Sông Mỹ Tho. (Hình minh họa: Long Giao Tran/Pixabay)

Cô gái rụt rè bước vào trạm xá để nộp hồ sơ xin dự tuyển vào lớp học y tá sơ cấp. Cầm tờ giấy giới thiệu của chính quyền địa phương mà tay cô vẫn còn run không biết làm sao giữ chặt tờ giấy.

– Tay run thế nầy thì làm sao mà cầm ống chích? Có bệnh gì không?

– Thưa không. Tại cháu hồi hộp.

Dáng người thon thả, cao ráo mặc chiếc áo bà ba trắng vải xô KT nhuyển, quần đen trông rất gọn ghẽ. Mặt mày hiền lành, có duyên, sáng rỡ. Cô vừa tốt nghiệp phổ thông trung học, không tiếp tục đi đại học nên xem như đã học xong, cố gắng ra đời kiếm nghề làm ăn sinh sống, đa số theo gia đình tiếp nối nghề làm ruộng, nam có thể theo “ghe cào” ra vàm đánh bắt tôm cá, ít có lựa chọn nào khác, nhất là con gái vừa tới tuổi cặp kê thì gia đình chỉ mong sao gả sớm để rồi còn “sanh con đẻ cái” hầu có người nối nghiệp duy trì đời sống ổn định ở vùng đất cù lao nầy. May mắn lắm mới gả được con về đất rẫy hay xóm bên kia sông.

“Mẹ mong gả thiếp về vườn
Ăn bông bí luộc, dưa hường nấu canh”
(Ca dao)

Ước mơ lâu đời là vậy, nhưng thực tế rất khó đổi đời. Ra đi không có nghề gì khác, chỉ làm thuê làm mướn ở nơi đô thị, lâu dần đi biệt xứ luôn nếu không có tiền về quê. Trai đã vậy, gái còn khó hơn, chỉ mong sao có người mai mối lấy được một tấm chồng hiền lành, lo làm ăn là phước đức lớn lắm.

Đang còn tơ lơ mơ chưa biết làm gì thì cán bộ xã kêu lên văn phòng lập hồ sơ giấy tờ gấp để nộp lên huyện xét, may ra được tuyển vào học lớp y tá 6 tháng rồi sau đó sẽ trở về xã làm việc ở trạm y tế địa phương. Tối hôm trước khi đi, má có chưng một mâm hoa quả mang ra giữa sân đốt nhang cúng vái cầu cho mọi việc được hạnh thông.

Sáng sớm ở bến đò trời còn sương mù dày đặc, đò máy chưa có chuyến nên chỉ có đò ngang chèo tay, mà ở bến thì người lái đò chính là thằng Hoàng học chung lớp hồi trước, nó thôi học sớm, hàng ngày theo cha ra bến, phụ làm nghề đưa đò. Trước đây nó đi theo tuyến đò dọc Mỹ Tho – Bình Đại làm nghề “lơ đò” chuyên giúp khách chuyển hành lý lên mui ghe, sau đó một thời gian, chú Tám, Ba nó tuổi già lại bị té xe gắn máy mang thương tật nên nó mới trở về làm nghề đưa đò cũng gần 3,4 năm nay.

Đò qua cù lao Tân Thới. (Hình: Trần Bạch Thu)

Đò cặp bến, hắn neo chặt và tự tay kềm cho đò thật vững, không chao để cô bước lên bờ không nghiêng ngã, hắn còn nói vói theo

– Chúc Tiên qua bển nhiều may mắn.

– Cám ơn Hoàng.

Được chừng nửa tháng, cô Tiên nhận được giấy báo lên Mỹ Tho vào bệnh viện đa khoa Tiền Giang tập sự học nghề y tá. Thật may mắn, không có thi cử hay hỏi han gì cả chỉ xét theo hồ sơ và lời giới thiệu của chính quyền xã.

Từ đó cô lên Mỹ Tho ở trọ nhà người bà con xa ở trong hẻm gần chợ Vòng Nhỏ để hằng ngày đi xe đạp đến tập sự trong bệnh viện, cuối tuần mới về quê đem gạo thóc, mắm muối lên nấu ăn cho đủ tuần. Con đường đi, về dọc theo bờ sông ngang qua bến bắc Rạch Miễu vui lắm, trong lòng lúc nào cũng lâng lâng như thấy cả một bầu trời tươi sáng.

Lần đầu tiên vào bệnh viện trông thấy nhiều người đủ hạng tuổi, đủ thứ bệnh, trong phòng luôn vang tiếng rên, la hét suốt ngày cô cũng sợ và thấy hơi nản, nhưng được vài tuần cô lại thấy vui vui khi bắt gặp những ánh mắt ngưỡng mộ và lời cám ơn của bệnh nhân khi được cô săn sóc hay giúp đỡ, nhất là khi cô chích thuốc cho họ. Mọi người ở bệnh viện hay cười và khen cô có bàn tay “Tiên” giúp bệnh  nhân.

Thắm thoát thời gian qua mau, cô Tiên cũng học xong, mãn khóa đạt loại giỏi và được đích thân trưởng phòng tổ chức đề nghị tuyển dụng ở lại làm việc cho bệnh viện với lời động viên là sau ba tháng sẽ được biên chế chính thức trở thành y tá của bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang.

Thế là cô giã từ đất cù lao để trở thành dân phố chợ. Hôm rời bến đò Vĩnh Hựu thằng Hoàng cặp bến vội nên đò hơi chao, lần nầy nó im im có vẻ hơi buồn chỉ nói ngắn gọn:

– Tiên đi bình an.

– Cám ơn Hoàng.

Từ đó cô rất ít khi về cù lao, phần vì công việc bề bộn ở bệnh viện phần vì lo gia đình riêng. Cô lập gia đình với một người nguyên là cán sự điều dưỡng trước năm 75 sinh được hai đứa con nhỏ nên được cấp một căn hộ ở phía sau khuôn viên bệnh viện. Cuộc sống rất vui vẻ, hạnh phúc. Ngày Tết nhất hay giỗ kỵ cô cùng chồng và hai con trở về cù lao với nhiều quà cáp cho họ hàng, bà con trong xóm nên rất được mọi người ái mộ và khen ngợi.

– Ra đi phải như con Tiên vậy mới nên đi.

Thật ra đúng là một cuộc sống ngập tràn ngập niềm vui, hạnh phúc ấm êm, nếu như không có một chút phiền phức là ông trưởng phòng tổ chức, ban đầu tận tình giúp đỡ nhưng dạo sau nầy lại có những biểu hiện làm cô lo sợ trong tiếp xúc với ông ở bệnh viện. Ông ta luôn tỏ ra có cảm tình đặc biệt, giới thiệu cô như là cá nhân tiên tiến trong phong trào thi đua cơ sở, khi có dịp tổ chức lễ lạc hay tiếp đón các phái đoàn đến thanh tra bệnh viện. Có hôm kéo dài thời gian tiếp tân, ăn uống vui chơi, đùa cợt bông lơi cho đến gần nửa đêm.

Chồng cô biết và hai vợ chồng có thảo luận với nhau về việc nầy nên cô có xin được chuyển xuống khu trại điều trị lâm sàng cho bệnh nhân. Chờ hoài không thấy trả lời cho đến khi ông trưởng phòng tổ chức nặng lời với vợ chồng cô và thách thức ngay cả với chồng cô “ngụy mà không biết thân” thì tức nước vỡ bờ, vợ chồng cô có trình sự việc lên ban lãnh đạo bệnh viện nhưng kết quả còn tồi tệ hơn “muốn tiếp tục làm ở bệnh viện hay không tùy ý.”

Nghĩ lại thật đau nên cô trở về quê, đang lúc có phong trào tổ chức vượt biển nổi lên rầm rộ, người trên thành phố lũ lượt về đây mua ghe đăng ký đi cào, nhưng thực ra là để tìm cơ hội ra đi. Dễ dàng thôi, vì là quê cũ nên cô không lạ gì với những người tổ chức đưa đón khách vượt biên.

Không thể tiếp tục sống và làm việc ở bệnh viện được nữa, hai vợ chồng xin nghỉ phép về quê và chuẩn bị vượt biên do chính người quen trong gia đình ở cù lao Tân Thới tổ chức.

“Thiên nan vạn nan” làm sao sắp xếp chuyến vượt biển với hai con nhỏ, có thể chúng không chịu nổi với sóng xô biển động ngoài khơi, có thể người đi trước, người đi sau, chia ra làm hai đợt, đứa theo cha đi trước, đứa theo mẹ đi sau. Dù giải pháp như thế nào cũng không thể để con ở lại được, vì sẽ ở với ai… Cuối cùng hai vợ chồng quyết định đem cả hai con đi cùng trên một chuyến ghe ra biển.

Ghe đi được hai ngày đêm, theo lời tài công nói là sắp tới trại tỵ nạn ở Mã Lai, nhưng không may bị bão nên ghe chệch đi hướng khác, sau đó hết xăng dầu, ghe thả lênh đênh trôi trên biển chỉ còn cầu Trời, may ra có tàu bè đi qua lại mà bắt gặp, nếu không chắc chết.

Đến ngày thứ năm, có một chiếc tàu lớn đi ngang qua, đang mừng vì có cơ hội sống sót, nhưng không rõ như thế nào mà họ chỉ châm xăng dầu rồi rời đi. Lúc bấy giờ tài công căn cứ theo hướng mà chiếc tàu ngoại quốc đã chỉ cho và cuối cùng cũng đến được bờ biển Mã Lai.

Sau đó tất cả “thuyền nhân” trên ghe được cảnh sát Mã Lai đưa đến đảo tỵ nạn Paulo Bidong sống tạm chờ thanh lọc để đi định cư ở nước thứ ba, mà đa số là đi Mỹ. Hai vợ chồng cùng hai con nhỏ sống trong trại tỵ nạn mà trong lòng tràn đầy hy vọng về một tương lai tươi sáng ở phía trước.

Được chừng hai tháng thật vui vẻ, không ngờ chồng cô Tiên nửa đêm bị sốt cấp tính chở lên trạm xá cấp cứu, nằm chờ ở đây được hai ngày không chẩn đoán được bệnh gì, đến ngày thứ ba thì qua đời.

Trong tuyệt vọng, không có thân nhân ở nước ngoài nhất là ở Mỹ, hy vọng chờ đợi được đi định cư rất mong manh và thời gian có thể kéo dài nên sau khi chôn cất cho chồng xong xuôi, cô quyết định ghi tên tham gia theo khuyến cáo của cơ quan Liên Hiệp Quốc tự nguyện trở về Việt Nam. Chờ đợi gần ba tháng, cô và hai con may mắn được lên đường trở về Việt Nam sớm hơn thời gian qui định vì có con nhỏ.

Tháng Chạp năm ấy, cô Tiên cùng với hai con trở về cù lao. Khách qua sông nườm nượp, người đi phà kẻ xuống đò chen chúc nhau, áo quần đầy màu sắc, rộn rịp cả một khúc, trên bến sông bát ngát. Ai ai cùng mang đầy hàng hóa xách tay đủ thứ chuẩn bị cho ba ngày Tết. Cô Tiên đơn độc nắm tay hai con và chỉ một chiếc vali đựng quần áo thôi, mà cõi lòng tan nát…

Bến Phà Vĩnh Hưu. (Hình: Trần Bạch Thu)

Tuy đã được cơ quan tỵ nạn quốc tế Liên Hiệp Quốc giải thích cặn kẻ rằng khi tự nguyện trở về Việt Nam sẽ không bị ngược đãi, nhưng cô cũng mất gần nửa tháng trời làm việc ở cơ quan chính quyền xã, kê khai đủ hết mọi thứ và sau cùng phải làm giấy cam kết không liên hệ với người nước ngoài, không làm tai mắt cho bất cứ tổ chức nào chống phá chính quyền hiện nay. Không nói ra, nhưng công an xã khuyến cáo không được rời nơi cư trú quá một tháng và đi đâu cũng phải trình báo cho công an khu vực cho phép mới được đi, cũng gần gần như là quản chế tại địa phương.

Ban đầu, cô Tiên có lên xã trình bày hoàn cảnh “mẹ góa con côi” để xin làm ở trạm y tế xã. Dĩ nhiên mọi người đều biết cô trước đây là y tá ở bệnh viện Đa khoa Tiền Giang, do chính xã giới thiệu đi học để về phục vụ y tế tại xã, nhưng vì lý lịch vượt biên sau nầy nên xã từ chối khéo bằng cách bảo chờ để cứu xét. Chờ lâu, không thấy xã nói năng gì nên cô quyết định mở một quán nhỏ bán hàng tạp hóa để sinh sống. May mà nhà của ba má cô còn đất trống nên cô mới cất được một căn nhà, có chỗ mà mua bán nuôi con.

Ba năm sau, một buổi sáng trong lành, gió mát từ bốn phía bờ sông len qua rừng dừa thổi tạt vào đất cù lao, như mọi ngày, cô mở quán bán sớm vì sau nầy quán của cô có đặt vài bàn, ghế thấp bán thêm cà phê buổi sáng cùng với một ít bánh trái ăn nhẹ. Tình cờ, có một người khách lạ đến quán không mua cà phê mà lại hỏi nhà cô Tiên ở đâu xin chỉ dùm.

Bất ngờ và thật ngạc nhiên khi có người hỏi câu lạ như thế. Sau khi tự xưng là chính cô Tiên đây và nhà cũng ở đây.

– Xin lỗi có việc gì không anh?

Cô lýnh quýnh hơn nữa khi người khách lạ tự xưng là cháu họ của chồng cô nên sau đó cô mời khách vào nhà phía trong để  hỏi thăm nhiều điều. Hàng năm trong dịp giỗ bên nhà chồng, cô có về Chợ Gạo để dự đám giỗ và Tết cô cũng có dẫn con về quê chồng thăm gia đình họ hàng bên chồng, nhưng chưa bao giờ biết người khách lạ là người cháu họ của chồng.

– Tôi ở Mỹ ít có về quê, hơn nữa họ hàng cũng xa nên cùng không quen biết nhiều người. Trong dịp về quê lần nầy tôi có người cô họ ở Chợ Gạo lên chơi có kể và nhắc đến cô Tiên ở Tân Thới nên tôi muốn đến thăm.

Chỉ có vậy thôi.

Sau đó, người cháu họ về đưa mẹ qua tận cù lao Tân Thới để xin phép trước là để biết gia đình họ hàng, thăm viếng nhau, sau là có ý riêng với cô Tiên.

Nửa năm sau, lễ cưới cô Tiên được tổ chức đơn giản tại cù lao, bà con họ hàng tham dự rất đông, có mời vài bạn bè thân của cô dâu, trong đó có thằng Hoàng, nhưng nó không đến dự.

Hò ơ …

 “Chẻ tre bện sáo cho dày
Ngăn ngang sông Mỹ có ngày gặp em.” (Ca dao)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Giá trị Mỹ
Các chính khách Mỹ đã phản bội đồng minh Việt Nam Cộng Hòa, dẫn đến cái chết đau thương của một chính thể dân chủ. Nhưng những người Mỹ có…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo