Đầu thập niên 1960, đường phố Sài Gòn xuất hiện nhiều khách nước ngoài đến du lịch hoặc để làm việc. Hành trang du khách mang theo có các đĩa LP nhạc Rock&Roll đang thịnh hành, các tạp chí âm nhạc Hit Parader, Billboard. Những bản Pop Rock Âu Mỹ nhanh chóng được giới trẻ Việt biết đến. Những Move It của Cliff Richard, Apache của The Shadow, Tous les garçons et les filles của Françoise Hardy dần trở nên quen thuộc.
từ Teenager’s Club ngây thơ đến trang Teenager’s báo Kịch Ảnh
Cậu học trò mê nhạc Vũ Trường Kỳ nhanh chóng bị cuốn theo trào lưu nhạc mới. Với niềm say mê ở tuổi 16, Trường Kỳ đã rủ rê bạn bè thành lập một Club trẻ lấy tên là Teenager’s Club và thậm chí còn gửi thư đến mục Tìm bạn thư tín yêu nhạc của tạp chí Salut Les Copains để kết bạn. Song song đó, trong nhiều trường Tây lúc bấy giờ cũng xuất hiện các club trẻ: Pat Boone Fan Club, Flashlight Club, Smiling Club…
Sinh hoạt giới trẻ có thêm khuynh hướng mới, tụ tập lập ban nhạc, chơi nhạc mới. Trong thời gian ngắn đã có gần ba mươi ban nhạc được thành lập. The Black Caps, toàn nam; và The Blue Stars, toàn nữ, được xem là hai ban nhạc trẻ thành lập sớm nhất. Trưởng hai ban nhạc, Ngọc Tùng và Ngọc Lan là con của vợ chồng nhạc sĩ Nguyễn Ngọc và Huyền Nga. Tiếp đó có thể kể thêm, Les Vampires, The Daltons, The Rockin’ Star, The Teddy Bears, The Hard Stones, The Vendetta, The Sunshines, Les Faucons Noirs, The Fourty Six, …
Giới báo chí bắt đầu chú ý đến trào lưu âm nhạc mới. Ông Quốc Phong, chủ tờ Kịch Ảnh mạnh dạn giao cho Trường Kỳ (lúc đó mới 17 tuổi) phụ trách Trang Teenager’s và dành cho hai cột báo để viết về sinh hoạt âm nhạc của giới trẻ. Lúc đó, Đài Phát thanh Quân đội Sài Gòn hàng tuần có phát Chương trình Nhạc ngoại quốc và Nhạc ngoại quốc theo yêu cầu do biên tập viên Mỹ Linh và nhạc sỹ Đào Duy Tình thực hiện.
từ Bàn tròn Nhạc Trẻ đến Đại hội Nhạc Trẻ đầu tiên, 1965
Năm 1965, Trường Kỳ, với nhiệt huyết của một ký giả trẻ, nhìn thấy sự đón nhận nhanh, mạnh của giới trẻ đối với thể loại nhạc mới nhưng xã hội đương thời chưa thừa nhận, thậm chí xem đó là ma quỷ, là xấu xa. Cho nên, ông đề nghị với ông Quốc Phong, báo Kịch Ảnh, đứng ra tổ chức buổi tọa đàm để xác lập vị thế của thể loại nhạc mới và tìm hướng phát triển hoạt động biểu diễn của các ban nhạc chơi thể loại này. Bàn tròn Nhạc Trẻ do Trường Kỳ chủ trì có hơn 20 đại diện các ban nhạc tham dự. Sau hơn hai tiếng thảo luận sôi nổi, Bàn tròn Nhạc Trẻ đã ghi nhận kết luận sau: Theo đề nghị của Trường Kỳ, từ nay dùng tên Nhạc Trẻ để chỉ thể loại nhạc mới. Và định nghĩa – Nhạc Trẻ là loại nhạc thích hợp với những tâm hồn tươi trẻ và nhạc Trẻ cũng không nhất thiết phải là loại nhạc giựt gân.
Tiếp sau Bàn tròn nhạc Trẻ, Trường Kỳ nảy ra ý tưởng táo bạo là tổ chức Đại hội Nhạc Trẻ và dự kiến địa điểm là trường Lasan Taberd nơi ông đang học năm cuối. Sư huynh Vial, thầy phụ trách âm nhạc ở Lasan Taberd đã trợn tròn mắt và xém ngã bật ngửa ra phía sau khi nghe Trường Kỳ đưa ra đề nghị. Nhờ tài thuyết phục của Trường Kỳ và tư tưởng cấp tiến của Ban giám đốc trường Lasan Taberd, Đại hội Nhạc Trẻ đầu tiên đã được tổ chức.
Sáng Chủ nhật, 28 Tháng Mười Một 1965, gần một tuần sau ngày Lễ Thánh nữ Cécilia (22 Tháng Mười Một) – Thánh bổn mạng của nền âm nhạc Giáo Hội, Hội trường Lasan Taberd với sức chứa gần ngàn chỗ chật kín người. Đan xen với những chiếc áo màu lòe loẹt của các bạn trẻ là những chiếc áo dòng đen trầm mặc của các sư huynh, tạo nên bức tranh mang phong cách dã thú với những mảng màu tương phản mạnh mẽ, vừa thể hiện sự khác biệt giữa hai thế hệ vừa biểu hiện sự hòa hợp tâm hồn của những người thực sự yêu âm nhạc. Buổi biểu diễn dài khoảng ba tiếng với hơn mười ban nhạc tham gia. Sư huynh Vial và cả Ban giám đốc đều hài lòng khi thấy các ban nhạc chơi rất ổn, khán giả hò reo rất chừng mực.
Đại hội nhạc Trẻ, 1965 thành công tạo tiếng vang lớn trong giới nhạc Trẻ và gây được sự chú ý đối với các bạn trẻ yêu nhạc. Trường Lasan Taberd tiếp tục cho tổ chức các Đại hội nhạc Trẻ kế tiếp vào các năm 1966, 1967, 1968 với mục đích gây quỹ cho các hoạt động bác ái và cứu trợ đồng bào.
Về sau, Trường Kỳ còn tham gia ban tổ chức hai kỳ Đại hội nhạc Trẻ Quốc tế được tổ chức tại Sân Vận Động Hoa Lư năm 1971 và tại Thảo Cầm Viên Sài Gòn năm 1974. Đây là hai kỳ nhạc hội lớn nhất với gần hai chục ban nhạc tham gia, mấy chục ngàn khán giả đến xem, nhiều cư dân Sài Gòn hôm nay vẫn còn nhắc đến.
Trường Kỳ và Hippies A Go Go
Sau mấy kỳ nhạc hội, tên tuổi Trường Kỳ được nhiều người chú ý. Hai anh em Tuấn, Cường của ban nhạc The Rising Sun đã đề nghị ông đứng ra tổ chức chương trình nhạc Trẻ hàng tuần. Trường Kỳ gật đầu cái rụp. Vào Tháng Mười Một 1967, chương trình Teen A Go Go đầu tiên do Trường Kỳ thực hiện ra mắt tại Watusi Club trên đường Nguyễn Minh Chiếu, Phú Nhuận với sức chứa gần 200 chỗ. Teen A Go Go thực hiện được vài tuần phải ngưng vì khu vực biểu diễn không được an ninh.
Không lâu sau, ca sĩ, nhà sản xuất âm nhạc Jo Marcel đã mời Trường Kỳ về cộng tác. Đầu Tháng Một 1968 tại Vũ trường Chez Jo Marcel (ở tầng dưới khách sạn Catinat, địa điểm này sau là Phòng trà Đêm Màu Hồng), chương trình Hippies A Go Go do Trường Kỳ thực hiện ra mắt khán giả. Hippies A Go Go cùng Trường Kỳ đã theo bước Jo Marcel từ Chez Jo Marcel qua Queen Bee đến Vũ trường Ritz trên đường Trần Hưng Đạo mãi đến năm 1972.
Trường Kỳ cùng phong trào Việt hóa Nhạc Trẻ
Cuối thập niên 1960, Nhạc Trẻ lan rộng ra nhiều giới yêu nhạc. Làng Nhạc Trẻ Sài Gòn muốn được gần gũi hơn với mọi người, họ muốn hát bằng tiếng Việt và xa hơn là sáng tác nhạc trẻ Việt. Những ý tưởng đó lớn dần tạo nên phong trào Việt hóa nhạc Trẻ.
Đầu thập niên 1970, phòng số 22 của khách sạn Bồng Lai, “đại bản doanh” của Trường Kỳ là nơi ông trao đổi với bạn bè, Tùng Giang, Nam Lộc, Vũ Xuân Hùng, Tuấn Dũng…, cùng bàn việc chuyển soạn lời Việt cho các ca khúc Pop Rock quốc tế. Sau đó, trên kệ các nhà sách xuất hiện ấn phẩm mới, bìa in màu, đẹp, tuyển tập Tình ca nhạc Trẻ 1, 2… Trường Kỳ còn hợp tác với Nam Lộc mời các ca sĩ thu âm, phát hành băng nhạc Nhạc Hồng.
Giai đoạn này, nhiều ca khúc Pop Rock Việt đã ra đời. Ngọc Chánh & Phạm Duy viết Tuổi biết buồn để Thanh Lan sang hát ở xứ sở Phù Tang. Tùng Giang và Trường Kỳ viết Biết đến thuở nào. Và đặc biệt những bản Rock của ban nhạc Phượng Hoàng, sáng tác của hai thành viên trụ cột là Nguyễn Trung Cang và Lê Hựu Hà được giới trẻ đón nhận nhiệt tình.
từ Giờ nhạc Trẻ đến Vết chân hoang
Đài Truyền hình Việt Nam cũng chú ý đến nhạc trẻ. Đạo diễn Lê Hoàng Hoa mời Trường Kỳ làm MC giới thiệu chương trình Giờ nhạc Trẻ phát sóng hàng tháng trong năm 1970. Năm 1971, Trường Kỳ và Jo Marcel tiếp tục hợp tác, lần này có thêm Nam Lộc để thực hiện phim Thế giới nhạc trẻ được nhiều người chú ý. Thành công với phim đầu tay, họ mạnh dạn bắt tay thực hiện phim truyện Vết chân hoang (1973) với kịch bản được Trường Kỳ chuyển thể từ chính phóng sự tiểu thuyết Tuổi choai choai của ông, đạo diễn Jo Marcel. Bộ phim được các Rạp hàng đầu Sài Gòn thuê chiếu nhiều tháng.
Trường Kỳ gắn bó với phong trào Nhạc Trẻ miền Nam ngay từ buổi đầu. Suốt mười năm hoạt động trong làng nhạc trẻ Sài Gòn, ông đã thể hiện mình qua nhiều vai trò khác nhau, ký giả, nhà tổ chức chương trình, MC truyền hình, biên kịch phim. Ở mỗi vai trò ông đều sắm tròn vai. Trường Kỳ được bạn bè quý mến gọi là Vua nhạc Trẻ và tuy ít tuổi nhất nhưng được xếp đầu nhóm tứ quái nhạc trẻ: Trường Kỳ – Jo Marcel – Tùng Giang – Nam Lộc.
***
Cuối thập niên 1970, đang học trung học, tôi và nhóm bạn đã mò mẫm học nhạc nhờ những tập Tình ca Nhạc Trẻ 1, 2…, mê The Beatles qua quyển 152 ca khúc để đời của tứ quái The Beatles do Trường Kỳ tuyển chọn. Và hơn 30 năm sau, đọc bút ký MỘT THỜI NHẠC TRẺ của Trường Kỳ, tôi, người thế hệ sau, cảm nhận được những kỷ niệm buồn vui, khóc cười của ông cùng làng nhạc trẻ và thấy được bức tranh tổng thể, những tháng ngày huy hoàng của nhạc trẻ Sài Gòn.
Tháng 1/2022
Hoàng Phương Anh