Trở về quê nhà bằng ‘con thuyền ký ức’

Cấy lúa ở An Giang. (Hình: Văn Long Bùi/Pexels)

Cũng như bao người khác, gã nhà quê mong ước trở về tuổi thơ bằng cỗ máy vượt thời gian. Mặc dù gã có tuổi thơ khắc nghiệt dưới thời ngăn sông cấm chợ, cả miền Nam bị đói, song môi trường sống ở nông thôn hơn 30 năm trước đã để lại cho gã những kỉ niệm đẹp về quê hương.

Những kỉ niệm đáng nhớ ấy được gã nhà quê gom nhặt từ những lần theo ba về quê ngoại; theo anh ra đồng nhủi cá, thả diều; theo bạn đi bắt dế; đi dạo quanh xóm một mình. Hồi ức của gã vẫn còn in đậm rất nhiều hình ảnh sinh vật, thực vật ngộ nghĩnh mà người nhà quê gọi chúng bằng những cái tên bình dị.

“Con thuyền ký ức” đưa gã về quê cũ để ghi chép lại những sinh vật, thực vật lạ lẫm gắn bó với tuổi thơ của gã mà ở nông thôn mới có. Danh sách sinh vật, thực vật trong ký ức của gã khá dài, có thể dễ dàng đối chiếu bằng tên tiếng Anh cho kiến thức thêm phong phú.

Về thực vật thì gồm hoa điệp (caesalpinia), hoa vạn thọ (African marigold), trái trâm (Java plum/ Jambolan plum), trái cò ke (từ cây red ash/ soapnut tree), trái tùm nụm (từ cây Fukien tea), trái điệp (từ hoa điệp), trái bã đậu (từ cây sandbox), dây tơ hồng (love-vine), dây bòng bong (Japanese climbing fern hay dương xỉ dây leo), mo cau (areca nut tree spathe), hạt cao su (rubber).

Còn về sinh vật thì gồm cá lia thia (peaceful betta hay betta imbellis), cá bảy trầu (croaking gourami), cá bảy màu (guppy), con ăn mày (ấu trùng chuồn chuồn/ dragonfly larvae), cà niễng (great diving beetle), cà cuống (giant water bug hay toe-biter bug), nòng nọc (tadpole), dế than và dế lửa (two-spotted cricket), dế cơm (giant burrowing cricket), con quýt (jewel beetle), con cúc (ấu trùng chuồn chuồn kim/ ant-lion larvae), bổ củi (click beetle),  bọ ngựa (praying mantis), bọ xè (bọ cánh cứng/ Japanese rhino beetle), chim chiền chiện (zitting cisticola),…

Cá bảy màu. (Hình: Diogo Cardoso/Unsplash)

Vị ngon của trái dại và bánh tráng cuốn bông vạn thọ

Hồi đó, trước nhà gã có một cây điệp, bên cạnh cây điệp là một bụi tùm nụm (có nơi thì người ta gọi là bùm sụm hay chùm rụm). Những buổi trưa hè không có gì ăn cho đỡ “buồn miệng” thì gã kiếm một cái sào thọc những trái điệp dày rớt xuống, vì chỉ những trái điệp dày mới cho hạt ngon. Trái điệp dài khoảng mười centimet, còn cái hạt nhỏ bằng hạt bí ngô. Gã tách trái điệp ra làm hai rồi tách tiếp lớp vỏ hạt để lấy phần bên trong. Phần này có một lớp cơm trắng dai dai bao quanh lõi hạt giòn giòn ngọt dịu.

Vào những đêm trời mưa xong, sáng ra cây tùm nụm cho đầy trái tròn – lớn hơn hạt tiêu một chút – có màu đỏ au và căng mọng, hương vị ngọt lừ như muốn tan trong miệng.

Hình ảnh trái trâm thì gắn liền với quê ngoại của gã. Quê ngoại gã ở Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh. Mỗi lần ba của gã muốn đi thăm ngoại thì chở gã bằng xe đạp xuống bến sông Cẩm Giang, cách nhà khoảng bảy cây số. Ba và gã qua một con đò dọc mất khoảng một tiếng đồng hồ. Máy đò chạy xình xịch giữa những hàng cây ven sông. Tiếng máy đò dội vào những tán lá vang ra âm thanh vui tai. Nhà ngoại cách bến sông Bến Cầu chừng một cây số, nằm ven con đường đất đỏ.

Hoa điệp và trái điệp tương tự như hoa và trái phượng vĩ nhưng cánh hoa pha lẫn màu vàng. Nụ hoa điệp thì có hình dạng tròn. Trong khi nụ hoa điệp có hình dạng dài. Nụ, cánh hoa và trái nhỏ hơn so với phượng vĩ. (Hình: Markus Winkler/Pexels)

Sau nhà ngoại có hai cây trâm. Trâm có hai loại: loại cho trái nhỏ và loại cho trái lớn. Loại cho trái lớn còn gọi là trâm bầu. Cây trâm cho trái nhỏ mọc trên bờ ao cá. Mỗi lần gã muốn ăn chỉ cần leo lên cây trâm và thò tay để hái những trái trâm tím đen bóng lưỡng. Còn cây trâm bầu nhà ngoại mọc cách ao cá chừng hai mươi mét. Mỗi lần muốn ăn trâm bầu, gã phải lấy cây sào thật dài để thọc. Cây trâm bầu có nhiều kiến vàng nên khi thọc trâm bầu thì kiến vàng rớt xuống, nếu không cẩn thận sẽ bị chúng cắn đau điếng. Bù lại, trái trâm bầu bự bằng đầu ngón tay cái của người lớn, căng mọng, dày cơm. Trái trâm có vị ngọt hơi chua pha lẫn vị hơi chát. Gã thích hoài cảm giác cắn trái trâm bầu giữa trưa hè trong khi nghe tiếng ca vọng cổ của nhà ai đó vọng lại.

Bà ngoại có dáng người mảnh khảnh, nói chuyện từ tốn chậm rãi, giọng miền Nam dễ nghe. Có hôm, ngoại ra sau vườn hái những bông vạn thọ tươi rói, rửa sạch rồi xé ra làm “nhân” cuốn bánh tráng. Hai bà cháu chấm cuốn bánh tráng vào nước tương để thưởng thức. Mùi bông vạn thọ phảng phất thơm. Mỗi lần tết đến, gã nhìn thấy bông vạn thọ khắp nơi thì lại nhớ ngoại. Bây giờ, gã không còn cơ hội để gặp lại bà ngoại vì bà đã mất từ khi gã học lớp 9.

Hoa vạn thọ ngày xuân. (Hình: Thới Nam Cao/Pexels)

Hình ảnh trái cò ke, trái bã đậu, dây tơ hồng, dây bòng bong, mo cau, dế than, dế lửa rất quen thuộc với những đứa con nít trong xóm. Thời ấy, trong ba tháng nghỉ hè trẻ con không cần phải đi học thêm nên vào những buổi trưa, cả bọn rủ nhau vào sân trường trong xóm thọc trái bã đậu để làm xe chơi. Bánh xe được làm từ trái bã đậu phải là những trái vừa già, vì trái non quá sẽ bị bể, còn trái khô sẽ bị nổ khi xe “lăn bánh”.

Đối diện cổng trường là nhà của một thằng trong xóm có cây cò ke. Trên cây cò ke lúc nào cũng có những mảng vàng óng của đám dây tơ hồng. Bọn con nít không lấy dây tơ hồng làm gì mà nhắm vào đám dây đó để leo lên hái trái cò ke. Trái nào chín thì cả bọn thay nhau bỏ vào miệng “ăn chơi” vì nó có vị ngọt, còn trái nào xanh đem làm “đạn” bắn súng thụt. Trái cò ke chỉ lớn hơn hạt tiêu một chút.

Đánh trận bằng súng thụt và trò kéo xe bằng mo cau

Súng thụt được bọn trẻ chế bằng hai khúc tre nhỏ. Khúc dài hơn một gang tay người lớn làm “nòng” thông lỗ hai đầu, nhét hai trái cò ke vào đầu này và thụt ra đầu kia. Khúc ngắn có độ dài bằng chừng một ngón tay giữa người lớn làm cán, một đầu bít kín là mấu mắt tre, gắn “cò” vào đầu có lỗ. Lõi “cò” giống như một chiếc đũa dùng để thụt “đạn” cò ke văng ra từ ống dài hơn.

Mỗi lần “đạn” cò ke được đẩy ra nó sẽ phát ra âm thanh “pốc pốc” nghe phấn khích. Bọn trẻ con dùng “súng thụt” làm “vũ khí” để dí nhau chạy và “bắn” nhau rất náo nhiệt. Đứa nào bị “đạn” bắn trúng cánh tay trần sẽ cảm thấy hơi ran rát. Còn đứa bắn trúng đã quá cười ngất.

Sau khi chơi “đánh trận” đã đời, bọn trẻ chơi trò kéo xe bằng mo cau. Chúng đi khắp xóm coi nhà nào có mo cau rụng thì vô xin. Chiếc mo cau phải có cuống dài mới làm xe kéo được. Chúng xách mo cau vào sân trường rồi thay phiên nhau ngồi lọt thỏm trong mo cau, mấy đứa còn lại ra sức kéo. Cứ vậy lần lượt từng đứa được “đi du lịch” quanh sân trường trên chiếc mo cau.

Trẻ con ở nông thôn mà chưa một lần ra đồng chơi thì không được gọi là dân nhà quê. Ra đồng để nghe chim chiền chiện hót, ra đồng để ngắm những đám dây bòng bong xanh rờn mọc um tùm bên bờ kênh, ra đồng để bắt dế than, dế lửa. “Con thuyền ký ức” giúp gã nhớ lại từng nét thân thuộc trong hồn quê, làm trào dâng lên cảm xúc bồi hồi khi nghe lại tiếng chim chiền chiện hót qua kênh YouTube.

Gã nhớ lại ngày xưa nhà nào có đám cưới thì người ta trang trí rạp bằng những chiếc tàu dừa cắt bớt lá chỉ chừa lại chừng một gang tay để tạo thành hình trông giống như chiếc xương cá khổng lồ, rồi quấn những dây bòng bong vào trông thật đẹp. Bây giờ, người ta làm rạp đám cưới từ những chất liệu sắt và nhựa không còn thân thiện với môi trường, và oải nhất là đám cưới nào hầu như cũng trang bị một dàn âm thanh mở hết công suất làm gã bị ép tim. Nếu phải tham dự những đám cưới ồn ào như vậy thì gã chỉ dùng hết món thứ nhất rồi lặng lẽ ra về.

Chuồn chuồn kim xanh lá đang đậu trên cọng cỏ dại. (Hình: Alief Baldwin/Pexels)

Một thời chơi với dế và cả với bọ

Ra về để tâm trí gã trở lại cánh đồng tuổi thơ bằng “con thuyền ký ức”. Mỗi khi gã cảm thấy căng thẳng, gã thường nghĩ về nơi bình yên và những âm thanh dễ chịu, như cánh đồng có tiếng dế gáy. Nơi ấy gã cùng bọn con nít đi bắt dế. Bắt dế là trò thú vị nhất của những thằng con trai chưa dậy thì thuở ấy. Chúng kiếm hang dế bằng cách lần mò theo tiếng dế gáy.

Hang dế là một cái lỗ có miệng rộng bằng đầu ngón chân cái của người lớn. Nếu hang cạn thì chỉ cần dỡ đất lên để bắt dế. Còn nếu hang sâu thì lấy nước ruộng đổ vào thì con dế chui ra. Bọn trẻ chỉ bắt con trống vì các con mái không biết đá nhau. Hơn nữa, đôi cánh của con trống có nhiều nếp nổi đẹp hơn.

Dế gáy ngoài đồng thường chỉ có hai loại là dế than và dế lửa. Dế than thì toàn thân màu đen có hai chấm cam trên thân, còn dế lửa có thân màu cam và đầu màu đen. Gã nhốt dế trong cái vỏ lon đậy nắp có khoét lỗ, hay trong cái hột xoài khô mà gã đã lượm được ở đâu đó bằng cách tách hột xoài và moi hết ruột bên trong ra. Thả dế vào hộp xong, gã sẽ bứt vài cọng cỏ bỏ vào cho dế ăn. Mấy đứa bạn thường cho dế đá với nhau để phân thắng bại song gã chỉ giữ dế trong hộp để nghe tiếng nó gáy qua một đêm rồi gã đem thả chúng ở những vệ cỏ ven đường.

Gã không những theo bạn ra đồng mà còn theo anh ra đồng khi anh đi nhủi cá. Gọi là nhủi cá song vô được con gì ăn được thì bắt đem về hết. Những con ăn được như cá rô minh tích (có nơi gọi là binh tích để chỉ những con cá rô nhỏ), cá trào cửng (cá lóc còn nhỏ), cá trê, cá bảy trầu, cua, cà cuống, cà niểng… Anh của gã đem những con này về cho chị Hai làm sạch rồi kho chung một chảo.

Con cà cuống. (Hình: Vel1m1r/Pexels)

Gã khoái nhất là khi trong đám cá nhủi được có con ăn mày, cá lia thia trống. Gã thích bóp nhè nhẹ con ăn mày vì khi đó nó sẽ chìa ra một “cái máng” từ miệng giống như người ăn mày chìa cái thau ra để xin tiền. Có lẽ vì đặc điểm này mà dân gian gọi nó là con ăn mày.

Còn nếu có cá lia thia trống,  gã sẽ bỏ vào vỏ hũ chao có nước giếng để nuôi coi chơi. Khi đặt hai hũ chao có cá lia thia kế bên nhau mà không có tấm giấy ngăn ở giữa, hai con cá sẽ sừng nhau trông vui mắt. Lúc ấy các vây và đuôi màu xanh dương và đỏ của bọn cá lia thia sẽ xòe hết ra, thân mình đen có lốm đốm như kim tuyến uốn lượn gồng mình lên lẩy qua lẩy lại. Gã chơi với bọn cá được vài bữa rồi cũng đem thả ở ao nước tù đọng lâu ngày trong xóm, vì chơi con gì gã cũng sợ chúng chết nên đem thả trước. Phải chăng gã bị ám ảnh về những sự ra đi vĩnh viễn!?

Những lúc bị ám ảnh về cái chết, gã chọn cách chơi một mình. Bởi vì khi đó gã mới có thể tự mình làm chủ được hành vi mà không làm hại các con vật đáng yêu. Xung quanh nhà gã có nhiều bụi cây kiểng, gã hay tìm những con bọ ngựa trong tán lá. Con bọ ngựa màu xanh lá cây và có dáng dấp giống con ngựa, có đặc điểm rất ngộ là khi gã cầm nó trên tay thì hai chân trước của nó có hành vi giống như người ta chắp hai tay lạy. Lúc đó gã nghĩ rằng chắc có lẽ nó đang lạy để xin tha mạng nên gã cũng vội thả nó đi.

Dân ngoại quốc cũng đặt tên con bọ này theo nét đặc trưng của chúng nên tên tiếng Anh gọi là “praying mantis” (praying có nghĩa là lạy, còn mantis là bộ bọ ngựa).

Gã cũng thích chơi với con cúc. Thật ra đây là ấu trùng của con chuồn chuồn kim (damselfly). Chuồn chuồn kim có cái đuôi mảnh như cây kim vá quần áo. Trên nền cát, chỗ nào có vết như cái phễu nhỏ thì chỗ đó là nơi con cúc trú ẩn vào mùa hè. Để bắt con cúc chỉ cần moi nhẹ lớp cát lên. Sau khi ngắm nghía một hồi gã thả con cúc xuống đất thì tự nhiên nó sẽ rụt lại vào cát từ đằng đuôi.

Cũng vào mùa hè, các con quýt thường trú ẩn ở cột kèo gỗ của mái che hàng ba (hành lang trước nhà) của nhà ông Năm. Nhà ông Năm kế bên nhà gã. Những buổi trưa hè khi các anh chị gã ngủ trưa, gã một mình qua hàng ba nhà ông Năm tìm xem có con quýt nào rớt xuống đang nằm lật dù hay không. Con quýt sặc sỡ với thân hình màu xanh dương lấp lánh điểm tô hai đốm tròn màu cam trên đôi cánh. Những con đang nằm lật ngửa không bay được thì gã bắt lên rồi tung nhẹ cho nó bay lên.

Khi trời đất bước sang Tháng Năm, cũng là lúc hoa phượng vĩ nở rộ đỏ au từng mảng lớn tô sắc rực rỡ cho sân trường trong xóm. Đó cũng là lúc gã một mình luẩn quẩn quanh các gốc cây phượng vĩ để lượm những con bọ xè đang bị lật ngửa vì rớt xuống từ cây phượng vĩ.

Con bọ ngựa xanh. (Hình: Quang Nguyen Vinh/Pexels)

Theo âm thanh phát ra “xè xè” của con bọ này mà người ta gọi nó là bọ xè. Bọ xè có sừng giống như tê giác nên chính vì vậy mà dân ngoại quốc gọi nó bằng cái tên rhino beettle (rhino nghĩa đen là tê giác còn beetle nghĩa là bọ). Bọ xè có đôi cánh cứng màu nâu đen bóng lưỡng. Chính vì đôi cánh cứng này mà nó còn được gọi là bọ cánh cứng.

Gã thích lắng nghe âm thanh “xè xè” khi con bọ kêu. Song âm thanh này cũng giống như lời “van xin” nỉ non hãy thả nó ra. Gã chỉ ngắm chúng một chút thôi rồi đặt chúng lên thân cây phượng. Với bộ chân nhiều mấu, bọ xè dễ dàng leo lên trở lại ngọn cây phượng vĩ.

Hoa phượng vĩ mùa hè. (Hình: Thanh nguyễn/Pexels)

Những sinh vật, thực vật ngày xưa có đầy trong thiên nhiên, gã được chơi miễn phí song ngày nay người đời biến chúng thành món “đồ chơi” đắt tiền. Trong bài viết “Tại sao người trẻ chịu chi cả trăm triệu để nuôi bọ cánh cứng?” được đăng trên báo Thanh Niên ngày 13 Tháng Mười 2023, gã bất ngờ vì theo bài viết người ta sẵn sàng chi cả trăm triệu đồng (tương đương $4,000) để đầu tư nuôi con bọ này. Nghĩ cho cùng thì ngày xưa tuổi thơ của gã không có xu nào trong tay song được ngắm bọ xè thỏa thích.

Còn chiếc mo cau từng nằm vất vưởng trong sân nhà hàng xóm thì ngày nay đã trở thành kế mưu sinh của nhiều người dân như trong một bài viết “Hành trình lột xác của chiếc mo cau”  được đăng trên báo Tuổi Trẻ ngày 31 Tháng Ba 2024.

Cánh diều gửi lời ước tương lai và hiện tại

Nói đến tuổi thơ, nói đến cuộc sống làng quê Việt Nam thì không thể quên hình ảnh cánh diều. Cứ mỗi độ xuân sang từ cuối Tháng Hai trở đi, chiều chiều gã cùng anh ra bãi đất trống để thả diều giấy. Con diều được người anh làm từ giấy vở cũ và nan tre. Người ta nói nhiều đến tiếng sáo diều trong văn thơ, âm nhạc song gã chưa từng nghe được tiếng sáo diều ngoài đời. Nhà thơ Bàng Bá Lân đã từng đưa tiếng sáo diều vào bài thơ “Tiếng Sáo Diều”:

“Lòng quê gởi tiếng sáo diều,

Ai ơi, hãy đợi những chiều gió lên.

 

Đêm vắng đìu hiu. Sáo nỉ non,

Giãi niềm thương nhớ với trăng tròn.

Muôn lời tình tứ yêu đương ấy,

Làng gửi vào trong miệng sáo con.

 

Từng sợi dây duyên kết giữa trời,

Nối liền dây đấy, chị Hằng ơi!

Hồn làng vơ vẩn năm canh vắng,

Mãi mãi muôn đêm nhớ một người.

 

Vì chỉ xa trông, chẳng được gần,

Mượn diều thủ thỉ với trăng tân.

Nàng trăng cảm ý, buồn man mác,

Lặng lẽ nhìn lâu xuống cõi trần.

 

Ta giống làng khuya, em giống trăng;

Làng buông diều sáo tới cung Hằng.

Làng kia còn có diều xe mối,

Ta gối tình yêu chẳng nói năng!”

Tuy vậy, gã vẫn có lối chơi riêng là khi cánh diều đã lên cao chót vót thì gã viết lời ước của mình gởi theo cánh diều lên trời. Gã lấy một miếng giấy nhỏ dài chừng năm centimet, ngang chừng hai centiment để viết điều ước. Đoạn gã liếm một đầu miếng giấy dán thành vòng tròn quanh sợi dây diều. Bức thư lạ đời của gã theo gió từ từ chạy lên cao mất hút. Điều ước của gã lớn lắm nên đến bây giờ vẫn chưa thành hiện thực. Lúc đó, gã viết rằng: “Lớn lên hãy cho con trở thành phi hành gia bay vào vũ trụ để khám phá vũ trụ bao la”.

Em bé trai thả diều. (Hình: Katharina Kammermann/Unsplash)

… Năm tháng dần dà trôi qua, cuộc đời giờ có nhiều thay đổi từ những ước mơ lớn trở thành phi hành gia, trở thành bác sĩ, trở thành kỹ sư điện tử v.v. rồi rút cuộc bây giờ gã trở thành “thợ viết” để giãi bày  những kỉ niệm, những cảm xúc trong thời thơ ấu. Bây giờ, nếu gã có một điều ước thì gã sẽ ước rằng tất cả con nít trên thế giới ngừng chơi điện thoại, iPad, trò chơi điện tử,… và có sẵn môi trường thiên nhiên thân thiện gần nhà để chúng vui chơi. Hay ít ra các bậc cha mẹ của chúng không phải cật lực mưu sinh để có nhiều thời gian hơn đưa con cái hòa mình vào môi trường thiên nhiên trong lành, nô đùa và làm bạn với những con vật đáng yêu, ngắm những loài thực vật dễ thương.

Một điều ước có vẻ chính đáng song rất xa vời… và khó thành hiện thực, nhứt là đối với các bậc cha mẹ tại Việt Nam ngày càng bị cuốn vào con đường mưu sinh, phải nghĩ đủ cách để kiếm tiền thì hỡi ơi còn thời gian đâu mà đưa con đi chơi khám phá thiên nhiên? Mặt khác, môi trường thiên nhiên ở Việt Nam ngày càng trở nên ô nhiễm, khi bị tàn phá bởi các ngành công nghiệp thải khói, hoặc bị các công ty được quyền khai thác quây rào để bán vé, họ biết tìm đâu ra nơi có không gian trong lành và miễn phí?

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo