Thở, Thiền, và Thơ, viết giữa sa mạc, nơi thị trấn

Tranh họa sĩ Nguyễn Thanh Bình

Đại sư Paramahansa Yogananda (1893-1952), bậc thầy người Ấn đến đất Mỹ, Boston từ thập niên 1920’, truyền giảng phương pháp thực hành Yoga qua phối hợp Thiền Định Mật Tông và Đức Tin Thiên Chúa Giáo, hiện thực kết hợp Đông-Tây. Những năm cuối đời (1948-1952), vị Thầy lui về ở ẩn vùng Sa mạc Mojave, California do kinh nghiệm năm tháng du hành, thuyết giảng ở Arizona nên biết: Vùng sa mạc hấp thụ lượng lớn sức nóng mặt trời giúp cho người có được những năng lực mà những địa vực khác không có. 

Là một Người Lính của một quân đội thất trận, nước mất, nhà tan, nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, bản thân cuối đời về ở nơi vắng vẻ. Không thể vắng lặng hơn… Không có cả hơi gió, tiếng chim, bóng lá. Nên không gì hơn là tự mình nhìn mình/với mình chứ không ai khác, và không có gì khác. Từ đó, có những giòng chữ ngắn nầy – Những giòng chữ chân thực: THƠ TỪ HƠI THỞ TRONG TRẠNG THÁI GỌI LÀ THIỀN. 

Tóm lại, là luôn bắt đầu bằng cách quán sát Hơi Thở. Chỉ có vậy. Mà vô vàn.

Về nơi thị trấn, suốt ngày chỉ ngủ, đêm thức trọn.

Bài I, Tháng Chín         

1- Lãng đãng vô phương hướng

Đi, đứng, ngồi, vào, ra.. 

Bất giác nhìn lên tường? 

Lật trang sách vô ý

Cuối năm, trời mù sương..

 

2-Tôi nhắc nhở cùng tôi

Cố gắng thêm chút nữa

Lỡ sẩy tay, cùng đành…

Thì thôi không tiếc nuối!

Hình minh họa: cody-doherty-unsplash

3-Khi quá khổ người gào lên tiếng chưởi

Trước tiên, nguyền rủa chính “ta”

“đảng của ta”

Và “bác của ta” 

Lềnh loang bãi máu “tiến quân ca” (*) 

Quân thù nào? 

Hở quân thù nào nơi đường Hàng Xanh?

Đêm Xuân lành Miền Nam 1968

Bớ người ta!!

Ơi bớ người ta!

(*) Tiến Quân Ca-Văn Cao.. “Đường vinh quang xây xác quân thù!”

 

4-Cell phone hỏi để làm gì? (*) 

Chuyển hình nghẹt thở…

Báo tin… xong rồi!

Chết nơi đâu và chết vì sao?

(*) 39 công dân CHXHCNVN, gốc Nghệ An, Bắc Trung Phần, trẻ tuổi chết ngộp trong container khi nhập lậu vào nước Anh, 7/11/2019   

 

5-Concorde bay cực nhanh (*)

Bớt mấy giờ chờ đợi

Đào hát kịp dạ hội

Phô bày áo, váy mới!

(*) Máy bay thương mại của Air France (Pháp). British Airways (Anh); giá 67 triệu bảng Anh (2016); lập kỷ lục bay New York-London chỉ mất 2 giờ, 52 phút, 59 giây. 

 

6-Đáp xuống Cung Quảng làm gì? (*)

Nầy, khắp nơi khẩn đói bánh mì cầm hơi

Bay vào Sao Hỏa xa xôi (**)

Mười tầng lửa đủ nung sôi địa cầu!

(*) Apollo 11 cơ quan NASA Mỹ đưa người xuống Mặt trăng đầu tiên, 20/7/1969- Cao điểm Chiến tranh Việt Nam (1960-1975) 

(**) Chương trình khám phá Sao Hỏa, thực hiện với hai phi thuyền Voyager 1&2 phóng đi từ 1977, nay vẫn đang tiếp tục. Kinh phí ban đầu, $865 triệu; nay thêm $30 triệu.

 

7- Ngày ngày viết xuống lời “thơ”

Thấm nghe từng sợi thần kinh nát nhàu

Sợ từng ý nghĩ, giòng, câu.. 

Hố sâu lấp mãi không đầy Nỗi Đau 

 

8-Ôi sự Ác vây trùng trùng gươm giáo 

Phận con người lắt lay cơn giông bão

Ngẩng về trời Mùa Vọng ở nơi đâu? (*)

Đêm tối đen… Không có chỗ gối đầu?!

(*) Mùa Vọng trước Giáng Sinh Chúa Ky-Tô (24/12)  

 

9-Vẫn biết sống nơi nầy hữu  hạn

Mà sao khổ tận tới vô chừng

Cây diêm nhỏ chập chờn quầng lửa sáng 

Tắt rất nhanh bóng tối chụp mênh mông 

Sông, khe, suối… cuối giòng trôi ra biển lớn

Chứa không đầy một giọt đắng thương tâm

Hình minh họa: ganapathy-kumar-unsplash

10-Thơ không tả độ sắc màu đôi cánh

Thơ không gói gió bao tầng sức mạnh 

Thơ viết nên lần chuyển động uy nghi  

Chim lên trời giữa giông bão cuồng điên

 

11- Hãy lắng xuống cơn nhiệm mầu cảm động

Mặc cường toan tuôn đổ xả ngập đầu

Suốt khổ đau hiển hiện lần rất ngắn

Tim Mẹ Hiền dẫu nằm dưới mộ sâu

Ồ cảm tạ..

Người hằng hằng con trẻ!

 

12-Sự Thật lớn nhất là Sự Chết

Đã giáp mặt rồi không ngại gì hết

Thì thôi nói mấy cũng thừa 

Nhìn ra thấy nắng sáng từng sát-na!

 

13-Bất chợt nhìn lên Trời

Tưởng chừng mưa máu đổ

Ngửa mặt gào tiếng khổ

Nào đâu Tội Làm Người?

 

14-Bừng bừng hoa gạo đỏ đầu sân

 Xuân hồng ngây ngây, lòng nức nở

Nhìn ra từ khe cửa phòng giam (*)

Phương Nam… Phương nào trời xa ?!

(*) Phòng kiên giam Trại Thanh Cẩm, Thanh Hóa, 1986 

 

14 Bis-Ô kìa bông gạo nở

  Rộ vỡ hồng đầu sân

  Cùm chân, phòng cấm cố  

  Sáng đầu Xuân.

Mong được khóc một lần! (*)

(*) Viết lại sau 30 năm, 1986-2016  

 

15- Đưa Bạn trở về Rừng (*)

Chữ, nghĩa trả hết Kinh Dương Vương

Dung Nham tắt ngấm! 

(*) Vẽ Rừng/Văn Kinh Dương Vương/Thơ Dung Nham (1941-2022)

Hình minh họa: tim-de-groot-unsplash

16-Muộn màng pháo bông nổ

Đêm July Fourth qua mau

Chó nơi đâu tru khan

 

17- Nhớ xưa phận nghiệt một lần

Sợ chờ ngày đến

Ngại từng đêm qua

Dựa lưng, tựa cột, hiên nhà

Mái trơ sống lá, chân tường mối bung

Nhìn ra lối xóm lạ lùng

Thân sơ, cảnh mới, giọng người chưa quen

Ngó mông bóng nắng bậc thềm

Sắc vàng thấm lạnh, lòng phiền buồn tênh

Lời thơ nghĩ dối ngập ngừng.. (*)

(*) Tình cảnh ở Lái Thiêu (1990-1993), ngày đi tù về.

 

18-Vẫn viết miết về Đất Nước tôi

Trong ngần hạt lệ

Ôi Quê Hương kiệt cùng

Trời hỡi trời!

 

19- Biết thân vụng về, trí ít chữ

Lòng vẫn trào nước mắt chứa chan

Người ơi! Bạn không còn đâu nữa (*) 

Thơ viết rền âm động thất thanh

(*) Tô Thùy Yên (1938-2019)

 

20- Nhím rùng mình bắn bung chùm gai nhọn

Thịt da người xâm xấp ứa giọt đậm Khổ Đau 

Đêm không ngủ bởi chưng con người đợi Chết

Mỗi khắc giây chờ Ngày Tận Diệt khởi đầu

30 Tháng 4, Năm Một-Chín-Bảy-Lăm.  

 

Bài II, Tháng Mười

#1/ Với Tô Đông Pha

Lô Sơn yên tỏa Triết Giang triều

Vị đáo bình sanh hận bất tiêu

Đáo đắc hoàn lai vô biệt sự

Lô Sơn yên tỏa Triết Giang triều 

11/Khói tỏa Non Lô lung sóng Triết Giang  

Chưa đi lòng những luống mơ màng

Đến rồi, trở lại nào không khác

Vẫn khói Non Lô đùn sóng Triết Giang!

 

12/Kìa khói Núi Lô, kia sóng Sông Triết  

Không đi, cứ ngong ngóng biền biệt

Tới chơi, xem lại chẳng bao nhiêu?

Ừ thì Núi Lô, sóng Sông Triết!

 

 #2/Về Người Lính cũ

Nghe tin người chết ở quê nhà

Hạ sĩ Nhảy Dù Đồng Văn Ba

Lạnh lẽo đám tang trông quá thảm

Đâu rồi Mũ Đỏ… Áo Saut hoa?  

 

#3/Với tự thân

31/Tập tu, tọa Thiền mắt thiêm thiếp

NGỒI miết qua lâu, nằm xuống tiếp

Hóa ra chỉ một Pháp nầy thôi

Ngã chết-Buộc phải NẰM biền biệt

 

32/Con người ĐI/ĐỨNG hiên ngang

Con người quyết liệt, TAY mang cơ đồ

Con người HÔ/HÉT kinh hoàng 

Chỉ riêng LẶNG NGỦ IM KHÓC một mình

 

33/Mặt trời rực sáng phương Đông

Mặt trăng bằn bặt vô vàn hướng Đông

Chỉ phần Cực Lạc RIÊNG TÂY  

Cuối ngày, cuối cuộc muộn màng BIẾT ra

Chớp mắt đã quá đêm tàn…

   

34/Hít vô, tức nhập Hư Vô

Thở ra, ấy xả Ta Bà vào Không

Bấy giờ ở mỗi Sát Na 

Ta/Bà tạo Nghiệp Con Người tại đây.  

35/Có thì có tự mảy may (*)

Tìm đâu xa…

Nơi chân mày của anh 

Tôi/Người sợi mỏng mong manh

Mất rất nhanh.

(*) “Tác hữu trần sa hữu” – Một câu trong bài kệ của Đạo Hạnh Thiền sư, Phan Kế Bính dịch 

   

36/Bé chơi dưới sân cỏ

Đá quả banh

Rộn rã cười hân hoan

Thương sao con trẻ vui ngoan

Cho dầu banh vuột xa ngoài tầm chân 

 

37/Dạy người với buổi tân toan

Luyện người từ cảnh cơ hàn não tâm

Xin người hãy tập cắn răng

Xin người chấp nhận vô vàn như Không 

 

#4/Tạm Kết Luận

Coi như cởi bỏ áo, quần

Công/Danh

Thương/Tiếc

Buồn phiền…

Vất luôn!!  

 

Bài Ba, Tháng 11

1- Chim kia dùng để đái

Trái tim chịu khổ đau

Ai biết được gì nào?

Như tên hề bôi mặt

Dấu đằng sau tiếng khóc 

 

2- Hãy cứ như con trẻ

Ăn, uống, ngủ tùy nghi

Thức giấc nằm cười mỉm

Tay nắm ghì khoảng Không

 

3- Cuộc đời quả quá ngắn

Thoáng chốc đã nên già

Tuổi già không còn sức

Tính những chuyện nay, mai

Kể cả tiếng thở dài…

 

4- Chim nhỏ đến bên cửa

Kêu tiếng khẽ hắt hiu

Người vật đồng nên hiểu

Ngày dần chuyển qua chiều

5- Chữ Viết chỉ nên nghĩa 

Từ chất chứa tấc lòng

Tiếng Nói vang tận cùng

Thống hận niềm khốn khổ

Từ một thuở Vô Chung

 

6- Khóc quả thật ân lộc 

Trời tặng riêng cho người

Ôi suối nguồn bất tận

Từ một thuở nằm nôi

Chết!

Khô hết nước mắt! 

 

7- Viết Thơ –  Nguồn ân huệ

Tận Khổ – Nước mắt cay

Dân Việt thấm không hết

Chập chùng sóng Biển Đông!

 

8- Như gặp Bùi Giáng hỏi đùa

Ông mê chỗ đó có vừa lòng không?

Thành thật với Trịnh Công Sơn

Yêu như rứa được mấy phùa một năm? 

Hóa ra thăm thẳm cuộc đời

Không cô, em ấy chẳng vầy lăm hơi! 

 

9- Người ơi cúi xuống cùng tôi

Lắng nghe từ cõi cội nguồn Vô Âm

Cớ sao cuộc sống điêu tàn? 

Khi nao cạn được đoạn trường người Nam?

 

10- Quân tới một làng quê

Chiều cuối năm 

Mái tranh điêu tàn 

Khóm tre xơ xác

Cánh đồng loáng nước hoang sơ

Người, trâu cày không thấy…

Sáng hôm sau..

Quân lên đường vào trận

Rờn xanh luống mạ non tươi

Đã có gì thay đổi?

Người đã về đây giữa đêm khuya dầy bóng tối

Những Nông Dân

Đất nước tôi vẫn cố sống vô cùng  (*)

(*) Viết theo bài học thuộc lòng “Đồng Lúa Mới”

 Thầy Tiến, Trường Hoàng Diệu, Hải Châu, Đà Nẵng. 1952.

___________

Cali, 1 Tháng 11, 2022

Sàigòn, 1 Tháng 11, 1963

Phan Phi Danh

Thơ viết từ AZ đến CA,

2019-2022

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: