Viết cho các con, ngày tri ân nước Mỹ

(Ảnh: Pro Church Media/Unsplash)
Share:

Hôm nay là ngày Thanksgiving thứ 32 cả nhà mình ở Mỹ. Trong ba mươi hai lần ấy có lẽ các con luôn có những tình cảm, suy nghĩ, lắng đọng khác nhau nhưng ba tin không đứa nào trong các con không cảm nhận một điều: đất nước này mỗi ngày mỗi ăn sâu vào đời sống các con một cách rõ rệt. Các con không còn nhớ nhung bạn bè, quê hương như 32 năm trước khi chúng ta đùm túm nhau sang Bataan, bắt đầu cuộc đời mới sau nhiều lần bật máu tại nơi mà các con được sinh ra, dạy dỗ: Việt Nam.

Ba nhớ lắm lần đầu tiên đón Lễ Tạ ơn tại Mỹ, cả nhà ngơ ngác nhưng rất vui vì có cơ hội tìm hiểu thêm một tập tục rất ý nghĩa của người Mỹ để từ đó chúng ta hiểu thêm về văn hóa Mỹ, thứ văn hóa của hai tiếng cám ơnxin lỗi. Người Mỹ dạy cho cả nhà chúng ta một bài học về lòng biết ơn của chính họ đối với tổ tiên, và chúng ta, những khách mời mà họ không biết mặt, những khách mời lẻ loi trong hàng triệu khách mời khác đến với đất nước này, đất nước của lòng tự trọng và đậm tình bác ái.

Những người di dân đầu tiên làm lễ Thanksgiving trên cánh đồng của họ sau khi thu hoạch

Ba mươi hai năm các con không còn lạ gì lịch sử hình thành ngày Lễ Tạ ơn, mà hơn thế, trước lễ ít nhất một tháng các con đã lên lịch những gì cần làm trong ngày hôm ấy. Trong tờ lịch ngày 25 Tháng Mười Một hàng năm, ba hy vọng các con ghi xuống một vài người cụ thể trong hàng trăm người từng giúp đỡ, chia sẻ gánh nặng tinh thần cũng như đồng hành cùng các con một quãng thời gian nào đó. Gửi cho họ một cái thiệp, gọi cho họ vài phút, e-mail cho họ rằng các con không bao giờ quên tên của họ trong đời sống, hay chí ít post một tấm ảnh chia vui với họ trên Facebook, Instagram về cái ngày này.

Ra đường, các con đừng lướt qua những người đang cầm bảng xin tiền, xin thức ăn, xin việc làm tại những điểm vào, điểm ra trên các xa lộ. Hãy chuẩn bị những cái bao thư trong đó một ít tiền và đừng quên câu: God Bless You. Chúa đã chúc lành cho chúng ta vì vậy chúc lành lại cho con cái Chúa là điều đáng phải làm.

Khi lái xe trong ngày Thanksgiving chắc là các con sẽ gặp nhiều bực bội. Ngày lễ ai cũng cần về nhà, ngày lễ ai cũng có việc gia đình phải làm. Các con đừng bực bội mà hãy nghĩ đến ngày xưa gia đình mình còn ở Việt Nam, lúc ấy chúng ta bị nhìn như những kẻ dưới gầm cầu của xã hội, những con người vô dụng trong một cộng đồng lúc nào cũng nằm trong cơn lốc xoáy của nghiệt ngã, đau đớn tận cùng. Vậy mà lúc đó chúng ta đâu biết làm cách nào để phản ứng dù chỉ là một phản ứng tiêu cực, hay phản ứng bực bội với chính mình?

Mỗi một bữa ăn vào ngày lễ Tạ ơn, khi các con chưa lập gia đình cả nhà quây quần trước một con gà tây mà hương vị của nó sau 32 năm vẫn không thuyết phục được khẩu vị chúng ta, những người có cái lưỡi Việt Nam. Vậy mà chúng ta vẫn giữ truyền thống ăn gà tây vì mỗi lần gắp miếng thịt thì mỗi thành viên trong gia đình lại nghĩ tới một kỷ niệm để so sánh với con gà tây bất đắc dĩ này.

Ba nghĩ tới ngày Tết sau cùng ở Việt Nam khi cha con mình lên K4 bán những chiếc mũ lông do mình tự làm. Ba không trực tiếp cầm chúng rao bán cho khách đi chơi ngày Tết. Ba đứng một chỗ quan sát và bảo vệ các con trong tư thế bị động. Ba rơi nước mắt và đói đến cồn cào. Rơi nước mắt vì thấy con người ta tung tăng ngày Tết còn những đứa con của mình lại phải kiếm từng đồng bạc lẻ. Ba ước gì lúc ấy được ngồi bên các con ăn một bữa ăn cho thỏa thích. Từ đó thịt con gà tây hôm nay đã có thêm gia vị, gia vị ký ức.

Gà tây, món ăn truyền thống không thể thiếu trong ngày lễ Tạ ơn (Ảnh: Claudio Schwarz/Unsplash)

Mẹ các con chắc sẽ nghĩ khác, mẹ không thể quên vài ngày trước Tết, mẹ và Duy-anh chở thịt từ nhà chú Hùng về chợ Nhỏ, bị công an khu vực rượt bắt, mẹ phải chạy vào nhà dì Tư và bị nhốt vào đồn công an như một tội phạm. Duy-anh nhìn mẹ thất thần và cái ngày khổ ải ấy làm sao biến mất khỏi gia đình chúng ta?

Duy-em thì không thể quên cái ngày mà con được chị Quyên chở đi mua rượu cho ba. Ngày mưa, bùn đất Long Khánh vốn nổi tiếng trơn trợt và hai chị em té nhào trước khi về đến nhà nhưng Duy-em thà té không buông chai rượu! Cái cảm giác lúc ấy chỉ thoáng qua nhưng mỗi khi nhắc lại cả nhà vừa cười vừa khóc.

Thùy sẽ không quên những vết roi bị ba quất vào người khi vô tình sang nhà hàng xóm có một Việt kiều vừa về và bị đổ oan là ăn cắp. Xin lỗi con về những lằn roi cứ thỉnh thoảng quất vào tâm khảm ba vì sự ngốc nghếch và tự ti của mình.

(Ảnh: Pixabay)

Chúng ta ai cũng có rất nhiều kỷ niệm về đói rách, áp bức, thiếu tự do, xoay vòng với cơn lốc thời thế, chính thể. Ai cũng bất an và ai cũng ít nhiều bị vết xước nội tâm hằn lên mỗi ngày. Chúng ta thở phào khi bước chân đến Mỹ và từ đó chúng ta bắt đầu một ước mơ, bắt đầu biết thế nào là con người hạnh phúc.

Trong những hạnh phúc mà chúng ta thừa hưởng ngày hôm nay chắc chắc từ cố gắng của cha con mình nhưng cố gắng dù lớn đến cách nào đi nữa nếu không phải ở Mỹ, chúng ta có được hay không?

Các con ai cũng thành tài, có việc làm đáng mơ ước… nhưng nước Mỹ không lúc nào đứng xa các con mà luôn luôn bên cạnh, lúc khuyên răn, khi khuyến khích. Lúc bằng lời lẽ lúc bằng hiện vật tiền tài. Lúc cảnh cáo lúc khen ngợi… Tất cả đều vì tương lai các con chứ nào phải tương lai của nước Mỹ. Những việc ấy là gì?

Nước Mỹ bảo vệ các con từ khi còn nhỏ bằng những chuyến xe đưa đón các con tới trường trong suốt những năm của Tiểu và Trung học. Lo cho các con từng bữa ăn sáng, từ tập luyện sức khỏe cho tới dạy dỗ kiến thức làm người. Cho tới khi các con vào Đại học, nhà trường lúc nào cũng sẵn sàng góp ý cho các con nên học ngành nào, trường nào hợp với hoàn cảnh của từng đứa. Giúp đỡ các con tìm học bổng những nơi mà các con thích. Cho các con học đại học mà không tốn tiền còn giúp chúng con làm việc ngoài giờ học, work study, để không lo lắng trong vấn đề tài chánh cho tới khi các con ra trường.

Ra trường rồi nước Mỹ lại mở rộng vòng tay đón các con tìm việc làm. Các con có thể chọn hàng trăm nơi thích hợp, hàng chục mức lương khác nhau và hàng chục loại benefit đi kèm.

Nước Mỹ đã thay ba mẹ chăm sóc các con từ khi chập chững những câu tiếng Anh đầu tiên cho tới khi thành những chàng trai, cô gái đầy sức sống và kiến thức vào đời. Nước Mỹ rõ ràng hơn cả cha lẫn mẹ trong một quãng đường dài mà tất cả các con ít khi nghĩ tới.

Trong ngày lễ Tạ ơn năm nay, ba chỉ muốn các con cầu nguyện cho nước Mỹ là đại gia đình của chúng con được qua khỏi mọi bệnh tật, qua khỏi mọi khổ đau tinh thần, cũng như lành lặn trong bất cứ vết thương nào. Lời cầu nguyện của chúng ta sẽ làm ngày Thanksgiving ý nghĩa hơn trong tâm thức tri ân nước Mỹ.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: