Trước khi động đất…  

Hình minh hoạ

Sự Chết-Sự Vô Cùng

Tính Không-Tính Lớn Nhất

PNN-Person No Name 

Vô tình một cách cố ý-Bản thân thường được đặt vào trong hoàn cảnh THẬT để được “biết/hiểu/sống” thế nào là SỰ KHÔNG/SỰ HỦY DIỆT/SỰ CHẾT. Có thể từ rất lâu 1950’s, 1960’s, nhưng cụ thể từ thời điểm, 1968. Rất nhiều đêm, bất chợt lên xe từ doanh trại, hậu cứ Lữ Đoàn 2 Nhẩy Dù, đồi Long Bình lái qua Nghĩa Trang Quân Đội trước mặt trại, bên kia xa lộ. Lái lòng vòng, đi không chủ đích, đi, không vui, không buồn..

Nếu có một người nào thấy được chắc hẳn sẽ nhận định đang “bị ma dắt”. Sáng 30 Tháng 4, 1975, đứng trước thềm Hạ Viện theo dõi hai chiếc xe ZIL, xe vận tải Trung Cộng chở lính du kích đàn bà từ Phú Lâm theo đường Trần Hưng Đạo, Lê Lợi vào “chiếm đóng” Hạ Viện – Thoáng một giây khắc cực ngắn – Sàigòn biến mất.

Kinh nghiệm về Tính Không/Sự Chết được hiện thực cụ thể hơn trong thời đoạn vào kiên giam đợt hai, 7 Tháng 9, 1981. Trong những căn hầm dài hai thước, ngang một thước, cao ba thước, một chân trong vòng cùng chữ U… Hầm nóng hơn 40 độ vào mùa hè, mùa lạnh đóng băng trên cửa sổ, bóng tối nhờ nhờ đục đục nếu là ban ngày, ban đêm là khối đen tầng tầng chụp xuống. Với hoàn cảnh nầy, nên từ 1985, 1986… dần quên ý niệm ngày/đêm; tên/họ; đang ở trại nào/buồng giam số mấy…

Tình trạng “Hóa Không/Chạm Chết” nầy hiện rõ thêm trong thời gian ở Minnesota, sau biến cố 911 năm 2001, làm An ninh Phi trường, TSA. Xuống ca chiều Chủ Nhật, không biết làm gì, mua vé lên chơi Alaska. Đến nơi, không biết: Ngày/Đêm; Trời/Đất; Trên/Dưới.. Và cuối cùng, qua những năm nơi Arizona sau nầy, ở city nhỏ, vắng người Queen Creek thì thấy ra: Tính KHÔNG QUẢ THẬT CÓ/SỰ HỦY DIỆT-CÁI CHẾT LÀ MỘT ĐIỀU CỤ THỂ/RẤT CỤ THỂ.

Theo như Phần Dẫn Nhập trên, những lời (dưới đây) rất ngại ngùng để viết nên, vì mang vẻ (của) riêng tư, miêu tả, trình bày về bản thân từ một cá nhân – Đây là khuyết điểm trầm kha/chỉ nói loay hoay, quanh quẩn về bản thân mà bất cứ người Việt cầm bút nào (ở VN/nơi Miền Nam) cũng mắc phải.

Họa hoằn lắm mới có những “tay cự phách/trời cho” như Nam Cao với Chí Phèo, Vũ Trọng Phụng-Xuân Tóc Đỏ; Lê Xuyên-Chú Tư Cầu – Những nhân vật tiểu thuyết lớn hẳn so với đồng sàng, đồng cảnh trong suốt Thế kỷ 20. Qua đến Thế kỷ 21, thì tiểu thuyết VN coi như thua cuộc chung với chữ nghĩa toàn thế giới. Thơ rõ ràng đã là một đại thất bại – Vì có cho đến 10 giải Nobel, thì “thi lực và ý lực” của người gọi là nữ thi sĩ Louise Gluck hoàn toàn không (thể) có.

Vì những lẽ trên, người viết (bắt buộc, chân thật) với bản thân nên thấy ra: Phải tìm cách bứt thoát ra khỏi trói buộc của “địa-văn hóa” đối với người cầm bút thuộc một xứ sở vẫn (luôn) bị đánh giá là “chậm tiến”!! Cho dẫu giới cầm quyền cộng sản nơi Hà Nội có bạo gan tự xưng tụng, nói cho hả không ngượng miệng.

Nhưng lần động đất khủng khiếp nơi Thổ Nhĩ Kỳ xẩy ra trong ngày 6 Tháng 2, 2023 vừa qua với cảnh tượng đàn chim hoảng loạn báo động (tương tự thú vật trước sóng thần 26/12/2004 nơi vùng Đông-Nam Thái Bình Dương) cho người viết “thấy/hiểu” ra điều cụ thể: NỖI ĐAU LUÔN LÀ NỖI ĐAU CHUNG – Con Người/Bất cứ Ai cũng nhận đủ thông tin, tín hiệu về SỰ CHẾT – Chỉ khác, đối với mỗi người thì thời điểm, nguyên nhân, hình thái xẩy ra có khác nhau.

Trong nhận định chung kết nầy, thì người Việt không hề thiếu “kinh nghiệm” về tai họa cùng khốn với kết thúc cuối cùng: SỰ CHẾT. Loài chim còn thấy đau huống gì là Con Người – Người Việt thì quá đủ. Cho nên, có những lời “thơ” sau đây. Người đọc biết đâu, cũng có lúc nhận ra: Xem thơ nhường thấy in tình cảnh chung…

Hình minh hoạ: max-beck-unsplash

1/

Khuya đêm lạnh lẽo nhà thương

Hàng giường rợn trắng chập chờn cảnh âm

Mẹ nằm thiếp lặng từ cơn

Thấy chầm chậm chết từ đầu ngón chân!

1960

2/

Người đứng cuối toa tàu

Cuộc đời dưới sâu như vực thẳm

Vào Sài Gòn đăng lính

Một mình,

Đi đâu đây?

1964

 

3/

Nhạt thếch đón Tết nơi xóm vắng

Lính ngồi nghiêng ngả chờ qua canh

Sài Gòn đảo chánh đèn tắt ngấm

Chẳng biết nghĩ gì tàn thuốc quăng nhanh!

 

4/

Giao Thừa ngủ đổ mái hiên

Nhìn ra đồng trống lạ tên xóm làng

Dựa lưng lính gục hai hàng

Nửa đêm mở máy chờ giờ hành quân

 

5/

Đứng giữa đường đông người phẫn nộ

Tiếng lời chửi mắng, bão giông dâng

Ngán ngẩm nghĩa đồng bào, đồng đạo

Lựu đạn cay, xé mắt, nát lòng..

 

6/

Vỡ trận xối bom, lửa ngút tràn

Bờ kinh, rạch, suối, oằn mình than

Dân che tay nhỏ ngăn nhà cháy

Quân hai bên đầm đìa máu loang

1965

 

7/

Đồng Xoài nổ tiếp trận Ba Gia

Đất thấm đẫm máu, nhầy thịt da

Đứa sống, thằng chết nằm lây lất

Có hay không một chốn Người Ta?

1967

 

8/

Quân về xứ Huế, vượt Sông Bồ

Khô thắt Thạch Hãn, đất cơ khổ

Trăng lạnh Khe Sanh, khốc Cửa Việt

Đọa đày cháy rám nếp da khô

1968

Hình minh hoạ

9/

Mồ cạn, hố nông nơi sân trường

Huyệt đào cạn lấp chật hẻm núi

Vùi, dập oan khiên vạn cảnh thảm

Sống/chết uất hờn không cây hương

 

10/

Mậu Thân sầm sập xung phong

Lính bần bật chạy chập chùng đạn bay

Đứa nào vừa chết đêm nay?

Gắng qua năm mới cho tròn hai mươi.

1971

 

11/

Hạ Lào vào dễ đường ra khó

Thịt nhầy, da dính xích xe tăng

Rùng rùng đạn pháo rung mạch đất

Trường Sơn xương trắng, sọ khô phơi

1972

 

12/

Ôi đau thương thay Hè kinh hoàng

Ba vùng quê hương lửa loang loáng

Rừng, núi, suối, sông, dài vịnh biển

Chập chùng bão loạn cháy phương Nam

Pháo, bom dồn dập sập Cổ Thành

Đạn xuyên vỡ ngực bé Bình Long

Mẹ quê khóc khản đường Quảng Trị

Lão bà ngất gục rừng Xa Cam

Nơi vùng Tây Nguyên sông Pô-kơ

Quân lính hai bên dành nước hố

Nam-Bắc huyết chiến nên một lần

“hòa bình” ký kết kíp phương Tây!

Ôi chữ viết có mùi máu rây…

1975

 

13/

Tôi với Hải Vân buổi tàn cuộc

Đứng giữa đường đèo tim nhói buốt

Nhìn suốt quê hương ôi thảm thương

Quảng Đà-Trị Thiên hồi đổ sụp

Mẹ quê khóc rối môi khô quắp

Con thơ nín bặt không tiếng khóc

Trăm dặm đường xa rời Quảng Trị

Đỉnh đèo ngộp chết, con đi khuất

Hình minh hoạ

14/

Buổi sáng Long Giao mờ hơi sương

Kẻng đánh rền vang giục lên đường

Trên nền đất lạnh, tay che mặt

Đau nhục thấm sâu từng lóng xương

 

Buổi trưa Long Giao hầm hập nắng

Cành lá đứng im, cây chết lặng

Ngoài đường khắc khoải bóng người thân

Đau nhói trong tim, ngực trũng nặng

 

Buổi chiều Long Giao ứa máu đỏ

Run rẩy cỏ vàng khô se gió

Tiếng bấc, tiếng chì loa phóng thanh

Vạn gã tù im, ghìm hơi thở

 

Ban đêm, Long Giao không dạng người

Nghe đủ đau thương từ âm nói

Tội nghiệp, thở dài sâu giấc mơ

Sợ mai sống, chết mỗi ngày tới

1976

 

15/

Đi đâu?

Người đi đâu?

Bước xuống phà Âu Lâu

Sông Hồng âm âm sóng

Nắng vàng vọt dãi dầu

Đoàn tù nặng bước chậm

Lạc ánh mắt đậm sầu

Mũi súng chăn gờn gợn

Tóc xạm mầu gió bay

Bên kia sông rừng sâu

Đầu nguồn xanh xám đục

Mây mù giăng khói lạnh

Tiếng chim buồn vang xa..

1977

 

16/

Em đứng trên đồi mây

Sáng Xuân mù rét núi

Đá tai mèo rờn rợn

Buốt giá sắc đường dao

Mong manh tấm áo cũ

Lồ lộ vẻ thanh tân

Xót xa phơi bầu vú

Thanh khiết dạng nữ thần

..

Rực rỡ em như hoa

Tóc màu mây trổi gió

Em chứng thực đọa đầy

Lấm bùn se lá cỏ

Những ngón chân đỏ hồng

Nhức nhối ngày rét đậm

Mười ngón tay căng phồng

Lượm lặt hạt lúa thảm

Nương gặt hết còn đâu

Giúp em qua cơn đói

Đá sắc nhọn giãi dầu

Đất nào nuôi người nổi

Em chìm đáy vũng khổ

Từ một ngày 54

1978

Hình minh hoạ: Dikaseve/unsplash

17/

Thương em tuổi độ thanh xuân

Môi khô nín bặt, lạnh tanh tiếng cười

Bó cuốc nặng gãy thân người

Một vùng tóc rối tơi bời cỏ gai

Chân trần, gót nứt, dày chai

Ngực hong gió buốt, tay gầy gân xanh

Cảm thương phận khổ cùng đành

Lặng thinh cắn đọt lá dừa cầm hơi..

1979

 

18/

Trọng Đông, giá lạnh xói mòn

Rét khô ngọn cỏ, nứt giòn vỏ cây

Lũ tù xếp dọc đường dây

Thân dầm nước đục, tay vầy bùn non

Lầy hôi thối loét vét sâu

Chuyển lên xây đắp “cơ đồ vinh quang

Qua trưa gió bấc thổi dồn

Cuốn cong phiến lá, bạc đầu tù nhân..

1980 

 

19/

Ôi con xa xót giờ Giao Thừa

Ngoài trời rơi nhỏ hạt sa mưa

Mất cả cuộc đời không đóm lửa

Đón xuân lay động chiếc cùm khua

1981

 

20/

Bước đằng trước ba bước

Bước đằng sau ba bước

Ngang, dọc hai-mốt gang

Căn phòng chìm ảm đạm

Ta là ai?..

Họ Phan?

Người Nam giam đất Bắc

Đôi lúc chợt bàng hoàng

Phải chăng năm thứ Tám…

1982

 

21/

Tôi là kẻ chuyên nghiệp viết văn

Giấy bút bị lấy mất

Đêm đen thăm thẳm lạnh căm

Làm thơ trên đầu ngón tay tính nhẩm..

1983

 

22/

Thanh Minh ra hầm rời Thanh Hóa (*)

Đất trời mang mang ánh sáng lạ

Về đâu?

Về đâu?

Ta đi đâu?

Sừng sững vây quanh dẫy núi đá!!

(*) Trại 5 Lam Sơn, Thanh Hóa

1984

 

23/

Năm hàng song sắt lạnh

Trăng hiu quạnh hắt vào

Lặng lẽ dẫy Thánh Giá

Hằn lên tường thấm Đau.

1985

 

24/

Chỉ còn Người Jesus

Để cho tôi nói với

Người căng thân Thánh Giá

Tôi ngậm khổ từng giờ.

1986

 

25/

Trăng chậm rãi dát vàng bên kia núi

Loáng huy hoàng gợn động dãi rừng xanh

Xa sông Mã âm âm rung phới phới

Đêm bao la huyền hoặc ngọc thiên thanh

..

Tận khốn khổ bỗng rung rền thao thức

Người hồi sinh từ vô hạn nhiệm mầu trăng

1987

 

26/

Tinh mơ vọng tiếng vạc kêu sương

Ta ở đâu đây trên quê hương

Muốn khóc một lần không nên tiếng

Kiên giam lâu thêm hiểu nghĩa đoạn trường

1988

Hình minh hoạ: Eila Lifflander/unsplash

27/

Tôi về Hải Vân thân áo tù

Mười bốn năm dài nhục thấm dư

Nghe lạ đất trời, lạnh vụng biển

Quê nhà còn không, cơn mộng du

Một cuộc máu xương bao kẻ chết

Vinh quang, thắng lợi nào dấu vết

Còn chăng bằn bặt tận khốc âm

Mang mang đất trời một cảnh chết.

1989 

 

28/

Mười bốn năm giấc mộng tàn tan tác

Dài đời người chẳng đủ một Cơn Đau

Rời ngục khổ, bước chân ra không thật

Mong một lần được khóc giữa đêm thâu

1990

 

29/

Ta về! Hóa ra về không được

Ta đi! Chẳng biết đi tới đâu

Đi, về hai ngã đồng nhau tất

Thôi, cứ đi đi cũng địa cầu

Hãy tạm về đâu trên mặt đất

Cuối cùng chạm tới chỗ Không thôi.

1993

 

30/

Tôi đi Mỹ cứ như hắt cặn nước

Xuống đất Mỹ tưởng vừa vất tàn thuốc

Quê hương gầm gừ khinh miệt

Đất lạ tròn chốn lưu đày.

Sau 30 năm ở Mỹ

1993-2023

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: