Tiễn biệt Paul Auster, nhà văn của những diễn giải im lặng

Paul Auster (Photo by Simone Padovani/Awakening/Getty Images)

Nhà văn Paul Auster vừa qua đời ở tuổi 77 vì biến chứng của ung thư phổi.

Ngày 1 Tháng Năm, trên báo Guardian, Jacky Lyden, bạn của Paul Auster cho biết ông đã mất một ngày trước tại nhà riêng ở khu Brooklyn (New York). Hồi Tháng Mười Một 2023, trong cuộc phỏng vấn với váo Guardian, Paul Auster nói khi đang hoàn thiện bản thảo cuốn “Baumgartner” cuối năm 2022, ông thường lên cơn sốt vào chiều tối. Ban đầu, ông được chẩn đoán mắc viêm phổi từ di chứng hậu COVID-19, nhưng cuối cùng phát hiện ung thư.

Paul Auster (tên thật là Paul Benjamin Auster) sinh ngày 3 Tháng hai năm 1947 tại thành phố Newark, tiểu bang New Jersey. Sau khi tốt nghiệp Đại học Columbia vào năm 1970, ông sang Pháp, dịch các tác phẩm của các nhà văn Pháp và gởi đăng những bài báo trên các tờ báo của Mỹ. Các tác phẩm của Paul Auster có đề tài lặp đi lặp lại là sự tìm kiếm nhân dạng và ý nghĩa đời người.

Ông bắt đầu nổi tiếng từ khi các báo đăng tải những truyện trinh thám của ông với nhan đề chung “The New York Trilogy”(1987) bao gồm “City of Glass” (1985) kể chuyện một nhà văn chuyên viết truyện các vụ án bị cuốn vào một vụ án bí mật khiến anh ta phải đóng nhiều vai khác nhau với nhiều danh tính khác nhau; “Ghosts” (1986) kể chuyện một thám tử tư tên Blue theo dõi một người tên Black theo yêu cầu của một khách hàng tên White và “The Locked Room” (1986) kể chuyện một nhà văn đi tìm tông tích một nhà văn đã mất tích để viết tiểu sử của ông ta, cuối cùng đã đóng luôn vai của ông ta.

Các tiểu thuyết khác của ông cũng kể về những nhân vật bị ám ảnh bởi việc ghi chép về cuộc đời của người khác như “Moon Palace” (1989), “Leviathan” (1992) và “The Invention of Solitude” (1982), một cuốn hồi ức về cái chết của cha ông và những suy nghĩ về nghề viết văn. Ông cũng cho in 2 tập thơ có nhan đề “Unearth” (1974), “Wall Writing” (1976) và 2 tập tiểu luận có nhan đề “White Spaces” (1980) và “The Art of Hunger” (1982).

Các tiểu thuyết ấn hành vào cuối thập niên 1990 và đầu thập niên 2000 là “The Music of Chance” (1990), “Mr. Vertigo” (1994), “The Book of Illusions” (2002) kể chuyện một nhà văn chìm đắm vào những bộ phim câm của một nhà làm phim ít có tên tuổi sau khi vợ con anh ta chết trong một tai nạn máy bay, “Man in the Dark” (2008) kể chuyện một nhà phê bình văn học già có những đêm mất ngủ và thấy một thực tại lạ lùng giống như tương lai hiện ra trong tâm trí của mình, “Sunset Park” (2010) kể chuyện một nhóm nghệ sĩ trẻ sống trong một tòa nhà bỏ hoang ở khu Brooklyn.

Sau bảy năm im hơi lặng tiếng, ông cho ra mắt cuốn tiểu thuyết “4 3 2 1”. Ngoài việc viết tiểu thuyết, ông còn viết kịch bản của một số bộ phim như “Smoke” (1995), “Lulu on the Bridge” (vừa viết kịch bản, vừa đạo diễn – 1998) và “The Inner Life of Martin Frost” (2007).

Tiểu thuyết của Paul Auster thường xoay quanh cái tôi của các nhân vật được coi là những hóa thân của ông nên các nhà phê bình văn học đã cố gắng tìm hiểu xem ông đã sử dụng những chi tiết nào thuộc về đời riêng của mình để xây dựng các nhân vật, và ai cũng thấy cuộc đời của nhân vật chính trong tiểu thuyết “Invisible” (2009) rất giống cuộc đời ông.

Paul Auster kết hôn với nữ nhà văn Siri Hustvedt vào năm 1982, có một con gái đặt tên là Sophie, bé gái sẽ xuất hiện trong tiều thuyết “The Inner Life of Martin Frost.” Ông cũng có một đứa con trai tên Daniel từ cuộc hôn nhân trước đó với nữ dịch giả Lydia Davis. Daniel Auster, người con trai này, nghiện ma túy và đã chết vì dùng ma tuý quá liều vào năm 2022, sau khi bị buộc tội sát hại cô con gái nhỏ tên Ruby của anh ta.

Ảo thuật gia David Blaine và tác giả Paul Auster trên sân khấu sau buổi đọc sách trong chương trình A Evening with Paul Auster và những người bạn, với sự góp mặt của Ca sĩ Sophie Auster tại Trung tâm Adrienne Arsht – Knight Concert (2017) tại Miami, Florida. (Photo by Johnny Louis/FilmMagic)

Trong truyện vừa (novella) “Timbuktu”, nhân vật chính của Paul Auster là một kẻ lạc thời (misfit), một người đàn ông vô gia cư sinh ra và được cha mẹ đặt tên là William Gurevitch đã tự đặt lại tên mình là Willy G. Christmas. Ông muốn làm một người thánh thiện, có đóng góp cho đời nên miệt mài sáng tác những bài thơ thấu thị về cuộc đời. Bạn thân duy nhất của ông là chú chó Mr. Bones, một chú chó có thể nghe, hiểu được tiếng Anh và dường như có thể thấu hiểu tâm hồn của con người. Willy bị bệnh nặng nên mong muốn trao tặng cho người thầy thời trung học tất cả những bài thơ của ông trước khi từ giã cõi đời. Ông đã cùng với chú chó Mr. Bones đi từ khu Brooklyn của thành phố New York đến thành phố Baltimore, và chú chó Mr. Bones kinh hãi trước viễn cảnh phải sống một mình, không còn người chủ thân yêu ở bên cạnh. Sau khi ông Willy chết, Mr. Bones phải tiếp tục sống và thường xuyên gặp lại người chủ thân yêu trong những giấc mơ. Trong những giấc mơ, Mr. Bones lại nghe ông Willy tiếp tục nói về thế giới của những linh hồn mà ông gọi là “Timbuktu” nên ao ước sớm đặt chân tới chốn ấy để được gặp lại ông.

Trích đoạn sau đây kể lại những ngày chú chó Mr. Bones đi theo ông Willy trong chuyến du hành cuối cùng đến thành phố Baltimore của bang Maryland, và những thời khắc đã qua trong cuộc đời của nó với người chủ thân yêu được hồi tưởng lại trên những chặng đường của chuyến đi. Paul Auster đã kể về nỗi lo lắng và mơ ước của Mr. Bones khi biết rằng ngày vĩnh viễn lìa xa chủ đã không còn xa nữa. Đời người thật phù du và kiếp sống của loài chó, người bạn thân thiết nhất của con người, cũng thật ngắn ngủi, nên mơ ước của người và chó là sẽ được ở bên nhau mãi mãi ở xứ sở bên kia thế giới gọi là Timbuktu:

“Mr. Bones biết rằng ông Willy không còn sống bao lâu nữa. Cơn ho của ông ấy kéo dài đã hơn 6 tháng và giờ đây chẳng còn chút hy vọng nào cơn ho ấy có thể chấm dứt… Mùi của cái chết đã lởn vởn trên ông Willy và cũng như mặt trời giống như một ngọn đèn treo lơ lửng trên những áng mây cháy rồi tắt mỗi ngày, kết cuộc đang đến gần. Một con chó đáng thương có thể làm được gì? Mr. Bones đã ở bên ông Willy từ khi nó còn là một chú chó nhỏ và giờ đây nó không thể nào hình dung nổi một thế giới trong đó không có người chủ của nó. Mỗi ý nghĩ, mỗi kỷ niệm, mỗi phân tử của trái đất và khí quyển đều thấm đẫm sự có mặt của ông Willy. Các tập quán rất khó thay đổi và câu nói về những con chó già và những mánh khóe mới cũng có phần đúng, nhưng có một điều còn lớn hơn cả tình yêu hay sự trung thành khiến cho Mr. Bones sợ hãi điều sắp xảy ra. Hãy gạt bỏ ông Willy ra khỏi thế giới này và điều lạ lùng sẽ xảy ra là thế giới này không còn tồn tại nữa…

Một khi linh hồn của bạn lìa thể xác và thể xác được chôn dưới đất, nó sẽ bay về một thế giới khác. Ông Willy đã nói về thế giới ấy suốt nhiều tuần qua và trong tâm trí của con chó, thế giới của đời sau là một thế giới có thật. Thế giới ấy có tên là Timbuktu và theo những gì Mr. Bones thu thập được, nó ở đâu đó giữa một hoang mạc, xa thành phố New York và thành phố Baltimore, xa nước Ba Lan hay bất cứ thành phố nào khác nó đã cùng với ông Willy đi qua trong những chuyến du hành. Có lần ông Willy mô tả thế giới ấy như một “ốc đảo của những linh hồn.”

Còn một lần khác, ông lại nói: “Đó là nơi bản đồ thế giới kết thúc, bản đồ của Timbuktu bắt đầu”. Muốn đến đó, bạn phải đi qua một sa mạc đầy cát và hơi nóng rộng mênh mông, một thế giới của sự trống không vĩnh cửu. Mr. Bones có cảm tưởng đó là một cuộc hành trình gian nan nhất và khó chịu nhất, nhưng ông Willy trấn an nó rằng không hẳn như vậy, chỉ trong nháy mắt là có thể vượt qua đoạn đường xa xôi ấy. Và ông ấy nói rằng một khi đã đến đó, một khi đã vượt qua biên giới của nơi ẩn náu ấy, bạn sẽ không còn phải lo lắng về việc ăn uống hay ngủ vào buổi tối. Bạn hợp nhất với vũ trụ, chỉ còn là một mẩu vật chất trong trí não của Thượng đế. Mr. Bones không hình dung nổi cuộc sống trong thế giới ấy sẽ như thế nào nhưng ông Willy nói về thế giới ấy nhiều lần với giọng tha thiết đến độ nó cũng phải tin theo.

Tim-buk-tu. Giờ đây, ngay cả những âm tiết Timbuktu cũng làm cho nó sung sướng… Nếu thế giới này có sự công bằng, nếu như vị thần của loài chó có một tác động nào trên những điều xảy ra cho những con chó trong thế giới này thì người bạn tốt nhất của con người sẽ ở bên cạnh con người sau khi cả hai đều đã qua đời. Hơn thế nữa, ở Timbuktu, những con chó có thể nói bằng ngôn ngữ của con người và trò chuyện với họ như những kẻ ngang hàng. Đó là điều lôgích bắt buộc, nhưng có ai biết được lôgích và sự công bằng có còn chút ảnh hưởng nào ở thế giới ấy giống như ở thế giới này?” (“Timbuktu”, tr. 3, 48, 49)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Lối sống con lắc
Việc liên tục theo đuổi sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống là điều đáng ngưỡng mộ, nhưng rất khó khăn. May thay, có một quan điểm mới…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: