Tết Việt ở Texas

Theo truyền thống của người Việt mình, Tết Nguyên Đán là dịp đoàn viên gia đình, người thân. Thế nhưng không phải ai cũng may mắn được đón Tết ở quê nhà, nhất là trong hoàn cảnh hiện nay. Những ngày cận Tết này, mở các kênh YouTube, hay xem các mạng xã hội của bạn bè người thân trong nước, nỗi nhớ Tết, nhớ nhà càng tăng lên bội phần. Tuy năm nay không như những năm trước, nhưng không khí Tết vẫn hiện diện khắp nơi, làm xao lòng những đứa con xa xứ.

Ở Texas, một trong hai thủ phủ người Việt lớn nhất nước Mỹ, niềm vui Tết vẫn tỏa lan trong từng gia đình nhỏ. Ngoài thời gian đi làm công sở, người ta tranh thủ gói bánh, làm mứt, mua hoa, mua tắc, trang trí nhà cửa, chọn thêm những chiếc áo dài Xuân sặc sỡ, …mong hầu gìn giữ một cái Tết xưa vẹn toàn. Những công việc mỗi năm một lần, lấy đi rất nhiều thời gian và công sức trong nhịp sống hối hả này; nhưng trên hết, làm vì nhớ, vì yêu; để biếu tặng, gởi cho là chủ yếu, để thấy Tết thật sự đã về …

Tết là mùa bánh chưng bánh tét, mùa hoa đào hoa mai, mùa của bao lì xì, dưa hấu, mùa của áo mới kẹo ngon, … Với những người con xa xứ, Tết lại càng là nỗi nhớ khôn nguôi, là hành trình mà mỗi người Việt ở nơi xa đều muốn quay về. Ở đây, Tết không chỉ là dịp để đón năm mới truyền thống mà còn là dịp để cho con cháu biết về nguồn gốc văn hóa, cội nguồn Tổ tiên. Nhiều gia đình Việt mình vẫn giữ nếp Tết xưa cũ, cùng gói bánh, làm giò, cúng đưa ông Táo, nấu bữa cơm tất niên, rước ông bà, …nghiêm trang và thành kính.

Sau cả năm làm việc bận rộn, những người con xứ Việt vẫn luôn mong một cái Tết cổ truyền, dù có tất bật, dù còn thiếu thốn. Mùa này người ta đi mua sắm Tết hệt như ở quê nhà. Các chợ Á châu hàng về rực rỡ, tràn ngập sắc đỏ vàng, phục vụ không thiếu món gì cho Tết. Từ bánh mứt, thèo lèo, dưa hành, củ kiệu đến lạp xưởng, giò thủ cùng đủ loại trái cây hiếm có khó tìm để chưng mâm ngũ quả. Chủ yếu hàng trong nước nhập qua hoặc các cơ sở người Việt tại Mỹ sản xuất. Ngoài đồ ăn thức uống, còn có sự khoe sắc của những chậu cúc đại đóa, quất, tắc, đỗ quyên, phong lan, mai vàng Mỹ (Forsythia), đào Mỹ (Quince), …Một số chợ truyền thống Mỹ ở các tiểu bang đông người châu Á, người Việt cũng bày một ít hàng Tết theo nhu cầu khách hàng, cũng mứt Tết, cũng lạp xưởng, cũng nước mắm, …như ở Costco, Sam’s Club, HEB, … đủ để làm rộn ràng thêm không khí Tết đang về …

Những gia đình có con cái đang theo học ở các trường Việt Ngữ càng vui hơn khi Tết về. Những hoạt động ở trường tổ chức nhằm khơi gợi truyền thống dân tộc cho con trẻ như múa lân, chơi ô ăn quan, chơi thảy đầu vịt, lò cò, ông đồ cho chữ, chơi bài chòi, …diễn ra rộn ràng, sôi nổi. Rất nhiều phụ huynh chia sẻ, dù xã hội có phát triển thế nào, dù có đi đến đâu, nhưng những nét đẹp truyền thống của ngày Tết Việt thì không gì có thể thay thế được. Và có lẽ, càng ở xa quê hương, mới càng thấu hiểu điều đó quý giá tới mức nào.

Cho nên, trong cái khó thường hay ló cái khôn, nhiều nơi điều kiện không đủ, thiếu lá dong, dây lạt, người ta dùng lá chuối, dây nilon, dây vải hoặc dùng giấy nướng bánh (parchment paper) để gói bánh. Không có thời gian nấu bánh lâu thì dùng nồi áp suất (instant pot) giảm thời gian tối đa mà vẫn giữ được hương bánh ngon mềm. Không đủ nắng để phơi củ cải củ kiệu thì dùng lò sấy, lò nướng hong khô. Không có mai, đào Việt thì ngắm mai, đào Mỹ, …muôn kiểu chuẩn bị cho ngày Tết sum vầy.

Tết ở nước ngoài rất ngắn. Thường chỉ là ngày cuối tuần, trước Tết hoặc 30 Tết, gia đình bạn bè tụ tập ăn bữa cơm chung, ngày hôm sau lại trở lại nhịp sinh hoạt bình thường. Mặt khác do lệch múi giờ, người Việt ở Mỹ vẫn phải làm việc trong thời khắc Giao thừa. Năm nay người ta còn hạn chế lại việc gặp gỡ, đi chùa, nhà thờ, ăn uống cùng nhau để giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh, cái Tết Việt dường như lắng đọng hơn, yên ả hơn. Cảm giác thèm được cùng cả gia đình, họ hàng quây quần bên mâm cơm Giao thừa, ăn miếng thịt kho trứng, húp muỗng canh khổ qua, nghe mùi trầm hương lan tỏa, rôm rả nói cười, lại càng da diết nhớ …

Ngày trước, khi các phương tiện liên lạc chưa phổ biến như hiện giờ, các hình thức mua bán trên mạng còn hiếm thì việc cộng đồng nhóm họp cùng nhau nấu bánh, làm mứt phổ biến hơn. Dần dà theo thời gian, khi cộng đồng người Việt ngày càng đông đảo, việc mua sắm đồ Tết không còn khó khăn như trước, việc gởi tặng hàng hóa từ trong nước ra nước ngoài đã thuận tiện hơn, thì những cái Tết nay đã được đủ đầy, dư dả. Nhưng tận sâu trong tâm trí mỗi người, dường như vẫn còn thấy thiếu thứ gì chẳng gọi được thành tên, như ai đó từng nói: “Với nhiều đứa con xa xứ, Tết thì còn đủ vị đó, nhưng vẫn thiếu mùi hương quê nhà!”.

Bài và ảnh: THANH NHÀN (Houston, Texas)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Khúc nhạc buồn trong ký ức
            Nếu ví cuộc đời của mỗi người như một bản trường ca có nhiều đoản khúc khác nhau, mỗi đoản khúc biểu tượng cho những diễn tiến buồn hay…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: