Viết – Tranh Hoàng Thanh Tâm

Tôi yêu tiếng Việt từ thuở bé tí ti. Bập bẹ tập đọc trong lớp mẫu giáo của thầy Thống ở Quảng Ngãi, i u ư, o, ô, ơ, a ă â, e ê y, tôi đã cảm thấy những vần, những chữ hấp dẫn hơn nhảy cò cò, chơi ô quan.

Thời tiểu học, môn vẽ của tôi được thêm điểm nhờ tôi đặt tên cho “họa phẩm” của mình. Cô giáo bảo vẽ con gà. “Bức tranh” của tôi là một con vật nửa chim, nửa gà với tựa đề “Chú gà trống oai vệ”. Tập vẽ cây cảnh, tôi chăm chút cả buổi, nguệch ngoạc hai cây dừa, thêm vài nét lăng quăng như sóng, gắn tên “Hàng dừa ven sông”. Những giờ tập làm văn, những bài học thuộc lòng luôn là niềm vui cho con bé học trò tiểu học. 

Theo tổ chức trường trung học, lớp học có nhiều chức vụ khác nhau. Có những chức vụ rất oai, được ưa chuộng. Chức trưởng ban văn nghệ, hát hò vui nhộn, nhiều học trò ngắm nghé. Năm lớp Chín, tôi được bầu làm trưởng ban báo chí, mặc dù trong lớp nhiều trò khác văn hay, chữ tốt hơn tôi. Chức không cao như trưởng lớp, quyền không trọng như thư ký, cũng không vui như trưởng ban văn nghệ, nhưng tôi hoan hỉ nhậm chức.

Làm báo Xuân, chúng tôi kéo nhau lên nhà người anh họ của tôi, nhờ anh vẽ ông táo bên cạnh sớ táo quân. Trong trí nhớ của tôi còn lờ mờ hình ông táo khòm khòm, đội mão, ốm tong teo, mặc áo dài với quần đùi. Tôi bắt chước tạp chí Tuổi Ngọc, vẽ mấy con kiến vàng cầm bảng với những danh ngôn, lời hay, ý đẹp. Tôi đóng góp bài vở, nhưng chắc dở òm, nên không còn nhớ mình viết gì.

Biến cố 1975 đã đẩy học trò chúng tôi ra khỏi thế giới học đường hoa mộng và chấm dứt “sự nghiệp làm báo” của tôi. Sau cuộc đổi đời, môn Việt Văn lý thú tôi đã từng yêu thích chỉ còn là môn Văn nhạt tẻ, đôi khi ngột ngạt vì kèm theo lời giảng chính trị.

Mạ chúng tôi có tiệm sách lớn ở thị xã Quảng Ngãi. Từ nhỏ, anh chị em chúng tôi có thú mê đọc sách, báo. Khá môn Việt Văn, nhưng thuở trung học, tôi chưa hề gởi bài đăng báo. Tôi chỉ mon men nộp vài bài thơ ngờ nghệch mỗi khi trường làm báo Xuân.

Thật ra, tôi có liên lạc tuần báo Thiếu Nhi một lần. Sau mùa Hè đỏ lửa 1972, gia đình nhỏ bạn thân của tôi dọn hẳn vào Sài Gòn. Chúng tôi mất liên lạc, khi vừa xong năm đầu trung học đệ nhất cấp.

Tôi nhớ nhỏ bạn ngẩn ngơ. Năm nọ, tôi đọc trong tuần báo Thiếu Nhi bài thơ Giọt Sương Long Lanh có ghi: “Tặng Ngọc Thúy và kỷ niệm”. Tên tác giả không phải tên bạn tôi. Nhưng tôi một mực tin đó là bài thơ nhỏ bạn viết tặng. Bởi vậy, tôi nắn nót viết thư gởi đến tòa soạn Thiếu Nhi xin liên lạc với tác giả bài thơ.

Tuy là con nhà sách, chúng tôi chỉ được đọc sách thích hợp theo từng lứa tuổi, đúng theo “quy định” của song thân. Bởi thế, mãi đến năm lớp Chín tôi mới được “chạm” đến tạp chí Tuổi Ngọc và mon men đến những tác giả ruột của phe “kẹp tóc”. Nhớ, Nguyễn Thanh Trịnh với Ví Dụ Ta Yêu Nhau, Mường Mán với Lá Tương Tư Duyên Anh với Áo Tiểu Thư

Năm 1983, sau một năm miệt mài đèn sách, sắp sửa hoàn tất khóa học Đức ngữ ở thành phố Heilbronn, thầy chủ nhiệm đề nghị chúng tôi làm bích báo. Tôi hăng hái xin đảm nhận “trọng trách” chủ bút. Tạp chí Der Spiegel (Tấm Gương) là tạp chí tin tức hàng đầu của nước Đức.

Trong lớp Đức ngữ trung cấp, mỗi khi thầy cô giáo trích đoạn của báo Der Spiegel cho chúng tôi đọc, bắt phân tích diễn giải, chúng tôi vò đầu, bứt tai, khổ sở lắm. Liên tưởng đến danh giá của Der Spiegel, tôi “sính chữ”, đề nghị đặt tên tờ bích báo của lớp là Der Schulspiegel (Tấm Gương Học Đường). Cả lớp cùng góp sức, nội dung tờ báo khá khiêm nhường, văn thơ ngô nghê, bởi tiếng Đức sau một năm vẫn còn… ngọng nghịu.

Nhớ mang máng những mẫu báo ngày xưa ở trường Nữ Trung Học, tôi lăng xăng, vẽ vời đạo diễn. Nhờ vài bàn tay khéo léo của những học trò khác, tờ báo trông đẹp ra phết. Rời trường Đức ngữ, tôi vẫn giữ liên lạc với thầy. Nghe nói, thầy vẫn cho treo tờ báo ở tường của phòng học. Tôi xin thầy gói ghém tờ báo, nhờ bạn học khệ nệ mang lên trường mới cho tôi. Tờ báo nằm trong góc phòng tôi một thời gian. Đậu tú tài, dọn nhà đi, tôi đành phải cho tờ báo vào sọt giấy. Nghĩ lại tiếc ghê.

Hình minh hoạ: Pexels

Những năm ở trung học Đức, tôi phải (hay được) nghiền ngẫm văn chương Bertholt Brecht, Max Frisch… Tôi thuộc đôi vần thơ trong bài Zauberlehrling của J. W. Goethe. Tôi bình luận Die verlorene Ehre der Katharina Blum của Heinrich Böll, Unterm Rad của Hermann Hesse…

Trình độ Đức ngữ của tôi đạt “tột đỉnh vinh quang” trong những năm trung học Đức. Tôi được là Lieblingsschülerin, học trò cưng, của những thầy cô giáo dạy môn Đức Văn. Những bài luận văn tôi viết năm bảy trang là những bài phân tích tác phẩm, tác giả, bài bình luận các đề tài thời sự, xã hội. Tôi được điểm cao, chẳng phải vì các bài luận mang tính sáng tác văn học, mà có lẽ do vốn ngữ vựng và văn phạm vững vàng của tôi. Rời trung học, sách tiếng Đức tôi đọc đa số là các loại sách chuyên ngành cho chương trình đại học.

Tôi không theo dõi các trào lưu văn chương Đức hiện đại nữa. Thỉnh thoảng, nhớ những sách dịch của E. M. Remarque, tôi tìm đọc nguyên tác vài cuốn sách yêu thích ngày xưa như Drei Kameraden (Chiến Hữu), Zeit zu leben und Zeit zu sterben (Một Thời Để Yêu, Một Thời Để Chết). Xong đại học, tôi hầu như chỉ xài tiếng Anh trong công việc. Bởi thế, vốn Đức ngữ của tôi ngày càng thâm thủng.

Tháng Mười năm 2018, tôi trở thành hội viên của Văn Bút Lưu Vong Đức Thoại (Exil-PEN Sektion deutschsprachige Länder). Ban tổ chức đề nghị tôi đóng góp mục đọc truyện trong kỳ họp thường niên năm sau. Lúc đó, tôi quá chủ quan, nghĩ thầm, chẳng ngại, mình còn cả mười hai tháng trước mặt. Tôi mơ màng nhớ đến mảnh bằng với điểm 1, điểm xuất sắc của khóa học Đức ngữ. Tôi ngỡ những hào quang của thời oanh liệt trình độ tiếng Đức của tôi vẫn còn le lói.

Khi bắt tay vào việc dịch bài viết của mình sang tiếng Đức, tôi hoảng hồn. Bài tiếng Việt tôi viết xong, ý tứ sẵn sàng, chỉ cần chuyển qua ngôn ngữ khác. Thế mà tôi mằn mò mấy tiếng đồng hồ chỉ được vài câu. May, thời buổi tân tiến, viết trong computer, tha hồ bôi, xóa.

Tưởng tượng, nếu tôi dùng giấy trắng mực đen, có lẽ mỗi trang tôi chỉ xài được một, hai dòng, còn lại là gạch bỏ đen ngòm. Nhờ computer, bài vở sạch trơn. Nhưng mỗi lần đọc lại, tôi phải vá chỗ này, chắp chỗ nọ. Càng lúc, tôi càng thấm tầm quan trọng của nguyên tắc văn ôn, võ luyện.

Nhiều năm qua, viết tiếng Việt là sinh hoạt thăng hoa cuộc sống, giúp cho tôi quên hoặc “xử lý” những nhọc nhằn đó đây trong đời. Viết tiếng Việt như tận hưởng giờ ra chơi với biết bao niềm vui. Vậy mà, viết tiếng Đức, cứ như trong giờ làm bài thi, căng thẳng, khó khăn.

Nghe một số tác giả đọc sách của họ ở Họp mặt Thường niên Văn Bút, tôi bắt đầu thấy lung lay tinh thần. Họ có nguồn gốc ngoại quốc, nhưng họ rất Đức. Đức thật, chứ không phải Đức trên giấy tờ như tôi. Nhiều người viết một năm hai ba pho sách bằng tiếng Đức dày cộm. Đành rằng, các cụ ngày xưa đã dạy: Quý hồ tinh bất quý hồ đa.

Tôi cặm cụi nhiều khuya, mà chẳng được bao nhiêu để gọi là lượng, nói chi đến chất. Tôi đâm ra do dự. Ngại mình chọn đôi giày quá lớn so với chân mình. Mặt khác, tôi không muốn bỏ lỡ cơ hội trình bày những tâm tư của một người Việt sống lưu vong. Tôi nhắc đi nhắc lại, rằng, tôi mong câu chuyện của tôi cũng được những người- không- phải- Việt lắng nghe.

Trước ngày đến dự Họp mặt Thường niên năm 2019, tôi liên lạc qua điện thư với giáo sư Schlott, Chủ tịch Văn Bút Lưu Vong Đức Thoại. Chúng tôi đồng ý dời phần đọc sách của tôi sang năm sau. Tôi sẽ có thêm thời gian. Lúc gặp nhau ở buổi họp, giáo sư rất ân cần. Ông hy sinh giờ nghỉ giải lao, ngồi lại nói chuyện với tôi. Ông tỏ vẻ rất quan tâm những đề tài tôi muốn trình bày. Ông bảo cố gắng viết, lúc nào cần lời khuyên, lời đề nghị, cứ liên lạc với ông. Đáp lại những lời cám ơn rối rít của tôi, ông chỉ khiêm nhường nói, đấy là việc, là bổn phận của ông.

Tôi đã cắn bút thật lâu khi dịch những đoạn văn có kèm ca dao tục ngữ, hoặc trích dẫn thơ, nhạc Việt. Loay hoay dịch, sửa, xóa. Đọc lại vẫn không hài lòng. Đôi khi tôi phải lược bỏ hẳn cả đoạn có những từ ngữ rất đẹp của tiếng Việt, và chỉ lấy ý viết bằng tiếng Đức. Tập làm văn bằng ngoại ngữ ở tuổi quá nửa đời người coi bộ lắm chông gai.

Tôi bắt gặp trong tờ tạp chí tiếng Đức, đôi dòng trích dẫn nhật ký của nhà văn Franz Kafka: “Verbringe nicht die Zeit mit dem Suchen des Hindernisses, vielleicht ist keines da.

Ồ, có lẽ tôi xin phép văn sĩ, cho tôi mượn câu nói của ông để tự nhắc nhở mình trong nỗ lực tập làm văn tiếng Đức: “Đừng phí thì giờ tìm kiếm trở ngại. Có lẽ chẳng có trở ngại nào cả.” Kinh nghiệm sống quý báu của văn sĩ sẽ động viên tinh thần tôi, để tôi dành thì giờ “tập làm văn” tiếng Đức.

Trong kỳ họp của năm sau, tôi sẽ mạnh dạn cất tiếng nói của mình, góp phần vào diễn đàn của những người viết lưu vong nơi xứ này. Nhưng ba năm tiếp theo, vì đại dịch, sinh hoạt của Văn Bút Lưu Vong Đức Thoại dừng lại. Những cuộc họp thường niên chưa biết đến bao giờ mới thực hiện được. Tôi nghĩ, phần mình cứ tiếp tục tập làm văn. Cuộc sống biết đâu sẽ có những sắp xếp êm đẹp cho mình.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Khúc nhạc buồn trong ký ức
            Nếu ví cuộc đời của mỗi người như một bản trường ca có nhiều đoản khúc khác nhau, mỗi đoản khúc biểu tượng cho những diễn tiến buồn hay…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: