Tình xưa rực nắng thu vàng (1)

Tác giả Triều Phong. (Hình: Tác giả cung cấp)

Lời mở đầu

Ngày 30 Tháng 04 năm 1975, tôi mới vừa hơn 15 tuổi vài tháng do đó cũng không biết nhiều về biến cố lịch sử này. Tuy nhiên hậu quả của nó trong những năm về sau rất là kinh khủng mà tôi biết rõ, đặc biệt là chuyện người Việt Nam đã dùng thuyền bè vượt thoát khỏi chế độ độc tài, khát máu của cộng sản tới các nước lân cận trong khu vực như Nam Dương, Mã Lai, Phi Luật Tân… rồi đến cả việc băng rừng vượt núi bằng đường bộ sang đất Campuchia để vào Thái Lan xin tị nạn với bao thảm trạng đã xảy ra!

Thế nên, để kỷ niệm 50 ngày mất Nam Việt Nam sắp tới, tôi xin viết lại tự truyện này dưới hình thức như một tiểu thuyết hóa. Và vì là một tiểu thuyết tình cảm, trước tác từ các hoàn cảnh có thật của thuyền nhân ở PFAC (The Philippine First Asylum Camp) vào những năm tháng cuối mùa tị nạn, 1989-1994, do đó tác giả xin thành thật cáo lỗi cùng quý vị độc giả về các sự trùng hợp tên tuổi và hoàn toàn không chịu trách nhiệm nếu có xảy ra.

Bên cạnh đó, tác giả xin tri ân những anh, chị, em, bạn bè đã đóng góp, sửa sai và tặng cho một số hình ảnh liên quan đến các sự việc trình bày trong đây để cho tiểu thuyết này được hoàn chỉnh hơn.

Ngoài ra, dù tránh đụng chạm đến những vấn đề cá nhân nhưng vì tính trung thực của lịch sử cũng như đã cố gắng hết sức ghi lại chính xác các sự kiện, tuy nhiên hơn ba mươi năm đã trôi, vẫn có các sai sót, khiếm khuyết nhất định do trí nhớ tuổi già cũng như lẫn lộn những chuyện đã xảy ra trước, sau về thời gian ở trại tị nạn này nên tác giả cúi mong quý độc giả lượng tình tha thứ, hoan hỉ bỏ qua cho, xem đây như một nỗ lực nhỏ bé nhằm ghi lại một biến cố trong một chuỗi biến cố của dân tộc trong suốt dọc chiều dài lịch sử!

Một lần nữa xin chân thành cám ơn tất cả.

Triều Phong 

“The falling leaves drift by the windows, the autumn leaves of red and gold. I see your lips the summer kisses…. since you went away the days grow long… but I miss you most of all, my darling, when autumn leaves start to fall….”

Tiếng hát nhè nhẹ, thoang thoảng như gió thu, lãng đãng như sương thu của nam ca sĩ lừng danh Nat King Cole qua nhạc phẩm bất hữu “Autumn Leaves” cứ chầm chậm nhưng trầm ấm vang lên từ chiếc loa gắn trên cao của Cafeteria trong một buổi sáng sớm mùa thu càng thêm nức nở, tê tái lúc một chiếc là vàng rơi lặng lờ rồi vô tình chạm vào bên ngoài mặt kính của cửa sổ mà Thùy Trâm và Tuấn đang ngồi khiến cả hai bâng khuâng trong im lặng.

Ngoài kia, những con đường trong thành phố Columbus; thủ phủ của Ohio vắng lạnh không một bóng người. Các chiếc lá vàng xen lẫn chút nâu sẫm nằm chơ vơ, hững hờ trên vỉa hè chợt chạy lao xao rồi bỗng bốc lên cao, bay muôn lối vào phương trời vô định khi một ngọn gió mạnh nổi lên, cả hai nhìn nhau, không nói gì nhưng như ngầm hiểu hoàn cảnh hiện tại của người đối diện!

Tuấn mân mê tách cà phê đã nguội. Thùy Trâm lặng lẽ cúi nhìn những ngón tay mình đang quấn quýt lấy nhau như chưa bao giờ thấy. Không biết đến bao lâu, khi cả hai ngước lên, ánh mắt buồn thăm thẳm của họ lại chạm nhau, quá khứ hơn ba mươi năm như trở lại.

“… Sau đêm khởi hành từ Vạn Giã, ghe của Tuấn đã ra đi êm ả, may mắn trong suốt năm ngày đêm cho đến giữa trưa ngày thứ sáu khi nước bắt đầu lợt và chuyển dần sang màu xanh lá cây, hình bóng của ngọn đảo tỏ rõ hơn thì bất chợt người ta thấy có nhiều cá mập lượn quanh ghe làm mọi người thất kinh. Tới hai ba giờ chiều bỗng có hai chiếc tàu hải quân của Phi Luật Tân xuất hiện, đón đầu và chặn ghe của Tuấn lại. Họ yêu cầu tài công không chạy nữa, chờ đợi họ điện về chính phủ xin lệnh. Cuối cùng họ hướng dẫn ghe Tuấn cập bến. Trên đường theo tàu hải quân chạy dọc ven biển, chàng có cơ hội ngắm nhiều hòn đảo lớn, nhỏ, nằm e ấp giữa những rừng cây xanh ngát, các vườn dừa bạt ngàn tạo thành một cảnh trí vô cùng nên thơ và thật đẹp. Bấy giờ mọi người mới biết ghe đã “tắp đảo” El Nido của Phi Luật Tân. Lúc này bên ghe Tuấn, nhiều người hét to trong niềm vui sướng, họ mừng rỡ ôm lấy nhau và khi ấy chàng mới biết đã có nhiều gia đình cùng đi hết trên chuyến ghe này. Đó là ngày 6 tháng 06 năm 1989 mà Tuấn còn nhớ rõ!

Thế là sau hải trình sáu ngày sáu đêm bình an, ghe chàng đã đến được “bến bờ tự do” một cách yên lành. Còn Tuấn thì đến tận lúc đó chàng vẫn chưa tin được rằng mình đã thoát khỏi chế độ cộng sản vì suốt nhiều năm qua chàng cứ luôn bị “bầm dập” với hai mươi lần vượt biên trậm trầy trậm trật, tù tội gần 6 năm nhưng không ngờ chuyến này lại suông sẻ, dễ dàng, thành công ngoài mong đợi như vậy! Tuấn đã từng mơ ước và tưởng tượng ra cảnh là mình sẽ hạnh phúc biết bao nếu đến được “vùng đất hứa,” nhưng không… hôm nay cái cảm giác buồn đau, mất mát từ tận đáy lòng bất chợt trào dâng lớn hơn cả niềm sung sướng được tự do bởi lúc ấy Tuấn mới biết rằng lần này mình đã thật sự xa quê hương, bỏ lại cha mẹ, anh em và bè bạn sau lưng khi ra đi. Chưa bao giờ chàng cảm nhận được nỗi cô đơn to tát như lúc đó và trong thời khắc ấy Tuấn bỗng chua chát nhận thức ra thêm một điều khác là bây giờ chàng chẳng những cô đơn mà còn cô độc giữa thế giới này nữa!

Từ đây trên đường đời Tuấn sẽ tự mình quyết định mọi chuyện cho số phận của chính mình mà không có sự giúp đỡ của mẹ cha bên cạnh. Nghĩ tới đó bỗng dưng Tuấn bật khóc vì thương nhớ mẹ cha! Tuấn đã dấu mặt vào cánh tay áo không cho mọi người thấy là mình đang khóc và chàng chẳng biết đó là những giọt nước mắt tự do hạnh phúc hay là các giọt nước mắt buồn tủi xót xa của thân phận lưu vong không quê hương, vô tổ quốc bây giờ?

Khi được hộ tống về đến bến, ghe của Tuấn vì lớn quá nên không tiến vào sâu bên trong được mà phải neo xa xa ngoài khơi và chính quyền phải đưa người vào bờ bằng“cào cào,” là một loại ghe có thân ốm nhỏ và dài với hai càng tre dài bên hông thân ghe được nối dính vào ghe bằng những cây tre ngang khác mà người Phi dùng để đi đánh bắt cá dọc bờ biển.

Sỡ dĩ gọi nó là cào cào vì với thân ghe ốm, dài lại được gắn máy rất mạnh và nối với các thanh tre khiến nó nổi lềnh bềnh trên mặt nước, khi nổ máy chạy thì nó phóng trên ngọn sóng như con cào cào búng chân nhảy thật xa do đó dân Phi mới ám chỉ loại ghe này là cào cào vì lý do trên. Đây cũng là phương tiện di chuyển chính của ngư phủ qua các đảo lân cận.

Trại tị nạn PFAC (Hình: Bộ Tư Lệnh Miền Tây-WESCOM)

Lần lượt từng thuyền nhân một được đưa lên bờ. Lúc leo ra khỏi hầm ghe Tuấn không khỏi ngỡ ngàng khi thấy dân chúng Phi Luật Tân đứng xếp hàng dọc theo hai bên đường vỗ tay chào đón bọn chàng đã đến được bến bờ tự do như chào những vị anh hùng trở về trong khúc khải hoàn ca chiến thắng. Lẫn lộn trong đó còn có một chàng thanh niên với búi tóc dài được cột lại sau lưng, tay xách cả cây Saxophone đến để giúp vui như cổ vũ, động viên tinh thần cho bọn Tuấn mới thấy thích thú làm sao. Nhìn anh chàng thổi bài “Careless Whisper” rất hay bằng cả sự say mê của một người nghệ sĩ và dân bản địa thì nhún nhảy, uốn éo, múa theo điệu nhạc làm cho không khí rộn ràng tươi vui Tuấn cảm thấy phấn chấn.

Hình ảnh ban đầu của sự tự do mà chàng được hưởng ấy theo Tuấn nhiều năm dài. Sự niềm nở, nhiệt tình của người dân Phi hiền hòa hiếu khách khiến mọi người cảm động và Tuấn tự nghĩ “tại sao người xa lạ, ở một xứ sở khác còn tốt với tụi chàng như thế nhưng ngay chính trên quê hương Việt Nam thì lại có những người luôn muốn bắn giết, xua đuổi đồng bào mình ? Vì sao? Vì sao?”

Tuy vậy dòng suy nghĩ ấy của chàng không kéo dài được lâu, nó bị cắt ngang khi Tuấn cảm thấy đất trời nghiêng ngả, chàng lảo đảo sắp té lúc bước xuống bãi cát và đứng không vững. Tuấn loạng choạng bước đi mà đầu cứ chúi nhủi về phía trước. Hóa ra chàng không say sóng nhưng lại say đất dữ dội! Cạnh chàng, người vợ trẻ của cặp đôi cùng hầm mặt xanh mét, môi nhợt nhạt, tóc tai rũ rượi, hai chân cô ta kéo lê trên cát tạo thành một vệt dài lúc được anh chồng dìu đi. Thấy thế dù đang mệt Tuấn cũng cố phụ người thanh niên kia đỡ cô gái vào bờ.

Và dân chúng cũng như chính quyền trên đảo đã “hoảng kinh hồn vía” khi thấy rất nhiều người cứ liên tục từ các hầm tàu chui lên mãi khiến cho việc vận chuyển mất nhiều thời gian và vô cùng vất vả. Vì người quá đông nên Cao Uỷ Tị Nạn Liên Hiệp Quốc thường được gọi tắt là UNHCR (The United Nations High Commissioner for Refugees) đã phải phối hợp với chính quyền địa phương cho bọn Tuấn ở tạm trong một ngôi trường tiểu học và họ rất khó khăn để đếm tổng số người trên ghe chàng là bao nhiêu vì người ta cứ đi lung tung trên đảo không thể nào kiểm điểm chính xác được.

El Nido, một hòn đảo lớn, đẹp, nằm cách thủ phủ Puerto Princesa của tỉnh Palawan hai trăm ba mươi tám cây số tức khoảng một trăm bốn mươi tám dặm về hướng Đông Bắc với hai mùa nắng, mưa. Người dân ở đây hiền hòa, chân chất và rất hiếu khách. Họ có một đời sống thanh bình, đa số theo nông nghiệp, ngư nghiệp và du lịch. Trong thời gian lưu trú ở đây mọi người được tự do đi lại nên hầu hết các người mạnh khỏe đã lùng sục quanh đảo để khám phá, tìm hiểu cũng như bán những chiếc nhẫn vàng lấy đồng Peso; là đơn vị tiền tệ của Phi Luật Tân, ngõ hầu có tiền ra bưu điện đánh điện tín cho thân nhân ở đệ tam quốc gia báo tin mình đã tới đảo bình an hay mua áo quần, lương thực, khiến cho cuộc sống êm đềm trên đảo trở nên ồn ào, náo nhiệt, xáo trộn mạnh, suốt ngày đêm.

Bọn đàn ông thanh niên trai trẻ thì vào quán uống cà phê, có người còn mua cả các chai Club hay Tanduay là những thứ rượu có nồng độ mạnh giống như rượu đế của Việt Nam mình và có màu vàng sóng sánh để “lai rai” nhằm ăn mừng cho cuộc đời tự do vừa tìm được hay tới mấy tiệm tạp hóa mua cà phê bịch là loại cà phê uống liền với thuốc lá Winston, Marlboro đỏ hoặc trắng hay Moore được sản xuất tại nước này làm cho hàng hóa trên đảo gần như hết sạch.

Cũng như Việt Nam từng là thuộc địa của Pháp thì Phi lại bị Tây Ban Nha đô hộ rất lâu nên khác với người Phi thuần chủng vừa nhỏ con, xấu xí, đen đúa thì các chàng trai, cô gái Phi lai Tây Ban Nha lại vô cùng xinh đẹp với nước da trắng ngần, đôi mắt to dưới hàng chân mày đen, dày rậm, cong vút như tài tử. Thanh niên thì to, cao, vạm vỡ, thanh nữ thì đẫy đà, ngực vun cao, mông tròn trĩnh, săn chắc, tràn đầy sức sống, yêu đời, miệng luôn ca hát suốt ngày làm người ở cạnh dễ thân thiện gần gũi khiến cho đám con trai của ghe Tuấn nhìn không chớp mắt mỗi khi gặp. Đôi khi Tuấn chép miệng nhủ thầm “ đàn bà con gái họ đẹp thế kia nên hèn chi họ cũng đã từng giành được chức hoa hậu thế giới là phải rồi!”

Ở El Nido, được hít thở không khí biển trong lành một cách sảng khoái, đi lại thoải mái không sợ công an dòm ngó, theo dõi, Tuấn mới cảm nhận thật sự được tự do là gì và quý giá ra sao? Trời ơi, mười bốn năm luôn sống trong hãi hùng, lo sợ, giờ đây như chim sổ lồng bay trong bầu trời cao rộng bao la. Ôi chu choa ơi, các bạn có tưởng được nỗi sung sướng trong lòng Tuấn khi ấy như thế nào không? Nhiều lúc đứng một mình ngoài bãi biển hoang vắng Tuấn bất chợt nhảy “cẫng” lên, tay vung cao miệng hét thật to vì quá thích đời tự do này!

Lúc ấy Tuấn cùng với hai thằng chung hầm là Quang, rất dễ thương cùng Vỹ; một thiếu niên người Hoa ở Quận Năm, Chợ Lớn, kết lại thành một nhóm. Một chiều trong lúc cả ba đang đi lang thang, dạo chơi ngoài bãi biển thì tình cờ gặp một phụ nữ ẵm đứa bé gái nhỏ chừng hơn hai tuổi trên tay. Thấy Tuấn chị mừng rỡ ríu rít:

-Em khỏe không?

Giữa lúc Tuấn còn đang ngơ ngác không biết người đàn bà này là ai thì bà ta nói:

-Hổng nhớ chị hả?  Chị là người em cho mượn cái áo mưa đó!

Tuấn “ồ” to một tiếng và bấy giờ chàng mới ngó bà ta thì thấy bà khá đẹp và hình như lai Ấn Độ nên nhất thời ấp úng:

-Xin lỗi, tại… tại… hôm ấy trên ghe cô… cô… bị mắc mưa nên trông khác quá.

-Trời ơi, kêu chị bằng chị được rồi, gì mà gọi tới bằng cô lận! Bộ chị già lắm sao? Tên chị là Hạnh, chị mới có hơn ba mươi tuổi một chút thôi mà!

-Dạ. Tuấn lí nhí trả lời.

Tuấn nhìn kỹ lại thì quả nhiên thấy chị còn khá trẻ. Chị Hạnh bảo là chị đi kiếm chàng suốt ngày hôm qua để trả lại áo mưa và cám ơn chàng đã cho hai mẹ con chị mượn chiếc áo mưa này vì nếu không có nó thì hai mẹ con chị chẳng biết đã ra sao vì lúc ấy thì cả hai mẹ con đã bị lạnh vì mưa gió quá rồi. Con bé cứ run lập cập trong lòng chị làm chị lo sợ vô cùng. Thế là từ đó Tuấn có thêm người quen mới và ngày sau mới biết là chị ở Quận 4, Saigon. Chị Hạnh lai Ả Rập vì ba chị là người Ả Rập nhập tịch Việt Nam rồi đi lính làm cảnh sát, mất sau 1975 nên chị không thể về xứ được!

Bốn ngày trên đảo, mọi người được phát cơm ăn với cá hộp. Quang nhờ vừa bán chiếc nhẫn vàng mang theo để đánh điện tín về nhà ở Việt Nam nên có một ít tiền Pesos vì vậy nó rủ Tuấn và thằng Vỹ đi mua cá khô về ăn. Do không có phương tiện nấu nướng nên đám chàng thường lượm các tàu dừa khô để nhúm lửa ngoài bãi biển rồi nướng khô ăn với cơm một cách ngon lành. Nhưng chuyện này cũng sớm bị ông trung niên với cặp kính cận khá dày người Phi Luật Tân, chịu trách nhiệm trông coi ghe chàng mà sau này Tuấn biết ông ta tên là Jun, phát hiện. Những lần như thế, Jun la lối dữ dội và lấy chân đá tung đống lửa, lượm mấy con cá khô của bọn chàng quăng xuống biển mà Nhàn một chàng trai cũng cỡ Tuấn, khá tiếng Anh, dịch lại rằng “Thằng Jun không cho mình nướng khô ăn kiểu này, nó nói mất vệ sinh và sợ mình bị bệnh!”

Và ngày được Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc thường được gọi tắt là UNHCR (The United Nations High Commissioner for Refugees) chuyển về trại tị nạn PFAC (The Philippine First Asylum Camp) ở thành phố Puerto Princesa của Palawan cũng tới. Nghĩ rằng lúc này đã thực sự tự do rồi nên nhóm Tuấn thoải mái nhường cho bà con đi các chuyến xe đầu, vì vậy Tuấn với thằng Quang, Vỹ, chị em Nhàn cùng vài người nữa đi cuối cùng. Sau mấy tiếng đồng hồ không có xe trở lại, Jun gọi bộ đàm liên lạc và cho hay một vài xe đã bị hư nên quyết định dẫn bọn chàng đi bộ tới một địa điểm chuyển tiếp gần đó. Tuy Jun nói không xa nhưng đám chàng cũng lặn lội trong rừng già, lên dốc xuống đèo giữa tiếng chim muông và khỉ nhởn nhơ đu cành trêu ghẹo khi thấy bóng người, hơn ba tiếng đồng hồ.

Ở chuyến đi này nửa đường bọn chàng gặp một đôi trai gái người Châu Âu trẻ, đẹp. Nhàn bắt chuyện làm quen, hai chị em nó nói tiếng Anh khá lưu loát nên thỉnh thoảng Nhàn dịch lại cho đám chàng biết đây là cặp tình nhân người Đức. Họ chỉ làm việc sáu tháng để kiếm tiền rồi đi du lịch. Họ thích khám phá vì họ nói cuộc đời này vô thường và ngắn ngủi lắm!

Đó là quan niệm sống đầu tiên Tuấn gặp được khi vừa ra khỏi xứ. Nhìn họ vô tư và yêu đời như thế, sau này chàng mới hiểu đó là lối sống lạc quan, hiện thực mà đa số người Tây Phương đang hưởng ứng nên cảm thấy thú vị làm sao trước tư tưởng tự do, thoải mái sống ấy. Trái lại họ cũng rất ngạc nhiên về chuyện vượt biên của thuyền nhân Việt Nam. Vì là những người thích phiêu lưu mạo hiểm do đó họ rất hứng thú nghe chị Thu của Nhàn kể các khó khăn, hãi hùng chết chóc thậm chí bị hải tặc hãm hiếp của người Việt Nam trên đường vượt biển tìm tự do. Và họ cũng vô cùng kinh ngạc, khiếp đảm khi nghe nói về sự dã man, tàn độc của chế độ cộng sản!

Cả nhóm tới một làng chài, nơi đây ông Jun đưa mọi người xuống hai ba chiếc “cào cào” chở đến bến xe. Mấy chiếc ghe lướt sóng chạy ào ạt, đôi khi làm nước bắn lên tung tóe vào người bọn Tuấn. Những lúc ấy các anh lái ghe người Phi, đầu quấn khăn rằn xanh đỏ, ở trần trùng trục, phơi bộ ngực trần đen thui, lực lưỡng đầy lông lá, thích thú, hò hét, cười hô hố ra chiều khoái trá lắm.

Đến bãi đậu xe, bọn Tuấn được dồn lên một chiếc xe có trang trí bằng những hình ảnh đẹp đẽ, hoa lá muôn màu, tươi tắn, rực rỡ có cắm cả các lá cờ tam giác xanh vàng đỏ tím mà ban đầu chàng cứ tưởng đó là “xe hoa” cho đám cưới. Nhưng không, xe này là xe chở khách rất thông dụng mà dân chúng Phi gọi là xe “Jeepney!”

Ai có từng sống ở Phi và đi xe này mới thấy tài nghệ lái xe “thần sầu quỷ khốc” của những người tài xế Phi Luật Tân. Dĩ nhiên là tai nạn va chạm, rớt đèo không phải là không xảy ra nhưng với đường đèo uốn lượn quanh co, các khúc khủy chặt cua, quẹo gắt mà tài xế Phi vẫn chạy ào ào không giảm ga nhiều lần khiến tim chàng muốn lọt ra ngoài. Đôi khi Tuấn nhủ thầm “ mình đi biển bao lần không chết, không lẽ lại chết mất xác ở vực thẳm thâm sơn cùng cốc này sao?” bởi quá sợ hãi mỗi khi nhìn xuống các hố sâu hun hút không thấy đáy vì rừng cây che khuất bên dưới.

Xe về đến trại vào ban đêm, Tuấn thở phào nhẹ nhõm nhưng chẳng thấy gì cả ngoài rừng người đốt đuốc đứng nhun nhúc hai bên đường chào đón, kêu la ơi ới từ cổng vô tới “barrack!” Ban An Ninh người Việt đã cử nhân viên đứng túc trực sẵn để đưa nhóm chàng vào nhà tạm cư này. Vô tới nơi Tuấn lăn ra ngủ vùi trên chiếc sạp sau một ngày đi đường vất vả. Kể từ đó Tuấn biết group chàng là Group 247 El Nido, bởi ghe có 247 người và tắp vô đảo tên là El Nido. Đặc biệt, ghe của chàng là chiếc ghe lớn nhất trong lịch sử người Việt vượt biển tới được Phi Luật Tân!

Xe Jeepney, phương tiện di chuyển công cộng phổ thông ở Phi Luật Tân (Hình: Võ Anh Tùng)

Sáng hôm sau thức dậy, đi loanh quanh trong khi chờ được phân ra ngoài khu, chàng mới có dịp nhìn mọi vật. Mặt trước của “barrack” quay ra con đường lộ tới phố Puerto Princesa, các mặt còn lại giáp với mấy khu khác và cánh rừng phía sau.

Quan sát khu cạnh “barrack” mà sau này Tuấn biết đó là Khu 7 với các dãy nhà mái lợp lá dừa, vách cót nằm san sát nhau một cách bỡ ngỡ, đầy lạ lẫm với mương xi măng thoát nước chạy dài trước mặt. Nhà nào cũng có gác và trên gác này có một cửa sổ được trổ qua nóc đoạn người ta dùng một cây nhỏ để chống lên khi mở. Trời mưa thì chỉ cần lấy cây chống ra, hạ cửa xuống thì chỉ còn thấy một mái lá bằng phẳng, thật đơn giản!

Lúc trời sáng hẳn thì nhiều người từ các khu tới tìm hay thăm thân nhân, bạn bè. Họ đứng bên ngoài hàng rào kêu la inh ỏi, nói chuyện ồn ào náo nhiệt, tiếng khóc xen lẫn tiếng cười mừng vui đoàn tụ rộn ràng suốt buổi. Kẻ mới tới được người đến trước tiếp tế trà, thuốc lá, cà phê, bánh kẹo, nước ngọt…ê hề khiến Tuấn buồn bã, vì kỳ này chỉ đi có một mình nên dù mừng là đã thoát khỏi chế độ cộng sản nhưng Tuấn vẫn không tránh khỏi nỗi cô đơn, hoang vắng tràn ngập.

Các ngày ở trong “barrack” là những ngày vô cùng chật vật, khổ sở về vấn đề vệ sinh và ăn ngủ do người quá nhiều. Mỗi lần cần dùng nhà cầu là cả một cực hình với Tuấn vì phân và nước tiểu luôn tràn đầy ra tới bên ngoài không thể bước vào trong được. Mùi hôi thúi bay khắp nơi mỗi khi có một ngọn gió mạnh thổi qua!

Sáng một hôm, chợt có một người đàn ông Tây phương dẫn theo một toán an ninh Việt Nam vô “barrack” và đi thẳng tới nhà cầu. Ông ta mở toang cánh cửa mặc cho mùi xú uế xông lên và ruồi nhặng bay loạn xạ ra ngoài, đưa tay chỉ vào đó ông la hét dữ dội. Đoạn Tuấn thấy mấy nhân viên an ninh đi ra giếng múc nước vào cùng ông ta rửa dọn nhà cầu! Thời ấy, chàng chỉ biết bập bẹ chút tiếng Anh nên chẳng hiểu ông ta nói gì nhưng nhìn bộ dạng giận dữ của ông ta, Tuấn vô cùng xấu hổ cho sự ăn ở kém văn minh và thiếu ý thức của người Việt mình.

Tuy nhiên nghĩ cho cùng thì với số người quá đông so với diện tích nhỏ bé của “barrack” như thế và lại giữ người ta quá lâu nên vấn đề mất vệ sinh là chuyện không tránh khỏi vì khi  ấy do tin đóng cửa đảo trong vùng Đông Nam Á khiến những người muốn ra đi đã cố gắng tìm cách vượt thoát lần cuối cùng gia tăng, mặt khác chính phủ Việt Nam biết rằng rồi ra họ sẽ bị trả về dù có tới được các đảo nên chẳng thèm chận bắt chi nữa. Đây là hai nguyên nhân chính làm cho dân số vượt biên ở những trại tị nạn trở nên đông đảo. Chỉ tính riêng tại PFAC không thôi, dân số tị nạn trong trại lúc đó đã lên đến hơn mười ngàn người.

Đấy là một con số kỷ lục chưa bao giờ có ở đây từ ngày thành lập trại tị nạn đến giờ. Sự quá tải này tạo ra nhiều vấn nạn khó khăn, đau đầu khác cho Cao Uỷ, chính quyền sở tại lẫn người tị nạn. Nhưng dẫu sao Tuấn vẫn cảm kích sự lo lắng, chu toàn trách nhiệm và bổn phận cho dân tị nạn ấy của ông nên dò la tìm hiểu thì mới biết đó là ông Jan Top Christensen, người Đan Mạch (Denmark,) Cao Ủy Trưởng của Cao Ủy Tị Nạn tại trại PFAC!

Nhiều hôm Tuấn đứng lặng hằng giờ ngoài sân “barrack,” trong một góc dưới bóng râm mát nào đó đưa mắt nhìn mọi người đứng, ngồi, trò chuyện rôm rả trong ngoài hàng rào mà chẳng biết làm gì hơn. Mỗi khi nghe tin có tàu nào “tắp đảo” và được đưa về đây thì bà con ở các khu ùn ùn kéo tới để tìm thân nhân hay bạn bè rồi giúp về ở chung nhà với mình.

Từ đây mới có câu chuyện khôi hài thường được truyền miệng trong trại về việc “bốc nhân đạo” này vì cũng có một số đàn ông, thanh niên tới làm quen với mấy cô gái độc thân trẻ đẹp, hứa sẽ lo cho họ ra khỏi chỗ này sớm bằng cách lên trên Ban Kế Hoạch làm đơn bảo lãnh. Thường thì ai có thân nhân bảo trợ sẽ được ra “barrack” sớm hơn nên lâu ngày chuyện này trở thành như một cái “job” của đặc ân, đôi khi có hậu ý là vậy!

(còn tiếp)

“Tình xưa rực nắng thu vàng” của tác giả Triều Phong được đăng nhiều kỳ trên SGN mỗi Thứ Bảy và Chủ Nhật hàng tuần. Mời quý độc giả đón đọc.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: