anh ca sĩ mặc quân phục mầu trắng. Vì người anh nhỏ con nên nhìn bộ quân phục thấy như là áo thụng. Anh ngây ngất và say sưa hát. Một người bạn đi cùng trong nhóm chúng tôi hát theo. Anh la to lên, đồng ca theo tiếng ca từ sân khấu, “HCM! HCM!” Anh vừa la, vừa giang tay phải lên trời, cười tươi, hăng hái.

KHI KHẨU HIỆU CHÍNH TRỊ THAY NIỀM TIN TÔN GIÁO

Trên sân khấu đã có ca sĩ mới. Một cô mặc áo dài lụa vàng mỏng manh đang hát một bài ca của phong trào Thanh niên Xung phong. Giọng ca của cô rất ngọt ngào và đầy phấn chấn. Tóc và tà áo của cô bay trong gió đêm. Đôi mắt cô triền miên nhìn vào khoảng không như là đang bị một tinh thần nào đó chiếm ngự. Anh chàng bạn bên tôi say sưa hát theo bài ca này. “Tôi vẫn thấy em như ngày nào, dù nắng nông trường làm chiếc áo bạc màu.”

Anh ta đã từng nằm trong phong trào Xung phong ngày trước. Những bài ca này, đối với những người như anh, thì đã quá quen thuộc. Anh say sưa hát theo, đôi mắt đắm chìm theo hình dáng cô ca sĩ xinh xắn với hình dáng, mái tóc, y phục cổ truyền. Tôi thấy cả phía ca sĩ lẫn khán giả đang trôi dạt trong một cõi hạnh phúc hồn nhiên của con người xứ Quảng – một nơi, như bao nơi khác trên đất nước Việt Nam này, đi đâu cũng thấy tràn đầy lễ hội và âm thanh, biểu ngữ tuyên truyền.

Đây là thời điểm sinh nhật Đảng. Hình ảnh HCM và cờ đỏ sao vàng, cờ Đảng búa liềm bay ngập các con đường. Suốt tuần qua, báo chí đồng loạt đăng trang đầu tin và ảnh về buổi lễ khai mạc khóa họp Quốc hội mới ở thủ đô Hà Nội. Tiếp đến là hàng loạt tin về “lễ tân” (Tình hữu nghị Việt-Lào) và các bài viết cổ động phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” cho người có công với tổ quốc.

Sắp tới sẽ là ngày Thương binh Liệt sĩ, ngày Cách mạng tháng Tám. Ở quầy làm việc của các resorts cao cấp, nhân viên lễ tân liên tục xin lỗi với khách hàng gọi về đặt chỗ là phòng đã hết. Cả nước tưng bừng tham gia lễ hội. Một thứ lễ hội thì cho Đảng, vì Đảng; còn một loại lễ hội khác thì cho phong trào giàu có mới của một giai cấp tư bản đang lên với túi tiền đầy. Hai thứ lễ hội vướng quyện lẫn nhau.

Dân tộc Việt Nam đang tràn ngập với hạnh phúc hồn nhiên như trẻ thơ ngày Tết. Đảng đang cố gắng bằng mọi cách duy trì mức độ và kéo dài tinh thần cái mà triết gia Paul Ricoeur gọi là “hồn nhiên thứ nhất” – the first naiveté – một thể dạng hạnh phúc trong niềm tin đến một thẩm quyền ngoại thân của những con người ngây thơ trong văn hóa sơ khai chưa có đủ ý thức về chính mình.

Trong sự hồn nhiên nguyên thủy này, ở Việt Nam hiện nay, trên các trang báo giấy hay mạng chính thống, đầy dẫy tin tức tham nhũng tiêu cực. Nhưng ai cần những bản tin nói về bóng tối quyền lực? – tôi tự bào chữa. Thế giới lúc nào mà không đầy ẩn khuất! Nhân loại bao giờ cũng vẫn thế – đầy thối nát, dục vọng.

Mỗi con người Việt Nam là một lịch sử đầy gian nan, tai biến. Tại sao ta lại phải gặm nhấm lại một thế giới qua văn bản, ngôn ngữ, báo chí những gì mà cá nhân muốn trốn tránh?  Cõi sống Việt Nam đang giống như mặt nước sông Thu Bồn kia. Nó long lanh ánh sáng. Nó che đậy tất cả những gì không đáng để nêu lên vốn đang chứa đầy trong dòng nước và dưới đáy sông.

Như những chai bia ướp lạnh với những du khách không biết tiếng Việt, hương vị cuộc sống là cái ảo giác tạm thời của một thể loại hạnh phúc hồn nhiên mà niềm tin tôn giáo nay đã nhường chức năng cho lòng nhiệt thành qua biểu ngữ chính trị.

ĐI TÌM HỒN NHIÊN THỨ HAI

Một du khách Việt kiều trong nhóm hát theo một bài ca khác từ sân khấu cùng với anh bạn kia. Anh đến từ phương xa – nơi không còn cái hồn nhiên sơ khai. Anh ta muốn nhảy vào cái hạnh phúc ngây thơ đầy niên thiếu của dân chúng miền Trung. Có lẽ anh đã đánh mất cái hồn nhiên thứ nhất khi sinh sống ở nước ngoài. Anh muốn tìm lại cái cảm giác ngây ngô, thơ dại trong bản sắc nguyên sơ nơi con người chân chất ruộng đồng mà nay anh đã không còn nữa. Nhìn anh ta vui hát, vỗ tay, tôi lại tự phiên giải anh ta theo Ricoeur: Một hiện thân cho ý chí “hồn nhiên thứ hai” – the second naiveté.

Trong một cõi đất nước mà cái “hồn nhiên thứ nhất” vẫn đang diễn ra trong tâm thức con người Việt Nam, khi mà linh hồn của họ vẫn là của những con chiên đang được các giáo sĩ của giáo hội Đảng làm thánh lễ ban phép lành, nhân danh thánh linh và Thiên Chúa từ lịch sử – trong khi đang cố dàn xếp để giải quyết những vấn nạn thối nát lớn lao tạo nên bởi ý chí phủ định cái ngây thơ ban đầu.

Còn những Việt kiều như anh bạn, như tôi, những con người bên ngoài cuộc vui, đã bước ra khỏi cái hồn nhiên thứ nhất đó – và cảm thấy bơ vơ. Những khái niệm, ý tưởng về chân lý và hạnh phúc trong cõi sống xa quê hương không thỏa mãn chúng tôi. Chúng chỉ vang lên như tiếng gọi đò trên bến sông chiều vắng.

Và bên bờ nước từ nhánh sông Thu Bồn này, một số trong chúng tôi như là lần nữa, trong “hồn nhiên thứ hai”, muốn tung thân vào âm thanh duy ý chí của tầng tâm thức thiếu niên – của “đấu tranh độc lập”, của “lãnh tụ anh minh và đạo đức HCM”, của “lịch sử Đảng bách chiến bách thắng”, của “dân tộc Việt Nam kiêu hùng” – trong nét đẹp huy hoàng mầu sắc lồng đèn đỏ giữa những căn phố cổ trộn lẫn đầy cái cũ và cái mới.

* Bởi vì khi tôi đánh mất chính mình trong thế giới là lúc mà tôi đã sẵn sàng để đối xử với chính tôi như là một vật thể của thế giới.

________________

Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: