Trại PFAC sau hai lần biểu tình phản đối thanh lọc bất công dữ dội với những cuộc tuyệt thực, mổ bụng tự sát mà dường như cái CPA quái quỷ kia vẫn bất di, bất dịch thì đã trở nên vàng phai mấy độ!
Khoảng độ năm, sáu tháng sau lúc xổ số phát ra anh Năm có kết quả và “đậu” thanh lọc như hy vọng. Rồi ngày lên đường chuyển trại đi Bataan, định cư không còn xa. Tối một hôm trước ngày đi anh dẫn Tuấn và hai vợ chồng Bằng ở sau lưng nhà lên quán chị Tấm, má của Kim Hồng, nhậu như để chia tay và cảm ơn chàng luôn.
Chị Tấm là người đi cùng ghe với anh do đó anh hay “nhậu trước và trả tiền sau” ở đây. Tối hôm ấy sau khi mỗi đứa đã “quất” ba bốn ve San Miguel rồi anh Năm Hoàng mới xả cảng nhiều thứ hơn. Anh nói qua hơi men:
-Ở Long Xuyên gia đình anh theo đạo Phật Giáo Hòa Hảo. Năm 1972 tao được mười bảy tuổi, hôm đó hổng nhớ rõ vụ gì mà ông già anh bảo tao lớn lên chẳng làm được quái quỷ gì cả. Quê và tự ái, tao bỏ nhà lên Sài Gòn đi bụi luôn.
-Ghê vậy! Thằng Bằng nói xen vào.
-Ừ, tao thề với ổng là nếu không thành công tao sẽ không bao giờ trở về. Thế rồi tao ở Saigon vừa làm lung tung vừa học thêm ở trường bán công rồi đậu Tú Tài 2, vô đại học Vạn Hạnh học tới khi 30/04/1975. Sau khi “xập rạp,” tao ở lại đây làm công nhân cho một công ty quốc doanh xăng dầu rồi bò từ từ lên cuối cùng là phó giám đốc của một công ty dầu khí ở Vũng Tàu cho đến trước khi vượt biên.
Mọi người ồ lên và vỡ lẽ hèn chi mà anh chẳng giàu? Anh tiếp:
-Có nhà ở Saigon, có vợ, có con đàng hoàng rồi mười một năm sau tao mới trở về thăm ông già.
Câu chuyện chợt ngừng lại khi chị Tấm mang ra thêm một tô xí quách làm mồi. Hớp một ngụm bia, gắp một cọng hành trần bỏ vô miệng và húp một muỗng nước, mỡ béo ngầy ngầy trôi xuống tới cuống họng nghe đã làm sao, Tuấn hỏi:
-Ba anh thấy anh, ổng có nói gì hôn?
Anh Năm tặc lưỡi:
-Ổng đâu nói gì đâu. Còn tao sau mười mấy năm thấy ổng già nhiều, tóc bạc phơ, lưng còng xuống tao cũng nghẹn ngào. Hai cha con ôm nhau không nói tiếng nào như chưa có gì xảy ra. Vậy thôi! Từ đó tao hay về thăm ổng và mỗi lần về tao hay tạt qua Long An thăm thằng bạn thời đại học luôn. Thằng quỷ này sau 30/04 trở về quê sống, làm chủ nhiệm hợp tác xã gì đó không biết. Lần cuối tao ghé tới nhà thì vợ nó nói nó bị bắt, bị ghép tội tham ô tài sản gì đó, không biết. Nhưng vợ nó bảo nó bị oan, bị cấp trên gài bẫy.
Anh Năm Hoàng ngừng lại cầm chai bia đưa lên môi bỗng chợt dừng lại nói với Tuấn như sực nhớ ra:
-À, thằng này cũng Cao Đài đó mày!
Tàn cuộc tiệc chúng tôi ra về. Lúc này trời đã khuya, vắng hẳn người qua lại. Trong lúc chân đi đá liêu xiêu anh Năm tiếp tục kể uyên thuyên “khi làm ở công ty dầu khí, phe của anh có nhiều phi vụ mua bán làm ăn lắm. Nhờ vậy mà tiền bạc đối với anh kiếm không khó. Năm 1990, nhóm anh “hốt một vố lớn,” kiếm khẳm bạc! Gần cuối năm anh đánh hơi thấy có mồi bị đổ bể lúc tổng công ty bắt đầu cho người xuống chỗ anh điều tra nên dzọt luôn!
Con vợ thằng Bằng chợt “ồ” lên, cười cười như khám phá ra điều mới mẻ:
-A, em hiểu rồi!
Mấy hôm sau có dịp gặp nhau nói chuyện. Bọn Tuấn đúc kết lại mọi việc và biết rằng sau phi vụ to tát kia, lúc nhắm thấy cái mồi sắp bị “vô hộp,” anh Năm Hoàng để tiền lại cho vợ con và xuống tàu dông mất!
Thằng Bằng ngẫm nghĩ rồi nói vào tai Tuấn:
-Hèn chi ảnh hỏi ông kỹ cái vụ Cao Đài là để sắp xếp câu chuyện dính vô người bạn ở Long An của ảnh đó ông nhớ hông?
Tuấn gật gù làm thinh. Thời gian tựa áng mây bay! Sau này vào năm 2008, Tuấn có dịp sang Canada và ghé Toronto thăm anh thì mới nghe anh Năm nói thêm khi chàng gợi lại chuyện cũ “là lúc ấy anh đem người bạn ở Long An của anh vô vụ án Cao Đài mà Tuấn kể với anh, vì vậy anh bị chính quyền nghi ngờ khi anh tình cờ ghé thăm hắn khiến anh lo sợ bị bắt. Đó là lý do anh ra đi dù anh chung $4.000 rồi!” Trên đường trở về Mỹ, Tuấn nhủ thầm “bởi thế hồi đó thuyền nhân lên án Chương Trình Thanh Lọc tư cách tị nạn của người lánh cư này không bao giờ công bằng cũng không sai!”
Trở lại chuyện trại thì qua Tết năm Giáp Tuất 1994, Ban Quản Đốc (OIC) giải tán Khu 1 và 2 cũng như hai Khu 11, 12 ở phía trên. Vài tháng tiếp theo, Cao Ủy Tị Nạn PFAC chính thức đóng cửa Văn Phòng Cao Ủy, IOM, CFSI và cắt lương thực của người lánh cư luôn. Nước thì mỗi ngày có xe chở vô phân phối cho từng khu theo một giờ giấc cố định chớ không còn cung cấp ở các “vòi nước” như xưa nữa.
Rồi Tuấn được Sư Cô Thích Nữ D. T. cho vào ở Chùa Vạn Đức, làm phụ tá cho cô. Từ đây Tuấn thường liên lạc và viết tin cũng như kêu gọi sự hỗ trợ của các hội đoàn, đoàn thể Người Việt hải ngoại những lúc cần kíp. Đó là lý do tại sao Chùa Vạn Đức là nơi Tuấn đã tá túc, dung thân trong những tháng ngày cuối cùng ở quãng đời tỵ nạn của mình.
Và Chùa Vạn Đức, nơi từng có nhiều dịp may đón tiếp những vị cao tăng như Thượng Tọa Thích Phụng Sơn từ Mỹ sang thăm, Thượng Tọa Thích Quảng Ba bên Úc tới viếng, Hòa Thượng Thích Giác Lượng trở về….rồi không biết tự bao giờ đã trở thành nơi lãnh đạo các cuộc biểu tình chống thanh lọc bất công sau đó.
Như một chứng tích của lịch sử thuyền nhân tị nạn ở PFAC, chùa đứng đó thi gan cùng tuế nguyệt, ngày thì gồng mình chịu đựng dưới nắng nóng như lửa đốt hay hứng các cơn mưa như trút nước, đêm thì trân mình trong gió lạnh từ biển cả thổi vào như chia xẻ với người tị nạn những mảnh đời gian khổ trên bước đường lưu vong không nhà. Chùa nghèo tới mức không có lấy một cái chuông cho đúng nghĩa chứ nói chi tới Chuông Đại Hồng Chung để ngân nga trong khói lam chiều, hay có hồ sen để người ta có thể ngửi được “hương sen” lan tỏa mỗi khi gió lên hoặc đắm chìm mộng mơ trong sương mờ, mà chùa chỉ có một cái trống da tầm thường, một cái chuông tự chế bằng cách cắt lấy phần đầu của vỏ chai Oxygen rồi dùng một sợi dây quấn lấy cái van (valve) đoạn treo lên và cột thêm lên đó một thanh sắt tròn nhỏ cở ngón tay dùng để đánh chuông mà thôi.
Dù vậy, Tuấn vẫn có một cuộc sống vui vẻ hài hòa ở đây với các anh chị em trong Gia Đình Phật Tử Quảng Đức. Họ đa số rất hiền lành và dễ thương. Thời gian này nhiều khi Tuấn cảm thấy cõi lòng có phần thanh tịnh bớt buồn lo hơn vì tâm tịnh chính là căn nguyên để giải trừ các phiền não, sầu lo, trước một tương lai mịt mờ, tăm tối.
Tuy nhiên khi vào chùa ở rồi chàng mới biết được rằng dù đã có nhiều sửa sang, cải thiện từ nhiều năm trước nhưng vì là chùa trong trại tỵ nạn nên Chùa Vạn Đức vẫn còn nghèo nàn và đơn sơ lắm!
Sống trong chùa một thời gian, Tuấn tò mò tìm hiểu và được biết Chùa Vạn Đức do Hòa Thượng Thích Giác Lượng dựng lên năm 1981, khi Ngài vượt biển đến trại tị nạn PFAC (The Philippine First Asylum Camp) lúc còn là Đại Đức, trước khi Ngài trở thành Viện Trưởng Viện Hành Đạo Tăng Già Khất Sĩ Thế Giới sau này tại Hoa Kỳ.
Ngày ấy để có chỗ cho phật tử thờ phượng cúng bái, sinh hoạt tôn giáo Thầy Thích Giác Lượng đã được sự hỗ trợ của Sơ L.T.T., những Cha bên Nhà Thờ Nữ Vương Hòa Bình, các tôn giáo bạn, giúp đi xin cây, ván… khắp mọi nơi để xây cất thành Chùa Vạn Đức. Chùa nằm trên một mảnh đất trống gần cổng chính của trại sát với Coffee Shop.
Trải qua bao năm tháng, theo làn sóng người tị nạn đổ tới ngày càng đông, chùa cũng hoàn thiện dần dần để có được một ngôi chùa tươm tất hơn với hàng dậu phía trước, kẽm gai bao bọc ở sau, cửa sổ là lớp song bằng nẹp cây để lấy ánh sáng từ ngoài vào. Mái Chùa thì được lợp bằng tôn (tôle). Bên trong có một chánh điện khá lớn, lúc nào cũng gọn gàng, sạch sẽ, trang nghiêm với tượng Phật Thích Ca ngự uy nghi trên bục thờ. Phía sau hậu điện là bàn thờ có bức phù điêu to lớn hình Đạt Ma Sư Tổ cùng các đĩa hoa quả. Sát hàng song thông gió gần đó có kê một bàn thờ “linh” cùng nhiều hủ tro cốt và hình ảnh của người quá cố được người thân gửi lên thờ ở Chùa. Bên kia, cạnh lối đi thông ra sau có một phòng họp, một “workshop.”
Dưới hậu điện có mấy phòng cho phật tử sống trong chùa, lo phật sư và một nhà bếp với một hồ lớn chứa nước nấu ăn. Ngoài sau, bên hông chùa có hai cái gác. Đây là các am dành cho sư thầy, sư cô, đã xuất gia sống và tu hành, hướng dẫn phật tử kinh kệ, tu học phật pháp…
Rồi Mùa Vu Lan lại về, chùa vẫn tưng bừng tổ chức đại lễ cho phật tử trong trại. Ngoài chuyện tự do tín ngưỡng, đây còn có thể xem là nếp sinh hoạt tinh thần với nét văn hóa truyền thống của Phật Giáo Việt Nam ở nơi này.
Ngay từ sáng sớm, khi ánh dương quang chỉ mới lấp ló ngoài khơi xa, trời còn chưa sáng hẳn thì Sư Cô D.T. đã thức dậy để cùng các nữ phật tử lo nấu nướng. Bên phía “workshop” thì anh T., Phó Ban Đại Diện Chùa, vốn là một nghệ nhân từ khi còn ở Việt Nam nên anh rất tài hoa với một đôi tay vô cùng khéo léo, đã lục tục khiêng mấy tấm ván ép ra sơn phết, vẽ vời để trang trí cho buổi lễ.
Trong khi ấy thì ở trong phòng anh K., người rất giỏi về điện, chuyên lo phụ trách về điện đốm, đèn đuốc cho chùa lại đang loay hoay sắp xếp đống dây nhợ để mang đi giăng mắc mái chùa. Cũng cần phải nói thêm, dù là dân kỹ thuật nhưng anh K. đã làm một bài thơ đầy xúc động, bày tỏ nỗi niềm thương mẹ già ở bên nhà của đứa con xa quê mà Tuấn còn thuộc nằm lòng tới hôm nay. Đó là bài “Tha Hương Nhớ Mẹ!”
“Thu về, hoa sứ trắng sân chùa
Nắng vàng chen lá đổ lưa thưa
Chuông ngân động nhẹ trầm hương tỏa
Chiếc lá vàng rơi nặng mấy mùa
Phút tiễn con đi mẹ héo gầy
Bâng khuâng không nỡ, mẹ cầm tay
Buồn quăng khúc ruột xa ngàn dặm
Tiếng thời gian có tiếng xum vầy
Bao nhiêu rồi giọt lệ
Bao nhiêu rồi cơn mê
Ngày về còn xa thẳm
Còn xa lắm mẹ ơi…
Ngày đưa tiễn đã hoa râm tóc mẹ
Buổi con về lưng mẹ có còng thêm….
Con mong tin mẹ đã mấy mùa
Mấy mùa thu thiếu gió heo may
Mấy mùa con muốn về bên mẹ
Để được nâng niu…. như những ngày thơ….”
Khi trời sáng hẳn, các anh em trai trong Gia Đình Phật Tử Quảng Đức bắt đầu cùng nhau dựng sân khấu ca nhạc nơi khoảng đất trống trước sân, sát hàng rào với Coffee Shop thì Tuấn cũng theo ra hụ hợ làm “thợ vịn” hoặc phụ với anh T. vẽ vời, cắt giấy trang trí cho ngày lễ nếu anh cần, vì ngoài việc biết viết lách chút đỉnh ra Tuấn chẳng có khả năng chuyên môn nào khác!
Tới gần trưa thì Bảo chơi guitar, Bo chơi base, Phục phụ trách organ ở các khu lần lượt kéo tới chùa để cùng Mai; tay trống nhí đang sống tại đây, là các thành viên trong ban nhạc của trại tập dợt văn nghệ cho các anh em phật tử. Trong lúc mọi người vô cùng bận bịu thì một số em trong gia đình hay trong Ban Oanh Vũ lại tất bật xuống Đoàn Quán của gia đình gần Ban Lương Thực để tập văn nghệ, múa hát vì chùa không đủ chỗ!
Đứng từ ngoài đường nhìn vào, người ta có thể thấy ở phía bên phải của sân trước có hai cây bông “Sứ cùi” mà lâu ngày tàng của nó đã che kín một khoảng không gian rộng lớn đến độ mỗi bận thu về, hoa sứ rơi trắng cả sân. Dưới gốc cây này có hai băng đá bằng xi măng do Đại Đức Thích Tâm H. xuất tiền “ cúng dường” cho chùa khi đậu thanh lọc tức là được Sở Di Trú Phi cấp quy chế tỵ nạn. Bên trái có tượng Phật Bà Quan Âm cao lớn đứng sừng sững giữa trời, lặng lẽ theo năm tháng. Nơi đây cũng có một cây sứ to và hai băng đá. Sau lưng tượng Phật Bà là bức tường xi măng dùng để ngăn sân trước và sân sau.
Trên mặt sau của vách tường này có tạc một tượng Phật Thích Ca đang nằm (Phật Nhập Diệt) mà vào mỗi dịp lễ, phật tử thường tới các nơi đây để chụp hình lưu niệm. Dưới khoảng sân này, có trồng một cây Bồ Đề, theo bước chân người tị nạn nó to lớn dần và là chỗ trú ngụ cho chim muông khi xuân về, hè đến. Năm 1990, Ban Trị Sự phá bỏ hàng rào cây và thay vào đó bằng một hàng rào xi măng với những bông gió hình hoa sen xung quanh khuôn viên chùa, có cổng Tam Quan với hai lối đi dành riêng cho Thiện Nam, Tín Nữ hẳn hoi khiến cho chùa trở nên biệt lập, khang trang giữa các dãy nhà lá xập xệ mục nát ở trại.
Ngoài ra, người ta còn đúc thêm một cái lư to lớn đặt giữa sân chùa mà những lần lễ lạc phật tử trong trại tề tựu về đốt hương, khói tỏa nghi ngút, làm cho chốn thiền môn thêm phần tôn nghiêm, linh thiêng bên trời thế tục.
Nhưng hôm nay đây, Tuấn biết trong tận thâm tâm mọi người, ai cũng có nỗi buồn sâu kín của thân phận kẻ bị bác quyền tị nạn nên việc tổ chức cũng có phần gượng ép chứ không còn hăng say như các năm trước khi vừa mới tới nữa.
Vừa làm Tuấn vừa suy nghĩ miên man. Chàng nhớ “Vu Lan đầu tiên năm chàng vừa đặt chân đến đây, Tuấn đến Chùa Vạn Đức tham dự lễ trong sự hân hoan và thương cảm nhớ về Mẹ; người đã chín tháng cưu mang, đẻ đau xé thịt, nuôi tôi suốt bao năm trời mà chàng đành bỏ lại sau lưng khi ra đi vượt biển tìm tự do.
Tuấn còn nhớ năm đó chùa đã tổ chức lễ vô cùng trọng thể. Ban Trị Sự cho giăng một tấm màn che nắng thật lớn trên cao, đặt các hàng ghế san sát nhau trước sân chùa, dưới hai cây cao cạnh bậc tam cấp của chánh điện để sẵn sàng cho quan khách tới tham dự. Đàng kia trước tượng Quan Âm có một sân khấu đã được các em trong Gia Đình Phật Tử Quảng Đức dựng lên từ chiều hôm trước. Bên trong, chánh điện được trang hoàng thật đẹp với đèn đóm sáng choang, hoa quả đầy bàn. Cờ phật giáo được treo khắp nơi, phất phơ bay trong gió như hoan hỉ theo ngày Lễ Mẹ.
Từ sáng sớm cổng chùa đã mở và mọi người tất bật vào ra. Trong chùa, không khí tưng bừng nhộn nhịp, tiếng nhạc đạo được phát ra từ hệ thống loa thật lớn. Khi mặt trời ở biển lên cao qua khỏi các mái nhà tị nạn, ánh dương quang của một ngày mới bắt đầu, rọi các tia nắng mai xuyên kẻ lá tạo nên những hoa nắng nho nhỏ, mềm mại rơi xuống sân chùa thì cũng là lúc quan khách cùng đồng bào phật tử ở các khu lục tục kéo đến. Chẳng mấy chốc Chùa Vạn Đức đã chật cứng từ trong ra đến ngoài.
Nhìn trong số khách mời tới tham dự lúc ấy Tuấn thấy có vài người mà chàng mới được biết như Cao Ủy Trưởng Tỵ Nạn; ông Jan Top Christensen, Giám Đốc Cơ Quan CADP (The Center Assistance for Displaced Persons;) Sister L.T. T., Fr. Crawford; người Mỹ của Nhà Thờ Nữ Vương Hòa Bình, Hiệu Trưởng trường HTC (The Holy Trinity College;) Sister Tomasa, Ông Rodriguez; sĩ quan quân đội Phi Luật Tân, Trưởng Phòng OIC đồng thời cũng là Trưởng Trại PFAC, Trưởng Ban Điều Hợp của Văn Phòng IOM (The International Organization for Migration) ông William Barriga, cùng mấy vị đại diện cho các tôn giáo bạn như Tin Lành, Cao Đài, Hội Vô Vi, và Chủ Tịch Cộng Đồng Người Việt Tỵ Nạn PFAC Nhiệm Kỳ 28 ông Nguyễn Đức Bạn với rất nhiều trưởng ban, phó ban, thiện nguyện viên người Việt cũng như ngoại quốc của các ban nghành đoàn thể khác.v.v…đã có mặt trên những hàng ghế kê sẵn.
Sau phần mở đầu chào mừng quan khách của Thượng Tọa Thích Tâm Hòa (hiện nay Thầy đang ở Mississauga-Canada,) Chánh Đại Diện Chùa Vạn Đức, Trưởng Ban Đại Diện Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại Palawan-Philippines trực thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Hoa Kỳ xong, Thầy bắt đầu nói tới mục đích và ý nghĩa của buổi Lễ Vu Lan. Cũng như Tuấn, hàng trăm phật tử đã ngậm ngùi khi nghe lịch sử cứu Mẹ gian nan của Mục Kiền Liên, công lao nuôi dạy con cái to lớn như trời biển của mẹ cha, huấn từ của Thầy về hiếu đạo làm con của người phật tử mà không khỏi rơi lệ.
Tuấn biết tâm trạng đó xuất phát từ tâm trạng đau khổ của những người vừa mới lìa nhà, xa xứ, rời bỏ quê hương nên họ rất dễ xúc động và mủi lòng trước bất cứ nỗi buồn nào khi đụng đến vết thương đang rướm máu ấy.
Tiếp theo là các nghi thức khác của buổi lễ như phần “Dâng Hoa Cúng Phật” của những em nhỏ trong Gia Đình Oanh Vũ, đáp từ bày tỏ cảm tưởng rất lấy làm thích đại lễ này của hai ông Trưởng Cao Ủy, Trưởng Trại OIC bởi ý nghĩa to lớn của nó. Hình ảnh của người mẹ đã vĩ đại và thiêng liêng hơn trong họ khi được vinh hạnh tham dự Lễ Vu Lan. Ông Jan Top còn hóm hỉnh khôi hài rằng ông cảm thấy “thương mẹ ông nhiều hơn kẻ từ hôm nay!” khiến mọi người cười vang.
“…Me, mẹ là lọn mía ngọt ngào. Mẹ, mẹ là nải chuối buồng cao, là tiếng dế đêm thâu là nắng ấm nương dâu là vốn liếng yêu thương cho cuộc đời…Đóa hoa màu hồng vừa cài lên áo đó anh, đoá hoa màu hồng vừa cài lên áo đó em…Mẹ, mẹ là dòng suối dịu hiền. Mẹ, mẹ là bài hát thần tiên, là bóng mát trên cao, là mắt sáng trăng sao, là ánh đuốc trong đêm khi lạc lối…”
Giọng Huế tha thiết truyền cảm, luyến láy ngọt lịm tự nhiên không gượng ép của danh ca Hà Thanh qua bài “Bông Hồng Cài Áo” cứ thế được phát đi từ chiếc loa mắc trên cao cùng lúc với lễ “gắn hoa” càng làm cho hình ảnh của mẹ thêm gần gũi, đầy xúc động. Người còn mẹ thì nhận được một hoa màu hồng, gương mặt rạng rỡ hạnh phúc chan chứa niềm vui. Kẻ khác lại thút thít, nước mắt lã chã tuôn rơi khi được cài một bông hồng trắng khiến người đối diện phải áy náy, xót xa lúc trông thấy.
Cuối cùng là phần “cúng dường trai tăng” tất cả các quan khách được mời dùng bữa cơm chay gọi là “thọ trai” tại Chùa và xem văn nghệ. Tuy không hiểu tiếng Việt nhiều nhưng hầu hết đều tỏ ra vui vẻ và cảm kích Ban Tổ Chức về ngày Lễ Vu Lan đầy ý nghĩa này. Buổi lễ kết thúc khi đã quá Ngọ. Mọi người lần lượt ra về với một nỗi niềm riêng mang!”
Trong khi đầu óc đang còn vẩn vơ với quá khứ, Tuấn bỗng nghe Bảo lớn giọng ở ngoài phòng tiếp tân:
-Thôi, thôi! Ngừng lại, ngừng lại!
Thế là tiếng nhạc im bặt.
-Hát cái gì vậy? Hát lại chỗ này coi!
-“Quyệt Nam, Quyệt Nam nghe từ vào đời. Quyệt Nam hai tiếng nói…”
Tuấn bỗng bật cười khúc khích, không nín được bởi đã hiểu lý do tại sao? Tiếng Bảo lại vang lên.
-Sao lại là “Quyệt” ? Chữ này chữ V mà. Đọc lại coi!
Tuấn vểnh tai lên chú ý lắng nghe, im lặng khá lâu thì mới thấy một số em phật tử bên kia ngập ngừng:
-Quyệt!
-“No,” sai rồi. Chữ này là “V” chứ không phải chữ “Q.” Mấy đứa nhìn miệng anh nè “vờ, vờ vờ..việt…việt…vờ việt…việt vờ!” Dễ đọc mà!
Palawan là một đảo nằm đối diện với miền Trung Trung Phần của Việt Nam, nên đa phần thuyền nhân tới đây thường xuất phát từ miệt Phú Yên, Tuy Hòa, Quảng Nam, Quảng Ngãi do đó người ngoài đó có một lối nói, một cách nói khá đặc biệt cũng như phát âm một số từ không trúng. Câu chuyện hôm nay là một ví dụ, buổi tập hát văn nghệ đã trở thành buổi tập đọc chính tả, tập phát âm!
Lúc Bảo đi ra chỗ cây Bồ Đề hút thuốc, nó lắc đầu khi thấy Tuấn:
-Mệt quá ông!
Tuấn cười cười, an ủi Bảo ráng cố gắng. Nhưng từ khi sống ở đây với mấy anh chị em nơi này, Tuấn mới hiểu được rằng họ thật là mộc mạc, hiền lành và vô cùng dễ thương. Đôi lúc mấy em nhỏ thanh thiếu niên suy nghĩ rất giản đơn về cuộc đời khiến chàng cảm thấy cuộc sống trong chùa yên lành hơn ngoài trại làm lòng chàng lắng dần sân si, bình an hẳn đi!
Mùa Giáng Sinh năm 1994 có lẽ là mùa vui vẻ cuối cùng của dân tị nạn ở đây bởi còn có bóng dáng của nhiều thiện nguyện viên ngoại quốc nên có thể còn thấy được chút tự do! Tuy biết vậy nhưng để cho mọi người được sống bình an trong tình yêu Thiên Chúa, Nhà Thờ Nữ Vương Hòa Bình và Hội Thánh Tin Lành vẫn tổ chức long trọng, trang hoàng nhà thờ lộng lẫy để đón Ngôi Hai giáng thế.
Đêm 24 tháng 12 năm ấy, người ta diện áo quần đẹp đẽ, đi lễ nườm nượp. Nhiều nhà vẫn tưng bừng nhả nhạc, mở “party” ì xèo, nhảy múa khắp nơi. Hòa trong niềm hoan ca đó, Tuấn với Josh và chú L., một vị thiện nguyện viên lâu đời khác của IOM, cũng tới hang đá do dân chúng dựng lên chụp ké vài tấm hình!
Qua lễ, theo sự bàn bạc với anh Trần Tiến Bắc, Tuấn phải lãnh thêm chức Trưởng Lớp Đánh Máy LHĐ và dọn lên đây ở nhằm mục đích dò xét động tịnh của Cao Ủy và OIC về chương trình cưỡng bức hồi hương sắp tới của họ vì Lớp Đánh Máy nằm đối diện với hai cơ quan trên.
Thời kỳ này được xem là buồn nhất của trại PFAC bởi các thiện nguyện viên lần lượt trở về nước sau nhiều năm đến giúp đỡ người tị nạn. Họ rời đi, không dấu được tâm trạng thương hại của mình trước tình cảnh bế tắc của người lánh cư và người lánh cư thì ngậm ngùi với hiện tại, tuyệt vọng dần trong bi đát.
Ngày Josh về lại Mỹ có thể nói là một ngày mang nhiều kỷ niệm đáng nhớ và khó quên nhất của học trò ở PFAC vì Josh là một thầy giáo được tất cả học sinh thương mến, ra tận phi trường xếp hàng dài tiễn đưa. Trước tấm chân tình ấy của mọi người anh xúc động không nói nên lời và bùi ngùi nắm chặt tay Tuấn khi bước vào phòng đợi còn chàng thì bâng khuâng, cảm thấy cô đơn trống vắng hơn vì mất đi một người bạn tri âm tri kỷ.
Rồi điều không ai mong đợi cũng tới, OIC đã chính thức đóng hẳn cửa trại, bây giờ ai muốn ra phố phải lên Hội Đồng Trung Tâm xin giấy phép và giấy này cũng có giới hạn thôi. Dù đã đoán trước được ngày tồi tệ này sẽ tới nhưng người ta vẫn hốt hoảng, lo sợ, choáng váng, như võ sĩ bị đánh “knock out” ngã bất tỉnh trên võ đài vậy!
Tuy nhiên chuyện chưa nói của ngày sau; của thời kỳ cưỡng bức và chống cưỡng bức hồi hương, của trại cấm, của việc lập “Làng Việt Nam” dẫn tới những rối ren đố kỵ, tranh giành giữa các hội đoàn Việt Nam bên hải ngoại với cơ quan được ủy thác lo cho người còn lại nơi này thì tệ tới độ mà có một lần tình cờ Tuấn gặp Linh Mục N.T.T. tại cổng Nhà Thờ Nữ Vương Hòa Bình lúc Ngài nói với chàng trước khi rời công tác mục vụ ở trại PFAC làm Tuấn nhớ mãi “chuyện thuyền nhân của mấy anh chị bây giờ đã bị người ta kinh doanh, thương mại hóa rồi nhưng vì các anh chị bị kẹt ở đây, không đi đâu được nên không biết đấy thôi!”
Và thời gian tiếp nối thời gian, những cuộc chia tay kia chưa kịp lành nỗi đau thì biệt ly khác lại tiến tới. Độ chừng hơn bảy giờ tối một đêm, trong khi Tuấn ngồi yên lặng ngắm ánh trăng non, trên bậc thềm trước cửa Lớp Đánh Máy, nghe nhạc từ cuộn băng mà chàng tuyển lựa từng bản thu lại từ cái cassette cũ để phía trong thì Thùy Trâm xuất hiện. Nàng đến giã từ trước khi về Utah vào ngày mai làm chàng không khỏi bất ngờ hụt hẫng!
Lấy chiếc ghế đẩu cho Thùy Trâm ngồi xong, cả hai im lặng một lúc lâu thì nàng mới lên tiếng phá tan bầu không khí nặng nề:
-Tuần trước em đi công việc ở Manila, biết anh thích Krishnamurti nên mua cuốn này tặng anh!
Nói xong, Thùy Trâm đưa cho chàng cuốn “The flight of the eagle” với vài cuộn băng nhạc Việt. Mân mê cuốn sách trên tay, Tuấn cám ơn mà đầu óc rối bời. Rồi như chợt nhận ra mình quá vô tình nên hỏi nhỏ:
-Mai mấy giờ Trâm đi?
-Sáu giờ sáng, anh!
-Sao sớm dữ vậy? Để… mai anh ra phi trường tiễn em nha.
Thùy Trâm vội chặn ngang:
-Cám ơn anh, nhưng thôi khỏi đi anh vì mai có xe của CADP đưa đi rồi. Vả lại em cũng không muốn…
Tuấn thở dài:
-OK, tùy Trâm thôi.
-Trâm ở đây được bao lâu rồi há? Chàng ngập ngừng hỏi thêm.
-Gần bốn năm đó anh. Ghê không? Thời gian trôi cái vèo, không níu kịp luôn. Hồi đó tính qua đây làm thiện nguyện một năm thôi. Ai ngờ…
-Ờ, ghê thật! Nhanh không ngờ!
Thùy Trâm trầm ngâm:
-Muốn ở thêm coi kết cục tình hình này ra sao nhưng bà ngoại em bắt về trước năm mới này vì đi lâu quá rồi.
Tuấn pha trò, cố xua tan bầu không khí u ám đang vây quanh:
-Chắc bà ngoại bắt về lấy chồng!
Thùy Trâm cắn móng tay, đáp hững hờ:
-Maybe! Bởi mấy lần ngoại cũng có nói muốn thấy em lập gia đình trước khi bà mất.
-Sao lại “maybe”?
-Ai biết trước được chuyện ngày mai anh?
-OK, em thượng lộ bình anh nghe!
Tuấn nói khẻ khàng, Thùy Trâm đáp nhỏ, giọng hơi run:
-Dạ… cám ơn anh. Cầu chúc mọi điều may mắn đến với anh!
Sương khuya nặng dần và dưới ánh trăng mờ ảo, xanh xao dọi qua chòm lá me rơi xuống con đường đất trước mặt, nhạt nhòa. Thùy Trâm về đã lâu mà Tuấn vẫn còn ngồi lặng lẽ, gặm nhấm niềm đau. Cảm giác như mất đi một báu vật mà chàng biết sẽ không bao giờ tìm lại được tràn ngập cõi lòng!
Tối đêm đó trong cái căn phòng to rộng của Lớp Đánh Máy, Tuấn nằm yên trên chiếc ghế xếp, nghe tiếng danh ca Tuấn Ngọc tình tự thiết tha từ cuộn băng của Trâm vừa tặng mà nghe tê tái vỡ òa “Thà là rong rêu lênh đênh trên biển, thà là chim bay vui theo tháng ngày..thà là….một ngày bên em cho em hơi thở, từ dạo yêu em cho tim tan vỡ…à… a…a..ới…chỉ vì yêu em nên anh mất cả…chỉ mình anh thôi lang thang lối nhỏ, còn lại trong anh rong rêu tháng ngày dài…vòng tay buông lơi, tình yêu chơi vơi, ngất ngây…”
***
Tiếng nhạc đã tắt, tiếng hát của Nat King Cole đã dứt từ lâu, giờ này quán Cafétéria cũng vắng khách dần nhưng Tuấn và Thùy Trâm vẫn còn ngồi đó, đối diện nhau, kể hết cho nhau nghe “chuyện cũ, trăng tàn” trong khoảng thời gian xa cách. Và rồi nhìn lại, cả hai đều đã già! Ba mươi năm, không phải quá dài nhưng đã đủ cho một đời người! Trâm thì vẫn còn phảng phất nét đẹp xưa, mặn mà, sang cả. Chàng thì tóc đã bạc phơ, dáng dấp đầy phong trần, luộm thuộm!
Giữa năm 1999, Tuấn may mắn được sang Mỹ định cư sau gần mười một năm “chết dấp” ở trại tị nạn. Trong cái ân huệ cuối cùng ấy, Tuấn lại có duyên gặp vợ mình bây giờ và sinh được một đứa con trai. Khi con 18 tuổi, xong trung học, nó được “full right scholarship” bốn năm về môn kỹ sư sinh học (biomedical) của OSU (The Ohio State University) nên tới đây học và gia nhập vào trường Đào Tạo Sĩ Quan Trừ Bị chuyên ngành Lực Lượng Không Gian (Space Force) trực thuộc Bộ Không Quân Hoa Kỳ (The Air Force Reserve Officer Training Corps viết tắt là U.S. AFROTC) luôn.
Hôm nay dự lễ nhập học của con, Tuấn bất ngờ gặp lại Thùy Trâm từ New Jersey cũng đưa con gái sang đây học và cũng vào AFROTC như con chàng. Đúng là con tạo xoay vần, Tạo Hóa khéo trêu người!
Nhưng rồi cuộc hạnh ngộ nào cũng phải đến lúc chia tay!
Ngoài bãi đậu xe, dưới ánh nắng chói chang, sáng lung linh của ngày đã lên cao và vẫn lành lạnh của thu vàng, các tàng cây rực rỡ muôn màu ở hai bên đường rung nhè nhẹ trong gió. Đứng đợi Thùy Trâm vô xe, Tuấn như sực nhớ ra điều cuối cùng, hỏi vội:
-À quên! Cháu đây là con thứ mấy của em?
-Con gái thứ 3, anh! Em về Mỹ cuối năm 1994, ba năm sau lập gia đình rồi có cháu gái đầu lòng năm 1998. Do công việc, tụi em “move” sang NJ, rồi sinh thằng con trai thứ 2, năm 2000, bên đó.
Nàng dừng lại, ngập ngừng một chút và tiếp:
-Con này… accident… 2004!
-Good accident! Tuấn bật thốt.
Đang lui cui bỏ đồ lên xe, nàng quay lại nhìn Tuấn, nhíu mày trước câu khen ngợi có vẻ cay đắng của chàng, bụng nghĩ thầm “trách móc chi anh ơi, tất cả đều là duyên phận mà!”
Xe từ từ lăn bánh đưa Thùy Trâm ra phi trường Columbus về lại New Jersey, Tuấn đứng nhìn theo cho đến khi nó mất hút khỏi cua quẹo sau câu giã từ của Thùy Trâm như âm vang dội lại của một cuộc tình xưa vẫn còn mãi trong lòng, rồi thẫn thờ cất bước phiêu nhiên!
Ghi chú: 1*, 2*, 3*: Tên của các tài tử Hồng Kông nổi tiếng thập niên 1970, 1980.
(Ohio, Lập Thu 2024)
Hết
“Tình xưa rực nắng thu vàng” của tác giả Triều Phong khởi đăng từ ngày 26 Tháng Mười, 2024, trên SGN mỗi Thứ Bảy và Chủ Nhật hàng tuần.