Thời gian này Tuấn vẫn còn tiếp tục làm thiện nguyện ở IOM cho đỡ buồn. Một buổi chiều ông Phó Phòng Herbert nhờ chàng “copy” giúp ông ta một văn bản của Cao Ủy vừa gửi sang.
Tuấn vì làm việc tại đây nên thu thập được khá nhiều tin tức quan trọng liên quan đến tình trạng của người lánh cư do đó Tuấn thường để ý đến loại giấy tờ này bởi vậy trong lúc vừa làm chàng vừa đọc lướt sơ qua và bỗng giật mình khi thấy một tin tức vô cùng sốt dẻo nói đến số phận của các em “thiếu nhi đơn hành,” nên liền vội vã sao thêm một bản cho riêng mình, giấu mang về nhà!
Tối hôm đó Tuấn nhắn anh Trần Tiến Bắc xuống nhà chàng xem văn bản trên. Bên mấy chai “Beer na Beer” mà thiên hạ thường gọi là “bia trâu” vì chai nó rất to; loại bia này tuy không ngon bằng chai San Miguel nhỏ nhưng uống cũng được, hai anh em vừa ngồi lai rai vừa phân tích tài liệu mới thu thập được. Văn bản này đề cập tới chuyện Sister L.T. T. đồng ý hợp tác với Cao Ủy để lãnh trách nhiệm theo dõi, lo lắng cho các em thiếu nhi đơn hành khi chúng được đưa trở lại Việt Nam.
Như thế thì có nghĩa là Sơ đã bắt tay với Cao Ủy trong vấn đề hồi hương thuyền nhân, từ đây cả hai mới nhận ra hèn nào mà dạo sau này Sơ có nhiều dấu hiệu không đồng tình và ủng hộ bọn chàng trong chuyện biểu tình bởi Sơ hay đưa ra những lập luận không thuận lợi để ngăn cản mọi người đừng tổ chức biểu tình nữa. Cảm thấy buồn vì gió đã bị đổi chiều nên hai anh em Tuấn quyết định mời thêm anh L. B. T., Phụ Tá Đại Đức Thích Thông Đ. lúc trước, nay là Phó Ban Đại Diện Chùa Vạn Đức, anh C. N. G., người được xem như một trong các “leaders” sau lần biểu tình vừa rồi xin gặp Sơ lúc Sơ về Palawan.
Hôm ấy ngồi trong phòng khách của CADP gần Staff House của Cha T., sau khi lắng nghe nhóm chàng trình bày xong Sơ nói:
-OK, trước khi trả lời câu hỏi của mấy anh Sơ nói qua chuyện Thầy Thông Đ. chút xíu. Số là hôm Sơ vô “Transit” thăm Thầy khi Thầy bị đưa lên đó, Sơ có hỏi “Thầy ơi, sao Thầy biểu tình mà không cho Sơ hay vì lúc đó Sơ còn ở dưới trại? Sao Thầy đợi Sơ đi rồi, Thầy dẫn dân chúng ra sân Cao Ủy vậy Thầy?” Khi ấy là Sơ vừa từ phi trường Aquino về tới văn phòng CADP trên đường Taff Avenue thì được nhân viên cho biết là ở dưới Palawan người ta báo lên là trại có biểu tình. Nói đến đây Sơ dừng lại, nhìn quanh cười cười, hỏi đố:
-Thế các anh có biết Thầy trả lời với Sơ sao không?
Tất cả đều lắc đầu, Sơ chợt nghiêm mặt gằn giọng:
-Phải công nhận là Thầy đi tu nên Thầy rất thật thà. Thầy bảo rằng “nói cho Sơ nghe thì mọi người biết hết sao!”
Lời Sơ vừa thốt ra làm cả bọn chưng hửng xen lẫn buồn cười. Thấy anh em chàng ngơ ngác, Sơ cũng cười theo nhưng nụ cười ấy vô cùng chua chát:
-Sơ thật tình không hiểu sao Thầy lại nói thế? Thầy làm như Sơ không thương đồng bào và hay chạy đi “méc” Cao Ủy để hại đồng bào vậy? Nói thật cho các anh biết, Sơ ở đây mấy chục năm rồi và dưới tay Sơ có mấy trăm Sơ khác nhưng chưa ai dám nói như vậy với Sơ bao giờ. Mà cũng may lúc đó chỉ có mấy Sơ Phi, họ không biết tiếng Việt chứ giá mà họ biết thì Sơ không biết phải giấu mặt mình đi chỗ nào? Kể như mắng vốn với chúng tôi xong Sơ ngừng lại mặt buồn buồn. Anh Trần Tiến Bắc thấy thế mới lên tiếng an ủi, đỡ lời:
-Thôi Sơ thông cảm, vì Thầy ở miền quê nên “tu nhà quê” do đó Thầy hiền lắm!
Nghe vậy Sơ bật cười thành tiếng:
-Chắc vậy! Có lẽ Thầy học Phật nên được Phật dạy “nghĩ sao nói vậy” mà thôi.
Sơ ngừng lại, đảo mắt nhìn bốn anh em Tuấn một tí, rồi tiếp:
-Và vấn đề thứ hai là các anh hay biểu tình nhưng “ít thông minh” lắm! Tại sao Sơ nói vậy? Vì mấy anh biểu tình mà không tính toán thời gian? Cứ lựa khi sắp có lễ lớn là biểu tình! Các anh biết, đối với người phương Tây thì Giáng Sinh và Năm Mới là những dịp lễ vô cùng trọng đại, người ta phải về sum họp với gia đình mà các anh cứ nhè các ngày này là lại đưa đồng bào ra Sân Cao Ủy biểu tình. Quý vị biểu tình với ai?
Anh L. B. T. phân bua:
-Dạ, tại thằng Dũng nó mất ngay lúc ấy chứ tụi em đâu có tính đâu Sơ.
-OK, rồi, giờ nói tới chuyện các anh vừa hỏi. Các anh biết là có rất nhiều bậc cha mẹ không đủ tài chánh để ra đi cả nhà đành cố gắng cho một đứa con nhỏ đi hy vọng nó đến được xứ tự do thì sẽ làm cái cầu nối sau này để có thể bảo lãnh gia đình chứ gì. Họ quăng con ra biển như quẳng tiền đánh một ván cờ mà đâu hiểu tụi nó sẽ gặp rất nhiều nguy hiểm rình rập phía trước. Đứa nào may mắn đến được đảo và học hành đàng hoàng thì nên người bằng ngược lại là đời nó kể như tan tác! Mà số hư hỏng này cũng rất nhiều chứ chẳng phải ít đâu nha? Đối với thế giới tự do thì đây cũng là một vấn đề ngược đãi và lạm dụng trẻ em dù nó là con ruột của chính mình. Cái này thì chắc các anh ở trong nước nên không biết, sẵn dịp hôm nay Sơ nói cho các anh biết luôn. Thế giới tự do người ta quan niệm nhân quyền khác và hơn người Việt Nam mình suy nghĩ nhiều lắm đấy. Ngoài ra là đối với những đứa con gái, minors nữ, các anh có biết là trại mình có rất nhiều bé gái mang thai hay phá thai khi tuổi đời của chúng còn rất nhỏ không?
Nói tới đó Sơ ngừng lại nhìn những người ngồi trước mặt một chặp, thấy bốn anh em Tuấn lặng thinh, Sơ cười khẩy:
-Các anh ngày tối cứ ăn rồi lo biểu tình nên chắc là không để ý đến mấy chuyện này? Nhiều lắm đấy, Sơ quản lý “minors” lâu ngày nên Sơ rõ. Ở đây có nhiều đứa tuổi tụi nó nhỏ quá nên dễ bị người lớn mà xấu, lợi dụng đôi khi nguy hiểm đến cả tính mạng vì vậy Sơ nghĩ mấy em nhỏ này nên đưa trở lại Việt Nam để chúng nó có bố mẹ, gia đình chăm sóc thì tốt hơn là sống bấp bênh như hiện nay phải không nà?
Rồi Sơ bỗng hạ giọng nói nhỏ nhưng sắc lạnh:
-Bộ các anh nghĩ là bây giờ các anh còn có thể đi được hay sao mà tính biểu tình hoài vậy? Sơ cho các anh biết, khi quốc tế họ đã họp và quyết định như vậy rồi thì đừng hòng “canh cải” gì nữa cả. Vô ích! Và cho dù là có thay đổi được thì cũng không nhiều, chỉ vài ba trường hợp thôi do đó những ai nghĩ là họ đi được thì hãy để họ tự tranh đấu cho bản thân họ. Biểu tình tranh đấu là quyền của các anh Sơ không cấm nhưng Sơ cấm các anh lôi kéo những người khác đặc biệt là mấy em nhỏ vào chuyện mà các anh lúc nào cũng cứ gọi là đấu tranh chung cho tất cả đó!
Sơ nói thẳng, lời Sơ như gáo nước lạnh tạt vào mặt mọi người. Dẫu bọn chàng hiểu thâm ý của Sơ nhưng vẫn đâu tranh luận lại vì Sơ là nhà tâm lý học có bằng cấp đàng hoàng nên lý luận của Sơ đưa ra lúc nào cũng sắc bán và vững chắc như “đinh đóng cột!”
Ngày ấy, bốn đứa ra về mà lòng buồn man mác, sau khi cũng nói cho Sơ hiểu là đám Tuấn chưa hề bao giờ lợi dụng “minors” trong việc tranh đấu đòi quyền tị nạn cả. Cảm giác một lần nữa bị bỏ rơi, không còn đồng minh khiến cả bọn thấy não nề, chán ngán cho cái cảnh “thế thái buồn vui, nhân tình ấm lạnh” này! Bây giờ thì tất cả đồng bào sống ở đây phải tự đấu tranh cho chính mình trong đơn độc thôi, tuy nhiên bọn chàng cũng chẳng dám thổ lộ nỗi niềm kia với ai mà đành riêng mang canh cánh bên mình viển ảnh sẽ bị cưỡng bức hồi hương vào một ngày không còn xa nữa.
Thế là giữa nhóm chàng và Sơ đã bắt đầu có sự rạn nứt niềm tin lẫn nhau và anh em Tuấn lâm vào cái cảnh “trên đe dưới búa” từ đó!
Thời gian sau, nhằm gia tăng sức ép mạnh hơn, Cao Ủy Tị Nạn liên tục hăm he là sẽ dẹp hết trường lớp, biến trại thành trại cấm, chẳng cho dân chúng đi phố nữa. Hết chịu nổi sự khủng bố tinh thần một cách dã man ấy của Cao Ủy tị Nạn Liên Hiệp Quốc cũng như cuộc sống ê chề, tủi nhục, cơ cực ấy, người tự nguyện đăng ký trở về với ngục tù cộng sản ngày càng nhiều, số khác thì trốn trại đi tha phương cầu thực bất hợp pháp trên khắp lãnh thổ Phi mỗi lúc một đông, chỉ còn một phần nhỏ là bám trại tới những giờ phút sau cùng. Gần năm năm trong trại cấm, hôm nay người ở lại sống lưa thưa, rải rác khắp các khu. Họ lang thang vất vưởng như những bóng ma trong hoang địa đìu hiu.
Nhà cửa lúc này hư hao, đổ nát khắp nơi vì không còn ai sửa chữa. Nhiều nhà bỏ trống, hoang tàn không có người ở. Chó mèo, chuột bọ tới làm ổ, chạy nhỡn nha khắp chốn. Riêng Tuấn bây giờ chỉ sống mỗi một mình. Cái nhà chật cứng với hai mươi sáu, hai mươi bảy người chen chúc khi mới tắp đảo lúc này đã trở nên vắng lạnh. Tất cả đều đã ra đi! Có hôm đi làm về, chàng bước vô nhà nghe cả một sự trống vắng ùa tới tràn ngập. Cô đơn ôm kín! Ngó quanh, mọi vật yên lặng như tờ, bàn ghế lạnh lùng nằm im, xanh xao theo năm tháng. Trên mái lá cao vút, màn nhện giăng đầy các góc nhà.
Trong buổi trưa hè oi ả nắng nóng hầm hập ấy, Tuấn ngã mình trên chiếc giường cũ kỹ xiêu vẹo của người ta đi định cư bỏ lại mà gặm nhấm nỗi buồn thân phận của riêng mình. Hoặc có nhiều đêm chàng giật mình thức giấc giữa canh khuya, bàng hoàng thảng thốt, ngồi bật dậy, người đẫm ướt mồ hôi vì mơ thấy bị bắt trả về Việt Nam. Giữa bóng đen dày đặc, định thần một lúc và qua mái lá thủng lỗ chỗ với những vì sao nhấp nháy nhảy múa trên trời cao Tuấn thở phào nhẹ nhõm và yên tâm bởi biết mình vẫn còn ở trại tị nạn! Chẳng biết tự lúc nào, Tuấn đã đi bên cạnh cuộc đời này, đồng hành với nghịch cảnh mà không nhận thức được tuyệt vọng đã lấp đầy cảm xúc.
Dãy nhà Tuấn ở nằm sát bãi biển của Khu 1 được ngăn bởi một tấm tường không cao quá khỏi đầu. Một hôm khi nắng còn thẹn thùng trên ngọn cây, khép nép trong những tàng lá xanh rì rào, chàng thơ thẩn bước ra ngoài, đi dọc trên con đường đất đá gồ ghề giờ đây mọc đầy cỏ dại hai bên lề che gần kín lối, lòng suy nghĩ bâng quơ. Một vài căn nhà sập mái, cây lá rệu rã dính tòng teng, đong đưa trong gió hay rơi vương vãi trên nền xi-măng (ciment) nhớp nhúa buồn tênh nom thật thảm hại! Đưa mắt nhìn bãi cát trắng xoá, mịn màng ngoài khơi xa, nơi mà ngày xưa lúc nào cũng đông đúc người ra tắm biển nhất là vào những buổi chiều, đang nằm im phơi mình dưới ánh nắng hanh vàng, Tuấn thấy bơ vơ đến lạ lùng.
Từng làn nước trắng nho nhỏ, chầm chậm vỗ vào bờ cát làm tung bọt sóng như cho thấy sự sống vẫn còn có mặt ở chốn hoang vu này. Chàng bước lần lên mỏm đá cao cuối phi đạo. Đứng từ đây Tuấn thấy cả một vùng biển rộng xanh thẳm bao la trước mặt, ngó xuống bên dưới là Căn Tin của anh N. C. C. và nhìn lại sau lưng là trại tị nạn nghèo nàn muôn thuở nằm im ắng không một bóng người mà nghe hồn chơi vơi, hai tay buông xuôi các ngón tay lóng ngóng, lạc lõng quên cả lối về! Một luồng gió mát lạnh thoảng qua, Tuấn ngước mặt hít một hơi thật dài và mạnh cho vào đầy buồng phổi. Cái mát mẻ lành lạnh của không khí miền biển làm Tuấn tỉnh người và chợt nhận ra đó là gió xuân. Lại một mùa xuân nữa đang tới!
Mùa Xuân! Mùa của yêu thương đoàn tụ nhưng không là mùa hạnh phúc của các con người khốn khổ nơi này. Một con chim Hải Âu bay ngang đầu tôi kêu oang oác nghe thật thê lương, cảm giác lẻ loi kéo tôi về với thực tại. Nhìn xuống công viên cạnh sân bóng rổ xơ xác cỏ vàng, uá màu thời gian, im lìm nằm trơ gan cùng tuế nguyệt chàng bỗng bâng khuâng. Thời gian tàn nhẫn quá, không chờ đợi ai và tàn phá tất cả! Bất chợt tôi nhớ tới nhà thơ Vũ Đình Liên:
“Mỗi năm mai đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua
…
Giấy đỏ buồn không thấm
Mực đọng trong nghiên sầu
…
Ông đồ vẫn ngồi đấy,
Qua đường không ai hay,
…
Năm nay hoa đào nở,
Không thấy ông đồ xưa.
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?”
Tuy dẫu khó khăn là vậy nhưng người Việt vốn có tính cần cù, siêng năng ham học hỏi nên người ta vẫn cố gắng học và học bất cứ nơi đâu, trong hoàn cảnh nào, như có những ngày bọn Tuấn học Anh văn với Josh ngay ngoài đường hay dù hoàn cảnh tại túng thiếu nhiều phương tiện nhưng em Trần Văn Đ., Hội Trưởng Gia đình Con Cựu Quân Nhân, vẫn ráng tận dụng mọi cơ hội lập thêm các lớp thêu may cho những em nữ trau dồi nghề nghiệp. Còn Liên Đoàn Hướng Đạo Ra Khơi thì phát động những chuyến đi chơi dã ngoại cho hướng đạo sinh của mình học hỏi thêm cách sinh tồn, phát triển kỹ năng tổ chức và Hội Đồng Trung Tâm thường tổ chức thể thao, văn nghệ…Tất cả các hoạt động này đều không ngoài mục đích tạo cho trại bầu không khí thoải mái, cho mọi người vui vẻ, xả “stress,” giảm áp lực của Cao Ủy đang đè nặng lên người lánh cư!
Trưa một bữa, vừa phóng qua con mương nước, bước ra tới khoảng đất trống đầu Khu 3, đối diện với Thiền Đường của bà Thiền Sư Thanh Hải, Tuấn đã phải vội vã nép sát vách nhà gần đó lúc nghe tiếng gắn máy gầm rú phía sau. Một chiếc xe “cào cào” hai bánh, màu vàng chanh cắt ngang mặt chàng rồi ngừng lại một cách gấp gáp trước một căn nhà tị nạn cạnh bên. Đứa bé gái nhỏ, áng chừng độ gần ba tuổi, đang ngồi chơi một mình trên nền xi măng trước nhà ngẩng đầu lên và la lớn mừng rỡ:
-Tatay! Tatay! (Ba! Ba!)
Người thanh niên Phi ngồi trên chiếc “cào cào” vừa tháo cái bịch treo tòn ten trên tay lái vừa hỏi con bé bằng cả hai thứ tiếng Anh và Tagalog:
-Where’s your nanay? (Mẹ con đâu?)
Con bé chưa kịp trả lời thì một phụ nữ bước ra và Tuấn nhận ra ngay đó là Xinh, cô gái ở chung nhà với chàng tại Khu 1 ngày xưa. Bất ngờ thấy Tuấn, Xinh buột miệng:
-Ủa, anh! Đi đâu đây?
-Lại nhà thằng Sáng chơi em.
-Bây giờ anh ở đâu anh? Còn ở chỗ cũ không anh?
– “Vũ Như Cẩn (vẫn như cũ) em!
Tuấn vừa cười vừa đùa. Xinh hỏi xong liền bước lại gần người thanh niên Phi mà Tuấn đoán chừng là chồng của nàng để lấy cái bịch mà anh ta đang cầm do chàng nghe tin Xinh đã ăn ở với người bản xứ từ lâu. Tiếng anh thanh niên xì xào nho nhỏ gì đó rồi quay đầu xe lại phóng đi mất. Mở cái bịch chồng đưa, nhìn mớ đồ ăn bên trong, Xinh lầm bầm lúc xoay lưng bước vô trong:
-Lại tới nhà bạn ăn nhậu nữa! Mẹ, ăn nhậu tối ngày! Biết vậy hồi đó lấy cha nó thằng phỏng vấn viên thì giờ đã được định cư rồi đâu mắc mớ gì ở lại đây ôm của nợ này!
Đi ra đầu đường chính, Tuấn vẫn còn kịp thấy anh chàng Phi vừa quẹo ra khỏi cổng trại. Phải công nhận chiếc “cào cào” ấy chạy nhanh thật! Đây là loại xe gắn máy cao nghều nghệu, hiệu Kawasaki mà dân Phi rất thích vì nó rất mạnh để vượt núi băng rừng ở xứ “quần đảo” này.
Trên đường về nhà đi được một khoảng khá xa nhưng hình ảnh “bề xề” lúc nảy của Xinh làm chàng nhớ lại bài thơ “Không chồng mà chửa” của Hồ Xuân Hương mà thầy Diễm dạy Cổ Văn cho bọn chàng năm Lớp 8 ở Taberd độ nào:
“Duyên thiên chưa thấy nhô đầu dọc,
Phận liễu sao đà nảy nét ngang”
Đó là cách chơi chữ của Nữ Sĩ, bởi trong tiếng Hán chữ “Thiên viết là 天” nhưng nếu mà nhô đầu dọc tức là có thêm nét “nhô” lên thì Thiên thành ra chữ “phu 夫” là chồng. Và chữ “Liễu viết là 了” ám chỉ người con gái lúc chưa chồng, có thân hình mảnh mai như dây liễu yếu, tuy nhiên nếu chữ Liễu mà “nảy nét ngang” hóa thành ra chữ “tử 子” tức là con, con trai. Nghĩa là sau khi sanh nở thì tự nhiên bề ngang hay hông của người con gái sẽ to ra thành đàn bà!
Vì thế lời nói vừa rồi của Xinh vẫn còn văng vẳng bên tai khiến Tuấn bật cười khẩy và nghe ra đầy đắng cay. Nó gợi lại cho chàng chuyện thanh lọc của mấy cô gái nhà chàng ngày xưa.
… “Trong căn nhà tị nạn nghèo nàn, dơ dáy, Tuấn vời Thu và Xinh ngồi quây quần bên nhau.
-Em cứ khai vậy đi. Bởi năm 1975 thì em mới có ba, bốn tuổi thôi thì sau bị đàn áp được? Do đó em chỉ cần chứng minh được là mình có bị chính quyền cộng sản ngược đãi là OK.”
Nghe Tuấn nói, Xinh ngồi tư lự, hai tay đan vào nhau trầm ngâm không nói gì. Cạnh bên, con Thu lắc đầu thở dài. Mai vào thanh lọc rồi mà hôm nay cả hai còn lơ mơ chưa biết khai thế nào cho ổn đây? Trong nhà này chỉ có Tuấn là bọn chúng cảm thấy tin tưởng nên mới “cầu cứu” chàng. Tuấn ngần ngại vô cùng, bởi chàng có hay ho gì đâu trong mấy chuyện này nhưng cũng không nỡ từ chối vì thấy hai đứa còn quá nhỏ. Chờ một hồi lâu không thấy Xinh lên tiếng, Tuấn tiếp:
-Như tụi em nói thì lúc còn học Cấp 1 hoặc Cấp 2 gì đó, mấy đứa nằm trong đội “Khăn quàng đỏ hay Cháu ngoan Bác Hồ,” nên mỗi khi trường đẩy mạnh phong trào thu gom bao cát bằng nylon về để rút dây, tận dụng tái sản xuất làm thành các sản phẩm mới như đan võng, đan giỏ bán tạo thêm thu nhập cho trường thì Xinh và mấy bạn bị đưa vào các đồn lính, lô cốt của lính VNCH ngày xưa để lấy phải không?
-Dạ.
-Còn mấy bạn học cùng lớp với em mà là con của cán bộ và con của bà hiệu trưởng thì không có đi cùng?
-Tụi nó ở lại trường làm công tác khác.
Tuấn ngắt ngang:
-Đấy là bị phân biệt đối xử đấy! Em có lý do rất chính đáng mà em không hiểu đó thôi. Em có biết sao không? Bởi xung quanh những lô cốt, đồn bót, giao thông hào này, quân đội luôn cài đầy mìn bẫy ngăn ngừa đặc công cộng sản và dùng bao cát đắp nên thành lũy để ngăn chặn, che chắn đạn, pháo…vì thế rất nguy hiểm. Khi bươi móc có thể đụng phải mìn, lựu đạn phát nổ gây chết người như chơi…
Xinh ngập ngừng:
-Rồi sao nữa anh?
-Thì nhà trường đưa tụi em, con dân thường hay con của binh lính, công chức chế độ cũ vào đó làm. Còn con cán bộ, con ông cháu cha (COCC) thì họ giữ lại nơi an toàn. Ba em dù chỉ là hạ sĩ quan nhưng cũng thuộc lính chế độ VNCH nên em bị họ đưa vào đó. Đấy là bị phân biệt đối xử do lý lịch của ba em rồi chứ còn gì nữa?
-Trước đó có ai đào phải mình hay giẫm phải lựu đạn còn sót lại khiến nó phát nổ mà chết chưa? Tuấn hỏi dò thêm.
Thu nhanh nhảu đáp liền:
-Có, anh. Em nghe kể, hồi sau “giải phóng” có lần thiên hạ móc bọc ở một cái đồn của Mỹ ngoài Cam Ranh thì phát nổ làm chết một bà già!
Tuấn nhăn mặt khi nghe con nhỏ nói sau “giải phóng” nhưng chàng không trách nó vì thời ấy nó nhỏ quá mà nên vỗ tay cái chát, hào hứng:
-Good! Thế thì khi vào phỏng vấn em bảo rằng điều đó khiến em sợ chết nên em phải ra đi. Anh nghĩ lý do này là chính đáng, đủ để em được công nhận là tị nạn chính trị rồi ấy!
-Chắc được không anh? Xinh hỏi nhỏ.
Tuấn nhún vai:
-Căn cứ theo Công Ước Tị Nạn thì anh nghĩ là OK. Nhưng quyền sanh sát hiện nay nằm trong tay nhân viên Sở Di Trú Phi nên anh làm sao dám trả lời em là chắc hay không?
Không khí như chùng xuống và nặng nề dần do cả ba im lặng một lúc lâu, rồi Thu rụt rè lên tiếng:
-Còn em thì sao anh?
-Trong thời gian còn ở Việt Nam, em có câu chuyện nào đáng nhớ không?
Thu cắn móng tay trầm ngâm:
-Có một lần trường em tổ chức thi đua lượm giấy nộp trong phong trào “Kế hoạch nhỏ” do trường phát động. Tụi em phải đi kiếm giấy vụn, giấy báo do người ta vứt bỏ ở khắp nơi suốt ngày. Gần tới thời hạn nộp mà tổ ba đứa tụi em vẫn chưa đủ chỉ tiêu trường giao nên con nhỏ trong tổ mới bảo…bảo…
Thu nói tới đây rồi ngừng lại thật lâu.Tuấn giương mắt nhìn con bé một đổi rồi sốt ruột hối thúc:
-Sao nữa em?
-Dạ…dạ…dạ..
Xinh nóng nảy lớn tiếng do cũng sốt ruột như Tuấn:
-Mày nói đại đi, cứ dạ dạ hoài… mệt!
-Nó kêu tụi em về nhà lấy giấy đi cầu đã xài rồi trộn vào mớ giấy đã lượm để dành mấy hôm nay cho đủ số…
Nhìn mặt Thu bẽn lẽn khi nói điều xấu hổ ấy Tuấn thấy tội cho thế hệ “con cháu bác Hồ” này quá!
Hèn chi mà giấy tái chế ở Việt Nam vào giai đoạn đó rất bẩn và tệ vô cùng. Tuấn thở dài, chuyện này không xa lạ với chàng vì chính chàng cũng có một người chị họ đã làm và tiết lộ với chàng như vậy vào năm 1988 khi chị ấy đã trưởng thành lúc được 18 tuổi!
Tuấn đành nói bâng quơ, đùa vui cho Thu đỡ ngượng:
-Tụi em đúng là “cháu ngoan bác Hồ” vì có “sáng tạo” trong sáng kiến thực hiện kế hoạch nhỏ cho nhà trường quá ấy chứ!
-Đâu có anh! Ba đứa em dãi nắng dầm mưa đi lượm khắp nơi suốt bốn năm ngày luôn mà vẫn chưa đủ do đó sợ không đạt chỉ tiêu tụi em đành phải làm vậy. Tuy nhiên, lúc cân nghiệm thu, họ phát giác được nên kỷ luật ba đứa em chứ bộ.
-Kỷ luật như thế nào?
-Ba đứa em bị đuổi học 1 năm!
Tuấn tròn mắt:
-Bị đuổi học?
Thu gật đầu, rơm rớm nước mắt:
-Dạ. Má em bắt nghỉ học luôn, ra chợ phụ má bán rau. Vì vậy em chỉ học tới Lớp 6 hà!
-Năm đó là năm mấy?
-Dạ, 1980. À, không… 1981 anh!
Tuấn chép miệng, rồi như sực nhớ ra điều gì chàng hỏi lại:
-Khi trường kêu tụi em đi lượm giấy họ có qui định giấy gì không được thu gom không?
-Dạ, không. Trường chỉ bảo mỗi tổ phải nộp đủ bao nhiêu kg và nói giấy vụn, giấy đã xài rồi thôi chứ không có cấm gì cả.
Đang ngồi dựa vách, Tuấn nhõm người về phía Thu hạ giọng:
-Ok, anh nghĩ đó không phải là lỗi của em, của học sinh, vì Ban Giám Hiệu không có qui định gì cả. Họ dâu có bảo là giấy gì thì không được lấy đâu phải hông? Trong trường hợp này nhà trường của em sai khi kỷ luật đuổi học tụi em. Người không biết thì không có tội! Mà họ có nói tội của mấy em là gì không?
-Dạ, họ bảo là tụi em “bôi bác chế độ!” Nhưng khi đó em còn nhỏ quá em có biết bôi bác là thế nào đâu anh?
Tuấn ngừng lại suy tư một tí rồi tiếp:
-Trường hợp của Thu, anh nghĩ em cứ vào kể mọi việc với người phỏng vấn y như em vừa nói với anh. Anh hy vọng Trời Phật sẽ giúp em nếu em gặp phải phỏng vấn viên có tâm từ bi.
Ngày hôm sau, sau khi nghe hai cô đi phỏng vấn về kể lại là bà phỏng vấn Thu đã khóc và bước tới ôm nàng khi nghe xong câu chuyện. Còn anh chàng phỏng vấn Xinh thì lại hỏi cô rằng “cô nói cô muốn sống đời tự do thế nếu được ở lại Phi cô có đồng ý không?” làm Tuấn mừng cho Thu và băn khoăn về trường hợp của Xinh.
Không lâu sau, anh chàng phỏng vấn Xinh nhờ người “bắn tiếng” mời nàng đi dạo phố. Nhưng Xinh từ chối!
Ngày hai đứa đi nhận kết quả, Tuấn cũng lo lắng vô cùng. Quả nhiên đúng như dự đoán. Thu được “approved” về quyền tị nạn của mình còn Xinh thì ngược lại!
Buổi chiều hôm ấy lúc Tuấn đang đứng ngó trời, ngó đất trước sân nhà thì chú Định ở dãy phía sau đi ngang. Thấy chàng chú ngừng lại, miệng nói và tay chỉ lên phía giếng nước gần Công Viên Thuyền Nhân:
-Con Xinh đang ngồi khóc ngoài chiếc ghe kìa, mày lên “dỗ” nó đi.
Nghe chú nói chàng biết là Xinh khóc vì bị rớt thanh lọc rồi. Chàng nhìn chú lắc đầu, ngại ngùng. Chú Định chắt lưỡi:
-Lúc này nó cần người an ủi. Mày dở quá, cứ như vầy thì biết bao giờ có vợ!
…Tiếng mưa rơi lộp độp trên mái nhà càng lúc càng lớn dần và cuối cùng là cả trại tị nạn chìm trong màn nước trắng xóa vào một buổi chiều giữa năm 1993 khiến cho cảnh vật thật ảm đạm. Đứng trong cửa, Tuấn nhìn ra cơn mưa như bão, nước từ mái lá ào ạt trút xuống con rãnh bên ngoài, cuồn cuộn cuốn tất cả rác rến từ mọi nơi đổ vào cái cống dẫn ra biển thành một dòng chảy cực mạnh. Gió lớn thổi từng cơn, rít trong không trung tạo ra những âm thanh rờn rợn, làm những lá dừa trước văn phòng CADP lao xao, vặn mình đủ trăm cách. Một tàu dừa bất chợt rơi mạnh xuống con đường đất đỏ rộng lớn bên dưới, nằm quằn quại. Gió cũng tạo nên những tiếng hú rùng rợn như xé toạc cả không gian mà mỗi khi mùa mưa bão về làm Tuấn nhớ đến tháng ngày lênh đênh vượt biển ngày xưa. Đưa mắt nhìn ra đại dương xa xa, Tuấn chẳng còn thấy gì cả, tất cả đã chìm trong biển nước mờ đục mênh mông!
Cơn mưa chấm dứt sau cả tiếng đồng hồ rơi tầm tã. Bầu trời quang đãng dần, sáng sủa trở lại, soi tỏ vạn vật. Thiên hạ bắt đầu bước ra khỏi nhà gọi nhau ơi ới, đám con nít lại lũ lượt kéo nhau đến các vũng nước còn đọng trên đường để đùa nghịch. Đứng từ vách tường xi măng ngăn Khu 1 với bãi biển, Tuấn nhìn ra khơi, một cái cầu vồng bảy màu sáng chói hiện lên rực rỡ, dọi xuống mặt biển làm ánh vàng lấp lánh, thật đẹp ở phía bên bờ biển của Bộ Tư Lệnh Miền Tây (WESCOM) khiến Tuấn chợt buột miệng “Après la pluie, le beau temps!” Đúng là “Sau cơn mưa, trời lại sáng!” mà ngạn ngữ của Pháp đã nói.
Bất chợt anh Ba Canh xuất hiện và dừng lại trước mặt Tuấn:
-Hôm nay mưa bão quá không đi câu được. Tối mấy chú xuống nhà anh nhậu nghe!
Hôm ấy anh không đi câu vì sợ lại bị lạc bởi cách đó mấy tháng ghe anh đã bị trôi dạt sang đảo khác, cách trại khá xa do mưa giông khiến cho Cao Ủy phải nhờ bên Wescom đưa trực thăng đi tìm “missing person.” Từ dạo đó họ yêu cầu anh không ra khơi khi có bão tố nữa.
Đêm ấy bọn Tuấn kéo đến nhà anh Ba nhậu tới khuya. Vì anh đi đánh cá nên nhà lúc nào cũng có sẵn một ít tôm cá do đó bọn chàng chỉ mang vài chai rượu Gin tới là có thể say “quên cả đất trời!” Cúp điện rồi, anh Ba Canh lại chong đèn dầu lên, nhậu tiếp. Trong lúc mọi người đang to tiếng, cười nói om sòm thì bất ngờ có tiếng gọi lớn ngoài cửa, rồi tiếng hỏi của chị Đào ở văn phòng CADP.
-Anh Ba ơi, con nhỏ này có phải con anh không?
Trong bóng đêm chị Đào cùng Sister Carinat đang nắm tay đứa bé gái độ năm sáu tuổi, quần áo lấm lem mặt còn ngái ngủ, đứng trước cửa nhà. Anh Ba Canh đứng dậy bước ra nhìn, chị Ba mang cái bụng to đùng sắp sanh từ phía nhà trong ì ạch đi theo sau. Anh nhìn chăm chăm con nhỏ ngần ngừ chưa nói gì thì chị Ba la lên sau khi ngó quanh và đếm mấy đứa con đang nằm ngủ lăn lóc trên nền xi măng gần đó:
-A, dạ đúng rồi !
Nghe vợ bảo đúng là con mình rồi thì tới chừng ấy anh Ba mới nhìn con bé hỏi:
-Tối rồi mà tại sao mày không ngủ trong nhà, lại “đi đâu” vậy hả?
Con bé khóc thút thít không nói gì. Sister Carinat giận dữ hơn nói một tràng tiếng Anh nghe nhức cả óc khi bà nhìn vào trong thấy cả đám đang uống rượu. Chị Đào dịch lại:
-Sơ nói anh chị con đông, phải kiểm điểm lại tụi nó mỗi tối trước khi ngủ ấy nha. Con nhỏ này ngủ ngoài hành lang, gần thư viện CADP nè. May mà lúc nãy Sơ đi ngang thấy, nếu đêm nay Sơ không gặp thì nó thế nào? Anh chị làm cha, làm mẹ thì phải có trách nhiệm với con chứ. Anh đã không lo lại còn nhậu nhẹt. Lần sau mà vậy nữa là Sơ cho Ban An Ninh nhốt vào “Monkey House” hết cả đám đấy!
Một ngày kia, Tuấn lúc bấy giờ là thư ký của Liên Hội Đoàn (LHĐ) nên đại diện cho anh Tổng Thư Ký LHĐ mắc bận việc nhà để tới CADP dự họp với Sơ T. theo yêu cầu. Lúc chàng đến đã thấy lố nhố có nhiều trưởng, nhóm của các ban ngành đoàn thể trong trại đứng loanh quanh ở khoảng đất trống trước văn phòng rồi. Bỗng Tuấn để ý xa xa, ở một góc sân anh Ba Canh cũng có mặt và đứng cạnh mấy người kia. Tuấn bước tới gần:
-Cha, anh Ba bữa nay ngon nha. Đi họp các trưởng hội đoàn nữa ta!
Anh Ba Canh đang cầm gói xôi ăn, miệng nhai nhóp nhép, lèm bèm khi Tuấn đùa vui:
-Tao mà họp cái con khỉ khô gì? Đợi gặp Sơ có chút chuyện đây!
Lời anh vừa dứt thì đã thấy bóng Sơ cười cười bước ra ngoài hàng ba. Mọi người vừa chuẩn bị đi vô thì anh Ba Canh đã vội bỏ Tuấn bước lại trước mặt Sơ, gãi đầu gãi cổ, nói ngay vì sợ khi Sơ họp rồi anh lại phải mất thêm thời gian đợi chờ. Anh nói nho nhỏ, miệng lắp bắp điều gì đó. Đang vui Sơ chợt thấy anh Ba đến thưa chuyện mà mép còn dính xôi Sơ cau mặt, giọng đanh lại sắc lạnh:
-Anh ăn xong đi rồi hãy nói!
Mọi người thấy Sơ có vẻ giận dữ, e dè lùi lại phía sau. Anh Ba Canh sợ hãi nhưng với bản tính chân thật, hiền lành anh vội kéo vạt áo lên lau miệng và phân trần tiếp. Nhưng hành động mộc mạc mà lại kém văn minh ấy của anh càng khiến Sơ khó chịu hơn. Đợi anh dứt lời Sơ gằn giọng:
-Bữa trước Sơ nói với anh thế nào? Đã bảo anh là nên kiêng cử vì anh là người có đông con nhất trại rồi mà tại sao lại nữa?
Anh Ba vốn có một gương mặt khá đặc biệt với hai lọn tóc quăn hai bên rất ngộ nghĩnh. Giờ anh lại lúng túng, nhăn nhó khi bị Sơ rầy nên trông càng lạ lẫm. Anh lại vò đầu, bứt tai, thanh minh thanh nga:
-Dạ, con đâu có muốn đâu sơ. Nhưng Sơ nghĩ coi, con đi đánh cá lâu lâu mới về nhà một lần, mà trại thì chín giờ tối đã cúp điện rồi, con đâu biết làm gì đâu, nên…mới vậy!
Sơ xua tay, ngắt ngang lời anh trong khi mọi người không nín được cười:
-Thôi đi đi. Đi gặp chị Đào đi ! Chị Đào ơi, chị Đào đâu rồi…?
Chị Đào là người phụ Sơ coi sóc công việc bên Phòng Xã Hội của CADP. Chắc là anh Ba Canh đã đến nhờ Sơ xin giúp đỡ gì đây khi chị Ba sắp sinh nở tới nơi!
“Đúng là nghèo khổ thì con đông!”
(còn tiếp)
“Tình xưa rực nắng thu vàng” của tác giả Triều Phong được đăng nhiều kỳ trên SGN mỗi Thứ Bảy và Chủ Nhật hàng tuần. Mời quý độc giả đón đọc.