Thấm thoát mà Tuấn ở đây đã gần một năm. Nhiệm Kỳ Thứ 29 do Ông Trần Phi làm Chủ Tịch sắp hết. Bây giờ người ta đang lo tổ chức bầu cử cho nhiệm kỳ kế. Ứng cử viên ra tranh cử chức chủ tịch lần này vô cùng nặng ký, đó là Ông Trần Phước Dũ, một cựu đại tá của quân lực VNCH có hơn mười năm tù cải tạo. Và trong hai hội đồng khác là Hội Đồng Giám Sát và Hội Đồng Đại biểu thì cũng có rất nhiều người trẻ ra tham gia tranh cử làm cho không khí của trại vô cùng sôi nổi, nhộn nhịp với những cuộc đi xuống các khu vận động. Nhiều hội đoàn, đoàn thể cũng tích cực đi cổ động cho ứng cử viên mình yêu thích khiến cho bộ mặt trại mang màu sắc chính trị của đất nước tự do dân chủ.
Chiều nay là buổi dạy Anh Văn cuối cùng của Thầy Trần Phi tại hội trường CCQN vì ông quá bận rộn với công việc ở Hội Đồng nên không thể tiếp tục được nữa. Phải công nhận là ông dạy rất hay, giảng bài vô cùng lưu loát, giọng tiếng Anh của ông rất chuẩn vì trước 1975 ông là trung sĩ “thông dịch viên” cho những cố vấn Mỹ ở một số đại đội của quân lực VNCH.
Tuấn bước vào lớp khi học sinh đã đến khá đông, chàng lựa một chỗ trống trong góc, cuối lớp, ngồi xuống. Chẳng mấy chốc thì Thầy Trần Phi bước vô. Lúc đã đứng yên trên bục giảng rồi, ông nói:
-Hôm nay tôi sẽ trình bày cho các anh chị một bài học rất quan trọng về “5 W.” Đặc biệt là cho ngành báo chí, cho những ai có ước mơ làm phóng viên, nhà báo…Tuy nhiên, trước hết cho tôi hỏi “chiều hôm qua có ai ra Sân Khấu Trung Tâm nghe Sơ T. nói về chuyện bầu cử không?”
Tuấn và một số người đồng thanh hô có. Chờ cho hội trường lắng xuống một tí, Thầy Trần Phi nói tiếp:
-Tôi rất buồn việc Sơ nói chuyện hôm qua. Các anh chị có biết tại sao không?
-Dạ, không! Một số người đáp.
Thầy Trần Phi hắng giọng:
-Không biết có ai còn nhớ là lúc ấy Sơ có ví dụ “nếu nhiệm kỳ này Ông Trần Phước Dũ thắng đi thì là…”
Lời Thầy Trần Phi làm Tuấn nhớ lại hôm qua Sơ nói gì đó về chuyện bầu cử và Sơ có nói thế!
Ngừng một chút Thầy Phi trách móc:
-Đúng ra thì Sơ không được nói thế vì Sơ nói thế là Sơ đã vi phạm luật bầu cử rồi. Bởi Sơ là một người có uy tín trong trại mà sơ nói vậy chẳng khác gì Sơ bảo mọi người bầu cho Ông Trần Phước Dũ. Đúng không? Nếu thật sự là sống trong một xã hội bên ngoài thì ban bầu cử của tôi có quyền khiếu nại, thậm chí là kiện lại chuyện này, nhưng ở đây chỉ là trại tị tị nạn thì thôi…luật lệ gì đâu.
Phàn nàn đến đây ông dừng lại, cười chua chát. Đoạn tằng hắng lấy giọng một cái, ông trở lại bài giảng:
-OK, 5 W là gì? Là “who, what, where, why, when.” Trong ngành báo chí hay một người hành nghề phóng viên báo chí, tường thuật tin tức…thì đây là những chìa khóa mà mấy người làm nghề này phải biết và luôn áp dụng trong mọi trường hợp. Ví dụ khi có một sự việc gì xảy ra thì họ phải lập tức tìm hiểu ngay “ai, việc gì, ở đâu, tại sao, khi nào.” Bởi vì đây là các điều kiện tiên quyết, nhanh và đầy đủ của một bản tin.
Ngồi nghe Thầy Phi giảng thao thao bất tuyệt, Tuấn thích vô cùng và lấy làm tiếc là thầy không dạy thêm nữa. Đây là bài học mà chàng tâm đắc nhất, nó đã dạy cho chàng cách viết lách, làm phóng sự trong giai đoạn biểu tình “dầu sôi lửa bỏng” sau này!
Rồi “thời gian thấm thoát tựa cánh chim bay,” ngày tháng nối đuôi nhau qua mau!
Đầu năm 1991, “group” của Tuấn mới được biết về số phận của mình sau gần hai năm sống vất vưởng ở đây bởi chiều một hôm, Cao Ủy bất ngờ thông báo mời những người trong ghe 246 Elnido ngay bây giờ lên văn phòng của Cao Ủy để nhận kết quả “Thanh Lọc.” Và điều không mong muốn đến cũng đã đến, Tuấn đã “bị từ chối” tư cách tị nạn! Đó là sự khủng khiếp như “tàu vượt biên bị vỡ,” là sự bất hạnh đầu tiên không chỉ của riêng chàng mà của rất nhiều đồng bào trong trại. Thằng Vỹ cũng cùng chung số phận như Tuấn; số phận của các “unaccompanied minors” lúc đó hầu hết đều bị bác (denied) để buộc phải hồi hương đang xảy ra.
Trong khi Tuấn còn đang hụt hẫng, thẫn thờ như bị dội nguyên gáo nước lạnh vào mặt thì ở đằng kia, người ta đang bu quanh chú Tấn, một cán bộ Xây Dựng Nông Thôn ngày xưa. Đây là thành phần bị chính quyền cộng sản rất ghét, luôn bị họ hành hạ, phân biệt và trả thù do từng tiêu diệt hạ tầng cơ sở của họ trong thời chiến, lại bị rớt do Hội Cựu Quân Nhân VNCH lúc ấy quá tin tưởng vào bà Teano. Một phỏng vấn viên luôn rêu rao là rất có cảm tình với cựu quân nhân vì chồng bà cũng là lính để thu hút một số vị tin rằng sẽ được ưu ái khi vào phỏng vấn với bà nhưng sự thật sau này người ta mới biết rằng đó là cách bà “dụ” họ xin được tiếp kiến với bà để bà đánh rớt bởi bà vừa bị chồng ly thân nên đang vô cùng oán hận cựu quân nhân. Từ đó Teano mới có biệt danh “sát thủ với cú đá liên hoàn cước” là vậy! Việc bác đơn tị nạn hàng loạt mà mọi người gọi nôm na là “bị đá” khiến cho chuyện nhận kết quả trở thành nỗi ám ảnh “hãi hùng nhiều tập!”
Đang khi ấy chợt có vô số tiếng hò reo vui mừng inh ỏi lại nổi lên rầm rộ dưới cây me trước sân Cao Ủy, khi thằng Tâm mở thư thanh lọc của mình ra. Nó chỉ cắm cúi nhìn vào hàng cuối để tìm xem có chữ “approved” không nhưng chẳng thấy đâu khiến nó hốt hoảng cho rằng mình đã bị loại thì Thầy Học; có tật ở chân, dạy tiếng Anh ở CADP, đứng sát bên dòm vào và la to:
-Mày đậu rồi!
– Em đậu hả thầy? Trong này đâu có chữ “approved” đâu?
-Nè “granted” nè! “Granted cũng như approved là đậu đấy!”
Tâm mới học tiếng Anh tới lớp 3 nên chẳng hiểu gì nhiều, bây giờ nghe Thầy Hộc nói thế nó mừng quá thét lớn lên và bỗng quay người chạy như bay tới Hang Đá Đức Mẹ gần đó, quỳ xuống lạy sì sụp. Năm ba thằng bạn nhậu của nó cũng chạy theo và nhào tới ôm, xé áo nó quăng lên trời, đoạn công kênh nó lên la hét ăn mừng như thể nó vừa trúng số độc đắc không bằng!
Kết quả của tiến trình thanh lọc cho thấy việc cấp phát quyền tị nạn hết sức tùy tiện, sự hiểu biết sai lệch, hạn chế, không am tường tình hình đất nước Việt Nam dưới thời cộng sản cai trị của nhân viên sở tại khiến cho chuyện thanh lọc người tị nạn trở nên bi hài. Không có tiêu chuẩn hay thước đo nào nói lên được chuẩn mực của vấn đề thanh lọc. Kẻ đậu người rớt khó ai nói được mình tài giỏi hơn ai, nhưng mặc cảm “bị đá” cũng làm cho nhiều người tủi hổ, cảm thấy thua thiệt hay ngu dốt là điều không thể tránh khỏi! Cay đắng hơn là chuyện một người lính từng xông pha trận mạc, ra vào chốn tử sinh, bây giờ lại bị xem là di dân kinh tế, trong lúc một kẻ khác ngày 30 Tháng 04 năm 1975 chỉ là một đứa nhỏ “hỉ mũi chưa sạch” nhưng hôm nay lại được công nhận tị nạn mới thật là đều đáng nói.
Tuấn thức giấc, mở mắt và lấy tay che mặt bởi ánh nắng bên ngoài xuyên qua lỗ hổng trên mái nhà, dọi thẳng vào mặt chàng. Tuấn nằm im lặng, định thần để nhớ lại chuyện ngày hôm qua một lúc lâu mới từ từ ngồi dậy, đầu nhức như búa bổ. Chàng ngó quanh, trên gác im lìm, dưới nhà đồ vật ngổn ngang. Các chai rượu Gin (ác quỷ) đã cạn nằm lăn lóc, chén đũa vung vải tứ tung. Những thằng bạn nhậu đã về từ bao giờ.
Đó là buổi sáng hôm sau mà lần đầu tiên Tuấn say bí tỉ, chẳng còn biết đất trời là gì sau khi bị bác quyền tị nạn! Mấy đứa em trong nhà, những người bạn hàng xóm đã đãi Tuấn một đêm nhậu cho vơi đi “nỗi sầu nhân thế” với rượu đế Gin. Các chai “ác quỷ” này được tụi nó cho xí muội với trái tắc vào khiến ác quỷ trở nên thơm, uống vô chất mằn mặn pha với vị chua tạo nên cảm giác ngọt ngọt khi nuốt xuống tới cuống họng, lai rai với mấy bịch bánh phồng tôm, đậu phộng rang muối, rồi ăn cháo cá…rất “bắt” nhưng say quắc cần câu, xỉn chẳng còn thấy đất trời lúc nào không hay!
Tuấn lạng quạng leo xuống cầu thang, tay vịn vách nhà đi liểng xiểng vào bếp với cổ họng khô rát. Chàng đưa mắt nhìn quanh đoạn vói tay lấy cái can nhựa đựng nước uống trong góc nhà lên lắc lắc. Một tí nước còn đọng lại kêu róc rách. Chẳng nói chẳng rằng, Tuấn giơ cái can nước lên cao, ngửa cổ nốc cạn.
Sau khi đã khát, Tuấn bước ra ngoài, ngồi bệt xuống nền xi măng thở dốc. Bấy giờ chàng mới cảm thấy nóng nực nên vội trở vô trong lấy cái thùng nhựa đi hứng nước tắm. Bước ra ngoài, cái nắng cháy da của mùa hè ở xứ “vô vàn đảo” này chiếu xuống đôi vai trần của Tuấn làm chàng thấy chúng như bị bỏng đi.
Tại nơi hứng nước, nhìn chiếc đồng hồ của con Hương đang đeo trên tay, Tuấn giật mình khi thấy đã hơn một giờ trưa rồi. Hóa ra đêm qua, mấy đứa em trong nhà đã cho chàng nhậu tới “thuyền chìm tại bến” luôn sao?
Đang còn nghĩ ngợi lan man thì bỗng nhiên thằng Miêng đang ngồi với chai rượu Tanduay trên “phi đạo” của Vòi Nước mà thiên hạ gọi nó là Miêng “đời,” bỗng rống lên cực to. Miêng là một thanh niên tật nguyện với đôi chân khuyết tật, phải đi bằng nạng. Nhà nó nằm sát nơi lấy nước này nên những buổi trưa khi trời nắng nóng, nó hay ra ngồi hóng mát ở vòi nước vì chỗ này có mái che, tứ bề trống trơn nên vô cùng thoáng mát.
Nhưng kể từ khi bị bác quyền tị nạn thì nó hay rên rỉ, khóc lóc, chửi bới Sở Di Trú Phi, mắng nhiếc Cao Ủy không tiếc lời. Trưa nay, đang ngồi nhậu một mình thì loa truyền thông đọc bản tin kêu gọi các người “bị đá” nếu đăng ký hồi hương ngay bây giờ thì sẽ nhận được $600 do Cao Ủy trợ cấp để tái hội nhập vì cơ hội kháng cáo thành công rất thấp. Và họ cũng nói thêm là càng chần chờ thì số tiền trợ cấp trên sẽ càng giảm dần theo thời gian… khiến Miêng nổi khùng, gào thét vang rền cả Khu 1.
-Đ. m. tụi này nó luôn đe dọa chớ giúp đỡ gì mình?
Chửi xong nó lại la hét om sòm. Trong cái không khí im ắng giữa trưa ấy thì tiếng của thằng Miêng cứ vang lên lồng lộng. Bất chợt cửa sau của nhà thờ Nữ Vương Hòa Bình bật mở và Cha Crawford bước ra mặt hầm hầm. Chẳng nói chẳng rằng, Cha tiến về phía thằng Miêng và xáng cho nó một bạt tai như trời giáng khiến nó ngã lăn cù. Cha nói bằng tiếng Việt khá rõ ràng tuy là có hơi lơ lớ chút đỉnh với giọng vô cùng tức giận:
-Tại sao con cứ làm ồn không để cho Cha nghỉ trưa hả?
Mọi người đang hứng nước thấy vậy đều hốt hoảng, còn thằng Miêng thì khóc rắm ra rắm rức khi Cha trở vô nhà thờ. Và đó là lần đầu tiên Tuấn thấy Cha giận dữ như thế! Bởi từ ngày đến đây tới giờ Tuấn thấy Cha rất thương người tị nạn!
Tuấn được biết trước 30 tháng 04 năm 1975, Cha Crawford thuộc dòng Vinh Sơn (Vincent) và là cha xứ của nhà nguyện Regina Pacis, tại Việt Nam. Cha từng góp công xây viện mồ côi, dựng xưởng nhỏ đóng giày cho những trẻ “polio” cũng như lập nên nhà nghỉ mát cho các em ở Bãi Dâu, Vũng Tàu. Cha luôn lo, nuôi dưỡng và điều trị các em tại Trung Tâm Phục Hồi Thiếu Nhi Tê Liệt Regina Pacis.
Khi Chiến Dịch Babylift của Hoa Kỳ bị đình trệ, Cha rất quan tâm và lo lắng. Ngài đã âm thầm vận động, giấu Mẹ bề trên, qua mặt chính phủ Mỹ, tìm cách đưa được 42 trẻ em mồ côi “polio” này sang Hoa Kỳ bẳng DC-8 vào ngày 22 tháng 04 năm 1975.
Thế cho nên, việc Cha đánh thằng Miêng (đời) hôm nay là một điều lạ, ngoài sức tưởng tượng của mọi người. Sáng hôm sau, khi Tuấn đi tới hang đá Đức Mẹ đối diện với nhà thờ Nữ Vương Hòa Bình thì gặp chị Ba; người giúp lo dọn dẹp, trông nom vệ sinh cho nhà thờ bước ra. Thấy Tuấn chị ngoắc lại kể lể:
-Hôm qua đánh thằng Miêng xong thì chiều đó Cha tới quỳ gối dưới chân Chúa khóc quá trời khi biết thằng quỷ đó la lối là do mới bị đá. Tao nhìn thấy thương Cha vô cùng!
-Tội nghiệp Cha! Em cũng ngạc nhiên lúc thấy Cha đánh nó vì thường khi Cha rất thương nó. Nó hay xin tiền Cha và Cha cho nó hoài mà!
-Bởi vậy!
-Tính ra, Cao Ủy Tị Nạn này bây giờ thật ác. Những thông báo phát thanh trên loa hằng ngày của họ về CPA, rõ ràng là hành động “khủng bố tinh thần” mình thì đúng hơn.
Nghe Tuấn phàn nàn, chị Ba thở dài và quày quả trở vô nhà thờ. Tuấn lắc đầu, bỏ đi một nước nhưng lòng nghĩ ngợi miên man về “giấc ngủ trưa” mà chàng đã gặp ngày mới tắp đảo !
…Số là, hồi mới tới, Tuấn ghi danh ở CADP để thi xếp lớp tiếng Anh. Sau khi chỉ “yes, no với thank you, sorry” thôi thì chàng được xếp vào lớp hai! Chiều một hôm trong lúc cả lớp đang học, Sơ T. bất ngờ bước vào cùng với vài ba thiện nguyện viên của văn phòng. Sơ mới từ Manila trở xuống đây hôm qua, bữa nay đi thăm trại!
Trong lúc đang thăm và nói chuyện với các “newcomers” thì bỗng có một chị ở Khu 2 chạy vô, khóc la:
-Sơ ơi giúp con, tự nhiên ông Cao Ủy Trưởng kêu an ninh bắt nhốt chồng con với mấy bạn ảnh vô “Monkey House” rồi!
-Hồi nào? Chồng chị làm gì mà ổng bắt?
-Dạ, mới lúc nãy nè sơ. Ảnh đang ngồi trong nhà, không có làm gì hết á Sơ.
Chị ta nói mếu máo, Sơ ngạc nhiên:
-Chị nói lạ? Đâu để Sơ ra coi sao!
hế là Sơ tới “Monkey House,” mọi người rần rần theo sau. Tại cổng chính, Tuấn thấy Ông Jan Top trong chiếc áo sơ mi trắng dài tay, bỏ trong quần tây đen, đi đôi giày bít đen, đeo cặp kính cận đang đứng nói chuyện với những người lính Phi với bộ điệu tức tối. Sơ bước lên bậc thềm chào ông và nói bằng tiếng Anh mà sau đó Tuấn được kể lại như sau:
-Chào Ngài Jan Top. Ông Jan Top ơi, xin Ngài có thể cho biết đồng bào tôi vừa làm lỗi gì mà Ngài nhốt họ vậy, thưa ông?
Thấy Sơ T., Ông Jan Top dịu xuống đôi phần:
-Sơ ơi, ba người thanh niên này ăn nhậu trong nhà, la lối, rồi còn lấy xoong nồi nấu ăn, làm trống, đập phá, ca hát um xùm, không cho ai nghỉ trưa nên người ta phải nhờ tới an ninh can thiệp đấy Sơ.
-Ồ, vậy à. Thôi cảm ơn đã làm phiền ông nha.
Biết được lý do rồi, Sơ đứng nói thêm vài ba câu xã giao với ông đoạn trở bước rời khỏi cổng. Mọi người lũ lượt theo Sơ tới cây dừa trước Nhà May Ban Xã Hội thì ngừng lại. Sơ nhìn mọi người và nhìn chị vợ anh kia nghiêm giọng:
-Cuộc đời này chuyện gì nó cũng có nguyên nhân của nó cả. Có lẽ quý vị ở Việt Nam lâu, sống trong một đất nước luật lệ, kỷ cương lộn xộn nên không biết ở xã hội phương Tây ấy, người ta có một cái “quyền nghỉ ngơi” mà nếu ai phạm phải thì cũng bị coi là vi phạm vào quyền riêng tư cá nhân của người khác, cũng bị ghép tội. Chồng chị và mấy người kia có lỗi, nên Sơ không thể giúp gì được. Thôi để anh ta trong đó học một bài học đi.
Sơ dừng lại giây lâu, đảo mắt một vòng rồi tiếp:
-Ở đây xứ tự do nhưng không có nghĩa rằng tự do là vô chính phủ, vô luật lệ, muốn làm gì thì làm đâu nghe. Quý vị được sống nơi này tuy bây giờ hoàn cảnh có khó khăn thiếu thốn hơn nhưng so với bên nhà vẫn còn sướng chán. Ví dụ đi học Anh Văn miễn phí nè, đi học còn được phát tập vở, bút viết mà sao không lợi dụng cơ hội này để lo học hành mà lại “tu bia” rồi phá phách, gây rối? Ra đường người ta nói thì không hiểu gì hết cứ lắc đầu gãi cổ, khoa tay múa chân chia động từ “tu quơ” có phải nhục nhã không?
Vậy là hôm đó mọi người lại bị Sơ giảng “morale” và được một bài học nhớ đời!
Và đúng như Thầy Trần Phi nói, ở Nhiệm Kỳ Thứ 30, Ông Trần Phước Dũ; cựu đại tá của QLVNCH, đi tù cải tạo hơn mười năm, đã đắc cử chức Chủ Tịch trại. Và Ban Truyền Thông Văn Hóa có một thay đổi nhỏ là thay vì mỗi sáng mở nhạc kêu gọi đồng bào thức dậy chuẩn bị sinh hoạt cho một ngày mới thì bây giờ thế vào đó là tiếng gà trống gáy “te te” đôi lúc nghe buồn cười làm sao!
Sáng sớm một hôm, Ban Truyền Thông Văn Hóa lại không mở loa, phát nhạc như thường lệ nên nhỏ Phượng nhà chàng vốn là một cô gái trẻ, đẹp, ăn mặc rất là “sexy” từ trên gác tư nhân bước xuống để đi phố. Chẳng biết nó có ý gì không mà vừa gặp Tuấn đang đứng dưới nhà nó nói ngay:
-Hôm nay “con gà trống” của bác Dũ không gáy anh!
Câu thắc mắc ấy của nó khiến Tuấn chưng hửng và không nín cười được, chỉ biết dõi mắt nhìn theo con nhỏ mặc cái đầm trắng muốt nhún nhảy đi ra phố, lòng chợt nổi lên một đam mê khao khát đã chìm đắm từ lâu trong muộn phiền, sầu não!
Thời gian cứ trôi theo dòng đời nặng nề nọ. Nhiều hôm Tuấn đứng nơi bờ tường ngăn của trại, mơ màng nhìn ra biển, thả hồn trong vô định. Dõi mắt ra khơi, chàng thấy những con sóng nhấp nhô nhè nhẹ. Và mỗi khi thủy triều xuống, lộ ra một đụn cát lớn tít tắp thật xa, đó là bãi tắm của những thuyền nhân ở trại PFAC.
Cứ thế sinh hoạt thường nhật của người lánh cư vẫn tiếp diễn trong buồn tẻ, lãnh lương thực về nấu ăn, ngủ nghỉ chờ đợi trong vô vọng. Để cho bớt buồn tẻ , giúp cho lắm kẻ đỡ bị trầm cảm người ta đã tổ chức văn nghệ ca hát trong những dịp lễ lạc, tạo ra các phong trào thể dục thể thao như thi đánh bóng chuyền, cầu lông, đá banh…
Thế nhưng có một môn thể thao không cần ai tổ chức mà vẫn phát triển mạnh là hằng ngày cả trăm người kéo nhau ra biển, nhất là buổi chiều, bơi lội, họ tìm đến thiên nhiên, vui đùa với sóng nước như để rũ bỏ bớt các ưu phiền của thế sự, của sự vô vọng về một tương lai mịt mờ!
Có lắm hôm, nhiều thanh niên mang theo banh, chia ra thành đội, lập trận đá chơi trên bãi cát này. Trong khi đó thì có hội đoàn lại hội họp ngoài biển, tạo không khí mới lạ hay đoàn thể khác tổ chức “party” giữa thiên nhiên nhằm thay đổi không khí cho đỡ tẻ nhạt để thu hút hội viên nhóm mình. Dĩ nhiên là cũng không thiếu gì các cặp tình nhân đang yêu lại tìm nơi riêng rẻ, kiếm một chốn riêng tư cho mình giữa một rừng người đang vẫy vùng, nô đùa trong biển mặn. Lâu ngày, nơi đây đã nghiễm nhiên trở thành chỗ vui chơi giải trí cho tất cả người lánh cư.
Cứ vậy, lúc nắng xuống là từng đám trai gái, già trẻ, lớn bé lũ lượt kéo nhau ra đó. Thường thì họ đi “rồng rắn” theo nhóm mà đứng từ trong trại nhìn ra người ta thấy như một vệt đen dài ngút ngàn. Tháng lại ngày qua, họ đi riết đến độ đã tạo thành một “lối mòn khó tin trên biển cả,” lúc mực nước ròng. Người ta có thể thấy vô số mảnh sò vỡ, lẫn lộn với đất đá bên dưới chân mình, trên con đường này. Hai bên lối đi, các đám rong rêu vui đùa ngả ngớn, lập lờ theo con nước. Xa hơn là những bãi xình to lớn đầy nhum hay đồn đột!
Chiều nay, Tuấn và Thùy Trâm lặng lẽ đi bên nhau ngoài “Vườn dừa,” dưới ánh nắng đang nhạt dần của ánh tà dương. Đã hai ngày, Tuấn không đến lớp kể từ hôm bị bác quyền tị nạn và Thùy Trâm cũng không vội vã tìm Tuấn. Nàng biết chàng đang đau buồn và chẳng muốn an ủi chàng bằng những lời vô vị dù rất mong gặp Tuấn!
Tuy nhiên hôm nay, Thùy Trâm đến nhà Tuấn, rủ chàng đi dạo biển nhằm muốn biết dự định của chàng trong các ngày sắp tới.
-Trâm biết hoàn cảnh của anh ở Việt Nam trước khi sang đây rồi đó. Anh ở tù nhiều lần nên không muốn bị bắt nữa do vậy anh nghĩ anh không thể về được!
-Trâm hiểu nên mới đến thăm anh hôm nay, coi anh tính sao? Trâm có thể giúp gì cho anh được chăng? Anh làm kháng cáo chưa?
– Chưa? Tuấn đáp hững hờ.
-Trâm nghĩ anh lo làm ngay đi. Và đó là cách duy nhất để anh có thể tiếp tục ở lại đây hợp lệ về mặt pháp lý.
-Làm chứ, nhưng hiện đang rầu và rối quá chưa biết bắt đầu từ đâu?
-Anh làm đi, càng nhanh càng tốt vì mình chỉ có mười lăm ngày để nộp thôi. Trâm sẽ lo dịch sang Anh ngữ cho anh.
Tuấn quay sang Thùy Trâm. Qua ánh nắng của hoàng hôn dìu dịu chiếu xuống gương mặt ẩn dưới chiếc nón rơm kiểu cách của dân “Parisien” đang hiện lên nét lo lắng, căng thẳng và đôi mắt to tròn, đen long lanh như mắt nai của nàng chăm chú nhìn mình làm Tuấn bống thấy đôi mắt ấy thật đẹp và vô cùng đáng yêu khiến chàng nhất thời đứng yên một đổi, không nói tiếng nào. Dường như nhận ra có điều khác lạ nơi Tuấn, Thùy Trâm hơi bối rối nhưng sau cùng cũng lên tiếng, phá vỡ bầu không khí im lặng xung quanh:
Anh nghe Trâm nói không?
Tuấn gật đầu, thở dài cảm khái, và như cũng vừa trút được gánh nặng của kẻ bị đá khi phải lo chạy đôn chạy đáo tìm người dịch giúp hồ sơ kháng cáo.
-Cám ơn em!
Bởi lúc này tình hình trong trại vô cùng rối rắm vì vô số người bị đá. Những kẻ bị rớt thanh lọc ấy phải chạy đua với thời gian. Hơn nữa có nhiều người cả đời ở thôn quê bên nhà, chưa một lần đặt chân lên phố thị, không được học hành bao nhiêu nên bây giờ chẳng biết phải phản biện lại lập luận bài bác của người phỏng vấn mình ra sao? Lại có kẻ sống suốt mấy mươi năm dài trong hoàn cảnh của gia đình mình ở Việt Nam và tưởng đấy là điều bình thường, đến khi kể cho luật sư hay người giúp đỡ mình thì mới biết rằng đó là một hình thức khủng bố tinh thần hay thể xác hoặc ấy là bị phân biệt đối xử…Do đó việc cần người giỏi lý luận bảo vệ lời khai hay giải thích thêm một cách hợp lý lời khai của người bị rớt thanh lọc hoặc người có khả năng am tường cả hai ngôn ngữ Việt và Anh để giúp đồng bào dịch kháng cáo trở nên vô cùng cấp thiết!
Ngoài ra, việc đánh máy các hồ sơ kháng cáo sau khi đã được dịch sang tiếng Anh cũng là một vấn đề vô cùng quan trọng. Bởi trại PFAC khi ấy chỉ có một “Lớp Đánh Máy” của Liên Hội Đoàn với số máy đánh chữ đa phần là cũ kỹ do hải ngoại gửi cho trước đây nên bấy giờ đứng trước hiện trạng khó khăn này đã trở thành một vấn nạn to lớn. Phần khác, các vật dụng cần thiết để đánh máy như giấy má, stencil, ribbon mực cũng cần phải có, mà tài chính của lớp do CADP chu cấp hàng tháng không đủ để phục vụ. Đặc biệt là nhân sự có khả năng đánh máy giỏi cũng là một điều cần thiết. Lúc bấy giờ tất cả các thầy cô như anh Hưng, trưởng Lớp Đánh Máy, Tuân, Phương, cô Kim Lan, Kiều Dung… đã phải vất vả ngày đêm để lo đánh máy giúp người lánh cư cho kịp nộp kháng cáo đúng thời hạn. Và dĩ nhiên là máy móc sử dụng nhiều dễ bị hư, vì thế các ngày đó người ta thấy chú Trương và thằng Mành, phụ trách sửa máy đánh chữ, luôn loay hoay trước bậc thềm của lớp, vật lộn với mấy chiếc máy đánh chữ hư để làm sao có đủ máy phục vụ cho nhu cầu kháng cáo.
Thời kỳ này, nếu đi ngang Lớp Đánh Máy dù ngày hay đêm, người ta cũng thấy đèn đốm lúc nào cũng sáng choang và tiếng máy đánh chữ kêu lóc cóc, khua rào rào bên trong. Sự cố gắng làm việc của mấy anh chị em ở đây cũng phải ghi nhận là một sự hy sinh âm thầm, đáng trân trọng!
Từ khó khăn đó, Hội Đồng Đại Diện Nhiệm Kỳ 30 đã có các cuộc họp khẩn cấp với Cao Ủy để buộc họ thực hiện trách nhiệm bảo vệ người lánh cư của mình. Nhờ thế mà Ban Kháng Cáo do anh của Hân “chùa’ là anh Khanh làm trưởng ban đã ra đời. Những người bị bác quyền tị nạn có thể đem hồ sơ của mình lên nhờ Ban Kháng Cáo làm giùm. Tại đây có các người chuyên lo giúp đỡ pháp lý để phản biện lập luận của phỏng vấn viên, bảo vệ lời khai, chứng cứ của người lánh cư…Khi hoàn tất hồ sơ, họ gọi thân chủ lên xem xét lại. Nếu người bị đá đồng ý với những gì người giúp đỡ trình bày rồi thì hồ sơ sẽ được chuyển qua bên dịch thuật. Bộ phận này thường do một số người Việt làm thiện nguyện ở văn phòng Cao Ủy đảm trách. Và cứ mỗi một trang đánh máy được dịch sang tiếng Anh như thế, Cao Ủy sẽ trả 5 Pesos. Do vậy một số anh chị em thông dịch kia ngoài chuyện giúp đồng bào ra thì cũng kiếm thêm được chút đỉnh thu nhập cho cuộc sống!
Trả lời Thùy Trâm xong, Tuấn lại đưa mắt ra ngoài, ngắm mặt nước biển gợn lăn tăn dưới sắc nắng vàng, cam, đỏ, tím, làm thành các con sóng nhỏ nhuốm màu ngũ sắc thật đẹp, trong im lặng. Đoạn chàng nhìn lên bãi cát trắng chạy ngút ngàn, mịn như nhưng mà nếu không bị những dề rác rến tấp vào làm hoen ố thì có thể nói rằng bờ cát không một nếp nhăn này sẽ như tấm thảm to lớn vô cùng tuyệt vời dưới bàn tay của Đấng Tạo Hóa mà nên! Cứ vậy cả hai bước đi chậm rãi trên bãi cát mát lạnh dưới chân, hít thở gió biển trong lành, lòng nghe xôn xao.
Chợt một chiếc “cào cào” từ ngoài khơi, rẽ sóng chạy thật nhanh vào bờ và ngừng lại xa xa, gần mái nhà tranh được dựng trên mấy chiếc cọc cây khá cao. Người đàn ông Phi ở trần trùng trục, nước da đen bóng, đầu chít chiếc khăn rằn ri xanh đỏ, bước xuống, đưa một con cá khá lớn cho người phụ nữ vừa từ trên chòi lá bước ra với một thằng nhóc ba bốn tuổi trần truồng như nhộng mà Tuấn đón là vợ con của anh ta, đoạn trở lên “cào cào” phóng đi mất!
Người Phi trên đảo Palawan này, sống cuộc đời chân chất, vô cùng đơn giản. Muốn ăn cá, họ chỉ ra biển bắt đủ ăn thôi. Họ bảo rằng biển cả của họ mênh mông đầy tôm cá Chúa cho, nên cứ để dành trên biển và chỉ bắt khi cần. Đó là sự suy nghĩ vô cùng nhân bản về ý nghĩa của tình yêu thương muôn loài, là lối sống thường nhật của dân chúng Phi mà Tuấn biết thêm ngày sau khi làm bạn với người bản địa nơi này!
Đang khi chàng còn nghĩ ngợi lan man thì bỗng một ngọn gió thật mạnh nổi lên, thổi bật chiếc nón rơm Thùy Trâm đang đội bay xuống biển. Thế là hai đứa vừa la, vừa hò hét chạy theo chiếc nón bị gió đẩy trôi lặng lờ trên mặt nước một khoảng khá xa mới lượm lại được.
“Nỗi buồn muôn thuở” của Tuấn tạm thời biến mất theo chiếc nón bay trong gió. Tuấn lắc lắc chiếc nón mấy cái thật mạnh rồi rũ rũ cho bớt nước mới đội lại cho Thùy Trâm. Tuy nhiên vài giọt nước biển vẫn còn, rơi xuống má và chảy dài xuống cổ làm nàng rùng mình, rụt đầu lại cười nắc nẻ như trẻ con làm Tuấn cũng vui lây. Trong phút giây ngắn ngủi đó chàng bỗng thấy người con gái trước mắt đẹp và dễ thương chi lạ. Bất chợt chàng đưa tay vuốt giọt nước còn đọng trên má Thùy Trâm. Nàng đứng yên không tránh né. Cả hai nhìn nhau không nói gì nhưng ánh mắt sáng ngời, kỳ lạ của họ như nói lên tất cả.
-Thôi mình vô đi anh, trời sắp tối rồi!
Thùy Trâm đánh tiếng phá vỡ sự im lặng. Đi cạnh nhau, chẳng mấy chốc đã tới cổng. Tuấn cảm thấy con đường này hôm nay sao ngắn quá. Chia tay trước văn phòng CADP xong, Trâm cúi đầu bước nhanh không nhìn lại. Đứng giữa bãi đất trống rộng thênh thang trước nhà, Tuấn ngửa mặt trông trời, từng đám mây với lắm màu sắc của hoàng hôn đang quyện vào nhau làm thành nhiều hình thù kỳ dị như những con quái thú đang nhe nanh múa vuốt, chực chờ vồ lấy chàng!
Trên chiếc chõng tre, sát cánh cửa sổ thật lớn được mở lên tại “quán bán than” của Liêm nơi ngã ba Quốc Tế ở trại, Tuấn cùng bốn, năm thằng khác đang ngồi đấu láo rôm rả, tranh cãi sôi nổi về tình hình thanh lọc. Tín ngó Trung (ròm) nói trong sự tức tối:
-Cái thằng phỏng vấn tao là luật sư trẻ măng, mới ra trường. Tên nó là Alvin, em của bà bác sĩ Cory bên phòng y tế IOM ấy. Thằng luật sư này “đéo” hiểu gì chuyện Việt Nam hết mà cũng phỏng vấn thanh lọc mới chết mẹ chứ.
-Sao mày biết nó em bà Cory?
Tuấn giương mắt hỏi Tín. Nó đáp:
-Sau này em tình cờ đi khám bệnh thì gặp nó đang nói chuyện với bà Cory trước bệnh xá. Khi bà Cory khám cho em, em dò la tìm hiểu thì bả nói nó là em bả đó anh!
Thằng Trung (ròm) chen vô:
-Mà ông khai thế nào để nó đá ông?
-Tao nói ba tao ngày xưa là nhân viên Sở Mỹ. Tao có trình giấy tờ của ba tao cho nó xem đàng hoàng chớ bộ. Và tao nói vì vậy sau ngày 30 Tháng 04 năm 1975, nhà tao bị liệt vào diện phải đi vùng Kinh Tế Mới! Nhưng má tao nhất quyết không đi, nên vô cùng khó khăn với chính quyền địa phương. Bởi nhà tao bị chỉ định chỗ ở, đó là lý do tao phải ra đi vì không được tự do cư trú mà thằng Alvin không chịu.
-Làm sao mày biết nó không chịu? Tuấn thắc mắc.
-Nó lắc đầu hoài. Đoạn nó hỏi em “má mày không đi thì gia đình mày có bị gì không?” Em trả lời là hết ngày này sang ngày khác, công an khu vực, hội phụ nữ, bí thư phường, tổ trưởng tổ dân phố cứ tới “vận động,” kêu gọi liên tục. Họ chẳng chiêu dụ, nói ngọt nữa thì quay ra răn đe, hăm dọa đủ điều.
-Hăm dọa thế nào? Nó vặn vẹo tiếp.
Em trả lời thằng Alvin:
-Nhiều bữa, nhà tao chuẩn bị ăn cơm tối thì tụi nó lại đến điều tra này nọ. Hỏi anh tao và tao đang làm gì? Má tao nói với bọn chúng là “tao là học sinh còn đang đi học. Anh của tao; nguyên là trung sĩ của VNCH, bây giờ đang đi làm. Đạp xích lô chưa về,” thì thằng Tư “thẹo” bí thư phường cho rằng “Đó không phải là đi làm. Đi làm là phải tăng gia sản xuất, phải làm ra của cải vật chất. Đạp xích lô không phải là lao động chân chính. Theo thuyết ‘duy vật biện chứng’ của Chủ Nghĩa Cộng Sản, đó là ăn bám!”
-Ăn bám gì đâu? Con tôi đáp xích lô cũng đổ mồ hôi, sức lao động ra chở theo yêu cầu của khách hàng, chứ có phải khi không lấy tiền người ta đâu!
-Không, đối với người cộng sản chúng tôi, đấy không phải là lao động chân chính. Anh ta không chịu đi lao động sản xuất mà dựa vào xã hội này để sống, vậy là ăn bám xã hội này bà hiểu không? Nếu bà không chấp hành đi KInh Tế Mới thì sau này đừng trách chúng tôi!
Vậy là má em nổi điên với cái lý luận vô lý kia, cãi cọ um sùm lên với thằng nọ. Từ đó má em nghĩ phải cho tụi em ra đi thôi vì không thể nào sống được dưới sự hà hiếp của bọn “cường hào, ác bá mới” này được. Riêng em thì em bảo đó là hình thức trấn áp tinh thần nhưng cái thằng quỷ Alvin chẳng nghe. Nó nhìn em với ánh mắt sắt lạnh, hạ giọng nói nhỏ nhưng chắc như đinh đóng cột:
-Họ hăm dọa mà gia đình mày không đi rồi thôi và vẫn sống được tới lúc mày trốn thoát, đâu có bị gì thì đó không phải là đàn áp. Đó chỉ là sự ngược đãi nhưng chưa tới độ nguy hiểm đến tính mạng nên không thể coi là lý do chính đáng để tao cho mày quyền tị nạn được. Mày khai như thế này thì chỉ có Chúa mới cứu nổi mày thôi!”
Thằng Liêm buột miệng chửi thề:
-Đ. m. tự do cư trú là một điều khoản của Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế về Nhân Quyền mà thế giới tự do đã minh định vào năm 1948. Và thằng Alvin đồng ý với điều mày nói là gia đình mày không được tự do cư trú thì có nghĩa là mày đã chứng minh được khoản này thì mày phải được quyền tị nạn chứ?
Im lặng một hồi khá lâu, Liêm chép miệng kêu cái chóc, mỉa mai:
-Tuy nhiên, khổ một nỗi là thế giới tự do bây giờ đã thay đổi suy nghĩ về thuyền nhân rồi nên mình có nói “chó” gì tụi nó cũng không chịu nghe. Biết sao bây giờ?
Đoạn cả đám lại bàn tán tới chuyện làm kháng cáo khó khăn hiện tại trong lúc ngoài đường thiên hạ cứ tấp nập đi lên Sân Khấu Trung tâm, đi xuống dưới Tượng Đài Đức Mẹ Maria gần cây điệp ở các Khu 7, Khu 8 như mắc cửi. Họ đi như đang sống trong chốn bình yên không có gì xảy ra!
Bên kia đường, đối diện với quán bán than, nắng đã chiếu qua khỏi cái ống cống thật to ở đầu Khu 5 báo hiệu chiều sắp tới. Thằng Sanh chợt nhảy xuống khỏi cái chõng tre, la to:
-Thôi mệt quá, đi kiếm “thuốc bổ” uống đi!
Nghe thế, Liêm ngó chiếc đồng hồ điện tử đang đeo trên tay rồi tiếp:
-Ủa, gần năm giờ rồi à?
Vậy là cả bọn lục tục kéo ra cho nó đóng cửa quán để lo về đi lễ nhà thờ. Cả Sanh với Liêm đều là người công giáo và thời gian này bên Nhà Thờ Nữ Vương Hòa Bình vừa có thêm một Cha mới từ bên Mỹ qua giúp lễ, lo mục vụ cho người công giáo ở trại. Đó là Linh Mục N.T. T. mà sau này người ta còn biết Ngài cũng là một nhà văn với bút hiệu N. T. T.. Cái bút hiệu Cha chọn đối cả chữ lẫn ý với tên do cha mẹ đặt cho đủ nói lên đức tính khiêm nhường của một tu sĩ chân chính!
Kể từ khi Cha hiện diện ở đây, những bài giảng của Cha trong mấy buổi lễ không chỉ là các bài học đáng nghiền ngẫm mà còn là kim chỉ nam không những cho người công giáo mà còn cho cả đồng bào ngoại đạo nơi này nữa. Các bài giảng ấy như những chiếc phao cứu sinh cho người sắp chết đuối, là liều thuốc chữa trị căn bệnh tị nạn trầm kha, là ngọn đuốc soi sáng cho nhiều người đang trong đêm đen tăm tối, là sự lạc quan để những kẻ đang tuyệt vọng lên tinh thần, thấy được ý nghĩa của cuộc đời mà vững tin vào Chúa để sống vì vậy lâu dần những người đang bị bác quyền tị nạn, buồn nản mới ví von “đi lễ nhà thờ nghe Cha giảng là đi tìm thuốc bổ uống!” Đấy là lý do Nhà Thờ Nữ Vương Hòa Bình luôn luôn có đông đảo con chiên trong các buổi thánh lễ là vậy!
(còn tiếp)
“Tình xưa rực nắng thu vàng” của tác giả Triều Phong được đăng nhiều kỳ trên SGN mỗi Thứ Bảy và Chủ Nhật hàng tuần. Mời quý độc giả đón đọc.