Tình xưa rực nắng thu vàng (6)

Một buổi chào cờ trước văn phòng Hội Đồng Đại diện. (Hình: Website của thân hữu Palawan)

Lúc này tin tức về chuyện đóng cửa đảo cùng đời sống khó khăn ở trại dù đã được lan truyền khắp nơi bằng nhiều phương tiện truyền thông và thư từ của chính người lánh cư gửi về cho gia đình tại Việt Nam nhưng thiên hạ vẫn cứ đổ xô đi. Một chiếc ghe vừa cập bến thì một chiếc ghe khác bị sóng vỗ vào bờ đá vỡ nát chỉ còn một em bé hai tuổi sống sót do ngư dân Phi cứu được đã khiến cho người ta không biết chiếc ghe này có bao nhiêu người và đã đi từ đâu? Gia cảnh của bé ra sao vì thậm chí em còn không biết cả tên mình là gì? Chỉ những người sống ở đảo lúc ấy mới là chứng nhân của thảm cảnh này. Ngày sau khi em lớn lên, chỉ biết mình là một “Vietnamese boat people” và vĩnh viễn không hề biết cha mẹ mình là ai, nguyên quán nơi nào? Thật oan nghiệt!

Nhà chàng ở, lại được Ban Kế Hoạch đưa thêm vào hai thanh niên nhỏ tuổi hơn Tuấn một tí là Bách và Chương với một thằng bé cùng cở thằng Hạo và Lộc nữa. Thằng này tên Danh và là cháu của Bách. Hai mươi lăm con người phải sống trong một diện tích nhỏ hẹp thiếu thốn mọi bề thì ban ngày tất cả thường ra khỏi nhà, kẻ đi học người đi làm hay đi chơi hoặc tụ tập dưới những bóng cây cũng tạm ổn nhưng đêm về thì thật là nan giải cho vấn đề chỗ ngủ!

Trước tình cảnh ấy, Tuấn đành nhường chỗ mình trên căn gác cho Danh và dẫn hai thằng kia đi ngủ “lan” ngoài trại. Thường là ba đứa ngủ ngoài hàng hiên của văn phòng CADP gần nhà.

Chiều một hôm thằng Bách chạy như bay về và mừng quýnh vì vừa nhận được thư thường mà có “nhưn!” Đó là thư của thằng bạn nó, cùng làm thợ hàn ở Tôn Đản, Quận 4, Saigon độ nào, hiện đang ở Mỹ gửi sang. Bên trong ngoài là thư còn có hai tờ 5 đô và một tờ 1 đô mà bạn Bách khi vừa hay tin nó tới Phi là gửi đại mấy đồng tiền sẵn có trong túi cầu may. Nó hứa tuần sau sẽ mua “Money Order” gửi đàng hoàng hơn!

Rồi Bách kéo Tuấn với Chương theo nó tới quán 89 Khu 4 đổi ra tiền Phi và xuống “canteen” ở sát ngay bãi biển liền. Mười một đô ấy vì là tiền lẻ nên chỉ đổi được “275 pesos” thay vì “325 pesos” theo hối suất khi đó. Tuy vậy cả đám vẫn có một đêm say khướt bởi một chai bia San Miguel chỉ có “4 pesos” thôi!

Phải công nhận San Miguel là một trong các loại “best beer” trên thế giới nhất là lúc đã được ướp lạnh thì khỏi chê. Ở Phi, người ta cứ khui nắp chai ra là uống không cần ly gì cả. Chỉ cần bạn hớp một ngụm thật đầy, giữ trong miệng giây lâu rồi nuốt nhẹ từ từ xuống, bạn sẽ cảm nhận được cái lạnh, cái đậm đà của bia nó lan từ cổ dần dà ra khắp người bạn và ngọt lịm khi xuống tới cuống họng khiến bạn thấy cuộc đời này ôi sao thật tuyệt! Vã lại đã quá lâu không được uống nên đêm ấy đối với Tuấn là một đêm đầy kỷ niệm, khó quên!

Ngồi trên mảnh đất trống dưới bầu trời đêm gió thổi lồng lộng. Trong cái thân phận tha hương vào tháng ngày lạnh buốt cuối năm lại không tiền, không thân nhân mà tương lai thì mịt mờ khiến Tuấn cảm thấy đắng cả bờ môi. Chàng bây giờ chẳng phải chỉ cô đơn không thôi mà còn cô độc nữa!

Một cảnh ăn nhậu ở trại của dân tị nạn PFAC năm 1989 (Hình: Website của thân hữu Palawan)

Ngoài kia, dưới ánh trăng non mờ ảo chiếu xuống mặt biển, những ngọn sóng nhỏ vỗ lăn tăn như ngàn con cá bạc đang quẩy khúc nhạc không tên làm lữ khách ngậm ngùi, rơi cả phận người mênh mông!

“Mùa Noel đó, chúng ta quen bên giáo đường. Mùa Noel đó, anh dắt em vào tình yêu. Quỳ bên hang sâu…..hẹn nhau năm tới….bên nhau muôn đời anh ơi. Nhưng nay mùa Noel đến rồi…Nửa đêm tan lễ, bước em bơ vơ trở về…Yêu nhau chi rồi xa nhau…”

Đang buồn mà tiếng tình tự trong bài “Hai mùa Noel” của cô ca sĩ phát ra từ cái loa bên trong khiến Tuấn và cả bọn thêm tê tái. Càng về đêm, thủy triều lên cao dần và gió càng thêm lớn làm mọi người lành lạnh. Lúc này ba thằng đều đã chếnh choáng hơi men, ra về, ngất ngưởng trong cơn say quên đời!

Tối đó, Tuấn cùng Bách và Chương kéo nhau ra hàng ba của Cao Ủy để ngủ vì hàng hiên ở CADP đã bị người ta chiếm mất do đến quá trễ. Nửa đêm, một trận mưa lớn đột ngột đổ xuống, gió thổi mạnh, nước tạt tứ bề. Cả đám người thức giấc, đành phải ôm mềm đứng co ro trong màn nước mưa như trút, gió hú từng cơn, người run bần bật, cắn răng chịu đựng cho cái thân phận tị nạn cuối mùa!

Có thể nói Giáng Sinh là ngày lễ vui và lớn nhất của thế giới ngày nay, nhất là với người Công Giáo, vì đó là ngày Ngôi Hai xuống thế cứu chuộc nhân loại. Và đối với Phi Luật Tân, một quốc gia có hơn 90 phần trăm dân số là người Thiên Chúa Giáo thì các ngày sắp tới lễ quan trọng này lại càng vui và nhộn nhịp hơn mà Tuấn còn nhớ trong dịp chàng đón Chúa giáng trần đầu tiên ở trại tị nạn PFAC năm 1989.

Sáng sớm một hôm, quấn chiếc chăn mỏng quanh mình dưới thời tiết se lạnh những ngày cuối năm, Tuấn lười biếng, nằm bẹp trên căn gác Cao Ủy mơ màng thả hồn theo giọng hát ngọt ngào của Thái Châu trong “Bài thánh ca buồn” từ cái cassette của chị Lan phía sau nhà vọng qua phên vách mà nhớ tới kỷ niệm ngày còn bé. Vào đêm 24 tháng 12 xa xưa, chàng được ba mình chở ra trường Lasan Taberd trong bộ đồng phục áo sơ mi trắng dài tay, quần tây trắng, vớ trắng, giày bata trắng để gần nửa đêm cùng chúng bạn xếp hàng đôi, được mấy “frères” phát cho các cây đèn cầy trắng rồi vừa đi chậm rãi vừa hát thánh ca sang Nhà Thờ Đức Bà (Vương Cung Thánh Đường) rước lễ trong không khí thật trang nghiêm sâu lắng.

Đang lúc Tuấn nằm nghe tận trong sâu thẳm của cõi lòng nỗi buồn đang dần bò ra từ tháng ngày cũ thì tiếng nhạc vui tươi, ầm ỉ phát ra nơi cái loa gắn trên xe “tricycle” của anh Phi dưới đường đã lôi chàng về với thực tại.

“Dashing through the snow, in a one horse open sleigh, over the fields we go, laughing all the way…Jingle bells, jingle bells. Jingle all the way…”

Tuấn lồm cồm bò dậy. Nhìn qua cửa sổ, chàng thấy anh tài xế Phi đang đậu xe trước đầu hẻm, tay nhịp nhịp trên đùi, miệng hát, đầu lắc lư theo tiếng nhạc, chờ chị Dung bán tạp hóa giở hàng mới mua ngoài phố xuống xe.

Lúc chuẩn bị chạy, anh ta ngẩng mặt lên, thấy Tuấn liền giơ tay chào và hô to:

-Merry Christmas, my friend!

Người Phi là vậy! Luôn thân thiện và rất “hospitality!”

Buổi chiều khi chỉ còn mười lăm phút nữa là hết giờ học thì anh Dần theo Sister Carinat bước vào lớp với cây đàn guitar trên tay. Anh là nhân viên thiện nguyện của CADP, phụ trách phần văn nghệ.

Năm nay vì trại có đông đảo dân tị nạn tới, nên anh được giao dạy hát nhạc Noel cho các lớp vào cuối buổi học. Và bài nhạc anh chọn là “Feliz Navidad.” Thế là suốt ngày, người ta nghe tiếng ca rộn ràng, tiếng nhạc xập xình vang ra khắp nơi từ mấy lớp học làm mọi người cảm thấy yêu đời hơn.

“Feliz Navidad! Feliz Navidad! Feliz Navidad! Prospero ano y felicidad. I wanna wish you a merry Christmas!…”

Trong khi ấy, tại các lớp của trường HTC (Holy Trinity College) thì những thầy cô trẻ như thầy Boy, thầy Andrew, thầy Sam, cô Mona, cô Beth…  năng nổ với bầu nhiệt huyết của con chiên ngoan đạo, dạy những học trò nhỏ của mình múa và đánh trống bài “Little drummer boy.” Các em gái được mặc những chiếc đầm xòe thắt eo thon đẹp đẽ, để hóa trang thành mấy công nương kiều diễm, còn những em trai lại trở thành các chú lính chì nho nhỏ với dây vai vàng lấp lánh ánh bạc, với giày ống trắng, cao tới đầu gối, với nón lính đen tinh tươm của thời quân chủ, mang các chiếc trống trước ngực, hai tay cầm hai chiếc đũa đánh thật hay và nhuần nhuyễn theo tiếng nhạc, điệu nghệ như những tay trống thứ thiệt trông thật là náo nhiệt.

Trên con đường chính từ cổng vô trại qua tới Bộ Tư Lệnh Miền Tây (WESCOM) thì xe “tricycle” chạy nườm nượp với nhạc Giáng Sinh được mở to inh ỏi. Nhà thờ Nữ Vương Hòa Bình, nhà thờ bên Hội Thánh Tin Lành được trang hoàng lộng lẫy, người lánh cư thì rộn ràng lên xuống, tất bật làm hang đá nơi Chúa sinh ra trong bầu không khí tưng bừng, sống động!

Giữa lúc mọi người chuẩn bị đón Chúa Hài Đồng, tất cả nhân viên nước ngoài lo trở về sum họp với gia đình trong thời khắc thiêng liêng ấy thì Cao Ủy Tị Nạn- Palawan vẫn cố gắng phát đi bản tin cuối cùng, nói lại về Chương Trình Hành Động Toàn Diện (The  Comprehensive Plan of Action) đối với thuyền nhân mà họ được ủy thác để thực thi (The task of implementing the CPA fell to UNHCR- Oxford University Press 2004).

Người tị nạn đang ngồi chờ xem chiếu phim ở Sân Khấu Trung Tâm trên các chiếc ghế tự đóng của mình. (Hình: Website của thân hữu Palawan)

Họ nhắc lại chuyện làn sóng thuyền nhân Việt và Lào trốn chạy cộng sản đã ồ ạt dâng cao lên tới 350 ngàn người sau sự sụp đổ của miền Nam Việt Nam vào 30 tháng 4 năm 1975 dẫn tới Công Ước Tị Nạn Đông Dương ra đời, dưới sự nhóm họp của 65 quốc gia do Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc chủ trì vào hai ngày 20 và 21 tháng 07 năm 1979 tại Geneva nhằm giúp đỡ người tị nạn Đông Dương. Hội nghị này xác định cho họ một chỗ tạm trú, sống sót sau hải trình đói khát, phong ba bão táp và nạn hải tặc để chờ ngày đi định cư ở đệ tam quốc gia, đồng thời ngăn họ bị quốc gia tạm dung trả về nguyên quán chiếu theo Công Ước Tị Nạn năm 1951 (The 1951 Refugee Convention.)

Đây là một biến cố lớn lao của thế giới về “giá trị” của thời Chiến Tranh Lạnh ở phương Tây (Western Cold War.)

Theo bức thư của “Refugee of Council USA ” gửi cho Ông Arthur E. Dewey; Assistant Secretary, Bureau of Population Refugees and Migration, Department of State of the USA, tháng 05 năm 2003 với lập luận rằng “Mười năm sau, khi giá trị này có thay đổi, quyền “đương nhiên được xem là tị nạn chính trị” nếu may mắn đến bến bờ tự do của thuyền nhân không còn nữa mà thay vào đó là Chương Trình Hành Động Toàn Diện (CPA) được thành lập vào tháng 06 năm 1989 trong một hội nghị quốc tế khác do 70 quốc gia nhóm họp cũng tại Geneva dưới sự triệu tập của Liên Hiệp Quốc (UNHCR) theo thể thức mới với năm yếu tố chính:

-“Quyền lánh cư và thanh lọc tư cách tị nạn của người lánh cư (The right of asylum seekers and the right to be processed for refugee status-International Peace Institute)

-Tái định cư người được công nhận tị nạn chính trị (Resettlement of those granted refugee status-IPI)

-Hồi hương người bị bác quyền tị nạn (Repatriation of those denied refugee status-IPI)

-Ra đi tị nạn chính thức từ Việt Nam (Streamlining of a program allowing people to apply for refugee status from Viet Nam-IPI) được biết đến như chương trình ODP, HO sau này.

-Chiến dịch quảng bá rộng rãi để cung cấp tin tức của Chương Trình Hành Động Toàn Diện đến dân chúng Việt Nam (A mass campaign to inform Vietnamese of the CPA’s provisions-IPI)”

Tuy nhiên bức thư đã chỉ cho thấy việc còn kẹt lại của hơn hai ngàn người lánh cư ở PFAC sau này là một sự thất bại của CPA cần được giải quyết triệt để nhằm kết thúc chương cuối của “Thanh Lọc” mà họ tin là số người này hội đủ điều kiện của khoản P-2 trong tiến trình tị nạn.

Điều trớ trêu là mặc dù như thế nhưng CPA vẫn thành công. CPA đã thành công trong thất bại! Vấn đề nghe có vẻ nghịch lý nhưng sự thật thì CPA đã thành công trong chuyện chấm dứt làn sóng thuyền nhân nhưng CPA lại thất bại trong việc thực hiện tiến trình thanh lọc tị nạn do Cao Ủy đảm trách!

Nhưng lúc đó họ vẫn tin là họ đúng đắn do vậy họ đã kiên quyết tiến hành mạnh mẽ. Thế cho nên thú thật, trong cái bầu không khí hoan ca đón mừng Chúa ra đời của nhân loại vào thời gian ấy, Tuấn cảm thấy việc Cao Ủy Tị Nạn ở PFAC cho phát thanh Chương Trình Hành Động Toàn Diện ra rả mỗi ngày mới thật là tàn ác, vô nhân đạo!

Hành động đó như một sự sát nhân bởi nó đã làm suy sụp tinh thần tị nạn của người lánh cư, tước đi mơ ước sống đời tự do của dân tị nạn, nó làm giảm đi niềm vui mà ai cũng cần phải có. Nó làm cho người ta lại sợ hãi, lo âu bị bác quyền tị nạn và phải trở về với ngục tù cộng sản trong những giờ phút mà lẽ ra họ phải được bình an nhất của tâm hồn.

Cao Ủy Tị Nạn tại PFAC đã cố gắng thực hiện thành công cái CPA mà họ được giao phó bằng bất cứ giá nào dù cho có phải làm tổn thương dân tị nạn thì họ vẫn không từ. Việc làm này khiến Cao Ủy Tị Nạn không xứng đáng với vai trò bảo vệ người tị nạn mà họ được giao phó khi ấy!

Tuy vậy, ban đêm thì Ban Truyền Thông-Văn Hóa của Hội Đồng Trung Tâm chiếu các bộ phim Tàu kinh điển lừng lẫy của Hong Kong như “Anh Hùng Xạ Điêu” do Huỳnh Nhật Hoa và Ông Mỹ Linh thủ vai Quách Tĩnh, Hoàng Dung hay “Thần Điêu Đại HIệp” với  Lưu Đức Hoa, Trần Ngọc Liên đã làm say mê dân tị nạn.

Cứ chiều tới, khi mặt trời bắt đầu lặn về tây là dân chúng lũ lượt kéo ra công viên nơi để các chiếc ghế cây tự chế bằng cách vô rừng chặt về đóng, cao nghều nghệu của mình chờ đợi. Lúc loa truyền thông vang lên cho phép mang ghế ra Sân Khấu Trung Tâm thì thiên hạ ùn ùn cùng nhau vác ghế chạy ra đặt nơi khoảng đất trống trước sân khấu để lấy chỗ. Ghế thấp để trước, cao nằm phía sau! Qua bao năm tháng đồng cảnh ngộ, đã hình thành nên sự nhường nhịn nhau của những con người cùng khổ nơi đây từ lối sống đến cung cách cư xử yêu thương cả khi coi phim ảnh.

Cảnh tượng mọi người ào ào khiêng ghế chạy như đàn kiến tha mồi về tổ trông thật ngộ nghĩnh mà chỉ ai từng sống ở trại tị nạn có thấy mới cảm nhận và hiểu được những giờ phút buồn vui ngày ấy! Nhớ tiếng Dương Quá rống lên khi bị Quách Phù chém rụng cánh tay thì ghế “gãy” và bao nhiêu con người rơi xuống đất! Nhớ hơn nửa đêm gió lạnh từ ngoài biển thổi vào mà vẫn còn vô số người thiết tha trùm mền tiếp tục ngồi chờ xem tập kế như mười sáu năm Dương Quá chờ Cô Long trong đau khổ!

Có một điều lạ lùng là dù ở vào cái thời gian “cut off date” tức là lúc trại tị nạn đã đóng cửa và người lánh cư phải thanh lọc xác định tư cách tị nạn, chịu nhiều khó khăn, khổ cực vì bị áp lực to lớn về tinh thần của việc “đậu hay rớt” được đi định cư hay bị đuổi về, và cho dẫu mọi thứ đều bị giảm bớt như lương thực thì thiếu thốn; hai người một lon cá hộp nhỏ xíu cho một ngày, mấy cái quần xà lỏn với hai cái áo thun rẻ tiền của “bà Sơ” trên một màu dưới một màu khác được cơ quan CADP phát khi mới tới trại mà chỉ giặt độ vài ba lần là đã co rút lại ngắn ngủn, xách ngược xách xuôi nhưng dường như người ta vẫn sống vui vẻ “thoải mái” hơn là buồn phiền, sầu muộn !

Hình như cái tâm trạng chung của mọi người vào năm 1990 ấy là “thôi kệ, dù có cực nhọc, khó khăn đến đâu đi chăng nữa nhưng miễn được sống ở xứ tự do Phi Luật Tân này là thích rồi!” Và không biết làm sao mà đám thanh niên nhà Tuấn vẫn có tiền nhậu đều đều? Hôm nào sang “chảnh” thì uống bia San Miguel từ két (case) này sang két khác. Nói ra thì không ai tin chứ đôi lúc có đám tiệc là tụi nó có thể mua uống tới mười hay mười lăm két là chuyện bình thường mà mỗi một két như vậy có hai mươi bốn chai đó là chưa nói tới khoảng tiền mua “mồi” nhấm và thuốc lá cùng mấy thứ khác…v…v…còn khi nào “thúi hẻo” thì chúng uống Tanduay Rhum, Club hoặc Gin (Ác Quỷ.) Đây là những loại rượu nặng như rượu đế của Việt Nam, rẻ tiền hơn nhưng cũng rất ngon và mồi nhậu là một vài trứng hột vịt, đập ra cho tí xíu nước mắm hay muối với bột ngọt thêm vài tép tỏi bỏ lên chảo chiên là xong. Vừa uống chúng vừa la!

La xong thì bắt đầu mang đàn “guitar” ra ca hát. Chúng gào “Saigon ơi, ta mất người như người đã mất tên. Như dòng sông nước quẩn quanh buồn. Như người đi cách mặt xa lòng.  Ta nhủ thầm em có nhớ không? Saigon ơi, đâu…Ai ra đi nhớ hàng me già…Thôi hết rồi mộng ước xa xôi theo dòng đời trôi…Tay cầm tay nói nhỏ câu gì…Đâu Phạm Duy với tình ca sầu. Mắt lệ rơi khóc thuở ban đầu, còn gì..nữa đâu?” chúng rống từ sáng đến tối rồi lăn đùng ra ngủ thế là cũng qua một ngày dài “tị nạn!” Tệ hơn thì bọn chúng kéo sang mấy khu khác gây sự, đánh lộn lẫn nhau hay thanh toán các mối ân oán giang hồ khiến cho trại náo loạn cả lên làm Ban An Ninh phải khẩn cấp cử nhân viên đi bắt bớ, trấn áp, mang về nhốt vào “Monkey House” luôn có an ninh Việt Nam và lính Phi canh gác.

Trước tương lai mịt mờ, hoàn cảnh tha hương bấp bênh bởi con đường định cư gần như là bế tắc ấy thì dần dà người ta gom lại với nhau, tụm ba tụm bảy, tạo thành từng nhóm, tụ tập ăn ở như bầy, đàn, lấy bạn bè làm người thân, lấy đồng hương làm gia đình trong tháng ngày viễn xứ do đó hôm nay thì đứa này nhận được thư “bảo đảm” mà trong đó thân nhân ở đệ tam quốc gia gửi cho năm mươi hay một trăm đô hoặc bữa khác thì thằng kia lại có vài trăm quan của anh chị bên Pháp gửi qua thế là huy hoàng. Cả bọn cứ tụ lại, sáng xỉn, chiều say, tối lai rai…hết còn “yes yes, no no ngày mai cũng go” như dân PA thuở nào!

Và cũng trong cái tình “lá lành đùm lá rách” ấy, một ngày kia thằng Quang sau khi lãnh được 50 đô của anh nó ở Iowa gửi sang thì đã dẫn anh em ra phố mua vải may quần và vải trắng may áo mang về nhờ anh Hỷ thợ may ở Nhà 13 kế bên may giùm cho mỗi đứa một bộ “đồ vía,” chuẩn bị cho thanh lọc sắp đến.

Nhiều hôm rảnh rang, Tuấn hay tới đứng nơi cửa sổ trước hàng ba nhìn anh Hỷ ngồi bên trong may đồ trên chiếc máy may anh mua làm phương tiện sinh sống suốt nhiều giờ liền. Điều người ta “kháo” nhau rằng anh Hỷ may âu phục rất đẹp có lẽ đúng vì đôi tay anh vô cùng điêu luyện, mềm mại nên thao tác của anh rất nhịp nhàng và anh có rất nhiều khách hàng ở trại tới nhờ giúp đỡ. Anh nói năng từ tốn, nhỏ nhẹ, nhưng thỉnh thoảng Tuấn thấy anh ngồi bất động, thẫn thờ, người co rúm lại như sợ sệt chuyện gì đó.

Lúc này, Tuấn được chú Mạnh thương tình “bảo trợ” dẫn về nhà chú ăn cơm ngày hai bữa chung với nhóm anh em chín, mười đứa cả trai lẫn gái mà chú đang nuôi, rồi cho cả cà phê thuốc lá đầy đủ bởi mỗi tháng chú được em gái bên Mỹ gửi cho 100 đô nên túi chú cũng khá rủng rỉnh mà bao bọc đám mồ côi này!

Tại đây, Tuấn thường ngồi cạnh anh Đạo (đỏ) trong mỗi buổi ăn. Anh rất hiền và ít nói, khi anh nói thì anh nói cũng rất nhẹ nhàng. Thiên hạ gọi anh thế vì người anh có nhiều đốm đỏ ẩn dưới làn rất trắng nhưng cho đến một hôm trong lúc đứng đợi lấy nước ngoài “vòi” thì chú Bảy Võ đang ngồi trên phi đạo chợt nhìn Tuấn hỏi:

-Ủa, lóng rày mày về bên anh Mạnh ăn cơm rồi à?

-Dạ! Tuấn đáp.

-Mày có gặp thằng Đạo “đỏ” không?

-Dạ có. Ngày nào cũng ngồi ăn kế ảnh mà. Có gì vậy không chú?

Nghe thế chú Bảy Võ ngoắc chàng lên ngồi cạnh thủ thỉ. Chú nói xong Tuấn giật mình ớn lạnh. Bởi trước lần đi này, năm 1988, chàng nhớ đài VOA nhiều lần phát đi bản tin một chiếc ghe gồm 110 người vượt biên, trôi nhiều ngày vì máy hư và đã bị chiến hạm Dubuque của Mỹ do hạm trưởng là đại tá Alexander G. Balian lúc ấy bỏ rơi, không chịu “rescue at sea” khi gặp khiến nó trôi dạt thêm suốt mấy mươi ngày nữa, làm chết một mớ thuyền nhân. Số còn lại phải ăn thịt nhau để sinh tồn, cuối cùng họ được một tàu đánh cá Phi vớt đưa vào đảo Bolinao với 52 người chỉ còn da bọc xương. Để sống sót, ông chỉ huy ghe lúc đó  là ông M. giao cho anh Đạo (đỏ) đập đầu những kẻ thoi thóp, sắp chết đề lấy thịt nuôi mấy người còn lại.

Chuyện về chiếc ghe “52 Bolinao” trôi dạt trên biển Đông suốt 37 ngày đêm này được coi là một trong các câu chuyện đau thương và man rợ nhất của thời vượt biên khiến chính phủ Mỹ cuối cùng phải đưa vị hạm trưởng ra xét xử và bỏ tù trước áp lực của dư luận quốc tế mà người ta cho rằng ông chỉ là “con dê tế thần” trong chính sách đóng cửa trại tị nạn do Mỹ chủ trương đề ra khi ấy mà thôi.

Lời chú Bảy Võ làm Tuấn hoang mang, nghĩ ngợi mông lung, nhất là khi biết được anh Hỷ thợ may là người đi cùng ghe với anh Đạo “đỏ” và mém bị anh đập đầu tối hôm đó nếu không được ghe Phi cứu kịp vào lúc chiều.

Tuấn không ngờ rồi ra có ngày chàng phải đối diện với cái người mà mình đã nghe từ lâu và từ xa làm mình ghê sợ. Chuyến vượt biển kinh hoàng này chàng đã đọc trong báo “Đường Sống” ở Thư Viện Nhà Thờ vào những ngày đầu lúc mới bước chân đến trại và bây giờ thì Tuấn rõ tại sao anh Hỷ lại bị khủng hoảng tinh thần như vậy vì chính anh ấy đã chứng kiến anh ruột của mình bị đập đầu trước đó còn anh thì suýt tí nữa cũng bị “mần thịt!”

Hẳn là lý trí con người ắt phải bị dằn xé giữa sự đúng sai trong trường hợp này trước lương tâm nhân loại! Điều mà ông M. ngày ấy đã nói khi thế giới lên án ông “ Tôi không chấp nhận quý vị, những người ngồi trong phòng lạnh, phán xét các kẻ đã phải lênh đênh trên biển cả, đối mặt với nguy hiểm bởi bão tố phong ba, đói khát nhiều ngày để giành giật sự sống của chúng tôi. Nếu quý vị có kinh qua hoàn cảnh như chúng tôi rồi quý vị sẽ thấy và biết thì lúc đó quý vị lên án chúng tôi, chúng tôi sẽ chấp nhận!” Ý ông muốn ám chỉ cái việc “đoạn trường ai có qua cầu mới hay” mà đại thi hào Tố Như đã nói từ ngàn xưa.

Tuy nhiên thuyền nhân chúng ta chỉ là những người cùng khổ đang đi van xin tình người thì chúng ta phải chấp nhận mọi quyết định của họ mà thôi. Mỹ, Canada với một số quốc gia khác kiên quyết từ chối định cư những ai đã ăn thịt người dù chỉ một miếng nhỏ. Hồng trong ghe đó chỉ ăn một chút thịt do ai đút vào miệng khi cô hôn mê chẳng nhớ gì nhiều cũng bị phái đoàn Canada “bác” lúc phỏng vấn.

Tuấn thở dài đầu óc miên man trong suy nghĩ lẫn lộn của tội ác và số mạng. Hèn nào mà đôi khi chàng thấy cặp mắt anh Đạo “đỏ” dại đi, tròng trắng xuất hiện nhiều tia máu đỏ rực lúc anh im lặng nhìn vào khoảng không trước mặt, còn anh Hỷ thì mắt cũng đờ đẫn dại ra vì khiếp sợ. Từ đấy Tuấn biết thêm một số nạn nhân trong nhóm này như Mai ở gần đó luôn sống trong lờ đờ không tỉnh táo và chồng là anh Tư Lịch cứ khờ khờ đi tới đi lui do cả hai đã ăn thịt chính con mình. Ôi, oan nghiệt! Ôi, định mệnh! Mỗi người đã có một số phận do Tạo Hóa an bài!

Trong thời gian chờ đợi thanh lọc xác định tư cách tị nạn, thỉnh thoảng Tuấn cũng đi lang thang trong trại nghe ngóng tình hình và hay ghé lại ngồi dưới cây me trước văn phòng Cao Uỷ tán gẫu tin tức thời sự nóng bỏng về Chương Trình Thanh Lọc vì nơi này lúc nào cũng tập trung đông đảo dân tị nạn. Ở đây luôn có mặt anh Khoẻ cười cười như khùng, có thằng Trụ, ở cùng trại giam Công An Tỉnh Hậu Giang với Tuấn hồi trước, em trai của chị Nở bên Thanh Niên Công Giáo, hễ mỗi khi mở miệng ra nói thì lúc nào cũng bảo phải khai làm sao với “background” mạnh thì mới có hy vọng…làm chàng phát mệt. Và ôi thôi, ngoài ra còn đủ thứ tin gà, tin vịt hoặc tin đồn thổi khác được tung ra như nào là Cựu Quân Nhân Việt Nam Cộng Hòa sẽ được thanh lọc trước, ai có giấy tờ bị đánh Tư Sản, hay bị đuổi đi Vùng Kinh Tế Mới chắc chắn sẽ đậu..v.v.và v.v.. khiến ai mà nghe riết rồi chắc cũng bị khủng hoảng tinh thần và khùng thêm!

Đứng trước những khó khăn, phức tạp và nguy hiểm của tiến trình thanh lọc lúc ấy, Ban Đại Diện Nhiệm Kỳ Thứ 29 của ông Trần Phi, đã họp bàn với các ban ngành đoàn thể thành lập Ban Hướng Dẫn Thanh Lọc. Và chọn, mời một số người trí thức có kiến thức về luật pháp hay thầy giáo đang dạy Công Dân Giáo Dục ở Trường Việt Ngữ 1 như thầy Xong, thầy Võ Đại Ân, để giúp đỡ các người không biết hay không hiểu thế nào là nhân quyền căn bản mà Liên Hiệp Quốc đã công nhận, để khai báo hồ sơ “tiền thanh lọc, phỏng vấn thanh lọc.” Trong khi đó thì Tổ Chức Thanh Niên Việt Nam lại viết thư ra hải ngoại cầu cứu, tìm sự giúp đỡ như xin cung cấp tài liệu về nhân quyền, cố vấn pháp lý…

Người tị nạn đang tụ tập dưới cây me trước sân Cao Ủy PFAC. (Hình: Website của thân hữu Palawan)

Sau Tết Ta, Group 246 El Nido của Tuấn bắt đầu được vào điền hồ sơ “tiền thanh lọc” và đợi hơn sáu tháng nữa mới được phỏng vấn. Thời kỳ này là thời kỳ “cơn sốt” thanh lọc lên đến đỉnh điểm, vì ở tất cả các trại tị nạn số người “bị đá, bị bác quyền tị nạn, bị ăn cánh gà” rất nhiều. Ở Mỹ, Canada và những xứ tự do khác nhiều hội đoàn, đoàn thể tôn giáo, chính trị, hay Cộng Đồng Việt Nam đã lên tiếng, trao thỉnh nguyện thư (petition) tới Cao Uỷ Tị Nạn, tới chính phủ sở tại, yêu cầu tái xem xét lại tiêu chuẩn thanh lọc tị nạn…Các văn nghệ sĩ, ca nhạc sĩ, anh chị em sinh viên học sinh cũng tích cực đem sức mình ra hỗ trợ đồng bào ruột thịt đang bị kẹt bên các đảo bằng những hình thức như “walk-a-thon, đêm không ngủ, đêm văn nghệ ca hát gây quỹ” diễn ra ở khắp mọi nơi.  Mạnh mẽ hơn họ còn lập ra các cơ quan pháp lý với nhiều luật sư Việt Nam cũng như ngoại quốc đầy nhiệt huyết, tham gia làm thiện nguyện và cử họ sang tận trại tị nạn giúp đồng bào như Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển thường được biết đến như là BPSOS (Boat People SOS) do Tiến Sĩ N. Đ. T. làm giám đốc, LAVAS (Legal Assistance for Vietnamese Seekers) của Luật Sư N. Q. L. Tuy nhiên phải công nhận rằng Cao Uỷ và thế giới tự do đã thành công trong chuyện ngăn chặn làn sóng vượt biên bởi từ đó con số người ra đi giảm hẳn và chấm dứt luôn vì ở Việt Nam mọi người đã biết khó khăn của Chương Trình Thanh Lọc nên chẳng còn ai dám đi nữa!

Khi hai phái đoàn BPSOS và LAVAS gửi thư thông báo là họ sẽ qua Phi xem xét, đánh giá tình hình thì mọi người trong trại đều phấn chân, lên tinh thần như người bệnh được uống thuốc bổ vậy. Chiều một hôm, một số vị được cử ra phi trường Puerto Princesa đón và đưa phái đoàn về trại trong khi tất cả các trưởng phó ban ngành đều tập trung nơi văn phòng Hội Cựu Quân Nhân gần Chùa Vạn Đức, chờ đợi. Bên ngoài đồng bào đứng vây kín, ngó vào trong qua những ô mắt cáo của tấm lưới B40, Tuấn lúc ấy cũng có mặt vì được Gia Trưởng GĐCCQN mời đi theo trong thành phần đại diện của gia đình.

Lúc trời bắt đầu đổ mưa nho nhỏ, từng hạt nước rơi nhè nhẹ, kêu lách tách trên mái tôn (tole) nhưng bên ngoài đồng bào đã dùng dù che mưa chứ nhất quyết không chịu rời đi thì cũng là khi phái đoàn về tới. Nhìn thấy ba bốn người thanh niên trai trẻ và một anh Mỹ trắng ướt át mọi người cảm thấy ái ngại. Sau khi bắt tay chào hỏi xong thì mọi người an vị. Một người thanh niên có dáng nho nhỏ, mặt cũng dễ coi mở đầu buổi gặp gỡ bằng giọng Bắc mà nhiều năm trôi qua Tuấn không còn nhớ hết, duy chỉ có ý chính anh nói về mục đích sang đây là:

– Chúng em cũng là những người đi vượt biên như bà con nơi đây, nhưng hôm nay thấy tình cảnh của bà con cũng đi bằng ghe như mình mà bây giờ lại bị đối xử cách khác, bị rơi vào hoàn cảnh quá ngặt nghèo, chúng em mới quyết định lập ra các tổ chức pháp lý để giúp đỡ bà con vì tụi em nghĩ đây có thể là lần cuối cùng nên tụi em tạm gạt bỏ công danh sự nghiệp, chuyện gia đình riêng tư qua một bên mà tập trung lo vấn đề này bởi có thể sẽ không còn cơ hội nào khác.

Lời bộc bạch chân thành của anh làm mọi người cảm động. Chú Phạm Nhã; cựu trung tá QLVNCH, Hội Trưởng Hội CQN, cám ơn phái đoàn đã không ngại đường xa tới đây, đoạn đưa mắt nhìn mọi người dò hỏi ý kiến. Một thanh niên trẻ bên Tổ Chức Thanh Niên Việt Nam mà sau này Tuấn biết là anh Trần Tiến Bắc, rụt rè lên tiếng cũng bằng giọng Bắc:

-Dạ xin hỏi anh, bao giờ thì Tiến Sĩ N. Đ. T. tới ạ?

Người thanh niên kia nói ngay:

-A, tôi…tôi..là N. Đ. T. đây ạ. Xin lỗi vì mưa gió nên khi vào đây đã quên giới thiệu. Bây giờ để tôi xin giới thiệu mọi người với quý vị luôn. Tôi là N. Đ. T., Giám Đốc của BPSOS.

-Còn đây là Luật Sư N. Q. L., đại diện của Tổ Chức LAVAS.

Ngó theo tay TS N. Đ. T. chỉ, chúng tôi nhìn người thanh niên vừa đứng lên cúi đầu chào mọi người với cặp kính cận trắng, nụ cười thân thiện, hiền lành mà vô cùng bất ngờ. Bởi trong tâm trí của chúng tôi cứ ngỡ là sẽ gặp một ông tiến sĩ, mấy ông luật sư già hay lớn tuổi chứ không nghĩ là mấy chàng trai trẻ đang ngồi trước mặt đây nên nhất thời có phần bỡ ngỡ, lúng túng, mất tin tưởng bởi nét thư sinh của họ.

-Và kia là anh Daniel Wolf, luật sư người Mỹ của LAVAS!

Dứt lời giới thiệu của Tiến Sĩ T., anh Daniel Wolf cũng đứng dậy chào mọi người.

-Hello everyone!

Trông anh chàng mặc chiếc áo thun trắng không cổ, với chiếc quần Jeans xanh bạc thếch, đi giày Bata, miệng cười duyên dáng, khá “bụi,” ít ai nghĩ đó là một luật sư tài ba.

Lúc này bên ngoài trời đã dứt mưa, mọi người đặt câu hỏi và được trả lời rõ ràng, hướng dẫn cụ thể về các quyền của người “lánh cư,” của BOI (The Bureau of  Immigration) của nước chủ nhà, của Cao Ủy Tị Nạn, những quyền lợi nào mà người lánh cư có được như chẳng hạn nếu ngày đi phỏng vấn mà mình bị đau ốm, không khỏe…mình có thể xin người phỏng vấn sắp xếp lịch cho mình phỏng vấn lúc khác…hay những giấy tờ mà mình trình trong lúc khai báo nếu sau này họ muốn sử dụng thì phải cho mình biết lý do tại sao vì đó là “tài sản riêng” một thuật ngữ về luật mà lần đầu tiên chàng được nghe.

Bấy giờ thì tất cả có vẻ tin tưởng họ hơn vì sự am tường luật pháp chứ không còn nghi ngờ như lúc mới gặp. Cuộc họp chấm dứt khi trại sắp sửa cúp điện và phái đoàn trở ra khách sạn Badjao gần phố để nghỉ ngơi chuẩn bị cho những ngày sắp tới thì mọi người cũng lục tục giải tán.

Vừa ló đầu ra khỏi ngạch cửa Tuấn bất ngờ bị ai đó bên ngoài thộp cổ lôi ra và đưa nắm đấm lên mặt dứ dứ làm chàng hoảng hồn vội nghiêng đầu né tránh. Tuấn không tin vào mắt mình vì dưới ánh đèn đường của cây cột điện trước sân là anh Dũng “đại bàng,” người Bắc di cư vào ở Hố Nai, Biên Hòa, đi cùng chuyến ghe bất hạnh trôi mấy mươi ngày trên biển hôm nào với chàng trong lần vượt biên lần thứ 19, năm 1988. Nhìn anh mừng rỡ, cử chỉ quýnh quáng, hai mắt trợn tròn, miệng mở rộng hai môi cong đú đởn và ôm chầm lấy Tuấn khiến chàng vô cùng cảm động:

-Địt mẹ, tao đứng bên ngoài, nghe giọng mày lói “nà” biết ngay mày rồi. Vẫn thích “ăn cơm nhà, vác ngà voi” như trên ghe bữa trước à?

-Anh đến đây lâu chưa?  Tuấn cũng vui mừng hỏi lại anh.

-Đâu đã “nâu!”  Mới tới mấy hôm thôi. PS gần cuối cùng, bốn ngàn mấy “nuôn.”  Còn mày chắc đến đây sớm hả? PS bao nhiêu?

-Không sớm lắm. Em PS một ngàn mấy lận!

Thế là hai anh em lôi nhau ra khoảng sân trống kể lể đủ điều trong lo lắng. Và như ông bà mình thường nói “nhất sớm, nhì muộn.” Chính sự tới trễ, chậm chạp này lại là cái may cho anh vì nhờ đó anh có thời gian tìm hiểu mấy người đi trước khai báo thế nào mà bị “đá” để rút kinh nghiệm. Quan trọng hơn là anh nhờ có thằng em họ tên M. nhà ở Khu 8 làm thông dịch viên trên Văn Phòng Cao Ủy, tìm đường dây lo lót cho anh như chính anh đã thổ lộ cho Tuấn biết là em gái của anh đã gửi cho anh bốn ngàn đô chi cho người phỏng vấn để được “approved” trong đêm “party” anh đãi trước ngày anh lên đường định cư ở Tân Tây Lan (New Zealand.)

(còn tiếp)

“Tình xưa rực nắng thu vàng” của tác giả Triều Phong được đăng nhiều kỳ trên SGN mỗi Thứ Bảy và Chủ Nhật hàng tuần. Mời quý độc giả đón đọc.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Phú Quốc
Là hòn đảo lớn nhất của Việt Nam, Phú Quốc mang đến sự kết hợp giữa vẻ đẹp thiên nhiên, bãi biển và các điểm tham quan tuyệt vời. SCMP…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: