Truyện ngắn: Ánh Mắt (1)

(Hình minh họa: Larm Rmah/Unsplash)

Lá thư không gửi

Cháu Chuyên thương mến của cậu,

Hơn mấy mươi năm rồi, thời gian với những đổi thay vẫn chưa đủ làm phai mờ những kỷ niệm đẹp đẽ, nên thơ và những phút giây lãng mạn ngày xưa trong ký ức của cháu về cậu hay sao? Lớn khôn và tuổi tác cũng vẫn không làm cháu mất đi ánh nhìn kính yêu của cô bé 14 tuổi đã dành cho cậu thật xa thủa ấy hay sao, Chuyên?         

Viết gì đây cho cháu, khi tâm tư cậu vẫn còn cái gì nằng nặng, cảm xúc đê mê trong buổi chiều Sài Gòn thoáng nhẹ mây che, mưa rơi lất phất, thật xa ngày đó. Buổi chiều, mà cậu đã ngẩn ngơ với nét mặt trái xoan, với ánh mắt lãng mạn và cả với bầu ngực trắng ngần thấm ướt nước mưa dưới làn lụa mỏng của cháu. Buổi chiều! Mà cậu đã khám phá được những âm thanh khôn lớn của cháu trong tiếng mưa rơi. Cũng với buổi chiều nhớ mãi không quên đó, cậu đã mơ hồ nghe thấy trong lòng cậu manh nha, khởi đầu những hoà âm kỳ diệu, đáng yêu…

Nhưng cũng chính lúc đó, cậu đã phải quyết định rời xa cháu. Thật buồn, cháu Chuyên nhỉ? Nhưng biết làm sao hơn khi cậu chẳng  còn một con đường nào khác , tốt hơn, hợp lý hơn để lựa chọn. Tình yêu đôi khi phải có một giới hạn, đứng xa nhau để cho nó đẹp mãi , sống mãi trong lòng mình cháu ạ. Dù cậu biết giới hạn đó là vĩnh viễn không bao giờ gặp lại cháu nữa ! Buồn lắm phải không Chuyên?        

Hãy tha thứ cho cậu, hãy nhìn cậu với ánh mắt thực tế hơn và hãy để cho những kỷ niệm thật xa ngày đó thoáng qua trong ký ức, nhưng sâu đậm mãi mãi trong tim cháu Chuyên ạ.

Cậu của cháu.

(Bình)

***

Từ ngày gia đình tôi dọn đến căn nhà mới, chật chội hơn, nhưng gần chợ để tiện cho mẹ tôi buôn bán, việc học hành của tôi ở nhà trở lên khó khăn và phiền phức hơn. Với căn nhà chỉ rộng vài chục mét vuông, phải chia sẻ chỗ ăn ngủ cho một gia đình 10 người, đã thế lại còn phải dành cả nửa phần tầng trệt cho việc buôn bán của mẹ tôi nữa . Làm sao tìm được một chỗ dành riêng cho chiếc bàn đủ rộng để anh em chúng tôi ngồi học hành thoải mái được.

Ban ngày sau giờ học ở trường tôi có thể mang sách đến thư viện để học, nhưng ban đêm hay cuối tuần, thư viện đóng cửa, đúng là một điều rất khó khăn để có một chỗ ngồi học. Cuối cùng tôi đã tìm được một dịp may để thoát khỏi sự khó khăn đó. Nhờ có một người bạn khá thân cùng học với tôi thời trung học, gia đình anh ta khá giả, có nhiều nhà cho mướn. Mẹ người bạn vì muốn cho con mình có bạn bè để cùng nhau học hành nên bà đồng ý cho tôi và mấy người bạn khác, cùng lứa tuổi, ở nhờ một căn nhà riêng biệt trong một xóm đạo gần ngã ba Ông Tạ.

Chúng tôi chỉ dùng căn nhà để học hành và ngủ đêm, không nấu ăn, ngoại trừ một chiếc bếp điện dành cho việc nấu nước pha trà hay cà phê mà thôi.Trong số bạn bè, chỉ có tôi là sinh viên đại học chuyên nghiệp, việc học hành, thi cử của tôi rất ư cực nhọc. Hàng ngày, tôi phải dậy sớm, chạy xe đến giảng đường để theo cua, có điểm danh. Thời gian học kéo dài đến chiều tối mới về nhà, thi cử xảy ra quanh năm, học hết môn nào thi môn nấy. Có thể nói, trong suốt khóa trình học chuyên nghiệp của tôi, con ma thi cử, bận rộn với bài vở luôn luôn đứng bên cạnh đưa cho tôi những cực nhọc và lo lắng.

Ngược lại, những người bạn của tôi, họ học ở các phân khoa tự do, như Khoa học, Luật khoa, Văn khoa… Việc đến giảng đường theo cua được coi như hoàn toàn tự ý, không có điểm danh. Ngay việc thi cử của họ cũng được tổ chức định kỳ, có thời khoá biểu rõ ràng ai thấy đủ sức, muốn thi thì thi. Ngược lại ai thấy mình chưa đủ sức không muốn vội vàng thi cử thì chờ khoá khác hay năm sau….

Chính vì ngành học khắc nghiệt như vậy, tôi bắt buộc phải chăm chỉ và thu mình vào khuôn thước và thời gian, phải giới hạn rất nhiều những cuộc rong chơi, ăn nhậu với bạn bè  ở hàng quán. Phải dậy sớm vào buổi sáng, vội vàng đến trường cho kịp với giờ học, điểm danh, ban đêm về nhà phải chong đèn học hành đến khuya, nhiều khi suốt đêm vì thi cử.

Với sự chăm chỉ vì ngành học bắt buộc đó, tôi đã vô tình ” nổi tiếng ” là người học giỏi, chăm chỉ, người sinh viên đàng hoàng, không bị sa ngã vào cờ bạc, nghiện hút ở  cái xóm đạo dễ thương,nhiều kỷ niệm đó. Những tiếng tốt, lời khen cũng như cảm tình của những người trong xóm dành cho tôi một cách tự nhiên. Chính tôi cũng không ngờ,  hoàn toàn ra ngoài dự đoán và mong muốn của tôi.

Trong cái xóm đạo đó, có một gia đình đã in sâu vào trí nhớ, tâm hồn tôi những dấu ấn tình cảm rất chân thành. Những hình ảnh rất đẹp, khó quên của thời sinh viên, học hành cực nhọc của tôi. Cô bé tên Chuyên, người con gái lớn của gia đình đó đã vô tình, lặng lẽ im đậm vào ký ức của tôi rất nhiều kỷ niệm đẹp. Tôi quen biết Chuyên dưới một trạng huống hoàn toàn trong thanh, không một tí bụi nhơ, luôn luôn nhìn cô bé bằng nhãn quan gần như cố định, không thay đổi dưới khuôn phép đàng hoàng, thân ái của tình thân “ cậu và cháu”, trong suốt hơn 2 năm trời trọ học của tôi trong cái xóm đạo nhiều hoài nhớ, thân thương đó.

Lúc tôi đến trọ học tại xóm, Chuyên mới 14 tuổi, học sinh lớp đệ ngũ của trường trung học Đồng Tiến, không quá xa nhà. Chuyên là chị cả của 4 đứa em trai, trong đó có chú bé tên Hợp, kém Chuyên một tuổi. Tánh tình của chú bé ham chơi, việc học hành luôn luôn bị than phiền bởi nhà trường, vì vậy ba mẹ Chuyên đã nhờ tôi kèm học cho cậu bé .

Ông Lập, ba của Chuyên là công chức của một cơ quan ở Sài Gòn. Mẹ Chuyên ở nhà, thỉnh thoảng nhận những nông sản từ Cảnh người em trai của bà từ Cái Sắn mang lên để bà bỏ mối cho ngôi chợ gần nhà. Cảnh, cậu ruột của Chuyên, hơn tôi 6, 7 tuổi. Mỗi khi lên Sài Gòn, Cảnh cư ngụ ở gia đình Chuyên nhiều tuần lễ. Cảnh và tôi cũng rất thân tình, chúng tôi gọi nhau bằng anh em.

Một buổi chiều, cũng như mọi lần sau khi học hành xong, từ căn nhà trọ tôi xách xe ra đường, sửa soạn về nhà ăn cơm tối. Vừa ra khỏi cổng nhà vài bước tôi gặp bà Lập đang đi ngược lại hướng tôi. Bà gật đầu, vui vẻ chào tôi:

-Chào cậu Bình, cậu đi đâu vậy ?

-Chào bà, cháu về nhà ăn cơm tối ạ.

Những câu chào hỏi như vậy, được lập đi lập lại giữa tôi và những người quen biết trong cái xóm đạo đó, rất bình thường mỗi khi chúng tôi gặp nhau ở giữa đường. Nhưng lần này khi vừa đi qua mặt tôi vài ba bước, bà Lập đứng lại, với tí ngập ngừng, bà nói với tôi:

-Cậu Bình, cậu khỏi phải về nhà ăn cơm nữa, cậu sang nhà tôi ăn cơm với ba cháu. Tôi vừa nấu một nồi bún ốc, cậu ăn thử xem sao. Hôm nay lại có cậu Cảnh từ Cái Sắn lên cũng là một dịp để hai cậu tâm tình với nhau cho vui.

Một phần vì lười biếng không muốn về nhà, nhưng phần lớn vẫn là tánh thèm ăn của tôi, đã thế lại nghe đến món bún ốc. Chưa biết ra sao nhưng chắc chắn ngon và đậm đà hơn bữa cơm quá đơn giản, nghèo khó của gia đình tôi, gần như mỗi ngày chỉ có món rau muống luộc hay xào làm căn bản. Chẳng một tí ngại ngần tôi vui vẻ nhận lời mời của bà Lập ngay .

Rồi từ bữa cơm quen nhau đó, thỉnh thoảng tôi lại được ông bà Lập cho mấy chú em sang tận nhà trọ, mời tôi sang ăn cơm hay uống trà, ăn bánh hoặc nhâm nhi những món thổ sản do Cảnh mang từ Cái sắn lên.

Lần nào cũng vậy, Chuyên luôn luôn dành cho tôi những sự tiếp đãi, săn sóc rất chân thành,  sự thân thiết đã nảy nở rất mau giữa tôi và mọi người trong gia đình Chuyên. Những đùa giỡn của tôi và Chuyên cũng như với tất cả mọi người trong gia đình càng lúc càng tự nhiên, thoải mái, vẫn tiềm tàng sự trong sáng. Những câu nói, hành động của chúng tôi dành cho nhau luôn luôn minh bạch không mang một ẩn ý gì, ngoài việc mua vui với những nụ cười thân thương trong không khí gia đình. Tôi luôn luôn nhìn Chuyên, đối đãi với cô bé 14 tuổi chẳng có gì đặc biệt hơn vị trí của một ông cậu và cô cháu gái.

Mỗi tuần 3 buổi tối, tôi đến nhà Chuyên kèm dậy cho Hợp, em trai của Chuyên, lại được gia đình Chuyên lo cho bữa cơm tối rất đàng hoàng. Trong những lần dậy học như vậy, tôi thường mang theo sách vở của mình ngồi học bài, trong khi chú bé làm bài tập. Sự săn sóc của Chuyên dành cho tôi cũng dần dần không còn vẻ ngại ngần, ngượng nghịu ban đầu nữa. Đã làm cho tôi cảm thấy hạnh phúc trong cái không khí đầm ấm đầy tiếng cười đùa thân thương đó.

Nhiều lần, trong khi tôi dạy học cho Hợp hay chăm chú vào bài vở của mình ở chiếc bàn khách. Tôi bất chợt nhìn thấy ánh mắt nể trọng, hình như có cái gì là lạ, ấm cúng từ đôi mắt của Chuyên hướng về phía tôi. Cô bé nhìn tôi từ chiếc bàn riêng kê ở góc phòng, cạnh khung cửa sổ phía sau chiếc bàn khách mà tôi và Hợp ngồi. Tôi có cảm tưởng tất cả những hành động, lời nói của tôi trong lúc dạy học cũng như lúc tôi chú ý vào bài vở của mình, đều bị ngắm nhìn rất kỹ từ đôi mắt rất hiền, trong sáng của Chuyên. Một ly nước vừa uống cạn đã được cô bé đến rót đầy ngay, loay hoay tìm một tờ giấy nháp, một chiếc bút chì vừa mòn cần vót nhọn… tất cả được cô bé đáp ứng rất kịp thời một cách kỳ lạ!

Với sự chăm sóc, để ý quá đặc biệt của Chuyên, đôi lúc cũng mang đến cho tôi vài thắc mắc, tí chút cảm giác thân thương là lạ. Nhưng rồi mọi việc cũng chỉ lướt qua không làm tôi bận tâm hay ngại ngần, vì nghĩ rằng cô cháu nhỏ bé của mình vì kính trọng một ông cậu “ tài năng, học giỏi “ mà dành cho tôi tí chút ân cần mà thôi.

Một buổi tối, trong lúc Hợp đang chú ý vào việc làm bài tập, Cảnh vừa từ Cái Sắn lên, anh ta mang ra một vài miếng cá khô thiều rủ tôi cùng với ông Lập ra bộ salon để nhâm nhi. Miệng phì phò điếu thuốc lá, Cảnh mở một chai bia tỏ ý mời tôi lấy lệ vì anh biết rõ tôi sẽ từ chối vì không thích uống rượu, nhất là lúc học hành hay làm việc. Trong khi rót bia vào chiếc ly của mình và ông Lập, Cảnh nghiêm nghị nói với tôi:

-Anh phục chú thật! Không rượu, không thuốc lá, không ăn nhậu… chú cưỡng lại được những tánh xấu đó thật là kỳ lạ. Trong khi bạn bè chú thì ông nào cũng phì phò cái píp trên môi, đánh cờ thâu đêm, uống rượu không biết say…

Ngần ngừ một tí, rồi Cảnh nói tiếp:

-Chú đúng là con người gương mẫu, so với anh chú bỏ xa!

Không biết Chuyên có nghe trọn vẹn lời khen của Cảnh dành cho tôi chưa, nhưng khi mang đĩa khô cá thiều nướng thơm phức từ trong bếp ra cho chúng tôi nhâm nhi . Cô bé mỉm cười nhìn tôi nói:

-Cậu Cảnh nói rất đúng, cô gái nào có phúc mới lấy được cậu Bình làm chồng.

Nghe câu nói đùa của Chuyên cùng tiếng cười khoái trá, có vẻ đồng ý của ông bà Lập. Tôi nhìn Chuyên, rồi cũng chẳng ngại ngần tôi nói một cách thản nhiên:

-Cháu nói có thật không? Vậy cậu lấy cháu làm vợ nhé?

Cả nhà phá lên cười vui vẻ vì câu nói của tôi, trong khi mặt cô cháu ửng đỏ vì ngượng ngập. Cô bé đưa ánh mắt liếc nhìn tôi ra vẻ dỗi hờn, không tin tôi nói thật, cô bé nói:

-Cậu chỉ đùa với cháu mà thôi. Đời nào cậu chú ý đến cháu, cháu xấu xí như ma lem đâu có đáng cho cậu để ý mà.

Ông Lập, càng cười to hơn, đưa bàn tay phẩy phẩy về phía tôi như có ý mời mọc. Ông nói trong tiếng cười đầy vẻ khoái chí:

-Đấy tôi biếu cậu đấy, cậu cứ bê cháu nó đi cho tôi nhờ. Ngày nào nó cũng khen cậu, nào là ngày ngắn, học giỏi… Khiếp! nghe nó nói tốt về cậu mà tôi muốn điếc con ráy.

-Bố kỳ quá! Chuyện gia đình, cái gì cũng mang ra nói với người ngoài.

Cùng với dáng điệu dỗi hờn, khuôn mặt đỏ hồng vì ngượng ngập. Chuyên nói xong rồi ngoe nguẩy đi vào phòng trong.

Những câu chuyện đùa giỡn như vậy vẫn thường xảy ra vào những lần tôi đến nhà Chuyên, trong những bữa cơm tối gia đình hay lúc nghỉ giải lao nói chuyện tếu với mọi người… Những lần đó, câu chuyện luôn luôn được kết thúc bằng nét mặt đỏ hồng, ngượng nghịu với một tí dỗi hờn (hình như không quá đáng) của Chuyên. Còn tôi, vẫn những câu đùa giỡn vô tư không mang một tí bụi nhơ, hoàn toàn trong sáng với cô cháu gái (không có họ hàng) của mình. Sự đùa giỡn của tôi chỉ mang theo những nụ cười không ẩn ý của chính tôi, của bố mẹ Chuyên và hình như của Cảnh người cậu ruột của Chuyên nữa thì phải.

***

Dạy học cho Hợp, em của Chuyên được khoảng gần một năm, trong cái không khí vui vẻ ấm cúng như vậy, nhóm bạn của tôi thu nhỏ dần vì một vài người bỏ ngang việc học để đi làm hay giã từ đèn sách vào quân đội. Không lâu sau đó người bạn chủ nhà cũng đang phải gò mình vào khuôn thước, dự tính lập gia đình. Chúng tôi không còn lý do gì để sử dụng căn nhà trọ đó nữa.

Buổi tối, trước ngày dọn nhà (đúng ra chúng tôi chỉ quét dọn sơ sài vì có gì đâu mà dọn, ngoài một mớ sách vở, vài bộ quần áo… Còn bàn ghế, giường chiếu, chăn màn đều của gia đình người bạn chủ nhà ), tôi cố ý đến nhà Chuyên hơi muộn để chắc chắn không trúng bữa cơm tối, và gặp được cả gia đình Chuyên để nói vài câu từ giã, cám ơn những thịnh tình mà họ đã dành cho tôi trong thời gian qua.

Mặc dù nguồn tin chúng tôi rã đám đã được mọi người trong xóm đạo biết từ trước rồi, nhưng khi bước vào nhà, tôi chỉ mới nói vài câu chào hỏi, báo tin ngày mai sẽ rời xa xóm đạo, đã làm cho bầu không khí quanh chúng tôi như bị khựng lại với âm thanh buồn bã, im lặng. Ông bà Lập nói với tôi vài lời cám ơn về việc đã dậy dỗ Hợp trong thời gian vừa qua, nhắn nhủ tôi siêng đến thăm họ để giữ mãi tình thân. Cảnh bắt tay tôi, anh siết nhẹ tay tôi và nói rất nhẹ bên tai tôi:

-Chú Bình, cố gắng dành thời gian đến thăm chúng tôi thường nhé! Chuyên nó rất mến chú đó.

Tôi cũng chỉ nghe thoáng qua lời nói của Cảnh, dù nhìn thấy dáng diệu anh ta có tí gì là lạ, nhưng tôi không để lại trong lòng mình một tí suy nghĩ nào. Sau vài phút đầu tiên, vì bận rộn với những câu giao tế thông thường, tôi đã không chú ý đến Chuyên. Nhưng khi những lời chào hỏi đã qua, tôi mới nhớ ra là Chuyên chưa nói với tôi một lời nào. Cũng chính lúc đó, tôi chợt nhìn thấy cô bé đứng tựa vào khuôn cửa sổ, im lặng nhìn tôi với ánh mắt phủ đầy buồn bã.

Tôi bước lại gần Chuyên, đưa hai bàn tay để nhẹ lên đôi vai cô bé, giọng nói thật bình thản, giọng nói không mang theo một ẩn ý gì thiếu trong sáng của một người cậu đứng đắn trong gia đình. Tôi nói với cô bé:

-Cậu chào cháu nhé Chuyên, cậu hứa bất cứ lúc nào có thời giờ rảnh cậu sẽ tạt vào thăm cháu và gia đình.

Chuyên ngước mắt nhìn tôi, giọng nói rất nhẹ, không che dấu được nỗi buồn chất chứa trong câu nói:

-Cám ơn cậu Bình, cháu mong cậu đừng quên lời hứa, thỉnh thoảng đến thăm gia đình  cháu. Ngập ngừng một chút, như để đè nén cảm xúc buồn bã đang hiện rõ trên nét mặt, cô bé nhìn tôi, hình như trong ánh mắt của Chuyên, tôi thoáng thấy có cái gì là lạ. Có tí gì mơ hồ, bước ra khỏi cái buồn bã thông thường của người cháu nhỏ bé mà tôi vẫn có trong tâm tư, trí não của mình. Cô bé vội vàng nói với tôi:

-Xa cậu cháu buồn quá, cháu nhớ cậu lắm, cậu Bình ạ.

Nói xong câu nói vội vàng đó, đôi mắt Chuyên chợt đỏ lên, quay vội đi hướng khác nhưng cũng không dấu được tất cả mọi người khi cô bé đưa cánh tay lên gạt hai dòng lệ đang chảy dài trên gò má!

Bà Lập nhìn Chuyên hơi cau mày ra vẻ trách móc:

-Cái con này hôm này thật kỳ lạ! Cậu dọn đi chỗ khác chứ cậu có đi xa, không bao giờ gặp lại mày đâu mà khóc. Cậu đã nói rồi, thỉnh thoảng sẽ đến thăm gia đình chúng ta mà.

Đứng gần đó, Cảnh im lặng theo dõi diễn tiến. Anh kín đáo đưa mắt ái ngại nhìn tôi, rồi lại nhìn Chuyên cùng với vài cái lắc đầu nhè nhẹ khó hiểu.

(còn tiếp)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: