Ngồi nhớ lại những năm ăn Tết ở xứ người, thấy tủi thân. Những ngày Tết Dương lịch, vào quán cà phê hay nơi làm việc, gặp bất cứ người nào, không phân biệt quốc tịch,
Malta vốn rất ít người Việt sinh sống, chỉ chừng hơn hai mươi người thời điểm tôi ở bên đó, bây giờ thì đông hơn. Gần đến Tết cổ truyền, người này nhắn người kia, hẹn nhau sum họp vui Tết. Ai ở đó lâu năm, có gia đình, nhà cửa thì đứng ra làm chủ tiệc. Thông thường là Diaz, người bạn, người em gái tốt. Cô ấy là một trong những kiều bào sinh sống ở Malta lâu nhất.
Đêm Ba Mươi, chúng tôi quây quần bên mâm cơm với những món ăn Việt: Thịt kho hột vịt, canh khổ qua hầm, thêm món chả giò chiên, bánh tráng, tôm khô mua từ các shop của người Hoa hay Thái. Ban ngày vùi đầu đi cày, tối họp mặt chung vui đón Giao thừa, trên môi họ luôn nở nụ cười tươi kèm theo câu: Happy New Year.
Trong những ngày Tết Nguyên đán của mình, tôi vẫn làm việc bình thường, cũng không có ai nói “Chúc mừng năm mới”. Đành chịu thôi! Họ là khách qua đường, đâu phải bạn mà tôi tâm sự, cho nên họ đâu quan tâm để biết ngày ấy là Tết của Việt Nam.
Khác quê nhà, không có lời chúc Tết trên các phương tiện truyền thông, không có tiếng chuông chùa điểm thời khắc đêm Giao thừa. Dù vậy, chúng tôi cũng tổ chức cúng Giao thừa, thắp nhang bàn thờ, tưởng nhớ, vái cúng ông bà cha mẹ. Khói hương thơm lan tỏa khắp căn phòng không đủ sưởi ấm nỗi niềm buồn xuân tha hương. Bánh, mứt, trái cây… không đủ gợi lên không khí ấm áp vui tươi của Tết quê nhà. Không có hoa mai, bánh tét, cá lóc nướng trui, gói bánh tráng với dưa kiệu, nhâm nhi cốc rượu đế được nấu bằng gạo, cái thứ rượu mà nhấp vào một chút, rượu chạy tới đâu nghe ấm tới đó, khà ra một tiếng thật sảng khoái.
Sau bao năm xa xứ trở về được ăn Tết quê nhà với lòng nôn nao chờ đợi để rồi hụt hẫng. Đâu rồi cảm giác cảm nhận, tận hưởng hạnh phúc từ hương thơm của hồn quê, hương đất, hương sông, hương gió, hương rơm rạ… hòa quyện trong hương xuân có tình yêu thương ấm áp gia đình người thân?
Hình ảnh Tết ngày xưa trong ký ức chờ đợi của tôi không còn nữa. Đường phố được dọn dẹp sạch sẽ, nhà cửa quét dọn, sơn sửa, trên phố, người ta tạo con đường hoa rất đẹp, tất nhiên rất tốn kém. Xa xa có cổng chào với những câu “Chào đón năm mới” bằng các dây đèn chớp. Các quầy bánh mứt, thực phẩm, quần áo… mọc khắp nơi. Dưới bến sông, những xuồng, ghe chở rau, củ, quả, trái, hoa nườm nượp ghé bến. Đông nhất vẫn là khu vực bày bán hoa mai…
Còn ở vườn, khi tôi về quê ngoại, quận Ô Môn, thấy cái xóm nơi ngày xưa của tôi giờ thay đổi hết rồi. Tuy nhà tôi tại trung tâm quận, nhưng thời đó quang cảnh vẫn còn nửa chợ nửa quê. Giờ là chợ hẳn với những con đường được tráng xi măng, nhà tường, vách liền vách, mặt tiền đủ kiểu. Nhà ai cũng tận dụng mảnh đất để ở, sinh hoạt, và buôn bán, nên không còn ai giữ lại cái sân trước để trồng hoa. Tôi thả bộ lang thang vào những ấp, xã nằm xa chợ quận, và rất vui khi thấy sân nhà ai đó vẫn còn những gốc mai chung thủy đứng đợi chờ xuân.
Với tôi, hình ảnh Tết ngày xưa không còn nữa. Giờ tôi không còn được thả hồn thưởng thức cái mùi Tết gần gũi, ấm áp hạnh phúc của tuổi thơ. Biết tìm đâu hình ảnh mẹ tôi tận dụng những ngày nắng đẹp, chọn gạo của giống lúa đã thu hoạch dự trữ trong bồ, lúa không mới quá và cũng không được quá lâu ngày. Sau đó ngâm để xay bột theo thủ công bằng chiếc cối đá như món tài sản quý của gia đình ở nông thôn.
Bột khi được xay xong, tùy theo loại bánh mặn hay ngọt mà cho thêm muối hoặc đường, nước dừa, mè. Má tôi ngồi bên bếp lửa hồng, gương mặt nhễ nhại mồ hôi, tay thoăn thoắt múc từng vá bột đổ lên khuôn, dùng phần dưới của vá xoay tròn lớp bột mỏng khắp mặt vải của khuôn. Khi má xếp các chiếc bánh đều trên chiếc phên được đan bằng lá dừa, anh em chúng tôi đem ra ngoài sân phơi nắng. Đây cũng đòi hỏi sự khéo tay, mấy đứa tôi thời ấy đứa nào cũng muốn làm công việc phơi bánh phụ tiếp. Nhưng má nói:
-Các con chưa từng phơi bánh dễ bị hư. Rồi bà giải thích:
-Muốn cho bánh còn nguyên vẹn, thẳng không cong vênh, người phơi phải biết canh đúng giờ nắng để gỡ cho đúng lúc, sau đó xếp lại từng chục, dùng vật nặng dằn cho phẳng.
Tất bật xong công việc tráng bánh thì ngâm kiệu làm dưa hay muối dưa cải. Gần Tết khoảng một tuần, cậu tôi dùng cây sào dài có cột lưỡi hái, giật mấy trái dừa xuống. Má bào, ướp đường cát xào mứt. Rồi cậu ra sau vườn lựa, đánh dấu những buồng chuối xiêm đen ngon, trái to, căng tròn để dành cho má gói bánh tét.
Cách nhà tôi chừng mười căn là nhà của bác Tư. Hai vợ chồng bác chuyên nuôi heo để làm thịt bán Tết. Nói tiếng bán, chứ thật ra là đổi lúa. Quy ra 1 kg thịt là bao nhiêu ký lúa, cũng tiện là ăn trước trả sau khi tới mùa thu hoạch lúa.
Sáng 29 Âm lịch, má tôi và những người hàng xóm nách rổ tới nhà bác Tư chia thịt. Sau khi đã rửa sạch, cắt từng miếng, má ướp đường, nước màu, nước mắm. Còn cậu Út loay hoay bắt nồi hột vịt lên luộc. Chiều ngày 29, nhà đã có nồi thịt kho hột vịt để trưa ngày 30 bày mâm với món canh khổ qua hầm và món xào, cúng rước mời ông bà về.
Sáng ngày 30 Âm lịch, má chọn loại nếp thơm rặt không có lẫn gạo tẻ và đậu xanh cà ngâm, đãi bỏ lớp vỏ xanh. Tôi cũng phụ cưa những khúc cây làm củi và đi rọc lá chuối. Trước đêm Giao thừa, cậu tôi dùng gạch kê một ông táo lộ thiên sau hè. Má và các em ngồi gói bánh, tay gói, miệng bà dạy cách gói sao cho chiếc bánh ngon và đẹp. Má nói:
-Bánh phải được làm tròn đều, buộc chặt, nhân bánh nằm chính giữa.
Khi số lượng đã đủ cho một nồi nấu, tôi phụ cậu khiêng ra ngoài nhúm lửa đặt nồi lên, thay nhau ngồi canh. Bánh tét thường để lâu được có vài ba ngày nên phải là món chuẩn bị sau cùng, nấu trước đêm Giao thừa. Theo phong tục của người Việt xưa, ba ngày Tết đã đưa ông táo về Trời thì không nên sử dụng bếp núc. Bánh được bày cúng ông bà sau đó gia đình ăn.
Đối với bánh nhân đậu xanh, thịt mỡ thì ăn kèm với dưa món, dưa hành, thịt kho rệu với hột vịt, còn bánh nhân chuối thì không cần ăn với dưa. Khi bánh đã chín, cả nhà ai dọn dẹp việc nấy, xong tắm gội sạch sẽ, thay quần áo mới. Con cháu tụ họp đông đủ, má tôi dọn mâm, đợi khi thời điểm kim đồng hồ chỉ đúng không giờ, đồng thời vẳng xa vọng lại tiếng chuông chùa điểm thời khắc Giao thừa. Cậu Út bật lửa châm vào tim của dây pháo đã treo sẵn. Những viên pháo tiểu nổ đùng… đùng, chốc thì âm thanh bùm… bùm lớn hơn từ viên pháo đại.
Má thắp nhang vái cúng, mấy anh em bọn tôi chen nhau, ngồi tìm lượm mấy viên pháo bị bắn ra chưa kịp nổ. Đó là Giao thừa của những năm trước 1975. Má đã cúng xong, con cháu đứng xếp hàng, từng đứa khoanh tay lễ phép chúc cho ông bà, cha mẹ mạnh khỏe sống lâu. Má chuẩn bị sẵn những chiếc bao lì xì màu đỏ, bên trong có những tờ giấy bạc mới, mệnh giá khác nhau, tùy theo tuổi tác. Nhỏ thì số tiền sức mua nhỏ, lớn thì sức mua lớn. Khi nhận được tiền, tụi nhỏ hí hửng, tản ra dọn bánh mứt, thèo lèo, cứt chuột cùng ăn hay bày sòng lô tô, bầu cua cá cọp, bài cào. Sau đó, má đi chùa hái lộc đầu năm, tôi là con trai lớn nên được cùng đi.
Chợt nghĩ, thời đại công nghệ mạng phát triển, dần dần đã công nghiệp hóa Tết mất rồi! Hình như mọi người ăn Tết như một thủ tục gượng gạo giống như một thói quen hoặc thậm chí như một phản xạ tâm lý. Tết không còn ý nghĩa của câu “Mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ, mùng ba tết thầy”. Tết còn là ngày sum họp gia đình, thảnh thơi, thư giãn, thăm hỏi bạn bè, người thân; thưởng thức thật sự những món ăn ngon truyền thống thật sảng khoái. Hình như chỉ còn rõ nét là việc con, cháu ở xa về sum họp gia đình. Các tiểu tiết khác cũng tùy theo hoàn cảnh, có người còn duy trì, có người không. Còn ở quê, tục chia thịt heo đổi lúa cũng không còn.
Giao thừa xong, tôi và vợ vẫn giữ nếp cũ, cùng dắt tay nhau đi viếng chùa. Cô ấy thắp nhang khấn nguyện, tôi bâng khuâng đi tìm lại tuổi thơ và bắt gặp hình ảnh mình ngày xưa đi cùng má đến chùa hái lộc đầu năm.